- Chương 1: Thực Hành Lòng Tôn Kính Ngưỡng Mộ Mỗi Lúc Bắt Đầu Thức Dậy
- Chương 2: Tại sao phải bắt đầu mỗi ngày bằng lòng ngưỡng mộ tôn kính?
- Chương 3: Tạ ơn ngay cả những hoàn cảnh bi đát nhất
- Chương 4: Cái Tâm là cái gì?
- Chương 5: Cái tâm thường tình của chúng ta
- Chương 6: Tất cả đều có sẵn trong tâm thức chúng ta
- Chương 7: Tam Bảo chính là tâm thức của chúng ta
- Chương 8: Không có Bồ Đề Tâm thì chẳng có Phật, Pháp, và Tăng
- Chương 9: Từ Bi là Trí Huệ
- Chương 10: Phương thực tiễn giản dị để tu hành Phật Pháp
- Chương 11: Phương pháp trong sáng nhất và thực tế nhất để thực chứng Phật Pháp trong đời sống mỗi ngày và mỗi đêm
- Chương 12: Ý nghĩa sâu rộng của Đoạn Thi Kệ Thứ Nhất
- Chương 13: Đặt lại ý nghĩa thực tiễn của Tám Đoạn Thi Kệ của Langri Thangpa Dorje Senge trong cảnh giới siêu việt của Phổ Hiền hạnh Nguyện
- Chương 14: Tầm mức quan trọng vô cùng vĩ đại của Mười Đại Hạnh Nguyện Phổ Hiền trong tất cả Tông Phái Đại Thừa và Kim Cang Thừa Phật Giáo
- Chương 15: Những lời dạy đạo thực tiễn trong sáng của Tổ Sư Ấn Độ ATISA (ATISHA) về tinh túy của Phật Pháp lúc truyền Đạo Phật qua Tây Tạng và vùng Hy Mã Lạp Sơn
TINH TÚY TRONG SÁNG CỦA ĐẠO LÝ PHẬT GIÁO
Những Lời dạy thực tiễn của
Tổ Sư Thánh Tăng Ấn Độ ATISA Lúc truyền Đạo Phật vào Tây Tạng
Tác giả: Phạm Công Thiện - Viên Thông California Xuất Bản 1998
CHƯƠNG 1
THỰC HÀNH LÒNG TÔN KÍNH NGƯỠNG MỘ
MỖI LÚC BẮT ĐẦU THỨC
DẬY
1. Thực hành lòng tôn kính ngưỡng mộ mỗi lúc bắt đầu thức dậy:
Mỗi sáng lúc mới thức dậy, trong trạng thái mơ màng chưa tỉnh hẳn, chúng ta phải bắt đầu lôi kéo tâm thức vào một đường hướng rõ ràng: tự đánh thức lên lòng ngưỡng mộ cao rộng đến buổi rạng đông đang tới chung quang mình và cảm tạ đời sống đang hồi sinh nhịp nhàng trong lòng im lặng trong veo của buổi sáng sớm một ngày trong đời người.
Song ít khi mình làm được như vậy, thường khi vừa mới thức dậy, mình đã cảm thấy mệt người, tâm thần bải hoải; lúc ấy lại cần đánh thức dậy mãnh liệt hơn nữa, đánh thức lên lòng tạ ơn và tôn kính vô biên đối với Tam Bảo, đối với Phật, Pháp và Tăng. Điều cụ thể cần làm ngay lập tức là niệm thầm ba lần ba câu linh nghiệm thể hiện sự qui y Tam Bảo, hoặc nói thầm gọn lại trong một câu ngắn:
Con và tất cả chúng sinh xin được qui y Phật, Pháp và Tăng cho đến khi đạt tới giác ngộ...
Có thể nói thầm như trên từ ba đến bảy lần, hoặc một trăm lần hoặc nhiều hơn nữa. Điều quan trọng nhất vẫn là lòng ngưỡng mộ cao rộng sâu đậm thiết tha, lòng tạ ơn tôn kính vô biên đối với Tam Bảo, vì không có Tam Bảo thì mình cũng chẳng có đủ nhân duyên và công đức để đầu thai làm người, để được sống đến ngày hôm nay đầy lòng từ bi, và để được chết một ngày mai nào đó đầy lòng trong sáng nhẹ nhàng, không một mảy may sợ hãi lo âu gì cả.