THIỀN
TRONG ÐỜI THƯỜNG
Thích
Thông Huệ
Chương
5
THUẦN NHẤT
VÀ ÐA THÙ
I-
DẪN NHẬP:
Ðề
tài nầy, mới nghe qua có vẻ lạ lẫm và khó hiểu, nhưng
rất quan trọng vì liên hệ đến tư tưởng vút cao của nhà
Thiền. Thuần nhất và Ða thù là những thuật ngữ Triết
học; các triết gia đã định nghĩa bằng hàng loạt ngôn từ
rối rắm, người càng nghe càng sa vào mớ bòng bong của chữ
nghĩa. Riêng các vị Thiền sư, bằng sự thấy biết của trực
giác không qua tư duy suy luận, đã có những cách giải thích
rất đơn giản nhưng kỳ đặc, đưa môn nhân đi thẳng vào
trạng thái tâm chứng, tức khắc nhận ra bộ mặt thật xưa
nay của chính mình.
Thế
giới chúng ta đang sống luôn biểu hiện muôn hình vạn tướng.
Nhà Phật dùng sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp)
để chỉ chung tất cả pháp tướng, trong đó mỗi trần lại
gồm vô số hình thức với những tính chất khác nhau. Chỉ
nói về sắc trần, liệu trí óc con người đã phân biệt
được bao nhiêu loại, từ vi mô đến vĩ mô? Ðôi mắt hoạ
sĩ có thể phân biệt 25 màu trắng khác nhau, nhưng đó mới
chỉ là nhục nhãn, có nghĩa là chỉ thấy một phần vô cùng
nhỏ của vạn tượng. Chính vì những biểu hiện trùng điệp
của các pháp dàn trải xung quanh ta, nên thế giới hiện thực
ta đang sống có tính Ða thù. Ðây là thế giới tương đối,
là cảnh giới vô thường duyên sinh bất thực, phát khởi
từ ý thức phân tích nhị nguyên. Ngày nay, do khoa học muốn
đáp ứng thị hiếu của con người nên chế tạo nhiều vật
dụng tiện ích, từ những phương tiện giải trí ăn mặc
đến học tập rèn luyện, với đủ chủng loại màu sắc.
Do vậy, tính chất Ða thù ngày càng phát triển.
Ða
thù là cành lá hoa quả, là phần nổi, là những hình thức
đa dạng của một thực thể toàn vẹn; còn nguồn gốc, bản
chất, nội dung của thực thể ấy được gọi là Thuần nhất.
Thuần nhất chỉ trạng thái chưa phân ranh, là cảnh giới
lý tưởng tuyệt đối, là bổn tâm bổn tánh của mọi chúng
sanh. Từ Thuần nhất phát sinh vô số hiện tượng, nếu chạy
theo hiện tượng là theo ngọn quên gốc. Tu là trở về nguồn
cội, tìm lại bản tâm; là vẫy vùng để thoát khỏi thế
giới tương đối Ða thù, trở về thế giới tuyệt đối
Thuần nhất. Một vị Tôn túc đã luận về hai chữ Hòa thượng
như sau: Hòa là thuần nhất bất tạp, là khởi nguyên của
vạn loại nhân sinh tức tri kiến Phật; Thượng là vạn loại
xưng tôn, được muôn loài chúng sanh xưng tụng tôn kính. Người
tu đến lúc tâm trở nên thanh tịnh thuần nhất thì xứng
đáng được muôn loài tôn kính cúng dường.
Thuần
nhất và Ða thù không phải là hai mặt đối lập, tương phản
nhau, cái này có thì cái kia không và ngược lại. Chúng tồn
tại song song nhau, nương nhau mà hiện hữu. Thuần nhất nằm
ngay trong Ða thù, Ða thù là hiển hiện bề mặt của Thuần
nhất. Không tìm Thuần nhất ở ngoài Ða thù, không tìm bản
chất ở ngoài hiện tượng. Thuần nhất không phải một khái
niệm thuần lý, cũng không là một thực thể có hình tướng
cho ta nắm bắt, một trạng thái có thể thức tri tưởng tri.
Nếu không nhận định rõ điều nầy, thì dù đạt cảnh giới
thiền định sâu xa, đó vẫn là trạng thái bị phân hóa có
sở đắc như Niết-bàn Hoá thành.
II-
NỘI DUNG THIỀN TẬP:
1-
Lộ trình tâm linh:
Trong
Bát Chánh đạo, đi đầu là Chánh kiến. Người tu trước
tiên phải nắm vững phương pháp hành trì, như người đi
đường trước khi khởi hành phải nghiên cứu lộ trình và
nơi đến. Nếu không có kiến giải chơn chánh, tu hành theo
chánh pháp, thì dù cực khổ công phu đến mấy cũng không
đạt được mục đích cuối cùng, đôi khi lầm lạc vào đường
tà lối rẽ. Dĩ nhiên, mỗi người có căn cơ, trình độ,
sở thích khác nhau, nên sự chọn lựa pháp tu là do tâm ý
của riêng mình. Kinh nghiệm tu tập cũng mang tính cách cá nhân,
như mỗi bông hoa có một dáng vẻ, một hương thơm khác nhau,
nhưng đều chung sức tỏa sắc khoe hương cho vườn hoa tập
thể.
Thiền
sinh theo dõi từng vận hành của tâm niệm, thấy chúng khởi
lên và diệt đi, không còn dấu vết. Biết rõ chúng là hư
dối không thật, ta không theo chúng, tự nhiên tâm liền an.
Nhận diện tiến trình sinh diệt của vọng niệm là bước
đầu của con đường thiền tập; trong đó, nhận ra bộ mặt
của vọng là điều kiện đầu tiên tối cần để chiến
đấu và chiến thắng giặc phiền não. Một vị tướng tài
muốn trăm trận trăm thắng, phải biết rõ ta và địch. Giặc
phiền não có tâm vương tâm sở, trận chiến ngay tự thân
là trận chiến ác liệt nhất, nếu ta không nhận diện được
giặc thì làm sao có chiến tích lẫy lừng? Ðây lại là cuộc
trường chinh gian khổ, vì tập khí phiền não tích tụ biết
bao đời kiếp, không phải một ngày hai ngày là xong việc.
Pháp môn tri vọng là lối chăn trâu trong nhà Thiền, có nhiều
mức đôï từ thấp đến cao(5).
Chánh
niệm là công phu ở mọi nơi mọi lúc. Thiền sinh duy trì sự
tỉnh giác thường xuyên, luôn đặt tâm vào giờ phút hiện
tại, nhận rõ sự động dụng của thân, sự biến đổi của
tâm và sự vô thường của cảnh. Chỉ cần biết rõ tất
cả mà không khởi niệm hay cưỡng chế mọi sự việc theo
ý mình. Chánh niệm tự động soi sáng và chuyển hoá mọi
cảm thọ ở thân và những phiền não cấu nhiễm trong tâm,
như ánh nắng chiếu vào nước đá, tự nhiên nước đá tan
chảy dù ánh sáng không cố ý mong cầu.
Kiến
tánh là kiến chiếu vào tận thể tánh của chính mình. Hành
giả nhận ra con người thật, con người nguyên thủy trước
khi cha mẹ sinh ra. Kiến tánh là trở về cái uyên nguyên của
vũ trụ nhân sinh; cái không thể dùng ý thức tưởng tượng
nhưng luôn luôn hiện hữu; cái không hình tướng nhưng trùm
khắp và không sanh không diệt; cái tịch lặng muôn đời nhưng
chiếu soi tận cùng pháp giới. Trở về thể tánh chơn thật
ấy, hành giả đã có chỗ y cứ chung thân, đời tu không còn
lui sụt nữa.
2-
Thiền tập trong mọi hoàn cảnh:
Trước
tiên, chúng ta nên nhận định rằng Thiền không phải chỉ
là toạ, nên tu Thiền không chỉ ở lúc ngồi. Tuy nhiên, trong
giai đoạn đầu khi tâm ta còn lăng xăng đa sự, toạ thiền
là công phu cần thiết và cơ bản giúp ta dễ định tâm hơn
cả. Một số người dùng lời dạy của Lục Tổ, hoặc chủ
trương Thiền là phải sống trong từng giây phút để bài
bác việc tọa thiền. Ðây là một điều lầm lẫn lớn lao.
Ðức Phật mỗi sáng sớm trước khi đi giáo hoá, Ngài đều
tọa thiền, sau đó xét căn cơ trình độ của những người
hữu duyên Ngài sẽ gặp, để chỉ dạy phương pháp tu thích
hợp. Một số vị Tổ sư không chủ trương tọa thiền để
đối trị sự cố chấp của môn đệ, cho tọa thiền là cứu
cánh. Những phương tiện giáo hoá của các Ngài lập bày chỉ
vì đương cơ và chỉ thích hợp với đương thời; ngày nay
chúng ta lại áp dụng vào mọi nơi mọi lúc, e có khi không
hợp lẽ.
Lúc
tọa thiền mà có âm thanh hay tiếng động ồn ào bên ngoài,
ta vẫn biết nhưng không duyên theo tiếng hoặc sanh tâm bực
bội. Những cảnh tượng quấy rầy lúc đầu làm trở ngại,
nhưng đó cũng là cơ hội để ta tu trong nghịch duyên. Tuy
thế, không nên cố ý tạo nghịch duyên như tự mình mở nhạc
hoặc băng thuyết pháp lúc đang tọa thiền, vì thiền không
chủ ý chủ tâm. Trường hợp này thường gặp trong gia đình
các Phật tử đông người, không có không gian riêng cho mình
tu tập. Ta có thể khắc phục hoàn cảnh bằng cách chọn giờ
yên tĩnh hoặc một nơi thích hợp cho công phu thiền tọa,
kết hợp với thiền hành.
Tọa
thiền là công phu trong lúc tĩnh; tiến thêm một bước là
tập tu trong khi động, theo tinh thần của Chánh niệm hay làm
việc gì chỉ biết việc đó. Trong ngày, lúc thuận tiện ta
có thể thiền hành trong phòng, trên sân thượng, trên đường
vắng hay ngoài bãi biễn ..., vừa đi vừa hít thở không khí
trong lành, chánh niệm trên từng bước chân, Thiền hành là
lối công phu có tính cách tự do, không theo nguyên tắc cố
định. Ðơn giản là ta đi bách bộ một cách chậm rãi, không
có đích đến. Lúc đi ta biết mình đang đi, cái biết này
chỉ mới trên bề mặt ý thức nhưng là khởi đầu cần thiết.
Tâm tĩnh lặng, ta thấy an lạc hạnh phúc nơi từng bước
chân. Ðến khi đi chỉ biết là đi mà không còn ngã tướng,
thì tuy chân vẫn bước mà ý niệm đi biến mất. Ði trong
trạng thái vong ngã thì tức khắc ta đi vào bản thể của
chính mình. Ði thẳng vào bản thể hoàn toàn trái ngược với
sự đi quanh của ngã tướng; điều này khó nói cho người
khác hiểu, chỉ nhờ công phu mới tự mình thầm nhận.
Trong
một nhóm tu hành, ta có thể tổ chức những bữa cơm nhiếp
tâm. Duy trì chánh niệm trên từng động tác, nghĩa là đang
gắp, nhai, nuốt ...ta đều biết rõ nhưng không chia nhỏ những
động tác ấy. Ví dụ, trong trí ta cứ thầm nhủ theo từng
cử chỉ “gắp-gắp lên miệng - bỏ vào miệng – nhai –
nhai - nuốt...” thì những động tác ấy không thể nào tự
nhiên được. Các món ăn đặt trên bàn, ta có thể gắp một
cách từ tốn tự nhiên, vị chua cay ngọt mặn thế nào ta
đều biết. Không phải khi ăn không cần biết ngon dở, vì
như thế trởû thành vô tri, dần dần quên mất sự sống.
Ta có quyền thấy nghe hay biết tất cả, nhưng điều quan trọng
là không sanh tâm khen chê ưa ghét, như thế sẽ không xa rời
cuộc sống, mới có cơ hội phát sinh Tri kiến Như thật.
Mặt
khác, trong những công việc hàng ngày, chỉ cần tỉnh thức
chú tâm vào mọi động tác, vào công việc làm. Khi ta quét
nhà, chính sự quét nhà là niềm an lạc, nếu ta không xen vào
những tư tưởng phức tạp của ý thức. Khi ta nấu cơm, rửa
chén, cuốc đất ... cũng vậy. Nấu cơm để nấu cơm, rửa
chén là để rửa chén. Chỉ chú tâm vào việc đang làm, việc
làm ấy sẽ được chu toàn, năng suất cao, kết quả tốt;
và đặc biệt, nơi hành động đã là mục đích, nơi phương
tiện đã là cứu cánh. Như thế, Thiền là sự sống trong
mọi sinh hoạt bình thường.
Các
huynh đệ đồng tu thường có những buổi pháp đàm, trao đổi
những kiến giải và kinh nghiệm trong công phu. Những cuộc
trao đổi như thế rất hữu ích, với điều kiện phải có
tinh thần hòa ái hoan hỉ, mục đích giúp nhau cùng tu tiến
chứ không phải tranh luận hơn thua. Nếu không theo tinh thần
Tam hòa(6), dễ gây mất sự đoàn kết nội bộ. Khổng Tử
nói: “Tam nhơn đồng hành tất hữu ngã sư”, ba người cùng
đi ắt có người làm thầy ta. Ta có thể học được tất
cả mọi người, kể cả những người nhỏ tuổi hơn, yếu
kém hơn ta. Có người thường thích phát biểu trước tập
thể để chứng tỏ mình tu hay hơn, hiểu biết hơn người
khác; có người bảo thủ, luôn cho ý kiến của mình là đúng,
không chấp nhận những ý kiến trái ngược... Tất cả đều
là hành tung của bản ngã. Người có ngã chấp quá lớn không
thể tiếp thu gì thêm, như ly nước đã đầy, không rót được
thêm vào. Từ đó, đường tu dần dần đi xuống mà không
hay biết. Thiền tông nói lên được cái tinh hoa của đạo
Phật nên rất thành tựu về mặt truyền pháp, nhưng do chỉ
dạy quá thẳng tắt nên nhiều người tưởng hiểu lý Thiền
là xong việc, lấy sự hiểu bằng ý thức làm lẽ sống mà
không tinh cần công phu, cuối cùng từ hay chuyển sang dở.
Thiền sinh chúng ta nên cảnh giác đối với bệnh khẩu đầu
thiền, một bệnh phổ biến của những người nói nhiều
làm ít. Tu là phải thúc liễm thân tâm, thận trọng trong từng
lời nói và tỉnh giác trong từng hành động, lại cần nói
ít hơn những điều mình đã thấy. Người có công phu thiền
tập tự nhiên sẽ có một phong cách đặc biệt, trầm tĩnh
đúng mực từ lời nói đến việc làm.
Các
bậc hiền sĩ ngày xưa thường chủ trương Thà chết vinh hơn
sống nhục. Danh dự nhiều khi quý giá hơn tài sản, tính mạng.
Nhưng làm sao trong vinh dự được tôn xưng mà ta không ngã
mạn cống cao, thì có lúc nào đó bị người khinh chê, ta
sẽ không quá buồn khổ. Gặp lửa nóng ta biết ngay mà tránh,
còn nước mát lại dễ làm mất cảnh giác, chết đuối lúc
nào không hay. Nghịch cảnh như lửa nóng, người tu dễ thức
tỉnh nhớ xoay lại mình, còn cảnh ấm êm thuận thảo đôi
lúc gây kiêu ngạo. Cho nên nhà Thiền không sợ thất bại,
mà lại ngại sự thành công; vì chính thất bại là nghịch
duyên cần thiết để hành giả có thêm kinh nghiệm tự thân,
biết mình còn xấu dở mà tinh cần tu học.
Có
một điều tế nhị chúng ta cần lưu ý: Một hôm nào đó
ta gặp một người dáng vẻ tu hành mẫu mực, sống trong cảnh
bần hàn và luôn chê bai xem thường danh lợi. Tiếp xúc với
người ấy đôi lần, ta rất ngưỡng mộ và muốn tôn làm
thầy dạy đạo. Nhưng cần tỉnh táo sáng suốt nhận định
rõ vấn đề. Ngụ ngôn Pháp kể chuyện con cáo chê chùm nho
xanh, không đáng để nó bỏ công hái. Nhưng thật ra, vì chùm
nho trên cây cao quá, cáo ta năm lần bảy lượt nhảy lên mà
không với tới, nên mới ra bộ chê bai. Ðó chỉ là tâm lý
phản ứng trước một thứ mà mình không thể có dù thâm
tâm rất muốn. Trong đời, chúng ta có thể gặp rất nhiều
hình ảnh “con cáo và chùm nho” như thế.
Cổ
đức nói:
Phiền
não khởi giai do đa sự
Thị
phi sanh dĩ thị đa ngôn.
Con
người chúng ta không nhiều thì ít đều có những ham muốn
đam mê. Chính sự ham muốn tạo thành kiết sử, trói buộc
và sai khiến ta phải tìm mọi cách thỏa mãn; đạt được
lại muốn nhiều hơn, không đạt khởi sanh sân hận. Nhu cầu
bản thân càng cao thì phải ôm đồm nhiều việc, phiền não
càng lẫy lừng. Con người trở thành nạn nhân cho chính dục
vọng của mình, ngày càng bất an, thần kinh căng thẳng đưa
đến những hậu quả khó lường. Lại nữa, khi ngồi với
nhau, thường thì chúng ta hết bàn sự phải quấy lại đến
chuyện đông tây kim cổ. Nhưng bàn chuyện người thì có ích
gì cho mình, càng nói nhiều càng lắm thị phi. Chúng ta có
mâu thuẫn là muốn bình an nhưng lại thích luận bàn thế
sự, lại thấy rõ cái dở của người mà không biết tìm
khuyết điểm nơi mình. Chúng ta tu là chấp nhận những điểm
yếu của mình một cách thẳng thắn, và sửa đổi để ngày
càng hoàn thiện. Ta nhận định mọi người mọi vật bằng
cặp mắt khách quan, không thần tượng hoá người nào, không
lý tưởng hoá vật gì. Trên đời không có cái gì tuyệt đối,
không chỉ có thầy mình là hay nhất, không chỉ có pháp tu
của mình là đúng nhất. Những cái nhìn thiển cận biên kiến
là tư tưởng cục bộ chủ quan, làm đóng khuôn và che mờ
thực tại. Ðạo Phật là đạo trí tuệ, người con Phật
phải có chánh kiến, nhìn mọi vấn đề một cách toàn diện
và bao dung được mọi tư tưởng lập trường khác biệt.
Từ đó, ta có thể hòa đồng với mọi người và chịu đựng
mọi hoàn cảnh mà vẫn giữ bản chất, phong thái riêng của
mình.
Thiền
sư Vạn Hạnh có bài kệ nổi tiếng:
Thân
như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn
mộc xuân vinh thu hựu vô.
Nhậm
vận thịnh suy vô bố uý
Thịnh
suy như lộ thảo đầu phô.
Nghĩa:
Thân
như bóng chớp có rồi không
Cây
cỏ xuân tươi, thu nhuốm hồng.
Mặc
cuộc thịnh suy, đừng sợ hãi
Thịnh
suy như cỏ hạt sương đông.
Khi
biết vạn pháp đều không thật, đều vô thường, thì sự
thăng trầm thịnh suy của cuộc sống đối với các Ngài như
hạt sương trên đầu ngọn cỏ. Chúng ta chưa được tự tại
như các Ngài, nhưng nhờ công phu thiền tập, ít nhiều cũng
có sự trầm tĩnh. Trước khi quyết định một việc gì, ta
suy nghĩ chín chắn, xử thế có lý có tình và có lập trường
vững chắc. Ta không từ nan việc gì trong khả năng mà có
ích cho đời, làm nhưng không dính mắc vướng bận. Ðời
sống của ta sẽ có ý nghĩa dù thọ mạng ngắn hay dài; ta
hiến dâng nhiều bao nhiêu thì sự an lạc hạnh phúc đến
với ta tương đương như thế.
Một
số thiền sinh thường thắc mắc: Trong cuộc sống, ai cũng
phải tính toán lo toan cho bản thân, cho gia đình. Người tu
càng nhiều việc sắp xếp, tổ chức trong tự viện và những
việc Phật sự bên ngoài. Suốt ngày suy tính bận bịu như
thế có trái với tôn chỉ nhà Thiền là vô sự vô tâm?. Các
bậc ngộ đạo cũng trăm công nghìn việc, nhưng các Ngài sắp
xếp việc nào ra việc ấy, tính xong rồi buông xả, nên các
Ngài làm tất cả mà cũng như không làm. Chúng ta học theo
các Ngài, cũng phải lo toan cho cuộc sống hàng ngày một cách
chu đáo, làm tròn mọi trách nhiệm đối với gia đình và
xã hội, nhưng không dính mắc, thì dù đa sự mà vẫn không
phiền não.
3-
Một vài ngộ nhận trong công phu:
* Có
người cho rằng, tu hành là phải tránh bớt duyên khi chưa
triệt ngộ, nên chủ trương tự tu tự học khi đã biết cách
dụng công. Ðây là một quan niệm hữu lý, có cơ sở, nhưng
nếu ta cố chấp lại sinh ra cực đoan. Ngày xưa, các vị Thiền
sư khi kiến tánh, thường vào núi rừng ẩn tu một thời gian
gột sạch tập khí, sau đó mới vào cuộc đời giáo hoá chúng
nhân. Ngày nay, chúng ta không thể sống một mình nơi hoang
dã, uống nước suối ăn trái rừng qua ngày, chưa kể lúc
ốm đau hoặc chướng duyên làm trở ngại. Vì thế, phần
đông chúng ta đều chấp nhận cuộc sống chung cùng bạn lữ,
tuy kết quả không nhanh chóng bằng người xưa, nhưng được
lợi là giúp mình giúp người. Mặt khác, nếu nắm vững pháp
tu, trong lúc động lại tiến nhanh hơn khi tĩnh. Cùng sống
với tập thể, một mặt ta giúp được người đi sau, mặt
khác ta nương vào người để củng cố lòng tin, ý chí, để
được bảo vệ trước những cám dỗ của ngũ dục. Nhiều
người thích tu nơi vắng vẻ, một thời gian tưởng mình đã
xong việc, không ngờ khi trở về thế gian lại sanh phiền
não, có trường hợp sa ngã, uổng một đời tu. Ðây không
những là kinh nghiệm đối với người xuất gia, mà còn cho
những đạo tràng cư sĩ tại gia.
* Có
người hiểu lầm chỉ có tọa thiền mới là tu, nên xem thời
gian tọa thiền trong ngày là chuẩn mực đạo đức. Thật
ra, khi mới phát tâm, tọa thiền giúp ta dễ an định tâm,
do các căn ít tiếp xúc với trần cảnh. Nhưng trong các giai
đoạn sau, khi công phu đã thuần thục, ta cần tu trong mọi
thời khắc, mọi nơi chốn, mọi oai nghi. Các Thiền sư, khi
trả lời câu hỏi “Thiền là gì?”, thường bảo “Dưới
gót chân ông” hoặc “Trong thân chỗ nào không có máu?”.
Lục Tổ chủ trương kiến tánh chứ không chủ trương tọa
thiền, vì chưa kiến tánh thì chưa bước chân vào cửa Thiền
tông.
* Một
số thiền sinh quan niệm Thiền là cắt đứt mọi hoạt động
tâm lý. Ðây là lối tu theo kiểu đá đè cỏ, luôn phải chú
tâm đè nén vọng tưởng nên hành giả rất sợ cảnh sợ
duyên, không có sự sáng tạo và sức sống riêng cho chính
mình; đến khi gặp chướng ngại không biết làm cách nào
để tránh. Có người lại hiểu Thiền qua sách vở, nghĩ Thiền
dễ tu dễ chứng, chưa gì đã tự tôn xưng, thỏng tay vào
chợ. Thật là một lầm lẫn tai hại, sao khỏi đọa vào khổ
xứ? Tất cả ngôn từ, dù cao siêu hoa mỹ đến đâu, cũng
không diễn đạt đến lẽ thật. Muốn ngộ lý Thiền, ta phải
khéo thông qua ngôn ngữ mà thầm lãnh hội thực tại phi ngôn.
Thiền là đời sống tự mình kinh nghiệm, tự thấu triệt
ngay từ những điều bình dị đơn giản nhất.
* Ðức
Phật bảo “Chúng sanh là Phật sẽ thành”, ấy là muốn
sách tấn hàng môn đệ, vì quả thật mỗi chúng sanh đều
có mầm mống giác ngộ. Không có nhân thành Phật, không thể
nào chúng ta tu đến quả vị cuối cùng. Nhưng nếu chúng ta
hiểu đơn giản rằng, chữ “sẽ thành” có nghĩa là một
tương lai nào đó, thì vô hình trung ta có sự vọng cầu mong
mỏi. Như thế là không hợp lý đạo. Phật là Phật tâm tại
hiện tiền, chứ không phải là một Ðấng Cứu thế bên ngoài
hay một quả vị Phật ở thời điểm nào xa xôi. Người tu
thiền có tâm mong cầu kết quả, có khi công phu thấy cảnh
lạ lại khởi lòng vui mừng hay sợ hãi, thường dễ phát
sinh bệnh tật, điên cuồng. Ðây là điều chúng ta cần thận
trọng ghi nhớ.