- Lời Giới Thiệu/ Lời Người Dịch
- Tiểu Sử Tác Giả/ Lời Tác Giả
- Phần I: Đời Sống Và Thông Điệp Của Đức Phật
- Phần II: Phật Giáo: Cốt Tủy - So Sánh Các Vấn Đề
- Phần III: Sống Theo Chánh Pháp
- Phần IV: Đời Sống Con Người Trong Xã Hội
- Phần V: Một Tôn Giáo Cho Sự Tiến Bộ Thực Sự Của Nhân Loại
- Phần VI: Thế Giới Này Và Thế Giới Khác
VÌ SAO TIN PHẬT
Hòa thượng K. Sri Dhammananda - Thích Tâm Quang dịch Việt - California, Hoa Kỳ, 1997
Nguyên tác: What Buddhists believe, Malaysia, 1987
TIỂU SỬ ĐẠI-LÃO HÒA-THƯỢNG TIẾN SĨ K. SRI DHAMMANANDA MAHÀ NÀYAKA THERA
Đại Lão Hòa-Thượng Tiến sĩ K. Sri Dhammananda, Trưởng Lão Tăng Già Mã Lai Á, phục vụ Phật Giáo Mã Lai trên 42 năm trong các chức vụ như một vị lãnh đạo tinh thần, một học giả, một cố vấn và một thiện hữu. Ngài sanh ngày 18 Tháng Ba Năm 1919 tại làng Kirinde , Tỉnh Matara phía nam Sri Lanka (Tích Lan).
Ngài khởi đầu việc học hành theo nền giáo dục thế tục khi Ngài được 7 tuổi và tuy còn nhỏ Ngài đã phát triển mối quan tâm đặc biệt đến Phật giáo. Được sự giúp đỡ của một người cậu là Sư Trưởng tại ngôi chùa địa phương và người mẹ tận tâm của Ngài, Ngài thọ Sa Di giới vào năm 12 tuổi. Ngài được đặt pháp danh là "Dhammananda" có nghĩa là "Người chứng nghiệm hạnh phúc qua Phật Pháp" (Pháp Hỷ) .
Sau mười năm tu học chuyên về giáo lý Đức Phật, năm 26 tuổi Ngài tốt nghiệp văn bằng Ngôn Ngữ Học, Triết Lý, và Quy Tắc Pali Viện Đại Học Vidyalankara Pirivena.Ngài tốt nghiệp Cao Học Triết Lý Ấn Độ năm 1949 tại Viện Đại Học Beneres (Ba-Lã-Nại).Sau khi phục vụ 3 năm tại Sri Lanka, Ngài được tuyển chọn đi hoằng Pháp tại Mã Lai.
Vào các thập niên 50 và 60, Phật Giáo bị giới trí thức Trung Hoa tại Mã Lai coi rẻ và nghĩ rằng Đạo Phật chỉ là mê tín dị đoan. Qua Hội Truyền Bá Giáo Lý Phật Đà, Ngài đã phát hành các tài liệu, các loại sách về mọi phương diện của Phật Giáo và kết quả một số đông đã nhận thức được giáo lý chân chính của Đức Phật. Ngài đã phát hành các cuốn sách rất phổ thông như "Người Phật Tử Tin Gì", "Làm Thế Nào Để Sống Khỏi Sợ Hãi và Lo Lắng", "Hạnh Phúc Lứa Đôi", "Nhân Loại Tiến Về Đâu" và "Thiền Định - Con Đường Duy nhất".
Tuy không phải là một nhà truyền giáo hùng biện, nhưng Ngài đã thành công cảm hóa tư tưởng của cả giới thanh niên lẫn trí thức với một lối trình bầy Giáo Pháp của Đức Phật một cách r‚ ràng, đơn giản và khoa học. Ngài nhận được các Văn Bằng Tiến Sĩ Danh Dự của nhiều Đại Học trên thế giới và cũng được ân thưởng Tước Vị Johan Setia Mahkota bởi Hoàng Đế Mã Lai. Ngài cũng có, như Đức Phật mô tả, bảy Đức hạnh cao quý của một Đại nhân trong Kinh Sakha Sutta (A.N. 4:31):
"Ngài là người đáng yêu, đáng kính trọng, học thức, là một cố vấn, một người nhẫn nại chịu nghe, thâm trầm trong đàm luận, và không bao giờ cổ xúy một cách vô căn cứ."
Với số sách Phật quá nhiều hiện nay, câu hỏi đặt ra là có cần thêm một cuốn nữa hay không. Mặc dù có rất nhiều sách Phật Giáo, nhưng đa số đều được viết nhằm cho những người đã có căn bản Phật Pháp. Một số được viết theo văn chương lối cổ, dịch nghĩa theo nguyên bản. Loại viết như vậy không lôi cuốn được các độc giả hiện đại, vì khiến họ có cảm nghĩ Phật Giáo là một vấn đề khô khan. Cũng có những sách do những học giả sưu tầm, trình bày giáo lý ở cấp đại học, bút pháp thâm thúy. Ngoại trừ một số độc giả có kiến thức có thể hiểu được, những sách này tạo nhiều khó khăn cho đại chúng vì họ cho rằng Phật Giáo quá phức tạp không thực tế. Có một số sách nêu những dị biệt giữa những trường phái trong Phật Giáo, kết quả làm cho một số độc giả không được hướng dẫn càng thấy hoài nghi nhiều về cái gọi là sự "tranh chấp giữa các hệ phái" mà không nhận thức được rằng thực ra có nhiều tương đồng hơn là dị biệt giữa những hệ phái này. Cũng có những sách do những người không phải là tín đồ Phật Giáo viết, trong đó vì hữu ý hay thiếu kiến thức, đã bóp méo và xuyên tạc giáo lý chân chính của Đức Phật.
Cuốn sách này được viết ra với mục đích chính là giới thiệu giáo lý Phật Pháp nguyên thủy một cách rõ ràng, không diễn tả quá mức, không một ẩn ý, hay coi rẻ các trường phái Phật Giáo, để độc giả có thể hiểu Phật Pháp theo quan niệm hiện đại. Thế giới ngày nay chú ý rất nhiều đến Phật Giáo vì đại đa số quần chúng càng ngày càng hiểu biết, chán ngán những giáo điều và dị đoan, và mặt khác, những tật xấu của con người như tham lam và ích kỷ càng ngày càng tăng trưởng vì chủ nghĩa vật chất. Phật Giáo dạy nhân loại đi vào con đường Trung Đạo, con đường của sự điều độ, của sự hiểu biết đứng đắn hơn và làm thế nào để có một cuộc sống dồi dào bình an và hạnh phúc .
18-03-1987
Source: BuddhaSasana