- Thông Báo Khóa Tu Học
- Thư Cung Thỉnh/ Thư Mời
- Chương Trình Tu Học
- Ban Tổ Chức
- Phân Ban Trai Soạn
- Danh Sách Chư Tôn Đức & Phật Tử
- Diễn Văn Khai Mạc
- Đạo Từ
- Huấn Từ
- Thời Khóa Biểu Các Lớp Học
- Cảm Tưởng Của Đại Diện Học Viên Phật Tử
- Tổng Kết Khóa Tu...
- Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ Lần III
- Theo Dấu Chân Cùng Tử
- Thư Cảm Tạ
TỔNG KẾT
KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP
BẮC MỸ LẦN THỨ III TẠI SAN DIEGO, HOA KỲ
Thích Chánh Trí
Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham dự khóa tu học Bắc Mỹ lần thứ III do Giáo hội Phật giáo Thống nhất Hoa Kỳ và Canada đã cùng nhau tổ chức. Tâm trạng vừa háo hức vừa lạ lẫm e dè luôn khởi lên trong lòng. Đây cũng là chuyến thăm California, thủ đô người Việt tại Hoa Kỳ đầu tiên của chúng tôi. Bảng tổng kết này nhằm mục đích giúp cho chúng tôi ôn lại và rút kinh nghiệm những gì đã học hỏi được. Sau đây là một vài tóm tắt mang đậm tính chủ quan của chúng tôi khi tham dự sự kiện này.
Thời gian: từ ngày 8 đến 12 tháng 8 năm 2013.
Địa điểm: Chùa Phật Đà và khách sạn Town and Country Resort Hotel, thành phố San Diego, California, Hoa Kỳ.
Thành phần tham dự: Tăng Ni và Phật tử tại gia tại Hoa Kỳ và Canada.
Ban tổ chức: Hòa thượng Thích Nguyên Siêu (trưởng ban tổ chức) và Hòa thượng Thích Thái Siêu (trưởng ban Giáo thọ).
Nội dung tu học: Dạy giáo lý và cấp chứng chỉ cho Phật tử tại gia, gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm truyền bá Phật giáo tại Hoa Kỳ của Tăng Ni.
Ban giảng huấn gồm 22 vị. Có tất cả 6 lớp học, 5 cho cư sĩ và 1 cho Chư Tăng Ni. Đặc biệt, có 2 lớp Anh ngữ cho trẻ em và người lớn. Lớp Phật pháp tiếng Việt có 3: lớp 1, lớp 2 và lớp 3 với nội dung giảng dạy theo cấp độ tăng dần.
Chúng tôi không nằm trong Ban tổ chức nên chỉ có thể tóm tắt lại sáu buổi học dành cho Tăng Ni.
Buổi 1
Hòa thượng Thích Đức Thắng trình bày về tầm quan trọng của Giới luật trong đời sống chung của người tu sĩ. Hòa thượng giúp Tăng Ni phân biệt sự khác nhau giữa giới và luật. Giới là học điều, học xứ để chuyển hóa 3 nghiệp từ ô nhiễm thành thanh tịnh. Luật là những quy tắc nội quy sinh hoạt cộng đồng như an cư, tự tứ... Giới điều khiển nếp sống cá nhân trong khi luật điều hành đời sống sinh hoạt tập thể.
Sau đó Hòa thượng nhận xét tình hình sinh hoạt của Tăng Ni tại Hoa Kỳ rời rạc, phân tán, thiếu đoàn kết. Đặc biệt Hòa thượng nhấn mạnh việc an cư 1 tuần, hai tuần, thậm chí 10 ngày là phi luật, không đúng giới luật Phật chế. Hòa thượng đề nghị tìm phương pháp thế nào đó mà vẫn an cư đủ 3 tháng với những điều kiện và hóa xã hội đặc thù tại nơi đây. Luật căn cứ trên sự, tướng để thiết lập và tồn tại. Không nên lấy lý, tánh mà xao lãng, phớt lờ luật.
Ngài cũng nhắc đến một thao thức vô cùng to lớn mà ai ai cũng ưu tư. Đó là thấy rõ mối nguy cơ tàn rụi của Phật giáo Việt Nam nội trong 1 hoặc 2 thế hệ. Chúng ta phải tìm hướng đi cho Phật giáo không chỉ vì cộng đồng người Việt mà vì một nền Phật giáo Mỹ. Muốn làm được điều này thì ngay bây giờ, dầu đã trể, Tăng Ni phải nỗ lực hội nhập văn hóa và xã hội Mỹ. Điều này cần sự đoàn kết, học tiếng Anh và sự hỗ trợ của Giáo hội.
Chỉ người Mỹ mới biết người Mỹ muốn gì, tu pháp môn nào, học giáo lý gì.
Giáo hội cần có đường hướng đào tạo nhân lực, thu hút và sử dụng nhân tài, Tăng tài, đạo tạo giáo thọ sư và suy xét lại hình thức truyền bá đạo Phật tại Hoa Kỳ. Giáo hội cần hy sinh, cởi mở nhiều hơn nữa từ trong tư duy đến ngoài hành động.
Ai cũng thấy rõ, nếu không kịp thời cải đổi và chuyển mình theo xu hướng mới, không lâu nữa, cái gọi là Phật giáo Việt Nam sẽ theo vết xe đỗ của Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản.
Hòa thượng cũng đề nghị một vài hình thức truyền bá Phật giáo vào xã hội thông qua người cư sĩ hoặc tại gia Bồ Tát, như hình thức tiếp hiện của Hòa thượng Nhất Hạnh.
Một vài Tăng Ni đã tích cực đóng góp ý kiến về thao thức cho một Phật giáo tương lai. Buổi học đầu tiên rất sôi nổi và mọi người ra về trong quyết tâm chính mình hành động lẫn chờ mong sự tiến bộ của Giáo hội.
Buổi 2
Với đề tài “Thước đo người tu sĩ” do hòa thượng Thích Nguyên Trí trình bày. Hòa thượng nêu lên 4 yếu tố và 5 đức tính được xem như là chuẩn mực để đánh giá một người xuất gia.
Bốn điều suy xét là: còn tham lam ngũ dục? còn tham sân si khi gặp chướng ngại? ngã mạn cao hay thấp? còn chấp tôi và của tôi?
Năm đức tính cần có là: Bố thí, ái ngữ, từ bi hỷ xả, khiêm cung lễ độ và siêng năng tinh tấn.
Thước đo ở đây nghĩa là tiêu chuẩn, căn cứ, căn bản để nhận ra người tu sĩ chân chánh hay chưa chân chánh.
Thước dùng để đo. Đo cái gì của người tu? Đo cái đức, đo cái trí, đo cái công hạnh, đo cái tài năng, đo cái phước đức.
Đo như thế nào?
Đo để làm gì? Để nhìn lại mình, để sửa đổi tốt hơn, để phấn đấu nỗ lực, để nhìn rõ hướng đi, để chuẩn bị những yếu tố cần và đủ của một người truyền bá đạo Phật vào Hoa Kỳ.
Hòa thượng không hề nhắc đến những thước đo như: chùa to Phật lớn, đệ tử đông, danh tiếng, bằng cấp hay chức vụ. Đó không phải là thước đo của người xuất gia.
Có thể kể ra một vài tiêu chuẩn của căn bản khác như:
Giới hạnh thanh tịnh, định, tuệ giác, có pháp môn tu tập, biết pháp và truyền bá pháp.
Bao nhiêu khổ mà mình đã chuyển hóa? Bao nhiêu phiền não đã diệt trừ? Bao nhiêu an lạc đã sở hữu? Bao nhiêu pháp môn mình thực tập?
Cuối cùng, với người tu, không kể Tăng hay tục, chúng ta đều dùng chung một thước đo sau đây?
Lấy cái đức để đo
Dùng cái uy để lường
Lấy cái ân để tính
Chọn cái trí để xét.
Sau khi Hòa thượng giảng xong, không ai đặt câu hỏi. Đại đức Thiện Quang ca ngợi rằng lời dạy của giảng sư không còn chỗ hở nào. Tuy nhiên sau đó Đại đức Chánh Trí góp ý rằng nên đưa thêm một thước đo cần thiết nữa. Đó là thước đo: khả năng Tiếng Anh. Đại đức cũng hỏi giảng sư đã căn cứ vào đâu để đưa ra cái thước đo gồm 4 yếu tố và 5 đức tính ấy? Hòa thượng trả lời chưa thuyết phục nhưng cũng có ý nói rằng, cái thước ấy căn cứ vào thực tế cuộc sống, kinh nghiệm tu hành.
Buổi 3:
Đề tài: Phương pháp đoạn trừ phiền não
Giảng sư: Hòa thượng Thích Nguyên Hạnh
Buổi giảng mở đầu với hai lần giới thiệu của hai vị trợ lý khiến đại chúng hơi phiền não.
Hòa thượng bắt đầu bài giảng với ý tưởng rất nhân bản của ngài Đạt Lai Đạt Ma phát biểu trong một hội nghị quốc tế. Ý tưởng đó là: con người đã tạo ra những gì thì con người phải giải quyết những vấn đề ấy, đừng van xin cầu khẩn thân thánh thượng đế nào hết.
Hãy từ nơi con người mà giải quyết tất cả những vấn đề của nó. Hãy bắt đầu từ tâm thức – trở lại cội nguồn tâm thức để cứu chữa con người và thế giới. Đó là ký do kinh Kim Cang dạy làm thế nào điều phục vọng tâm, an trụ chân tâm và chuyển hóa phiền não.
Chúng ta sinh ra trên căn bản nghiệp báo nên trong tâm thức đầy dẫy hạt giống xấu ác. Hạt giống ấy là phiền não. Làm sao chuyển hóa, diệt trừ phiền não lậu hoặc ấy? Bài kinh Đoạn trừ lậu hoặc trong Nikaya chỉ ta 7 cách chuyển hóa chúng.
- Tri kiến đoạn trừ: lấy sự tác ý như chân chánh để chuyển hóa phiền não. Đó là tác ý theo tứ đế và ba pháp ấn.
- Phòng hộ đoạn trừ: thu thúc lục căn ba nghiệp để ngăn tham sân si. Vì tâm chạy theo cảnh nên cảnh điều khiển tâm. Giữ giới là một cách phòng hộ hiểu quả. Hòa thượng kể câu chuyện chàng trai ham đất mà chạy cho đến chết để khẳng định: ai muốn thỏa mãn ham muốn của 6 trần, kẻ đó chết trước khi được thỏa mãn.
- Thiểu dục đoạn trừ: ý thức sống đạm bạt, giản đơn để ít muốn biết đủ. Nhờ đó mà phiền phức bớt phát sinh. Chúng ta phải ý thức giới hạn của ham muốn vật chất. Nếu không sáng suốt, cái ta sử dụng sẽ điều kiện hóa ta. Đơn giản bao nhiêu hạnh phúc bấy nhiêu. Hãy tập sống đơn giản vì sự nghiệp cuối cùng của người tu là trí tuệ. Đó là những lời dạy tâm huyết của Hòa thượng.
- Kham nhẫn đoạn trừ: cố gắng chịu đựng, nhẫn nại nghịch cảnh để chiến thắng phiền não. Kham nhẫn những điều sau: đói khát, nóng lạnh, đau bịnh, thị phi. Hòa thượng nhấn mạnh người tu không được ta thán than thở. Phải lấy nghịch cảnh là động lực tu hành và thước đo đạo hạnh.
- Diệt trừ đoạn trừ: mạnh dạn cắt đứt lậu hoặc mỗi khi nó nổi lên.
- Tránh né đoạn trừ: nhờ sự tránh né thầy tà bạn ác hay những nơi nguy hiểm mà phiền não không xuất hiện. Tránh voi không hỗ mặt nào. Đừng hơn thua với việc không đáng, với người nhỏ mọn nhằm bảo tồn sinh lực.
- Tu tập đoạn trừ: chuyển hóa phiền não bằng công hạnh thực tập chánh pháp. Đây là phương pháp chánh yếu để nhổ gốc rễ lậu hoặc. Đó là tu tập bảy yếu tố mang đến sự giác ngộ, thất giác chi.
Hòa thượng kết luận buổi giảng bằng câu chuyện ba hạng người: viết chữ trên đất, trên đá và trên nước. Ngài khuyên Tăng Ni học hạnh trẻ con, an nhi hạnh để dễ dàng chuyển hóa lậu hoặc.
Mong rằng đại chúng nỗ lực tu tập chuyển hóa phiền não, phát huy trí tuệ để an lạc hạnh phúc. Hãy tập nhìn lại chính mình.
Một sư cô hỏi Hòa thượng có giận ai lâu không? Ngài bảo chưa từng giận hai hơn 5 phút. Hòa thượng cũng thệ nguyện rằng: có thể chưa thương hết tất cả nhưng quyết tâm không ghét bỏ giận hờn một ai.
Cuối cùng đại chúng nghe lại câu chuyện “thầy tu đừng có nóng” như một thực tế kinh nghiệm trên con đường tu học của Hòa thượng.
Buổi 4
Đề tài: Đạo Phật và những vấn nạn của tuổi trẻ thời đại
Giảng sư: Thượng tọa Thích Tâm Hòa và Thượng tọa Thích Minh Dung
Mở đầu bài giảng, Thượng tọa Tâm Hòa đọc bài minh của ngài Đạo An, như để nhắc nhở lại chí nguyện của người xuất gia. Sau đó thầy kể lại công trạng hào hùng của ba vị Hòa thượng: Trí Thủ, Thiện Minh và Huyền Quang như một hình ảnh gương mẫu cho Tăng Ni soi sáng. Những tâm nguyện tâm huyết của chư vị được nhắc lại như thể kêu gọi Tăng Ni trẻ hải ngoại phải ngồi lại với nhau, đoàn kết hơn nữa.
Thầy cũng nhắc đến giáo chỉ số 9 đã khiến Giáo hội chia rẻ, Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại điêu đứng. Giáo chỉ số 9 liên quan đến giáo chỉ số 2 và những hoạt động của phong trào Về Nguồn, hội Thân hữu Già Lam, Hội Tăng Ni hải ngoại, Trí Thủ foundation.
Thượng tọa Tâm Hòa chỉ rõ ba vấn đề của tuổi trẻ Hoa Kỳ:
- Lối sống sống bạo động: băng đảng, thuốc phiện, sung ống…
- Ý thức sai lạc về hôn nhân gia đình.
- Áp lực của đồng tiền, vật dục.
Những vấn đề ấy, theo Thượng tọa, đến từ đời sống gia đình, học đường và xã hội. Phật giáo có giải pháp nào cho những vẫn đề ấy không? Câu trả lời là có, có rất nhiều. Căn bản là sự thực tập 5 giới. Thầy đã đọc lại bài gia huấn của Nguyễn Trãi trong việc dạy dỗ con cái.
Thượng tọa Minh Dung khẳng định chúng ta đang gặp rất nhiều trở ngại. Thầy khẳng định một câu khiến cho đại chúng vững niềm tin: “Đối lực tạo ra năng lực”.
Thầy cũng khuyên xả thân cầu đạo, xả phú cầu bần, duy vị Phật đạo. Điều kiện cần và đủ để hội nhập Phật giáo vào Hoa Kỳ: Bồ đề tâm.
Đại đức Chánh Trí nêu hai câu hỏi. Tại sao những tâm nguyện cao quý của 3 vị Hòa thượng trên không hoặc chưa thành công, theo quan điểm của hai Thượng tọa? Giáo hội PGVNTN Hoa Kỳ và Canada và chư Thượng tọa đã làm gì để tiếp nối và phát huy những tâm nguyện của ba Hòa thượng trên?
Hai Thượng tọa trả lời nhưng hầu hết chưa đạt yêu cầu của người hỏi.
Thượng tọa Minh Dung đã đặt câu hỏi cho đại chúng rằng: chư vị Tăng Ni đã làm gì ở những ngôi chùa mình hướng dẫn trong xu thế hội nhập Phật giáo tại Hoa Kỳ?
Đại đức Chánh Trí trả lời: ưu tiên chú trọng đến thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho các em đoàn sinh tham gia trại, nỗ lực học Anh ngữ, xoay chuyển một số hình thức sinh hoạt sao cho phù hợp với văn hóa Mỹ, đặc biệt trong ẩm thực, cách tổ chức lễ hội, ngôn ngữ…
Đại chúng cũng đã nhận ra sự lúng túng của giới trẻ (Tăng Ni và Phật tử) trong xu thế tiếp nối đạo Phật từ thế hệ cha ông của mình.
Thượng tọa Tâm Hòa đã nêu một ý kiến rất để đoàn kết hòa hợp Phật giáo. Đó là Tăng Ni Phật tử hãy ngồi lại với nhau, không phân biệt Giáo hội, pháp môn, quốc gia vùng miền. Đây là mục đích ngày Về Nguồn và hội Thân hữu Già Lam ra đời.
Buổi 5
Đề tài: Yết ma
Giảng sư: Hòa thượng Thích Thái Siêu
Hòa thượng định nghĩa yết ma từ ngôn ngữ Sanskrit, nghĩa là làm, tạo tác. Yết ma là thuật ngữ Phật giáo, thuộc về luật, có nghĩa là một sự đồng thuận triệt để. Bất cứ việc gì trong Tăng chúng cũng được thông qua. Yết ma thành tựu phải được 100% đồng ý trong cùng một tư thế oai nghi.
Phân loại yết ma gồm 3 loại: đơn bạch (một lần thưa như là thông báo, nhắc nhở); bạch nhị (một lần thưa, một lần biểu quyết, dùng cho những việc tương đối quan trọng); bạch tứ (3 lần thưa, một lần biểu quyết, dùng cho những việc quan trọng như tự tứ, thọ giới).
Nếu làm việc trong Tăng chúng mà không biết pháp yết ma thì gọi là phạm pháp yết ma.
Giảng sư cũng lưu ý đại chúng: hãy sống theo luật chứ đừng bao giờ kéo luật xuống cho phù hợp với lối sống của mình.
Luật đạo Phật luôn luôn nâng đở con người chứ không bao giờ ép buộc gò bó con người trong mọi hoàn cảnh. Luật yết ma không xử khi đương sự vắng mặt, không khởi tố, lấy tình thương và sự chân thật làm chính yếu. Chúng ta có thể viết thêm những điều luật áp dụng cho đời sống hiện tại của Tăng nhưng không được gọi đó là luật Phật chế.
Cuối bài giảng, Hòa thượng kể câu chuyện đi máy bay sợ chết của mình như một lời nhắc nhở đại chúng lưu tâm thực tập quán sát, nói đi đôi với hành để sự tu tập hoàn thiện.
Buổi 6
Thảo luận đề tài Tỳ ni tạng trụ Phật pháp diệc trụ do Hòa thượng Thái Siêu, Thượng tọa Tâm Hạnh chủ trì.
Thượng tọa Tâm Hạnh giúp đại chúng phân biệt giữa giới và học xứ của giới, giữa pháp và luật. Học xứ (khai giá trì phạm) và luật có thể thay theo thời gian trú xứ nhưng pháp và giới điều thì bất biến. Thầy cũng đưa ra câu hỏi: làm sao áp dụng luật vào hoàn cảnh Hoa Kỳ này? Làm sao thích nghi với hoàn cảnh mà không chống trái với giới luật?
Thượng tọa lưu ý rằng Phật chế giới luật căn cứ trên hai yếu tố: phù hợp với văn hóa xã hội và đưa hành giả vào thánh đạo.
Đại chúng có thảo luận về sự không bằng nhau về số lượng giới Tỷ kheo của hai truyền thống Nam và Bắc truyền. Giảng sư khẳng định chỉ khác nhau những chi tiết nhỏ, còn nội dung các giới quan trọng đều đồng nhất.
Chúng ta phải nhìn lại cho rõ hoàn cảnh của chúng ta hiện nay là gì? Nhiều Giáo hội, chưa hiểu và hội nhập văn hóa mỹ, khả năng Anh ngữ khiêm tốn, phân tán rời rạc.
Sự thay đổi hoặc mở rộng một số điều luật ấy do Giáo hội hay mỗi cá nhân Tăng Ni tự làm? Và nên hay không Giáo hội tổ chức một hội thảo quy định lại những điều luật mở rộng cho Tăng Ni tại Hoa Kỳ và Canada áp dụng?
Đại chúng đã nêu lên những thuận lợi và khó khăn cho Tăng Ni trẻ hội nhập xã hội Mỹ. Thuận lợi: đa văn hóa, đời sống dân chủ tự do, không giới hạn trong việc học tập nâng cao tri thức. Khó khăn: trở ngại ngôn ngữ, văn hóa; dễ bị hòa tan vào cái gọi là hợp chủng văn hóa của Mỹ.
Thượng tọa Nhật Trí đặt lại vấn đề: Liệu khi hòa nhập văn hóa Mỹ rồi, ta có còn Tăng Ni như giới luật Phật chế hay không?
Thượng tọa Tâm Hạnh phát biểu một câu như sét đánh: “Đừng bao giờ nghĩ mình khôn hơn Phật”. Thực tế đã có nhiều Tăng Ni nghĩ mình khôn hơn Phật nên tự tiện chế luật này luật nọ sao cho phù hợp với lối sống phi pháp của mình.
Buổi thảo luận cũng dành thời gian cho vấn đề lady first và Bát kỉnh pháp. Ý kiến nổi bật là Bát kỉnh pháp là phương pháp đoàn kết Tăng Ni. Từ Bát kỉnh pháp này mà dẫn đến khái niệm bình đẳng trong đạo Phật. Đức Phật chế giới dựa trên nghiệp lực.
Một sư cô hỏi ý nghĩa bảy báu của nam và chín lậu của nữ nhưng đại chúng chưa ai nghe đến khái niệm này. Trong kinh điển chỉ nói đến những ưu điểm của người nam và những trở ngại của người nữ.
Một câu hỏi thú vị: Tại sao Bắc truyền có Ni đoàn mà Nam truyền không có Ni đoàn. Thượng tọa Tâm Hạnh giải đáp một cách thuyết phục vấn đề này.
Một số ý kiến cho rằng chúng ta nên bàn thảo về vấn đề tâm sinh lý cho Tăng Ni. Vấn đề một số chùa tổ chức Cổ Phật khất thực gây mất uy tín hình ảnh tu sĩ Phật giáo cũng được đại chúng đưa ra.
Có nên quên đi cái gọi là Phật giáo Việt Nam để nhớ đến cái gọi là Phật giáo Hoa Kỳ?
BUỔI PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
Trưa ngày chủ nhật buổi vấn đáp Phật pháp diễn ra. Tất cả giáo thọ sư của khóa tu ngồi chung một bàn và toàn thể Tăng Ni Phật tử ghi câu hỏi chất vấn. Các câu hỏi được ghi ra giấy, bỏ vào chuông hoặc ban điều hợp trực tiếp thâu nhận từ những ai muốn chất vấn. Ban điều hợp có quyền chọn lọc và đề nghị giáo thọ trả lời, dĩ nhiên là phù hợp với sở trường của vị giáo thọ ấy.
Theo ghi nhận của ban điều hợp, chỉ có vài câu hỏi được gởi trước trong chuông. Rất nhiều câu hỏi được viết ra sau khi buổi chất vấn bắt đầu. Sau đây là một số câu hỏi được trả lời:
- Tại sao có chuyện gây nhân tốt mà gặt quả xấu? Thượng tọa Tâm Hạnh nói bởi vì quá trình từ nhân đến quả còn phải tùy vào chữ Duyên.
- Khi tâm dao động, ưu sầu thì biện pháp nào để khắc phục? Lời khuyên từ ban giáo thọ là: nhận diện, gọi tên chúng và áp dụng một số phương pháp quán chiếu như từ bi quán, quán tứ niệm xứ.
- Chưa thọ Bồ tát giới mà xem giới trước được không? Hòa thượng Thái Siêu trả lời ngắn gọn: được.
- Giáo hội đã và đang làm gì để đào tạo Tăng tài? Hòa thượng Tín Nghĩa trả lời: tổ chức giới đàn truyền thọ giới pháp, ngày Về nguồn, hướng dẫn làm việc Giáo hội, bảo trợ các Khóa an cư kiết hạ, xây dựng sân chơi báo chí, như báo Chánh Pháp, giảng dạy và tổ chức các khóa tu học.
- Nhận xét tình hình duy trì và phát triển của Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ? Quý ngài bảo rằng PGVNTN tại Hoa Kỳ có nhân lực đông nên cần củng cố sinh hoạt. Dù giáo chỉ số 9 đã chia rẽ sức mạnh chung nhưng qua các khóa tu, chúng ta có quyền hy vọng khả quan sẽ vượt qua khó khăn.
- Thành tựu của khóa tu này là gì? Hòa thượng Thái Siêu nói: học viên cư sĩ đông hơn, vấn đề ẩm thực và nơi ăn chốn ở tốt, tinh thần học tập rất cao, nội dung các bài học khó hơn.
- Vì sao kinh Pháp Hoa có cả văn xuôi lẫn văn vần? Vì kinh này bao gồm hai thể loại trường hàng và trùng tụng trong 12 thể loại kinh điển Phật giáo.
- Biết rằng sân si là đốt cháy công đức, làm sao kìm chế? Cố gắng biết mình đang sân.
- Tại sao chưa có một bản Kinh thuần Việt cho Phật tử trì tụng? Hòa thượng Phước Thuận trả lời rằng vì có nhiều khó khăn trong công tác chọn lọc từ các bản dịch và khuyên con cháu nỗ lực học Tiếng Việt.
- Ý nghĩa lễ tứ bái (4 lạy) là gì? Theo Hòa thượng Phước Thuận, 2 lạy khi lạy người còn sống hoặc lúc chết mà chưa đậy hòm; 4 lạy cho người chết hoặc sau khi đóng quan tài. Bốn lạy gồm 1 cho cha, 1 cho mẹ, 1 cho thổ thần, 1 cho Tam Bảo.
- Vấn đề xin xăm cúng sao giải hạn có đúng chánh pháp không? Câu trả lời là xin xăm giải hạn không phải là truyền thống của đạo Phật. Đây là phương tiện để dắt dẫn người đời vào đạo. Vì lý do dĩ huyễn độ chơn nên hiện nay vẫn có một số chùa duy trì hình thức mê tín này.
- Tăng Ni được phép là lễ hằng thuận cho hôn nhân đồng tính không? Đại chúng thống nhất là được sau khi thảo luận rất sôi nổi.
- Kinh Kim Cang có câu nói nếu lấy hình sắc và âm thanh mà tìm kiếm Phật là tà đạo. Lời nói đó có chống trái với kinh Di Đà không? Hòa thượng Thái Siêu phân tích cho đại chúng hiểu rằng không kinh nào chống kinh nào. Mỗi kinh dạy cho mỗi đối tượng khác nhau, trong hoàn cảnh khác nhau nên không chống trái nhau.
- Tại sao chúng ta tụng kinh Lăng nghiêm buổi sáng? Theo Hòa thượng Phước Thuận, trụng kinh Lăng nghiêm để trừ diệt Ma đăng già, vì thời điểm thích hợp và vì khơi dậy quyết tâm tu tập.
- Ý nghĩa của thất thế phụ mẫu (cha mẹ 7 đời)? Đó là 7 đời cha mẹ của chúng ta kể từ hiện tại. Đây cũng là số lượng tượng trưng cho vô số chúng sanh đã từng làm cha làm mẹ chúng ta trong quá khứ.
Vì thời gian hạn chế nên chỉ trả lời khoảng 15 câu hỏi, còn lại 14 câu hỏi chưa được giải đáp. Ban tổ chức hẹn năm tới sẽ trả lời những câu hỏi này. Buổi Phật pháp vấn đáp được khép lại trong niềm hoan hỷ với lời cảm ơn của Ban tổ chức. Mong rằng đại chúng sẽ cố gắng hơn để đưa ra những câu hỏi và câu trả lời hay hơn, thực tế hơn, bổ ích hơn.
Mặc dù một số câu trả lời dài dòng, đi ra ngoài vấn đề, chưa thỏa lòng người chất vấn, song đây cũng đã thể hiện tinh thần hòa hợp đoàn kết của Tăng Ni Phật tử trong việc tu học Phật pháp. Một vị giáo thọ đã từ chối hai lần vì cho rằng câu hỏi không đúng sở trường của mình đã khiến một số cư sĩ buồn lòng.
LỄ BẾ MẠC
Chiều chủ nhật, Lễ bế mạc Khóa tu đã diễn ra sau khi cung thỉnh Tăng Ni quang lâm chánh điện. Sau phần chào cờ hành chánh là Diễn văn bế mạc của Hòa thượng Bổn Đạt. Hòa thượng nhấn mạnh đại chúng có duyên lành cùng nhau về tu học. Ngài khuyên: hãy dựa vào Tăng thân để tu học, nỗ lực học hỏi và trao truyền chánh pháp, dấn thân phụng sự Tam Bảo.
Sau đó Ban tổ chức tặng quà lưu niệm cho đại diện quản lý khách sạn. Họ cảm ơn và hẹn sang năm gặp lại cộng đồng người Việt tại khách sạn này.
Hòa thượng Thích Tín Nghĩa đã ban Huấn từ cho đại chúng. Ngài nhắc nhở đại chúng tinh tấn thực hành những gì mình đã học, chạy đua với thời gian, chuyên cần thực tập các pháp môn để thẩm thấu giá trị của chánh pháp. Hòa thượng cũng gởi lời tri ân và cảm tạ đến Ban tổ chức và toàn thể học viên Tăng tục.
Một vị đại diện toàn thể Phật tử phát biểu cảm nghĩ. Đạo hữu đã quỳ trước Chư tôn đức Tăng Ni dâng lên niềm hạnh phúc được quý ngài quan tâm tổ chức khóa tu học này. Họ nhận thấy sự chung sức đồng lòng của toàn thể Tăng Ni về đây tu tập. Họ mong những người xuất gia hòa hợp hơn nữa, đoàn kết hơn nữa để làm tấm gương cho con em họ học Phật, theo Phật.
Thượng tọa Thích Tâm Hòa đã đại diện Ban tổ chức đọc lời cảm tạ. Sau đó ca sĩ Gia Huy hát bài “Kính lạy giác kinh Thầy” như một nén hương lòng của toàn thể đại chúng dâng lên Hòa thượng tân viên tịch thượng Minh hạ Tâm.
Sau đó là phần trao chứng chỉ và phần thưởng cho các học viên. Tất cả học viên đều có tín chỉ chứng nhận của Giáo hội. Phần thưởng chủ yếu chỉ để khích lệ tinh thần, nên chưa chuẩn bị chu đáo. Tăng Ni không có tín chỉ. Kết quả thi cuối khóa tu học như sau:
Lớp 1 có 3 giải nhất; 3 giải nhì và 2 giải ba.
Lớp 2 có 4 giải nhất; 8 giải nhì.
Lớp 3 có 1 giải nhất; 12 giải nhì và 2 giải ba.
Lớp tiếng Anh nhỏ có 4 giải.
Lớp tiếng Anh lớn có 1 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải ba.
Lớp Tăng Ni có 1 giải nhất, 2 giải nhì.
Cuối cùng là công bố ban tổ chức năm tới. Hòa thượng Nguyên Siêu và Hòa thượng Thái Siêu tiếp tục được đề cử làm Trưởng ban tổ chức năm tới và địa điểm cũng chính khách sạn Town and Coutry này vào năm sau.
Chương trình văn nghệ khép lại khóa tu với nhiều màn đơn ca, hợp ca, cải lương hấp dẫn với tiếng hát Gia Huy, quý thầy cô và nam nử Phật tử.
MỘT SỐ GHI NHẬN TỪ KHÓA TU
Những ý kiến ghi nhận này là ý kiến riêng của cá nhân chúng tôi. Chúng tôi ở đây gồm tác giả và một số Tăng Ni và cư sĩ Phật tử trực tiếp tham dự khóa tu. Những ghi nhận này được viết ra với hai mục đích: 1, làm bài học kinh nghiệm cho chính tác giả; 2, góp lời xây dựng cho lần tổ chức tiếp theo được hoàn thiện hơn.
Một số điểm thành công của khóa tu:
- Tập hợp số đông Phật tử và dạy giáo lý, trao truyền kinh nghiệm tu học. Đây là cơ hội cho Phật tử ở các tiểu bang tập trung học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.
- Đoàn kết Tăng Ni lại trong tinh thần hòa hợp, cùng tu cùng học. Tăng Ni thẳng thắn trao đổi ý kiến trong tinh thần cởi mở, hòa hợp vì ngôi nhà Phật giáo chung.
- Đội ngũ giáo thọ đông đảo, chương trình dạy có thứ lớp.
- Công tác ẩm thực chu đáo, đầy đủ. Công tác truyền thông làm việc tốt. Khâu đưa đón nhiệt tình.
- Chánh điện trang trí nghiêm trang, phòng ăn rộng rãi, phòng học thoải mái, nơi ăn chốn ở sạch sẽ tiện nghi. Hoàn toàn cắt đứt chuyện trao đổi mua bán gây quỹ suốt khóa tu.
Một số đề nghị:
- Các bài giảng chưa chuẩn bị chu đáo, kết cấu bài giảng chưa hợp lý. Một số giảng sư nói vòng vòng, lang mang không vào trọng tâm khiến người nghe phiền não. Học viên Tăng Ni nghỉ học rất nhiều. Đại chúng cần nhiều thời gian cho thảo luận hơn. Trong mỗi đề tài cần thêm phần ứng dụng vào thực tế để đại chúng áp dụng. Ban giáo thọ cần nghiêm túc hơn trong khâu quản lý đề tài và thành phần giảng sư.
- Một số cá nhân làm việc không đúng trách nhiệm và địa vị của mình. Một số vị MC nói nhiều, đùa giỡn không đúng chỗ và thời điểm. Vài vị Hòa thượng nhiều lúc đã làm mất thể diện tôn nghiêm của mình khi đứng trước hội chúng.
- Thời gian giữa chuyển đổi các chương trình trong ngày quá ngắn khiến đại chúng lúng túng, vội vàng. Phòng thì xa mà thời gian lại gấp nên đã tạo ra không khí nóng vội, lộn xộn và than phiền, nhất là các vị lớn tuổi.
- Các bài phát biểu nên ngắn lại, thực tế hơn. Lượng thông tin trong mỗi bài giảng quá nhiều khiến học viên choáng váng. Chư tôn đức cần làm gương mẫu hơn trong chuyện làm việc đúng giờ. Vai trò chư Ni cần được nâng cao hơn nữa trong các công tác. Vai trò của Tăng Ni trẻ cũng cần được nâng cao hơn trong Ban tổ chức và Ban giáo thọ.
- Cuối khóa tu Ban tổ chức không báo cáo tài chính khiến đại chúng hoang mang lo lắng. Ý thức giữ im lặng sau khi tan lớp học của cư sĩ chưa cao. Điều này đã tạo không khí náo nhiệt như ong vỡ tổ mỗi khi học xong. Cần chuẩn bị thức ăn Mỹ sao cho phù hợp với các em nhỏ vào buổi sáng.
KẾT LUẬN
Đi một ngày đàng học một sàng khôn.
Lần đầu tiên tham dự khóa tu Bắc Mỹ đã để lại nhiều ấn tượng tốn đẹp trong lòng chúng tôi. Bao nhiêu kiến thức, kinh nghiệm có được sau khóa tu sẽ thúc đẩy chúng tôi cố gắng tu và học nhiều hơn nữa. Những vị thầy, những người bạn, dù xuất gia hay tại gia, mà chúng tôi có dịp hàn huyên trao đổi đều là thiện hữu tri thức trong cuộc đời. Chúng tôi hiểu tình hình Phật Giáo tại Nam Cali nhiều hơn. Thật vui mừng khi chúng tôi có cơ hội gặp gỡ và làm việc với chư vị tôn đức lần đầu biết tên và biết mặt.
Xin ghi nhận nơi đây lời tri ân sâu sắc đến Ban tổ chức, chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử. Đặc biệt cảm ơn gia đình cô Quảng Duyên, Quảng Xuân, người giới thiệu và khích lệ tôi tham dự khóa tu. Chúng ta đã nỗ lực hết sức cho sứ mệnh học đạo, tu đạo và truyền đạo. Dĩ nhiên thành công ta đã có và chưa thành tựu ta cũng đang có. Chưa thành tựa không phải vì hoàn cảnh mà bởi sự cố gắng của chúng ta chưa đạt mức cao nhất. Thành công hay chưa thành tựu cũng đều là bài học cho chúng ta, cho con cháu chúng ta.
Sau khi hỏi ý kiến của một số vị đã tham sự khóa tu lần thứ nhất, thứ hai, chúng tôi được biết khóa tu lần thứ ba rất thành công so với các lần trước. Hy vọng lần thứ 4, khóa tu học sẽ thành công hơn nữa, sau khi Ban tổ chức lắng nghe và rút kinh nghiệm.
Một câu nói của một vị Thượng tọa khiến tôi hy vọng cho Phật giáo Hoa Kỳ: Tăng Ni Phật tử hãy ngồi lại với nhau, không phân biệt Giáo hội, truyền thống, pháp môn.
Tôi sẽ tham dự khóa tu tiếp theo vào năm tới, nếu tôi còn sống và còn ở Hoa Kỳ.
Viết tại chùa Bảo Quang, Orange County, California
Thích Chánh Trí
BT: Tất cả những thông tin hình ảnh về khóa tu này được đăng tải đầy đủ trên trang web hoavouu.com.