Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Kinh Vu Lan

24 Tháng Mười 201000:00(Xem: 24485)
Kinh Vu Lan


TÁN HƯƠNG

 

Kim lư vừa bén chiên đàn

Cắm xong pháp giới đạo tràng mười phương

Hiện thành mây báu kiết tường

Chư Phật rõ biết ngọn hương chí thành

Pháp thân toàn thể hiện tiền

Chứng minh hương nguyện phước liền ban cho

 

Nam-mô Hương-Vân-Cái Bồ-tát (3 lần)

Nam-mô Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật (3 lần)

 

 

 

KỆ KHAI KINH

 

Pháp Phật cao siêu lý ẩn sâu

Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu

Con nay nghe được Kinh trì tụng

Nguyện đức Như-Lai giải nghĩa mầu

 

Nam-mô Đại-hiếu Mục-Kiền-Liên Bồ-tát (3 lần)

 

 

PHẬT NÓI KINH VU LAN BỒN

 

Con từng nghe lời tán như vầy:

 

Một thuở nọ Thế Tôn an trụ

Xá Vệ thành Kỳ Thụ viên trung

Mục Liên mới đặng lục thông

Muốn cho cha mẹ khỏi vòng trầm luân.

Công dưỡng dục thâm ân dốc trả

Nghĩa sanh thành đạo cả mong đền

Làm con hiếu hạnh vi tiên

Bèn dùng huệ nhãn, dưới trên kiếm tầm.

Thấy vong mẫu sanh làm ngạ quỉ

Không uống ăn tiều tụy hình hài

Mục Liên thấy vậy bi ai

Biết mẹ đói khát ai hoài tình thâm.

Lo phẩm vật đem dâng từ mẫu

Ðặng đỡ lòng cực khổ bấy lâu

Thấy cơm, mẹ rất lo âu

Tay tả che đậy, hữu hầu bốc ăn.

Lòng bỏn xẻn tiền căn chưa dứt

Sợ chúng ma cướp giựt của bà

Cơm đưa chưa tới miệng đà

Hóa thành than lửa, nuốt mà đặng đâu.

 Thấy như vậy âu sầu thê thảm

Mục-Kiền-Liên bi cảm xót thương

Mau mau về đến giảng đường

Bạch cùng Sư Phụ tìm phương giải nàn.

Phật mới bảo rõ ràng căn cội

Rằng mẹ ông gốc tội rất sâu

Dầu ông thần lực nhiệm mầu

Một mình không thể ai cầu được đâu.

Lòng hiếu thảo của ông dầu lớn

Tiếng vang đồn thấu đến Cửu Thiên

Cùng là các bậc Thần kỳ

Tà ma ngoại đạo, bốn vì Thiên Vương

Cộng ba cõi sáu phương tu tập

Cũng không phương cứu cấp mẹ ngươi.

Muốn cho cứu đặng mạng người,

Phải nhờ thần lực của mười phương Tăng.

Pháp cứu tế ta toan giải nói

Cho mọi người thoát khỏi ách nàn.

Bèn kêu Mục thị đến gần

Truyền cho diệu pháp ân cần thiết thi:

Rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ

Mười phương Tăng đều dự lễ này

Phải toan sắm sửa chớ chầy

Thức ăn trăm món, trái cây năm màu.

Lại phải sắm giường nằm nệm lót

Cùng thau, bồn, đèn đuốc, nhang, dầu

Món ăn tinh sạch báu mầu

Ðựng trong bình bát vọng cầu kính dâng.

Chư Ðại đức mười phương thụ thực

Trong bảy đời sẽ được siêu thăng

Lại thêm cha mẹ hiện tiền

Ðặng nhờ phước lực tiêu khiên ách nàn.

Vì ngày ấy Thánh Tăng đều đủ

Dầu ở đâu cũng tụ hội về

Như người thiền định sơn khê

Tránh điều phiền não, chăm về thiền na.

Hoặc người đặng bốn tòa đạo quả

Công tu hành nguyện thỏa vô sanh

Hoặc người thọ hạ kinh hành

Chẳng ham quyền quý ẩn danh lâm tòng.

Hoặc người đặng lục thông tấn phát

Và những hàng Duyên Giác, Thanh Văn

Hoặc chư Bồ-tát mười phương

Hiện hình làm sãi ở gần chúng-sanh.

Ðều trì giới rất thanh, rất tịnh

Ðạo đức dày chánh định chân tâm

Tất cả các bậc Thánh, Phàm

Ðồng lòng thụ lãnh bát cơm lục hòa.

 Người nào có sắm ra vật thực

Đặng cúng dường Tự Tứ Tăng thời

Hiện tiền phụ mẫu của người

Bà con quyến thuộc thảy đều nhờ ơn.

Tam đồ khổ chắc rằng ra khỏi

Cảnh thanh nhàn hưởng thụ tự nhiên.

Như còn cha mẹ hiện tiền

Nhờ đó cũng đặng bách niên thọ trường.

 Như cha mẹ bảy đời quá vãng

Sẽ hóa sanh về cõi thiên cung

Người thời tuấn tú hình dung

Hào quang chiếu sáng khắp cùng châu thân.

Phật lại bảo mười phương Tăng chúng

Phải tuân theo thể thức sau này:

Trước khi thụ thực đàn chay

Phải cần chú nguyện cho người tín gia.

Cầu thất thế mẹ cha thí chủ

Ðịnh tâm thần quán đủ đừng quên

Cho xong ý định hành thiền

Mới dùng phẩm vật đàn tiền hiến dưng

Khi thụ dụng, nên an vật thực

Trước Phật đài hoặc tự tháp trung

Chư Tăng chú nguyện viên dung

Sau rồi tự tiện thụ dùng bữa trưa.

 Pháp cứu tế Phật vừa nói dứt

Mục Liên cùng Bồ-tát chư Tăng

Ðồng nhau tỏ dạ vui mừng

Mục Liên cũng hết khóc thương rầu buồn.

Mục Liên mẫu cũng trong ngày ấy

Kiếp khổ về ngạ quỉ được tan.

Mục Liên bạch với Phật rằng:

Mẹ con nhờ sức Thánh Tăng khỏi nàn

Lại cũng nhờ oai thần Tam Bảo

Bằng chẳng thì nạn khổ khó ra.

Như sau đệ tử xuất gia

Vu Lan Bồn pháp dùng mà độ sanh

Ðộ cha mẹ còn đương tại thế

Hoặc bảy đời có thể đặng không?

Phật rằng: Lời hỏi rất thông

Ta vừa muốn nói, con trùng hỏi theo.

Thiện nam tử, Tỳ-kheo nam nữ

Cùng Quốc-vương, Thái-tử, Ðại thần

Tam-công, Tể-tướng, Bách quan

Cùng hàng lê thứ vạn dân cõi trần

Như chí muốn đền ơn cha mẹ

Hiện tại cùng thất thế tình thâm

Ðến rằm tháng Bảy mỗi năm

Sau khi kiết hạ, chư Tăng tựu về

Chính ngày ấy Phật Ðà hoan hỷ

Phải sắm sanh bách vị cơm canh

Ðựng trong bình bát tinh anh

Chờ giờ Tự tứ, chúng Tăng cúng dường

 Ðặng cầu nguyện song đường trường thọ

Chẳng ốm đau cũng chẳng khổ chi

Cùng cầu thất thế đồng thì

Lìa nơi ngạ quỉ, sanh về nhơn, thiên

Ðặng hưởng phước nhân duyên vui đẹp

Lại xa lìa nạn khổ cực thân

Môn sanh Phật tử ân cần

Hạnh tu hiếu thuận phải cần phải chuyên

Thường cầu nguyện thung huyên an hảo

Cùng bảy đời phụ mẫu siêu sanh

Ngày rằm tháng Bảy mỗi năm

lòng hiếu thảo ân thâm phải đền.

Lễ cứu tế chí thành sắp đặt

Ngõ cúng dường chư Phật chư Tăng

Ấy là báo đáp thù ân

Sanh thành dưỡng dục song thân buổi đầu.

 Ðệ tử Phật lo âu gìn giữ

Mới phải là Thích tử Thiền môn.

Vừa nghe dứt pháp Lan Bồn

Môn sanh tứ chúng thảy đồng hỷ hoan

Mục Liên với bốn ban Phật tử

Nguyện một lòng tin thủ phụng hành.

Trước là trả nghĩa sinh thành

Sau là cứu vớt chúng-sanh muôn loài.

 

 

Bài Kệ Khen ngợi Ðức Mục-Kiền-Liên

 

Mục Liên tôn-giả,

Thay Phật tuyên hành

Gậy vàng vừa gõ

Cửa ngục băng thanh

Mọi người thoát tội

Tịnh Độ hóa sanh

Phúc tuệ mãi an lành

 

Nam-mô Đại-hiếu Mục-Kiền-Liên Bồ-tát (3 lần)

 

 

PHẬT THUYẾT KINH BÁO HIẾU PHỤ MẪU ÂN

 

Một thuở nọ, Thế Tôn an trụ

Xá Vệ thành Kỳ Thụ viên trung

Chư Tăng câu hội rất đông

Tính ra tới số hai muôn tám ngàn.

Lại cũng có các hàng Bồ-tát

Hội tại đây đủ mặt thường thường.

Bây giờ, Phật mới lên đường

Cùng hàng đại chúng Nam phương tiến hành.

Đáo bán lộ, đành rành mắt thấy

Núi xương khô bỏ đấy lâu đời

Thế Tôn bèn vội đến nơi

Lạy liền ba lạy rồi rơi giọt hồng.

Ðức A Nan tủi lòng ái ngại

Chẳng hiểu sao Phật lạy đống xương?

Vội vàng xin Phật dạy tường

Thầy là Từ Phụ ba phương, bốn loài

Ai ai cũng kính Thầy dường ấy

Cớ sao Thầy lại lạy xương khô?

Phật rằng: Trong các môn đồ,

Ngươi là đệ tử đứng đầu dày công

Bởi chưa biết đục trong cho rõ

Nên vì ngươi, ta tỏ đuôi đầu:

Ðống xương dồn dập bấy lâu

Cho nên trong đó biết bao cốt hài

Chắc cũng có ông bà cha mẹ

Hoặc thân ta hoặc kẻ ta sanh

Luân hồi sanh tử, tử sanh

Lục thân đời trước thi hài còn đây

Ta lễ bái kính người tiền bối

ngậm ngùi vì nhớ kiếp xưa

Ðống xương hỗn tạp chẳng vừa

Không phân trai gái bỏ bừa khó coi

Ngươi chịu khó xét soi cho kỹ

Phân làm hai, bên nữ bên nam

Ðể cho phân biệt cốt phàm

Không còn lộn lạo nữ nam chất chồng.

 Ðức A Nan trong lòng tha thiết

Biết làm sao phân biệt khỏi sai

Ngài bèn xin Phật chỉ bày

Vì khó chọn lựa gái trai lúc này

Còn sanh tiền dễ bề sắp đặt

Cách đứng đi ăn mặc phân minh

Chớ khi rã xác tiêu hình

Xương ai như nấy khó nhìn khó phân.

 Phật mới bảo: A Nan nên biết

Xương nữ nam phân biệt rõ ràng

Ðàn ông xương trắng nặng hoằng

Ðàn bà xương nhẹ đen thâm dễ nhìn.

Ngươi có biết cớ chi đen nhẹ?

Bởi đàn bà sanh đẻ mà ra

Sanh con ba đấu huyết ra

Tám hộc, bốn đấu sữa hòa nuôi con

Vì cớ ấy hao mòn thân thể

Xương đàn bà đen nhẹ hơn trai.

A Nan nghe vậy bi ai

Xót thương cha mẹ công dày dưỡng sanh.

Bèn cầu Phật thi ân dạy bảo

Phương pháp nào báo hiếu song thân?

Thế Tôn mới bảo lời rằng:

Vì ngươi, ta sẽ phân trần, khá nghe!

 Thân đàn bà nhiều bề cực nhọc

Sanh đặng con thập ngoạt cưu mang

Tháng đầu, thai đậu tợ sương

Mai chiều gìn giữ sợ tan bất thường.

Tháng thứ nhì dường như sữa đặc

Tháng thứ ba như cục huyết ngưng

Bốn tháng đã tượng ra hình

Năm tháng ngũ thể hiện sinh rõ ràng.

Tháng thứ sáu lục căn đều đủ

Bảy tháng thì đủ bộ cốt xương

Lại thêm đủ lỗ chân lông

Cộng chung đến số tám muôn bốn ngàn.

Tháng thứ tám hoàn toàn tạng phủ

Chín tháng thì đầy đủ vóc hình

Mười tháng thì đến kỳ sinh

Nếu con hiếu thuận xuôi mình ra luôn.

 Bằng ngỗ nghịch làm buồn thân mẫu

vẫy vùng, đạp quấu lung tung

Làm cho cha mẹ hãi hùng

Sự đau, sự khổ, khôn cùng tỏ phân

Khi sản xuất muôn phần an lạc

Cũng ví như được bạc, được vàng.

 Thế Tôn lại bảo A Nan:

Ơn cha nghĩa mẹ mười phần phải tin.

Ðiều thứ nhứt: giữ gìn thai giáo

Mười tháng trường châu đáo mọi bề.

Thứ hai: sanh đẻ gớm ghê

Chịu đau chịu khổ mỏi mê trăm phần.

Ðiều thứ ba: thâm ân nuôi dưỡng

Cực đến đâu bền vững chẳng lay.

Thứ tư: ăn đắng uống cay

Ðể dành bùi ngọt đủ đầy cho con.

Ðiều thứ năm: lại còn khi ngủ

Ướt mẹ nằm, khô ráo phần con.

Thứ sáu : bú sữa nhai cơm

Miễn con no ấm chẳng nhờm chẳng ghê.

Ðiều thứ bảy: không chê ô uế

Giặt đồ dơ của trẻ không phiền.

Thứ tám: chẳng nỡ chia riêng

Nếu con đi vắng cha phiền, mẹ lo.

Ðiều thứ chín: miễn con sung sướng

Dầu phải mang nghiệp chướng cũng cam

Tính sao có lợi thì làm

Chẳng màng tội lỗi, bị giam, bị cầm.

Ðiều thứ mười: chẳng ham trau chuốt

Dành cho con các cuộc thanh nhàn

Thương con như ngọc như vàng

Ơn cha nghĩa mẹ sánh bằng Thái Sơn.

Phật lại bảo: A Nan nên biết,

Trong chúng-sanh tuy thiệt phẩm người

Mười phần mê muội cả mười

Không tường ơn trọng đức dày song thân.

Chẳng kính mến quên ơn trái đức

Không xót thương dưỡng dục cù lao

Ấy là bất hiếu mạc giao (*Thầy đọc lộn là "báo hiếu)( 莫 mạc: đừng)

Vì những người ấy đời nào nên thân.

Mẹ sanh con cưu mang mười tháng

Cực khổ dường gánh nặng trên vai

Uống ăn chẳng đặng vì thai

Cho nên thân thể hình hài kém suy.

Khi sanh sản hiểm nguy chi xiết

Sanh đặng rồi tinh huyết dầm dề

Ví như thọc huyết trâu dê

Nhất sanh thập tử nhiều bề gian nan.

Con còn nhỏ phải lo săn sóc

Ăn đắng cay, bùi ngọt phần con

Phải tắm phải giặt rửa trôn

Biết rằng dơ dáy, mẹ không ngại gì.

Nằm phía ướt, con nằm phía ráo

Sợ cho con ướt áo, ướt chăn

Hoặc khi ghẻ chóc khắp thân

Ắt con phải chịu trăm phần thảm thương.

Trọn ba năm bú nương sữa mẹ

Thân gầy mòn nào nệ với con

Khi con vừa được lớn khôn

Cha mẹ dạy bảo cho con vỡ lòng. 

Cho đi học mở thông trí huệ

Dựng vợ chồng có thế làm ăn

Ước mong con được nên thân

Dầu cho cha mẹ cơ bần quản chi.

Con đau ốm tức thì lo chạy

Dầu tốn hao đến mấy cũng đành

Khi con căn bệnh đặng lành

Thì cha mẹ mới an thần định tâm.

Công dưỡng dục sánh bằng non biển

Cớ sao con chẳng biết ơn này

Hoặc khi lầm lỗi bị rầy

Chẳng tuân thì chớ, lại bày ngỗ ngang.

Hỗn cha mẹ, phùng mang trợn mắt

Khinh trưởng huynh, nộ nạt thê nhi

Bà con chẳng kể ra chi

Không tuân sư phụ, lễ nghi chẳng tường.

Lời dạy bảo song đường không kể

Tiếng khuyên răn anh chị chẳng màng

Trái ngang chống báng mọi đàng

Ra vào lui tới mắng càn người trên.

Vì lỗ mãng tánh quen càn bướng

Chẳng kể lời trưởng thượng dạy răn

Lớn lên theo thói hung hăng

Ðã không nhẫn nhịn, lại càng hành hung.

Bỏ bạn lành, theo cùng chúng dữ

Nết tập quen, làm sự trái ngang

Nghe lời dụ dỗ quân hoang

Bỏ cha bỏ mẹ trốn sang quê người.

Trước còn tập theo thời theo thế

Thân lập thân, tìm kế sanh nhai

Hoặc đi buôn bán kiếm lời

Hoặc vào quân lính với đời lập công.

ràng buộc đồn công mối nợ

Hoặc trở ngăn vì vợ, vì con

Quên cha, quên mẹ tình thâm

Quên xứ, quên sở, lâu năm không về.

Ấy là nói những người có chí

Chớ phần nhiều du hí mà thôi

Sau khi phá hết của rồi

Phải tìm phương kế kiếm đôi đồng xài.

Theo trộm cướp, hoặc là bài bạc

Phạm tội hình, tù rạc phải vương

Hoặc khi mang bệnh giữa đường

Không người nuôi dưỡng, bỏ thân ngoài đồng.

Hay tin dữ bà con cô bác

Cùng mẹ cha xao xác buồn rầu

Thương con than khóc âu sầu

Có khi mang bịnh đui mù vấn vương.

Hoặc bịnh nặng vì thương quá lẽ

Phải bỏ mình làm quỉ giữ hồn

Hoặc nghe con chẳng lo lường

Trà đình tửu điếm phố phường ngao du.

Cứ mải miết với đồng bất chính

Chẳng mấy khi thần tỉnh mộ khang

Làm cho cha mẹ than van

Sanh con bất hiếu phải mang tiếng đời.

 Hoặc cha mẹ đến hồi già yếu

Không ai nuôi thốn thiếu mọi điều

Ốm đau đói rách kêu rêu

Con không cấp dưỡng, bỏ liều chẳng thương.

Phận con gái còn nương cha mẹ

Thì có lòng hiếu đễ thuận hòa ( 悌 đễ: hòa thuận)

Cần lao phục dịch trong nhà

Dễ sai, dễ khiến hơn là nam nhi.

Song đến lúc, tùng phu xuất giá

Lo bên chồng chẳng sá bên mình

Trước còn lai vãng đến thăm

Lần lần nguội lạnh biệt tăm biệt nhàn.

Quên dưỡng dục song thân ân trọng

Không nhớ công mang nặng đẻ đau

Chẳng lo báo bổ cù lao

Làm cho cha mẹ buồn rầu thảm thay!

Nếu cha mẹ la rầy quở mắng

Trở sanh lòng hờn giận chẳng kiêng

Chớ chi chồng đánh liên miên

Thì cam lòng chịu chẳng phiền chẳng than.

Tội bất hiếu lưỡng ban nam nữ

Nói không cùng nghiệp dữ phải mang

Nghe Phật chỉ rõ mọi đàng

Trong hàng đại chúng lòng càng thảm thay.

Gieo xuống đất, lấy cây lấy củi

Ðập vào mình, vào mũi, vào hông

Làm cho các lỗ chân lông

Thảy đều rướm máu ướt đầm cả thân.

Ðến hôn mê tâm thần bất định

Một giây lâu mới tỉnh than rằng:

Bọn con quả thật tội nhân

Xưa nay chẳng rõ, không hơn người mù.

Nay tỏ ngộ biết bao lầm lạc

Ruột gan dường như nát như tan

Tội tình khó nỗi than van

Làm sao trả đặng muôn ngàn ân sâu.

Trước Phật tiền, ai cầu trần tố

Xin Thế Tôn mẫn cố bi lân

Làm sao báo đáp thù ân

Tỏ lòng hiếu thuận song thân của mình?

Phật bèn dùng phạm thanh sáu món

Phân tỏ cùng đại chúng lắng nghe:

Ân cha, nghĩa mẹ nặng nề

Không phương báo đáp cho vừa sức đâu.

Ví có người ân sâu dốc trả

Cõng mẹ cha tất cả hai vai

Giáp Tu Di núi chẳng sai

Ðến trăm ngàn kiếp ân kia chưa vừa.

Ví có người gặp cơn đói rét

Nuôi song thân dâng hết thân này

Xương nghiền thịt nát phân thây

Trải trăm ngàn kiếp ân đây chưa đồng.

Ví có người vì công sanh dưỡng

Tự tay mình khoét thủng song ngươi

Chịu thân mù tối như vầy

Ðến trăm ngàn kiếp ơn này thấm đâu.

Ví có người cầm dao thật bén

Mổ bụng ra rút hết tâm can

Huyết ra khắp đất chẳng than

Ðến trăm ngàn kiếp thâm ân đâu bằng.

Ví có người dùng ngàn mũi nhọn

Ðâm vào mình bất luận chỗ nào

Tuy là sự khó biết bao

Trải trăm ngàn kiếp không sao đáp đền.

Ví có người vì công dưỡng dục

Tự treo mình, cúng Phật thế đèn

Cứ treo như vậy trọn năm

Trải trăm ngàn kiếp ân thâm chưa đền.

Ví có người xương nghiền ra mỡ

Hoặc dùng dao chặt bửa thân mình

Xương tan, thịt nát chẳng phiền

Ðến trăm ngàn kiếp ơn trên chưa đồng.

 Ví có người vì công dưỡng dục

Nuốt sắt nóng thấu ruột thấu gan

Làm cho thân thể tiêu tan

Ðến trăm ngàn kiếp thâm ân chưa đền.

Nghe Phật nói thảy đều kinh khủng

Giọt lệ tràn khó nỗi cấm ngăn

Ðồng thanh bạch Phật lời rằng:

Làm sao trả đặng ân thâm song đường?

 Phật mới bảo các hàng Phật tử:

Phải lắng nghe ta chỉ sau này

Các ngươi muốn đáp ơn dày

Phải nên biên chép Kinh đây lưu truyền.

cha mẹ trì chuyên phúng tụng

Cùng ăn năn những tội lỗi xưa

Cúng dường Tam Bảo sớm trưa

Cùng là tu phước, chẳng chừa món chi.

Rằm tháng Bảy đến kỳ Tự Tứ

Thập phương Tăng đều dự lễ này

Sắm sanh lễ vật đủ đầy

Chờ giờ câu hội đặt bày cúng dâng.

Ðặng cầu nguyện song đường trường thọ

Hoặc sanh về Tịnh Ðộ an nhàn

Ấy là báo đáp thù ân

Sanh thành dưỡng dục song thân của mình.

Mình cần phải tụng Kinh lạy Phật

Pháp Tam Quy, bậc nhất giới trai

Những lời ta dạy hôm nay

Các ngươi nhớ lấy từ đây phụng hành.

Ðược như vậy mới là khỏi tội

Bằng chẳng thì ngục tối phải sa

Trong năm đại tội kể ra

Bất hiếu thứ nhứt, thật là trọng thay.

Sau khi chết, bị đày vào ngục

Ngũ Vô Gián cũng gọi A Tỳ

Ngục này trong núi Thiết Vi

Vách phên bằng sắt vây quanh bốn bề.

Trong ngục này hằng ngày lửa cháy

Ðốt tội nhân hết thảy thành than

Có lò nấu sắt cho tan

Rót vào trong miệng tội cang hành hình.

Vì bất hiếu nên mình thọ khổ

Lột thịt ra máu đổ tràn lan

Lại có chó sắt cắn gan

Phun ra khói lửa đốt đoàn tội nhân.

Ở trong ngục có giường bằng sắt

Bắt tội nhơn nằm khắp đó xong

Rồi cho một ngọn lửa hồng

Nướng quay chúng nó da phồng thịt phao.

Móc bằng sắt thương đao gươm giáo

Trên không trung đổ tháo như mưa

Gặp ai chém nấy chẳng chừa

Làm cho thân thể nát nhừ như tương.

Những hình phạt vô phương kể hết

Mỗi ngục đều có cách trị riêng

Như là xe sắt phân thây

Chim ưng mổ bụng, trâu cày lưỡi lê.

Nếu mà đặng chết liền đã đỡ

nghiệp duyên không nỡ hành thân

Ngày đêm chết sống muôn lần

Ðến trăm ngàn kiếp không ngừng một giây.

Sự hành phạt tại A Tỳ ngục

Rất nặng nề ngỗ nghịch song thân

Chúng ngươi đều phải ân cần

Thừa hành các việc phân trần khoảng trên.

Nhứt là phải Kinh nầy in chép

Truyền bá ra cho khắp Ðông Tây

Như ai chép một quyển nầy

Ví bằng đặng thấy một vì Thế Tôn.

Nếu in được ngàn muôn quyển ấy

Thì cũng bằng thấy Phật vạn thiên

Do theo nguyện lực tùy duyên

Chư Phật ủng hộ y như sở nguyền.

Cha mẹ đặng xa miền khốc lãnh

Lại hóa sanh về cõi thiên cung

Khi lời Phật giảng vừa xong

Khắp trong tứ chúng một lòng kính vâng.

Lại phát nguyện thà thân này nát

Ra bụi tro muôn kiếp chẳng nài

Dầu cho kéo lưỡi trâu cày

Đến trăm ngàn kiếp lời Thầy không quên.

Ví như bị bá thiên đao kiếm

Khắp thân này đâm chém phanh thây

Hoặc như lưỡi trói thân này

Trải trăm ngàn kiếp lời thầy chẳng sai.

Dẫu thân này bị cưa bị chặt

Phân chia ra muôn đoạn rã rời

Đến trăm ngàn kiếp như vầy

Chúng con cũng chẳng trái lời thầy khuyên.

Ðức A Nan kiền thiền đảnh lễ

Cầu Thế Tôn đặt để hiệu kinh

Ngày sau truyền bá chúng-sanh

Dễ bề phúng tụng kiên tinh tu hành

Phật mới bảo: A Nan nên biết

Quyển Kinh này quả thiệt cao xa

Ðặt tên "BÁO HIẾU MẸ CHA"

Cùng là "ÂN TRỌNG" thật là chơn kinh.

Các ngươi phải giữ gìn châu đáo

Ðặng đời sau, y giáo phụng hành.

Sau khi Phật dạy đành rành

Bốn hàng Phật tử rất mừng rất vui

Thảy một lòng vâng theo lời Phật

Và kính thành tin chắc vẹn tuyền

Ðồng nhau trở lại Phật tiền

Nhất tâm đảnh lễ, rồi liền lui ra.

 

 

BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH

 

Tâm trí tuệ thanh thanh rộng lớn

Sáng trong ngần chẳng bợn mây trần

Làu làu một tánh thiên chân

Bao trùm muôn loại chẳng phân Thánh phàm.

Vẫn tâm ấy lặng trong sáng suốt

Cõi bờ kia một bước đến nơi

Trải lòng tròn đủ xưa nay

Công thành quả chứng tỏ bày đích đang.

Hàng Bồ-tát danh Quán Tự Tại

Khi tham thiền vô ngại đến trong

Thẩm vào trí huệ mở thông

Soi thấy năm uẩn đều không có gì.

Độ tất cả không chi khổ ách

Trong thức tâm hiện cảnh sắc ra

Sắc, Không, chung ở một nhà

Không chẳng khác Sắc, Sắc nào khác Không.

Ấy Sắc tướng cũng đồng Không tướng

Không tướng y như tượng Sắc kia

Thụ, Tưởng, Hành, Thức phân chia

Cũng lại như vậy, cũng về chân không.

Tòa sắc tướng nhơn ông tạm đó

Các pháp kia tướng nọ luống trơn

Chẳng sanh chẳng dứt thường chơn

Chẳng cấu, chẳng tịnh, chẳng sờn, chẳng thêm.

Cớ ấy nên cõi trên không giới

Thể làu làu vô ngại thường chân

Vốn không ngũ uẩn ấm thân

Sáu căn chẳng có, sáu trần cũng không.

Thấy rỗng không mà không nhãn giới

Biết hoàn toàn thức giới cũng không

Tánh không sáng suốt đại đồng

Vô minh chẳng có mựa hòng hết chi.

Vẫn không có thân gì già chết

Huống chi là hết chết già sao

Tứ đế cũng chẳng có nào

Không chi là trí, có nào đắc chi.

Do vô sở đắc ly tất cả

Nhơn pháp kia đều xả nhị không

Vận lòng trí huệ linh thông

Bờ kia mau đến tâm không ngại gì.

Không quái ngại có chi khủng bố

Tức xa lìa mộng tưởng đảo điên

Tâm không rốt ráo chu viên

Niết bàn quả chứng chơn nguyên hoàn toàn.

Tam thế Phật, y đàng Bát Nhã

Đáo Bồ Đề chứng quả chánh chơn

Cho hay Bát nhã là hơn

Pháp môn tối thắng cõi chơn mau về.

Thiệt thần chú linh tri đại lực

Thiệt thần chú đúng bực quang minh

Ấy chú tối thượng oai linh

Ấy chú vô đẳng thinh thinh oai thần.

Trừ tất cả nguyên nhân các khổ

Thức tỉnh lòng giác ngộ vô sư

Thiên nhiên chơn thiệt bất hư

Án lam Thần chú Chơn Như thuyết rằng:

Yết-đế, Yết-đế, Ba La Yết-đế, Ba La Tăng Yết-đế, Bồ-Đề Tát Bà Ha (3 lần)

 

 

VÃNG SANH THẦN CHÚ

 

Nam-mô a di đa bà dạ, Ða tha dà đa dạ, Ða địa dạ tha.

A di rị đô bà tỳ, A di rị đa tất đam bà tỳ,

A di rị đa tì ca lan đế, A di rị đa tì ca lan đa,

Dà di nị dà dà na, Chỉ đa ca lệ ta-bà ha. (đọc 3 lần)

 

 

TÁN PHẬT

 

Chúng Thích tử kiền thiền xưng tán

Đức Di Đà vô hạn lợi sanh

Bốn mươi tám nguyện viên thành

Hiện ra tướng tốt sắc thân tuyệt vời.

Kim sắc tướng muôn ngàn công đức

Khắp mười phương chẳng bậc sánh bằng

Bạch hào hiển hiện phóng quang

Sáu vầng chiếu sáng Di San năm tòa.

Cảnh thanh nhãn thấy xa vô ngại

Sáng trong ngần tứ đại hải dương

Hào quang hóa Phật không lường

Hóa chúng Bồ-tát số nương hằng hà.

Độ chúng-sanh Liên hoa chín phẩm

Nước Lạc bang là cảnh Tây-phương

Chí thành tâm niệm chiếu chương

Hiện tiền tăng chúng dẫn đường vãng sanh.

 

Nam-mô Tây-phương Cực-Lạc Thế-giới Đại-từ Đại-bi Tiếp-Dẫn Đạo-sư A-Di-Đà Phật

 

Nam-mô A-Di-Ðà Phật (3 lần)

Nam-mô Ðại-bi Quán-Thế-Âm Bồ-tát (3 lần)

Nam-mô Đại-Thế-Chí Bồ-tát (3 lần)

Nam-mô Địa-Tạng-Vương Bồ-tát (3 lần)

Nam-mô Đại-hiếu Mục-Kiền-Liên Bồ-tát (3 lần)

Nam-mô Thanh-tịnh Đại-Hải-Chúng Bồ-tát (3 lần)

 

 

SÁM TỤNG VU LAN (Rằm tháng bảy)

 

Ðệ tử chúng con,

Vâng lời Phật dạy,

Ngày rằm tháng Bảy,

Gặp hội Vu Lan,

Phạm vũ huy hoàng,

Ðốt hương đảnh lễ.

Mười phương Tam thế,

Phật, Pháp, Thánh hiền,

Noi gương đức Mục-Kiền-Liên,

Nguyện làm con thảo.

Lòng càng áo não,

Nhớ nghĩa thân sanh.

Con đến trưởng thành,

Mẹ dày đau khổ.

Ba năm nhũ bộ,

Chín tháng cưu mang.

Không ngớt lo toan,

Quên ăn bỏ ngủ,

Ấm no đầy đủ,

Cậy có công cha,

Chẳng quản yếu già,

Sanh nhai lam lũ.

Quyết cùng hoàn vũ,

Phấn đấu nuôi con,

Giáo dục vuông tròn,

Ðem đường học đạo.

Ðệ tử ơn sâu chưa báo,

Hổ phận kém hèn,

Giờ này quỳ trước đài sen,

Chí thành cung kính,

Ðạo tràng thanh tịnh,

Tăng bảo trang nghiêm.

Hoặc thừa Tự tứ,

Hoặc hiện tham thiền,

Ðầy đủ thiện duyên,

Rủ lòng lân mẫn,

Hộ niệm cho:

Bảy kiếp cha mẹ chúng con,

Ðượm nhuần mưa pháp.

Còn tại thế:

Thân tâm yên ổn,

Phát nguyện tu trì.

Ðã qua đời:

Ác đạo xa lìa,

Chóng thành Phật quả.

Ngửa trông các đức Như-Lai,

Khắp cõi hư không,

Từ bi gia hộ.

 

 

HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC

 

Phúng Kinh công đức thù thắng hạnh.
Vô biên thắng phước giai hồi hướng
Phổ nguyện pháp giới chư chúng-sanh.
Tốc vãng Vô Lượng Quang Phật sát.
Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não.
Nguyện đắc trí huệ chơn minh liễu
Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ.
Thế thế thường hành Bồ-tát đạo.
Nguyện sanh Tây-phương Tịnh độ trung.
Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu
Hoa khai kiến Phật ngộ Vô sanh.
Bất thối Bồ-tát vi bạn lữ.
Nguyện dĩ thử công đức.
Phổ cập ư nhất thiết
Ngã đẳng dữ chúng-sanh.
Giai cộng thành Phật đạo.

 

 

TAM TỰ QUY Y

 

Tự quy y Phật , đương nguyện chúng-sanh, thể giải đại đạo, phát vô thượng tâm. (1 lạy)

Tự quy y Pháp , đương nguyện chúng-sanh, thâm nhập Kinh tạng, trí huệ như hải. (1 lạy)

Tự quy y Tăng , đương nguyện chúng-sanh, thống lý đại chúng, nhứt thiết vô ngại. (1 lạy)

 

 

HỒI HƯỚNG

 

Nguyện đem công đức này,

Hướng về khắp tất cả,

Đệ tử và chúng-sanh,

Đều trọn thành Phật đạo. (1 lạy)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 19817)
Chân lý tự chứng (bản thân của Thực Tại) thì không phải một, không phải hai (bất nhị). Do năng lực tự chứng này mà (Thực Tại) là khả năng làm ích lợi bình đẳng cho tất cả kẻ khác...
(Xem: 28931)
Thiên Như lão nhơn đang tĩnh tọa nơi thất Ngọa Vân, bổng có người đẩy cửa bước vào, tự xưng là Thiền khách. Lão nhơn im lặng gật đầu chào, đưa tay ra ý mời ngồi...
(Xem: 20650)
Chính tínniềm tin chân chính, chính xác, là sự tin hiểu chính thống, là sự tin tưởnghành trì ngay thẳng, là sự tin tưởng và nương tựa đúng đắn.
(Xem: 19394)
Để phát Tâm Bồ đề (The spirit of enlightenment; bodhicitta-sanskrit), bạn trước nhất phải phát triển tâm bình đẳng ( equanimity: tâm bình đẳng, tâm xả) đối với tất cả hữu - tình...
(Xem: 30451)
Ở đây giáo sư tiến sĩ Alexander Berzin từng nghiên cứutu tập với những đạo sư Tây Tạng gần ba mươi năm tại Dharamsala, Ấn Độ, sẽ giảng giải việc thực hành bảy điều quán nguyện trong đời sống tu tập thực tiễn hằng ngày.
(Xem: 36386)
Hòa Thượng Tịnh Không, chủ giảng những bài pháp thoại của tập sách này, hiện nay là một danh tăng của Phật giáo thế giới, người có công làm phát triển Phật giáo phương Tây...
(Xem: 33174)
Ngài Sàntideva (Tịch Thiên, 691-743) viết luận này tại Học Viện Nalanda, Ấn Độ vào thế kỷ 8. Ngài diễn giảng đường tu hạnh Bồ Tát, hạnh Lục độ và tu mười đại hạnh của Phổ Hiền Bồ Tát.
(Xem: 35498)
Nói một cách tổng quát, nội dung bộ Nhập Bồ Tát Hạnh muốn chỉ rõ thứ lớp tu tập pháp môn Ðại thừa: Thế nào phát khởi Bồ Ðề tâm và tu tập Bồ Tát hạnh.
(Xem: 20939)
Từ xưa, Ấn Độ là một nước tôn giáo, triết họcthi ca, cho nên trào lưu tư tưởng phát sinh và nảy nởẤn Độ rất nhiều và dưới những hình thức khác nhau, nhưng tư trào rộng lớn hơn cả là tư trào Phật Giáo.
(Xem: 21899)
Phật giáo cũng như cái cây có ba phần: phần gốc, phần thân cây và phần ngọn bao gồm nhiều cành lá. Phần gốc là căn bản Phật giáo, phần thân cây là Tiểu Thừa Phật Giáo.
(Xem: 25232)
Các Phật tử, Bồ Tát ban sơ phát Bồ Đề tâm, ví như biển lớn lúc ban đầu từ từ sinh khởi, phải hiểu đó là chỗ chứa cho các châu báu như ý giá trị từ hạ trung thượng cho đến vô giá...
(Xem: 25761)
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM LUẬN, là một trong số rất nhiều tác phẩm của Bồ Tát THẾ THÂN thuyết minh, được các Thánh giả kết tập thành Tạng Luận trong Tam tạng Thánh giáo.
(Xem: 31227)
Đức Phật gọi là bực người tự nhiên, đem Nhất-Thiết-Chủng-Trí biết tất cả tự-tướng của các pháp sai khác; lìa tất cả điều chẳng lành; nhóm tất cả đìều lành; thường cầu lợi-ích cho tất cả chúng sinh, nên gọi là Phật.
(Xem: 18547)
Ðức Phật không chỉ nhận thức được sự thực tối cao, Ngài còn biểu lộ kiến thức cao cả của Ngài, kiến thức cao hơn tất cả kiến thức của các "Thần linh và Người".
(Xem: 25111)
Trí Khải (538-597), một trong những triết gia vĩ đại của Phật giáo Trung Hoa, đã đưa ra một cái nhìn quảng bác phi thường đối với pháp Phật với thiên tài của một môn đồ thành tín trên đường Đạo.
(Xem: 23745)
Luận này chuyên thuyết minh hạnh bố thí. Bố thí nghĩa là sự hy sinh triệt để; hy sinh được triệt để mới là bực đại trượng phu, nên luận này mệnh danh là ĐẠI TRƯỢNG PHU LUẬN...
(Xem: 28893)
"Học Phật Quần Nghi" là quyển sách giải thích những vấn đề nghi vấn của những người học Phật và tu Phật, chủ yếu là của Phật tử tại gia.
(Xem: 20834)
Hãy nôn ra lòng sân hận độc hại khỏi cõi lòng bạn. Sự sân hận đầu độc và bóp nghẹt tất những gì thiện mỹ nơi bạn. Tại sao bạn phải hành động chỉ vì con quái vật độc hại dấu mặt này?
(Xem: 31424)
Đức Phật ra đời và thuyết pháp “vì hạnh phúcan lạc cho số đông”. Những lời dạy của Ngài cho con người chỉ nhắm vào hai mục tiêu chính: khổ và diệt khổ.
(Xem: 25519)
Phương pháp tu tập thì nhiều, nhưng cốt yếu không ra ngoài Chỉ quán. Có Chỉ mới uốn dẹp được mê lầm, phiền não, có Quán mới nhận rõ pháp tánh chân như.
(Xem: 29684)
Bài pháp này căn cứ vào bản kinh Satta Sutta trong Saṃyutta Nikāya. Nhân dịp Tỳ Khưu Rādha hỏi Đức Phật về nghĩa chữ Satta (chúng sanh).
(Xem: 22484)
Trên thế giới đã có nhiều tôn giáo, tại sao lại còn cần thiết cho chúng ta có một đạo khác nữa gọi là Đạo Phật? Phải chăng có cái gì thật đặc sắc...
(Xem: 25691)
Ðạo Phật không phải chỉ là một siêu hình học, dù đạo Phật có đề cập đến những thắc mắc siêu hình. Siêu hình chỉ là một phương diện của đạo Phật...
(Xem: 23246)
Theo ý kiến thông thường được chấp nhận thì trong các kinh Phật, kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma - pundarika - sùtra), thường được gọi là kinh Liên Hoa (1) là kinh tuyệt diệu nhất.
(Xem: 25725)
Học Phật là tìm biết vai trò của đạo Phật trong suốt lịch sử của sự sống nhân loại, những đóng góp của đạo Phật trong văn hóa nhân loại, những luồng sinh khíđạo Phật đã thổi vào...
(Xem: 23710)
Toàn bộ giáo lý đức Phật đều nhằm mục đích ''chuyển mê khai ngộ'' cho chúng sanh. Vì mê ngộ là gốc của khổ vui. Mê thì khổ, ngộ thì vui.
(Xem: 40581)
Tiểu thừa – cỗ xe nhỏ, và Ðại Thừa – cỗ xe lớn tuy xuất phát từ hai nhánh của Tiểu thừa là Ðại chúng bộ và Nhất thiết hữu bộ, có một số đặc tính khác nhau.
(Xem: 23329)
Chúng ta vui mừng và tự hào rằng, Phật giáo Việt Nam là một bộ phận quan trọng của di sản đạo đứcvăn hóa quý báu của dân tộc.
(Xem: 22417)
Tập cẩm nang này đúc kết tinh hoa những lời dạy của vị Thánh-tăng cận đại - Hòa-Thượng Quảng-Khâm (1892-1986). Là người đã giác ngộ, mỗi lời dạy của Ngài trực tiếp phá vỡ vô minh...
(Xem: 22060)
Hành giả Bồ Tát phải tích cực hành Bồ Tát hạnh, nghĩa là mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi ý niệm đều hướng về chúng sinh, vì lợi ích chúng sinh.
(Xem: 23491)
Khi chúng ta hiện diện ở đây, chúng ta phải thiết lập một động cơ đặc biệt: tâm giác ngộ (tâm bồ đề) nhằm hướng đến giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
(Xem: 16944)
Con người khác với loài động vật ở chổ biết đặt vấn đề về giá trị của đời sống; sống như thế nào thì gọi là thiện là tốt hoặc ngược lại là ác là xấu?
(Xem: 23266)
“Nếu Phật tử cố ăn thịt. Tất cả thịt của mọi loài chúng sanh đều không được ăn. Luận về người ăn thịt thì mất lòng đại từ bi, dứt giống Phật tánh...
(Xem: 24285)
Đề kinh Kim cang gồm hai phần. Tên tiếng Phạn là Vajrachedikā Prajñāpāramitā, trong đó phần đầu là tính từ phẩm định cho từ theo sau.
(Xem: 41057)
Kinh Phạm Võngkinh đầu tiên trong Trường bộ kinh và qua toàn văn chúng ta cũng đủ hiểu giá trị của kinh này như thế nào.
(Xem: 18958)
Muni có nghĩa là một bậc tiên nhân, một bậc thánh nhân, một bậc hiền giả sống một mình trong rừng. Trong kinh Vệ Đà chữ muni tương đương với chữ rishi.
(Xem: 20456)
Bồ-tát (菩薩), nói cho đủ là Bồ-đề-tát-đỏa (菩提薩鬌), phiên âm tiếng Phạn là Bodhisattva. Bồ đề dịch là Giác ngộ; tát-đỏa dịch là chúng sanh.
(Xem: 27706)
Ðức Phật là một nhà cách mạng, ngài đã không thỏa mãn với những giáo điều cổ truyền bà la môn nên đã tự mình tìm ra một Ðạo lý mới.
(Xem: 38078)
Trúc Lâm Yên Tử là một phái Thiền mà người mở đường cho nó, Trần Thái Tông vừa là người khai sáng ra triều đại nhà Trần, một triều đại thịnh trị đặc biệt về mọi mặt...
(Xem: 34041)
Tiểu Bộ Kinh - Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
(Xem: 36762)
Thiện namthiện nữ, nay các người lãnh thọ giới pháp rồi thì phải tôn kính mà vâng giữ, không được vi phạm giới pháp cần phải phụng trì.
(Xem: 23971)
Quy mạng Lô Xá Na, Mười phương Kim Cương Phật. Ðảnh lễ đức Di Lạc, Sẽ hạ sanh thành Phật. Nay tụng ba tựu giới, Bồ Tát đều cùng nghe.
(Xem: 29158)
Tôi nghe như vầy: Một thời Thế-tôn, châu du giáo hóa các nước đến thành Quảng-nghiêm, ở nghỉ dưới cây Nhạc-âm, cùng với tám ngàn vị đại tỳ-kheo...
(Xem: 60104)
Bồ TátVô Tận Ý Khi bấy giờ chăm chỉ đứng lên Bèn trịch vai hữu một bên Chắp tay cung kính hướng lên Phật đài
(Xem: 27574)
Nguyện đem lòng thành kính Gởi theo đám mây hương Phưởng phất khắp mười phương Cúng dường ngôi Tam Bảo
(Xem: 68678)
Chúng sanh đây có bấy nhiêu Lắng tai nghe lấy những điều dạy răn Các ngươi trước lòng trần tục lắm Nên kiếp nầy chìm đắm sông mê
(Xem: 24448)
Quyển Kinh Viên Giác tôi giảng khá lâu rồi, nay được Tăng Ni chép lại trình lên tôi duyệt qua. Ðọc lại quyển Kinh Viên Giác, tôi thấy đây là con mắt của người tu Thiền.
(Xem: 22657)
Kinh PHÁP BẢO ĐÀN là một tài liệu thiết yếu cho những người tu theo Thiền tông, bởi vì cốt tủy Thiền tông đều nằm gọn trong những lời dạy đơn giản bình dị của Lục Tổ.
(Xem: 26326)
Lăng-già (Lanka) là tên núi, núi này do sản xuất châu Lăng-già nên lấy tên châu mà gọi tên núi. Núi nằm tại biển Nam là chỗ ở của Dạ-xoa.
(Xem: 26499)
Kinh Kim Cang cũng có người đọc là Kim Cương. Kinh này do đức Phật nói, nguyên văn bằng chữ Phạn, sau truyền sang Trung Quốc được dịch ra chữ Hán.
(Xem: 20780)
Lư hương xạ nhiệt, Pháp-giới mông huân. Chư Phật hải hội tất diêu văn, Tùy xứ kiết tường vân
(Xem: 20029)
Nguyện đem lòng thành kính Gởi theo đám mây hương Phảng phất khắp mười phương Cúng dường ngôi Tam Bảo
(Xem: 27528)
Làm người Phật tử ở đời Đêm ngày tụng niệm những lời dạy khuyên Tám điều giác ngộ kinh truyền Ghi lòng tạc dạ tinh chuyên tu hành
(Xem: 46360)
Đấng Pháp vương vô thượng Ba cõi chẳng ai bằng, Thầy dạy khắp trời người Cha lành chung bốn loài.
(Xem: 53537)
Kinh Pháp Hoabộ kinh Đại thừa được nhiều dịch giả phiên dịch, được nhiều học giả nghiên cứu chú giải, lại được lưu truyền sâu trong giới trí thức...
(Xem: 23580)
Con người bình thường không thể nào so sánh được với bậc Bồ Tát; chỉ có những kẻ phi thường xuất chúng mới tiến lên gần gũi đôi chút với trí huệ Bồ Tát.
(Xem: 21063)
Giá trị của tập sách này là diễn đạt được tiến trình lịch sử tư tưởng Phật giáo qua ba giai đoạn: Phật giáo nguyên thủy, Phật giáo các bộ phái, và Phật giáo Ðại thừa.
(Xem: 25537)
Phụng dịch theo bản đời Đường của Ngài Thiệt Xoa Nan Đà. Tham khảo các bản dịch đời Ngụy, Tống và bản dịch Anh Ngữ của Suzuki. - Dịch Giả: Thích Nữ Trí Hải
(Xem: 29209)
VIMALAKĪRTINIRDEŚA - SŪTRA - Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết - Đường Huyền Trang dịch - bản dịch Việt: Tuệ Sỹ
(Xem: 188746)
Nguyện đem lòng thành kính Gởi theo đám mây hương Phưởng phất khắp mười phương Cúng dường ngôi tam-bảo
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant