Phật lịch 2565 Số 11/VTT/VP
Tuế thứ Tân Sửu; ngày 3 tháng 12 năm 2021
Kể từ khi Bánh xe Chánh Pháp được vận chuyển lần đầu tiên tại Vườn Nai, từ đó giáo pháp từ bi và trí tuệ dần dần lan tỏa trong mọi tầng lớp xã hội, trong nhiều phương vực khác nhau, với nhiều sắc thái dân tộc và ngôn ngữ khác nhau. Để cho tất cả mọi giai tầng xã hội, từ thượng lưu trí thức cho đến những hạng bần cùng khốn khó, thất học, cũng bình đẳng thọ hưởng hương vị tịnh lạc giải thoát, Đức Thế Tôn đã khuyến khích, hãy để cho mọi người được nghe và tu học Chánh Pháp theo ngôn ngữ địa phương của chính mình.
Sau ngày Đức Thích Tôn nhập diệt không lâu, 500 Thánh giả A-la-hán cũng vân tập về thành Vương Xá, kết tập Pháp và Luật mà Thế Tôn đã tuyên thuyết trong suốt 45 năm. Từ ngôn ngữ phương vực Ma-kiệt-đà, giáo pháp được truyền bá đến nhiều phương vực trong nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Sau ngày Phật nhập Niết-bàn trên dưới sáu thế kỷ, giáo pháp được truyền dần về phía Đông, Việt Nam và Trung Quốc. Sự nghiệp hoằng hóa đầu tiên cũng chính là sự nghiệp phiên dịch Tam tạng Thánh giáo từ Phạn sang Hán. Văn tự Hán bấy giờ được xem là văn tự tiện lợi trong quan hệ giữa các dân tộc; cũng dùng chung một loại hình văn tự nhưng mỗi dân tộc đọc và hiểu theo ngôn ngữ truyền thống của dân tộc mình. Chính vì vậy, từ Việt Nam, nơi mà từ thế kỷ thứ nhất Tây lịch, Phật giáo đã phát triển đến một trình độ nhất định với nhiều kinh điển được phiên dịch, nhiều tự viện được xây dựng, từ đất nước này Khương Tăng Hội đã mang Chánh Pháp vào Giang Tả dưới thời Ngô Tôn Quyền; Ngài được xem là một trong những vị đầu tiên du nhập Phật giáo vào Trung Quốc.
Từ đó, trải qua trên 15 thế kỷ, Tam Tạng Thánh giáo lần lượt được phiên dịch, bao gồm đủ cả ba hệ giáo nghĩa chính thống: Thanh văn Tạng gọi chung cho Nguyên thủy và Bộ phái, Đại thừa Bồ tát tạng, và Mật tạng tức hệ Kim cang thừa Tây Tạng về sau. Lịch sử hình thành Tam tạng Thánh giáo qua hệ Hán văn là công trình cống hiến của nhiều dân tộc khác nhau: các Phạn tăng từ bản quốc Ấn Độ, nhiều vị khác từ các nước Tây Vực và Việt Nam.
Thành quả trải qua trên 15 thế kỷ này cho đến những năm đầu của thế kỷ XX được tập đại thành bởi người Nhật dưới triều Thiên hoàng Đại Chánh năm thứ 12 (1922), được mệnh danh là Đại Chánh Tân tu Đại tạng kinh, 100 tập. Tập Đại thành Tam tạng Thánh giáo này ngày nay được xem là chuẩn mực hàn lâm cho các giới nghiên cứu và tu học Phật pháp.
Việt Nam tuy đã trải qua trên dưới hai nghìn năm lịch sử truyền thừa, nhưng chưa có một bản dịch Tam tạng Thánh giáo bằng tiếng Việt phổ thông từ văn hệ Hán vốn là văn hệ chung cho các nước Phật giáo Đông Á như Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản. Nhưng Hán văn trong Tam tạng Thánh giáo thuộc loại Hán cổ, đặc biệt là Hán văn Phật giáo có nhiều điểm bất đồng với các Kinh thư Khổng và Lão. Vì vậy, ngày nay để phổ cập giáo nghĩa từ Đại tạng kinh, người Hoa cũng cần phiên dịch thành Hoa văn bạch thoại. Việt Nam, trước đây, trễ lắm cũng từ thời Trần, nhiều bản Kinh quan trọng cũng đã được dịch thành tiếng Việt phổ thông phổ biến dưới dạng chữ Nôm.
Kể từ thời Pháp thuộc, ký hiệu mẫu tự La-tinh thay thế chữ Nôm. Nhiều bản dịch cổ viết bằng chữ Nôm cũng cần chuyển thành ký tự La-tinh để phổ biến.
Trong tình hình thay đổi hệ chữ viết, một bộ Đại tạng kinh được phiên dịch đầy đủ thành tiếng Việt phổ thông qua ký tự La-tinh cần được thực hiện, làm phương tiện cho bốn chúng đệ tử tham cứu để học tập và hành trì; đồng thời một bản dịch hội đủ tiêu chuẩn hàn lâm như được phổ biến trong nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, giúp các bậc thức giả tìm thấy trong đó những giá trị đã góp phần hình thành truyền thống văn hóa Việt Nam, và cũng tìm thấy những giải pháp thích hợp điều hòa những mâu thuẫn xã hội, những biện pháp tích cực hỗ trợ phát triển giáo dục, văn hóa, kinh tế, xã hội.
Ý thức được giá trị tất yếu này, chư Tôn Trưởng lão trong Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, Viện Tăng Thống GHPGVNTN, tháng 10 năm 1973 đã quyết định lập Hội đồng Phiên dịch Tam tạng với các thành viên tiên khởi 10 vị, sau đó bổ sung thêm 8 vị.
Trong các phiên họp của Hội đồng được tổ chức tại Viện Đại học Vạn Hạnh vào các ngày từ 20-22, tháng 10 năm 1973, quy định chi tiết các điều kiện thành viên, thể lệ phiên dịch và kiểm duyệt (chứng nghĩa và chuyết văn), phương tiện ấn hành và phổ biến; đồng thời cũng lập dự án xây dựng một cơ sở Pháp bảo viện làm cơ sở cho các hoạt động phiên dịch và nghiên cứu. Các chi tiết như đã được công bố và gởi đến các vị đại biểu cùng quan khách trong dịp Đại hội Hội Đồng Hoằng Pháp lần thứ nhất ngày 27/11/2021 vừa qua.
Hội nghị được thành lập và phân công dịch thuật sơ khởi, nhưng chỉ một năm sau mọi sự đều thay đổi. Từ đó cho đến nay, qua 50 năm đất nước hòa bình và thống nhất, nhưng chưa một công trình phiên dịch nào được phổ biến xứng đáng là thành quả mà Hội đồng Phiên dịch Tam tạng đã đề ra. Cho đến bây giờ trong 18 thành viên đầu tiên ấy, chư Trưởng lão đã lần lượt viên tịch chỉ còn lại 2 vị: Hòa thượng Trưởng lão Thích Thanh Từ trong tình trạng vô ngôn và Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.
Để cho tâm nguyện của các bậc Sư Trưởng, chư vị Tôn túc đã một thời bằng trí tuệ và dũng lược, đã khéo léo dẫn đạo Phật giáo Việt Nam qua những giai đoạn cam go, đen tối nhất trong lịch sử truyền thừa; để cho ngọn đèn Chánh Pháp sáng ngời từ Tam tạng Thánh giáo được kế thừa liên tục cho đến suốt dòng lịch sử của Dân tộc và Đạo pháp;
Thiểm tăng Tuệ Sỹ được ân đức Chư tôn Trưởng lão cho dự phần công quả; trong sứ mệnh được di chúc bởi đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, nguyên Tổng Thư Ký Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng trực thuộc Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng Thống GHPGVNTN; và đồng thời được sự nhất trí tán thành của Chư Tôn Đức đang hoằng hóa tại các châu lục, Việt Nam và Hải ngoại, căn cứ thành quả của Đại hội Hội Đồng Hoằng Pháp kỳ I, nay quyết định thành lập
HỘI ĐỒNG PHIÊN DỊCH TAM TẠNG LÂM THỜI
Cố vấn: Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát
Chủ tịch: Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ
Chánh Thư ký: Hòa Thượng Thích Như Điển
Phó Thư ký quốc nội: Hòa Thượng Thích Thái Hòa
Phó Thư ký hải ngoại: Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu
Những thành viên khác sẽ được thỉnh mời sau.
Liên lạc:
Văn Phòng hải ngoại: Chùa Viên Giác, Hannover, Đức quốc, Email: hdpdlt.vp@gmail.com.
Văn Phòng quốc nội: Chùa Phật Ân, Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Đây không phải là Hội đồng mới mẻ được thành lập, mà chỉ là sự kế thừa Hội đồng Phiên dịch Tam tạng được thành lập bởi quyết định của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, Viện Tăng Thống GHPGVNTN, tháng 10 năm 1973.
Hiện tại tuy với phương tiện truyền thông nhạy bén và các quan hệ quốc tế với các quốc gia Phật giáo được gắn bó, nhưng xét vì chưa có ai về công hạnh tu trì cũng như văn huệ và tư huệ khả dĩ sánh ngang với chư Tôn túc Trưởng lão, do đó chỉ có thể thành lập Hội đồng Lâm thời để kế thừa. Cho đến khi nào trình độ tu học được nâng cao, đủ để xác định tín tâm trong hàng bốn chúng đệ tử, bấy giờ một Hội đồng Phiên dịch Tam tạng chính thức sẽ được thành lập để hoàn tất, duy trì và phát huy những điều mà Thầy Tổ đã định hướng.
Đây là phận sự chung của Chư Tôn Trưởng lão, Chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng-già nhị bộ, của tất cả bốn chúng đệ tử, không chỉ riêng một tông môn, hệ phái riêng biệt nào. Chúng đệ tử Phật Việt Nam, trong nước cũng như ngoài nước, cùng chung một huyết thống tổ tiên, cùng tôn thờ một Đức Đạo Sư, hãy cùng hòa hiệp như nước với sữa, thì ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích và an lạc. Hãy quên đi những bất đồng quá khứ và hiện tại trong các hoạt động Phật sự, hãy quên đi những lỗi lầm của người này hay người kia, cùng hòa hiệp nhất trí hoằng dương Chánh Pháp trên cơ sở giáo nghĩa được lưu truyền trong Tam tạng Thánh giáo, để không phụ công ơn tài bồi của các Sư Trưởng; công đức hy sinh vô úy của chư vị Tăng Ni, Phật tử, vì sự trong sáng của Chánh Pháp, vì sự thanh tịnh và hòa hiệp của Tăng già, đã tự châm mình làm ngọn đuốc soi đường cho chúng ta ngày nay vững bước trên Thánh đạo.
Cầu nguyện uy đức gia trì của lịch đại Tổ Sư cho sứ mệnh kế thừa được liên tục, cầu nguyện bản thệ của chư Sư Trưởng được kế thừa xứng đáng trong dòng lịch sử Dân tộc và Đạo pháp.
Nay cẩn bạch,
Khâm thừa di chúc
Bỉnh pháp môn hạ,
Thiện thệ tử Thích Tuệ Sỹ
- Tag :
- HT Thích Tuệ Sỹ