Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sách Văn Học Phật Giáo
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

19. Mong có hòa bình và hạnh phúc

01 Tháng Giêng 201100:00(Xem: 5366)
19. Mong có hòa bình và hạnh phúc


19. Mong có hòa bình và hạnh phúc


I.

Nói đến hòa bình của Thế giới là nói đến an ninh của các dân tộc và của toàn thể loài người, hòa bình và an ninh quyện chặt vào nhau không thể tách rời và phải được xây dựng vun đắp trên cơ sở giá trị tinh thần đạo đức của toàn thể nhân loại chứ không phải của riêng ai.

Trong đạo Phật thì hòa bình cùng với tư tưởng vô ngã vị thađạo lý loại trừ tham sân si đã trở thành nền tảng của giá trị tinh thầnđạo đức Phật giáo. Nói về hòa hợp, Đức Phật đã nêu lên 6 nguyên tắc lớn làm kim chỉ nam cho mọi người noi theo, đó là:

1. Thân hòa đồng tu: là con người phải tôn trọngyêu thương lẫn nhau, không dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực đối với nhau. Nguyên tắc này không những chỉ đạo mối quan hệ giữa con người với con người, mà trong quan hệ quốc tế nó còn là tư tưởng chỉ đạo mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau.

2. Khẩu hòa vô tránh: là thương người ta phải nhẹ nhàng trong lời ăn tiếng nói, tôn trọng nhau, lấy điều hơn lẽ phải để thuyết phục nhau và tránh những lời nói lăng nhục, xỉ vả nhau. Trong quan hệ quốc tế điều đó có ý nghĩasử dụng con đường đàm phán hòa bình thương lượng hòa bình để giải quyết chiến tranh, tránh tuyên truyền hận thù và khích động hận thù.

3. Ý hòa đồng duyệt: là thương con người trong hoạt động tinh thần, tư duy phải thấm nhuần tư tưởng bác ái, từ bi, bình đẳng, vô ngã, vị tha, phải gạt bỏ bất đồng và nuôi dưỡng những điểm đồng nhất để đạt được những lợi ích chung quan trọng hơn.

4. Lợi hòa đồng quân: là tư tưởng chỉ đạo mối quan hệ bình đẳng cùng có lợi giữa người với người, giữa các quốc gia không phân biệt lớn bé, giàu nghèo. Trong tình hình thế giới hiện nay, tư tưởng này chỉ đạo chúng ta hành động thật gấp để nhằm chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang, đặc biệt là chạy đua vũ trang hạt nhân nhằm mục đích không chỉ là ngăn chặn nguy cơ thảm họa hạt nhân mà còn nhằm chuyển toàn bộ tài nguyên, tài năng và sự sáng tạo của con người sang giải quyết về vấn đề kinh tế và xã hội đang đặt ra trước mọi người. Đó là giải quyết nạn đói, bệnh tật, thất nghiệp, nợ nuớc ngoài, khủng hoảng nhiên liệu, mù chữ v.v... Mọi người đều có quyền được sống trong hòa bình, công lý bình đẳnghạnh phúc.

5. Giới hòa đồng tu: Nhằm khuyên con người hãy tuân thủ chuẩn mực đạo đức xã hội. Tuân thủ những lời răn dạy làm việc lành tránh điều ác. Chúng tôi cho rằng đạo đức lớn nhất hiện nay là phải cứu lấy nhân loại, cứu lấy hành tinh này khỏi tàn phá của hạt nhân, của ô nhiễm môi trường, môi sinh và bảo đảm cuộc sống hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà. 

6. Kiến hòa đồng giải: là thương con người nên chia xẻ cùng những tri thức, kiến thức, những giá trị của nền văn minh nhân loại và xử dụng những giá trị đó không phải là để hủy diệt con người mà để đem lại hạnh phúc cho con người, cho hiện tại và cho tương lai. 

Sáu nguyên tắc hòa hợp trên góp phần loại bỏ bất đồng tranh cãi. Những nguyên tắc đó nếu được thực hiện sẽ là một bảo đảm cho một nền hòa bình chân chínhbền vững. Chúng tôi mong những nhà hoạt động Tôn giáo với mọi ngườilương tri hãy hành động khẩn cấp, hãy đứng về phía lẽ phải, tôn trọng lẽ phải và cùng nhau chặn đứng những bàn tay tội ác đang âm mưu gây tai họa cho nhân loại. Hãy cầu nguyện và hành động cương quyết để bảo vệ hòa bình và an ninh trên toàn thế giới. Hãy đem lại hạnh phúc cho mọi người và mọi nhà. Cầu mong đấng từ bi hộ trì cho sự nghiệp của chúng ta

II.

Một thời Thế Tôn ở tại Vương xá, trên núi Linh Thức. Lúc bấy giờ, vua A-xà-thế nước Ma-Kiệt-Đà, muốn chinh phục dân Bạt-kỳ và nói: "Ta quyết chinh phục dân Bạt-kỳ này, dầu chúng có uy quyền, có hùng mạnh. Ta quyết tâm làm cỏ dân Bạt -kỳ; ta sẽ tiêu diệt dân Bạt-kỳ; ta sẽ làm cho dân Bạt-kỳ bại vong." 

Rồi vua A-xà-thế liền nói với Bà-la-môn Vũ Xá, đại thần của nước Ma-kiệt- đà: "Này Bà-la-môn, hãy đi đến Thế Tôn, và nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Ngài, vấn an Ngài có ít bệnh, ít não, khinh an, khỏe mạnh, lạc trú không, rồi khanh bạch tiếp: Bạch Thế Tôn, vua A-xà-thế nước Ma- Ma-kiệt- đà muốn chinh phục dân Bạt- kỳ và nói: Ta quyết chinh phục dân Bạt-kỳ này, dầu chúng có uy quyền, có hùng mạnh. Ta quyết tâm làm cỏ dân Bạt-kỳ, ta sẽ tiêu diệt dân Bạt-kỳ, ta sẽ cho dân Bạt-kỳ bại vong. Thế Tôn trả lời khanh thế nào; hãy ghi nhớ kỹ và nói lời hư vọng". 

Bà-la-môn Vũ vâng lệnh vua A-xà-thế, cho thắng những cỗ xe thù thắng, tự cưỡi lên một cỗ xe, cùng với các cỗ xe ấy đi ra khỏi Vương xá, đến tại núi Linh Thứu, đi xe đến chỗ còn đi xe được, rồi xuống xe đi bộ đến chỗ Thế Tôn, khi đến liền nói lên những lời chào đón hỏi thăm xã giao với Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 

Sau khi ngồi một bên, đại thần Vũ Xá bạch Thế Tôn về mục đích chuyến thăm với lời căn dặn của vua về việc vua muốn đánh dân Bạt-kỳ, và mong Thế Tôn cho lời khuyên vì biết Thế Tôn không nói lời hư vọng

Thế Tôn không trực tiếp trả lời đại thần Vũ Xá mà quay qua hỏi Tôn giả Ananda. Nội dung những lời hỏi giữa Thế TônTôn giả Ananda là cách gián tiếp trả lời đại thần Vũ Xá nhắc cho vua A-xà-thế có nên hay không nên đánh nước Bạt-kỳ. 

1. Này Ananda, người có nghe dân Bạt-kỳ thường hay tụ hợp và tụ họp đông đảo với nhau

- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Bạt-kỳ thường hay tụ họp với nhau, thời dân Bạt-kỳ sẽ cường thịnh, không bị suy giảm

2. Này Ananda, người có nghe dân Bạt-kỳ tụ họp trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết không? 

- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Bạt-kỳ, tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết. 

Này Ananda, khi nào dân Bạt-kỳ tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết, thời dân Bạt-kỳ sẽ cường thịnh, không bị suy giảm

3. Này Ananda, ngươi có nghe dân bạt-kỳ không ban hành những luật lệ không cần phải ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Bạt-kỳ đã ban thời xưa không? 

- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân bạt-kỳ không ban hành những luật lệ không cần phải ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Bạt-kỳ đã ban thuở xưa. 

Này Ananda, khi nào dân bạt-kỳ không ban hành những luật lệ không cần phải ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Bạt-kỳ đã ban thuở xưa, thì dân Bạt-kỳ sẽ cường thịnh, không bị suy giảm

4. Này Ananda, ngươi có nghe dân Bạt-kỳ Tôn sùng, kính trọng, đảnh lể, cúng dường các bậc trưởng lảo Bạt-kỳ và nghe theo lời dạy của những vị này không? 

- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Bạt-kỳ Tôn sùng, kính trọng, đảnh lể, cúng dường các bậc trưởng lảo Bạt-kỳ và nghe theo lời dạy của những vị này. 

Này Ananda, khi nào dân Bạt-kỳ Tôn sùng, kính trọng, đảnh lể, cúng dường các bậc trưởng lảo Bạt-kỳ và nghe theo lời dạy của những vị này, thì dân Bạt-kỳ sẽ cường thịnh, không bị suy giảm

5. Này Ananda, ngươi có nghe dân Bạt-kỳ không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữthiếu nữ Bạt-kỳ phải sống với mình không? 

- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Bạt-kỳ không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữthiếu nữ Bạt-kỳ phải sống với mình.

Này Ananda, khi nào dân Bạt-kỳ không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữthiếu nữ Bạt-kỳ phải sống với mình thì dân Bạt-kỳ sẽ cường thịnh, không bị suy giảm

6. Này Ananda, ngươi có nghe dân Bạt-kỳ tôn sùng, kính trọng, đảnh lể,cúng dường các tự miếu của Bạt-kỳ ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với qui pháp không? 

- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Bạt-kỳ tôn sùng, kính trọng, đảnh lể, cúng dường các tự miếu của Bạt-kỳ ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với qui pháp.

Này Ananda, khi nào dân Bạt-kỳ tôn sùng, kính trọng, đảnh lể, cúng dường các tự miếu của Bạt-kỳ ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với qui pháp, thì dân Bạt-kỳ sẽ cường thịnh, không bị suy giảm

7. Này Ananda, ngươi có nghe dân Bạt-kỳ bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Bạt-kỳ, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A -la-hán đã đến được sống an lạc không? 

- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Bạt-kỳ bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Bạt-kỳ, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A -la-hán đã đến được sống an lạc.

- Này Ananda, khi nào dân Bạt-kỳ bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Bạt-kỳ, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A -la-hán đã đến được sống an lạc, thì dân Bạt-kỳ sẽ cường thịnh, không bị suy giảm

Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Vũ Xá, đại thần của nước Ma-kiệt-đà: 

- Này Bà-la-môn, một thời Ta sống ở Bạt-kỳ, tại miếu Sarandada, Ta dạy cho dân Bạt-kỳ 7 pháp bất thối này. Này Vũ Xá, khi nào 7 pháp bất thối được duy trì giữa dân Bạt-kỳ, khi nào dân Bạt-kỳ được giảng dạy 7 pháp bất thối này, này Vũ Xá, dân Bạt-kỳ sẽ cường thịnh, không bị suy giảm

Khi được nói như vậy, Bà-la-môn Vũ Xá, đại thần nước Ma-kiệt-đà bạch Thế Tôn

- "Thưa Tôn Giả Gotama, nếu dân Bạt-kỳ chỉ hội đủ một pháp bất thối này, thì nhất định dân Bạt-kỳ sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm, huống nữa là đủ 7 pháp bất thối". 

Thưa Tôn Giả Gotama, vua A-xà-thế nước Ma-kiệt-đà, không thể đánh bại dân Bạt-kỳ ở chiến trận trừ khi dùng ngoại giao hay kế ly gián, Thưa Tôn Giả Gotama, nay chúng con phải đi, chúng con có nhiều việc và có nhiều bổn phận. 

- Này Bà-la-môn ngươi hãy làm những gì ngươi nghĩ hợp thời. 

Bà-la-môn Vũ Xá, đại thần nước Ma-kiệt-đà hoan hỷ, tán thán lời dạy của Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy và từ biệt (Kinh Đại Bát Niết-Bàn, tập III, HT. Minh Châu dịch, xb. 1972). 

III.

Đạo Phật là đạo hòa bình. Khi chúng ta nói về hòa bình thì được mọi ngưòi tán thántin tưởng. Lời nói của chúng ta không phải là lời nói trên đầu môi chót lưỡi, mà là lời nói từ trong tâm khảm thành ý nói ra. 

Khi tôi dự Hội nghị Hoà bình ở Liên Xô về thì ở trong nước, giáo hội và chính quyền địa phương giới thiệu tôi ra ứng cử đại biểu Quốc hội, tôi từ chối nhưng quí vị không chịu nên tôi phải chiều theo sự giới thiệu sắp đặt của giáo hội. Khi đi tiếp xúc với cử tri tại Đại học Y khoa, có rất nhiều bác sĩ và sinh viên. Tại đây tôi nói: Xã hội ta rất cần một nền kinh tế mạnh và cũng rất cần một chuẩn mực đạo đức gắn liền với xã hội đó. Muốn nâng cao kinh tế phải chú trọng nâng cao đạo đức và ngược lại. Bởi có trường hợp nền kinh tế yếu kém nên tệ nạn xã hội xãy ra nhiều, vì đói quá nên họ mới đi ăn cắp. Đó là do kinh tế suy đồi thành ra mất đạo đức. Nhưng cũng có trường hợp vì quá tham lam làm cho kinh tế phải suy sụp. Tôi lấy ví dụ: Một móng trụ cầu đáng lý phải đúc 100 bao xi măng mới đủ. Giờ vì tham họ đã xén bớt 10 bao nên chất lượng không bảo đảm. Đi một thời gian thì cầu bị đổ. Sau đó cứ đúc đi đúc lại mãi mà cầu vẫn chưa xong, đó là do đạo đức suy đồitham lam nên làm cho họ mờ mắt. Có một sinh viên đứng dậy hỏi tôi rằng: Nếu khi Hòa thượng đắc cử vào Quốc hội rồi, thì Hòa thượng làm thế nào để nâng cao đạo đức? Tôi trả lời rằng: Nhiệm vụ của Quốc hội là làm Luật. Chính các bộ luật này là cương lĩnh để duy trì trật tự, nâng cao kinh tế và phát huy truyền đạo dức. Nếu người làm đúng pháp luật thì được kkhen thưởng, còn ai vi phạm thì sẽ bị trừng phạt. Nhưng pháp luật cũng có khe hở của nó cho nên con người hay léo lắt và lách luật, qua mặt luật pháp và như tục ngữ ta có câu: "Đồng bạc đánh toạc tờ giấy". Luật pháp không thể nào đi khắp các ngõ ngách quanh co, khúc chiết trong tâm con người được. Vì thế luật pháp phải kêu gọi tới lương tâm. Kêu gọi và khích lệ lương tâm chính là điều tôi đã làm từ xưa đến nay, và Phật giáo chúng tôi cũng đã làm từ xưa nay. Không phải chỉ làm và kêu gọi khích lệ về lương tâm, chúng tôi còn đi xa hơn nữa, là cốt phát huy Phật tánh nơi mỗi con người, Bởi vì lương tâm nó chỉ hạn cuộc giữa người với nhau, cư xử thương yêu nhau, giúp đỡ nhau trong cộng đồng xã hội. Đức Phật đề cao Phật tính nơi mỗi con người, đó chính là đạo đức Phật giáo. Chính nó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của người Phật tử chúng ta. Điều này có ý nghĩa bao quát, rộng lớn, thâm thúyvĩnh cửu. Đó là điều tôi và Phật giáo chúng tôi đã làm liên tục trong 2000 năm qua trên đất nước chúng ta. Chính việc làm của Phật giáo liên tục như nghĩ, khi con người đã mất lương tâm thì pháp luật sẽ trở thành vô nghĩa dưới con mắt họ. Cũng vậy, nếu chúng sanh bỏ mất Phật tánh thì khó mà thoát khỏi cảnh luân hồi

Cho nên hàng Phật tử chúng ta theo và tôn thờ Đức Phật, kính lễ Đức Phật, dưới ánh sáng từ bi của Ngài, chúng ta mong rằng tất cả mọi người đều được minh tâm kiến tánh. Minh tâm kiến tánh là ngộ được Phật tính nơi chính mình hay là ngộ được tự tánh của lòng mình. Cái tâm mình như Đức Phật gọi, đó là một kho tàn, theo nghĩa đen thì nó có thể chứa đũ tất cả vàng ngọc châu báu, đồng thời, cũng chứa cả bùn nhơ. Theo nghĩa bóng thì vàng ngọc châu báutừ bi hỷ xả, vô ngã vị tha, là trí tuệ bát nhã, đó là vàng ngọc châu của tâm, nhưng đồng thời nó cũng chứa chất đủ thứ sạn sứ nhơ nhớp, đó là tham,sân,si, cống cao, ngã mạn, tật đố. Hai thứ đó vẫn tồn tạixen lẫn trong lòng chúng ta. Nếu chúng ta để cho một trong hai thứ này phát huy thì thứ kia phải lắng xuống, và ngược lại. Khi chúng ta để đức tính tốt như từ bi, hỷ xả làm chủ lấy mình thì đó sẽ là giọt nước cam lồ rưới tắt mọi ưu phiền của chính chúng ta và của người khác. Nếu chúng ta để cho lòng tham làm chủ thì những thứ cặn bã đó sẽ dẫn ta vào con đường tội lỗi, gây đau khổ cho mình và cho người. Vì vậy Đức Phật gọi người tu sĩ là chiến sĩ (chiến sĩ đây không phải là chiến sĩ đánh nhau ngoài chiến trường), tự mình chiến đấu nơi chiến trường của lòng mình. Cứ một phút có tâm độc ác xuất hiện, cứ như vậy tâm nhẫn nhục khiêm hạ nổi lên thì tâm hung dữ, cống cao, ngã mạn xuất hiện. Nếu mình không phải là một chiến sĩ, không biết Ma cũng là mình và Phật cũng chính tự trong lòng mình, thì chắc chắn mình sẽ đi theo con đường Ma đi hơn là đi theo Phật. Khi đã biết Ma cũng là mình và Phật cũng là mình thì mình đi theo Phật chứ không đi theo nữa. Ai cũng biết cái hại đi theo Ma sẽ dẫn ta vào địa ngục, còn đi theo Phật sẽ đưa ta lên thiện thú, thiên giới và cõi đời này. 

Do đó hàng ngày chúng ta phải biết mình tụng kinh, niệm Phật để làm gì? Chúng ta tụng kinh, niệm Phật, nghe giảng là cố nhắc nhở lòng mình hãy tự soi sáng tâm mình, đừng để lòng tham chi phối dẫn đến sa đọa. Biết bao cạm bẫy trước mắt ta: Nào sắc thanh, hương,vị, xúc, nó có mãnh lực lôi cuốn chúng ta sa ngã và bắt chúng ta làm nô lệ cho chúng. Tôi nói một ví dụ: Như nay chúng ta đang có một tâm hồn rất trong sáng, nhưng nếu có một cục vàng để trước mắt chắc lòng cũng tối đi. Tâm dù trong sáng đến mấy, nếu có một chút lợi, chút danh, có quyền cao chức trọng dính vào thì tâm có trong sáng đến mấy có lúc vẫn bị mờ, lúc ấy mình không tự chiến đấu với mình thì ai vào đó mà chiến đấu? Trong trường hợp này chắc người khác không thể chiến đấu thay cho mình được. Tuy nhiên, mình cũng có thể tự cứu mình được bằng hồi chuông cảnh tỉnh qua lời kinh tiếng kệ, qua lời Phật dạy. Người ta thường nói, đời là một trường vinh nhục, có danh, có lợi, có quyền thế, hễ được thì làm vua, thua làm giặc. Vua ở đây theo Phật giáogiác ngộ và giặc ở đây là phiền não. Muốn được làm vua thì phải tu, phải học, phải làm chủ lấy mình, phải tự cứu mình khi biết mình sa đọa. Giặc phiền não thì bao giờ cũng có, không nhiều thì ít, ngày nào cũng hiện diện bên ta, trong ta. Nếu đã trong ta và bên ta thì phải biết điều nào hay thì làm và điều nào dở thì tránh. 

Khi đã phân biệt được tốt xấu thì giả sử có một mối lợi rất lớn nhưng nó phi nghĩa, nếu nhận thì sẽ có hại cho ta và cho mọi người khác thì nhất định ta sẽ không nhận, trái lại, nếu có một mối lợi dù nhỏ nhưng chính nghĩa thì ta quyết không từ chối. Cũng vậy, nếu có một chức danh lớn không chính đáng, có hại cho ta và mọi người thì ta không nhận, nhưng nếu có một chức danh dù nhỏ nhưng chính nghĩa giúp ích cho ta và mọi người thì ta vẫn hoan hỷ nhận. 

Đức Phật không cấm chúng ta làm ông này bà nọ, làm giàu có bằng sức lao động của mình, một cách chính đáng, của có được Ngài còn chỉ cho chúng ta nên chia 3 phần. Một phần để chi tiêu cho việc hàng ngày như tiền chợ, tiền gạo, đóng học phí cho con v.v..., một phần lo để dành phòng khi hữu sự dùng đến như con cái bệnh hoạn, ma chay, đám tiệc, cưới hỏi, kỵ giỗ xảy ra. Phần còn lại là dùng để tái sản xuất hay mua sắm công cụ để làm việc ... Như vậy Ngài khuyên ta làm giàu đúng nghĩa, làm ông này bà nọ chính danh, miễn nó đem lại hạnh phúc cho ta và cho số đông là được. Ngài cũng cấm làm giàu một cách phi nghĩa như của trộm cắp, ăn chận, ăn xén, tham nhũng v.v....Làm được như vậy chính đó là tu, là tự mình làm thanh tịnh lấy mình, không ai thanh tịnh cho mình hết. Nói một cách nôm na là tự đấu tranh với chính mình để loại trừ tham, sân, si, phiền não. Nhưng khi tranh đấu một không đủ sức thì phải tưởng nhớ tới Phật, tưởng nhớ tới lời dạy của Ngài, qua đó nhờ sự gia hộ của Ngài để chúng ta có thêm sức mà chiến đấu với điều ác. Còn nếu chúng ta xa kinh xa Phật, đơn thân độc mã không có bạn đồng hành, thì khó có thể vượt qua con ma danh lợi, chính nó có một ma lực quyến rũ rất mạnh, nên từ xưa đến nay, biết dến nay, biết bao nhiêu người ngã đổ vì nó. 

Thắng một ngàn quân địch giữa mặt trận rất dễ, nhưng tự thắng mình lại khó hơn, nên trong kinh pháp Cú Đức Phật đã dạy rằng: "Thắng ngàn quân địch chưa phải thiệt thắng, ai thắng được mình mới là sự thắng cao quí nhất". Thắng mình khó lắm, nên đức Phật nói: "Ở đời có hai cái mạnh, một là kẻ không làm ác và hai là kẻ làm ác mà biết ăn năn sám hối". Trường hợp thứ hai này như vua A-xà-thế đã giết phụ vương để giành ngôi vua. Sau khi Phụ vương chết ông đã ăn năn sám hối trước Phật và Phật chấp nhận sự sám hối của vua ấy và xác nhận đó là một trọng tội. Khi vua biết tội lỗi của mình và thề không làm ác nữa. Từ ấy có thêm một sức mạnh, đó là sức mạnh không làm ác. không làm ác là sức mạnh vô địch hay là sức mạnh của lý trí

Nhà Phật nói có bi, có trí phải có dũng, ba thứ này nó hỗ trợ cho nhau. Tôi lấy một thí dụ khác, giả sử chúng ta thấy một cục vàng rất lớn nằm giữa đường, làm sao chúng ta lại không lấy được. Ngó quanh ngó quất cũng không thấy có ai nhìn mình mà cục vàng cứ nằm lồ lộ trước mắt làm sao mà để yên được, chuyện đó khó lắm. Nếu ai không tham thì chứng tỏ họ là Bồ-Tát. Đó cũng là một sức mạnh của lý trí, có tu. Nhiều người không có được sức mạnh của trí tuệ thì thấy gì lấy nấy, không suy sét căn do, thậm chí đôi dép của người mới, mình cũng cố tình đi lộn. Lộn đó là cố ý giả lộn. Lần đầu đi lộn đôi dép, thấy không ai nói gì cả, lâu rồi quen thói. Khi đã lộn một lần thì lần sau lại tiếp tục lộn dù, lộn áo mưa... Lần sau nữa không lộn dù, lộn áo mưa mà thấy túi xách của người ta bèn tìm cách rạch túi. và cứ quen đà và lần sau xô ngã người ta để lấy chứ không còn lộn nữa. Xô ngã chưa vừa, lại còn khoét vách đục tường để trộm không biết chừng. Thậm chí vì một vài trăm bạc mà đâm chém lẫn nhau, lúc ấy thì con ma tham nó thắng, nó làm chủ và nó đuổi ông Phật trong tâm mình đi vì ông Phật trong tâm từ bi hỷ xả quá, phải không các Phật tử? 

Khi con ma tham lam chủ chiến trường của tâm rồi thì nó tha hồ tung hoành, đạp đổ, phá phách. Bấy giờ nó đốt cháy mình và đốt luôn mọi người, đạp đổ mình và đạp đổ luôn cả người, làm mình tiêu nát mà người cũng tiêu tan. Thôn xóm nào có nhiều người tham như thế thì thôn xóm đó sẽ bất an. Làng trong xã nào có những anh chàng tham này nhiều thì thôn làng đó sẽ khổ. Cho nên có người hỏi tôi: Thầy dạy các tín đồ tới tu như vậy có ích gì không mà thầy dạy mãi như vậy? Tôi nhờ các vị ở đây trả lời giúp tôi câu hỏi ấy. Hay có người hỏi, đi chùa tụng kinh có ích chi mà đi hoài vậy? Câu này chắc quí vị trả lời được. Trong xã hội ta đang sống, có ai dám đoan chắc rằng tôi không tham, không sân, không si, không cống cao, ngã mạn, tật đố không? Không ai dám đoan chắc hết. Đã mang cái nghiệp chúng sanh sống ở giữa đời ô trược nầy, không ai dám nói mình không tham cả. Nếu ai không có tham,sân, si cống cao, ngã mạn, tật đố, thì người ta đã khiêng lên để trên đài sen rồi, chứ đâu còn ngồi trên ghế để nghe pháp như bây giờ đâu. Khi còn ngồi mà nghe thuyết pháp như thế này, thì chắc chắn còn tham, còn sân, còn si, dù nhiều hay ít mà thôi. Ngồi trong chùa còn tham huống chi là ngồi ngoài chùa. Chúng ta đang sống mà không ai dám nói đã hết tham. Khi ma lực của tham, sân, si, nổi lên thì nó làm phương hại cho cả làng xóm bằng cách này hay bằng cách khác. Gần đây có bọn người vô lương tâm nó cam tâm làm thuốc giả để bán. Nó làm mà không nghĩ đến hậu quả! Và tôi nghĩ rằng chúng ta không dại gì mà mua những thứ rẻ tiền mà chất lượng quá xấu. Đôi lúc do tiếp thị quá mức, mục đích là vì lợi nhuận mà không nghĩ đến chất lượng. Cha ông ta thường nói: Của rẻ là của hôi. Các Phật tử coi chừng

Phật tử chúng ta tự thấy mình tội lỗi còn nhiều nên phải đến chùa tụng kinh, niệm Phật, để mong tiêu trừ nghiệp chướngchắc chắn mà không ai làm thuốc giả để hại dân, vì chúng ta còn tin nhân quả: Nhân nào quả nấy, mảy mấy chẳng sai. Là Phật tử chân chánh, tôi tin chắc quí vị không làm những điều bất nhân bất nghĩa như làm thuốc giả để bán cho người khác vì chúng ta còn tin nhân quả nghiệp báo. Chúng ta thấy đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, nghe giảng có lợi như vậy đó. Sự lợi ích đó không phải chỉ để riêng cho mình mà còn lợi cho gia đìnhxã hội nữa. 

tu sĩ Phật giáo không bao giờ chúng tôi dạy cho các Phật tử làm những điều xấu ác cả. Giả sử có ai chế thuốc giả thì liền khuyến cáo ngăn ngay. Nếu chúng tôi không dạy điều tốt cho Phật tử, thì họ có thể làm chuyện đại ác, như chế thuốc giả bán cho bệnh nhân, uống vào làm ngất ngư, không những bệnh nhân khổ mà cũng khổ lây cho bác sĩ và y tá nữa. Không bao giờ chúng tôi khuyên Phật tử làm chuyện đó. Như vậy các Phật tử thấy lợi chưa? Lợi trước mắt thấy rõ. Các Phật tử nếu không nhận thức cái lợi đó để trả lời khi có người nhạo báng trước mặt chúng ta. Có người cười và nói xỏ xiêng rằng: Sao hôm nay không đi bán? Hôm nay bán đắt lắm! Ngày nào mi cũng Pháp Hoa, Pháp Hoa. Pháp Hoa có đem về cho mẹ được đồng nào không? Các Phật tử trả lời sao đây? 

Hôm trước ở Huế có một Phật tử buôn bán bánh bột lọc dưới chợ Đông Ba, khi ít khách rảnh rỗi chị ta đem kinh sách ra đọc rồi giảng cho con chị ta nghe. Gần đó có một bà ngồi bên nghe nói Phật Phật bà ngứa tai chạy qua mắng chưởi vào mặt chị ta và nói: Cái con "nớ" mi câm cái mồm lại. Chi mi cũng Phật, Phật, Phật. Phật đâu mi chỉ tau coi? Chị kia trả lời rằng: Bà ơi, bà nói với cháu tử tế và dịu dàng một chút là Phật đó bà ạ. Phật là tử tế, hiền lành không có chi khác, còn hung ác là ma là quỉ, là địa ngục đó, bà ạ. Khi nói với bà rồi bà còn cãi lại: Ngày mô mi bán cũng ế òm mà cứ Phật Phật Phật. Coi tau đây, tau có Phật chi mô mà tau bán đắt như tôm tươi! Chị ta bèn trả lời: Thưa bà, con không phải cốt theo Phật để bán cho đắt, nhưng con theo Phật để cốt buôn bán ngay thẳng. Con buôn bán ngay thẳng lời được đồng nào thì con đem về nuôi cả nhà ăn vui vẻ chừng nấy. Còn con buôn bán gian dối, lừa đảo, thì gia đình con ăn cũng ngon miệng đó, nhưng nếu xét lại lương tâm cũng đau cái lòng. Cho nên con theo Phật buôn ngay bán thẳng là theo rứa đó, thưa bà. 

Tuy một lời nói đơn sơ mộc mạc nhưng cũng nói lên được cái ý nghĩaPhật tử phải kềm lòng, không nên tham lam quá. 

Về tiền bạc, châu báu và chức vụ quyền quí cao sang, Đức Phật đã dạy cho chúng ta một bài học rất có ý nghĩa. Xét ra không ai giàu bằng Phật, vì Phật trước đó là sắp làm vua, không ai quyền cao chức trọng bằng Phật vì Phật trước đó là Thái tử con vua. Nhưng Ngài thấy rõ tất cả những thứ đó không tạo nên được hạnh phúc chơn thật. Nó chỉ tạo nên một thứ hạnh phúc tạm thời mà thôi, nên Ngài đã bỏ ngai vàng cung điện để đi tu. Chính sự đi tu đó là một bài học lớn dạy cho chúng sanh, cho nhân loại, tiếc rằng chúng ta không học hết. Dù học không hết nhưng chúng ta đã có duyên theo Phật, thì cũng cố gắng học được một phần nhỏ nào nơi Ngài để mà tu mà sửa. Ngài bỏ các quốc thành thê tử được chứ còn chúng ta bỏ một vài đồng bạc chưa chắc đã bỏ được. Học theo Ngài, chúng ta khi buôn bán sẽ không ăn lời quá mức, không mua gian bán đắt. Trái lại, khi có dịp chúng ta nên học bố thí để tạo phước nghiệp cho mai sau. Đó là cách học Phật tốt nhất. Học hạnh bố thí của Ngài bằng cách ngày này ta bố thí một ít không tiếc, ngày mai ta cho một ít không tiếc và cứ như thế, ngày kế tiếp ta sẽ thực hiện được hạnh bố thí như Ngài. 

Như vậy là cái tâm tu tập của chúng ta ngày càng tinh tấn, ngày càng đi lên, và khi ấy tất cả các hạnh tốt nơi Đức Phật chúng ta sẽ học một ngày một ít và sẽ hoàn thiện dần dần và sẽ làm được trong một ngày không xa. 

Trong kinh có dạy: Đức Phật bố thí không những nhà cửa mà còn bố thí đầu, bố thí mắt và tay chân ... Có nhiều người nói Ngài bố thí gì mà nhiều quá vậy! Bố thí hết thì còn gì mà sống nữa. Nói là vậy, chuyện đó chắc là huyễn, chứ làm gì có chuyện đó Đứng vào địa vị của ta là địa vị chấp ngã nên chấp là không có chuyện đó xảy ra. Nhưng Ngài là vô ngã thì chuyện bình thường. Đối với chúng ta, cái ta không phải chỉ tồn tại nơi xác thịt này mà luôn cả cái gì xung quanh ta cũng là của ta nốt. Thậm chí đất đai quanh ta dù có hoang hóa, nhưng có ai xin làm cũng không cho, cỏ mọc ngút ngàn cũng thây kệ vì đó là của ta. Đất đai đã là của ta thì đố ai rớ vào được. Cái ta của mình nó tệ như vậy đó. 

Lại có người nghĩ: Anh có thân có thân thì hãy bảo vệ lấy thân đi, vì nó là cốt tủy của anh, ai động tới thì anh có quyền la mắng họ, chứ còn đám ruộng hoang hóa của tôi, cỏ có mọc quanh năm suốt tháng, ai đụng tới cũng không được, vì đó là ruộng của tôi. Chúng ta ở trong cái chấp ngã đó đã thành nếp, nên giờ đây nghe Phật bố thí đầu, mình, tay, chân thì không sao tưởng tượng nổi. Nhưng nếu mình tu tập cái tâm vô ngã vị tha lớn lao của Đức Phật, thì tự nhiên thấy chuyện bố thí đầu, mình và tay chân của Đức Phật là chuyện bình thường, thấy chuyện đó cũng dễ dàng như ăn cơm bữa không có chuyện gì xảy ra. 

Năm 1963, Ngài Quảng Đức tự thiêu ở giữa thành phố Sài Gòn để bảo vệ đạo pháp và dân tộc là như thế đó. Nếu ngài không có ý chí bảo vệ đạo pháp và dân tộc thì làm sao mà tự thiêu quên mình như vậy được. Giả sử bây giờ có ai lấy một tí lửa than nóng bỏ nơi bàn tay ta, nhất định ta thụt tay vào tức khắc, nóng quá ai mà chịu nổi. Trái lại ngài hy sinh thân mình làm một ngọn đuốc, ngồi giữa ngã tư đường của thành phố Sài Gòn, mới biết tâm của ngài mạnh vô cùng. Tâm của ngài vô ngã thì ngài làm gì cũng được hết. Cho nên nhà thơ Vũ Hoàng chương đã ca ngợi ngài trong bài Lửa Từ Bi như sau: 

Lửa! Lửa cháy ngất tòa Sen! 
Tám chín phương nhục thể 
Trần tâm hiện thành thơ quỳ cả xuống. 
Hai Vầng Sáng rưng rưng 
Đông tây nhòa lệ ngọc 
Chắp tay đón một Mặt Trời mới mọc 
Ánh Đạo Vàng phơi phới, đang bừng lên dâng lên ... 
Ôi! Đích thực hôn nay Trời có Mặt 
Giờ là giờ Hoàng Đạo nguy nga 
Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt 
Nhìn nhau: Tình huynh đệ bao la 
Nam-mô Đức Phật Di-Đà 
Sông hằng kia, bởi đâu mà cát bay? 
Thương chúng sanh trầm luân bể khổ 
NGƯỜI rẽ phăng đêm tối đất dầy 
Bước ra, ngồi nhập định hướng về Tây 
Gạt hết Lửa vào xương da bỏ ngỏ 
Phật pháp chẳng rời tay ... 
Sáu ngả luân hồi đâu đó 
Mang mang cùng nín thở 
Tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh Xe Quay. 
Không khí vặn mình theo, khóc òa lên nổi gió; 
Người siêu thăng ... Giông bão lắng từ đây, 
Bóng người vượt chín tầng mây 
Nhân gian mát rượi bóng cây Bồ-đề 
Ngọc hay đá, tương chẳng cần ai tạc! 
Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi! 
Chỗ Người ngồi: một thiên-thu-tuyệt-tác 
Trong vô hình sáng chói nét Từ bi
Rồi đây, rồi mai sau, còn chi? 
Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát 
Với Thời Gian lê vết máu qua đi. 
Còn mãi chứ! Còn Trái Tim Bồ-tát 
Gội hào quang xuống tận ngục A-tỳ. 
Ôi ngọn Lửa Huyền Vi! 
Thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác 
Từ cõi Vô Minh 
Hướng về Cực Lạc 
Vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác 
Và chỉ nguyện được là rơm rác 
Thơ cháy lên theo với lời kinh 
Tụng cho Nhân loại Hòa bình 
Trước sau bền vững tình Huynh Đệ nầy. 
Thổn thức nghe lòng Trái Đất 
Mong thành Quả Phúc về Cây, 
Nam-mô Thích-ca-Mâu-ni Phật 
Đồng loại chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt 
Tình thương hiện Tháp Chín Tầng xây. 
(Sài Gòn - 1963) 

Khi đã lấy tâm vô ngã làm chủ đích, thì Ngài có bố thí đầu, mình, tay, chân gì cũng được hết, không tiếc thân mạng. Sở dĩ chúng ta thấy khó vì các ngã của ta còn quá to, nên dù người ta xin một chút nhỏ như móng tay, bố cũng không xong mà thí cũng không được. Trái lại, cái gì quơ được là chúng ta quơ vô hết. Thậm chí, rác rê, cỏ dại cũng giữ lại không cho. Để lại đến nỗi nó lên mốc lên meo, ai xin cũng không được. Cây cối ngoài vườn đã mục, ai xin vài cành về nhen bếp nấu ăn cũng không xong. Chuyện đó không làm được thì làm sao đem cái áo, cái quần, đồ ăn thức uốngbố thí được, làm sao mà nói chuyện bố thí đầu, mình, tay, chân được! Mình cứ nghĩ chuyện của mình như vậy đem đối chiếu với việc Phật làm thì thấy mình với Phật cách xa nhau muôn trùng. Bây giờ làm sao để mình gần với Phật, chứ cách xa Phật mãi sao? Mình là đệ tử Phật, con Phật mà đứng xa Phật hoài như vậy, coi sao được? Đối với Phật thì vàng bạc châu báu Ngài bố thí được, còn mình, một vài nhánh củi mục ngoài vườn, rác rê um tùm người ta nghèo khó, đến xin về nấu cơm cho con ăn mà không bố thí được sao? Thế thì chúng ta cách xa Phật biết mấy! 

đệ tử con Phật, mình phải làm sao cho gần Phật, phải học bố thí chút ít để cho gần với Phật. Mới đầu ta bố thí nho nhỏ, lâu ngày ta huân tập được hạnh của Ngài ta sẽ bố thí lớn hơn. Có tập làm theo cái hạnh bố thí như vậy, tức nhiên lâu ngày ta làm chủ được nó, làm chủ được hạnh bố thí thì ta sẽ sung sướng với việc làm, và đến khi thân hoại mạng chung ta sẽ sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này, không đến nỗi khổ, hơn hẳn những người không biết, không hiểu Phật pháp. Và đến khi mất, ta không đến nỗi khổ như bao nhiêu người khác họ không hiểu Phật phápchắc chắn khi đó ta được diện kiến thượng thiên nhơn câu hội nhứt xứ nơi cõi lạc bang

Trước đây có một đạo hữu đến báo với tôi: Ôi chao thầy ơi, thầy làm sao thầy vẽ cho tui sống với, chứ giờ tôi hoảng quá, thầy ơi! Tôi hỏi: sao mà hoảng hung rứa, bác? Ông ta nói: Nhà tui họ lấy hết. Tôi hỏi: Rứa chừ bác không còn cái mô hết à? Ông nói: Dạ, còn một cái. Tôi hỏi: Nhà trệt hay nhà lầu? Ông nói: Dạ nhà lầu. Tôi hỏi: Rứa chừ bác ở với ai? Ông nói: Dạ, hai mụ ôn tra ở với nhau. Cho nên nhiều khi nhập cuộc giả mê, nghe Phật nói vạn sự vô thường thì cũng 100 năm sau mới vô thường, chứ vô thường trong nháy mắt sao được? Vô thường như vậy ai mà chịu nỗi? Vô thường liền liền kiểu đó ai mà trở tay cho kịp! Bây giờ nói chứng kiến việc trước mắtvô thường liền liền, trong một ngày một đêm mà mất đến những 10 cái như cũng mất luôn. Nếu mình không hiểu lời Phật dạy về sự vô thường, thì cũng như ông bác kia thôi, e nhiều khi còn tệ hơn bác ta nữa, mê mê tỉnh tỉnh, điên điên cũng không biết chừng. Chắc các Phật tử cũng thấy ngày nay cũng có vài người đang điên về các vụ này, bất tỉnh nhân sự cũng vì các vụ này. 

Phật tử chúng ta đến với Phật, chúng ta học lời dạy của Ngài, Ngài không cho vàng cho bạc gì cả, nhưng Ngài cho năng lực, trí tuệ để cho chúng ta làm chủ lấy mình. Khi đã làm chủ thì chúng ta sẽ được tự tại trước mọi hoàn cảnh, tự tại trong khi mình có và cũng tự tại trong khi mình không có. Khi chưa học giáo lý của Ngài, chúng ta đắm say nơi cái có cũng chết và không đắm say nơi cái không có cũng chết. Cứ tưởng mình có 10 cái nhà lầu và cứ đinh ninh nó là của mình, chắc như đinh đóng cột, thế mà giờ thì trắng tay không còn chi cả, thì than ôi! Làm sao mà sống đây? Nếu không học giáo lý của Ngài, chúng ta thử hỏi: Khi ta sinh ra đời có nắm đồng tiền nào trong tay không? Thế mà ta cũng sống được cho tới ngày nay. Cho hay sự sống đó không phải chỉ do sự làm lụng mà có, nhưng một phần cũng do cái phước nghiệp của mình còn lại. Biết rõ điều đó, chúng ta cũng không nên buồn rầu làm chi cho khổ. Nếu chúng ta tin tưởng rằng, ngoài sức lực làm ra còn có phước nghiệp nữa, thì cuộc sống rất có ý nghĩa, ví như ngoài thân thể ra còn phải có tinh thần nữa. Nếu tin tưởng vào cả hai điều đó thì cuộc sống rất có hạnh phúcan lạc. Trong lòng chúng ta ai cũng muốn có nhà lầu, dù đó là người buôn thúng bán mẹt, chứ không ai muốn ở nhà tranh vách đất đâu. Nhưng có người làm được có người không làm được là vì sao như thế? Cũng vì do cái túc nghiệp của người này tạo khác với người kia. Túc nghiệp của người này có duyên kiếp trước cộng với cái quả làm hôm nay tạo thành cái quả tốt. Việc làm hôm nay của chúng ta, có người làm chơi ăn thiệt, có người làm thiệt nhưng lại không có ăn, là có cái nhân quả trong đó. Khi đã hiểu rõ rồi thì có ta cũng sống tự tại với có, còn không, ta cũng sống tự tại với không. Học Phật bao nhiêu năm bạc tóc mà chúng ta lại không hiểu điều đó sao? Nhưng rồi cũng nhập cuộc giả mềm. 

Sau giải phóng năm 1976, 1977, phường cứ bắt khai lý lịch: Sống nghề gì? Khai nghề thầy tu. Họ nói, thầy tu nghề gì mà nghề, thôi rứa là mình chịu rồi. Không có nghề thì ngồi không ăn bám hay là "ngồi mát ăn bát vàng". Mình nghĩ không có nghề nó cứ ám ảnh việc ngồi không ăn bám, trong lòng thấy khó chịu vô cùng. Nhưng một bữa có một ông lão đến chùa Hải Đức xin ăn. Ông ta thỉnh thoảng hay đến gặp tôi và nói chuyện. Khi có, tôi cũng cho ông năm đồng mười trự vì thấy ông cũng già rồi khổ thân. Một bữa mát trời ngồi nói chuyện tào lao, bất đồ ông nói: Thầy đưa tay cho tôi xem thử. Tôi đưa tay cho ông xem, ông nói: Tay thầy theo cái số thì sống đến 70, nhưng vì thầy tu hànhphước đức nên cũng thọ đến 80. Khi nghe nói thọ đến 80, tôi liền giựt tay lại, bởi khi đó tôi mới 55 tuổi, mà phải sống đến 80 tức là phải sống thêm 25 năm nữa. Tôi nghĩ mình sống bằng nghề gì? Chứ không có nghề thì người ta nói ngồi không ăn bám thì nhục lắm. Tôi phản ứng giựt lui liền và nói, thôi ông ơi, cơm gạo đâu mà sống lâu dữ vậy! Khi ấy tôi cũng chỉ vì ám ảnh cái nghề ngồi không ăn bám nên mới thốt ra lời đó. Nhưng ông ta liền nói: Thầy đừng lo, cơm gạo giữa trời đất chứ cơm gạo ở đâu. Khi nghe như vậy tôi tỉnh liền. Cho đến như tôi khi đó cũng mê huống chi các đạo hữu. Cho nên cái tỉnh thì khó chứ cái mê thì dễ. Vì thế chúng ta phải tiếp tục đi chùa để tụng kinh nghe giảng, để nhắc nhở lòng mình phải luôn luôn tỉnh thức, còn không thì dễ bị mê lắm. Mê thì thật là khổ. Một câu nói đơn sơ của ông lão thầy tướng đó làm cho tôi cảm thấy lòng nhẹ nhàng, từ đó tôi không lo chi hết, chứ trước đó tôi cứ băn khoăn hoài, làm sao mà sống đây? Thầy tu không phải là nghề, không phải nghề thì họ cho là ngồi không ăn bám, thật khổ. Tôi cứ băn khoăn hoài cho đến khi nghe ông lão nói, tôi chợt ngộ hết mê. Thành thử đi chùa, tụng kinh, nghe giảng điều hay lẽ phải của Phật dạy là nhắc nhở cho mình luôn luôn tỉnh ngộ, chứ đừng để bị mê. Đã mê mà được ngộ thì tự nhiên sung sướng vô cùng, cũng như ông đạo hữu mất nhà, còn một cái nhà lầu mà cứ nói tôi hoảng quá làm sao sống đây. Nhưng khi nhắc cho ông còn một cái nhà lầu nữa thì ông nói: À, à, té ra rứa, tức là ông đã ngộ, có chút vui sướng trong đó, vì ông thấy những người ngoài kia không có nhà cửa, họ nằm la liệt góc hè đường phố, họ khổ biết bao nhiêu. Còn ông, ông không thấy, nên ông la hoảng quá. 

Như vậy thì Phật có cho ta vàng bạc gì đâu, nhưng Ngài đã cho ta một lời dạy: Đời là vô thường thì sướng biết mấy. Khi đó cho vàng, cho bạc, chưa chắc đã sướng bằng. Vàng bạc là đem lại cái sung sướng vật chất, nhưng thật là mong manh, còn lời dạy của Phật là đem lại cái sướng về tinh thần. Cho nên đừng hỏi rằng, tôi đi tụng kinh lâu nay sao không có cục vàng nào hết? Đừng mơ chuyện đó. Phật dạy đi tới Phật pháp cũng như đi tới núi vàng, đừng về tay không mà về tay có. Không nắm được cục vàng to thì cũng nắm được chút đỉnh mà đem về, nhưng chút đỉnh ti tí đó như thế nào, kẻo bà con nói đi tới núi vàng sao lại về tay không? Các Phật tử nghĩ sao? Nội chuyện Đức Phật dạy: Vạn sự vạn vậtvô thường, nếu ta thấm thía lời dạy đó thì là vàng rồi. Lời Đức Phật dạy các pháp là như huyễn, ta thấm được lời dạy đó cũng là vàng rồi. 

Tóm lại, mọi sự mọi vật giữa thế gian điều có đó không đó. Nhưng cũng có những cái có đó không đó ta dễ nhận, và cũng có những cái có đó không đó ta khó nhận. Như cái nhà lầu to như thế này, hay cục vàng lớn như thế kia mà Phật nói là huyễn thì mình khó nhận ra quá. Vàng đó sao gọi là huyễn? Có tiền mua tiên cũng được huống chi lại có vàng. Có vàng ta mua ti vi, tủ lạnh, nhà lầu, xe hơi cũng được, sao Phật nói là huyễn. Cái đó thật khó tin, khó ngộ chứ không phải dễ. Nhưng có những cái khác cũng dễ ngộ mà tự mình không ngộ đó thôi. Tỷ như ngôn ngữ âm thanh, tiếng nói là vô hình dễ xem như huyễn. Nhưng nếu mình không hiểu theo lời Phật dạy thì không ngộ được. Tôi nói thí dụ để minh họa: Có người chửi: Cha mi thằng tê. Nghe chửi như vậy có người nổi sung liền. Xét kỹ cha mi thằng tê đây nó có ngã đâu mà nổi sung. Tôi phân tích để quí vị ngẫm nghĩ: Nếu đúng 8 giờ sáng họ chửi một tiếng cha, 9 giờ họ chửi một tiếng mi, 10 giờ họ chửi tiếng thằng, 11 giờ họ chửi tiếng tê, khi ấy có ai giận không? Họ chửi cha, nghỉ một lát chửi mi, nghỉ một lát chửi thằng, nghĩ một lát chửi tê, có ai giận không, chắc là không có ai giận? Cái âm thanh phát ra như vậy thôi, chữ cha không dính chi chữ mi, mi không dính chi thằng, thằng không dính chi chữ tê cả. Thế nhưng mình đem cái tâm xấu nó lại, ghép nó thành câu rồi nói hắn chửi tôi đó. Khi nói hắn đã chửi tôi rồi thì thế nào tôi cũng tìm cách chửi lại hắn. Khi cơn giận nổi lên thì dù đang buôn bán cũng bỏ, đang dạy cũng bỏ, đang làm ruộng cũng bỏ ruộng để chửi cho đã. Ai đời nó chửi cha mi thằng tê là ám chỉ mình, mình chịu sao nổi, nên phải chửi lại cho nó biết tay ta. 

Nhưng giờ đây Phật dạy vạn pháp như huyễn, cục vàng, cái nhà cũng như huyễn. Cái đó khó ngộ, chứ còn tiếng nói thì dễ ngộ lắm. Cha mi thằng tê có dính gì với nhau đâu, nghe qua rồi bỏ. Thế thì dù có ai chửi suốt này suốt đêm cũng thây kệ, vì tiếng chửi cũng như huyễn, nó bay qua rồi thì thôi, ví như tôi đang ngồi thẳng trên bục giảng sư như thế này không sao hết. Chửi riết mệt rồi thì thôi, sau đó không chửi nữa. Nếu có chửi lại thì từ sáng đến chiều chưa chắc đã xong. Khi đó hai bên cũng đều mệt cả. Cho nên Đức Phật dạy rằng, người nào biết nhẫn nhục là người đó thắng cho mình và thắng cho người. Nếu không biết nhẫn nhục thì cả hai cùng chửi, mệt chết bỏ. Chửi tay đôi chưa xong thì kéo bà con tới chửi nữa. Chửi chưa hết khi gần chết còn trối lại cho con sau này chửi tiếp. Như ấy dầu có chết cũng ôm lòng oán hận, thì thử hỏi linh hồn đó sẽ đi về đâu? Có lên cõi Phật được không? Chắc chắn đi ngang tới cửa Phật, thấy mặt là Ngài đuổi liền: Thôi thôi, nhà ngươi về tu thêm đi đã, chứ nhà ngươi hung dữ quá, ta không thâu nhận nhà ngươi nữa đó. Cửa của ta chỉ đón tiếp toàn là chư thượng thiện nhơn câu hội nhất xứ, còn nhà ngươi ác như thế làm sao mà câu hội nhứt xứ được. Thôi ngươi hãy về tu thêm đi đã. 

Vậy khi mình học Phật, tới núi vàng của nhà Phật là có ý nghĩa gì? Tới núi vàng của Phật là tìm dạy những lời dạy cao quí của ngài để tu, tự lợi lợi tha. Núi vàng tức là những lời vàng ngọc của Phật dạy. Mình học lời Ngài dạy thì sẽ ngộ được, ví như nói cuộc đờivô thường, là như huyễn. Nếu đã huyễn thì tiếng cha mi thằng tê cũng là huyễn. Đã là huyễn thì chấp chặt làm gì cho khổ. 

Cho nên đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, nghe giảng có cái lợi to lớn không những cho bản thân mà còn cho cả xã hội nữa. Nếu về nhà bà con có hỏi đi lên chùa có thấy núi vàng không? Có đem về được chút nào không thì mạnh dạn trả lời là có. Tôi có đem về được một chút. Nếu họ hỏi chút gì, đưa cho xem với? Thì trả lời, bửa nay tôi biết chửi là như huyễn. Cho nên bây giờ ông bà có mắng có chửi mấy thì chửi, tôi không cần nghe, có la mấy thì la tôi cũng không sợ. Có một số quí bà hễ chồng đi về trễ thì hậm hực, tức tối và ngược lại, có một số quí ông thấy bà về trễ thì lại ghen tuông giận dỗi, đánh đập. Từ những chuyện hậm hực, tức tối rồi sinh ra nghi ngờ, cãi vã nhau, lôi nhau ra tòa. Khi đã lôi ra tòa thì cái Ta nào cũng lớn hết, xét cho kỹ thì họ chưa thấm nhuần cái vô ngã, cái huyễn thân của cuộc đời là gì. Cũng có nhiều người từ một cái sẩy nẩy ái ung là vì không ngộ được nhứt thiết Pháp là huyễn hoặc. Nếu ai ngộ được nhất thiết là huyễn thì người đó sẽ sung sướng mà Phật gọi là người tìm được vàng. Đó là phương thuốc đó ra trị liền chứ đừng để khi lên chùa thì nhờ thầy cất giùm, còn về nhà thì không mang theo, lỡ có chuyện gì xảy ra lấy thuốc đâu mà trị, chả lẽ ngày nào cũng sai con lên chùa mượn để về chữa, coi bộ cũng chướng. Thậm chí có người còn biểu tài xế lái xe lên chùa mời thầy về chữa, chứ sao mấy bửa nay bà nó cứ lên cơn chửi bới cả ngày dữ quá. Vì bà không hiểu cái lý Phật dạy, lời chửi bới là như huyễn. Còn tôi, khi nghe thầy dạy xong thì tôi liền gởi ngay lại cho thầy. Bây giờ mẹ tôi biểu con lên chùa mời thầy về chữa kẻo nhà con cứ nổi con điên thì khổ lắm. Thật là tốn thì giờ mà lại tốn tiền thêm tiền công đức cho thầy, quả là khổ! Chung quy cũng chỉ tại tất cả chúng ta, kể cả ông bà vừa nêu trên chưa thuộc được bài của Phật dạy: Tất cả các pháp điều như huyễn

Có một vị thiền sư đang tụng kinh khuya, hôm đó có một tên trộm vào chùa, thấy sư đang tụng kinh nó liền rút dao đưa đến cổ của sư dọa và hỏi tiền đâu? Ngài nói nơi hộc bàn. Tên trộm kéo hộc và vơ vét hết số tiền hiện có của sư rồi lật đật đi ra. Khi đi ngang qua chỗ sư, sư nói: Đạo hữu hãy để lại cho ta một ít, mai ta đóng thuế. Hắn đem lui bỏ lại cho sư một ít rồi chuồn ngay. Khi ra gần tới cửa sư kêu lại nói: Này anh kia, xưa nay ai cho gì không biết cám ơn một tiếng à? Hắn quay lui nói cám ơn, rồi đi. 

Một ngày kia hắn bị bắt, quan tra hỏi bắt hắn khai ra hết. Hắn khai, bữa trước có tới trộm nơi chùa đó. Tòa mời sư ra và hỏi, này ông sư, bữa hôm đó có tên trộm này vào trộm nơi chùa của ông sư phải không? Sư liền trả lời: Không. Tòa kêu hắn ra đối chất. Hắn xác nhận gặp sư đang tụng kinh khi hắn đi vào trộm, và sư còn nói sao không cám ơn. Ngài nói, à, bữa hôm đó ngươi đã cám ơn rồi nên ta không coi ngươi là ăn trộm, rồi sư quay qua nói với quan tòa rằng, khi người ta cho thì họ mới cám ơn, còn ăn trộm ai mà cám ơn. Có nghĩa là hắn không phải là tên trộm, sư trả lời khỏe re. Nhưng bây giờ mình có học được cái khỏe đó của sư không? Chắt không được. Bài học này khó chứ không phải dễ. Trường hợp đó sợ quá, e mình cũng la lên để đánh thức mọi người dậy bắt cướp. Nếu có ai tu lắm thì cũng chưởi vài ba câu, đánh vài bạt tai hù dọa để cho nó lần sau đừng tới đây ăn trộm nữa rồi đuổi nó đi, cũng có người kêu công an giao cho họ, chứ làm như ngài thì chắt ít ai làm được. Nếu có người đại tu thì cũng bắt chước ngài chút đỉnh mà thôi. Ví như vì đói nên vào vườn trộm một vài trái bí, quả bầu mà mình bắt gặp, dọa nạt khuyên lơn, lần sau đừng vào đây trộm nữa nghe chưa rồi đuổi ra, chứ không phải mai mốt nghe tòa án kêu tới thì xúi quan bắt nhốt thêm 10 năm về tội ăn cắp bầu bí của mình. Nếu có tu hơn chút nữa thì nói, bữa đó tôi thấy nó đói, nó có mượn đỡ vài trái bí nên tôi đã lơ cho nó thôi. Như vậy cũng là bài học cái hạnh của Phật rồi đó. Đó là tu theo cái hạnh của Ngài là phải có lòng từ bi đối với mọi người

Nói đến cái tu của Phật thì có nhiều cách. Nhưng trong trường hợp này thì cần tấm lòng, coi mình có tấm lòng từ hay không có lòng từ, có hiểu hoàn cảnh của họ hay không hiểu. Trường hợp nào áp dụng cách tu Ngài cũng được hết. Giàu tu cũng được, nghèo tu cũng được, bất cứ ở đâu tu cũng được. Nếu đã có lòng từ bi thì ở đâu tu cũng được, nhẹ nhàng khỏe khoắn không vướng bận gì, còn không biết tu mà cứ tìm cách hại nhau thì ở giữa đời oan oan tương báo, dính chặt vào nhau khó mà gỡ ra được. Mình là Phật tử hiểu đạo, mình không ra tay gỡ trước thì đố ai mà gỡ được. Mình và anh ta có oan trái với nhau, anh ta là người không biết đạo nên anh ta không biết gỡ. Mình mang tiếngđi chùa mà không biết gỡ thì mình với anh ta cứ oán mãi. Mình là người biết đạo thì mình phải ra tay gỡ trước mới phải, khi mình ra tay gỡ rồi thì anh ta chắc chắn cũng gỡ thôi, khi ấy mình với anh ta không còn oán nữa. 

Chúng sanh ở giữa đời tiếng gọi là sống trăm năm, nhưng mấy người đạt được? Nhiều lắm là năm bảy tám chục năm, ít người thọ đến trăm năm. Chúng ta từ đâu lại không biết, trong cõi luân hồi thăm thẳm tới gặp mặt nhau đây, hoặc qui tụ trong một gia đình, làm cha, làm mẹ, làm anh, làm em, làm bạn bè thân hữu trong khoảng một thời gian ngắn rồi đường ai nấy đi, không còn ai biết ai nữa. Khi sinh chỉ một mình ta biết, khi chết cũng chỉ một mình ta đi, có ai chết theo mình không, mà có chết theo đi nữa rồi cũng ai đi đường nấy. Thế thì trong khoảng thời giannhân duyên gặp nhau đây, kết làm cha mẹ, vợ chồng, làm bạn bè thân hữu, tại sao mình không lợi dụng thời gian ngắn ngủi đó để ăn ở với nhau cho thật tốt, cho hiền lành, cho có đạo đức hầu tạo nên một nếp sốnghạnh phúc, an vui lẫn nhau, mà ngược lại hở một chút thì tham, hở một chút thì sân, hở một chút thì si, thì giận, hở một chút là tranh hơn thua, vinh nhục đủ thứ, kết cục rồi cũng nhắm mắt xuôi tay mà thôi. 

Khi mình hiểu được đạo lý của Đức Phật, mình sẽ sống một cuộc đời thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, khi biết rằng thân mạng của ta rồi sẽ vô thường, bà con quyến thuộc của ta rồi sẽ vô thường, bà con quyến thuộc của ta rồi cũng vô thường, không ngoại trừ một ai. Chúng ta gặp mặt nhau, hội tụ cùng nhau trong cuộc đời này là may mắn, và đến một lúc nào đó phải chia tay, ai đi theo nghiệp nấy, vì vậy trong kinh nói: Thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Đã biết đã hiểu như vậy, thì chúng ta nên cố gắng lợi dụng khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, để sống với nhau một cách tốt đẹp, đem an vui hạnh phúc đến cho nhau. Chúng ta tin tưởng rằng, nếu đời này chúng ta sống tốt đẹp, hòa thuận với nhau thì nhất định đời sau sẽ được gặp nhau trong một hoàn cảnh tốt đẹp hơn, Vì chúng ta cùng tạo thiện nghiệp đời này, tất nhiên sẽ hưởng phước thiện tốt lành trong cùng một cảnh giới mai sau. Huống chi chúng ta niệm Phật cầu vãng sinh tịnh độ tất gặp chư thượng thiện nhơn câu hội nhất xứ, chúng ta sẽ được nhờ Phật, nhờ chư vị Bồ-tát, chúng ta sẽ gặp nhau trong thiện pháp đường để nghe pháp âm của chư vị, chúng ta nhất định sẽ thoát khỏi cảnh trầm luânchúng ta không tạo nghiệp ác, như kinh Pháp Cú Phật có dạy: Trong các pháp tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu ai nói hoặc làm với tâm thanh tịnh, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến, như bóng theo hình. Nếu ai làm ác thì: Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo con vật kéo. 

Bây giờ chúng ta là anh em,là cha mẹ, là vợ chồng, là người thân kẻ thù, đến khi nhắm mắt rồi, nếu không cùng chung một thiện nghiệp với nhau, thì khi ấy đường ai nấy đi, khó mà cứu thoát cho được. Tỷ như bà con mình có làm sai mà bị ở tù. khi họ ở trong tù, mình ở ngoài đường ngó vô mà có thấy nhau đâu, huống chi trong cảnh luân hồi thăm thẳm làm sao mà thấy nhau được. Chúng ta chỉ thấy nhau khi lòng mình thanh tịnh, mắt mình có tuệ nhãn, khi đó mới thấy nhau được. Lòng muốn thanh tịnh thì phải tu, muốn có tuệ nhãn thì phải tu mới chứng, khi nhìn mọi vật theo lời Phật dạy, theo cặp mắt từ bitrí tuệ của Ngài thì mới thành tuệ nhãn. Chứ mình cứ nhìn theo cặp mắt thịt của mình, càng nhìn càng thấy tối tăm thêm, không làm sao mà sáng sủa lên được, Vì mắt của mình không có trí tuệ khai sáng nên càng nhìn càng tối, vì cái danh cái lợi lấp che nên đã tối lại càng tối thêm. Khi danh lợi đã làm cho tối mắt rồi thì hiện tại còn sống với nhau mà nhìn không thấy, huống chi trong cảnh minh minh chi trung làm sao mà thấy nhau được. Khi danh lợi đã làm cho tối mắt thì cha con, thầy tổ cũng không nhìn thấy nhau nữa, huống hồ là vợ chồng, con cái. Khi ấy bạn bè tới chắc cũng đóng cửa liền. Vì thế, người tham khó mà thương ai lắm, không thương người ngoài đã đành mà trong thân hữu cũng không thương nổi. Thành ra cái lòng tham làm tối mắt, còn sống mà không thấy nhau huống hồ khi chết. Khi nào gỡ được cái màn vô minh trên con mắt tham, sân, si, ngã mạn, cống cao, tật đố rồi thì mới nhìn thấy nhau được. Vợ chồng khi đã giận nhau rồi thì gặp nhau như người xa lạ, ngoảnh mặt làm ngơ giống như kẻ ghen tuông vậy. 

Vì vậy, ta muốn làm thân với nhau, coi nhau như thiện hữu trí thức, gặp nhau trong thượng thiện nhơn câu hội nhứt xứ thì phải lột bỏ lớp màn vô minh bao phủ con mắt mình để mình có được tuệ nhãn, phân biệt được thiện ác ở đời. Có như vậy thì trong hiện tại chúng ta sống nhìn nhau một cách tốt đẹp, sống một cuộc sống an lành hạnh phúc, tạo dựng một xã hội an lạc. Đó là điều may mắn, hạnh phúc mà ta có được, trước hết là nhờ ơn Đức Phật, sau là nhờ thiện hữu trí thức giúp đỡ. 

Tôi mong rằng, nếu chúng ta được an lạc hạnh phúc trong giáo pháp của Đức Phật thì chúng ta cũng cầu nguyện cho mọi người thấm nhuần pháp lạc như ta, để họ đem lại hạnh phúc an vui cho gia đình họ và những người thân yêu của họ. Chúng ta cầu nguyện cho xã hội chúng ta đang sống luôn luôn được an bình hạnh phúc

Chúc các Phật tử tinh tấn, dõng mãnh giữ vững đạo tâm của mình, coi đó là liều thuốc trị bệnh hữu hiệu nhất cho đời mình, xin đừng bỏ mất.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 3883)
Tư Tưởng Phật Giáo Trong Thi Ca Nguyễn Du - HT Thích Như Điển
(Xem: 3061)
Phật Giáo Việt Nam Tại Châu Âu - HT Thích Như Điển
(Xem: 6864)
Tư Tưởng Phật Giáo Trong Văn Học Thời Trần - Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thượng
(Xem: 5579)
Emily Elizabeth Dickison là nhà thơ lớn của Mỹ trong thế kỷ thứ 19. Bà sống phần lớn cuộc đời trong cô độc.
(Xem: 3885)
Ni Giới Việt Nam Hoằng Pháp tại Hoa Kỳ - Thích Nữ Giới Hương. Hồng Đức Publishing. 2020
(Xem: 3047)
Tác phẩm “Xây dựng hạnh phúc gia đình” của Hòa thượng Thích Thắng Hoan là cẩm nang hướng dẫn xây dựng hạnh phúc cho người Phật tử tại gia.
(Xem: 12005)
“Nói Thiền tông Việt Nam là nói Phật giáo Việt Nam. Và những bậc cao Tăng làm sáng cho Phật giáo, làm lợi ích cho dân tộc từ thế kỷ thứ 6 mãi đến nay đều là các Thiền sư.”
(Xem: 5109)
Ai đã truyền Việt Nam Phật Giáo qua Trung Quốc: Khương Tăng Hội, người Việt Nam. Vào năm nào: năm 247 tây lịch.
(Xem: 3826)
Tư tưởng Phật giáo trong văn học thời Lý bản PDF - Nguyễn Vĩnh Thượng
(Xem: 9097)
Thầy Tuệ Sỹ Là Viên Ngọc Quý Của Phật Giáo và Của Việt Nam - Nguyễn Hiền Đức
(Xem: 7317)
Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác - hồi ký về một ngôi chùa đã đi vào lịch sử Phật giáo tỉnh Quảng Nam. Viên Giác Tùng Thư 2019 - Nhà xuất bản Liên Phật Hội
(Xem: 27052)
Tác phẩm Trí Quang Tự Truyện bản pdf và bài viết "Đọc “Trí Quang Tự Truyện” của Thầy Thích Trí Quang" của Trần Bình Nam
(Xem: 5864)
Tôi đặt bút bắt đầu viết "Lời Vào Sách" nầy đúng vào lúc 7 giờ sáng ngày 21 tháng 6 năm 1995 sau khi tụng một thời kinh Lăng Nghiêmtọa thiền tại Chánh điện.
(Xem: 5584)
Có lẽ đây cũng là một trong những viễn ảnh của tâm thức và mong rằng những trang sách tiếp theo sẽ phơi bày hết mọi khía cạnh của vấn đề, để độc giả có một cái nhìn tổng quát hơn.
(Xem: 6096)
Ai trói buộc mình? Không biết có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi đó với chúng ta chưa? Đến chùa học pháp hay đi tu chỉ để cầu giải thoát. Mục đích tu hoặc xuất gia là cầu giải thoát sinh tử. Giải thoát có nghĩa là mở, mở trói ra. Cầu giải thoát là đang bị trói. Nhưng ai trói mình, cái gì trói mình? Khi biết mối manh mới mở được.
(Xem: 5568)
Sống Trong Từng Sát Naphương pháp thực tập sống tỉnh thức, sống và ý thức về sự sống trong từng mỗi phút giây. Đây là phương thức tu tập dựa trên tinh thần Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm.
(Xem: 5439)
Nguyên bản: How to practice the way to a meaningful life. Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma. Anh dịch: Jeffrey Hopkins, Ph. D. Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
(Xem: 7741)
Mối Tơ Vương của Huyền Trân Công Chúa (Phóng tác lịch sử tiểu thuyết vào cuối đời Lý đầu đời Trần) HT Thích Như Điển
(Xem: 4744)
Nguyệt San Chánh Pháp Số 84 Tháng 11/2018
(Xem: 12009)
Nhẫn nhục là thù diệu nhất vì người con Phật thực hành hạnh nhẫn nhục thành thục, thì có thể trừ được sân tâm và hại tâm, là nhân tố quan trọng để hành giả thành tựu từ tâm giải thoátbi tâm giải thoát.
(Xem: 21804)
Tác giả: Diệu Hạnh Giao Trinh sưu tầm và kể chuyện, Nguyễn Minh Tiến hiệu đínhgiới thiệu
(Xem: 6468)
Cảm Đức Từ Bi - tác giả Huỳnh Kim Quang
(Xem: 7413)
Một bản dịch về Thiền Nhật Bản vừa ấn hành tuần này. Sách nhan đề “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” của tác giả Matsubara Taidoo. Bản Việt dịch do Hòa Thượng Thích Như Điển thực hiện.
(Xem: 6691)
Tuyển tập “Bát Cơm Hương Tích” của Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng là một phần lớn của đời tác giả, ghi lại những gì Thầy mắt thấy tai nghe một thời và rồi nhớ lại...
(Xem: 6268)
Quyển sách "Hãy làm một cuộc cách mạng" trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma khởi sự được thành hình từ một cuộc phỏng vấn mà Ngài đã dành riêng cho một đệ tử thân tín là bà Sofia Stril-Rever vào ngày 3 tháng giêng năm 2017.
(Xem: 8524)
THIỀN QUÁN VỀ SỐNG VÀ CHẾT - Cẩm Nang Hướng Dẫn Thực Hành - The Zen of Living and Dying A Practical and Spiritual Guide
(Xem: 6045)
Mùa An Cư Kiết Hạ năm 2016 nầy tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 67 để sang năm 2017 xuất bản với nhan đề là "Nước Mỹ bao lần đi và bao lần đến"
(Xem: 5688)
Người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng, Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa, Con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng, Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa (Tuệ Sỹ)
(Xem: 14168)
TĂNG GIÀ THỜI ĐỨC PHẬT Thích Chơn Thiện Nhà xuất bản Phương Đông
(Xem: 20173)
Người học Phật có được một tài liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tra cứu khi cần...
(Xem: 6847)
Tác phẩm nầy chỉ gởi đến những ai chưa một lần đến Mỹ; hoặc cho những ai đã ở Mỹ lâu năm; nhưng chưa một lần đến California...
(Xem: 6818)
Từ Mảnh Đất Tâm - Huỳnh Kim Quang
(Xem: 6381)
Một năm lại sắp trôi qua với những vết tích điêu tàn, khổ nạn để lại trên khắp trái đất. Nhìn lại, chúng ta không khỏi giật mình, và chạnh lòng thương tưởng
(Xem: 6474)
Chung trà cuối năm uống qua ngày đầu năm. Sương lạnh buổi sớm len vào cửa sổ. Trầm hương lãng đãng quyện nơi thư phòng..
(Xem: 6003)
Một năm lại sắp trôi qua với những vết tích điêu tàn, khổ nạn để lại trên khắp trái đất. Nhìn lại, chúng ta không khỏi giật mình, và chạnh lòng thương tưởng
(Xem: 7395)
Nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, lại thêm nước từ đập thủy điện ồ ạt xả ra. Dân không được báo trước.
(Xem: 7362)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dươnglưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoátgiác ngộ cho...
(Xem: 8490)
Là người mới bắt đầu học Phật hoặc đã học Phật nhưng chưa thấm nhuần Phật pháp chân chính, chúng tôi biên soạn...
(Xem: 6452)
Hôm nay là ngày 10 tháng 6 năm 2015, tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc, tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 65 của mình...
(Xem: 6843)
Bắt đầu vào hạ, trời nóng bức suốt mấy ngày liền. Bãi biển đông người, nhộn nhịp già trẻ lớn bé. Những chiếc...
(Xem: 10458)
Phật giáo ra đời từ một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại - Ấn Độ - và nhanh chóng phổ biến tại các nước phương Đông...
(Xem: 19778)
Trong tập sách nhỏ này tôi đã bàn đến hầu hết những gì mọi người đều công nhậngiáo lý tinh yếu và căn bản của Đức Phật... Con Đường Thoát Khổ - Đại đức W. Rahula; Thích Nữ Trí Hải dịch
(Xem: 30164)
Tôi cảm động, vì sống trong đạo giải thoát tôi đã tiếp nhận được một thứ tình thiêng liêng, trong sáng; một thứ tình êm nhẹ thanh thoát đượm ngát hương vị lý tưởng...
(Xem: 16164)
Tập sách do Minh Thiện và Diệu Xuân biên soạn
(Xem: 19565)
Phật GiáoVũ Trụ Quan (PDF) - Tác giả: Lê Huy Trứ
(Xem: 11040)
Hạnh Mong Cầu (sách PDF) - Lê Huy Trứ
(Xem: 14286)
Đọc “Dấu Thời Gian” không phải là đọc sự tư duy sáng tạo mà là đọc những chứng tích lịch sử thời đại, chứng nhân cùng những tâm tình được khơi dậy trong lòng tác giả xuyên qua những chặng đường thời gian...
(Xem: 7737)
Báo Chánh Pháp Số 48 Tháng 11/2015
(Xem: 10458)
Nguyệt san Chánh Pháp Tháng 10 năm 2015
(Xem: 7914)
Báo Chánh Pháp Số 46 Tháng 9/2015 - Chuyên đề Vu Lan - Mùa Báo Hiếu
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant