Diệu Âm lược dịch
HÀN QUỐC: Chùa Jogyesa chào đón những tăng sĩ mới nhất (và nhỏ nhất) của mình
Seoul, Hàn quốc – Để tôn vinh lễ Phật Đản, trẻ em ở Seoul đã được tìm hiểu qua về cuộc sống của một tăng sĩ.
Các bé đã cạo đầu, mặc áo tràng và nhận tràng hạt trong một buổi lễ gọi là “Trẻ em trở thành tăng sĩ”, được tổ chức vào ngày 11-5-2015. Lễ diễn ra tại chùa Chogye (Jogyesa) ở Seoul, thánh địa chính của tông phái Tào Khê. Các em sẽ ở tại chùa tổng cộng 14 ngày để tìm hiểu về Phật giáo.
Phật tử Hàn quốc mừng lễ Phật Đản, được gọi là Seokga tansinil, vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch.
Mặc dù chỉ có 23% người Hàn quốc nhận mình là Phật tử, lễ Phật Đản vẫn được cử hành như một ngày công lễ. Mọi người kỷ niệm ngày này với lễ hội đèn lồng, trong khi các đền chùa cung cấp miễn phí trà và một bữa ăn chay ngon gọi là “bibimbab” cho tất cả khách viếng.
(Buddhist Channel – May 22, 2015)
Lễ “Trẻ em trở thành tăng sĩ” tại chùa Jogyesa, Seoul
Photo: The Huffington Post
NEPAL: 200 tăng ni thiệt mạng và 1,000 tu viện Phật giáo bị sập do động đất
Có khoảng 200 tăng ni đã thiệt mạng khi khoảng 1,000 tu viện Phật giáo tại Nepal bị sụp đổ do trận động đất xảy ra vào ngày 25-4-2015 và các dư chấn sau đó.
Ủy ban Quảng bá Triết học và Phát triển Tu viện Phật giáo (BPPMDC) thuộc Bộ Vấn đề Liên bang và Phát triển Địa phương nói rằng tất cả 215 tu viện tại huyện Sindhupalchok đã bị san phẳng do ảnh hưởng của trận động đất.
Tại Gorkha có tổng cộng 150 tu viện bị sập, tại Dhading là 105, Rasuwa 60 và Solukhumbu 60. Các tu viện tại những quận huyện khác cũng bị sập đổ.
Karma Tsering Tashi Lama, chủ tịch của BPPMDC, người gần đây đã thăm nhiều khu vực bị động đất tại Sindhupalchok và Rasuwa, nói rằng ông không nhìn thấy một tu viện nào còn nguyên vẹn.
BPPMDC cho biết đã triển khai các đội phối hợp với chính quyền địa phương để thu thập chi tiết của sự phá hủy.
(outlookindia.com – May 22, 2015)
Không ảnh cho thấy làng mạc của huyện vùng xa Gorkha ở Nepal đã trở thành những đống đổ nát do động đất
Photo: PTI
TÂY TẠNG: Tin ảnh: Tu viện Seda, ngôi trường Phật giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới
1/ Tu viện Seda, ngôi trường Phật giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới, tọa lạc tại Larung Gar, Tây Tạng. Tu viện được bao quanh bởi các khu ký túc xá với số tăng ni cư trú lên đến 40,000 người trong một số giai đoạn của năm.
2/ Tăng ni đi bộ qua tu viện Seda.
3/ Tu viện Seda nhìn từ phía đông.
4/ Khách hành hương Tây Tạng đến tu viện Seda.
5/ Chư tăng để giày bên ngoài trước khi dự một phiên thảo luận tại Tu viện Seda.
6/ Một nữ tu quay cối kinh tại Viện Nghiên cứu Phật giáo Serthar Wuming.
7/ Các ni cô rửa những nồi lớn dùng để nấu ăn tại Viện Nghiên cứu Phật giáo Serthar Wuming
Photos: Alan Taylor
(NewsNow – May 22, 2015)
TRUNG QUỐC: Phục chế tượng Quan Âm Bồ tát nghìn tay
Ngày 21-5-2015, các chuyên gia văn hóa đã tập trung tại khu Dazu, gần Trùng Khánh, để dự buổi khánh thành pho tượng Quan Âm đã được phục chế xong. Tượng cao 7.7 mét và rộng 12.5 mét, là Thánh vật Quốc gia loại 1 của Trung quốc và được UNESCO xếp hạng.
Tượng Quan Âm Bồ tát nghìn tay được tạo tác vào thời Nam Tống (1127-1279) sau khi phục chế sẽ trưng bày trước công chúng tại Trung quốc từ ngày 13-6-2015.
Tượng có 1,007 cánh tay và có một mắt trong mỗi lòng bàn tay.
Dự án phục chế tượng này bắt đầu vào năm 2008 và có kinh phí 10 triệu nhân dân tệ.
Đội bảo tồn đã sử dụng công nghệ tia X và tia hồng ngoại để phân tích pho tượng và tìm thấy các yếu tố khác nhau vốn ảnh hưởng đến tính vẹn toàn về cấu trúc của tượng.
Pho tượng 841 năm tuổi này đã từng trải qua 4 lần phục chế được ghi lại, diễn ra vào các năm 1570, 1748, 1780 và 1889.
(buddhistartnews – May 22, 2015)
Tượng Quan Âm Bồ Tát nghìn tay khánh thành tại Dazu sau khi phục chế
Photos: buddhistartnews
ẤN ĐỘ: Trụ Phật giáo Mantapa được khai quật từ một cái ao khô
Một phần của Trụ Phật giáo Mantapa, vốn được khắc vào Sivalingam, đã được khai quật bởi những người dân địa phương từ ao làng Mukkollu ở khu Guduru, huyện Krishna.
Dân địa phương đã phát hiện cột trụ này cách đây vài tuần, sau khi cái ao khô cạn vào mùa hè.
Tuy nhiên không ai dám khai quật trụ khỏi ao vì xưa kia nó được tôn thờ như Thần Siva trong đền làng. Chấp thuận đề nghị của một nhóm các nhà nghiên cứu lịch sử muốn khai quật nó để xác định lịch sử của làng và sự kết nối của nó với Phật giáo, vào ngày 23-5 dân làng đã giúp nhóm này khai quật trụ.
“Một phần của Cột Phật giáo Mantapa thuộc thời kỳ từ thế kỷ thứ 2 đến thứ 6 sau Công nguyên. Di tích này được tôn thờ như là Thần Siva trong thời kỳ suy vong của Phật giáo tại Andhra Pradesh”, nhà sử học nghiệp dư Mahammed Silar nói. Ông cùng với nhà nghiên cứu K. Subrahmanyam đã lập tài liệu hiện trạng của một gò đất Phật giáo tại đây. Họ cũng thu thập những mảnh gốm trên gò này.
(NewsNow – May 24, 2015)
Dân làng đang rửa một phần của Trụ Phật giáo Mantapa tại ao làng Mukkollu
Photo: T.Appala Naidu
- Tag :
- Diệu Âm