"Một thời Phật du hóa tại thành Vương-xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử vào lúc xế từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Tôn giả Đại Câu-hy-la, chào hỏi nhau xong rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Xá-lê Tử nói rằng:
- Này Hiền giả Đại Câu-hy-la, tôi có điều muốn hỏi, Hiền giả nghe cho chăng?
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:
- Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, muốn hỏi xin cứ hỏi, tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.
Tôn giả Xá-lê Tử hỏi rằng: …
- Thế nào là trí tuệ?
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:
- Biết như vậy, cho nên nói là trí tuệ. Biết những gì? Biết như thật ‘Đây là Khổ’, biết như thật ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt Đạo’. Biết như vậy cho nên được nói là trí tuệ.
Lại hỏi:
- Hiền giả Đại Câu-hy-la, thế nào là thức?
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
- Thức, nhận thức, cho nên nói là thức. Nhận thức những gì? Nhận thức sắc, nhận thức thanh, hương, vị, xúc, pháp. Thức, nhận thức, cho nên nói là thức.
Lại hỏi:
- Hiền giả Đại Câu-hy-la, ngài lấy gì để biết?
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
- Tôi do trí tuệ mà biết.
Lại hỏi:
- Hiền giả Đại Câu-hy-la, trí tuệ có nghĩa gì? Có sự thù thắng gì? Có công đức gì?
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
- Trí tuệ có nghĩa yểm ly, có nghĩa vô dục, có nghĩa thấy như thật.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Bô-đa-lợi, kinh Đại Câu-hy-la, số 211 [trích, lược])
Tuệ là trí tuệ tức cái biết, thức là nhận thức cũng là cái biết. Cả hai đều là cái biết nhưng có đặc điểm khác nhau. Pháp thoại này, Tôn giả Xá-lợi-phất đã khéo léo thỉnh ý Tôn giả Đại Câu-hy-la nhằm giúp hội chúng sơ cơ nhận ra sự khác biệt này.
Cái biết thông thường mà chúng ta sử dụng hàng ngày là nhờ sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) mà biết sáu trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Nhờ đó, con người biết được thân, tâm và thế giới xung quanh. Biết nhiều, biết đúng là nhờ học cao hiểu rộng, kinh nghiệm sâu, trí nhớ tốt, thông minh lanh lợi.
Giáo lý đạo Phật trân trọng cái biết thức tri này. Nếu được định hướng đúng, kho tàng tri thức của nhân loại sẽ góp phần xây dựng xã hội và thế giới tốt đẹp hơn. Có điều cái biết này có giới hạn, ngoài phạm vi nhận thức của giác quan thì con người không thể biết, phải nhờ máy móc hỗ trợ. Vì thế có vô vàn sự vật, hiện tượng mà nhân loại chưa biết hết, hoặc chỉ biết một phần qua lăng kính nghiệp của loài người.
Quan trọng hơn, cái biết của thức tri khó nhận ra sự thật; nhất là sự thật về Bốn Thánh đế. Thức tri cũng không có khả năng làm giảm thiểu tham sân si, thậm chí khiến cho chúng ngày càng lớn mạnh thêm. Đó cũng là lý do vì sao khi tri thức của nhân loại ngày càng phát triển thì chiến tranh, xung đột, bạo lực và khổ đau trên thế giới vẫn không giảm.
Trí tuệ đã hóa giải được bài toán khó khăn này. Bước đầu là nhận ra sự thật về khổ, vô thường, vô ngã của thân, tâm và thế giới. Biết được khổ, nguyên nhân của khổ và con đường diệt khổ chính là thực hành Bát Thánh đạo để vượt thoát khổ đau. Nhờ thấy biết đúng sự thật nên xả ly, buông bỏtham ái và chấp thủ. Nhân khổ đau được chấm dứt, hoa trái hòa bình, an lạc sẽ xanh tươi.
(Bài trên Báo Giác Ngộ số 1232)