- Lời Mở
- Bạt
- Vài cảm nghĩ
- Chương Một: Nẻo Về Chân Tâm
- Chương Hai: Về Đất
- Chương Ba: Cõi Người Ta
- Chương Bốn: Bụi Giữa Đời
- Chương Năm: Nhập Cuộc
- Chương Sáu: Một Cuộc Cờ
- Chương Bảy: Chốn dại khôn
- Chương Tám: Cỏ và Hoa
- Chương Chín: Rỗng Lặng
- Chương Mười: Tiếng Vỗ Một Bàn Tay
- Chương Mười Một: Bốn Người Bạn Đồng Hành
- Chương Mười Hai: Quán Trọ Thân Tâm
- Chương Mười Ba: Dáng Vẻ Thời Gian
- Chương Mười Bốn: Cầm Chầu
- Chương Mười Lăm: Hát Đồ Khay
- Chương Mười Sáu: Nợ ân tình
- Chương Mười Bảy: Đời Cung Nữ
- Chương Mười Tám: Lửa Tình
- Chương Mười Chín: Bụi Tình
- Chương Hai Mươi: Chuyển hóa
- Chương Hai Mươi Mốt: Lạc
- Chương Hai Mươi Hai: Miền An Trú
- Chương Hai Mươi Ba: Hành Giả
- Chương Hai Mươi Bốn: Đạo Giữa Đời
- Chương Hai Mươi Lăm: Bến Đợi
- Chương Hai Mươi Sáu: Bờ Bên Kia
- Chương Hai Mươi Bảy: Duyên Tu
- Chương Hai Mươi Tám: Tu Giữa Bụi Trần
T U B Ụ I
Truyện dài của Trần Kiêm Đoàn
TITAN Corporation xuất bản 2006
CHƯƠNG HAI MƯƠI BA
Hành Giả
Trí Hải về lại tòa lâu đài đổ nát. Con chó mun và con mèo tam thể thường vẫy đuôi mừng chủ cũng không còn. Người cũ về nhà xưa chỉ thấy vườn hoang nhà trống. Cỏ tranh và cây dại mọc khắp nơi. Trí Hải để khăn gói trên vai xuống và đi thẳng ra phía mé vườn canh tác phía đông. Trong giới hạn một khoảnh vườn nhỏ, khoai sắn và bắp đậu mọc lên xanh tươi chứng tỏ vẫn có bàn tay người chăm bón mà có lẽ không ai khác hơn là Phạm Xảo và thầy Tiều. Đi vòng quanh xa hơn trên cánh đồng phì nhiêu mấy trăm mẫu đất nhất đẳng điền, đồng hoa rực rỡ năm trước nay chỉ còn là một cánh đồng hoa dại. Trí Hải thở mùi hoa lẫn đất và miên man suy nghĩ đến những việc cần phải làm trong những ngày sắp tới. Kiếm một gò đất cao có cây đa và cây bàng cổ thụ đang trổ mầm xanh chi chít dưới trời Xuân, Trí Hải ngồi xuống trên phiến đá dưới tàn cây xanh, sửa thế hai chân ngồi xếp bàn và định tâm. Một sức sống mới vừa dậy lên khi Trí Hải nhớ lại nét mặt an lạc, nụ cười nhân hậu và giọng nói khoan hòa của sư Trúc Lâm. Lời nhà sư vẫn đồng vọng: “Đức Phật không ở trong chùa, đạo Phật không ở trong kinh sách, người mến Phật hay theo Phật không ở trong mầu áo. Tất cả đều ở trong tâm và tâm ở giữa đời thường.” Câu hỏi lớn hiện ra trong ý nghĩ của Trí Hải, “đời thường tìm ở đâu và ta phải đặt cái tâm của mình ở chỗ nào trong cuộc 'đời thường' đó?”
Dòng suy tưởng kèo dài miên man cho đến khi ý nghĩ của Trí Hải bắt đầu thinh lặng, tâm thức không còn dấy lên một ý niệm nào cả. Trong trạng thái rỗng lặng bình an đó, Trí Hải cảm thấy niềm hạnh phúc vô biên ào đến. Sóng hạnh phúc không đập vào bờ dồn dập mà chỉ mơn man bình thản, rồi tan loãng vào cỏ hoa đồng nội. Trong trạng thái an tịnh đó, Trí Hải không cần phải dang tay nắm bắt cuộc đời mà hiện hữu ngay giữa lòng cuộc đời. Trong đó, thánh nhân và phàm nhân không cách nhau một sợi tơ hào mà lắm khi chỉ là một.
Gió Nồm từ phía sông Hương thổi vào mang theo tiếng bước chân nhè nhẹ. Trí Hải ngước mắt nhìn lên. Phạm Xảo đang bước thoăn thoắt lên gò, đi về phía Trí Hải, tay xách hai nồi đất nhỏ quen thuộc thường dùng để bới cơm. Đứng lên, dang tay hướng về phía Phạm Xảo, Trí Hải mang một cảm giác thật gần gũi và thân thương với người trước mặt. Tình nghĩa con nhà tướng thủy chung và thân quý vô cùng. Phạm Xảo cũng tiến tới quàng tay ôm lấy Trí Hải, không nói gì. Khi nhìn sâu vào mắt nhau, Phạm Xảo tỏ vẻ xúc động, bước lùi lại, muốn nói một điều gì chưa rõ hết:
- Lạ quá! Chỉ mới nửa năm thôi mà hoàng thân như đã thành một người khác.
Trí Hải hỏi lại, giọng pha một chút bông đùa:
- Phạm huynh ơi! Thế nào? Tóc thành tiêu muối và trông ra dáng đẹp lão hơn phải không?
Phạm Xảo ra vẻ nghiêm trang và thành thật:
- Thể xác thì cũng như mùa Xuân lá xanh, mùa Đông tuyết trắng chẳng có gì đáng nói. Nhưng dáng vẻ cùng cách nhìn, cách nói của hoàng thân có vẻ như khác hẳn ngày trước. Đôi mắt của hoàng thân trong và sáng quá. Mắt nhìn không chứa mây mờ hay dấu diếm điều gì cả. Nhìn trong mắt của hoàng thân, người đối diện có thể thấy khuôn mặt mình trong đó. Cung cách của hoàng thân cũng khác. Nó ấm áp, dễ gần gũi và thanh thoát hơn ngày trước nhiều lắm.
Trí Hải vui và muốn nói lời cám ơn với Phạm Xảo, nhưng lại tự chế để những làn sóng khen chê nhất thời không có bến bờ đón lại để vỗ vào. Cái tâm không bị tác động thuận hay nghịch sẽ tránh được dao động tình cảm khiến cho người ta hân hoan thỏa mãn hay uất ức giận hờn.
Từ trên gò đất cao, Trí Hải và Phạm Xảo đứng sát bên nhau trong gió Nồm mát lạnh buổi chiều để nhìn cánh đồng trống trãi dài mênh mông dưới thấp. Trí Hải nói lên dự tính tương lai cho mấy trăm mẫu đất bỏ hoang mọc đầy hoa dại đã làm Phạm Xảo ngỡ ngàng không tin là điều có thật:
- Bắt đầu ngày mai, tất cả đất đai trong Thái Ấp nầy sẽ được khai khẩn trở lại.
Phạm Xảo hỏi lại với giọng hoài nghi:
- Hoàng thân nói đùa hay nói thật? Không phải hoàng thân thường cho rằng, khai thác tài nguyên để làm nên của cải vật chất là tham vọng, là xa rời nếp sống đạo hạnh hay sao?
- Sách vở đã từng dạy tôi như thế, và sách vở cũng đã từng dạy điều ngược lại huynh ạ. Đức Khổng tử dạy đạo nhập thế để cứu đời giúp mình; Lão Trang thì dạy xuất thế mới là con đường vương đạo. Ai hợp với đường nào thì theo đường đó.
- Vậy thì nguyên nhân nào đã làm cho hoàng thân thay đổi quan niệm sống và trở thành “nhập thế” như vậy? Đạo Phật đã chuyển đổi cách nhìn và cách sống của hoàng thân chăng?
- Nếu nói về ảnh hưởng đạo Phật thì tôi phải thành thật trả lời vừa “có”, vừa “không”. Nếu chỉ đơn giản nói đạo là con đường đưa đến cái thật, cái hay, cái đẹp thì đạo thờ cúng ông bà của dân mình, đạo Khổng, đạo Lão, đạo Chúa... vốn là những con đường khác nhau nhưng thảy đều hướng đến mục đích xây dựng cái hay, cái đẹp. Sai là do người đi lạc chứ không phải vì con đường. Tôi kính ngưỡng mọi con đường trung chính, nhưng nếu phải chọn cho mình một con đường đạo, tôi có khuynh hướng gần gũi đạo Phật; đơn giản chỉ vì đây là con đường tự do và thoáng đạt. Tôi tâm đắc vô cùng với quan niệm rộng rãi: “Có tám vạn bốn ngàn cách khác nhau để tự mình tìm đến với Chân Tâm, với Trí Giác trong chính mình.”
Phạm Xảo nheo mắt như định thần nhớ lại một thời kỳ đã xa khuất:
- Nếu thời thế không tao loạn, đổi thay, có lẽ bây giờ tôi là một nhà sư.
- Huynh có hối tiếc vì vì sự đổi thay đó không?
- Đối với một người trẻ, khi tiếc thì chỉ có đôi điều để tiếc vì vẫn còn nhiều cơ hội ở tương lai; nhưng đối với một người già một khi đã tiếc thì có quá nhiều điều để nuối tiếc vì đã hết cơ hội làm lại cuộc đời.
- Biết đâu nếp sống cô quạnh, lương thiện, giúp người của huynh trong hơn 30 năm qua cũng là một trong tám vạn bốn ngàn cách hành đạo. Hình tướng có quan trọng gì đâu giữa biển cả bao la của muôn hạnh tu trì trong Phật giáo.
- Cám ơn hoàng thân. Ngày xưa, tôi đã từng học nằm lòng Bát Nhã Tâm Kinh và một thời sống với nghĩa lý Kim Cang. Thời xưa đó, tôi hiểu lờ mờ lời đức Phật trong câu nói: “Kim Cang tức không phải là Kim Cang, mới thật là Kim Cang.” Tôi và nhiều chú tiểu ở chùa chỉ học được vế đầu, vế phủ định của nghĩa lý nhà Phật, rồi dừng lại ở đó. Từ điểm dừng của mình, tôi trở thành vô minh khi đem cái biết nửa vời của mình ra nhìn đời. Tôi cho đạo Phật là tiêu cực, là bi quan, là xa lánh cuộc đời. Ngày đó, tôi không hiểu hết sức mạnh năng động, tích cực vô cùng của nhà Phật về Tâm Không, Vô Ngã. Ra đời, thực tế đã dạy tôi rằng, trên đường tiến quân, khi mà những sự vướng mắc đã được quét sạch thì sức mạnh sẽ tăng gấp đôi. Cũng thế, thấu hiểu được Tâm Không và Vô Ngã là đã có tiền quân dọn đường, quét sạch những ảo tưởng về cuộc đời và kiếp người để “tiến quân” vào đời chứ không phải dừng lại để ôm và sống với khối lý thuyết “dọn đường” đó. Nói rốt lại cho gần thì tôi tin là hoàng thân đã “dọn đường” để bắt tay vào cuộc sống. Vì vậy, tôi đang nóng lòng muốn biết hoàng thân sẽ làm gì với cánh đồng rộng mênh mông mấy trăm mẫu đất nầy?
- Ngày rằm tháng tư sắp đến, xin nhờ Phạm huynh chuyển lời mời của tôi đến thầy Tiều, Ba Gấm, Tâm An và Thiện Giả.
- Thiện Giả là ai vậy?
- Là Hàn Kỳ Vương, là Tử Du và cũng là Thiện Giả bây giờ.
- Hàn Kỳ Vương không về Tàu trở lại và bây giờ đi tu hay sao mà lại mang tên Thiện Giả? Tên đổi mấy lần và quê hương cũng phải đổi theo nữa sao?
Trí Hải không trả lời trực tiếp Phạm Xảo, chỉ đưa ra nhận xét:
- Quê hương có thể là “chùm khế ngọt” rất êm đềm của tuổi thơ đầu đời mà cũng có thể chỉ còn là một tâm ảnh đã “khuất bóng hoàng hôn” cuối đời như Thôi Hiệu ngày xưa. Hoàn cảnh không quan trọng bằng những tấm lòng còn sót lại sau những trôi nổi, vùi dập thăng trầm của cuộc sống. Hoàn cảnh có thể không thuận lợi nhưng với những tấm lòng trong sáng, nhân ái kết hợp với nhau thì việc lớn cũng sẽ làm nên. Cho dẫu có cơ hội bằng vàng nhưng nếu chỉ có những con người kèn cựa, hoài nghi, cố chấp ngồi lại với nhau thì cũng sẽ chẳng làm nên trò trống gì cho chính mình và xã hội.
***
Tiếng lành đồn xa. Xa tận kinh Bắc cho tới múi biển Nam Dương. Dược Viên Thái Ấp nổi tiếng và được loan truyền rất nhanh. Với trên 300 loại cây thuốc Nam thông dụng và quý hiếm chủ yếu trong ngành y dược truyền thống Việt Nam đã được trồng trên toàn diện tích mấy trăm mẫu đất phì nhiêu của Thái Ấp. Đất lành chim đậu. Mấy trăm gia đình nông dân cũ của Thái Ấp lần lượt rủ nhau về xin Trí Hải dựng lại vườn tược và nhà cửa tại những khu đất cũ. Trí Hải đã nói đùa nhưng rất thật với mọi người, rằng:
- Thái Ấp là đất chung, không rào không khóa, nên mọi người cứ thoải mái “đất lành chim đậu; vui ở, buồn đi”.
Canh tác trồng cây thuốc Nam thay vì trồng lúa đã mang lại một đời sống phồn vinh rất nhanh cho toàn Thái Ấp. “Lục Phú Hường” là cái tên thân mật mà cũng vừa là để vinh danh cho sáu nhân vật đầu não tổ chức trồng dược thảo. Người đứng đầu là hoàng thân Trí Hải. Chuyên khoa dược thảo là thầy Tiều và Thiện Giả, hai đầu óc uyên bác về Đông y Trung Hoa và Việt Nam. Hai nhà doanh thương thành công bậc nhất giàu kinh nghiệm quản lý và tổ chức kinh doanh là Ba Gấm và Tâm An. Người xuất nhập kho dược thảo điều hòa và nhanh chóng nhất là Phạm Xảo. Cả sáu người cùng chung một tấm lòng nhân ái, cùng góp bàn tay và công sức từ thiện cho đời.
Cây thuốc được chọn giống công phu; trồng tỉa và chăm bón cẩn trọng. Hầu như suốt cả bốn mùa, từng loại, từng giòng và từng bộ các cây thuốc được thu hoạch và chế biến trong những điều kiện tuyệt hảo đương thời. Các mặt hàng dược thảo Việt Nam không thua kém gì hàng Trung Quốc. Thuốc Nam vừa nâng cao lòng tự hào dân tộc, vừa giúp người Việt thường bị chê là “nằm chết trên thuốc” hưởng được tinh hoa của thiên nhiên cây cỏ quanh mình dù ở trong cảnh thiếu thốn, nghèo nàn.
Khách mua hàng được hội đồng y dược Thái Ấp chẩn đoán bệnh lý cẩn thận trước khi hốt thuốc. Khách hàng không phải trả tiền mua thuốc mà hoàn toàn tự nguyện hiến tặng tiền bạc tùy khả năng kinh tế riêng. Quỹ hiến tặng do thân chủ tự ý bỏ vào thùng “Phước Hải” đặt trong một phòng riêng không ai nhòm ngó. Tất cả những bệnh nhân nghèo đều được chẩn bệnh và hốt thuốc miễn phí. Hàng ngày, từng đoàn người khắp nơi lũ lượt dắt díu nhau, bồng bế hay khiêng cõng nhau về Thái Ấp chữa bệnh. Tác dụng cao nhất của y dược là chữa lành bệnh chứ không phải dừng lại ở bậc thềm giai cấp sang hèn. Bởi vậy, giới quý tộc, quan chức và nhà giàu trong nội thành và các tỉnh cũng chen chân với giới bình dân nghèo khổ đến Thái Ấp chữa bệnh, hốt thuốc không ngớt.
Những tâm hồn cao quý thường gặp nhau hòa điệu như nước với nguồn, như cây với cội. Tòa dinh thự đổ nát của ông hoàng Trí Hải được trăm nghìn bàn tay người dân biết ơn tình nguyện vun xới, dẹp dọn, đóng góp công của hằng tâm, hằng sản, xây dựng lại đẹp đẽ và đồ sộ hơn xưa chỉ trong một thời gian ngắn. Công tác xây dựng lại dinh ông Hoàng hoàn tất đã lâu mà Trí Hải vẫn chưa có dịp ghé chân vào đại sảnh đường để xem qua. Nhu cầu sơn phết hình hài và thưởng thức những giá trị vật chất không còn dấu vết nơi Trí Hải. Người ta ngạc nhiên trước vẻ bình thản và an lạc của Trí Hải trong khi phải điều động một khối lượng công việc có quy mô lớn lao và phức tạp hàng ngày như thế.
Sự hiện diện của Ba Gấm trong nhóm sáu người, làm việc khá thường xuyên bên cạnh Trí Hải gây cảm giác khó chịu cho Phạm Xảo trong thời gian đầu tiên. Nhưng khi thấy rõ cơn sóng tình giữa hai bên đã lặng, không còn một biểu hiện riêng tư, thầm kín nào giữa hai người, Phạm Xảo trở thành tâm đắc và tâm phục Trí Hải một cách âm thầm hơn cả khi xưa. Cầm chân và đổi hướng một con ngựa đã quen đường cũ thường rất khó. Thay đổi một tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn đầy đam mê trong tình trường lại càng khó hơn. Với Phạm Xảo, Trí Hải trở thành biểu tượng của nếp sống giản đơn và an lạc trong chính mình.
Vườn Dược Thảo Thái Ấp được người dân tứ xứ tình nguyện cống hiến, đổ tiền vào như nước nhưng tất cả những người chủ quản vẫn duy trì nếp sống đơn giản và đạm bạc. Lợi tức thu được dùng để trả công xứng đáng cho cả nghìn nông dân cùng gia đình canh tác vườn thuốc, đãi ngộ những lương y danh tiếng và phục vụ nhân đạo. Tin đồn, tiếng khen, lời ca tụng mỗi ngày một chồng chất và vang xa nhưng những người đầu não trong cuộc vẫn chưa bao giờ lấy làm điều để trao đổi với nhau mà tự hào, mà hãnh diện với mình, với người. Thầy Tiều trước sau chỉ có một lời vui vui nhưng đã trở thành “tuyên ngôn Tự Do” cho cả nhóm:
- Đeo cái Ngã như Tôn Ngộ Không đeo vòng Kim Cô. Ngã chấp, ngã mạn, ngã tham, ngã ái, ngã dục, ngã sân, ngã si... ngã gì đi nữa thì cũng đều là thần chú làm cho vòng Kim Cô siết lại.
Đã có lần Ba Gấm hỏi:
- Thưa thầy, vòng “kim cô” của mỗi chúng ta không hình không ảnh thì làm sao biết được khi nào nó siết và thật sự nó có siết lại hay không?
Thầy Tiều gật đầu đáp lại:
- Còn thân xác nầy là vòng Kim Cô còn siết. Khi tâm trí bước ra khỏi sự rỗng lặng làm cho mình vui, buồn, giận, hờn, sướng, khổ... là biết ngay vòng Kim Cô đang siết lại. Muốn khỏi bị siết đến độ đau đớn, đi đến chỗ kêu la thảm thiết như Tôn Ngộ Không thì khi ngã vừa dấy lên là mình đưa nó về chỗ cũ rỗng lặng ngay.
Tâm An thắc mắc:
- Thầy ơi! Nếu cái Ngã bị diệt hết rồi thì đâu còn mơ ước, thương yêu, tình cảm, suy nghĩ... nữa để sống và làm việc đây?
Thầy Tiều vừa cười vừa bắt chước người xưa vác hèo tre ra dọa:
- Cái ngã của Tâm An ở đâu, đem ra đây cho mọi người xem thử.
Tâm An đùa lại:
- Theo thầy học đạo Vô Ngã, nên cái ngã sợ quá, trốn chạy đâu rồi, tìm không ra thầy ạ.
Thiện Giả cũng tham gia vào trò chơi “vô ngã” bằng cách đứng thẳng, dang tay, kiểng chân rồi kêu lên:
- Cái “ngã” của tôi đây rồi! Ngã là một mớ xương thịt, máu huyết, tình cảm, ý nghĩ trộn lẫn vào nhau. Ngã nầy là “ngã Thiện Giả” chứ không phải ngã của ai khác.
Phạm Xảo là người đã cứu sống Thiện Giả trong cuộc cờ trên sông Hương năm xưa, nên hai người vẫn có sự khắng khít dịu dàng và thân thương nhất trong nhóm. Nghe Thiện Giả lên tiếng, Phạm Xảo, tiếp lời:
- Nầy hiền đệ, nếu quả thật có một cái “ngã Thiện Giả” thì hãy mau mau chỉ cho ra đâu là Hàn Kỳ Vương, tay đánh cờ vô địch nghênh ngang nhất thiên hạ năm năm về trước. Đâu là gã Tử Du tuyệt vọng, chán đời bỏ nhà, bỏ nước đi lang thang sau đó. Đâu là ngài Thiện Giả nửa giác, nửa mê; nửa tu, nửa lụy trên núi Kim Phụng. Và đâu là thầy Thiện Giả chẩn bệnh hốt thuốc như thần trong Thái Ấp hôm nay, hả?
Phạm Xảo và mọi người đều cảm thấy lòng chùng xuống và cuộc vui bị ngưng ngang khi Thiện Giả xuội tay nhìn xuống và mọt giọt nước mắt nhòe đi trên sống mũi. Thiện Giả nói thì thầm với chính mình:
- Nếu ta chỉ là một sự trôi nổi bèo bọt khi hợp, khi tan không định hướng thì cuối cùng ta sẽ đi về đâu đây?!
Không nghe ai nói gì, Trí Hải lên tiếng:
- Về với suối nguồn của vũ trụ.
- Ở đâu?
- Đây, kia và tất cả muôn nơi.
- Khi nào?
- Ngày xưa, bây giờ vã mãi mãi.
- Thế cái hạt bụi gọi là “ngã” ấy cứ quay cuồng mãi trong dòng sinh tử của suối nguồn vũ trụ không bao giờ ngưng nghỉ sao?
Trí Hải ngước mắt nhìn về đỉnh núi Kim Phụng đang khuất trong mây, nói vời đầy lưu luyến:
- Thiện Giả quý hữu à, chúng ta đã gặp nhau trên ấy hơn nửa năm trời. Bên suối Bản Lai ngày đó quý hữu và tôi đều chứng kiến một điều, rằng, khi mình càng xông xáo đi tìm cái ham muốn biết, ham muốn sống, ham muốn thỏa mãn những cơn đói tình, đói lòng, đói tưởng thì con dã nhân ấy càng xô đẩy ta về phía sau, phía đời thường của dục vọng. Nhưng khi tâm tánh ta rỗng lặng thì con dã nhân biến mất. Ta trở nên trong sáng và thấy được ta. Càng thấy được ta, tất cả đều trở nên trống không lạ thường. Chẳng có một hình hài có thật; chẳng có một dòng suối, một núi đồi, một thế giới thiên nhiên quanh ta có thật. Tất cả chỉ là sự kết hợp, tụ hội từng li ti, từng hột, từng mảnh, từng miếng, từng khối, từng thực thể... lại với nhau mà thành. Có những khoảng thời gian ngồi định tâm lâu dài, tôi có cảm tưởng tất cả đều không thật, đều tách ra từng mảnh để trở về vị trí của nó. Lúc bấy giờ, cái gọi là “ta” là “tôi”. là “ngã” là bản chất của mọi sự vật chung quanh không còn nữa. Tôi chưa có may mắn đi xa hơn, nhưng tôi cảm nhận được rằng, nếu đi đến cùng tột của chuỗi dài nương nhau và tương tác đó thì sẽ gặp một trạng thái chân như tuyệt đối mà ai chưa đến thì chưa hiểu được. Đó là một trạng thái tuyệt đích nên chẳng còn nương nhau, tác động qua lại với nhau mà sinh ra cái mới hay biến hiện trong dòng sinh diệt nữa.
Thầy Tiều cười sảng khoái:
- Hoàng thân còn nhớ ngày chúng ta gặp nhau khi tôi đốn củi đốt than trong rừng không?
Trỉ Hải gật đầu trả lời:
- Dạ, nhớ thầy ạ. Hôm đó, thầy cũng đã nói với tôi về ý niệm “ngã” và “vô ngã” bằng chính việc làm và hành động của thầy. Từ đó tôi nhận được tín hiệu của thầy và đi tìm thực tại vô ngã bằng chính hành động, việc làm của mình.
Thầy Tiều hỏi lại:
- Bằng cách nào?
- Bằng sự định tâm để lắng lòng xây dựng cái nhìn nội tại ngày một sâu xa và tốt đẹp hơn.
- Làm thế nào để biết là tốt đẹp hơn?
- Khi tâm rỗng lặng, trí an nhiên và thân xác ít đòi hỏi hơn.
- Thế từ trước hoàng thân đã bao giờ có ý niệm nầy chưa?
- Có nhưng mơ hồ và hỗn độn lắm! Tất cả chỉ toàn là kiến thức trong sách vở. Đi tìm cái “ngã” hay “vô ngã” bằng lý luận thuần lý trong sách vở thì chẳng khác gì nằm đắp chăn học phép thần thông của Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký.
Nhóm chủ quản của Dược Viên Thái Ấp vẫn có những sinh hoạt tâm linh và tri thức nhẹ nhàng, thân tình và cởi mở song song với công việc hàng ngày tất bật như thế. Chất keo gắn chặt suy nghĩ và hành động của họ lại với nhau là một tinh thần chung: Không tham, không sợ, không chấp. Không tham vì chỉ cho mà không cầu nhận lại. Không sợ vì họ đang xả bỏ tất cả những gì vẫn được coi là quý báu trong cuộc đời thường như danh, lợi và địa vị, nên chẳng có gì để lo được hay mất. Không chấp vì ý thức được rằng mọi hình tướng chỉ là phương tiện, nên họ không quan tâm phân biệt mình với người là ai.
Khi cả nhóm cùng tự cảm thấy có ít nhu cầu lễ nghi và sự vẽ vời trang trí nhất thì ngược lại, xã hội lại dành cho họ nhiều vinh dự nhất. Khi được tắm gội trong dòng sống vinh hoa, con người thường rất dễ bị “ngoại hóa”, nghĩa là quên cái thật bên trong của chính mình để sống cho cái giả bên ngoài của người khác sơn phết cho.
Vinh dự mà đời thường cho là lớn nhất đến với nhóm Trí Hải. Đó là khi mọi người sinh hoạt trong vườn thuốc Thái Ấp được triều đình ban thưởng, được vua vời vào Đại Nội dự yến tiệc để nhận lời ban khen do chính hoàng thượng đăng triều. Ngay cả những triều thần lương đống, lập được nhiều công trạng cũng ít người dám mơ ước đến vinh dự tột đỉnh nầy. Thế nhưng không ai ganh tỵ với nhóm hoạt động vườn thuốc nhân đạo cả, vì tất cả họ đều quá trong sáng và không màng danh lợi mà mọi người đều thấy được một cách rõ ràng, đen trắng phân minh.
Trong suốt buổi đại yến linh đình, vẻ an nhiên tự tại hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người của nhóm Trí Hải tương phản với không khí rộn ràng, khích động trong Đại nội. Bởi vậy, cả triều thần đều ngạc nhiên khi thấy Trí Hải thay mặt cho Thái Ấp nhận tặng phẩm ban thưởng trọng hậu và lời ban khen của nhà vua mà chỉ nói lời tạ ân hết sức đơn giản. Đặc biệt là không nhắc một tiếng nào về “công trạng” của nhóm mình.
Chiều về lại Thái Ấp, chỉ nghe thầy Tiều bình luận: “Mỗi ngày thêm một lớp bụi. Bụi đời vinh quang hay tủi nhục cũng đều làm mờ cái tâm trong sáng, làm động cái trí rỗng lặng của mình. Nên mỗi ngày ráng quét bụi trong tâm, ráng phủi bụi trong trí, ấy là tu”.