Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sách Văn Học Phật Giáo
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

1. Phật pháp cứu đời tôi

20 Tháng Hai 201100:00(Xem: 6855)
1. Phật pháp cứu đời tôi

PHẬT PHÁP CỨU ĐỜI TÔI
Thích Chân Tính
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo 2005

Phật pháp cứu đời tôi

 Kính thưa đại chúng! 

 Tất cả chúng ta hiện hữu trên cuộc đời này, có người sinh ra được cả thế giới biết, có người sinh ra cả nước biết, có người sinh ra cả tỉnh biết, có người sinh ra cả huyện biết, có người sinh ra cả dòng họ biết, có người sinh ra chỉ có cha mẹ hoặc một vài người thân biết. Trong số những người sinh ra đó, tôi sinh ra chỉ có cha mẹ và một số người thân của cha mẹ biết mà thôi. Vì cha mẹ tôi ở miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, không có anh em thân thuộc đi theo, cũng không có chức có quyền hay giàu có gì cả, nên không có bạn bè nhiều.

 Có người sinh ra có những điềm lành báo trước, có người sinh ra đẹp trai hoặc tướng tốt, có người sinh ra trong gia đình địa vị giàu sang. Còn tôi sinh ra trong gia đình chỉ đủ ăn đủ mặc, không có điềm lành khi sinh, không đẹp trai hay tướng tốt, cũng không giàu có sung sướng. Qua sự so sánh trên, đủ biết tôi sinh ra đời kém phước, kiếp trước vụng tu nên kiếp này không được tốt đẹp như người. Đó là nhân quả của mình, nhân nào quả nấy, mình làm mình chịu chứ than trách ai.

 Rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi, hết Xuân tới Hạ, hết ngày tới đêm, tôi cũng lớn lên trong sự thương yêu, đùm bọc của cha mẹ. Đến khoảng năm 1966, có một sự việc xảy ra mà tôi vẫn còn nhớ rõ. Thời đó, quân đội Mỹ còn đóng tại miền Nam Việt Nam. Ba tôi là lính công binh liên đoàn 30 đóng tại Thành Ông Năm, Hóc Môn. Lúc đó, nhà tôi ở mặt tiền đường, gần cổng nhà thờ Nam Hưng. Thỉnh thoảng, quân đội Mỹ hành quân tại Củ Chi. Mỗi lần đi như vậy rất đông, nào là xe Jeep, xe Cargo chở lính, xe thiết giáp chạy một dọc ầm ĩ trên đường. Khi nghe tiếng xe thiết giáp, bọn con nít chúng tôi biết là quân đội Mỹ đi hành quân, nên kéo ra bên đường đứng, tay cứ vẫy vẫy, miệng la “ô kê”, “ô kê”. Quý vị có biết vẫy tay như vậy làm gì không? Không phải chúng tôi vẫy tay chào mừng họ, con nít biết gì mà chào mừng, chẳng qua vẫy tay để được lính Mỹ quăng cho bánh, kẹo hoặc đồ hộp. Khi họ quăng xuống như vậy, bọn con nít chúng tôi nhào lại tranh giành, đôi khi vì muốn được phải ẩu đả lẫn nhau. Thời đó, có nhiều đứa vì tranh giành bánh kẹo chạy ra đường bị xe cán chết thật thê thảm

 Một hôm, sau khi quân đội Mỹ hành quân từ Củ Chi trở về, đoàn quân dừng lại tạm nghỉ tại Thành Ông Năm, ngay phía trước nhà tôi. Bọn con nít chúng tôi thấy vậy cũng kéo ra bu quanh họ để kiếm bánh kẹo, nhưng có lẽ do họ đi hành quân về hết lương thực nên không cho đám con nít chúng tôi cái gì cả. Lúc ấy, ngay trước nhà tôi có đậu một chiếc xe Jeep, trên xe có hai ông lính Mỹ, một ông Mỹ đen và một ông Mỹ trắng. Ông Mỹ đen ngồi lái xe, ông Mỹ trắng ngồi kế bên. Chúng tôi lại gần để làm quen kiếm bánh, nhưng có lẽ do họ sợ điều gì nên vẫy tay đuổi đi. Chúng tôi bèn đứng cách xa khoảng hai mét. Lúc đó, tôi nhìn thấy một lon bia để bên hông xe, cạnh ông Mỹ đen. Nhìn lon bia, tôi liền nghĩ đến ba mình mỗi ngày đi làm về, chiều nào ăn cơm cũng uống một ly rượu đế, nếu được uống lon bia này chắc ngon lắm. Quý vị biết thời đó bia lon rất hiếm, chỉ có bia chai thôi. Nhà giàu mới có tiền mua bia lon uống, không như bây giờ nhìn thấy bia lon quá thường. Vì muốn ba mình được uống bia lon, nên tôi mon men lại gần và chộp ngay lon bia rồi chạy, nhưng không hiểu sao chạy được hơn ba mét bèn dừng lại xem ông Mỹ đen có đuổi theo không. Lúc đó, tôi thấy ông Mỹ đen móc súng ngắn ra định bắn thì ông Mỹ trắng cầm tay giữ lại, tôi thấy vậy hoảng quá chạy một mạch vào nhà trốn. Thế là thoát chết. Nếu lúc đó ông Mỹ đen mà bắn thì ngày nay chắc thân tôi thịt nát xương tan, thành đất hết rồi. Đâu còn cơ hội để nói chuyện với quý vị hôm nay.

 Sau đó, nhà tôi chuyển đi Sóc Trăng. Ở khoảng ba năm rồi lại chuyển qua Long Xuyên. Long Xuyên thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho nên tôi rất thường đi mò ốc bắt cua hoặc câu cá. Vào tháng mưa, tôi thường đi bắt cua ngoài ruộng. Trời mưa cua hay bò ra ngoài hang. Khi gặp người nó liền bò nhanh vào trong hang. Tôi thấy vậy chạy đến thò tay vào hang bắt. Có khi bị càng cua kẹp chảy máu tay. Lúc bị nó kẹp chảy máu tay, tôi nổi sân lên quyết bắt giết cho bằng được để trả thù. Quý vị thấy có vô lý không? Bắt nó bị nó kẹp là đúng rồi lại còn trả thù. Mình bắt giết nó, nó trả thù mình là phải. Đằng này, mình lại trả thù nó. Đúng là mạnh hiếp yếu. Khi bắt được khoảng 20 hay 30 con là được một nồi canh bún riêu cua. Tôi đem về nhà bóc mai cua bỏ, còn thân nó thì cho vào cối giã. Lúc đó, nhà chưa có cối đá, lấy cái nón sắt của quân đội làm cối để giã. Sau khi giã nát, vắt lấy nước nấu canh. Khi nấu xong, riêu cua nổi lên cả mảng trông rất ngon. Canh cua mà nấu với rau đay thì tuyệt. Hôm nào có canh cua rau đay tôi thích lắm, ăn cơm nhiều hơn. Bình thường ăn ba chén cơm, có canh cua rau đay ăn bốn chén. 

 Có những lúc ban đêm trời mưa vừa dứt, ếch nhái ra rất nhiều, mấy đứa bạn rủ đi đâm ếch về nấu cháo ăn. Chúng tôi làm cái chỉa bằng căm xe đạp, mài thật nhọn, gắn vào đầu cây trúc. Ba đứa cùng đi, một đứa cầm đèn pin soi, một đứa cầm chỉa, nếu thấy ếch nhái là đâm, một đứa cầm sợi dây kẽm xỏ xâu ếch nhái lại. Đi khoảng hai tiếng đồng hồ, bọn chúng tôi đã bắt được mấy xâu ếch nhái, khoảng năm sáu chục con. Khi đem về nhà, không đứa nào dám làm thịt. Đứa này chỉ đứa kia, đứa kia chỉ đứa nọ. Lúc đó, máu anh hùng của tôi nổi lên, chê tụi nó là đồ nhát gan, liền đi vào bếp lấy dao ra cắt đầu từng con, rồi lột da. Sau đó móc ruột bỏ đi, để lên thớt bằm cho nát thịt ra, trộn với hành, muối tiêu xong bỏ vào nồi nấu cháo. Cháo chín, cả bọn chúng tôi xúm lại ăn. Có những lúc đi câu được cá lóc đem về nướng trui. Mấy đứa bạn mua thêm xị rượu đế về nhâm nhi. Tôi không uống được nhưng bạn bè ép quá thì cũng phải uống cho tụi nó vui. Lúc đầu uống vào thấy cay cay đắng đắng, nhưng uống một lát thấy cũng hay hay. May là việc uống rượu này chỉ xảy ra một lần, nếu nhiều lần chắc cũng thành bợm nhậu.

 Cuộc sống kinh tế gia đình tôi hơi khó khăn. Ba đi lính, mẹ ở nhà nội trợ, không có phụ giúp làm kinh tế gì cả. Chỉ chờ may mắn đến bằng cách đánh số đề, nhưng chờ mãi mà chẳng thấy đổi đời gì cả, chỉ càng thêm nghèo. Do hoàn cảnh cuộc sống gia đình khó khăn, nên tôi xin đi làm thêm để phụ giúp cho gia đình, vừa làm vừa học. Tôi được một người bạn của ba giới thiệu vào làm một trong hai chỗ. Quý vị có biết làm việc gì không? Đó là lò giết heo hoặc lò giết bò.

 Ngày đầu, tôi được họ dắt đến lò giết heo để thử việc. Do tôi là người mới nên họ chỉ cho làm việc lùa heo vào chỗ giết, rồi sau đó dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Có những con heo biết sắp bị giết nên nó kêu la thảm thiết không chịu đi, chúng tôi phải đánh đập lôi kéo nó vào lò. Lúc họ dùng dao đâm vào cổ heo, tôi để ý xem họ giết như thế nào, mổ như thế nào để sau này làm, vì làm những việc này tiền công cao hơn. Lúc đó, tôi rất mong được làm khâu giết mổ heo này để có được nhiều tiền phụ giúp gia đình. Tôi chỉ làm từ 24 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Ngày hôm sau tôi được dẫn đến lò giết bò. Đến nơi giết bò, tôi thấy họ cột 4 chân bò, 4 dây kéo về 4 góc, đầu bò ghịt vào một trụ cây trước sân. Một người đứng trên chiếc ghế cao cầm búa tạ đập liên tục xuống đầu bò. Nó đau đớn giãy giụa nhưng không cách nào thoát được, đành phải đứng chịu trận. Quá đau đớn nước mắt nó chảy ra. Đập vài chục búa, bò mới chết. Lúc đó tôi rất dửng dưng trước cái chết đau đớn của con bò, trái lại trong tâm còn chê ông ta đập dở quá, đập gì mà cả vài chục búa bò mới chết! Tôi nghĩ nếu sau này mình được làm khâu này chỉ đập chừng 5 búa là bò chết. Quả thật ý nghĩ đầy tội lỗi độc ác. Qua hai ngày đi làm thử, ba tôi lại quyết định không cho đi làm. Lý dothức khuya quá sợ mất sức không học được. Cũng may nếu lò mổ heo, hay lò giết bò làm ban ngày, có lẽ hôm nay tôi đã thành tên đồ tể đầy tội ác rồi. Quả báo đền mạng không biết bao kiếp mới trả xong, thật là đáng sợ.

 Không làm nghề giết heo, giết bò được, lúc đó tôi cũng tiếc lắm, vì không có tiền để phụ giúp gia đình. Về sau, tôi xin đi bán bánh mì rong. Quý vị có biết bán bánh mì rong là gì không? Là mình đi bán chỗ này chỗ kia, không phải ngồi một chỗ tại cửa hàng. Mỗi sáng vào lúc 3 giờ tôi phải thức dậy để đi lấy bánh mì. Với cái tuổi mê ăn mê ngủ mà chịu thức sớm như vậy là cả một sự nỗ lực. Bình thường thì ngủ 7, 8 giờ mới thức dậy. Từ nhà đến lò bánh mì phải đi bộ hơn hai cây số. Tôi mua bánh mì tại lò rồi bỏ vào trong bao vải, bao này là bao quân trang của quân đội thời đó. Bánh mì mới ra lò cho nên còn nóng, vác lên lưng vừa nặng lại vừa nóng. Lúc đầu đi còn khỏe, càng đi xa càng thấy nặng. Đã thế, vừa đi lại phải vừa rao: “Bánh mì đây, bánh mì nóng dòn đây!”. Ngoài đường, xe chạy ồn ào, phải la lớn người ta mới nghe. 

 Những ngày đầu đi bán la khan cả tiếng. Khi đi bán như vầy, quý vị biết hạnh phúc nhất là gì không? Là được nghe người ta kêu mua bánh mì. Mỗi lần nghe kêu “bánh mì” là mừng lắm, mặc dù mệt nhưng cũng cố chạy nhanh đến bán, vì mỗi sáng có rất nhiều đứa trẻ cùng lứa đi bán, nếu mình không nhanh chân thì mất khách và phải bán lâu hơn, đi xa hơn. Có những hôm bán sớm, nhiều nhà còn ngủ, nghe tiếng rao của mình, họ mở cửa ra chửi và còn hâm dọa kêu cảnh sát bắt nữa. Nghe vậy tôi sợ quá, chạy đi chỗ khác bán. Có những hôm bán đắt thì khoảng 6 giờ sáng là hết, nếu ế phải tới 7, 8 giờ. Bán xong, lời được đồng nào là tôi đem về gia đình hết, không dám tiêu xài, trái lại còn mong cho được nhiều tiền để phụ giúp gia đình. Có những đứa bạn cùng bán chung thấy nó ăn xài nhiều quá, tôi bèn hỏi ăn như vậy thì tiền lời đâu còn bao nhiêu, rủi cha mẹ có hỏi thì làm sao. Nó nói là bán 50 ổ thì nói dối là bán 30 ổ, số tiền lời 20 ổ đó thì xài.

 Thời gian cứ trôi qua, con người ngày một lớn, tâm sinh lý cũng phát triển theo thể xác. Một đêm nọ, vào ngày thứ bảy, tôi xin cha mẹ đi xem cải lương trong xóm. Thời điểm đó, gia đình nào khá lắm mới mua nổi ti vi, mà ti vi trắng đen chứ chưa có ti vi màu như ngày nay. Cả xóm chỉ vài nhà có ti vi. Những nhà này rất tốt, hàng tuần vào tối thứ bảy có chương trình cải lương, họ đem ra phía trước nhà cho mọi người đến xem. Dân miền Tây rất mê cải lương, cho nên cứ tối thứ bảy họ đi xem rất đông, kẻ đứng người ngồi chật cả sân nhà, giống như ngày nay chúng ta đi xem chương trình ca nhạc sống ngoài trời vậy. Hôm đó, hai đứa bạn trai không xem cải lương rủ tôi đi dạo mát. Lúc đi, tụi nó mới thổ lộ là sẽ rủ một con nhỏ hàng xóm cùng đi. Con nhỏ tuổi khoảng 14, 15 nhưng đã hư, thường hay đi chơi đêm với những đứa con trai khác. Nghe tụi nó bàn như vậy, tôi can ngăn sợ có chuyện gì xảy ra là ở tù cả đám. Nhưng hai đứa kia cứ thuyết phục mãi. Vì tuổi trẻ bồng bột, lại thêm vấn đề ái dục rất mạnh, nên tôi cũng xiêu lòng đồng ý. Lúc đó, tôi và một đứa đi vào trong khu mộ nơi cánh đồng chờ đợi. Còn một đứa quen con nhỏ đó có nhiệm vụ về dụ dỗ nó ra. Trước đây, khi đi ngang khu mộ này, chúng tôi rất sợ ma, vì người ta đồn ma rất nhiều. Không hiểu sao hôm đó chúng tôi lại không biết sợ ma, chắc có lẽ do sức mạnh của tình dục chăng? Hai đứa vào đó ngồi chờ, nhưng chờ mãi đến hơn 22 giờ đêm không thấy nó dắt con nhỏ kia ra. Lúc đó, chúng tôi thất vọng đi về, sợ ngồi lâu hết cải lương về nhà sẽ bị cha mẹ rầy la. Quả đúng như dự đoán, về đến nhà thì hết cải lương. Gia đình hỏi tại sao về trễ, phải nói dối là trời nóng nực đi uống nước mía với bạn nên về trễ. Sáng hôm sau gặp lại đứa bạn hỏi lý do, nó nói là hôm đó cải lương hay quá, con nhỏ mê xem nên rủ mãi không chịu đi, ngồi dụ một hơi không được, thấy cải lương hay quá thế là ngồi xem luôn. Quý vị nghe có tức không? Trong khi mình ngồi ngoài mả đợi từng phút từng giây, nó ở nhà ngồi xem cải lương. Lúc đó tôi tiếc lắm, nhưng bây giờ mới biết là may mắn. Nhờ trắc trở như vậy mình mới không phạm vào tội lỗi. Kể từ đó đến nay tôi cố gắng giữ mình không để phạm vào sắc dục. Nếu ngày đó vướng vào sắc dục, có lẽ bây giờ cái giây oan nghiệt đó cột trói mình không biết bao giờ thoát ra được. Thật là may mắn.

 Trong thời gian nghỉ hè, vì rảnh rỗi nên tôi lấy những quyển kinh sách ra đọc cho đỡ buồn. Những quyển sách này gia đình tôi đem theo từ Hóc Môn, do Sư Tổ chùa Hoằng Pháp cho. Hồi đó, sách Sư Tổ ấn tống rất nhiều và ai đến chùa Ngài cũng đều tặng. Ngoài những sách của chùa Hoằng Pháp ra, còn có những sách của các sư. Sư Tổ chùa Hoằng Pháp rất quý các sư Khất sĩ, thường hay mời pháp sư Giác Nhiên ở Tịnh Xá Trung Tâm quận Gò Vấp về giảng. Mỗi lần đi giảng, pháp sư đều mang theo kinh sách tặng cho Phật tử

 Lần đầu, tôi đọc cuốn “Lược Sử Phật Tổ” do chùa Hoằng Pháp ấn tống. Sau khi đọc xong, tôi bị thu hút bởi cuộc đời cao quý của đức Phật. Tôi tự nghĩ: về gia tộc Phật sinh ra thuộc dòng vua chúa; về thân thể Phật có 32 tướng tốt; về trí tuệ Phật thông minh hơn người; về địa vị Phật là Thái tử con vua; về quả phước Phật hưởng thụ đầy đủ mọi thứ hạnh phúc trên cuộc đời. Thế mà Ngài đã từ bỏ tất cả địa vị, quyền thế, vợ đẹp, con ngoan, giàu sang, sung sướng để một thân một mình vào rừng sâu tu hành khổ hạnh tìm cầu chân lý cứu độ chúng sinh, thật là cao quý biết bao! Nếu đem bản thân mình ra xét thì tôi chẳng có một thứ gì xứng đáng để bỏ cả. Vậy mình còn ham muốn làm chi những thứ mà Ngài đã bỏ, để rồi lãng phí cả một đời người theo đuổi tìm cầu! 

 Từ đó, tôi bắt đầu chuyển hướng cuộc đời, dốc chí vào việc tìm hiểu Phật pháp, say mê tìm đọc những sách có sẵn ở nhà như cuốn “Tứ Kệ Tĩnh Tâm”, “Ánh Nhiên Đăng” của pháp sư Giác Nhiên, cuốn “Dưới Mái Nhà Xưa” của pháp sư Giác Tường, cuốn “Giác Huệ Thi Tập” của pháp sư Giác Huệ v.v… Những cuốn sách này đã nằm im trong tủ gần 6 năm, được tôi đem ra đọc một cách trân trọng và mới biết là quý giá. Đúng là pháp bảo. Của báu để trong nhà từ lâu mà không biết xài. Nhất là khi đọc bài “Lời Thầy Dạy” của pháp sư Giác Nhiên trong cuốn “Ánh Nhiên Đăng”, cứ như Ngài thúc giục tôi mau mau xuất gia:

Này đồ đệ lắng nghe thầy chỉ dạy
Việc tu hành cố gắng hỡi này con!
Con muốn tu cho đạo quả vuông tròn
Hãy vâng giữ y lời thầy dạy bảo
Này con hỡi cuộc đời đầy huyên náo
Khổ dương trần không thể kể cho cùng
Phật dạy rằng suối giọt lệ dồn chung
Từ vô thủy, đến nay hơn nước biển
Lòng bác ái, nên thầy đây nhủ khuyến
Khêu đèn từ đuốc huệ dắt dìu con
Này con ơi! Vạn vật chẳng thường còn
Mê chi mãi, chôn cuộc đời tươi thắm.
Con chẳng rõ, nên con còn say đắm
Tưởng đâu rằng tuổi thọ mãi tồn sinh
Tưởng đâu rằng hạnh phúc mãi cho mình
Không không phải, này con ơi nên rõ
Ngôi Thái tử Tất Đạt Đa còn bỏ
Vào rừng non tuyết lạnh để tu hành
Thấy cuộc đời toàn sinh tử bao quanh
Đau khổ mãi có chi đâu hạnh phúc

Hoặc đoạn khác:

Này con hỡi cuộc đời con có ngán
Ngán sao con chẳng chịu bước chân đi
Ngán sao con mê mết mãi làm gì
Nước tới ngực con nhảy sao cho khỏi.
Danh với lợi là xích xiềng cột trói
Bao anh hùng đắm lụy bởi tài hoa
Chữ ái tình tiêu tan hết cửa nhà
Sắc xinh đẹp làm hư thân hoại thể.

 Từ đó, tôi bắt đầu đi chùa để học hỏi thêm giáo lý và mỗi đêm đều đến chùa tụng kinh. Thời đó, gần nhà tôi có một nơi phổ biến giáo lý Hòa Hảo. Ở miền Tây, nhất là khu vực Long Xuyên, đa sốtín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Hằng ngày cứ vào lúc 5 giờ sáng và 17 giờ chiều họ đều đọc những bài sám giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ trên loa phóng thanh. Những lời sám của Ngài theo thể thơ lục bát rất dễ đọc, dễ hiểu. Họ đọc như ngâm thơ khi trầm khi bổng nghe rất hay, rất dễ đi vào lòng người. Tới giờ họ phát thanh, tôi đều chăm chú lắng nghe, học tập và thuộc lòng nhiều câu. 

 Càng tìm hiểu Phật pháp, tôi càng say mê. Qua giáo lý nhân quả… dần dần tôi tập ăn chay 1 tháng 4 ngày, rồi đến 10 ngày và ăn chay trường. Lúc ăn chay trường, gia đình không cho nói là sẽ mất máu, mất sức, nhưng lúc đó tôi quyết chí ăn. Nhiều lúc không có gì ăn, chỉ có rau muống luộc chấm nước tương nhưng ăn lại rất ngon. Vì gia đình không muốn cho ăn nên không mua thức ăn chay để tôi chán ngán khỏi ăn. Nhưng lâu lâu có lẽ cũng thấy tội nghiệp nên mẹ mua cho một miếng đậu hũ ăn. Hôm nào được ăn đậu hũ mừng lắm, như đứa nhà nghèo được ăn bữa thịt heo quay vậy. 

Lúc đó tôi rất muốn đi xuất gia nhưng xin gia đình không cho. Tôi đem tâm nguyện xuất gia của mình thưa với quý thầy trong chùa. Quý thầy nói cố gắng đi chùa tụng kinh, khi nào đủ nhân duyên rồi sẽ đi được. Lúc đó tôi cũng lý luận lắm, hỏi lại thầy chừng nào mới đủ duyên. Ngày xưa Thái tử Tất Đạt Đa xin xuất gia vua cha không cho phải trốn đi, nếu nói đợi cho đủ duyên thì biết bao giờ Ngài mới xuất gia được. Nếu Thái tử Tất Đạt Đa không trốn đi xuất gia thì ngày nay làm sao có Phật Thích-ca dạy chúng ta tu hành. Quý thầy cười nói, Phật khác còn con khác. Con có dám vào rừng ở tu như Phật không? Tôi trả lời là dám. Quý thầy nói thôi đi ông ơi! Vào rừng ma nó nhát bỏ chạy về không kịp. 

 Có lần, sư Giác Huệ ở Sài Gòn về Tịnh xá Ngọc Giang thuyết pháp, tôi đến xin Sư xuất gia, nhưng Sư nói tuổi còn nhỏ nên không nhận, vì xuất gia theo Khất sĩ rất cực, phải 18 tuổi trở lên mới đủ sức theo. Lúc đó tôi đọc nhiều sách của hệ phái Khất sĩ, thấy đường lối tu giống Phật nên thích lắm muốn tu theo Khất sĩ

 Do tâm nguyện xuất gia quá mãnh liệt, nên tôi rủ một đứa bạn trốn đi. Hai đứa tính toán thời gian và địa điểm xong, sáng hôm sau nó qua nhà tôi vào lúc 4 giờ, do ba tôi đang chuẩn bị đi làm nên phải chờ tới 5 giờ ông đi rồi mới dám đi. Hai đứa hớn hở như con chim được xổ lồng, nghĩ rằng mình được toại nguyện xuất gia. Chúng tôi vừa đi qua khỏi cầu Cái Dung thì có một chiếc xe lôi chạy tới. Xe lôi này là một chiếc xe Hon da hai bánh, kéo thêm một cái thùng xe phía sau gọi là xe lôi. Trời mới tờ mờ sáng chúng tôi liền ngoắc xe lại để đi Long Xuyên. Xe vừa dừng thì có một người đàn bà to béo từ trên xe nhảy xuống chộp áo thằng bạn, rồi la tôi: “Mày dụ dỗ con tao đi tu phải không?”. Tôi sợ quá nói: “Đâu có! Tự nó đi chứ con đâu có rủ”. Thế là bà la tôi một lúc rồi lôi đứa con về nhà. Sau khi nó về, tôi thắc mắc không biết tại sao mẹ của đứa bạn lại biết mà đi bắt nó. Không biết xui xẻo thế nào lại đón đúng ngay xe của mẹ nó. Sau này dò hỏi mới biết là sáng hôm đó, nó dậy sớm, gia đình sinh nghi, vì mọi ngày nó ngủ tới bảy tám giờ sáng. Hằng ngày vào lúc 4 giờ sáng mẹ nó thường hay thắp nhang cúng lạy nơi bàn thờ. Hôm nay thấy nó dậy sớm và có để tờ giấy gì trên bàn thờ, lúc nó đi bà mới lấy ra xem và biết nó trốn đi tu, liền đón xe đuổi theo. Tôi hỏi nó tại sao lại viết giấy? Nó nói vì sợ bà má không biết mình đi đâu, rồi buồn khổ khóc lóc đi kiếm tội nghiệp

 Thua keo này bày keo khác, tôi về nhà suy nghĩ: “Sao mình ngu quá, ban ngày thiếu gì cơ hội trốn đi, đi sớm làm gì để bị bắt”. Lần sau, chúng tôi trốn đi vào lúc 12 giờ trưa, vì thời điểm này gia đình không để ý. Sau khi ăn cơm trưa xong, tôi rủ đứa bạn lần trước bị mẹ bắt lại nhưng nó không dám đi nữa. Thế là tôi phải rủ đứa khác đi. Vì từ khi biết Phật pháp tôi cũng đã hướng dẫn được một số bạn đi chùa thường xuyên, đem Phật pháp nói cho các bạn nghe, nên đứa nào cũng mộ đạo. Do vậy rủ đứa này không đi thì rủ đứa khác. Lần này chúng tôi trốn đi một cách êm xuôi. Chùa mà chúng tôi đến là do thầy trụ trì chùa Hội Tông giới thiệu. Chùa nằm ở bên cù lao, chúng tôi phải đi đò qua một con sông lớn mới tới. Sau khi được thầy trụ trì đồng ý cho ở tu, chúng tôi mới gởi thư về báo cho gia đình biết. Được tin, vài ngày sau mẹ tôi qua thăm và đồng ý cho ở chùa tu, nhưng ngược lại tôi thì đòi về. Quý vị thấy con nít tánh khí bất thường, lúc này lúc khác. Không hiểu do nhân duyên không hợp hay lúc đó tôi thích tu theo hạnh Khất sĩ nên đòi về. Thế là mẹ tôi phải xin lỗi thầy trụ trì và đưa chúng tôi về.

 Học vừa hết năm lớp 9, tôi xin về chùa Hoằng Pháp xuất gia. Do sự tha thiết của tôi nên cha mẹ đồng ý cho đi. Mẹ tôi đưa đi. Khi về Thành Ông Năm nhờ bà Phồn dắt vào giới thiệu với Sư Tổ, Ngài nhận liền. Tôi ở lại chùa còn mẹ tôi ra ở tạm nhà người thân gần nhà thờ Châu Nam, sáng hôm sau sẽ trở về Long Xuyên. Tôi ở chùa từ sáng tới chiều một mình bơ vơ, không quen biết với ai, không được ai hướng dẫn chỉ bảo, tôi cảm thấy buồn chán muốn trở về (ở đây chỉ nói riêng với quý thầy). Đây là vấn đề tâm lý mà quý thầy cũng nên quan tâm lưu ý. Có những người mới đến chùa hoặc mới đến xin xuất gia, nếu như họ đã từng đến chùa mình thì sẽ không lo ngại bỡ ngỡ hoặc bị lạc lỏng. Đối với người mới đến chùa lần đầu không quen biết ai, chưa biết gì hết tất cả đều xa lạ với họ, nếu chúng ta không quan tâm hướng dẫn, họ sẽ bị lạc lỏng bơ vơ, dễ bị thối thất tâm Bồ-đề. Điển hình như trường hợp của tôi. Khi ở nhà muốn đi tu cho bằng được, đến chùa rồi lại chán nản muốn trở về. Chiều hôm đó tôi xin Sư Tổ ra gặp mẹ. Sư Tổ có lẽ biết tôi muốn về nên không cho đi, tôi năn nỉ mãi với lý do ra tiễn mẹ về quê rồi sẽ trở lại. Thật ra trong lòng muốn về luôn. Cuối cùng Sư Tổ cũng đồng ý. Khi tôi ra gặp mẹ và xin trở về, bị bà la cho một trận. Sau đó bà dụ cố gắng ở hết kỳ hè bà sẽ lên rước về. Thế là lúc này tôi bị tu chứ không phải muốn tu như trước nữa. Quý vị thấy có buồn cười không! Tôi miễn cưỡng vào chùa tu một thời gian. Sau đó, quen người quen chỗ rồi tôi mới lấy lại ý chínghị lực, vui vẻ tu học. Bây giờ nghĩ lại, nếu như lúc đó không bị mẹ la, bắt buộc ở lại tu chắc có lẽ không còn cơ hội để xuất gia nữa.

 Nếu ngày đó tôi không hiểu Phật pháp, không xuất gia tu hành thì bây giờ không biết mình đang làm gì? Có thể làm Giám đốc một Công ty nào đó, hoặc làm thuê làm mướn, hoặc có thể là tên bợm nhậu, hoặc tên ăn trộm v.v… Làm Giám đốc Công ty thì không thể có rồi, bởi tôi biết mình không có tài, học thì dở; làm thuê làm mướn, hoặc đạp xích lô, ba gác thì nắm chắc, cũng có thể trở thành tên ăn trộm ăn cướp. Vì ở ngoài đời phải lấy vợ, không những lấy một vợ mà còn có thể lấy nhiều vợ, rồi có nhiều con; nhà nghèo đói khổ vì thương vợ, thương con làm liều đi ăn trộm để có tiền nuôi vợ, nuôi con, rồi bị ở tù. 

 Tôi cũng không biết ở ngoài đời mình sống có được hạnh phúc không? Giàu có hay đói khổ? Nếu giàu có thì sinh tật ăn chơi, vợ nhỏ vợ bé, sát sinh hại vật để bồi bổ xác thân, theo bạn bè làm ăn nhậu nhẹt say sưa. Nếu nghèo khổ thì tìm mưu nọ chước kia để lừa gạt người, hoặc trộm cắp để có tiền nuôi vợ nuôi con. Giàu hay nghèo gì cũng có thể sa đọa, gây tạo tội lỗi. Nghĩ đến đây tự nhiên tôi sợ quá. A-di-đà Phật, nếu không nhờ Phật pháp, không xuất gia tu hành thì ngày nay sẽ làm gì, ở đâu, hạnh phúc hay đau khổ, giàu có hay nghèo đói, tự do hay tù tội, một vợ hay nhiều vợ, thành người tốt hay thành bợm nhậu... Tôi chắc chắn rằng với những hành động mà mình đã phạm khi nhỏ, lớn lên sẽ ngày một tăng thêm. Quý vị nhìn mặt chúng tôi xem có hiền không? Cũng hiền phải không, nhưng cũng đủ thứ tệ hết, nào là: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu không thiếu thứ gì. Ngay lúc nhỏ vì thương cha muốn cho cha uống bia đã cả gan ăn cắp của ông Mỹ đen một lon bia, từ nhân này có thể về sau vì thương vợ thương con đi cướp của giết người. Lúc nhỏ đã đi mò ốc, bắt cua, đâm ếch đâm nhái, cắt đầu lột da súc sinh, lớn lên chắc chắn vì muốn thỏa mãn khẩu vị sẽ sát sinh hại vật nhiều hơn, hoặc vì đồng tiền có thể trở thành tên đồ tể đâm heo, đập đầu bò. Tuổi còn trẻ đã bị bạn bè rủ rê ăn nhậu, lớn lên vì làm ăn xã giao có thể trở thành bợm nhậu, hư thân mất nết, làm khổ vợ con, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Còn nhỏ mà đã bị bạn rủ đi dụ dỗ con gái người ta, nếu lớn lên vì đắm mê sắc dục sẽ làm những chuyện tồi bại hơn. Không nói chi nhiều, chỉ một việc ăn thôi. Trong 30 năm qua nếu tôi không xuất gia, không trường chay, thử tính xem mình đã ăn thịt biết bao nhiêu chúng sinh. Lấy cá làm thí dụ thôi, mỗi ngày ăn một con, đó là loài cá lớn, nếu tính loại cá cơm thì cả trăm con. Vậy một năm ăn bao nhiêu con, rồi 10 năm cho đến 30 năm biết bao nhiêu sinh mạng chết vì cái thân giả tạm của mình!

 Nếu không biết Phật pháp, không xuất gia tu hành thì 30 năm qua tôi gây tạo thêm biết bao tội lỗi. Nhờ tu hành mà 30 năm qua tôi không sát sinh hại vật để ăn thịt, không nói dối để lừa đảo ai, không trộm cắp của ai, không uống một giọt rượu bia nào, không dụ dỗ ai để thỏa mãn sắc dục. Nói chung, nhờ Phật pháp mà 30 năm qua tôi không gây khổ cho ai, có chăng là do vô tình chứ không cố ý, như vấn đề tình cảm chẳng hạn. Vấn đề này là do người ta chứ không phải mình chủ động gây khổ. Thí dụ có cô nào đó thương mình, họ âm thầm hay thổ lộ tình cảm với mình, nhưng vì đã xuất gia nên không thể đáp lại tình yêu đó nên họ khổ. Thật ra đã là con người, ai cũng biết yêu thương, ai cũng có đầy đủ thất tình lục dục. Vì con người cũng là loài động vật cho nên có đầy đủ tính chất con vật. Nhưng do mình biết tu nên chuyển hóa tình yêu vị kỷ thành tình yêu vị tha. Chúng tôi còn nhớ một bài thơ của sư Giác Huệ trong cuốn “Giác Huệ Thi Tập”:

Hỏi người tu có tình yêu không nhỉ
Nếu nói không là những kẻ vô tri
Nếu nói có là những kẻ tình si
Không với có xin ai dùm giảng giải?
Đây đáp lại những lời trên vừa hỏi
Có mà không, không mà có mới lạ kỳ
Không là không cái tình ái li ti 
Có là có cái tình yêu đại hải.

Hoặc như một bài khác:

Ta có tình yêu rất đậm nồng
Yêu đời yêu đạo lẫn non sông
Tình ta chan chứa trong hoàn vũ
Ta chẳng yêu riêng khách má hồng.
Nếu khách má hồng muốn được yêu
Vậy thì tâm trí phải xoay chiều
Hướng về phụng sự cho nhân loại
Sẽ gặp tình ta trong khối yêu.

 Đối với tôi nói riêng với người xuất gia nói chung, nhiều khi các cô thấy người tu hành hiền lành dễ thương, không uống rượu, không ăn chơi hoặc học giỏi, thuyết pháp hay rồi đem lòng thương yêu muốn chiếm đoạt làm của riêng. Mơ tưởng đến một tương lai đầy hạnh phúc với người mình thương. Khi tình cảm phát sinh thì thường trái tim làm chủ lý trí, dẫn đến si mê. Nghĩ rằng tình yêu của mình là đẹp, là hạnh phúc. Đâu biết rằng ái tình giống như những hạt sương lấp lánh trên ngọn cỏ khi mặt trời vừa mọc, xa xem nó lấp lánh như những hạt kim cương, nhưng khi đến gần nó chỉ là những giọt lệ đau thương. Bởi vì sao? Vì người xuất gia ở chùa từ nhỏ chỉ biết lo tu học không có nghề nghiệp gì cả, dù có học giỏi, có bằng cấp TiếnPhật học đi nữa thì khi ra đời cũng không xài được, không tranh giành hơn thua với người thế gian được, không thể đi thuyết pháp cho người ta nghe. Khi xuất gia thuyết pháp người ta còn nghe, ra đời thuyết pháp ai mà nghe. Lúc đầu mới yêu cứ nghĩ là chỉ cần một túp lều tranh với hai quả tim vàng là đủ hạnh phúc. Nhưng khi làm không ra tiền, nghèo đói quá không đủ sức yêu thì hạnh phúc chỉ còn là những giọt lệ đau thương mà thôi. Cành hoa hồng chỉ để ngắm thì rất đẹp, nếu muốn chiếm đoạt nó, nắm giữ nó coi chừng sẽ bị gai đâm chảy máu.

 Cho nên, nếu có ai lỡ thương người xuất gia thì hãy chuyển tình yêu vị kỷ thành tình yêu vị tha. Hy sinh tình cảm cá nhân để cùng nhau phụng sự nhân loại. Chỉ có tình yêu đó mới là hạnh phúc chân thật. Còn tình yêu vị kỷ chỉ đem đến đau khổ cho nhau mà thôi. 

 Tóm lại, nhờ Phật pháp mà tôi xuất gia tu hành, 30 năm qua không gây đau khổ cho ai, trái lại còn làm được những việc lợi ích tốt đẹp cho người. Tôi rất biết ơn chư vị tôn túc đã có tâm nguyện hoằng pháp, đã ấn tống kinh sách cho mọi người đọc, trong đó tôi cũng nhờ những cuốn sách ấn tống này mà hiểu biết Phật pháp, giác ngộ thế gian vô thường, thân người giả tạm để xuất gia tu hành. Tôi cũng phát nguyện sẽ noi gương các vị Tổ sư, ấn tống kinh sách để tặng cho những người vùng sâu vùng xa. Ngày xưa, nhờ đọc sự tích đức Phật Thích-ca mà tôi giác ngộ, chuyển hướng cuộc đời, xuất gia tu học. Do vậy, ngày nay tôi nguyện sẽ ấn tống thật nhiều cuốn “Lược Truyện đức Phật Thích-ca” để phổ biến cho nhiều người đọc. Hy vọng họ sẽ giác ngộchuyển hướng cuộc đời phát tâm xuất gia tu học như tôi. Hiện nay tôi tiếp tục ấn tống cuốn “Lược truyện đức Phật Thích-ca”, cuốn sách dầy khoảng 150 trang, ngắn gọn nhưng thể hiện được những nét chính cuộc đời của đức Phật, dễ đọc, dễ hiểu, dễ phổ cập trong quần chúng. Tôi rất mong quý Phật tử thấy được sự lợi ích của pháp bảo, hãy góp phần cùng tôi phổ biến cuộc đời đức Phật, phổ biến Phật pháp để lợi lạc cho mọi người. Chúng ta hãy cứu nhân sinh bằng Phật pháp. Vì Phật pháp có thể chuyển hóa khổ đau, chuyển hóa cuộc đời hiện tại và tương lai ngày một tốt đẹp hơn. Nếu chúng ta bố thí tài vật cho người đói khổ thì chỉ giúp họ vượt qua cơn đói kém hiện tại,nhưng tương lai họ vẫn tiếp tục nghèo đói khổ sở. Vì sao? Vì ngày nay họ chịu quả cay đắng là do quá khứ gieo nhân cay đắng. Muốn sau này ăn quả ngọt thì bây giờ phải gieo nhân ngọt. Đó là nhân quả rõ ràng. Bố thí pháp là giúp cho họ hiểu biết nhân quả, tự họ chuyển biến cuộc đời của họ để hiện tại và tương lai được tốt đẹp hơn.

 Có người cho rằng kinh sách tặng cho người ta không quý không đọc. Bán họ bỏ tiền ra mua, họ mới quý mới đọc. Điều này chưa đúng lắm. Bởi lẽ đối với người đã hiểu Phật pháp thì họ mới tìm mua kinh sách để đọc, để hiểu biết thêm. Còn đối với những người chưa hiểu Phật pháp, sẽ không thiết mua kinh sách để làm gì. Đối với những người nghèo lại càng không dám bỏ tiền ra mua kinh sách, tiền không có ăn lấy đâu mua kinh sách. Nhất là ở vùng sâu vùng xa, có cửa hàng nào bán kinh sách đâu mà mua, có tiền cũng không mua được. Do vậy, chúng ta nên phát tâm in kinh sách tặng không cho mọi người. Nếu họ không đọc thì đời con đời cháu của họ cũng sẽ đọc, không mất đâu mà lo. Chúng ta thử tính xem cả thế giới có bao nhêu người? Lấy con số tượng trưng là 5 tỷ. Vậy bao nhiêu người biết Phật pháp? Tối đa là 2 tỷ người, đây là chúng ta phỏng chừng vậy thôi, chưa chắc có được số lượng như vậy. Còn 3 tỷ người chưa biết Phật pháp, chưa biết tu hành. Chúng ta muốn chuyển hóa thế giới này hết khổ đau, hết chiến tranh, hết tội lỗi thì phải làm sao cho 3 tỷ người còn lại hiểu biết Phật pháp, tin sâu nhân quả, biết tu hành

 Đây là vấn đề mà người Phật tử chúng ta phải suy nghĩ và phải có trách nhiệm phổ biến Phật pháp cho mọi người. Họ biết tu, họ có tốt thì thế gian này mới tốt và chúng ta mới yên. Họ không biết tu, họ làm điều xấu ác thì thế gian này cũng xấu và chúng ta cũng không yên. Không nói chi thế giới, chúng ta chưa có khả năng làm việc lớn lao đó, chỉ tính đến trong nước Việt Nam thôi, hiện nay có khoảng 60 triệu dân. Thử tính coi có bao nhiêu người biết Phật pháp, biết tu hành! Chúng ta cứ cho là có 30 triệu người theo đạo Phật, nếu biếu cho mỗi người một cuốn sách thôi, thì phải 30 triệu cuốn. Nếu rút lại mỗi nhà một cuốn thì cũng khoảng 10 triệu hộ, phải hết 10 triệu cuốn. Từ trước đến nay tôi in kinh sách biếu tặng nhiều lắm cũng chỉ 300.000 cuốn, so với 10 triệu hộ thì chưa thấm vào đâu, cho nên tôi rất ưu tư về vấn đề này. Hiện nay, các chùa ở vùng sâu vùng xa đến chùa Hoằng Pháp thỉnh sách về phát cho Phật tử địa phương, chúng tôi rất hoan hỷ, nhưng rất tiếc là không đáp ứng hết. Tôi rất mong quý Phật tử thấy được sự lợi ích của việc hoằng pháp lợi sinh, hãy góp sức cùng tôi thực hiện pháp thí.

 Qua kinh nghiệm gia đình tôi thì những cuốn sách đạo đức hoặc Phật pháp cất chứa trong nhà rất có lợi. Nếu trước đây trong những lúc hè rảnh rỗi, tôi đọc phải những cuốn sách tiểu thuyết tình cảm nhảm nhí đồi bại, có lẽ bây giờ tôi cũng đã đắm chìm trong dục lạc. Tuổi trẻ thường dễ bắt chước, giống như những tờ giấy trắng, nếu chúng ta nhuộm màu gì sẽ ra màu đó. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Quý Phật tử nên lưu ý hãy đem kinh sách để trong nhà mình, đó là đem của báu để trong nhà. Một ngày nào đó con cháu chúng ta sẽ đọc và sẽ thấm nhuần Phật pháp, sống có đạo đức, tránh các việc ác, làm các việc lành, tạo hạnh phúc cho mình và người, được như vậy còn quý hơn là để của cho con. Nếu nó giác ngộ đi xuất gia tu học thì đại phước cho gia đình, cho bản thân nó và cho tất cả chúng sinh. Một người mà tu hành đắc đạo thì tất cả chúng sinh đều được thấm nhuần mưa pháp.

 Phật pháp đã cứu đời tôi. Nhờ Phật pháp mà hôm nay tôi biết tu hành, có được an vui hạnh phúc. Tôi cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho mọi người thấm nhuần Phật pháp để có được an vui hạnh phúc. Và tôi cũng xin phát nguyện sẽ đem hết khả năng của mình để hoằng dương Phật pháp, nguyện sẽ tiếp tục ấn tống kinh sách phổ biến các nơi hầu đền ơn Tam Bảo, ơn thầy tổ, ơn cha mẹ và ơn đàn na tín thí.

 Buổi nói pháp của chúng tôi đến đây đã hoàn mãn, thành tâm cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho toàn thể quý Phật tử thân tâm thường lạc, đạo tâm kiên cố, tinh tấn trên con đường tu học!

 Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật!


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 34300)
Phát Bồ đề tâm, nói đơn giản, là trước hết, lập cái chí nguyện mong cầu tuệ giác Vô thượng Bồ đề, kế đó, phát triển tuệ giác ấy...
(Xem: 16851)
Trong các công hạnh đơn giản mà sâu dày và khó thực hiện cho vẹn toàn nhất là hạnh buông xả. Hành giả Phật giáo lấy tâm buông xả làm công hạnh hàng đầu.
(Xem: 22958)
Một chút ánh sáng nhỏ nhoi, giúp con soi tỏ những giọt mồ hôi không hình nơi mẹ. Nhưng phải tự khi làm mẹ, mới thấu vô vàn cái nhọc mẹ mang.
(Xem: 13044)
Ra khỏi bóng tối - Thích Nữ Diệu Nghiêm dịch
(Xem: 21929)
Hôm nay, mùa Vu Lan báo hiếu lại trở về trên xứ Việt, hòa chung với niềm vui lớn này, xin được san sẻ cùng em đôi điều về đạo hiếu của con người.
(Xem: 22162)
Ngài Mục Liên là một tấm gương sáng chói tượng trưng cho lòng chí hiếubáo ân. Ngài đã thực hành phép sám hối để báo ân mà cứu được mẹ thoát khỏi địa ngục.
(Xem: 14859)
Kinh Phạm Võng dạy rằng “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình.
(Xem: 23557)
Tâm Bồ đề là tâm rõ ràng sáng suốt, tâm bỏ mê quay về giác, là tâm bỏ tà quy chánh, là tâm phân biệt rõ việc thị phi, cũng chính là tâm không điên đảo, là chân tâm.
(Xem: 24076)
Cái chết theo Tan-tra thừa là một quá trình tan biến tuần tự của thân xác vật chấttâm thức, các hiện tượng tan biến này được phân loại thành nhiều cấp bậc...
(Xem: 23608)
Quyển "THIỀN QUÁN - Tiếng Chuông Vượt Thời Gian" là một chuyên đề đặc biệt giới thiệu về truyền thống tu tập thiền Tứ Niệm Xứ của đức Phật dưới sự hướng dẫn của thiền sư U Ba Khin.
(Xem: 17123)
Tôi đã lắng nghe Krishnamurti suốt nhiều ngày. Tôi đến những nói chuyện của ông, tham gia những bàn luận, ngẫm nghĩ...
(Xem: 19339)
Chính Ðức Phật đã dạy: “Trong các sự bố thí chỉ có Pháp thícông đức lớn nhất, không có công đức nào sánh bằng” ... Thích Chân Tính
(Xem: 27025)
Phật-pháp là trí tuệ thực nghiệm dạy chúng ta nhận định được bản chất căn bản của chúng tagiải thoát chúng ta khỏi sự sa đọa thành nạn nhân đối với những huyễn tượng...
(Xem: 14406)
Hiện nay câu hỏi này là một quan tâm chính đối với mọi người, bởi vì khoa học và công nghệ hiện đại đã phơi bày rõ ràng những khả năng xảy ra sự hủy diệt to tát.
(Xem: 13830)
Điều gì cần thiết là một cái trí không bị hành hạ, một cái trí rất rõ ràng. Và một cái trí như thế không thể hiện diện được nếu nó có bất kỳ loại thành kiến nào.
(Xem: 22670)
Đức Phật Thích Ca Mâu NiPhật Bảo. Ba tạng kinh luật luận do đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết ra là Pháp Bảo. Chư tăng đệ tử xuất gia của Phật đàTăng Bảo.
(Xem: 14718)
Điều lạ thường nhất về sống của Krishnamurti là những lời tiên tri được nói về anh trong thời thanh niên đã thành hiện thực, tuy nhiên trong một hướng khác hẳn điều gì được mong đợi.
(Xem: 17348)
Để có thể lắng nghe thực sự, người ta nên buông bỏ hay gạt đi tất cả những thành kiến, những định kiến và những hoạt động hàng ngày.
(Xem: 12656)
Nhìn vào toàn chuyển động của sống này như một sự việc; có vẻ đẹp vô cùng trong nó và năng lượng vô hạn; thế là hành động là trọn vẹn và có sự tự do.
(Xem: 13854)
Lúc này chúng ta hãy quan sát điều gì đang thực sự xảy ra trong thế giới; có bạo lực thuộc mọi loại; không chỉ phía bên ngoài mà còn cả trong sự liên hệ lẫn nhau của chúng ta.
(Xem: 10399)
Một cái trí chuyên biệt hóa không bao giờ là một cái trí sáng tạo. Cái trí mà đã tích lũy, mà đã đắm chìm trong hiểu biết, không thể học hành.
(Xem: 14665)
Khi năng lượng không bị hao tán qua sự tẩu thoát, vậy thì năng lượng đó trở thành ngọn lửa của đam mê. Từ bi có nghĩa đam mê cho tất cả. Từ biđam mê cho tất cả.
(Xem: 17194)
Ngài giáng sinh nơi vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini), thành đạoBồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), thuyết bài Pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển (Sarnath) và nhập Niết Bàn tại Câu Thi Na...
(Xem: 12528)
Chúng tathói quen tạo ra một trừu tượng về sợ hãi, đó là, tạo ra một ý tưởng về sợ hãi. Nhưng chắc chắn, chúng ta không bao giờ lắng nghe tiếng nói của sợ hãi đang kể câu chuyện của nó.
(Xem: 12688)
Có một khác biệt giữa không gian bên ngoài, mà vô giới hạn, và không gian bên trong chúng ta hay không? Hay không có không gian bên trong chúng ta gì cả và chúng ta chỉ biết không gian bên ngoài mà thôi?
(Xem: 10349)
Chúng ta là kết quả của những hành động và những phản ứng của mỗi người; văn minh này là một kết quả tập thể. Không quốc gia hay con người nào tách rời khỏi một người khác...
(Xem: 28701)
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma khích lệ chúng ta hãy triển khai lòng tốttình thương yêu mà Ngài luôn luôn quả quyết là những phẩm tính ấy đều đã có sẵn trong lòng mỗi con người chúng ta.
(Xem: 10685)
Sự liên hệ giữa bạn và tôi, giữa tôi và một người khác, là cấu trúc của xã hội. Đó là, liên hệ là cấu trúc và bản chất của xã hội. Tôi đang đặt vấn đề rất, rất đơn giản.
(Xem: 11123)
Lúc này tôi nghĩ có ba vấn đề chúng ta phải thấu triệt nếu chúng ta muốn hiểu rõ toàn chuyển động của sống. Chúng là thời gian, đau khổ và chết.
(Xem: 16863)
Phật pháp cho trẻ em - Tác giả: Jing Yin và Ken Hudson - Minh họa: Yanfeng Liu - Biên soạnchuyển ngữ: Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Xem: 15762)
“Đông du” ngày nay đã trở thành một từ quen thuộc. Không chỉ đối với các nhà thám hiểm, khách du lịch, người khảo sát văn hóa, mà cả những nhà khoa học, nhà triết học.
(Xem: 13331)
Khai sáng không lệ thuộc thời gian. Thời gian, ký ức, hồi tưởng, nguyên nhân – chúng không tồn tại; vậy thì bạn có thấu triệt, thấu triệt tổng thể.
(Xem: 12545)
Sự lèo lái của sinh lý học, mặc dù là một phần của điều mà phương Tây chúng ta gọi là “tự nhiên,” từ quan điểm Phật giáo, chính là một phần cơ cấu của luân hồi sinh tử.
(Xem: 11350)
Có lẽ rất xứng đáng khi dùng một ít thời gian cố gắng tìm ra liệu cuộc sống có bất kỳ ý nghĩa nào hay không. Không phải cuộc sống mà người ta sống, bởi vì sự tồn tại hiện nay chẳng có ý nghĩa bao nhiêu.
(Xem: 13018)
Thiền định là hành động mà đến khi cái trí đã mất đi không gian nhỏ xíu của nó. Không gian bao la này mà cái trí, cái tôi, không thể đến được, là tĩnh lặng.
(Xem: 19301)
Lắng nghe là một nghệ thuật không dễ dàng đạt được, nhưng trong nó có vẻ đẹp và hiểu rõ tuyệt vời. Chúng ta lắng nghe với những chiều sâu khác nhau của thân tâm chúng ta...
(Xem: 12239)
Chắc chắn, giáo dục không có ý nghĩa gì cả nếu nó không giúp bạn hiểu rõ sự rộng lớn vô hạn của cuộc sống với tất cả những tinh tế của nó, với vẻ đẹp lạ thường của nó, những đau khổhân hoan của nó.
(Xem: 28569)
Sách này đặt tên "Kiến Tánh Thành Phật", nghĩa là sao? Bởi muốn cho người ngưỡng mộ tên này, cần nhận được lý thật của nó. Như kinh nói: "Vì muốn cho chúng sanh khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật".
(Xem: 10037)
Chúng ta dường như không bao giờ nhận ra rằng nếu mỗi người chúng ta không thay đổi triệt để trong căn bản thì sẽ không có hòa bình trên quả đất...
(Xem: 21500)
Các sự gia hộ được nhận qua các luận giảng này về sáu giai đoạn chuyển tiếp giống như một con sông nước dâng cao vào mùa xuân...
(Xem: 12773)
Kêu gọi thế giới là tựa của một quyển sách vừa được phát hành tại Pháp (ngày 12 tháng 5 năm 2011), tường thuật lại cuộc tranh đấu bất-bạo-động của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma hơn nửa thế kỷ nay...
(Xem: 17803)
Luật nhân quả không phải là luật riêng có tính cách tôn giáo. Trong vũ trụ, thiên nhiên, mọi sự vật đều chịu luật nhân quả, đó là luật chung của tự nhiên.
(Xem: 26198)
Đức Phật đã dạy chúng ta những cách sửa soạn bản thân cho sự chết bí ẩn và tận dụng những trạng thái của sự chết để tu tập. Nhiều vị Thầy đã viết sách về đề tài này.
(Xem: 11686)
Tốt lành chỉ có thể nở hoa trong tự do. Nó không thể nở hoa trong mảnh đất của thuyết phục dưới bất kỳ hình thức nào, cũng không dưới bất kỳ cưỡng bách nào...
(Xem: 10835)
Mọi hình thức thiền định có ý ‎thức không là một sự việc thực sự: nó không bao giờ có thể là. Cố gắngdụng ý khi thiền định không là thiền định.
(Xem: 22723)
Nếu hay tu trí tuệ thì không khởi phiền não. Trí tuệ vô ngã có thể từ chỗ nghe Phật pháp, thể nghiệm Phật lý, phản quan tự ngã, nhìn thấu nhân sinh mà có được.
(Xem: 12027)
Ngôi chùa nhỏ nằm khiêm tốn trong khoảng đất rộng đầy cây trái. Buổi tối, mùi nhang tỏa ra từ chánh điện hòa với mùi thơm trái chín đâu đó trong vườn.
(Xem: 10597)
Trước khi thành Thiền sư, Trúc Lâm đại sĩ đã từng làm vua nước Đại Việt. Đó là vua Trần Nhân Tông, người đã từng đẩy lui cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ.
(Xem: 11374)
Tất cả mọi pháp hiện hữu, bắt đầu là cái Tôi, chẳng là gì cả ngoại trừ là những thứ được định danh. Không có các uẩn, không có thân, tâm, ngoại trừ những gì đã được ta quy gán.
(Xem: 11512)
Tư tưởng vị tha mong đạt được giác ngộ vì tất cả chúng sanh là một quan điểm vô cùng kỳ diệu! Khi bạn phát bồ đề tâm, bạn bao gồm tất cả mọi người, mọi loài trong ý tưởng làm lợi lạc cho họ.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant