Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Học Thuyết “thường, Lạc, Ngã, Tịnh”

Friday, June 9, 202318:10(View: 698)
Học Thuyết “thường, Lạc, Ngã, Tịnh”

Học Thuyết “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”

Thích Nữ Hằng Như

cõi hương



 I. DẪN NHẬP

Đến với đạo Phật, người Phật tử thường được dạy các pháp nền tảng như: Quán, Chỉ, Định, Huệ. Quán là nhìn các pháp bằng con mắt tâm. Quán lâu dài, hành giả sẽ nhận ra mọi thứ trên đời đều thay đổi theo không gian, thời gian. Riêng con người chẳng những thay đổi hình tướng bên ngoài, mà cái tâm cũng thay đổi từng giây từng phút. Lúc nghĩ thiện, khi nghĩ ác, lúc vui vẻ, khi phiền muộn… Đã thế tâm còn chất chứa đầy vẫy những tham, sân, si, là những thứ ô nhiễm khiến con người ta thường ở trong trạng thái dao động tạo nghiệp, nên cái tâm đó bị xem là tâm bất tịnh, gọi là Vọng tâm.  Thực ra, tâm thì chỉ có một. Khi nó dao động thì gọi là Vọng tâm, là tâm của kẻ phàm phu. Khi nó yên lặng, trong sáng, thanh tịnh thì gọi là Chân tâm, là tâm của bậc Thánh.

Do sự thực tập phép Quán, thấu hiểu được đặc tánh của hiện tượng thế gian “Vô thường, Khổ, Vô ngã”, từ đó có khả năng thoát khỏi khổ đau, nhờ sự chuyển hóa của tâm thức về các sự kiện tác động lên tâm thể của người đó. Khổ hay hạnh phúc khởi sinh rồi sẽ biến đi không ở mãi với mình. Khi pháp đến, mình chỉ cần tỉnh thức nhìn pháp đến, pháp trụ, rồi pháp đi… Pháp là pháp, pháp không phải là mình, mình không vướng mắc với pháp, thì tâm mình sẽ được bình ổn.

Tuy  hiện tượng thế gianVô thường, Khổ, Vô ngã” có tác dụng chuyển, hóa tích cực cho những ai hành trì nó, nhưng trên thực tế, vô minh phiền não vẫn chưa hoàn toàn diệt tận, bởi lậu hoặc, tập khí, kiết sử, tùy miên chỉ bị cô lập chứ chưa thực sự biến mất, do đó sự thoát khổ, giác ngộ của hành giả chưa được rốt ráo. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật cho rằng con đường đạo chưa thể dừng lại ở mức này, mà phải tiến xa hơn với pháp “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh” tức tu tập hướng tới Niết-Bàn. (*) Vậy thế nào là “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”?

 

II. “THƯỜNG, LẠC, NGÃ, TỊNH”

LÀ BỐN ĐỨC TÍNH CỦA NIẾT BÀN

            Niết-bàn phiên âm từ tiếng Phạn là Nirvãna (Sanskrit), Nibbãna  (Pali), dịch theo Hán Việt là “diệt độ”, “diệt tận”,  “tịch diệt”, “bất sinh” hay “giải thoát”. Do vậy,  Niết-bàn không phải là một thực thể, một nơi chốn tận cùng an lạc nào đó, không phải đợi đến khi chết đi mới nhập vào Niết-bàn, mà Niết-bàn tồn tại trong thâm tâm của mỗi con người.  Theo quan niệm của Phật giáo thì Niết-bàn là trạng thái tâm thanh tịnh tuyệt đối, nghĩa là tâm dập tắt hoàn toàn ngọn lửa tham, sân, si. Người đạt được trạng thái Niết-bàn là người có thái độ sống an nhiên tự tạithường, lạc, ngã, tịnh” ngay trong vòng xoáy “Vô thường, bất toại nguyệnvô ngã” nơi thế gian này! “Thường, lạc, ngã, tịnh” được xem là bốn đức tánh thù thắng của Niết-bàn. Ý nghĩa của bốn trạng thái này qua lời Phật dạy như sau:

 

1)  ĐỨC THỨ NHẤT CỦA NIẾT-BÀN LÀ “THƯỜNG”: Sự giác ngộ đạt đến cảnh giới Niết-bàn là sự giác ngộ vĩnh viễn không biến đổi nên gọi là Thường.   Niết-bàn hay Phật tánh hiện hữu tồn tại vĩnh cửu không biến hoại, không thay đổi trong bất cứ thời gian hay không gian nào. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm “Thánh Hạnh”, Đức Phật giảng về tánh THƯỜNG của Niết-bàn hay Phật tánh như sau:

“… Thiện nam tử! Phật tánh không sanh không diệt, không đến không đi, chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại, chẳng phải do nhân làm ra, cũng chẳng phải không nhân không tạo tác, không người tạo tác, chẳng phải tướng, chẳng phải không có tướng, chẳng phải có tên, chẳng phải không tên, chẳng phải danh sắc, chẳng dài chẳng ngắn, chẳng phải bị nắm giữ trong ấm, giới, nhập. Vì thế Phật tánh gọi là THƯỜNG . Thiện nam tử! Phật tánhNhư Lai. Như Lai là pháp, pháp tức THƯỜNG”. (**) (hết trích)

           

            2) ĐỨC THỨ HAI CỦA NIẾT-BÀN LÀ “AN LẠC”: An có nghĩa là tâm tư bình thản an ổn không bị khuấy động bởi những dục vọng, những lo âu, những tính toán hơn thua được mất, hay những nhớ nghĩ tiếc nuối về quá khứ hoặc suy tính  tưởng tượng những ảo vọng tương lai.  Lạc là khả năng vui sống hạnh phúc, vĩnh viễn xa lìa nỗi khổ niềm đau. Người tu đạt tới cảnh giới Niết-bàn thì có hạnh phúc, có an lạc nhưng  hạnh phúc, an lạc của Niết-bàn vượt ra ngoài thế gian, không phải là thứ hạnh phúc chìm đắm trong ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thủy của trần thế!

An Lạc của Niết-bàn là hiện tại tuy sáu căn của cơ thể là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với bất cứ loại pháp trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nào… cũng bình thản tiếp nhận niềm vui bằng trí tuệ giác ngộ, biết chúng là “vô thường, bất toàn, vô ngã” nhưng vẫn duy trì được sự an tịnhtự do, vẫn luôn an trú trong thế giới tịnh lạc xuất trần, không bị ràng buộc dính mắc thương yêu ghét bỏ hay sợ hãi như người đang sống trong cõi trần tục, đang hưởng hạnh phúc mà lo sợ cái hạnh phúc đang hưởng lúc nào đó sẽ biến mất!

 

            3) ĐỨC THỨ BA CỦA NIẾT-BÀN LÀ “NGÔ: Ngã đây không phải là chấp Ngã (chấp ngũ uẩn là ta, của ta, tự ngã của ta). Ngã này là ngã tuyệt đối thanh tịnh, là sự tự do, tự tại, không bị nô lệ vào quá khứ, hiện tại hay tương lai. Không nô lệ tức là được tự do, tự do không bị ràng buộc điều gì thì được giải thoát điều đó! Ngã này mới thật là Ngã chủ thể, Ngã thường hằng, Ngã không sinh không diệt, Ngã có chủ quyền, vì Ngã không bị bất cứ sự trói buộc nào của lậu hoặc, kiết sử, tùy miên, tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến.

Từ trước đến nay, học Phật, chúng ta biết toàn bộ giáo pháp của Ngài giảng dạy về sự thật Vô ngã, nhằm mục đích diệt trừ những khái niệm về Ngã ích kỷ, chấp trước đưa tới khổ đau cho con người!

Trong kinh “Đại Bát Niết Bàn”, phẩm “Như Lai Tánh”, khi tôn giả Ca-Diếp nêu thắc mắc về “Ngã”, đức Phật giải thích rằng “Ngã Niết-bàn” là “Phật tánh”, ai cũng có. Nhưng  vì bị vô minh, phiền não che lấp nên chúng sanh không nhận ra được. Đoạn văn đó như sau:

Này thiện nam tử! Ngã tức là nghĩa Như-Lai Tạng. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh tức là nghĩa của Ngã. Nghĩa của Ngã như vậy từ nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sanh chẳng nhận thấy được.” (***) (hết trích).

Cũng trong phẩm “Như Lai tánh”, đức Phật thuyết rằng Phật tánh là Ngã. Tánh Ngã này không sanh không diệt, không hư hoại, luôn có mặt, nhưng người thường không thể thấy được, chỉ những bậc đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mới nhận ra:

“Phật tánh là hùng mãnh, không thể hư hoại, cho nên không có gì có thể phá hoại được. Phật tánh chẳng bao giờ có thể đoạn dứt. Tánh Ngã ấy chính là tạng Như Lai bí mật, không gì có thể làm cho hư hoại tiêu diệt. Dầu không thể phá hoại, nhưng người thường không thể thấy được. Nếu đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mới chứng biết được nó. Vì lẽ ấy, không ai có thể phá hoại được Phật tánh (***) (hết trích)

Kinh cũng cho biết, đức Phật vì muốn giúp cho người đời thoát khỏi quan niệm chấp ngã hư vọng, nên Ngài dạy pháp tu Vô ngã để tâm người đó được thanh tịnh:

“…. Vì độ chúng sanh nên dạy pháp tu Vô ngã. Nhờ tu pháp đó dứt hẳn tâm chấp Ngã, được nhập Niết-bàn. Vì trừ những vọng kiến trong đời nên thị hiện pháp xuất thế gian. Lại chỉ rõ quan niệm chấp ngã của người đời là hư vọng chẳng phải chơn thật, nên dạy pháp tu Vô ngã để được thanh tịnh” (***) (hết trích)

           

4) ĐỨC THỨ TƯ CỦA NIẾT BÀN LÀ “TỊNH”: Tịnh nghĩa là trong sạch thuần khiết, không bị ô nhiễm, không còn bị lầm lỗi, dù chỉ là một lỗi nhỏ như hạt bụi. Đó là trạng thái vắng lặng, thanh bình nội tâm, với một cảm giác hoàn toàn tự do tự tại. Phật tử chúng ta thường được khuyến khích tu tập giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh. Thân, khẩu, ý là cửa ngỏ gây nên ác nghiệp và cũng là cửa ngỏ tạo nghiệp lành. Khi cả ba thân, khẩu, ý lúc nào cũng được thanh tịnh thì hành giả luôn cảm nhận được sự an lành, hạnh phúc.

Tóm lạithường, lạc, ngã, tịnh” là bốn đức của Niết-bàn. Thường là thường hằng, không thay đổi, không sinh diệt. Lạc là không yêu ghét, không bận lòng trong bất cứ tình huống nào, luôn thảnh thơi với niềm vui thoát tục. Ngã là tự do, tự tại, luôn bình thản không bị trói buộc bởi bất kỳ pháp nào, dù là hữu vi hay vô vi. Tịnh là trong sạch, sáng suốt, thanh tịnh hóa toàn bộ vô minh dục vọng, dù hành giả đang sống giữa đời thế tục. Bốn đức tính này tương quan liên hệ với nhau. Trong thường có lạc, có ngã, có tịnh. Trong ngã có thường, có lạc, có tịnh. Trong tịnh có thường, có lạc, có ngã tự do tự tại. Trong lạc cũng ẩn chứa ba đặc tính kia!

 

III. GÚT LẠI

            Theo Phật Giáo Đại Thừa : “Thường, lạc, ngã, tịnh” là bốn thuộc tính của Niết-bàn không thay đổi, không sinh diệt, là trạng thái thanh tịnh nhất, cao quý nhất,  là mục tiêu của người tu đạo Phật. Muốn chứng ngộ cảnh giới này, hành giả không thể không tu tập thiền.  Vậy thiền là gì? 

Thiền, tiếng Pali là “bhavana”. Danh từ này có nghĩa là “phương pháp, tu dưỡng, trau dồi phát triển…”.  Đạo Phật có hai phương thức chính trong việc thực hành thiền. Đó là thiền Chỉ (Samatha bhavana) và thiền Quán (Anupassana bhavana). Thiền Chỉ là cách luyện tập giúp tâm dừng lại (không suy nghĩ, không nói thầm trong não). Nhờ vậy tâm được yên lặng thanh thản, nhưng trạng thái tâm yên lặng thanh thản này không được vững chắc, nên thiền Chỉbước đầu, là nền tảng đưa đến thiền Định (Samadhi bhavana). Hành giả thành tựu các bậc thiền Định (Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiềnTứ thiền) sẽ lần lượt đạt được trạng thái tĩnh lặng, thanh thản, hạnh phúc từ sơ cơ đến sâu sắc ngay trong hiện tại, nhất là khi đã hoàn toàn loại ra khỏi tâm trí những tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến; nhằm nuôi dưỡng phát triển tâm từ, bi, hỷ, xả v.v…

Thiền Quán (Anupassana bhavana): Nhìn liên tục bằng tuệ tri nhận ra bản thể của vạn pháp là “Vô thường, Khổ (xung đột, bất toại nguyện), Vô ngã (không thực chất tính), gọi là Tam pháp ấn. Kết quả: Cô lập lậu hoặc, tập khí, kiết sử, tùy miên. Từ thiền Quán tiến thêm một bước nữa là thiền Huệ hay Tuệ.

Thiền Huệ hay thiền Tuệ: Là cách thực hành hướng đến (như lý tác ý) sự phát triển của trí tuệthông suốt về tâm linh. Tuệ có hai mức độ:

Một là Vipassana bhavana, ngày nay người ta gọi là Tuệ Minh Sát. Tuệ Minh Sát là pháp tu tập quan sát, thấy, biết “cái đang là” của pháp xuất hiện ngay trong hiện tại, dần nhận ra sự luân hồi sanh diệt của mọi hiện tượng thế gian. Từ đó không còn chấp ngã, chấp pháp nữa.

Mức cao hơn là tuệ tự phát, tức tuệ tâm linh, còn gọi là (tuệ) Bát Nhã,  tiếng Pali là Panna, tiếng Sanskrit là Prajna. Hành giả phải tọa thiền vào định sâu, mới bật ra trí huệ tâm linh từ sơ cơ đến vô lượng như: Trực giác, siêu trực giác, sáng kiến mới lạ, biện tài vô ngại, tứ vô lượng tâm v.v…

Thiền Chỉ (nền tảng của Định), thiền Quán (nền tảng của Tuệ), là hai phương pháp thực hành khác nhau, tuy có chức năng riêng biệt, nhưng cả hai liên hệ hỗ trợ cho nhau trong suốt quá trình tu dưỡng tâm linh phát huy trí tuệ của thiền giả.

Nhìn chung, công dụng của thiền Định giúp tâm giải thoát (tâm thanh tịnh, trong sáng). Còn thiền Quán giúp tuệ giải thoát (tức giải thoát những cái biết mê lầm trói buộc, trả lại cái biết như thật, như vậy). Khi tâm và tuệ hoàn toàn giải thoát thì hành giả đạt được cảnh giớithường, lạc, ngã, tịnh”.

Trong một bài viết hướng dẫn thiền sinh tu tập để đạt được trạng thái tâm yên lặng, cố Thiền sư Thông Triệt giảng về “thường, lạc, ngã, tịnh” như sau:: “Thường là thường hằng trong không dục vọng. Lạc là không còn chạy khắp Tây, Đông, tìm vui sướng xác thân nhục dục. Ngã là luôn luôn bình thản trong bốn oai nghi, sống thanh thản trong không si mê ái dục. Tịnh là tịnh hóa toàn bộ dục vọng…” (****)

Tóm lại, đạt được bốn đức tính “thường, lạc, ngã, tịnh”,  các vị Bồ-tát với lòng đại từ đại bi, với tâm nguyện tự giác, giác tha.  Các Ngài ấy ứng thân một cách vô ngại không ngăn mé vào đời sống ô nhiễm khổ đau của nhân thế, thực hành Bồ-tát đạo hóa độ chúng sanh. Công tác tự nguyện này thật là nhiêu khê, không dễ dàng chút nào, bởi thế giới Ta Bà này là thế giới của Nhân quả, thế giới của trả nghiệp, vui có, buồn có, tử tế có, xằng bậy có, nên chúng sanh có người dễ dạy, cũng có người thật vô minh cứng đầu. Nhưng dù Bồ-tát lội ngược dòng nước xoáy, đi dưới trời mưa to giông bảo như thế nào đi nữa, thì các Ngài vẫn cảm thấy trong lòng có niềm vui thoát tục, đó là thường an lạc, thanh tịnh, tự do tự tại, an trú trong “Hữu Dư Y Niết-bàn”.

 

                                                                                   THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

(29/5/2023, Thiền thất CHÂN TÂM, Richmond, Texas)

Tài liệu:

(*) Kinh Đại Bát Niết Bàn, bản Hán Tạng, do Cố Đại lão HT. Thích Trí Tịnh chuyển dịch sang Việt ngữ. (**) Phẩm Thánh Hạnh. (***) Phẩm Như Lai Tánh.

 (****) “Thường Lạc Ngã Tịnh” (Thơ Thông Triệt) –  Trang nhà Tánh Không .
Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
(View: 773)
Giáo pháp của Đức Phật vốn chỉ có một vị thuần nhất, đó là vị giải thoát.
(View: 9834)
Tu Viện Tây Phương triển lãm Phật Ngọc và Xá Lợi Phật từ ngày 3 đến 11/5/2014... TT Thích Hạnh Đức
(View: 20940)
Chùa Phật Đà tổ chức Cung Nghinh Chiêm Bái Phật Ngọc và Xá Lợi Phật tại CALIFORNIA CENTER FOR THE ARTS, Escondido - 340 N. Escondido Blvd., Escondido, CA 92025 từ ngày 29/1 đến 6/2/1011
(View: 13627)
“Các vị là Phật sẽ thành, tôi không ngần ngại đảnh lễ quý vị, giống như Phật đang ngồi trên cao. Các vị và Phật không khác nhau.”
(View: 14582)
Năm giờ sáng, mây xám tuy mỏng, nhưng che phủ bầu trời, che cả những vì sao muộn khiến không gian ẩm tối, lạnh lẽo và rưng rức quạnh hiu! Vậy mà có vị Phật lặng thinh ngồi đó...
(View: 13641)
Đạo Phậttôn giáo đầu tiên vượt thoát ra khỏi giới hạn tự chiêm nghiệm và đặt định của con người để vươn tới cõi bao la vô cùng, vô tận của thế giới tâm linh... Trần Kiêm Đoàn
(View: 15868)
Vào lúc 10 giờ sáng ngày 19 tháng 10, 2010, Đại Lễ Thỉnh “Phật Ngọc Cho Hòa Bình Thế Giới” đã được cử hành long trọng bằng xe hoa rước Phật và đoàn xe cung nghinh từ Tổ Đình Minh Đăng Quang...
(View: 14176)
Đại Lễ Khai Mạc Cung Nghinh Phật Ngọc Tại San Jose
(View: 14944)
Chùa Bát Nhã long trọng tổ chức lễ khai mạc chiêm bái Phật Ngọc từ 9 giờ 30 sáng Thứ Bảy ngày 23 tháng 10 năm 2010 tại khuôn viên chùa.
(View: 12979)
CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI LỄ CUNG NGHINH VÀ CHIÊM BÁI PHẬT NGỌC CHO HOÀ BÌNH THẾ GIỚI TỪ THỨ BẢY, NGÀY 6 ĐẾN THỨ HAI NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM 2010
(View: 19161)
Thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn gia hộ cho Đạo pháp được trường tồn. Thế giới được hòa bình. Chúng sanh được an lạc.
(View: 17945)
Lịch Trình Phật Ngọc 2010 - 2011
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant