Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sách Văn Học Phật Giáo
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Chương 12

16 Tháng Ba 201200:00(Xem: 4104)
Chương 12

 

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1993, tái bản năm 1995

oOo

 

Chương mười hai

 

 

Tết đầu tiên ở Hội An, chúng tôi được nghỉ hơn nửa tháng. Học tăng được phép về quê trong thời gian nghỉ Tết ấy. Hầu hết các chú ở Nha Trang đều ra Đà Nẵng đón xe đi. Tôi và Sáng cũng rủ nhau ra Đà Nẵng, nhưng không phải để về Nha Trang mà để du ngoạn một chuyến. Nhân có thầy Thông Chánh từ Nha Trang ra thăm, chúng tôi theo thầy ấy đi Non Nước ngắm cảnh Ngũ Hành Sơn.

Ngũ Hành Sơn là năm ngọn núi nhỏ, mọc gần nhau, nhô lên giữa một vùng cát trắng mênh mông nối liền với bãi biển Non Nước. Trong năm ngọn núi ấy, có nhiều thạch động thiên nhiên rất đẹp. Thầy Thông Chánh đưa chúng tôi đến thăm chùa Linh Ứng, một ngôi chùa trên ngọn núi lớn nhất. Thầy Thông Chánh cho biết xưa kia thầy đã trải qua một thời gian làm chú tiểu ở chùa này. Ngoài chùa Linh Ứng, trên núi này còn có chùa Tam Thai. Riêng chùa Quan Thế Âm thì ở dãy núi phía bên kia–thầy thầy Thông Chánh có nói rõ tên của mỗi ngọn núi cho chúng tôi nghe mà tôi không để ý lắm, nên chẳng nhớ. Chúng tôi vào thăm các thạch dộng, xem các hình tượng bằng đá, chỗ thì giống tượng Phật, chỗ thì giống con hạc; lại có trụ đá mà nện vào có tiếng ngân như chuông, có tảng đá bộng hễ gõ vào thì phát tiếng vang như mõ... Chúng tôi cũng lò mò theo thầy Thông Chánh chui vào động Thông Thiên, giống như một đường hầm nhỏ, chạy ngoằn ngoèo, phải khom lưng dò dẫm từng bước qua những ghềnh đá để vượt qua. Gần đến miệng hầm đã thấy gió lạnh từ bên ngoài thốc vào lồng lộng. Ra khỏi hầm, chúng tôi bất ngờ biết rằng mình đang đứng trên chóp đỉnh của ngọn núi. Cách miệng hầm chừng mười thước là một tảng đá lớn dựng đứng, có một tảng đá khác bề mặt phẳng lì, nằm kế bên như một cái bàn nhỏ. Thầy Thông Chánh gọi đây là Vọng hải đài, tức là một cái thềm để nhìn ra biển. Từ Vọng hải đài, chúng tôi có thể nhìn khắp bãi biển Non Nước cũng như các làng mạc xa xa, thấp thoáng sau những rặng bạch đàn và phi lao nối từng hàng xanh thẫm, nổi bật trên dãi cát trắng mênh mông bạt ngàn. Bãi biển Non Nước có vẻ hoang vu vì không người tắm và rất ít người dạo chơi trên bãi. Gió phần phật thổi qua Vọng hải đài. Biển nước nhìn từ xa chỉ thấy một màu xanh biếc; thỉnh thoảng mới có một đợt sóng đầy bọt trắng ùn lên, lan thật nhanh trên mặt nước, rồi vỗ tung vào bờ. Tôi ngước lên thấy trời cao cũng vậy, một màu xanh thẫm; chốc chốc lại có một đám mây trắng ùn ùn kéo qua, trôi đi thật nhanh đến một góc nào đó, không còn thấy tăm dạng. Ngước nhìn một lúc, tôi bỗng thấy như mình đang lơ lửng giữa trời. Dưới chân tôi, trần gian như chưa hề hiện hữu.

Rời Vọng hải đài, chúng tôi về chùa Linh Ứng để ăn cháo chiều trước khi đi thăm vài thạch động khác. Nhưng vừa nếm một muỗng cháo nấm, bụng tôi bỗng đau thắt. Tôi bỏ ăn, đi nằm. Bệnh cũ của tôi tái phát: đau bao tử. Tôi bị bệnh này từ khi còn ở viện Hải Đức, lúc mới đi tu chừng nửa năm. Các thầy ở viện Hải Đức nói đa số những người ăn chay đều vướng phải bệnh loét bao tử vì thức ăn chay ở chùa thường có nhiều xì-dầu và bột ngọt, hai thứ gia vị làm bằng phương pháp chế biến hóa chất. Thời gian đó tôi đã phải ăn xôi hàng ngày thay cơm. Thuốc thang chữa trị chừng ba tháng thì tạm dứt, cho đến bây giờ mới tái phát trở lại. Cơn đau hành hạ tôi đến vã mồ hôi. Tôi ôm bụng chịu đựng gần nửa giờ đồng hồ mới thấy dịu xuống. Sau đó, tôi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay.

Khi tỉnh dậy, tôi thấy thầy Thông Chánh đang ngồi bên giường nhìn tôi. Chú Sáng cũng ngồi ủ rũ gần đó. Thức dậy rồi, tôi đã có thể ăn cháo bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Dù sao, cơn đau bao tử của tôi cũng đã chấm dứt mọi hứng cảm đi chơi của chúng tôi hôm ấy. Tôi và Sáng trở về Đà Nẵng, thầy Thông Chánh thì ở lại thêm một đêm ở Non Nước để ngày mai đón xe đi Đại Lộc. Thầy tiễn chúng tôi xuống núi, rồi ra đến đầu đường để đón xe. Lúc ấy cũng chẳng còn xe cộ gì ngoài mấy chiếc xe honda hai bánh chở khách–người ta gọi đây là xe thồ. Không còn cách chọn lựa nào khác, tôi và Sáng đành leo lên chung một chiếc cho tiện. Sáng nhỏ nên ngồi vào trong, tôi ngồi ở sau. Xem ra thì mặc áo dài mà ngồi hàng hai như vậy có vẻ không được đàng hoàng cho lắm (trong chùa gọi là mất oai nghi). Nhưng lúc đó trời cũng chạng vạng tối rồi, ai để ý làm chi, thầy Thông Chánh nói vậy. Trước khi xe chúng tôi phóng đi, thầy Thông Chánh còn dặn kỹ lưỡng, nào là giữ vạt áo dài cho chắc kẻo vướng giây sên, nào là nắm yên xe cho chặt kẻo té vân vân. Vậy đó mà khi xe sắp chạy lên cây cầu rất cao ở Đà Nẵng, bỗng nghe “rẹt, rẹt” dưới bánh xe, anh tài xế la lên: “Chết chưa! Áo chú nào bị dính sên rồi!” Anh thắng xe lại, hay tại xe bị kẹt sên nên đứng hẳn lại ngay giữa đường. Tôi nghĩ bụng: “Thiệt khổ, mình đã kỹ lưỡng ngồi chặn lên vạt áo sau, vạt áo trước thì dồn trước bụng, vậy mà cũng dính sên, lạ thật!”. Tôi vội bước xuống khỏi xe, nhìn lại, thấy áo mình không bị dính mà là áo của Sáng. Sáng cũng tính bước xuống theo tôi nhưng không được vì vạt áo sau của chú bị cuốn nhiều vòng vào giây sên. Nếu không có tôi ngồi phía sau, có thể vạt áo ấy sẽ kéo chú Sáng té bật ngửa xuống đường. Loại vải Sáng mặc quá dày, không thể rách được, chắc chắn phải té thôi. Rất may là xe ngừng lại kịp thời. Sáng bước xuống xe không được mà ngồi yên tại chỗ cũng chẳng xong vì vạt áo bị kéo ngược khiến chú phải ngồi hơi ngả ra sau, ngước cổ lên trời. Anh tài xế xoay lui, nhìn trên nhìn dưới, biết được tình hình rồi, bình tĩnh nói:

“Khoan nha, chú cứ ngồi yên đó, vịn cho chắc để tôi bước xuống xe trước cái đã.”

Tôi lật đật đến vịn xe và đỡ Sáng cho chú khỏi té. Anh tài xế xuống xe rồi mà chưa chịu cho chú Sáng bước xuống. Anh còn đẩy tới, đẩy lui chiếc xe để tìm cách lấy vạt áo ra khỏi giây sên. Sáng ngồi dính cứng trên xe, mặt xanh như tàu lá. Ngắm nghía một lúc, anh tài xế nói:

“Bây giờ chú bước xuống đứng một bên tôi mới khều ra được.”

Sáng vòng chân trái đưa qua phía phải, bước xuống khỏi xe, nhưng cũng không đứng bình thường được mà phải khum khum người, nương theo chiều kéo của vạt áo, trông chẳng khác gì một con khỉ bị mắc cái đuôi vào kẹt cửa vậy. Tôi thấy buồn cười quá đỗi mà không dám cười. Anh tài xế cũng cười không nổi, lo chăm chăm tìm cách tháo gỡ. Phải chi xe đứng một chỗ mà có thể gỡ vạt áo ra cũng đỡ. Đàng này, anh tài xế phải đẩy chiếc xe chạy tới một đoạn, rồi lại đẩy lui một khúc, vừa đẩy vừa lấy cây khều, móc. Báo hại Sáng phải vừa khum người vừa bước tới mấy bước, bước lui mấy bước, theo chiều xê dịch của chiếc xe để khỏi bị “đứt đuôi.” Tôi nín cười trong bụng. Chỉ có Sáng là cười được mà thôi, cười ra nước mắt! Cuối cùng thì cũng gỡ ra được thôi.

Xe tiếp tục chạy. Cả anh tài xế lẫn chúng tôi đều im lặng, chẳng ai nói với ai lời nào. Được một khoảng mới nghe anh tài xế bật cười lên sằng sặc, rồi anh lại ho húng hắng. Có lẽ anh phải giả bộ ho để khỏa lấp cơn cười vậy thôi.

 

 

a

 

 

Kinh tế của Phật học viện bị đe dọa kể từ tháng năm sau ngày khai giảng. Giáo hội trung ương cũng như địa phương không tiếp trợ hoặc chỉ tiếp trợ rất khiêm nhường. Một mình Thượng tọa giám viện phải gánh lấy trách nhiệm chăm sóc nuôi dạy cho hơn sáu chục miệng ăn (kể cả chúng thường trú, tức những thầy và những chú không tham dự khóa học của Phật học viện nhưng là nhân sự tu tập thường xuyên của chùa Long Tuyền, đệ tử của Thượng tọa). Càng thiếu thốn, tiêu chuẩn cơm gạo hàng ngày càng giảm xuống. Một hôm trong buổi họp của đại chúng, Thượng tọa giám viện tuyên bố cắt bớt bữa điểm tâm (cháo sáng). Không những vậy, phần cơm chiều, một cách lặng lẽ không cần tuyên bố, cũng hơi hụt đi một ít (thay vì mỗi chú được ba chén cơm thì nay còn chừng hai chén hay hai chén rưỡi). Vậy là thư cầu viện gia đình lại rầm rộ gửi đi, ồ ạt hơn, khẩn cấp hơn. Đói lắm lận!

Tôi có viết thư về nhà nhưng không đá động gì đến chuyện thiếu thốn của viện. Tôi còn nói dối với mẹ rằng số tiền thầy và mẹ tôi cho từ ngày rời Nha Trang, tới nay tôi vẫn còn gửi nơi thầy quản chúng. Tôi nhắc mẹ nhiều lần là đừng bao giờ gởi tiền cho tôi. Thực ra thì tiền của tôi cũng đã vơi cạn dần theo một tỷ lệ nghịch rất tương xứng với những chồng sách cao dần lên ở trên bàn và đầy trong va-li. Nhưng thư của các chú khác gửi về lại than van quá sức khiến chuyện đến tai thầy tôi. Thầy lặng lẽ gởi tiền cho tôi, gởi kèm cho cả Sáng nữa, cũng cả ngàn đồng, không nhằm dịp nào cả, gửi như một lúc tình cờ nhớ đến những đứa học trò phương xa vậy thôi.

Tiền thầy gửi kỳ này, tôi không mua sách như trước (một phần vì cũng không có dịp đi Đà Nẵng) mà để dành cho chuyện “ăn”. Phải, chuyện ăn. Tôi không cần phải che giấu chuyện này. Có thực mới vực được đạo! Ở đây không cần phải nói đến chuyện kiến tánh hay chứng ngộ gì cho xa vời, cao siêu. Cho dù bọn tiểu chúng tôi có sắp thành Phật đi nữa thì ở tuổi phát triển, ăn uống cũng mạnh bạo lắm. Vậy là với món tiền trong túi, tôi rủ một vài chú “nghèo” đi ăn–các chú nghèo tức là các chú không có thầy hoặc gia đình tiếp viện tài chánh. Chúng tôi phải đi ăn thêm trong hai ngày cuối tuần chứ không đi được vào các ngày có lớp.

Phải đi ra ngoài ăn là vì trong viện đã cúp cháo sáng thì cả đại chúng phải nhịn. Đại chúng nhịn mà mình mua đồ về nấu ăn riêng thì trông không được hòa hợp (với lại ăn kiểu đó thì có ngon gì, nuốt sao cho trôi!). Cho nên, vào cuối tuần, các chú có tiền kéo nhau đi phố, đi chợ, đi thăm bà con v.v... đủ thứ lý do để xin được ra ngoài, kiếm một chỗ nào đó mà ăn. Kể ra cũng khó mà tìm được một chỗ để ăn. Người đời muốn ăn đâu cũng được, có tiền thì ghé tiệm này tiệm kia, quán này quán nọ. Làm tiểu ở chùa như bọn tôi, đầu thì để chỏm, thân thì mặc áo tu, bước ra ngoài chẳng giống ai, có chỗ nào để tạt vào mà ăn được đâu. Thấy khó như vậy nhưng mà cũng có cách để giải quyết hết. Các chú ở địa phương thì ghé qua nhà bà con, đưa tiền nhờ họ mua đồ chay về nấu; hoặc có chú hoạt bát, mạnh dạn làm quen một vài gia đình phật-tử thường lui với chùa, cũng có thể đến thăm nhà họ mỗi cuối tuần, luôn tiện nhờ họ nấu cho một bữa ăn sơ sịa gì đó. Tiền chợ có khi do một chú khác đưa. Người kiếm chỗ, người đưa tiền. Nhưng trường hợp đến ăn tại nhà bà con hay đạo hữu cũng hiếm hoi, dù rằng có nhiều gia đình rất thương và thông cảm cho hoàn cảnh của các chú tiểu. Đâu phải tuần nào cũng dày mặt dày mày kéo đến nhà người ta mà nhờ vả được! Cho nên, xoay tới xoay lui một thời gian, cuối cùng các chú cũng mặc nhiên công nhận hai địa điểm đặc biệt, có thể đến ăn một cách thoải mái, chủ nhân không những không phiền mà còn có ý mời mọc nữa là khác. Chẳng biết ai là người đầu tiên khám phá ra hai “tiệm ăn” lý tưởng này–nghe đồn là các chú Nha Trang! (Chắc là các chú ở Phật học viện Linh Sơn rồi chứ bọn tiểu viện Hải Đức chúng tôi, ngoại trừ chú Thiệt ra, trông khờ chết, lúc nào cũng đi sau thiên hạ thôi!).

Chỗ thứ nhất là quán bánh mì “bà Đạo”. Đây là một quán bánh mì thịt nguội cho người qua đường ghé mua. Quán nằm gần ngã ba đường Phạm Phú Quốc, trên đường đất dẫn vào Phật học viện. Từ viện đến quán cũng khá xa, nếu trên đường đi học mà ghé vào thì tiện lợi, chứ vào cuối tuần mà cuốc bộ ra đó để ăn bánh mì thì hao sức lắm! Mà đi học với nội qui xếp hàng dọc, có các chúng trưởng, chúng phó kiểm soát, có thầy quản chúng điểm danh, thì làm sao có thể ghé vào quán được? Vậy mà được mới tài! Tôi nghe kể lại như vầy: thoạt tiên có một chú–đích thị là dân Nha Trang–đói quá, bất kể kỷ luật, trên đường đi học liền tạt vào mua một ổ bánh mì chan nước tương. Mua xong, bỏ bánh vào cặp táp, chạy vội theo cho kịp hàng đội. Thế rồi... dĩ nhiên là không thể vừa đi vừa ăn ngoài đường, nên ắt hẳn là phải đem vào lớp học, gầm đầu xuống bàn mà gặm bánh! Sáng kiến này tuy chẳng phải thuộc loại cao cấp gì, nhưng ít ra cũng gợi ý cho các chú khác biết là để giải quyết cái đói, mua bánh mì là tiện nhất, khỏi phải phiền ai nấu nướng dùm. Vậy là, “phong trào” ăn bánh mì bắt đầu. Dần dần, quán trở thành quen thuộc. Lúc nào trong quán cũng chỉ có hai mẹ con bán bánh. Người mẹ khoảng bốn mươi ngoài, cô gái đâu khoảng mười ba, mười bốn. Các chú đâu biết tên bà chủ quán là gì nên đặt đại cái tên là “bà Đạo” cho tiện (vì bước vào nhà thấy có bàn thờ Chúa Giê-su). Lại nghe rằng cô gái bán bánh mì đó “phải lòng” một chú tiểu của viện. Chú ấy tên là Sâm, người gốc Quảng Trị. Chú ghé mua bánh mì sao đó mà mua được cả trái tim cô gái nữa. Cho nên, có chú gọi đùa quán bà Đạo là “quán chú Sâm.” Chú Sâm lúc ấy cũng đâu chừng mười ba tuổi, mặt mày sáng láng khôi ngô, đôi mắt to với hai hàng mi cong dài như con gái. Thương chú cũng phải. Có điều là con Chúa thương con Phật mà lại là con Phật thứ thiệt! Tình yêu của con nít tuổi học trò mới thực sự là không có giới hạn nào. Cũng may đó chỉ là cái quán nên tình yêu cũng không ở lâu. Lữ khách và quán trọ thì có gì nhiều để nhớ. Nghe rằng để chiều khách của Phật học viện ghé vào, sau này bà Đạo có làm một tô nước sốt chay đặc biệt cho các chú ăn bánh, chứ bánh mì không chan nước tương hoài trông không được hấp dẫn. Quán bánh của bà Đạo được cái tiện lợi là nằm trên đường đi học, nhưng bánh không ngon và dòn như ở quán bà Viết. Lý do rất dễ hiểu là mua bánh rồi mang đi, kiếm chỗ khác ngồi ăn chứ không ăn liền tại chỗ được.

Quán bà Viết thì nằm ở xã Cẩm Hà, cứ men theo con đường nhựa sau lưng chùa, đi về hướng Non Nước đâu chừng non một cây số thì đến. Chẳng hiểu tên “bà Viết”tên thật của bà chủ quán hay cũng chỉ là một cái tên do các chú đặt ra để có mà gọi (chẳng hạn mỗi lần bán được một món thì bà lại lấy viết ghi vào sổ... hay là các chú ăn bánh mà bắt bà phải ghi nợ, tức là “ăn chịu trả sau”... nên đặt tên là bà Viết chăng?). Tôi thì nghe các chú Nha Trang gọi bà ấy là bà Giết hay Diếc gì đó, nên cũng gọi theo là bà Giết cho tiện, nhưng cứ theo cách phát âm nhà quê của dân ngoại ô Nha Trang thì có thể đoán chữ ấy là Viết, chứ ông bà nào lại đặt tên con là Giết bao giờ! Quán của bà Viết kể ra thì gần viện hơn là quán bà Đạo, nhưng nằm ở phía xã Cẩm Hà, phải đi ngược hướng với trường Bồ Đề bằng con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo bên hông viện, hoặc bằng con đường nhựa không xe qua lại giữa viện và trại lính Đại Hàn. Bà Viết dựng cái quán lụp xụp, mái che lá dừa, bên lề con đường nhựa nối liền Hội An với Non Nước. Con đường vắng hoe, lâu lâu mới có một chiếc xe cam nhông của quân đội chạy ngang. Vậy mà bà Viết vẫn bán được, vì khách của bà không phải là loại khách đi xe mà là những bác nông phu, tiều phu, lao động quanh vùng ghé lại. Bà cũng không bán một thứ duy nhất là bánh mì thịt như bà Đạo. Bày trên cái sạp bằng tre rộng lớn, còn có đủ thứ bánh kẹo, trái cây, chè đậu đen và đặc biệt là một nồi chè lá, nước đỏ ối.

Khi chúng tôi đến, bà Viết đang có đông khách. Các bác làm vườn, làm ruộng, khi ghé vào đây uống tí chè lá, thường ngồi tợp nước mà nói chuyện mùa màng, thuế má, cù nhây cù nhưa, e chừng chẳng muốn rời quán. Đông khách như vậy, chúng tôi đâu có ngồi đó mà ăn được. Bà Viết nhanh ý gọi ông chồng đến nói nhỏ mấy tiếng, ông chồng bèn đưa chúng tôi vào trong. Chúng tôi theo ông, đi vòng qua mấy luống cải, một vài căn nhà, rồi mới đến được căn nhà của ông. Như vậy, ước chừng ngôi nhà cách cái quán cũng gần cả trăm thước. Đây là ngôi nhà đúc ba gian, nền cao, chung quanh trồng hoa kiểng đủ màu sắc. Ông Viết mở cửa mời chúng tôi vào phòng khách. Vừa lau bàn, ông vừa nói:

“Ở ngoài đông quá, không đủ ghế cho các chú ngồi. Ngồi đây thoải mái hơn. Các chú đừng ngại. Mấy hôm có các chú khác đến chúng tôi cũng mời vào đây. Bây giờ các chú muốn dùng thứ chi đây? Bánh mì phải không, mấy ổ?”

Chúng tôi đi ăn lúc đó là sáu người. Năm chú kia, không có chú nào thuộc nhóm Nha Trang (vì các chú Nha Trang đều có tiền riêng, tôi đâu cần phải đãi). Một chú lớn tuổi nhất, có vẻ dạn dĩ, bảo ông Viết cho sáu cái chén để uống trà trước. Còn chuyện ăn thì để nhường phần tôi muốn gọi sao thì gọi. Tôi nói ông Viết đưa bánh mì đến, từng đợt sáu ổ một dĩa. Ổ bánh ở đây là loại nhỏ, vừa nắm tay, dài chừng gang tay. Chúng tôi ngồi chơi chừng mười phút sau thì ông Viết bưng một khay bánh vào, có cả tô nước sốt cà nữa. Bánh mì chay thì cũng bao nhiêu đó thôi: nước sốt cà, nước tương, dưa leo, xà lách, tiêu, ớt. Nhưng nóng dòn và ngon làm sao! Chúng tôi mời nhau một tiếng lịch sự rồi bắt đầu ngoạm. Bánh dòn nghe kêu rào rạo. Nước sốt của bà Viết có bỏ vào chút đậu phụng giã vừa dập, ăn rất béo. Tội nghiệp những cái bụng đói của chúng tôi. Và cũng tội nghiệp ông Viết, lưng khom khom, chân dài lêu khêu như chân cò mà cứ phải đi ra đi vào cả chục lần để cung ứng năm khay bánh cho chúng tôi (vị chi mỗi chú ăn năm ổ!). Đến ổ bánh thứ năm, ông Viết bưng tô nước sốt đã cạn hỏi chừng:

“Các chú... có dùng nữa không, để tôi đi lấy thêm?”

Các chú kia đều nói không. Tôi cũng thấy no rồi, nhưng nghĩ có thể các chú ấy còn muốn ăn nữa mà phải nói không vì tôi là người trả tiền. Tôi thực tình nói:

“Các chú ăn thêm đi. Đừng có ngại. Nếu các chú ăn nữa, tôi cũng ăn thêm cho vui. Đồng ý không?”

“Thôi, vậy đủ rồi,” chú lớn tuổi nhất nói. Các chú kia cũng hùa theo, không ai chịu ăn nữa.

Ông Viết đứng bên, thấy chỉ có tôi là người đề nghị ăn thêm nên tưởng rằng tôi còn thòm thèm, liền nói:

“Mấy chú ấy không ăn thì chú cứ ăn đi cho no. Hôm trước chú ăn mười ổ lận mà.”

“Cái gì?” tôi sửng sốt hỏi lại.

Các chú kia, kẻ ôm bụng, người bụm miệng, cười khúc khích. Một chú nói:

“Chắc bác lộn rồi đó, chú này mới tới đây lần đầu thôi, bác ạ!”

Một chú khác chen vào:

“Với lại ai mà ăn tới mười ổ! Năm ổ là ngất ngư rồi bác ơi!”

Ông Viết trợn mắt ngó tôi một lúc, rồi cười nói:

“Không phải chú thiệt hả? Vậy chắc tôi lầm rồi. Mấy chú giống nhau quá, chú nào cũng mặc áo như vầy, để cái đầu như vầy, dội cái mũ rộng vành của hướng đạo như vầy... Nhưng chuyện ăn mười ổ bánh là tôi nói thiệt đó. Có một chú giống chú này nè,” ông chỉ tôi, “cũng ngồi ở bàn này, ăn mười ổ. Đáng lẽ chú ấy còn ăn thêm nữa kia, nhưng lúc đó bánh mì từ Hội An về chưa kịp, nên chú mới thôi đó. Rồi chú ăn tạm  hai cái bánh ú với một ly chè đậu đen.”

Một chú hỏi:

“Chú đó nói giọng ra sao? Bác biết chú quê ở đâu không?”

“À, tôi có ngồi nói chuyện với một chú một chập, chú kể rằng chú ở Nha Trang.”

Các chú kia lại một phen cười ầm lên. Rồi theo lời ông Viết tả, chúng tôi biết chú ấy là chú Thành. Tôi khỏi bị hàm oan, nhưng dù sao, cũng hơi xấu hổ. Dân Nha Trang ăn uống gì mà khiếp!

Cũng từ đó, có lời ra tiếng vào rằng, các chú Nha Trang thứ gì cũng nhất (chắc chắn là không loại trừ chuyện ăn bánh này rồi!). Và cũng từ đó, có người không gọi chú Thành bằng tên của chú nữa, mà gọi bằng biệt danh “mười ổ”.

Chúng tôi không ăn thêm bánh mì mà mua kẹo đậu phụng để ăn tráng miệng. Kẹo đậu phụng do bà Viết tự làm lấy ở nhà. Bà làm rất khéo. Hột đậu còn dòn. Đường thắng vừa tới, ánh lên màu đỏ như hổ phách rất đẹp mắthấp dẫn chứ không bị đen thui hôi khét như những chỗ khác. Lúc về, chúng tôi còn mua thêm mấy bịch kẹo cau và kẹo ú để dành ăn chơi với nhau trong giờ phóng tham. Ông Viết tính tiền xong, đưa chúng tôi một đoạn ra khỏi nhà. Ông hỏi nhỏ với giọng hơi ái ngại:

“Hỏi thiệt mấy chú... chắc ở chùa không đủ gạo nấu phải không?”

Tôi cười đáp:

“Không phải đâu bác. Tại bánh mì của bác làm ngon quá chúng tôi mới rủ nhau đến ăn cho vui đó mà.”

Tuần sau, tôi đãi các chú khác. Cứ vậy, tiền thầy cho, tôi dành cho chuyện ăn uống, dặm thêm cho bao tử và chia sẻ với chúng bạn. Vẫn chưa biết thế nào là dành dụm hay tiết kiệm tiền bạc. Vài lần đãi đằng như vậy, tiền cạn. Nhưng tiền hết thì cũng vui vẻ mà nhìn chứ không lấy đó làm chuyện thúc bách. Có lúc tôi ray rứt nghĩ rằng thầy cho tiền mà đem tiêu xài kiểu đó thì phụ lòng thầy. Nhưng xét lại, tôi biết khi gửi tiền cho tôi, thầy tôi chẳng nghĩ gì khác ngoài chuyện cho tôi để tiêu vặt. Tuổi niên thiếu có chuyện gì quan trọng để xài tiền đâu. Một là mua đồ chơi, hai là ăn vặt. Đi tu rồi, không cần đồ chơi nữa; cũng chẳng cần ăn vặt nhiều như con nít ngoài đời nữa, nhưng chắc chắn là không cắt tuyệt chuyện ăn uống khi cần. Vậy thì cho tiền đệ tử để chia sẻ với chúng bạn thì cũng hợp ý thầy tôi rồi. Đó là điều tôi đã học từ nơi thầy lúc còn ở viện Hải Đức Nha Trang kia mà.

 

 

a

 

 

 

Để cứu vãn tài chánh của viện, Thượng tọa giám viện đã tổ chức những chuyến vận động yểm trợ tài chánh cho Phật học viện bằng cách đem hết đại chúng đi thăm viếng các chùa ở thị xã Hội An cũng như ở nhiều quận lỵ khác thuộc tỉnh Quảng Nam, đồng thời giới thiệu sinh hoạt của Phật học viện cho các giáo hội địa phương khác được biết. Trước tiên là các chùa ở Hội An và các vùng phụ cận. Mỗi cuối tuần, có hai chiếc xe đò vào viện đưa mấy chục thầy trò chúng tôi đi. Đó là những chuyến hành hương thú vị. Nhờ vậy, chúng tôi được tham quan hầu hết các ngôi danh lam, cổ tự của tỉnh Quảng Nam. Thăm các chùa ở Hội An về, trên xe có chở thêm gạo. Thăm các chùa ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Đức Dục, Quế Sơn, xe chạy không muốn nổi vì bầu, bí, bắp, đậu, v.v... chất lên nhiều quá. Các chuyến đi ấy khá thành công. Nhiều giáo hội và nhiều Phật tử hảo tâm hứa ủng hộ thực phẩm và tiền bạc cho Phật học viện hàng tháng. Những tháng kế tiếp, viện cho nấu lại bữa điểm tâm (vẫn là cháo sáng, nhưng cháo đặc hơn trước), còn thức ăn hàng ngày lúc nào cũng có bầu, bí đao, bí rợ (bí ngô, bí đỏ)... Cứ xào qua xáo lại thì bữa cơm nào cũng có được hai món ăn (trưa: canh bí, bầu kho; chiều: canh bầu, bí kho), đặc biệt món bí rợ (tức bí ngô) nấu với đậu phụng, lại thêm đậu xanh, ăn rất ngon. Thượng tọa giám viện nói: “Các chú đừng có chê bí rợ, ăn bổ óc lắm đó, bổ óc thì tăng thêm trí thông minh, học mới giỏi được”. Bầu, bí chở về chất đầy một kho, sắp từng lớp từng hàng, cao đụng trần nhà, đi từ xa cũng nghe được mùi. Y như một cái vựa lớn. Có nuôi thêm mội đại đội chú tiểu nữa cũng ăn không hết. Các dì vài kêu gọi thêm viện binh từ các gia đình Phật tử gần chùa, suốt ngày thay nhau cắt gọt, đem bào mỏng bí rợ, bí đao rồi đem phơi khô, để dành từng bao bố lớn. Mùa mưa lấy bí khô ra kho ăn. Đặc biệt bí rợ khô đem kho ăn còn ngon hơn cả bí tươi nữa kia. Tuổi học trò mà được ăn bí rợ mỗi ngày thì tốt quá đi chứ: bổ óc! Có điều, cũng vì cái bổ óc này mà ăn bí suốt năm không còn thấy ớn nơi cổ họng nữa, mà ớn ở trong óc. Có chú nói đùa rằng: “Tôi ngồi niệm Phật mà sao cứ ngửi thấy mùi bí kho!” Một chú khác còn giễu hơn, nói: “Hồi tối nằm mơ, tôi thấy bị trái bí đè ngang ngực, ngộp thở bắt chết!”

 

 

a

 

 

Thế rồi năm học cũng trôi qua. Chúng tôi chuẩn bị một kỳ nghỉ hè dài hơn hai tháng.

Lễ bế giảng ở trường Bồ Đề được tổ chức trước. Tôi có phần thưởng hạng nhất ở trường ấy mà tôi không đi lãnh thưởng. Tôi cáo bệnh, nhờ chú Tánh đi lãnh thay. Cũng may là các chú tiểu nhìn qua thấy giống nhau, nên chẳng ai biết. Chú Tánh lãnh phần thưởng xong, về kể lại tôi nghe rằng khi trường gọi tên tôi lên khán đài nhận phần thưởng, chú ấy quên mất là chú đang đóng vai tôi, nên cứ đứng im, nhìn quanh; người ta phải gọi mấy lần chú mới sực tỉnh, lật đật bước lên. Giáo sư chủ nhiệm vỗ vai chú trách nhỏ: “Thiệt tình chú này, trong lớp lanh lợi lắm mà bây giờ kêu lãnh thưởng lại chậm chạp thế!” Tôi tặng phần thưởng đó cho chú Tánh nhưng chú không nhận. Thôi thì chia đôi. Tôi giữ mấy cuốn sách và tự điển. Chú ấy lấy tập vở và bút máy.

Lễ bế giảng năm thứ nhất của Phật học viện được tổ chức sau đó một tuần, ngay tại phòng học của viện. Hai phòng học ngăn nhau bởi một vách ván, nay ván được tháo ra, tạo thành một hội trường khá rộng. Lễ bế giảng này cũng nhằm vào dịp kỷ niệm Đệ nhất chu niên ngày thành lập Phật học viện. Chư tăng ni và quan khách Phật tử được mời tham dự rất đông, trong đó có cả các vị thuộc ban giám hiệu và giáo sư trường Bồ Đề. Toàn bộ tăng sinh chúng tôi cũng tập trung dự lễ. Sau lễ này mới được về quê nghỉ hè. Đặc biệt hôm ấy có đãi món mì quảng chay cho khách sau buổi lễ, cũng ngay tại hội trường đó. Sau phần diễn văn khai mạc của Thượng tọa giám viện và phần phát biểu cảm tưởng của các đại diễn quan khách, ban giám học lược trình sinh hoạt của Phật học viện đồng thời trình bày kết quả tu học của tăng sinh. Khi thầy quản chúng thay mặt ban giám học, nêu tên các tăng sinh xuất sắc, tôi đã lủi xuống nhà bếp. Thầy quản chúng giới thiệu hai ba lần cũng chẳng thấy tôi đâu, nên đành lướt qua, đọc đến các tên xếp hạng hai, hạng ba v.v... Ban giám học thúc giục các chú chạy tìm tôi. Chẳng qua, tôi không muốn chường mặt ra trước đám đông để đón nhận sự khen thưởng như tôi đã tránh né lãnh thưởng ở trường Bồ Đề. Chú chúng trưởng chúng Ca Diếptrách nhiệm kiểm soát công tác trị nhật trong ngày đã bảo tôi phải ở trong hội trường để dự lễ, nhưng tôi lấy cớ đau bụng, rồi lại lấy cớ phải lo dọn ăn để trốn. Ngồi ở mé hiên phía sau bếp, tôi nghe loáng thoáng giọng thầy quản chúng từ máy vi âm vang lên. Âm thanh từ hội trường lúc được lúc mất, vẳng đến tai tôi theo những làn gió từ nghĩa địa lùa vào. Lúc đó, tôi bỗng cảm nhận được rằng từ nhỏ, tôi vốn không phải là típ người thích hợp với đám đông. Và bây giờ, tôi lại càng không thích hợp với đám đông hơn. Nhưng sự việc không đơn giản như là tâm lý sợ đám đông mà còn ở một góc cạnh tâm lý nào khác. Hình như sau lưng những sự thất bại và thành công, là một cái gì trống rỗng. Cái trống rỗng đó khiến tôi không còn hứng thú để làm một cái gì khác, hoặc tiếp tục một vận hành nào khác.

 

 

a

 

 

 

Nhớ lại năm cuối cùng của bậc tiểu học, tôi được một lúc ba phần thưởng, gồm phần thưởng danh dự hạng nhất, phần thưởng hạnh kiểm của trường tiểu học Sinh Trung, và một phần thưởng trong kỳ thi vẽ của toàn tỉnh, tổ chức tại trường Nam tiểu học. Ba cái phần thưởng to lớn ấy vừa làm tôi sung sướng hãnh diện, nhưng cũng làm cho tôi chán ngấy liền sau đó, khiến cho khi vừa bước vào trung học, tôi đã trở thành một đứa học sinh quá tệ. Phần thưởng danh dự và hạnh kiểm lãnh ở trưởng Sinh Trung không có gì đáng nói. Vì khi được gọi tên, tôi bước lên nhận phần thưởng, rồi cúi đầu chào cám ơn. Rời khán đài rồi, chỉ việc nhờ anh hay chị ôm dùm bớt một phần thưởng, mang về nhà. Riêng cái chuyện thi vẽ của tiểu học toàn tỉnh mới tạo cho tôi một sự chán ngấy, ám ảnh tôi ghê gớm.

Mỗi năm, ty tiểu học có tổ chức một kỳ thi toàn tỉnh bao gồm các môn luận văn, toán, thường thức, vẽ, các bộ môn thể thao và văn nghệ. Học sinh xuất sắc về những môn ấy được các trường trong toàn tỉnh tuyển chọn để đưa đi thi. Về các môn thể thao, việc tuyển chọn thí sinh trong mỗi lớp rất đơn giản. Riêng các môn toán, luận văn và vẽ ở trường tôi thì hơi bị trở ngại là vì theo nhận xét của các vị giáo viên, tôi là đứa có triển vọng thắng giải nhất về cả ba môn ấy. Nhưng vì các môn được tổ chức thi trong cùng ngày cùng giờ, nên mỗi môn phải chọn một thí sinh chứ không thể một thí sinh mà gánh luôn cả ba. Hơn nữa, mỗi thí sinh được giao cho thi môn gì thì cũng phải có thì giờ để luyện thi môn ấy. Làm sao tôi có thì giờ để luyện thi cho cả ba môn! Vậy là ban giám hiệu phải hội họp, bàn cãi để quyết định chọn tôi thi môn nào, rồi các môn còn lại sẽ tuyển học sinh khác. Giáo viên lớp tôi thì cứ một mực bảo là tôi phải thi luận văn vì chấm bài của tôi suốt năm, ông biết tôi khá môn ấy. Còn giáo viên kèm toán cho lớp luyện thi buổi tối thì bảo tôi phải thi môn toán, vì tôi làm toán rất nhạy và vững. Nhưng cuối cùng, theo đề nghị của thầy phó hiệu trưởng–vốn là một họa sĩ–nên để tôi đi thi môn vẽ, vì qua cuộc tuyển lựa tranh vẽ trong lớp, thầy đã không tìm được một thí sinh nào khá hơn tôi trong môn ấy. Một chị lớn của tôi, là giáo viên, có mặt trong buổi họp, đã về nhà kể lại ba mẹ tôi nghe về cuộc bàn cãi ấy. Khi được hỏi ý kiến về việc chọn tôi thi môn gì, chị đã trả lời:

“Thực tình tôi chẳng biết nó giỏi môn nào, cứ theo hai thầy dạy nó trực tiếp thì bây giờ mới rõ là nó khá luận văn, và khá toán... Chứ riêng tôi ở nhà, chỉ nhớ mang máng một điều là mấy đứa em tôi, từ lớn đến nhỏ, suốt ngày cứ bày giấy ra mà vẽ tranh, vẽ đủ thứ... Vẽ chơi thì có đó, chẳng biết thi vẽ sẽ như thế nào.”

Thầy hiệu trưởng nghe vậy quyết định ngay:

“Thôi, vậy là được rồi. Cho em Khang đi thi vẽ.”

Thầy phó hiệu trưởng đảm trách việc kèm tôi trong thời gian luyện thi. Thầy mua cho tôi hai tập giấy vẽ trắng khổ lớn, cục tẩy, đồ chuốt thật bén, và hay cây bút chì đen, một cây đậm, một cây nhạt. Mỗi ngày, thầy vào lớp tôi, thưa với giáo viên cho rút tôi ra ngoài một giờ đồng hồ để tập vẽ. Thầy đâu có dạy tôi cái gì đâu. Chỉ dặn tôi ngay bữa đầu tiên là lúc nào nên dùng cây bút đậm, lúc nào nên dùng cây bút nhạt. Còn vẽ thứ gì thì thầy chỉ nói gọn một câu:

“Đề tài thi theo thầy biết mấy năm trước, là hãy vẽ theo trí tưởng tượng của em bất cứ vật hay cảnh gì em thích. Vậy đó, vẽ đi.”

Một giờ đồng hồ, vẽ được hai, ba bức tranh. Vẽ xong trình thầy xem. Thầy đề nghị nên sửa chỗ nào, nên tô đậm hay đánh bóng chỗ nào.

Trước tiên, chúng tôi phải trải qua một kỳ thi cấp quận với các trường tiểu học thuộc quận Vĩnh Xương (Nha Trang cũng nằm trong quận này). Các môn thể thao, trường tôi thua hết, chỉ được giải nhất ở môn bóng bàn đơn nam lẫn đánh cặp do hai anh em người bạn cùng học lớp tôi. Các giải toán, luận văn, trường tôi đều thất bại. Duy có vẽ thì may sao, tôi được giải nhất. Sau khi nguệch ngoạc vẽ xong bức tranh của mình, tôi đã lén nhìn quanh các thí sinh khác, thấy họ vẽ bằng bút chì màu, hoặc bằng màu nước, rất điêu luyện. Lúc ấy tôi đã thấy thất vọng, nghĩ là mình không sao thắng nổi họ. Vậy mà chẳng biết sao, tôi lại được chấm nhất. Tôi có vẽ cái gì đặc biệt đâu. Không có mặt thầy phó hiệu trưởng nên tôi đâu thèm nghe lời thầy: đem theo hai cây bút mà tôi chỉ sử dụng có một cây đậm (tôi ghét cây nhạt). Tôi vẽ một ông lão cũng một đứa bé gái ngồi câu cá ở bờ sông. Tranh chỉ có vậy. Thầy phó hiệu trưởng kể lại cho thầy hiệu trưởng và chị tôi nghe rằng, trong ban giám khảo, có một cô giáo cũng là họa sĩ, nhất định chấm bức tranh của tôi hạng nhất. Cô ấy đã phân tích cái trí tưởng tượng mà cô cho là phong phú của tôi thế nào, và đặc biệt nhấn mạnh là tôi có nét vẽ điêu luyện ở những cây cỏ mọc quanh bờ sông... Thầy hiệu trưởng mừng lắm, ẵm cả tôi đưa lên cao, dẫn tôi cùng đám thí sinh của trường đi ăn phở và giải khát ở sân quần vợt trước mặt trường Nam tiểu học.

Đâu chừng nửa tháng sau, tôi và hai bạn giải nhất bóng bàn tham dự cuộc thi chung kết toàn tỉnh, tức là thi với các trường tiểu học ở các quận lỵ khác trên toàn tỉnh Khánh Hòa. Lần này, tôi vẽ hai chiếc thuyền qua sông, có một nhánh cây lớn từ góc tranh sà xuống. Vẽ xong, tôi lại ngồi nhìn quanh, thấy các bạn khác vẽ màu rất công phu, tôi lại đâm ngại, thiếu tự tin. Nhưng không biết làm gì khác hơn. Cứ ngồi đó. Chị tôi đi vòng vòng ngoài hành lang, thấy tôi ngồi không thì đưa tay ra dấu, ý chừng muốn bảo tôi hãy vẽ đi chứ sao ngồi đực ra đó, làm sao kịp giờ. Tôi nhăn nhó, gật đầu, cắm cây bút xuống bàn, tỏ ý đã vẽ xong rồi. Chị lại ra dấu bảo vẽ nữa. Tôi khó chịu, cúi xuống bức tranh, tô thêm vài chỗ lấy lệ. Viên giám thị thấy được, bèn đến nhìn vào bức tranh của tôi rồi lặng lẽ bước ra hành lang, nói gì đó với chị tôi. Chị tôi bèn xua tay, bảo thôi, đừng vẽ nữa. Sau này chị kể lại rằng, viên giám thị nói: “Nó vẽ vậy đẹp rồi sao lại bảo nó tô thêm, tô tới tô lui làm mất vẻ tự nhiên của bức tranh đi!” Chị tôi nghe được mới giật mình.

Vậy mà bức tranh của tôi lại được giải nhất, có điều đây là giải nhất đồng hạng. Cùng hạng nhất với tôi là một thí sinh ngồi phía bên phải của tôi. Anh ấy to cao, khiến tôi nghi ngờ là không phải học sinh tiểu học. Khi liếc thấy bức tranh trái mãng cầu vẽ bằng bút chì màu của anh ấy, tôi đã không chú ý lắm, cho là không bằng bức tranh vẽ bụi trúc của một thí sinh trường Tàu, cũng như bức tranh vẽ cảnh đồng quê của một thí sinh khác. Vậy mà tranh chân dung trái mãng cầu lại đồng hạng nhất với tôi. Hai tranh được chấm mười sáu điểm. Ban tổ chức đề nghị ban giám khảo họp chấm lại, sao cho có hạng nhất, hạng nhì, chứ không thể giải nhất đồng hạng. Vậy là cuộc bàn thảo sôi nổi lại diễn ra. Lần này, ngoài cô giáo họa sĩ còn có một thầy giáo họa sĩ khác làm cho Ty tiểu học, nằm trong ban giám khảo. Cả hai vị một mực bênh vực bức tranh của tôi bằng kiến thứckinh nghiệm hội họa của họ. Cho rằng bức chân dung trái mãng cầu không thể nào thắng được một bức phong cảnh tưởng tượng rất thơ mộng với trời mây và sông nước mơ màng của tôi được... Nhưng rồi người ta lại điều đình sao đó, rằng nguyên cái quận Khánh Dương của anh thí sinh vẽ trái mãng cầu, thi môn nào cũng rớt, không vào được một giải nào ngoại trừ một giải khuyến khích cho môn văn nghệ, trong khi trường tôi được giải văn nghệ, bóng bàn, lại thêm vẽ nữa... Cho nên, một cách tình cảm, để vui cả làng, tốt hơn là trường tôi nhường một chút, hạng nhì cũng là hạng danh dự mà. Cô giáo họa sĩ nổi giận, bỏ họp. Ban giám khảo chấm lại lần chót: tranh mãng cầu mười chín điểm, tranh thuyền qua sông mười tám điểm rưỡi.

Vậy mà giải nhì hội họa cũng làm cho thầy hiệu trưởng và các giáo viên trường tôi vui mừng lắm. Nhận phần thưởng xong, tôi theo xe buýt của trường về lại trường, ngồi chơi ở văn phòng với quý thầy cô và các bạn học nam nữ trong trường lần chót, vì sau ngày này, chúng tôi sẽ bước vào một ngôi trường khác ở bậc trung học. Tại văn phòng, tôi bất ngờ đón nhận những lời khen ngợi của hết thầy này đến cô kia mà không chạy trốn đi đâu được. Những lời khen dồn dập hướng về tôi trước đám đông khiến tôi sượng sùng chẳng biết giấu mặt nơi nào. Các bạn học của tôi, nhất là mấy cô bạn gái học chung trong lớp luyện thi buổi tối ngước nhìn tôi với vẻ ngưỡng mộ, thỉnh thoảng xen vào một lời ca ngợi hoặc nói hùa theo các thầy các cô khác những lời xưng dương. Họ gắn hào quang cho tôi, nhưng tôi thì thấy mình bị nhận chìm xuống một vũng tối của sự xấu hổ và hình như là một hố thẳm, một cái gì trống không, rỗng tuếch. Đó là lần đầu tiên tôi trải qua kinh nghiệm chán ngán cái đám dông và những lời khen tụng. Nỗi chán ghét này có vẻ như là một đối lực húc vào tôi, khiến tôi phải quay mặt và đâm ra thích một cái gì bao la, cao thẳm hơn. Sau lần đó, tôi trở nên lầm lì, ít nói, và không biết chừng, chính cái rỗng tuếch của sự thành công lại dẫn đến kết quả như đã thấy: tôi trở thành học sinh biếng học, đội sổ trong lớp ở những năm mới vào trung học Võ Tánh...

 

 

a

 

 

 

Trở lại câu chuyện hôm nay: lễ bế giảng của Phật học viện tại hội trường. Nếu có mặt tại đó, tôi lại một lần nhận phần thưởng và sự khen tụng trước đám đông. Làm sao tôi có thể chịu đựng nổi! Tôi đi rảo quanh vườn chùa một lúc rồi trở lại chỗ cũ, ngồi im như thế một lúc thật lâu, không suy nghĩ gì. Bất chợt, tôi không thấy tôi nữa. Tôi ngồi đó mà như không có tôi. Chỉ thấy trong lòng vắng lặng như một ao thu trong rừng sâu quạnh quẽ. Khi tôi đứng dậy, trong tôi bỗng dậy lên một niềm kiêu hãnh lạ kỳ. Niềm kiêu hãnh ấy không phải là vẻ tự mãn tự tôn về cái thành công trong học vấn nhà trường mà chính là cái tâm ý muốn chối bỏ thế gian, thấy rằng mình không còn gì để làm nơi thế gian này nữa.

“Chú Khang, làm gì vậy? Nãy giờ thầy quản chúng gọi tên chú đó. Thầy giám viện cũng hỏi nữa. Sao chú ở đây, không dự lễ?”

Tôi quay lại thấy chú chúng trưởng chúng Ca Diếp đang bước tới gần. Chú ấy tên là Tấn, đã lớn tuổi, học chậm nhưng siêng năng, tháo vác, tốt bụng. Tôi không nói gì, cùng chú quay vào bếp. Chú Tấn vừa bước vừa hỏi tiếp:

“Bộ chú có chuyện gì buồn sao?”

“Đâu có. Tại vì phải xuống coi mấy cô đã làm mì xong chưa, để còn bưng dọn cho khách nữa... Hôm nay phiên chúng Ca Diếp trị nhật mà.”

“Biết rằng vậy, nhưng chú cũng phải có mặt lúc ban giám học giới thiệu các tăng sinh xuất sắc và hạnh kiểm chứ. Chuyện bưng dọn từ từ tính sau.”

“Thôi... giờ cũng qua cái mục đó rồi, phải không? Mình phải lo dọn mì.”

Chú Tấn nhìn tôi với chút nghi vấn, lắc đầu.

Trong bếp, các dì vải đang bỏ mì, bỏ rau vào các tô. Nồi nước lèo chay cũng đã sôi sùng sục rồi. Chúng tôi sắp các tô mì vào mâm, bưng từ nhà bếp ra đến hiên hội trường. Việc bưng các mâm đầy những tô mì quảng từ bếp ra hội trường đòi hỏi phải mạnh tay mới chịu nổi một khoảng đường xa không có chỗ dừng nghỉ. Tôi bưng một mâm chín, mười cái tô, ra đến hiên hội trường mới được nghỉ tay nơi một cái bàn trống đặt tạm ở đó. Mỏi đuối cả hai tay, thở dốc. Vài chú khác chung ban trị nhật với tôi cũng nối đuôi bưng ra mỗi người một mâm. Chú chúng trưởng thì cùng một chú khác, phụ giúp các dì vải bưng nồi nước lèo ra đến hiên hội trường. Từ hiên, các dì vải sẽ múc nước lèo vào tô để chúng tôi chuyền vào trong cho quan khách. Tôi nghỉ lấy hơi được một chút thì các tô mì đã được múc nước lèo vào, phải bưng dọn ngay cho khách kẻo nguội. Vậy là cuối cùng, tôi cũng chường mặt vào hội trường, nơi có hàng trăm người ngồi trong đó. Tôi đặt mâm mì quảng xuống một cái bàn trống nơi góc, rồi bưng từng tô đến đặt trước mặt từng vị khách. Tôi hãy còn thở dồn dập trong khi bưng dọn mì, bỗng nghe từ máy vi âm, thầy quản chúng nhắc tên tôi:

“A Di Đà Phật, khi nãy chúng tôi giới thiệu các học tăng xuất sắc của niên học vừa qua thì có một chú vắng mặt. Nay chú ấy đang có mặt trong hội trường, vậy xin giới thiệu cùng chư tôn đức và quý vị quan khách, học tăng xếp hạng nhất của niên khóa đồng thời cũng là học tăng hạnh kiểm nhất: chú Vĩnh Khang,” vừa nói câu cuối, thầy ấy đưa tay trỏ vào tôi.

Cả hội trường quay đầu lại nhìn tôi. Trong cái nhìn quay lại cùng tiếng vỗ tay rào rào của mọi người, tôi bỗng thấy có cái gì buồn cười, nhạt nhẽo. Tôi đứng sượng trân một khắc, cúi đầu chào nhẹ rồi vội vã quay đi, rời hội trường, bỏ luôn công tác bưng dọn bữa ăn chiều cho khách, đi nhanh về phòng. Trong phòng lúc ấy chẳng có ai. Tôi ngồi vào bàn học riêng của mình mà chẳng biết làm gì. Một lúc, tôi rời phòng, đi lang thang ở vườn sau của chùa, tìm đến bờ ao phía gần nhà bếp, ngồi bệt xuống bên bờ ao ngập lá tre. Mặt ao cũng đầy xác lá. Có con chuồn chuồn bay lượn rồi đậu trên nhánh tre khô nổi lềnh bềnh dưới nước. Chẳng có gì mà sao tôi buồn quá. Tôi thấy nơi đám đông, nơi hội hè lễ lạc có một cái gì rất chán. Giống như những chiếc lá tre khô chồng lên nhau.

Ngồi một lúc, tôi vươn vai đứng dậy, ngước mặt nhìn trời. Tôi muốn bay lên, muốn vói tay đến một phương trời xa xăm không còn bóng dáng gì của thế giancon người quanh tôi nữa. Trần gian ơi, hãy tan biến đi, hãy tiêu tăm đi!

 

 

a

 

 

 

Ngay cả ý niệm chối bỏ cũng chỉ là sự manh động ngược chiều của bản ngã. Tham đắm thế gian cũng là nó, phủ nhận thế gian cũng là nó mà thôi. Nhưng cả hai cái manh động này đều là manh động của một kẻ đến tuổi trưởng thành, một kẻ đã có cái gọi là kinh nghiệm trong cuộc sống, hoặc một kẻ đã bị kiến thức sách vở lôi kéo đi như một con lừa ngờ nghệch. Những manh động ấy rất cần thiết cho một người lớn điên gàn. Con nít không cần. Nhưng tôi, đứa con nít này, vì cớ gì đã học đòi phương cách đạo mạo, nghiêm trang và bày trò suy tư của những người lớn? Phải chăng vì tôi đọc sách hơi sớm, nhất là sách Thiền? Hay vì tuổi tác và cơ thể tôi đã nằm trong thời kỳ trưởng thành? – Không. Nếu là dấu hiệu phát triển của tuổi tác và cơ thể thì tôi đã là người lớn từ năm kia, năm mười ba tuổi, lúc tôi còn ở viện Hải Đức, chưa chuyển qua chùa Linh Phong. Vào buổi tối khuya hôm ấy, khi thức dậy ngồi thiền trên giường ngủ, tôi bỗng cảm nhận như có một vật lạ xuất hiện ở phần dưới cơ thể của mình. Một cái gì căng cứng và nóng ran như thể nó là chỗ hội tụ của tất cả sinh lực mạnh mẽ của tôi vậy. Sự xuất hiện bất thường của nó làm tôi không định tâm tọa thiền được. Vội vã rời chỗ nằm để vào nhà vệ sinh, tôi phát giác rằng cơ thể tôi đã thay đổi, và vật lạ kia chẳng có gì xa lạ cả, nó là một phần cơ thể của tôi, là cái thường ngày tôi dùng đến trong việc vệ sinh; chỉ khác một điều là chiều kích của nó như bị khuếch đại lên một cách quá đáng, tưởng chừng mười lần lớn hơn lúc bình thường. Liên tục trong nhiều ngày kế tiếp, vật ấy cứ chốc chốc lại phiền nhiễu tôi, bất kể giờ giấc. Đâu khoảng một tuần lễ sau, tôi nằm mộng thấy chuyện lạ, và rồi xuất tinh. Sớm mai thức dậy, vật ấy có vẻ như thụ động, hiền lành hơn, không quấy nhiễu tôi nữa. Phải chăng tôi đã thành người lớn từ cái tuổi mười ba đó?

cố gắng không nghĩ gì hết, tôi vẫn cứ mất khá nhiều ngày để suy tư vớ vẩn về sự thay đổi của mình, cũng như cái tâm lý sợ hãi đám đông và sự khen tặng, nhưng cuối cùng, thấy rằng những suy tư ấy cũng chẳng thay đổi hay đem lại lợi ích nào cho cuộc sống, tôi vứt hết, không cần để ý đến những chuyện ấy nữa. Tôi chạy theo sinh hoạt tập thể, vui vẻ hòa đồng cùng các bạn. Chỉ thời gian ngắn sau, tôi quên mất tôi là người lớn hay là con nít, quên luôn những chuyện đã làm tôi chán ngấy. Cơ thể có phát triển hay không cũng chẳng phải là dấu hiệu của sự trưởng thành. Mà có trưởng thành hay không cũng chẳng phải là điều quan trọng gì của cuộc sống. Còn chuyện ghét đám đông ư? Ôi, hình như đó chỉ là một sự nhút nhát thôi... có gì quan trọng, mà để tâm. Vả chăng, chuyện bị một đám đông khen tặng, vỗ tay tán thưởng, sẽ xảy ra bao nhiêu lần trong đời để phải sợ chứ! Không cần suy nghĩ, không cần nỗ lực chối bỏ hay chọn lựa bất cứ lối sống nào, tôi trở về với lứa tuổi và con người bình thường của tôi.

 

 

a

 

 

 

Mùa hè sau niên học thứ nhất, tôi không về quê mà ở lại dự khóa an cư kiết hạ do viện tổ chức. Chư tăng từ các quận trong tỉnh tựu về khá đông, nên việc ăn ở phải sắp xếp lại. Mất vài ngày mới ổn định hết mọi thứ để bắt đầu cho khóa an cư kiết hạ này.

Theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, mùa an cư (nghĩa đen là ở yên một chỗ) được tổ chức vào mùa hè (nên gọi là kiết hạ) từ rằm tháng tư (nhằm lễ Phật Đản) đến rằm tháng bảy (nhằm lễ Vu Lan). Trong thời gian ba tháng này, chư tăng (hoặc chư ni) tập trung tại một ngôi chùa thuận lợi nhất để cùng cấm túc (không bước ra khỏi chùa nếu khônglý do chính đáng và sự đồng thuận của đại chúng), nỗ lực tu tậptrao đổi nhau những kinh nghiệm, kiến thức về Phật pháp. Đến rằm tháng bảy thì giải hạ (kiết là cột, đóng, đan lại, kết hợp; giải là mở, buông ra), chư tăng có thể ai về chùa nấy, tiếp tục hành đạo nơi trụ xứ địa phương của mình.

Thượng tọa giám viện muốn nhân mùa an cưchư tăng vân tập đông đủ, tổ chức một giới đàn Sa-di thập giới cho các chú tiểu đủ điều kiện được thọ giới. Điều kiện ấy trước hết là tuổi tác, có giới hạnh, có trình độ Trung đẳng về Phật học và có sự giới thiệu của vị thầy bổn sư. Giới đàn sẽ được tổ chức vào ngày rằm tháng bảy. Hai phần ba lớp học chúng tôi xin ghi danh vào danh sách các giới tử (những người xin thọ giới). Vào tháng bảy năm ấy, tính theo tuổi tây thì tôi chưa được mười sáu tuổi. Nhưng thường thì mười lăm tuổi cũng có thể thọ Sa-di thập giới được rồi. Vì vậy, tôi gởi thư về Nha Trang xin phép thầy bổn sư. Đâu chừng nửa tháng sau, có chú Tâm Hạnh, sư huynh của tôi, mang thư, có cả tiền nữa, của thầy tôi gửi. Thầy đã hoan hỉ cho phép tôi thọ giới. Thầy còn gởi hai xấp vải vàng và lam cho tôi may y (cà sa) và áo tràng mới nữa. Chú Tâm Hạnh giúp tôi lo việc may y áo bằng cách đo kích tấc của tôi rồi đem ra Đà Nẵng may.

Sau ngày rằm tháng bảy năm ấy, tôi đại diện hơn một trăm hai mươi giới tử, tác bạch xin được thế phát thọ trì mười giới cấm của bậc Sa-di. Thượng tọa giám viện thay mặt Hòa thượng đàn đầu (Hòa thượng trụ trì tổ đình Vu Lan tại Đã Nẵng) làm lễ tẩy tịnh và thế phát cho giới tử. Tôi được chọn làm giới tử đại diện để Thượng tọa cạo tóc. Khi những sợi tóc cuối cùng từ cái chỏm trên đầu tôi rơi xuống cùng lúc với lời chú nguyện vang lên chung quanh, tôi bỗng nhận thức một cách sâu xa và khẳng định rằng, chỉ có con đường xuất gia mới là con đường cao cả tột bực để vươn tới giải thoát tối hậu. Tôi cúi lạy mà nghe như lời phát nguyện chấn động sâu xa đến tận bản thể của mình:

“Hủy hình thủ chí tiết

Cát ái từ sở thân

Xuất gia hoằng Phật đạo

Thệ độ nhất thiết nhân.”

(Lành thay bậc đại trượng phu, kẻ đã xả bỏ hình hài tốt đẹp bề ngoài để giữ lấy chí tiết thanh cao, cắt bỏ mọi tình cảm, xa lìa bao người thân, chọn con đường xuất gia mà truyền rộng giáo pháp của Phật-đà với thệ nguyện cứu độ tất cả chúng sinh).

Sau lễ thế phát, cả trăm giới tử ùn ùn kéo ra vườn sau để cạo tóc. Tôi cũng được cạo sạch mớ tóc còn sót lại trên đầu vì khi nãy trên chánh điện, Thượng tọa giám viện chỉ dùng dao cạo một khoảnh tượng trưng trên đầu tôi thôi. Cạo mất cái chỏm rồi, tôi thấy nhẹ hẫng cả thể xác lẫn tinh thần.

Hai giờ chiều cùng ngày, toàn thể giới tử lại tập trung ở khoảng sân trước chánh điện để làm lễ thọ giới. Trong chánh điện, các vị tôn đức trong hội đồng thập sư (bao gồm Hòa thượng đàn đầu, Yết-ma, Giáo thọ, bảy vị tôn chứng) cùng ban dẫn thỉnh sư (từ hai đến bốn vị) cũng đã quy tụ.

Chúng tôi quỳ nơi sân của viện để lắng nghe và làm theo các nghi thức cần thiết của giới đàn.

Cảm động nhất là khi hướng về phương Bắc để lạy tạ cha mẹ lần cuối cùng. Vị dẫn thỉnh sư cũng không ngăn được xúc động khi nói:

“Này các giới tử! Trước khi chính thức lãnh thọ mười giới, tham dự vào dòng giống của Phật-đà, lấy trí tuệ và sứ mệnh độ sanh làm sự nghiệp, quý vị phải một lần nữa, dứt khoát cắt bỏ mọi tình trần. Sau khi thọ giới, quý vị sẽ không được phép cúi lạy những người thế tục, cho dù người ấy là cha mẹ mình. Nhưng cha mẹ là những bậc có công ơn sâu dày sinh ra và nuôi dưỡng quý vị thành người, đã vậy còn hy sinh cắt bỏ tình phụ tử, mẫu tử để chấp nhận sự thoát ly của quý vị, cho phép quý vị từ bỏ cuộc đời để xuất gia đầu Phật, đeo đuổi con đường giải thoát cao cả của tiền nhân. Vậy, trong niềm biết ơn vô hạn đối với công đức của cha mẹ, quý vị hãy cùng hướng về phương Bắc, chân thành đem cả thân tâm lạy tạ cha mẹ lần cuối để khởi sự dấn mình vào con đường lợi sanh trước mắt...”

Hàng trăm giới tử cùng cúi lạy cha mẹ ba lần theo lời xướng lễ của vị dẫn thỉnh. Có tiếng sụt sùi khóc bên ngoài và bên trong giới trường. Đúng ra, khi quyết tâm bỏ nhà xuất gia, chúng tôi đã chấp nhận trước sự thực hiển nhiên này rồi. Nhưng chúng tôi không bao giờ có thể tưởng được rằng giây phút cuối cùng lạy tạ ấy lại làm chúng tôi bàng hoàng, ngơ ngác như những con nai con lạc mẹ. Con đường xuất gia cao đẹp quá, nhưng sự lựa chọn nó cũng thật là đau khổ. Ở cái lạy thứ nhất, tôi thấy hình ảnh ba mẹ tôi hiện ra với ánh mắt bao dung và nụ cười hiền hòa muôn thuở. Lạy thứ nhì, tôi thấy nghi dung đức Phật chói lòa với bàn tay đưa lên cả vòm trời tự tại giải thoát. Nhưng ở lạy thứ ba, trong tôi không còn hình bóng nào hiện ra nữa. Chỉ thấy cay cay trong mắt.

 

Sau một vài nghi thức cần thiết, chúng tôi được truyền thọ mười giới, rồi được truyền thọ ca-sa.

Toàn thể giới tử cúi lạy rồi đứng dậy khoác mặc ca-sa lần đầu tiên vào người, vừa mặc vừa tụng lớn:

“Đại tai giải thoát phục,

Vô tướng phước điền y

Phụng trì Như Lai mạng

Quảng độ chư quần mê.”

(Cao cả thay khi được khoác chiếc áo giải thoát, chiếc áo ruộng phước vô tướng, để xin vâng giữ sứ mệnh mà Như Lai giao phó: cứu độ cho tất cả những chúng sinh mê muội của trần gian).

 

Khoác pháp y vào người rồi, chúng tôi đã chính thức trở thành người xuất gia, tuy chưa thực sự là bậc trưởng tử của Phật như các vị tỳ kheo, nhưng cũng đã vượt qua được giai đoạn tập sự căn bản của thời kỳ làm chú tiểu. Giới pháp đã trao, giới thể đã đắc, chúng tôi lạy tạ Tam Bảo rồi lui về phòng với tâm thức mới, con người mới.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 34225)
Phát Bồ đề tâm, nói đơn giản, là trước hết, lập cái chí nguyện mong cầu tuệ giác Vô thượng Bồ đề, kế đó, phát triển tuệ giác ấy...
(Xem: 16805)
Trong các công hạnh đơn giản mà sâu dày và khó thực hiện cho vẹn toàn nhất là hạnh buông xả. Hành giả Phật giáo lấy tâm buông xả làm công hạnh hàng đầu.
(Xem: 22841)
Một chút ánh sáng nhỏ nhoi, giúp con soi tỏ những giọt mồ hôi không hình nơi mẹ. Nhưng phải tự khi làm mẹ, mới thấu vô vàn cái nhọc mẹ mang.
(Xem: 12980)
Ra khỏi bóng tối - Thích Nữ Diệu Nghiêm dịch
(Xem: 21847)
Hôm nay, mùa Vu Lan báo hiếu lại trở về trên xứ Việt, hòa chung với niềm vui lớn này, xin được san sẻ cùng em đôi điều về đạo hiếu của con người.
(Xem: 22065)
Ngài Mục Liên là một tấm gương sáng chói tượng trưng cho lòng chí hiếubáo ân. Ngài đã thực hành phép sám hối để báo ân mà cứu được mẹ thoát khỏi địa ngục.
(Xem: 14820)
Kinh Phạm Võng dạy rằng “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình.
(Xem: 23437)
Tâm Bồ đề là tâm rõ ràng sáng suốt, tâm bỏ mê quay về giác, là tâm bỏ tà quy chánh, là tâm phân biệt rõ việc thị phi, cũng chính là tâm không điên đảo, là chân tâm.
(Xem: 23987)
Cái chết theo Tan-tra thừa là một quá trình tan biến tuần tự của thân xác vật chấttâm thức, các hiện tượng tan biến này được phân loại thành nhiều cấp bậc...
(Xem: 23522)
Quyển "THIỀN QUÁN - Tiếng Chuông Vượt Thời Gian" là một chuyên đề đặc biệt giới thiệu về truyền thống tu tập thiền Tứ Niệm Xứ của đức Phật dưới sự hướng dẫn của thiền sư U Ba Khin.
(Xem: 17067)
Tôi đã lắng nghe Krishnamurti suốt nhiều ngày. Tôi đến những nói chuyện của ông, tham gia những bàn luận, ngẫm nghĩ...
(Xem: 19283)
Chính Ðức Phật đã dạy: “Trong các sự bố thí chỉ có Pháp thícông đức lớn nhất, không có công đức nào sánh bằng” ... Thích Chân Tính
(Xem: 26919)
Phật-pháp là trí tuệ thực nghiệm dạy chúng ta nhận định được bản chất căn bản của chúng tagiải thoát chúng ta khỏi sự sa đọa thành nạn nhân đối với những huyễn tượng...
(Xem: 14339)
Hiện nay câu hỏi này là một quan tâm chính đối với mọi người, bởi vì khoa học và công nghệ hiện đại đã phơi bày rõ ràng những khả năng xảy ra sự hủy diệt to tát.
(Xem: 13791)
Điều gì cần thiết là một cái trí không bị hành hạ, một cái trí rất rõ ràng. Và một cái trí như thế không thể hiện diện được nếu nó có bất kỳ loại thành kiến nào.
(Xem: 22618)
Đức Phật Thích Ca Mâu NiPhật Bảo. Ba tạng kinh luật luận do đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết ra là Pháp Bảo. Chư tăng đệ tử xuất gia của Phật đàTăng Bảo.
(Xem: 14668)
Điều lạ thường nhất về sống của Krishnamurti là những lời tiên tri được nói về anh trong thời thanh niên đã thành hiện thực, tuy nhiên trong một hướng khác hẳn điều gì được mong đợi.
(Xem: 17285)
Để có thể lắng nghe thực sự, người ta nên buông bỏ hay gạt đi tất cả những thành kiến, những định kiến và những hoạt động hàng ngày.
(Xem: 12599)
Nhìn vào toàn chuyển động của sống này như một sự việc; có vẻ đẹp vô cùng trong nó và năng lượng vô hạn; thế là hành động là trọn vẹn và có sự tự do.
(Xem: 13773)
Lúc này chúng ta hãy quan sát điều gì đang thực sự xảy ra trong thế giới; có bạo lực thuộc mọi loại; không chỉ phía bên ngoài mà còn cả trong sự liên hệ lẫn nhau của chúng ta.
(Xem: 10337)
Một cái trí chuyên biệt hóa không bao giờ là một cái trí sáng tạo. Cái trí mà đã tích lũy, mà đã đắm chìm trong hiểu biết, không thể học hành.
(Xem: 14609)
Khi năng lượng không bị hao tán qua sự tẩu thoát, vậy thì năng lượng đó trở thành ngọn lửa của đam mê. Từ bi có nghĩa đam mê cho tất cả. Từ biđam mê cho tất cả.
(Xem: 17142)
Ngài giáng sinh nơi vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini), thành đạoBồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), thuyết bài Pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển (Sarnath) và nhập Niết Bàn tại Câu Thi Na...
(Xem: 12475)
Chúng tathói quen tạo ra một trừu tượng về sợ hãi, đó là, tạo ra một ý tưởng về sợ hãi. Nhưng chắc chắn, chúng ta không bao giờ lắng nghe tiếng nói của sợ hãi đang kể câu chuyện của nó.
(Xem: 12637)
Có một khác biệt giữa không gian bên ngoài, mà vô giới hạn, và không gian bên trong chúng ta hay không? Hay không có không gian bên trong chúng ta gì cả và chúng ta chỉ biết không gian bên ngoài mà thôi?
(Xem: 10304)
Chúng ta là kết quả của những hành động và những phản ứng của mỗi người; văn minh này là một kết quả tập thể. Không quốc gia hay con người nào tách rời khỏi một người khác...
(Xem: 28633)
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma khích lệ chúng ta hãy triển khai lòng tốttình thương yêu mà Ngài luôn luôn quả quyết là những phẩm tính ấy đều đã có sẵn trong lòng mỗi con người chúng ta.
(Xem: 10638)
Sự liên hệ giữa bạn và tôi, giữa tôi và một người khác, là cấu trúc của xã hội. Đó là, liên hệ là cấu trúc và bản chất của xã hội. Tôi đang đặt vấn đề rất, rất đơn giản.
(Xem: 11067)
Lúc này tôi nghĩ có ba vấn đề chúng ta phải thấu triệt nếu chúng ta muốn hiểu rõ toàn chuyển động của sống. Chúng là thời gian, đau khổ và chết.
(Xem: 16827)
Phật pháp cho trẻ em - Tác giả: Jing Yin và Ken Hudson - Minh họa: Yanfeng Liu - Biên soạnchuyển ngữ: Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Xem: 15719)
“Đông du” ngày nay đã trở thành một từ quen thuộc. Không chỉ đối với các nhà thám hiểm, khách du lịch, người khảo sát văn hóa, mà cả những nhà khoa học, nhà triết học.
(Xem: 13290)
Khai sáng không lệ thuộc thời gian. Thời gian, ký ức, hồi tưởng, nguyên nhân – chúng không tồn tại; vậy thì bạn có thấu triệt, thấu triệt tổng thể.
(Xem: 12505)
Sự lèo lái của sinh lý học, mặc dù là một phần của điều mà phương Tây chúng ta gọi là “tự nhiên,” từ quan điểm Phật giáo, chính là một phần cơ cấu của luân hồi sinh tử.
(Xem: 11282)
Có lẽ rất xứng đáng khi dùng một ít thời gian cố gắng tìm ra liệu cuộc sống có bất kỳ ý nghĩa nào hay không. Không phải cuộc sống mà người ta sống, bởi vì sự tồn tại hiện nay chẳng có ý nghĩa bao nhiêu.
(Xem: 12968)
Thiền định là hành động mà đến khi cái trí đã mất đi không gian nhỏ xíu của nó. Không gian bao la này mà cái trí, cái tôi, không thể đến được, là tĩnh lặng.
(Xem: 19242)
Lắng nghe là một nghệ thuật không dễ dàng đạt được, nhưng trong nó có vẻ đẹp và hiểu rõ tuyệt vời. Chúng ta lắng nghe với những chiều sâu khác nhau của thân tâm chúng ta...
(Xem: 12186)
Chắc chắn, giáo dục không có ý nghĩa gì cả nếu nó không giúp bạn hiểu rõ sự rộng lớn vô hạn của cuộc sống với tất cả những tinh tế của nó, với vẻ đẹp lạ thường của nó, những đau khổhân hoan của nó.
(Xem: 28469)
Sách này đặt tên "Kiến Tánh Thành Phật", nghĩa là sao? Bởi muốn cho người ngưỡng mộ tên này, cần nhận được lý thật của nó. Như kinh nói: "Vì muốn cho chúng sanh khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật".
(Xem: 10001)
Chúng ta dường như không bao giờ nhận ra rằng nếu mỗi người chúng ta không thay đổi triệt để trong căn bản thì sẽ không có hòa bình trên quả đất...
(Xem: 21417)
Các sự gia hộ được nhận qua các luận giảng này về sáu giai đoạn chuyển tiếp giống như một con sông nước dâng cao vào mùa xuân...
(Xem: 12753)
Kêu gọi thế giới là tựa của một quyển sách vừa được phát hành tại Pháp (ngày 12 tháng 5 năm 2011), tường thuật lại cuộc tranh đấu bất-bạo-động của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma hơn nửa thế kỷ nay...
(Xem: 17775)
Luật nhân quả không phải là luật riêng có tính cách tôn giáo. Trong vũ trụ, thiên nhiên, mọi sự vật đều chịu luật nhân quả, đó là luật chung của tự nhiên.
(Xem: 26075)
Đức Phật đã dạy chúng ta những cách sửa soạn bản thân cho sự chết bí ẩn và tận dụng những trạng thái của sự chết để tu tập. Nhiều vị Thầy đã viết sách về đề tài này.
(Xem: 11645)
Tốt lành chỉ có thể nở hoa trong tự do. Nó không thể nở hoa trong mảnh đất của thuyết phục dưới bất kỳ hình thức nào, cũng không dưới bất kỳ cưỡng bách nào...
(Xem: 10799)
Mọi hình thức thiền định có ý ‎thức không là một sự việc thực sự: nó không bao giờ có thể là. Cố gắngdụng ý khi thiền định không là thiền định.
(Xem: 22644)
Nếu hay tu trí tuệ thì không khởi phiền não. Trí tuệ vô ngã có thể từ chỗ nghe Phật pháp, thể nghiệm Phật lý, phản quan tự ngã, nhìn thấu nhân sinh mà có được.
(Xem: 11989)
Ngôi chùa nhỏ nằm khiêm tốn trong khoảng đất rộng đầy cây trái. Buổi tối, mùi nhang tỏa ra từ chánh điện hòa với mùi thơm trái chín đâu đó trong vườn.
(Xem: 10561)
Trước khi thành Thiền sư, Trúc Lâm đại sĩ đã từng làm vua nước Đại Việt. Đó là vua Trần Nhân Tông, người đã từng đẩy lui cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ.
(Xem: 11345)
Tất cả mọi pháp hiện hữu, bắt đầu là cái Tôi, chẳng là gì cả ngoại trừ là những thứ được định danh. Không có các uẩn, không có thân, tâm, ngoại trừ những gì đã được ta quy gán.
(Xem: 11485)
Tư tưởng vị tha mong đạt được giác ngộ vì tất cả chúng sanh là một quan điểm vô cùng kỳ diệu! Khi bạn phát bồ đề tâm, bạn bao gồm tất cả mọi người, mọi loài trong ý tưởng làm lợi lạc cho họ.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant