Video Lễ Hoa Đăng
Tưởng Niệm Ân Sư Cố Đại Lão Hoà Thượng Thượng HUYỀN Hạ QUANG
Video Lễ Huý Nhật
Cảm Niệm Nhân Ngày Kỵ Giỗ 10 Năm Đại Lão Hòa Thương Thích Huyền Quang,
Đệ Tứ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Quảng Thành Bùi Ngọc Đường
Kính bạch Trưởng Lão Hòa Thượng Chánh Văn Phòng Giáo Hội,
Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni,
Kính thưa quý đạo hữu,
Trước tiên, chúng con xin cám ơn Hòa Thượng Thích Minh Dung và quý Thầy trong môn đồ Pháp quyến đã cho con cơ hội, dù bất ngờ, để lên đây phát biểu một vài cảm niệm của mình nhân lễ tưởng niệm 10 năm ngày viên tịch của Đại Lão Hòa Thượng Đệ Tứ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Kính bạch quý Ngài,
Kính thưa quý đạo hữu,
Hồi tưởng về Đại Lão Hòa Thượng Đệ Tứ Tăng Thống, không riêng gì chúng con mà hầu như tất cả các thành viên từng phục vụ Giáo Hội trước 1975, từ trung ương đến địa phương, từ Bến Hải đến Cà Mau, Tăng Ni cũng như cư sĩ, đều nhớ đến hình ảnh vị Thượng Tọa Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo.
Ngài được Đại Hội thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tháng 1 năm 1964 cung thỉnh vào chức vụ Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo và được lưu nhiệm cho đến Đại Hội 6 năm 1974. Đúng 10 năm. Suốt 10 năm. Ngài ngồi đó liên tục, bền bĩ, khi thì tiếp Ban Đai Diện tỉnh này đến Ban Đại Diện tỉnh khác, giải quyết những mâu thuẫn, khúc mắc tại địa phương; khi thì tiếp phái đoàn này đến tổ chức nọ để trả lời hoặc trao đổi các vấn đề thời sự liên quan đến Giáo Hội và chính quyền. Có thể nói, bất kỳ lúc nào gặp chuyện khó khăn cần giải quyết, cứ về Sài Gòn, vào văn phòng Giáo Hội tại chùa Ấn Quang là gặp Ngài, nhiều khi không có hẹn trước. Ngài ngồi đó liên tục, bền bĩ đến mức trở thành một hiện tượng bất thường, bởi vì khó có ai làm được. Ngài ngồi đó liên tục, bền bĩ như nhịp đập liên tục, bền bĩ của trái tim để cơ thể Giáo Hội được tồn tại. Đặc tính này nói lên bản chất tận tụy với trách nhiệm và lòng quý mến cán bộ Giáo Hội tại các địa phương của Ngài.
Gần 20 năm, trước khi làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo, Ngài cũng đã từng đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư Ký cho một tổ chức Phật giáo. Lúc đó là tháng 8 năm 1945, cùng với cả nước tham gia kháng chiến chống Pháp, Ngài thành lập Phật Giáo Cứu Quốc Liên Khu 5 (bao gồm các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú) giữ chức vụ Phó Chủ Tịch kiêm Tổng Thư Ký. Sau 6 năm hoạt động cứu quốc với tổ chức quy củ, chặt chẽ, có số lượng quần chúng Phật tử đông đảo khiến Mặt Trận Liên Việt Liên Khu 5 lo ngại và nghi ngờ, tìm cách lũng đoạn nội bộ và giải tán. Năm 1951, Ngài chống đối việc làm này nên bị bắt giam tại Quảng Ngãi từ 1952 cho đến gần Hiệp Định Geneve 1954 mới được trả tự do.
Đây là một chi tiết lịch sử có thể giải thích phần nào lý do tại sao Ngài nhất quyết từ chối hợp tác với nhà nước Cộng sản Việt Nam trong việc thành lập Giáo Hội mới năm 1980 thường được gọi là Giáo Hội quốc doanh dẫn đến hậu quả Ngài bị tù tội, quản chế cho đến cuối đời.
Chi tiết lịch sử này cũng cho thấy một thực tế gian nan nguy hiểm của những tăng sĩ Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn đất nước bị ngoại xâm, không thể không hòa mình vào công cuộc kháng chiến cứu quốc, nhưng cũng không thể để bị lợi dụng để làm nguy hại đến lý tưởng tôn giáo của mình. Và cái giá phải trả để không bị lợi dụng là tù đày hoặc là chết. Đó là trường hợp của Thượng tọa Thích Mật Thể, một tăng sĩ trẻ nổi tiếng lúc bấy giờ, là tác giả quyển Lược Sử Phật Giáo Việt Nam đầu tiên, đã nhiệt thành vận động và tham gia kháng chiến cứu quốc nhưng cuối cùng đã phải chết trong hiu quạnh khi bị cô lập, vì chống đối những chíng sách đi ngược lại lý tưởng tôn giáo của mình.
Sau khi được trả tự do nhân hiệp định Geneve 1954, năm 1955 Ngài hướng dẫn một đoàn Tăng sinh Bình Định gồm 12 vị vào Phật Học Đường Chùa Long Sơn Nha Trang. Tại đây, Ngài được thỉnh cử làm Giám Đốc Phật Học Đường này thay thế vị tiền nhiệm là Ngài Thích Định Tuệ, cho đến năm 1957, theo quyết định của Giáo Hội Tăng Già Trung Việt, hai Phật Học Đường Báo Quốc Huế và Long Sơn Nha Trang hợp nhất thành Phật Học Viện Trung Phần, đặt tại chùa Hải Đức Nha Trang và Ngài cũng được thỉnh cử là Tổng Thư Ký, Ôn Trí Thủ làm Giám Viện và Ôn Thiện Siêu làm Đốc giáo.
Năm 1963, Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo được thành lập để chống lại chính sách kỳ thị và đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, Hòa Thượng Tâm Châu làm Chủ tịch và Ngài cũng được thỉnh cử làm Tổng Thư Ký, điều hành các công tác hành chánh, soạn thảo văn thư, tài liệu và phối hợp các sách lược tranh đấu.
Ngày 11 tháng 6 năm 1963, Hòa Thượng Quảng Đức tự thiêu để kêu gọi Tổng Thống Ngô Đình Diệm thức tỉnh. Hình ảnh Hòa Thượng Quảng Đức ngồi ung dung tự tại giữa ngọn lửa bao phủ khắp thân người của Ngài, được truyền qua các máy truyền hình đến khắp nơi trên thế giới làm bàng hoàng, xúc động phần lớn nhân loại. Sự kiện này tạo thành những áp lực từ nhiều phía, trong nước cũng như ngoài nước, buộc chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm phải chấp nhận ngồi họp với Phật Giáo để giải quyết 5 nguyện vọng của Phật Giáo đưa ra sau biến cố đẫm máu tại đài phát thanh Huế trước đó. Cuộc họp quan trọng đó được tổ chức và diễn ra tại hội trường Diên Hồng, giữa một bên là Ủy Ban Liên Bộ đại diện chính phủ Ngô Đình Diệm và một bên là phái đoàn đại diện Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo do Hòa Thượng Thiện Minh làm Trưởng Phái Đoàn gồm có Hòa Thượng Tâm Châu, Hòa Thượng Thiện Hoa và Ngài làm thư ký của phái đoàn với sự phụ tá của thầy Thích Đức Nghiệp trong vai trò phó thư ký.
Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni,
Kính thưa quý đạo hữu,
Chúng con vừa trình bày, như là những trích đoạn, dĩ nhiên là không đầy đủ, cuộc đời hành đạo của Đại lão Hòa Thượng Đệ Tứ Tăng Thống qua những vai trò Tổng thư ký mà Ngài đảm nhiệm trải dài trong suốt quá trình sinh hoạt Phật sự của Ngài. Chính với những vai trò và trách nhiệm Tổng thư Ký, Ngài đi sâu, đi sát, hiểu rõ từng vấn đề một của Phật giáo Việt Nam; Ngài tiếp xúc gần gũi với từng nhân sự một của Giáo Hội. Có thể nói, Ngài thấy rõ từng viên gạch trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ở thời đại của Ngài.
Nhưng quan trọng hơn, động cơ khiến ngài tận tụy, tha thiết trong những vai trò và trách nhiệm Tổng thư ký là Ngài luôn thao thức, sống chết vì tiền đồ của Phật Giáo và Giáo Hội. Và chính vì điểm này, Ngài không sợ tù đày chết chóc; Ngài không nao núng trước bạo lực, cường quyền. Ngược lại, từ nơi Ngài toát ra một hùng lực khiến bạo lực, cường quyền bị khuất phục. Điển hình: đầu tháng 5 năm 1992, khi Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Đệ Tam Tăng Thống viên tịch, Ngài đang bị quản thúc suốt 10 năm qua tại Quảng Ngãi và bị cấm không được đi Huế dự tang lễ. Ngài tuyên bố tuyệt thực và sẵn sàng lấy cái chết để tạ lỗi vì không về Huế để dự tang lễ được. Trước sự cương quyết của Ngài, chính quyền Cộng sản nhượng bộ để ngài ra đi. Tuy nhiên tại Huế Ban Tổ chức lễ tang nhà nước đã cấm không cho Ngài phát biểu. Dù vậy khi buổi lễ diễn ra, Ngài từ tốn nhưng dũng mãnh tiến lên trước linh đài, đảnh lễ Giác Linh Hòa Thượng và phát biểu trước sự xúc động của hàng nghìn Phật tử. Mặc dù bị cúp điện và máy phóng thanh, nhưng ngài vẫn trầm tĩnh, uy nghi phát biểu đến lời cuối cùng. Và chính trong buổi lễ này, ngài nhận ấn tín và di chúc của Hòa Thượng Đệ Tam Tăng Thống để tiếp nối sự truyền thừa của Giáo Hội cùng lúc phát động công cuộc vận động đòi hỏi sự phục hoạt cho Giáo Hội.
Trong lời phát biểu, như là một sự thách đố đòi hỏi pháp lý của nhà nước đối với Giáo Hội, Ngài đã lặp lại những khẩu hiệu đã vang lên trong hội trường chùa Ấn Quang ở Đại Hội Bất Thường năm 1977:
Pháp lý của Giáo Hội là 2000 năm truyền đạo trên dải đất Việt Nam này;
Địa vị của Giáo Hội là 80% dân chúng già, trẻ, lớn, bé;
Cơ sở của Giáo Hội là nông thôn, thành thị, cao nguyên và hải đảo;
Đó là cơ sở vững chắc muôn năm. Đó là Pháp lý, địa vị, cơ sở của Giáo Hội.
Chúng ta hãy mường tượng, một người tù bị quản thúc trong vòng vây, an ninh nghiêm ngặt, bị cấm di chuyển, bị cấm phát biểu, vậy mà cuối cùng vẫn đi được, vẫn phát biểu được và phát biểu tất cả những gì muốn nói, làm được những gì dự tính muốn làm.
Không phải ai cũng làm được, nếu không có bản lãnh, không có hùng lực toát ra từ bên trong.
Kính bạcg chư tôn đức Tăng Ni,
Kính thưa quý đạo hữu,
Với những lời thô thiển vừa qua, chúng con chỉ muốn nhớ lại một số cảm niệm về một bậc thầy, một nhà lãnh đạo của Giáo Hội mà dấu ấn để lại khó phai mờ trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam; và với riêng chúng con là một tôn sư, một ân sư mà chúng con đã từng có phước duyên là một đứa học trò bé nhỏ của Ngài được giáo dưỡng, bảo bọc hơn 60 năm trước tại Phật Học Đường Nha Trang.
Quảng Thành Bùi Ngọc Đường