Bỏ lại đằng sau sự ồn ào, náo nhiệt của Bangkok, chúng tôi đến Chiang Mai - một thành phố lớn nằm ở phía Bắc Thái Lan. Khác với Bangkok, ChiangMai được mệnh danh là thành phố ngàn hoa của đất Thái, là một thế giới hoàn toàn khác với bất kỳ thành phố nào ở Thái Lan: yên ả, thanh bình và gần gũi với thiên nhiên.
Chiang Mai còn gọi Chiêng Mài, là thành phố lớn thứ hai của Thái Lan, thủ phủ (tỉnh lỵ) của tỉnh Chiang Mai, cách Bangkok chừng 800km về phía Bắc, Chiang Mai nằm trên vùng địa hình đồi núi thuộc loại cao nhất của Thái Lan. Thành phố chạy dọc theo sông Ping, một trong những nhánh lớn của sông Chao Phraya. Khí hậu nơi đây rất ôn hòa, có đủ bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông (giống như thành phố Đà Lạt - VN).
Đoàn hành hương chúng tôi khởi hành từ Bangkok đi Chiang Mai bằng phương tiện xe bus vào lúc 8g30 tối (giờ địa phương). Suốt chặng đường dài gần 800km, với vận tốc khoảng 100km/h nhưng đường sá rất tốt, cộng với khí hậu ôn hòa nên mọi người trong đoàn vẫn hớn hở, dù hầu hết đều là những vị khách lớn tuổi.
Chiang Mai đón chúng tôi bằng những lớp sương mù dầy đặc bao trùm cả một vùng trời. Xe bus đưa đoàn đến Chiang Mai lúc 5g30 sáng. Sau khi nhận phòng nghỉ và dùng điểm tâm tại Khách sạn Phucom, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình chiêm bái những ngôi chùa - điểm du lịch tâm linh tại thành phố ngàn hoa này.
Chiêm bái những ngôi chùa thiêng ở Chiang Mai
1. Chùa Phrathat Doi Suthep
Chùa Phrathat Doi Suthep, là một trong những ngôi chùa thiêng liêng nhất tại Chiang Mai và được nhiều người Thái Lan tin sùng. Đây cũng là nơi nhiều tín đồ Phật giáo hành hương trong các ngày lễ lớn. Người Thái cho rằng, "Nếu ai chưa đến chùa Phrathat Doi Suthep là chưa đến Chiang Mai". Chùa khởi dựng vào năm 1383, tọa lạc trên ngọn núi Suthep có độ cao 1.073m. Từ ngôi chùa tuyệt vời này có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát thành phố Chiang Mai. Chùa Phrathat Doi Suthep được xem như biểu tượng của Chiang Mai. Suốt 600 năm qua, chùa có nhiều thay đổi và được tu sửa nhiều lần. Theo một nhà sư nơi đây kể lại: Trước đây để lên được đỉnh núi phải mất 5 giờ qua một con đường hẹp, nhỏ và nhấp nhô, rất trở ngại cho du khách khi viếng chùa. Năm 1934, nhà sư Kruba Srivichai đến Chiang Mai để thực hiện dựa án xây dựng đường lên chùa. Tin tức lan truyền khắp nơi nên Phật tử khắp nơi đổ về đây góp công sức, kể cả những người dân tộc thiểu số sống ở vùng núi.
Những người đã từng hành hương về chùa Phrathat Doi Suthep đều bảo nhau rằng, nếu viếng chùa vào buổi chiều gần tắt nắng là đẹp nhất. Lúc này, mặt trời lặn chiếu xuống cả thành phố Chiang Mai mờ sương. Toàn cảnh thành phố Chiang Mai ẩn hiện dưới làn mây mỏng trông như một bức tranh thiên nhiên diễm lệ. Điểm nhấn của chùa Phrathat Doi Suthep là tháp (chedi) lớn nhất nằm khu trung tâm của ngôi đền Wat Prathat được bọc vàng. Đây chính là nơi cất giữ mảnh xương vai của Phật Tổ. Quanh tháp Chedi này là hai chiếc ô lọng màu đồng bóng. Xung quanh tháp lớn này, những bức tượng Phật nhỏ được bố trí bốn phía. Giống như những dải Ma-mi-luân ở đền Potala - Tây Tạng, tại chùa Phrathat Doi Suthep dưới những mái ngói cong vút là dải chuông bằng đồng nhỏ. Chúng reo lên những tiếng nhạc du dương khi có cơn gió nhẹ thổi qua.
Có nhiều truyền thuyết về ngôi chùa Phrathat Doi Suthep này, nhưng thuyết phục nhất là câu chuyện về một nhà sư tên Sumanathera đêm nằm mơ thấy Đức Phật dạy rằng, phải tự thân đi tìm di vật của Phật. Tỉnh mộng, nhà sư đến một nơi theo như lời Phật đã chỉ và tìm thấy một mảnh xương vai của Phật Thích Ca Mâu Ni. Di vật này có phép lạ, nó phát ra ánh sáng, có thể biến mất, có thể tự chuyển động và tự tái tạo. Sư Sumanathera sau đó đem di vật này dâng lên nhà vua Dharammaraja trị vì vùng Sukhothai (Thái Lan). Nhà vua tiếp đón sư Sumanathera long trọng nhưng khi đó, di vật lại không thể hiện phép nhiệm mầu nào nữa. Do nghi ngờ đó không phải là di vật của Phật Tổ, nhà vua không nhận và trả lại cho sư Sumanathera giữ lại. Tuy nhiên, vua Nu Naone của vương quốc Lanna (Chiang Mai ngày nay) nghe tin về di vật này và yêu cầu nhà sư đem đến cho ông. Năm 1368, với sự cho phép của vua Dharammaraja đưa di vật được chuyển đến vua Nu Naone. Ngay lập tức di vật tự phân chia thành hai phần, một phần kích cỡ như cũ, một phần nhỏ hơn. Phần nhỏ hơn được cất giữ ở một ngôi chùa có tên Suan Dok. Phần kia được nhà vua đặt lên con voi trắng và thả vào núi. Khi voi trắng leo đến đỉnh núi Doi Suthep, rống lên ba lần rồi chết. Điều này được coi là điềm báo nơi di vật muốn được cất giữ, vì thế vua Nu Naone cho xây đền ở nơi đây vào cuối thế kỷ XIV.
2. Chùa Chiang Man
Rời chùa Phrathat Doi Suthep, chúng tôi đến chiêm bái chùa Wat Chiang - ngôi chùa có trên 700 năm tuổi. Trong chùa có hai bức tượng Phật, một làm bằng phalê phra sae tang kamani và một bằng đá phra sila được chạm khắc vào năm 900 sau kỷ nguyên Tây lịch.
3. Chùa Wat Phra Singh
Chùa do vua Pha Yoo xây dựng năm 1345, làm nơi để di hài của phụ hoàng Kam Foo. Các bức tường của nhà nguyện được chạm khắc hình ảnh phong tục, cuộc sống thường nhật và trang phục của người dân Lanna. Tại đây, khách hành hương có thể đăng ký các khoá học ngắn ngày về Phật pháp và tọa thiền. Trong đó, hàng ngày khách du lịch sẽ tham gia các bài luyện tập, các bài thiền, và ăn ngủ, sinh hoạt như những nhà sư.
Tham quan vườn hoa Chiang Mai
Nếu có dịp đến Chiang Mai, bạn đừng quên tham quan một địa điểm khá thú vị, như một cuộc dã ngoại kỳ thú với nhiều kỳ hoa dị thảo và nhiều công trình kiến trúc văn hóa đa quốc gia. Đó là Công viên vườn hoa Sawasdee. Với diện tích khoảng 1.000ha, Sawasdee Garden được xem là điểm tham quan lý tưởng cho bất cứ du khách nào một khi muốn khám phá thành phố hoa hồng - Chiang Mai. Tại đây, ngoài những loài hoa quý, đẹp ở Thái Lan cũng như hoa đến từ các nước trên thế giới, Sawasdee Garden còn là nơi giao lưu văn hóa bởi các công trình kiến trúc mang đặc thù của mỗi quốc gia, đặc biệt là các nước ASEAN. Đến Sawasdee Garden, ngoài việc mua vé vào tham quan (100 baht/vé), du khách có thể mua thêm vé xe điện chạy quanh công viên thì mới tham quan Sawasdee Garden một cách trọn vẹn.
Dạo phố chợ đêm ở ChiangMai
Du khách đến Chiang Mai không thể bỏ qua cơ hội dạo chợ đêm, với những hàng hóa bản địa và cách buôn bán, tiếp thị độc đáo của người Thái. Ở chợ đêm Chiang Mai, vùng đất nổi tiếng với những công trình chùa chiền cổ kính linh thiêng mà hầu hết những người theo đạo Phật đều mong muốn được một lần đặt chân đến, bán rất nhiều tượng Phật. Các tượng toàn thân, bán thân bằng gỗ hoặc hợp kim, thể hiện đủ tư thế nằm, ngồi, đứng của Phật Thích Ca có giá từ 100 baht (1 baht tương đương 650 đồng Việt Nam). Ngoài ra, các móc khóa nhỏ xinh mang hình tượng Đức Phật với giá khoảng 30 baht cũng rất được du khách ưa thích.
Nằm ở vùng núi miền Bắc, chợ đêm Chiang Mai lôi cuốn sự chú ý của người tham quan bởi màu sắc tươi tắn, rực rỡ và sự ngộ nghĩnh của nó. Điều thú vị là những món hàng này đều do mỗi gia đình trong làng làm theo phương thức thủ công. Ngoài việc được bày bán ở chợ đêm, sản phẩm còn được bán tại chỗ cho khách du lịch đến tận làng tham quan, mua sắm.
Chợ đêm Chiang Mai mở cửa từ khoảng 6 giờ chiều đến hơn 11 giờ đêm. Mọi hoạt động đều diễn ra khá hòa nhã. Trong chợ, du khách tha hồ ngắm nghía, dọ giá, thử đồ, lựa chọn... mà không gặp phải bất kỳ sự phiền hà nào từ người bán. Dù bạn có mua hay không, họ vẫn mỉm cười. Sự chèo kéo, nài ép khách mua hàng không hề xuất hiện. Tuy nhiên, du khách cũng thường được hướng dẫn viên nhắc nhở phải cẩn thận để không bị hớ. Giá sản phẩm hay bị “hét” ở mức gần gấp 3 lần giá trị thực. Giá cả được những cô gái bán hàng trẻ nói rất rành rọt, lưu loát bằng tiếng Anh. Không chỉ mua bán, họ cũng là những thuyết minh viên sẵn sàng giới thiệu cho du khách về sản phẩm và làng nghề của họ. Nếu người bán không biết tiếng Anh, việc giao dịch sẽ diễn ra thông qua chiếc máy tính cá nhân. Chủ hàng bấm vào máy tính nhỏ, và người mua trả giá bằng cách bấm lại dãy số khác theo ý mình.
Nếu dạo chợ đêm mỏi chân, du khách có thể ghế vào một gian hàng mát-xa chân ngay trong khu chợ, vừa thư giãn nghỉ ngơi, vừa thưởng thức những món ăn nhẹ đậm chất Thái và lắng nghe tiếng cuộc sống hàng ngày quanh mình…
Giang Phong (Nguồn Du lịch Tâm linh)