Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Phẩm 10 Pháp Sư

25 Tháng Chín 201100:00(Xem: 6886)
Phẩm 10 Pháp Sư

LƯỢC GIẢI KINH PHÁP HOA 
Hòa Thượng Thích Trí Quảng
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam - TP. Hồ Chí Minh 2011

Phẩm 10

PHÁP SƯ

I. LƯỢC VĂN KINH

Để dạy 80.000 Bồ tát, Đức Thế Tôn nói với Bồ tát Dược Vương rằng : “Trong đại chúng gồm Thiên long bát bộ, Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, người cầu Thanh văn, cầu Bồ tát hay Phật đạo, bất cứ ai ở trước Phật, nghe một câu, một bài kệ kinh Pháp Hoa, cho đến một niệm tùy hỷ, ta đều thọ ký cho thành Vô thượng đẳng giác.

“Sau khi Như Lai diệt độ cũng vậy, nếu có người nghe kinh Pháp Hoa một câu, một bài kệ cho đến một niệm tùy hỷ, ta cũng sẽ thọ ký thành Vô thượng chánh đẳng giác.

“Nếu có người thọ trì, đọc tụng, giảng nói, biên chép kinh Pháp Hoa, phải biết người này đã thành tựu đại nguyện. Vì thương nhân gian mà sanh lại cuộc đời.

“Nếu có người hỏi trong đời vị lai, chúng sanh nào sẽ thành Phật. Phải nói rằng những người vừa kể trên sẽ thành Phật.

“Chê mắng Phật còn nhẹ tội hơn chê mắng người đọc tụng kinh Pháp Hoa. Công đức ca ngợi Phật không bằng công đức khen ngợi người trì kinh Pháp Hoa.

“Trong vô lượng kinh của ta nói, kinh Pháp Hoa khó hiểu, khó tin nhất. Vì đó là kho tàng bí yếu của chư Phật, được chư Phật giữ gìn, chưa từng đem ra giảng dạy. Vì vậy, không nên truyền trao kinh này một cách bừa bãi. Như Lai tại thế, kinh này còn bị oán ghét, huống là sau khi Như Lai diệt độ.

“Sau khi Như Lai diệt độ, người nào thọ trì, đọc tụng, biên chép, cúng dường, giải nói, người ấy được Như Lai lấy y trùm cho, được chư Phật ở phương khác hộ niệm. Người ấy có đức tin lớn, chí nguyện vững, căn lành sâu. Người ấy được cùng Như Lai ở chung, được Như Lai xoa đầu.

“Nơi nào có người giảng nói, đọc tụng, biên chép kinh Pháp Hoa, hoặc nơi nào có kinh này, nên dựng tháp bảy báu để thờ, không cần Xá lợi vì trong tháp ấy đã có toàn thân Như Lai.

“Nếu có người hành Bồ tát đạo, mà không thể thấy nghe, đọc tụng, biên chép, thọ trì, cúng dường kinh Pháp Hoa, phải biết người đó chưa khéo tu đạo Bồ tát. Ví như đào giếng trên gò cao, thấy đất khô, biết cách nước còn xa, nên cố gắng ra sức đào thêm. Khi thấy đất ướt, đất bùn, biết là gần có nước.

“Bồ tát cũng như thế, chưa nghe chưa hiểu kinh Pháp Hoa thì còn cách xa đạo Vô thượng. Nếu được nghe, hiểu, suy tư, tu tập kinh này, mới được gần Chánh giác.

“Nếu Bồ tát nghe kinh Pháp Hoa, mà kinh nghi sợ sệt là Bồ tát mới phát tâm. Hàng Thanh văn nghe kinh, mà kinh nghi sợ sệt thuộc về hàng tăng thượng mạn.

“Thiện nam, thiện nữ nào muốn giảng kinh Pháp Hoa, sau khi Như Lai diệt độ, phải vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai. Thành tựu như vậy, ta ở nơi khác sẽ khiến hàng hóa nhân đến nghe pháp. Nếu người nói pháp nơi vắng vẻ, ta sẽ khiến Thiên long bát bộ đến nghe. Ta dù ở nơi khác nhưng luôn luôn làm cho người nói pháp được thấy thân ta và nhắc nhở nghĩa lý kinh cho họ”.

II. GIẢI THÍCH

Mở đầu hội Pháp Hoa, Phật phóng quang cho thấy một cảnh giới dung hóa được tất cả các loài cửu địa tứ sanh, cùng sinh hoạt chung không bị chướng ngại. Sang phẩm Phương tiện đến phẩm Thọ học vô học nhơn ký, Phật xả định hướng về 12.000 vị Thanh văn mang thân con người mà giảng nói.

Và khi kết thúc phẩm 9, chấm dứt giai đoạn thứ nhất. Chúng hội đã vượt qua một đoạn đường tu chứng, thoát ly con người ngũ ấm, đến gặp Đức Phật Không Vương. Nghĩa là chúng hội đã thể nhập vào bản thể, nâng con người hình thành ở dạng Pháp Thân. Tầm nhìn đổi khác, thấy được tất cả mọi người sẽ thành Phật hay là Phật đã thành trên bản thể.

Qua phẩm Pháp sư thứ 10, chuyển sang pháp hội thứ hai rộng lớn hơn, dung hóa được tứ Thánh lục phàm, là thế giới của Bồ tát hay Bồ tát học xứ. Vì vậy, mở đầu phẩm này, Phật không nói với chúng Thanh văn, Ngài gọi Dược Vương Bồ tát.

Dược Vương Bồ tát đã từng mang tên Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến, ai thấy cũng thương và hết lòng kính trọng. Ngài có đầy đủ tư cách đặc thù như vậy mới được Phật giao phó cho việc khó tin, khó làm. Dược Vương Bồ tát là nhịp cầu giữa hành giả và Phật, là gạch nối giữa thế giới Ta bà đau khổ với thế giới an lành của chư Phật. Bồ tát Dược Vương làm người trợ hóa trong cõi ô trược của phàm phu và trong cả cảnh giới thanh tịnh của chư Phật.

Dược Vương Bồ tát đa dạng đa hình, hiện được mọi sắc thân trên bước đường tu hành. Ở bất cứ dạng nào, Ngài cũng giúp tâm hành giả an tĩnhthâm nhập tri kiến Như Lai. Không có Dược Vương làm thiện tri thức khai thông cho hành giả qua năm tầng vô minh, hành giả không thể thấy Như Lai, vì chỉ tu trên điên đảo vọng tưởng, càng tu càng xa đạo. Đây là việc quan trọng để chuẩn bị tư thế cho hành giả bước vào pháp hội không trung thuyết pháp, một thế giới siêu hình, nên Phật gọi Bồ tát Dược Vương để dạy.

Trong phẩm 3 đến phẩm 9, Phật thọ ký cho chúng đương cơ; nhưng đến phẩm này, phần thọ ký được mở rộng. Tất cả mọi loài, Thiên Long, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la dà, nhân, phi nhân đều được thọ ký.

Ý tưởng mọi loài đều sẽ thành Phật làm đảo lộn định kiến từ lâu của các Thanh văn. Các vị này vẫn quen với quy định nếp sống rõ ràng của hai chúng xuất giatại gia. Chúng xuất gia là người giữ tạng pháp, chúng tại gianhiệm vụ hộ pháp. Vì vậy, đến lúc cần nói lên chân lý bình đẳng tuyệt đối, Phật phải nói với Bồ tát Dược Vương là người có khả năng chấp nhận, giữ gìntruyền đạt tư tưởng cao tột này.

Chẳng những người nghe pháp trong đương hội, mà tất cả chúng sanh đời sau, không nhất thiết phải là A la hán. Họ cũng không cần phải làm việc lớn, chỉ cần thọ trì một kệ, một câu cho đến một niệm tùy hỷ; Đức Phậtthế giới Thường Tịch Quang cũng thọ ký cho họ thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Đến đây, kinh Pháp Hoa đánh dấu thời điểm đưa ra chân lý bình đẳng tuyệt đối. Tuy nhiên, chúng ta quan sát kỹ dù Phật ban cho bình đẳng thực sự, ai muốn làm gì cũng thành Phật. Nhưng trên thực tế, có mấy người thực hiện được. Để cân bằng lại những điều Phật quy định mới nghe qua thấy quá dễ dãi, quá đơn giản, chúng ta cần suy nghĩ lời Phật dạy kế tiếp. Rằng kinh này là bí mật tạng của Như Lai không thể đem truyền trao bừa bãi cho người không có tư cách. Và Phật khẳng định người trì kinh Pháp Hoa là người thành xong Vô thượng đẳng giác, vì thương nhân gian sanh lại, mới trì được kinh này.

Vì vậy, chúng ta cần hiểu thọ ký cho người có một niệm tùy hỷ là sự thọ ký cho người phát tâm bồ đề, tùy hỷbản tâm thanh tịnh. Không phải thọ ký cho con người còn mang đầy nghiệp lực của ngũ ấm thân.

Ngoài ra, công đức của người truyền bá kinh Pháp Hoa thật là vô lượng, được coi là sứ giả của Như Lai, được Trời người cung kính cúng dường. Nếu có ai dùng lời chê mắng họ, tội còn nặng hơn là đối trước Phật chửi mắng trong một kiếp.

Muốn hiểu được ý của câu này, ta đảo ngược câu lại, sẽ thấy được tư cách của người truyền bá kinh Pháp Hoa thật quan trọng. Người nào sanh trên đời, được Trời người cung kính cúng dường, là sứ giả của Như Lai. Là sứ giả của Như Lai tức đã thành xong Vô thượng chánh đẳng giác, vì thương chúng sanh mà sanh lại để giữ tạng bí yếu Như Lai, để ban vui cứu khổ chúng sanh, đương nhiên được chúng sanh cung kính tôn trọng.

Phẩm Pháp sư gồm hai phần, phần một nói về hành trì kinh Pháp Hoa cho đúng pháp sau khi Phật nhập diệt. Phần hai là sự truyền bá kinh Pháp Hoa.

Pháp sư là người chuyển được pháp của Như Lai, làm lợi ích cho muôn loài. Dược Vương Bồ tátpháp sư có khả năng cứu chữa được tâm bệnh của con người. Bất cứ chúng sanh nào đau khổ nhìn thấy Ngài, mọi phiền não đều tan hoại. Hành giả Pháp Hoa ngày nay, nếu tròn đủ tư cách pháp sư như Dược Vương, thay thế đức Như Lai mang an lạc cho loài người, chắc chắn không ai có thể phá hại họ.

Tư cách của pháp sư thật quan trọng, dùng ngôn ngữ nói không cùng. Điển hình như Ngài Nhật Liên Thánh nhân khi sanh tiền hành đạo, đao kiếm chém Ngài tự gãy, người không làm hại được và kẻ thù trở thành đệ tử. Tuy Ngài đã nhập diệt trên 700 năm, nhưng tín đồ của Ngài trên 40 triệu người.

Phần 1 : CÁCH HÀNH TRÌ KINH PHÁP HOA.

Kinh Pháp Hoa chia pháp sư thành năm hạng gọi là ngũ chủng pháp sư : thọ trì pháp sư, đọc pháp sư, tụng pháp sư, thơ tả pháp sư và giảng nói pháp sư.

1 - Thọ trì Kinh Pháp Hoa : Thọ là nhận kinh từ Phật và trì là giữ được trong tâm. Tất cả pháp của Phật được hành giả tiếp thu, giữ gìn một cách trọn vẹn và làm lợi ích cho chúng sanh, để pháp còn mãi trên cuộc đời. Làm như vậy là thọ trì được tạng bí yếu Như Lai.

Người thọ được kinh này, niềm tin đối với Phật, đối với Pháp Hoa không lay chuyển, dù có tan thân mất mạng. Kinh Pháp Hoa luôn lưu chuyển trong tâm niệm tương tục, từ giờ này sang giờ khác, mới đúng nghĩa của việc trụ pháp và giữ pháp.

Người luôn luôn an trụ và giữ pháp, thì phiền não nhiễm ô bên ngoài không xâm hại được. Vì có sự bố trí tinh mật che chở cho hành giả Pháp Hoa. Vòng ngoài có bát bộ Thiên long, vòng trong có thần Kim Cang thủ hộ và sau cùng được các Bồ tát đồng học trợ lực, thành tựu viên mãn mọi công việc.

Thọ trì là phần chánh hạnh, khó thực hiện. Vì khi còn mang thân phàm phu đầy tham sân phiền não, làm sao thấy được Như Lai mà nhận kinh. Không nhận được kinh làm thế nào giữ được kinh. Vì thiếu tư cách Phật để thọ trì kinh Pháp Hoa, hành giả phải tu phương tiện, nghĩa là mượn lực Phật trang nghiêm thân tâm mình.

Pháp Hoachân lý, tất nhiên việc hộ trì chân lý không dễ. Người tà dại nhiều và mạnh gấp mười lần người thiện, tu ở nhân gian chúng ta cần ý thức kỹ điều này. Tuy ma lực mạnh nhưng không tác hại được Phật. Vì Phật mượn lực ma làm đạo, dù hung tàn bạo ngược đến với Ngài, cũng trở thành hiền. Hành giả muốn thọ trì chánh pháp, cũng phải có tư cách Phật hoặc mượn sức Như Lai để thành Phật. Vì vay mượn Như Lai, nên chúng ta chỉ là Phật giả. Tuy nhiên, khi chúng ta trang bị pháp Phật để tạo thành ông Phật giả, cũng nhận được kết quả nhiều ít khác nhau, tùy mức độ khéo léo sử dụng sự vay mượn pháp Như Lai.

Vì nhiều khó khăn trong việc thực hiện phần thọ trì chánh hạnh, hành giả phải tu bốn trợ hạnh: đọc, tụng, giải nói, biên chép.

2 - Trợ hạnh 1 : Đọc tụng kinh Pháp Hoa

Hành giảmột mình hay ở trong chúng thường xuyên đọc kinh và nương theo đó tu hành. Đọc cho chính mình nghe tăng trưởng bồ đề, đọc cho người khác nghe khiến họ phát tâm. Đọc kinh trong trạng thái tâm bình ổn. Từng chữ, từng lời thấm vào tâm não, hiểu được nghĩa lý sâu xa của kinh, khiến cuộc sống biến đổi, cảm thấy an vui và tăng thêm sức sống. Hành giả tự giảm thiểu được mọi dục lạc tầm thường của thế nhân.

Nếu đọc mà còn giao động trước hoàn cảnh và người khác nghe khởi tâm phiền não, thì chưa phải là pháp sư. Hoặc đọc kinh, nhưng thiếu niềm tin, cũng giống như người không có tay vào kho báu, không thể lấy được.

3 - Trợ hạnh 2 : Tụng kinh Pháp Hoa

Hành giả tụng kinh bằng tất cả lòng thành kính và độ cảm, phát ra ngôn ngữ giải thoát và người nghe cũng được thanh tịnh theo. Pháp sư tụng kinh Pháp Hoa, đời sống thăng hoa, vì loài người cho đến chư Thiên nghe đều phát tâm tu hành đạo Vô thượng chánh đẳng giác.

Ngay lúc thọ trì, không cần tụng, nhưng thọ trì trong tâm niệm liên tục. Bốn oai nghi của pháp sư đều tạo nên thế bình ổn và cảnh giới giải thoát cho những người chung sống. Đọc tụng Pháp Hoa kinh thuộc phần khẩu trì niệm.

4 - Trợ hạnh 3 : Thơ tả kinh Pháp Hoa

Thơ tả là biên chép để truyền bá rộng rãi. Biên chép kinh có hai tác dụng. Nếu biên chép và được mọi người trao tay thọ trì đọc tụng tu hành, hành giảcông đức. Nếu đem truyền bá mà người không đọc tụng chỉ đem về thờ, đợi đến lúc đủ phước duyên gặp pháp sư chỉ dạy, mới đem tụng, thì lúc đó chúng ta mới có chút ít công đức.

Ngược lại, nếu đem phân phát cho người không tín tâm, rồi họ dùng để gói đồ, hành giả không có công đức, mà còn tạo tội cho người khác. Thơ tả thuộc phần thân trì niệm.

5 - Trợ hạnh 4 : Giải thuyết kinh Pháp Hoa

Pháp sư giảng kinh Pháp Hoa mang kết quả tu hành của mình truyền đạt cho người khác, không phải truyền mớ ngôn ngữ có sẵn trong sách vở. Sở đắc của hành giả tươi nhuận cho đời sống của chính bản thân và người nghe cũng phát tâm đi theo con đường giải thoát. Nếu ngược lại, dùng trí thế gian hiểu lệch lạc, giải sai, khiến người nghe tạo muôn ngàn tội lỗi, tất cả sẽ sa vào địa ngục.

Thuyết Pháp Hoa không có nghĩa gì khác hơn là mang an vui cho chúng sanh. Vì mục tiêu của Pháp Hoa chỉ để giúp người an vui, hết khổ. Hành giả thể hiện tam chuyển pháp luân, thuyết Pháp Hoa bằng thân khẩu ý, không phải nói suông. Nhìn thấy pháp sư, người được giải thoát, nghe thuyết pháp, họ liễu ngộ Đại thừa và nghĩ đến pháp sư, họ cảm thấy an lành. Trái lại, thực sự chúng ta còn đói rét, đau khổ, bực bội, thì có Pháp Hoa đâu mà thuyết.

Tu tập bốn trợ hạnh trên, giúp hành giả tiến gần đến bản tánh thanh tịnh, phát huy chánh hạnh. Lần hồi hành giả đến gần Như Lai hơn, nhận được tạng bí yếu của Như Laitrở thành người hộ trì pháp trong thế gian.

Trong kinh ví sự gia công tu tập của chúng ta để trở thành hành giả Pháp Hoa với hình ảnh một người khát nước đào giếng ở trên cao nguyên. Hình ảnh chúng ta đau khổ trong đồng hoang sanh tử, đi tìm đạo, chẳng khác gì người thèm nước, đang bị khô bỏng cổ giữa sa mạc. Mỏi gối chồn chân tìm được Bồ tát hay Phật trên cuộc đời cho ta dòng suối mát giải thoát, ắt hẳn không phải là việc đơn giản.

Đứng trên vùng đất khô, cao, đào tìm nước tất nhiên khó quá. Nhưng ráng sức đào qua lớp đất cứng, đến lớp đất mềm, khác nào chúng ta hạ quyết tâm tìm đạo không biết mỏi mệt, niềm tin đạt đến đỉnh cao. Vượt qua được những tầm thường của cuộc đời, sẽ thấy được phi thường hiện hữu ở phía sau, bắt gặp những tâm hồn lớn. Nếu chúng ta đào một lúc, thấy đất cứng quá và buông bỏ. Giống như người loay hoay tìm kiếm ở trần gian, không gặp ác Tăng cũng gặp nghiệp Tăng.

Hành giả phải ra công đào không ngừng. Từ khô cháy nóng bỏng cổ trong đồng hoang sanh tử chưa gặp được Phật nói kinh Pháp Hoa, nhưng gặp bậc chân tu La hán nào đó; chúng ta cũng mát lòng là gặp đất ướt.

Hành giả ra công đào sâu nữa sẽ gặp bùn, chưa phải nước, nghĩa là sẽ gặp Bích chi Phật. Trong bùn, nước bắt đầu rỉ; nói cách khác, chân lý bắt đầu xuất hiện. Bích chi Phật chỉ cho thấy, giải thích cho hành giả hiểu. Từ đó về sau lộ trình tu của hành giả trở thành nhẹ hơn, chịu cực đào sâu xuống thêm một chút sẽ có nước trong hay gặp Bồ tát. Mọi vấn đề tự nhiên được giải quyết, khỏi thắc mắc, buồn phiền, khỏi làm những việc vô lý.

Rất tiếc, chúng ta vì sống ở cao nguyên quá xa dòng sông, từ bao đời quay cuồng trong sanh tử đẩy ta xa dần dòng thác trí tuệ Như Lai. Tuy nhiên, ngày nay nương được tam thừa giáo, tìm được nước uống. Đến ngày nào đó cũng gặp được Pháp Hoa, đạt được giải thoát, được chư Phật phóng quang gia bị.

hành giả ở nơi vắng vẻ, không có người nghe pháp, Phật sẽ sai hóa Tỳ kheo đến nghe và sai thần nhân hộ trì người nói pháp. Nếu giảng kinh, có quên ý nào, Phật sẽ nhắc. Thực sự là hành giả Pháp Hoa, phải được Phật hộ niệm, phải được Phật khiến người đến nghe phápbảo vệ pháp sư. Trái lại, Như Lai không gia bị cho hành giả được, vì hành giả chưa thực sự có kinh Pháp Hoa, không phải là Pháp thân Bồ tát, nên Pháp thân Phật không gia bị đến được. Hành giả phải thọ nạn là tất yếu, chết là bình thường.

Muốn biết mình thọ trì đúng hay sai pháp, hãy xem cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Thọ trì rồi đời sống hành giả mỗi ngày thăng tiến hơn, cuộc sống giải thoát hơn, được Phật hộ niệm, thiện thần che chở. Dù hoàn cảnh nào cũng an ổnthường xuyên liên hệ với Phật, Bồ tát trong cảnh giới Pháp Hoa. Đó mới chỉ là công đức của người đang đi tìm đạo, chưa phải là Bồ tát. Riêng đối với những người nay nghe tin, mai đổi ý, họ thọ trì chưa đúng cách và nghiệp ác đồng khởi theo kinh, chắc chắn không thể nào vượt qua 500 do tuần đường hiểm để đến bảo sở.

Phần thứ nhất của phẩm này thuộc phần tự hành, dạy rằng nếu ta chưa đủ sức làm người khác phát tâm, thì cũng đừng làm họ oán ghét. Phật cũng nói kinh này khó tin, khó làm. Chính Ngài cũng trải qua 40 năm dùng phương tiện dẫn dắt và còn 5.000 Tỳ kheo bỏ chúng hội mà đi, huống gì sau khi Phật diệt độ.

Phật dạy rằng không phải bất cứ ai cũng trao cho kinh này. Lịch sử kinh Pháp Hoa ở nước ta từ thời Chi Cương Lương Tiếp đến nay hơn 1.500 năm, số người thọ trì đọc tụng rất hiếm. Xưa kia, những vị cao Tăng trong núi mới thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa, không phổ biến rộng rãi như ngày nay.

Phần 2 : SỰ TRUYỀN BÁ KINH PHÁP HOA

Pháp sư truyền bá kinh Pháp Hoa đúng nghĩa là sứ giả của Như Lai, xứng đáng được trời người tôn thờ, phải hội đủ ba điều kiện tiên quyết để liên hệ tương ưng với Phật. Người chưa đạt được ba pháp này mà nói kinh Pháp Hoa, hết sức nguy hiểm, sẽ bị xuyên tạc, đánh đập, bỏ tù v.v… Ba điều kiện đó là :

1 - Nhà Như Lai là lòng đại từ, đại bi. Chúng ta truyền bá kinh Pháp Hoa trên căn bản tình thương, nhằm mục tiêu hướng dẫn mọi người đến giác ngộ. Tại sao gọi là nhà Như Lai ? Vì tất cả chư Phật mười phương đều thương người, lấy từ tâmbi tâm làm nền tảng hành đạo, cứu khổ và đem an lạc cho chúng sanh. Không có tâm đại từ bi, không thể nào tiêu biểu cho Phật. Đức Phật vì thương chúng sanh, hiện thân trên cuộc đời. Hành giả Pháp Hoa cũng vậy. Phật xác định người thọ trì được kinh này là Bồ tát thành xong Vô thượng chánh đẳng giác, vì thương chúng sanh mà nguyện sanh lại, nên là sứ giả của Như Lai. Ngày nay, ta mang thân đầy chướng ngại, phải tự biết ta sanh lại để trả quả báo.

Bồ tát thương nhân gian sanh lại bước vào đời bằng đôi chân từ bi. Chân phải hành giả bước là ban vui, chân trái là cứu khổ. Sử dụng tâm từ bi đối với chúng sanh, thấy người được việc, hành giả sanh tâm hoan hỷ quý mến. Đối với việc phải, hành giả trân trọng thực sự, khác với tâm ganh tỵ trước kia. Và chân trái hành giả bước đến, nhìn thấy sai trái của cuộc đời, hung ác tội lỗi dẫn họ đến quả khổ đau mà khởi lòng thương, nghĩ cách cứu khổ.

Cứ như vậy, hai bước chân từ bi của hành giả nhẹ nhàng đi vào cuộc đời, đến khi nhập một, thành bất nhị pháp môn. Nhược bằng không có đôi hài từ bi, không phải là hành giả Pháp Hoa, ắt hẳn phải dẫm đạp trên đau thương của kẻ khác.

Bồ tátsứ giả của Như Lai, thay thế Như Lai hiện hữu trên đời, đến với chúng sanh, vì chúng sanh mong cầu các Ngài. Làm xong sứ mệnh Như Lai giao phó, các Ngài quay thuyền về bến giác. Còn chúng sanh làm xong thường hay kể công. Bằng từ tâm, Bồ tát đến theo nhu cầu của người, mang an vui cho họ, không phải tới để thọ lãnh cúng dường. Chúng sanh thọ ơn Bồ tát cứu mạng, không bao giờ quên được. Tâm họ luôn hướng về Ngài, không bị phiền lụy thế gian chi phối. Cuối cùng, họ cũng được giải thoát.

Bồ tát đến với chúng sanh, ví như ánh sáng mặt trăng mang đến sự mát mẻ. Nước dù đục hay trong, ánh trăng vẫn rọi vào. Cũng vậy, tâm chúng sanh đầy phiền não nhiễm ô, nhưng Bồ tát Nguyệt Quang đến, tâm tội lỗi vụt bừng sáng và phát được tâm đại từ bi. Bồ tát ảnh hưởng vào tâm hành giả và biến thành hành động, thì hành giảBồ tát trên nhân gian, không phải Bồ tát ở cõi khác hiện tới.

Mang tư tưởng Pháp Hoa truyền bá, mọi việc làm của Bồ tát đều thể hiện trọn vẹn lòng đại từ bi, sanh tiền hành đạo được chúng sanh cung kính cúng dường, về Niết bàn được mọi người mến tiếc thương nhớ. Bồ tát trì Kinh Pháp Hoa bằng đại bi tâm, đối với chúng sanh không chút vụ lợi.

Riêng chúng ta thương người với điều kiện họ phải phục tùng, đó là tình thương giả dối của nhân gian. Tâm Phật thương người. Người nghe lời Ngài, đi trên đường Thánh đạo. Hiện đời, họ được phước lạc, đời sau thăng tiến quả vị Hiền Thánh. Nhưng đối với người phá hại, không nghe Phật, thì Ngài khởi tâm thương nhiều hơn. Vì nghĩ đến quả báo đau khổ mà họ phải chuốc lấy trong hiện tạimai sau.

Vào đời với tư cách hành giả Pháp Hoa, phải thương người thuận và thương người nghịch nhiều hơn. Nói đúng hơn, là sứ giả Như Lai phải mang thông điệp tình thương của Như Lai đến muôn loài. Trong tâm hành giả không còn trạng thái thương ghét, tất cả mọi loài đều là quyến thuộc phải hộ trì. Tâm từ mở rộng đến cùng tột, tương ưng được với tâm từ của Như Lai, thì huệ lực của Như Lai mới truyền đạt cho hành giảlời nói của hành giả mới làm chúng sanh mát lòng. Khi tâm từ không đủ, hành giả mất tư cách hộ trì chánh pháp. Nếu tự xưng là sứ giả Như Lai, sẽ mắc tội đại vọng ngữ, quả báo không lường được.

Muốn nối gót chư Phật mười phương, phải xét lại tư cách mình có giống Phật hay không. Chúng ta có tạo dòng suối mát cho nhân gian chưa, vắt đất ra nước để làm mát lòng người hay chưa. Nói cách khác, tình thương chúng sanh và việc cứu độ họ chưa tròn đủ, đừng mong gì có Pháp Hoa. Chúng ta tự hỏi lòng mình, trên quá trình tu Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, lòng từ bi của ta tới vị trí nào ? Còn ở đất khô, hay đất ướt, đất bùn hay đã gặp nước ?

Nếu truyền bá Pháp Hoa, bị người chỉ trích, phải nghĩ rằng vì tình thương của chúng ta đối với họ chưa trọn vẹn. Điều kiện tiên quyếtchúng ta phải tăng trưởng tâm từ bi. Chính lòng từ hóa giải tâm ác của người. Người trì kinh không gặp tai nạn, vì với lòng từ luôn nghĩ đến cách làm cho tha nhân vui sướng, không làm họ bớt vui, huống chi nói đến làm khổ. Từ tâm thật sự trải rộng như Phật thì muôn thú còn tìm đến dâng cúng, huống là nhân thiên.

Tăng trưởng lòng từ đến cao độ bằng chư Phật mới chính thức vào nhà Như Lai. Thật sự đã vào nhà Như Lai, là sứ giả của Như Lai, chắc chắn không ai xâm phạm được. Nhưng vì chúng ta còn là phàm phu đầy nghiệp lực, nên phải gặp nhiều chướng duyên. Tâm từtâm bi của hành giả phải được nuôi dưỡngan trú liên tục trong Phật đạo. Nếu có kẽ hở, sẽ sanh phiền não và bị quả báo.

Trên bước đường tu hành, đột nhiên ta thấy một người ác hoặc một việc không bằng lòng hiện ra trên thực tế hay trong tiềm thức, ta nhận biết ngay mình đã đánh mất tâm từ bi. Thật vậy, Phật dạy chúng ta phải thúc liễm sơ tâm, giữ cho tâm lúc nào cũng tốt đẹp, dũng mãnh như tâm ban đầu. Đừng dại khờ đánh mất tâm thanh tịnh ban đầu, sẽ bị bùn nhơ chúng sanh đổ trút lên chôn vùi ta.

Cứu khổ ban vui cho chúng sanhchánh hạnh của Bồ tát. Bồ tát thể nhập vào tâm chúng sanh đến độ quên mất bản ngã, coi chúng sanh là mình và mình là chúng sanh. Đến đây, chúng sanh không cần cầu nguyện Bồ tátBồ tát không cứu chúng sanh nhưng “cảm ứng đạo giao”, cũng như trăng không chui vào nước, nước cũng không lên trăng mà trăng vẫn có trong nước vậy.

2 - Nhu hòa nhẫn nhục hay áo Như Lai

Khi Phật chưa thành đạo, Ngài mặc áo nghiệp như chúng ta. Trải qua quá trình năm năm tìm đạo, sáu năm khổ hạnh đến Bồ đề đạo tràng đêm mùng 8 tháng chạp, kết thành áo Như Lai. Đó là chiếc y vô hình phủ lên Ngài. Suốt 49 năm, Ngài giáo hóa độ sanh, tâm hồn thanh thản, trí huệ sáng suốt, việc làm thánh thiện của Ngài hoàn toàn siêu tuyệt.

Các đại đệ tử cảm nhận được Đức Phật cởi bỏ chuỗi anh lạc, nghĩa là rời bỏ cõi thanh tịnh, mang thân phàm phu, mặc vào áo thô rách là áo ngũ ấm như chúng ta. Và từ ngũ ấm thân này chuyển thành Pháp thân hay mặc áo Như Lai.

Thân xác thường được Phật xem là áo che chở Pháp thân bên trong. Nếu khôngsanh thân, Phật không thuyết pháp độ sanh được. Đối với Phật, áo mục, Ngài thay áo khác. Nghĩa là thấy cần diệt độ, Ngài sẵn sàng bỏ thân, thay bằng thân khác. Tùy yêu cầu của chúng sanh cần loại hình nào, Ngài hiện thân đó.

Áo Như Lai là áo nhu hòa nhẫn nhục. Nhu là mềm, đối với người, hành giả luôn luôn mềm mỏng, lời nói thường dịu dàng. Hòa là giữa hành giả và người hiểu nhau, cảm thông nhau. Bồ tát hòa với chúng sanh đến độ tuyệt đối, cả hai biến thành một. Bồ tát không có lập trường riêng, vì đã thành xong Vô thượng chánh đẳng giác, nhưng thương chúng sanh mà đến với họ, không đến vì quyền lợi nên không đụng chạm nhau.

lập trường chúng sanh, Bồ tát cảm thông với chúng, lần hồi tháo gỡ những gút mắc khó khăn, xây dựng cho họ như xây dựng cho chính mình. Dù chúng sanh cang cường ngang ngược đến đâu, Bồ tát vẫn cương quyết không bỏ, để tâm từ bi không bị tổn hoại. Đến ngày nào nghiệp và phiền não bớt bao vây, trí tuệ sáng thêm, họ sẽ có thiện cảm với Bồ tát. Lúc đó, giải bớt được oan nghiệp và gieo thêm hạt giống Bồ đề trên cõi đời ô trược này.

Ngoài pháp nhu hòa, hành giả cần tu pháp nhẫn. Hành giả trang nghiêm bằng tâm nhẫn nhục, đi vào trần thế với mục tiêu làm người an vui hết khổ. Nhưng họ lại nghĩ hành giả đến để lợi dụng. Va chạm thực tế phũ phàng này, hành giả tự nghĩ mình đến Ta bà không cần bất cứ gì, tại sao lại chịu nhục như thế, liền rũ áo trở về ngay. Thái độ dứt khoát như vậy không phải là Bồ tát Pháp Hoa, không thể hiện hạnh nhẫn nhục của Bồ tát Pháp Hoa.

Bồ tát Pháp Hoa có sức kham nhẫn lạ lùng. Chúng sanh càng đối xử tệ ác bao nhiêu, tâm từ bi các Ngài càng phát triển bấy nhiêu. Nói cách khác, hình ảnh kham nhẫn kiểu mẫu không ai khác hơn là Đức Phật chịu đựng 49 năm ở Ta bà.

Trên bước đường giáo hóa độ sanh của Phật, không phải lúc nào cũng phẳng lặng bình an. Với nhẫn lực siêu tuyệt, Ngài vượt mọi tai ách. Điển hình như câu chuyện lịch sử có ghi rõ một Bà la môn giết con, rồi vu oan cho Phật hiếp dâm và giết con ông. Nhưng Phật kiên nhẫn ở lại cuộc đời, chỉ vì lòng thương tưởng đối với đời. Mười phương Phật hay Phật cửu viễn sai Kim Cang thủ hộ hữu hình và vô hình hộ vệ Phật Thích Ca. Và trên thực tế, vua Ba Tư Nặc là vị hộ pháp đắc lực nhất. Ông ra lệnh điều tra, chính người Bà la môn đã giết con để vu khống, bôi lọ Phật.

Điều kiện tiên quyết thứ hai, hành giả Pháp Hoa cần trang bị sức kham nhẫn chịu đựng. Có một số người nghĩ đơn giản rằng ta chỉ nhịn đối phương, mọi việc sẽ êm. Trước hết cần xác định nhẫn nhục không phải là sự cố gắng nhịn nhục. Bằng nghiệp thức con người hiểu biết, phân biệt, nhịn chịu, hành giả đang tu nhẫn nhục của thế nhân, không phải nhẫn nhục pháp của Bồ tát, của Như Lai. Riêng chúng sanh trong ngục vô gián, chịu đựng ngày này qua tháng nọ, nhưng không bao giờ thành Phật, càng chịu đựng chúng càng đau khổ sân hận.

Cần hiểu rằng nhẫn nhục của Bồ tát là làm thế nào kẻ ác không còn phá rối được nữa. Hành giả phải trừ tận gốc, vì nhịn hoài, họ kiếm chuyện hoài. Đến lúc không nhịn nổi, sẽ bung ra tâm ác và thái độ đối phó càng dữ hơn.

Pháp nhẫn Phật dạy thuộc giới tánh, có công năng đoạn sạch chướng ngại cho hành giả. Pháp nhẫn được triển khai thành ba loại là chúng sanh nhẫn, pháp nhẫn và đại nhẫn. Hội đủ ba pháp nhẫn này mới hình thành nhẫn nhục Ba la mật. Nói cách khác, khi nào không còn gì trên trần thếhành giả phải chịu đựng, mới đạt được pháp nhẫn Ba la mật.

Nhẫn của thế gian cắt lòng ta, nhưng mặc áo Như Lai rồi, hành giả thản nhiên trước mọi sự kiện, không phải nhịn bằng ý thức nhịn. Khoác áo giáp nhẫn của Như Lai, hành giả bình ổn lạ thường, không có đối phó, dù là đối phó bằng cách nhịn.

Sự nhẫn nhục do thọ trì đọc tụng kinh sanh ra, bộc phát tự đáy lòng, là một nhẫn lực tự nhiên, phát ra ngôn ngữ nhu hòa, xoa dịu lòng người.

a - Chúng sanh nhẫn : Phật hiện thân vào thế giới Ta bà, biết rõ căn tánh hành nghiệp chúng sanh, nên Ngài giáo hóa chúng sanh không chướng ngại. Bồ tát hành đạo cũng vậy, dùng vô số phương tiện điều phục chúng sanh cang cường. Các Ngài tu pháp nhẫn, nhường nhịn chúng sanh để không chạm tự ái của chúng. Và theo dõi nghiệp ác, suy nghĩ, ham muốn của chúng sanh, lần sửa đổi, phát huy tri thứcđạo đức cho chúng tốt hơn.

Phật dạy hành giả Pháp Hoa phải nhẫn nhụctu Pháp Hoa hiện thân con người thánh thiện ắt phải đối nghịch với người ác. Việc tốt hành giả làm nhất định phải gây tác hại cho người xấu. Thật vậy, khi có hai hình chúng ta dễ so sánh, cái xấu hiện rõ vì có điều tốt, hình ác hiện rõ vì có hình thánh thiện. Phật tiêu biểu cho ánh sáng và ma tiêu biểu cho bóng đen, ánh sáng xuất hiện thì bóng tối phải tan biến.

Ta bà, luôn luôn tồn tại hai mặt tương phản. Hành giả Pháp Hoa quan sát rõ như vậy, khởi tâm từ cứu người ác nghịch, sẵn sàng gánh chịu điều kỳ quặc, tệ xấu của họ. Tuy ông Phật trong họ quá nhỏ, chỉ có một điểm tâm thôi, hành giả cũng cố gắng tìm điểm dễ thương nhất, tìm điểm tốt nhất của họ để cứu giúp, nuôi dưỡng điểm thiện nhỏ nhất của họ cho phát triển.

Với trí tuệ chỉ đạo, Bồ tát nhẫn nhục dễ dàng. Bồ tát càng nhẫn, công đức càng tăng và quyến thuộc càng đông hơn. Thường Bất Khinh Bồ tát thực hiện hạnh nhẫn cao độ với những người tăng thượng mạn. Sau này, họ đều trở thành quyến thuộc của Ngài với đầy đủ các thành phần Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, cư sĩ, Bồ tát.

Thực hành pháp nhẫn, chuyển hóa hiểu biết của người, đến khi tầm nhìn của họ và Bồ tát giống nhau, họ và Bồ tát đã thành một. Bồ tát đã thành tựu pháp chúng sanh nhẫn.

b - Pháp nhẫn : nghĩa là tất cả pháp thuộc hữu hình, vô hình, hữu vi, vô vi được hành giả quan sát cùng tột ngọn nguồn để phục vụ lợi lạc cho chúng sanh. Đầu tiên, hành giả đối phó với pháp hữu hình, hữu vi. Thực tế là cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc men, phải giải quyết trước. Hành giả tự khắc phục, tập bỏ ăn ngon chỉ ăn no, tiến đến ăn vừa đủ để duy trì sự sống bình thường. Vì chúng ta ý thức rõ ba việc ăn, mặc, ở ràng buộc suốt cuộc đời. Hành giả tự hạn chế, bớt lệ thuộc chúng, dành thì giờ, trí khôn, sức khỏe cho việc tiến tu.

Đến khi thành tựu pháp nhẫn, tất cả pháp vô tình, vô vi, hay nói chung hành giả tác động được mọi loài trong pháp giới theo ý muốn, điều động thiên nhiên tự tại. Chẳng những hoàn cảnh thiên nhiên không chi phối bức ngặt hành giả, ngược lại hành giả chuyển vật, biến nó trở thành phục vụ cho mình và người.

c - Đại nhẫn : Sau khi đã biến chúng sanh và các pháp thuận theo hành giả, tự động pháp nhẫn thứ ba sanh ra, trở về ngũ uẩn pháp ở dạng nguyên thể. Ta, chúng sanh và pháp đồng nhất thể hay Phật, tâm, chúng sanh trở thành một. Hành giả đạt đến quả vị Như Lai. Pháp đại nhẫn thuộc phần tâm chứng của đại Bồ tát, khó dùng ngôn ngữ diễn bày được.

Ba pháp nhẫn : chúng sanh nhẫn, pháp nhẫn, đại nhẫn thành tựu, dẫn hành giả đến cứu cánh Phật quả.

Trên bước đường tu, muốn nhu hòa nhẫn nhục, hành giả phải tự hạ thấp mình xuống. Ngay như Phật ra đời để tuyên bày chân lý Pháp Hoa, nhưng vì đại chúng chưa chấp nhận được, Ngài phải sống tùy thuận để dần dần xây dựng tình thương rộng lớn cho họ.

Pháp sư thể hiện pháp nhẫn cao tột, sâu sắc là Nhật Liên Thánh nhân. Trên bước đường lập giáo khai tông, Ngài chẳng những bác bỏ kinh sách của ngoại đạo, mà cả các kinh khác của Phật nói ra. Ngài nói 14 phẩm đầu của kinh Pháp Hoa dành cho chúng đương cơ, không phải của Bồ tát hay chúng hậu thế. Vì chúng ta đâu có theo ngoại đạo mà phải cải tạo tư tưởng ngoại đạo sang tư tưởng Phật đạo, cũng như không theo Tiểu thừa nên không phải chuyển từ Tiểu thừa sang Đại thừa.

Chúng ta trực tiếp nhận được giáo lý Đại thừa, thì cứ từ đó mà đi lên. Nếu tu các kinh khác chỉ là phú chướng giáo hay vị đắc đạo giáo. Những người này sánh bằng cầm thú, không thể là nhà truyền giáo được và những danh sư thời đó, Ngài coi là trùng độc trong thân sư tử. Ngài chỉ trích mạnh mẽ như vậy, nhưng vì là Bồ tát thị hiện, nên không giết Ngài được mới đưa Ngài đi lưu đày ngoài đảo. Khi sóng bủa ba đào, Ngài đã hòa với thiên nhiên đến độ cao nhất tạo thành một lực dụng bất khả tư nghì. Ngài chỉ niệm Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh tức thì sóng lặng bể yên. Sau khi đày Ngài ra đảo, tình hình trong nước càng ngày càng bi đát, gặp nhiều chống đối, kinh tế khủng hoảng, thiên tai dồn dập đổ xuống và ngoại xâm hăm dọa. Lúc đó vua mới ra lệnh rước Ngài về và nước Nhật từ đó thay đổi sáng sủa hơn. Tất cả huyền nhiệm Ngài tạo nên làm người Nhật vững niềm tin, tôn kính Ngài như Thượng Hạnh Bồ tát.

Hoằng truyền kinh Pháp Hoa, sẽ gặp khó khăn như vậy. Chúng ta tự lượng sức mình có đủ khả năng làm những việc thần bí như Ngài Nhật Liên hay không. Nếu không, chúng ta phải nhu hòa nhẫn nhục như Thánh Đức thái tử đã làm trước đó 5 thế kỷ, tạo thành tư thế mà người chống đối phải mang vũ khí đến nộp để đúc tượng Tỳ Lô Giá Na.

Chính Ngài Nhật Liên khi được rước từ đảo về, cũng trở lại thái độ nhu hòa khiến mọi người ngạc nhiên. Ngài bảo đại chúng rằng nếu Ngài tự thấy thành công, thì sẽ thành kẻ tăng thượng mạn, không phải là hành giả Pháp Hoa.

Ngài khuyên chúng ta phải cẩn thận, nên truyền bá kinh Pháp Hoa trong tư thế nhu hòa nhẫn nhục. Đừng gây mâu thuẫn, tạo thành thế chống đối, khi thân phận chúng ta còn bất lực trước hoàn cảnh thiên nhiên và những kẻ tàn bạo. Người đời sau phần nhiều đều áp dụng pháp nhu hòa nhẫn nhục, tùy trường hợp và mức độ tu hành tới đâu có kết quả tới đó. Đến độ cao nhất như mặc áo giáp chư Phật thì không còn gì để nhẫn nữa, mà mọi loài đều quy ngưỡng.

3 - Tòa Như Lai là tất cả pháp KHÔNG. Điểm này dễ lầm vì Thanh văn cũng tu ba pháp : KHÔNG, Vô tác, Vô nguyện. Đến Đại thừa Bát Nhã cũng tu pháp KHÔNG và Pháp Hoa cũng đặt trên căn bản KHÔNG.

Ba trường hợp này khác nhau vì KHÔNG của Tiểu thừa là KHÔNG của kẻ chán đời, tiêu cực. Thời Phật tại thế, giới trí thức không hợp tác với vua chúa, được gọi là Sa môn đối lập với hàng Bà la môn là công cụ của vua. Vì mang tâm niệm yếm thế, Đức Phật dạy họ không làm gì, gọi là vô tác, để đừng đụng chạm tới vua chúa, đừng bị tù tội. Họ không làm bất cứ gì, vì thấy mọi cố gắng đều vô ích, đều là KHÔNG. Sự nghiệp của họ đã mất hết và để diệt lòng tham dục đến tận cùng, nên phải vô nguyện. Sống chỉ biết ngày nay và cũng không có ý niệm xây dựng, để tạo một nếp sống bình ổn trong xã hội phức tạp.

Ngoài ra, dưới lăng kính của người tu Bát Nhã, mọi vật trên cuộc đời đều không có thực thể, do nhân duyên hòa hợp mà thành, từ điên đảo vọng tưởng mà sanh. Không hề có pháp cố định, tất cả pháp biến đổi không ngừng để tạo thành thế thăng bằng tồn tại mọi vật trong vũ trụ.

Bồ tát hành đạo tiếp cận chân lý, hội nhập chân lý, làm mọi việc chỉ nhằm mục tiêu giúp người phát tâm Bồ đề, xa rời chấp trước. Theo kiến giải của Bồ tát, mọi việc làm ở thế gian cuối cùng sẽ hoàn KHÔNG. Nếu nghĩ nó tồn tại, sẽ sanh tâm cố chấp kiêu mạn.

Các pháp đều KHÔNG, nên tâm hành giả không chướng ngại, không còn điên đảo vọng tưởng, dù đó là cứu cánh Niết bàn. Mọi việc thành tựu không được ôm ấp trong lòng, dù là việc thiện. Phật dạy pháp (chỉ cho việc tốt) còn bỏ, huống chi là phi pháp. An trú pháp KHÔNG, phiền não không còn dấy loạn, tất cả công đức lành đều hồi hướng Phật đạo để tâm hoàn toàn giải thoát.

Tất cả pháp KHÔNG nói trên không phải là tòa Như Lai, mà là pháp tòa của A la hán, của Bồ tát. Tuy bình ổn, nhưng chưa đủ tư cách để giảng Pháp Hoa. Phải ngồi tòa Như Lai, tức thấy được tánh của sự vật mà kinh lăng Nghiêm diễn tả bằng câu “Tánh SẮC chơn KHÔNG, tánh KHÔNG chơn SẮC, thanh tịnh bản nhiên châu biến pháp giới”. Nghĩa là nhìn vật qua hiện tượng là sắc chất, nhưng ngồi tòa Như Lai thấy tánh của vật là KHÔNG. Vì trong vật đã tiềm tàng cái KHÔNG tồn tại và ngược lại trong cái chơn KHÔNG chưa xuất hiện vật ra ngoài cho chúng ta thấy bằng mắt, cũng đã tiềm ẩn phần sắc hay vật. Ví dụ năm ngày trước hoa chưa nở, ta nói không có, nhưng Phật nói có. Ta bằng lòng chăng? Cũng vậy, mọi người đang đau khổ, Ngài nói chúng ta là Phật. Ta chấp nhận được chăng ? Đến khi hoa nở, Phật lại bảo không có. Chúng ta nghĩ sao ? Dưới mắt quan sát của người có trí tuệ, tánh sắc là chơn không và tánh không là chơn sắc. Ở bản thể, vật hoàn toàn thanh tịnh, tùy tâm thế nào vật theo đó hiện. Ngài Long Thọ gọi là giả danh. Hoa không có thực. Do suy nghĩ, hiểu biết hay nói khác do thức biến, ta đặt tên cho nó là hoa.

Tuy nhiên, điều đặc biệtpháp KHÔNG của Pháp Hoa hoàn toàn khác với KHÔNG của Bát Nhã vì đằng sau pháp KHÔNG này là diệu hữu bất khả tư nghì. Chính Phật Thích Ca thể hiện sâu sắc trọn vẹn sự chứng đắc pháp KHÔNG diệu hữu, Ngài mới trường tồn mãi với thế gian. Tuy Ngài vào Niết bàn hơn 25 thế kỷ, giáo pháp của Ngài vẫn hội nhập sâu sắc vào cuộc sống của nhân loại.

Riêng chúng đương cơ được Phật dẫn vào thế giới KHÔNG diệu hữu, vượt tâm thức con người, chuẩn bị tư cách chiêm ngưỡng tháp Đa Bảo, nghe Đức Phật Đa Bảo phát ra lời nói chứng tín “Thiện tai, thiện tai, Thích Ca Mâu Ni, chỗ Ngài nói đó là pháp chân thật”. Phật đưa chúng hội từ thế giới con người phàm phu vào cảnh giới mầu nhiệm của chư Phật, được nói đến trong phẩm kế tiếp.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 49669)
Khi ta phát triển định tâm, ta sẽ có thể giữ những chướng ngại tạm thời ở một bên. Khi những chướng ngại được khắc phục, tâm ta trở nên rõ ràng trong sáng.
(Xem: 34598)
Nếu kẻ nam tử người nữ nhơn thân có tai ách, trong nhà nên an trí tháp xá-lợi và hình tượng Phật, họa vẽ tượng đức Văn-thù-sư-lợi Đồng tử, thiêu các thứ hương...
(Xem: 33419)
Phật dạy A-nan: “Đời quá khứ, cõi Diêm-phù-đề này có một vị Tỳ-khưu tên là Truyền Giáo. Ngày 15 tháng chín đi du hành về phương Bắc, cách nước Chi Na không xa...
(Xem: 43875)
Lúc bấy giờ, khắp vì lợi ích tất cả chúng sanh, đức Thế tôn nói đà-ra-ni rằng: Na mồ một đà nẫm Ma đế đa na nga đa Bác ra đát dũ đát bán na nẫm...
(Xem: 56985)
Tập sách Thiền và Bát-nhã này là phần trích Luận Năm và Luận Sáu, trong bộ Thiền luận, tập hạ, của D. T. Suzuki. Tập này gồm các thiên luận về Hoa nghiêm và Bát-nhã.
(Xem: 47509)
Thật ra sanh tử là do tâm thức vô minh của chúng ta “quán tưởng” ra là có tự tánh, là có thật, như ví dụ “hư không khônghoa đốm mà thấy ra có hoa đốm”.
(Xem: 39382)
Bát Thức Quy Củ Tụng - Những bài tụng khuôn mẫu giảng về tám thức tâm vương; tác giả: Huyền Trang; người toát yếu: Khuy Cơ, người dịch giảng: HT Thích Thắng Hoan
(Xem: 38433)
Quyển "Vi Diệu Pháp Nhập Môn" ngoài tác dụng của bộ sách giáo Khoa Phật Học; còn là cuốn sách đầu giường của học giả nghiên cứu về Triết lý Ấn độ, cũng như Văn Học A Tỳ Ðàm...
(Xem: 52884)
Kinh Ðại Bát Niết bàn, vì là lời nói sau cùng của Ðức Phật, trước khi Ngài Niết Bàn, nên bao quát hầu như đủ mọi thắc mắc của chúng sinh...Nguyễn Minh Tiến; Đoàn Trung Còn
(Xem: 36568)
Như Lai là bậc A-la-hán, chánh đẳng chánh giác, dùng pháp thắng tri (tuệ tri: biết sát na hiện tiền) hay pháp chánh tri kiến để liễu tri sự vật, không dục hỷ...
(Xem: 32206)
Nếu có ai hỏi ngài Duy Ma Cật: “Bản thể của thế giới này là gì?” thì trước sự im lặng của ngài Duy Ma Cật mà lại được Văn Thù Sư Lợi hết sức tán thưởng là có ý nghĩa sâu xa của nó.
(Xem: 40398)
Như thật tôi nghe: Một thời đức Phật ở tại Pháp Giả Ðại Bồ-đề Ðạo tràng thuộc nước Ma-già-đà, vừa thành Chánh giác cùng các Bồ-tát Ma-ha-tát chúng gồm có tám vạn người...
(Xem: 43434)
"Có đà-ra-ni tên là Túc Mạng Trí. Nếu có chúng sanh nghe đà-ra-ni này mà hay chí tâm thọ trì, thì bao nhiêu nghiệp tội cực nặng trong một ngàn kiếp thảy đều tiêu diệt.
(Xem: 31423)
Nakulapita là một người chủ gia đình sinh sống trong vùng Bhagga, đã trọng tuổithường hay đau yếu. Ông rất kính mến Đức PhậtĐức Phật cũng xem ông như một người con của mình.
(Xem: 46674)
Vì lòng thương xót chúng sanh đời Mạt Pháp, đức Thế Tôn đặc biệt nói ra pháp này để rộng cứu tế, ngõ hầu chúng sanh dẫu chẳng được gặp Phật, mà nếu gặp được pháp môn này...
(Xem: 36134)
Sự kiện Đức Phật chấp nhận thành lập giáo hội Tỳ kheo ni, nâng vị trí người nữ đến mức quan trọng nhất, là việc làm duy nhất và chưa từng thấy trong lịch sử tôn giáo...
(Xem: 28662)
"Có một lần Đấng Thế Tôn lưu ngụ với những người dân trong vùng Bhagga, gần thị trấn Sumsumaragiri, thuộc khu rừng Lộc Uyển...
(Xem: 29185)
Cách tốt nhất để mang lại sự an ổn cho bản thân là hướng về điều thiện, và quy y Tam bảo là nền tảng đầu tiên cho một cuộc sống hướng thiện.
(Xem: 31844)
Lúc bấy giờ, rừng cây Ta La ở thành Câu Thi Na, rừng ấy biến thành màu trắng giống như con hạc trắng. Ở trong hư không tự nhiên mà có tòa lầu các bảy báu với những hoa văn...
(Xem: 28768)
Phật dạy Tu-bồ-đề: “Các vị Đại Bồ Tát nên hàng phục tâm như thế này: ‘Đối với tất cả các loài chúng sinh, hoặc sinh từ bào thai, hoặc sinh từ trứng, hoặc sinh nơi ẩm thấp, hoặc do biến hóa sinh ra...
(Xem: 33320)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Niết Bàn, Kinh số 0376, Hán dịch: Đời Đông Tấn, Sa-môn Pháp Hiển, Việt dịch: Thích Nguyên Hùng
(Xem: 29090)
Gương trí vằng vặc của Như Lai cũng như thế, là pháp giới vắng lặng không có gián đoạn không có dao động, vì muốn giúp vô lượng vô số chúng sanh thấy rõ nhiễm-tịnh...
(Xem: 60954)
Kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni - một trong các pháp môn - là trí ấn của tất cả Như Lai, mầu nhiệm rộng sâu, khác chi thuyền bè trong biển ba đào, nhật nguyệt giữa trời u ám.
(Xem: 39693)
Phật dạy đại chúng: “Lúc nào cõi nước không an, tai nạn nổi lên và kẻ nam người nữ bị tai ương biến họa, chỉ thỉnh chúng Tăng như Pháp kiến lập đạo tràng...
(Xem: 26616)
Phật tử có nghĩa là tự nguyện theo Tam quy (ti-sarana), Ngũ giới (pañca-sila), tức là nương tựa vào Tam bảo (ti-ratana) và giữ gìn năm giới căn bản của đạo Phật.
(Xem: 29634)
Trong Kiến Đàn Giải Uế Nghi của Thủy Lục Chư Khoa có lời tán thán bồ tát Quán Thế Âm rằng: “Nhân tu sáu độ, quả chứng một thừa, thệ nguyện rộng sâu như biển lớn mênh mông không thể đo lường...
(Xem: 37311)
Nếu có chúng sanh muốn vãng sanh về Chín phẩm Tịnh độ như thế, hãy phụng quán 12 Viên diệu ấy, ngày đêm ba thời, xưng Chín phẩm Tịnh độ như vậy...
(Xem: 40043)
Trong thể trạng giác ngộ, chúng ta có hai thân Phật được biết như thân hình thể và thân chân thật, tức là sắc thânpháp thân. Sắc thân Phật là thân tự tại...
(Xem: 26811)
Nếu các chúng sanh ác tâm hướng nhau, hãy xưng danh hiệu Địa Tạng Bồ-tát, nhất tâm quy y, khiến chúng sanh kia nhu hòa nhẫn nhục, hổ thẹn với nhau, từ tâm sám hối...
(Xem: 42602)
Nếu trong sự thuần tưởng, lại gồm cả phước huệ và tịnh nguyện thì tự nhiên tâm trí khai mở mà được thấy mười phương chư Phật, tùy theo nguyện lực của mình mà sanh về Tịnh-độ.
(Xem: 37229)
Khi chúng ta thấy những chức năng của luật nhân quả, chúng ta có thể phân biệt hai loại chủ thể trải nghiệm mối quan hệ nhân quả này. Đây là thế giới của thân thể vật lýtâm thức.
(Xem: 28259)
Sự hiện hữa của các pháp trên mặt hiện tượng của tướng đó là một sự hiện hữu giả hợp do duyên và, mặt khác tánh của chúng là Không cũng do duyên mang lại.
(Xem: 28871)
Bàn tay cầm chiếc chìa khóa vô thườngchánh niệm. Dùng hơi thở chánh niệm ta tiếp xúc với mọi sự vật, quán chiếu và thấy được tính vô thường của mọi sự vật.
(Xem: 26359)
Này các thầy! Tánh Không thì rỗng không, không vọng tưởng, không sanh, không diệt, lìa tất cả tri kiến. Vì sao? Vì tánh Không không có nơi chốn, không thuộc sắc tướng...
(Xem: 27132)
Phật dạy: Tự tính của Không là không nằm trên bình diện có không, không nằm trong khuôn khổ các vọng tưởng, không có tướng sinh, không có tướng diệt, và vượt thoát mọi tri kiến.
(Xem: 26160)
Đức Phật thấy rõ bản chất của phiền não tham, sân, si là nguồn gốc khổ đau, Ngài chế ra ba phương thuốc Giới-Định-Tuệ để chữa tâm bệnh tham, sân, si cho chúng sinh...
(Xem: 34563)
Do tánh Không nên các duyên tập khởi cấu thành vạn pháp, nhờ nhận thức được tánh Không, hành giả sẽ thấy rõ chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, cuộc đời là khổ.
(Xem: 27777)
Tôi nghĩ nhiệm vụ quan trọng nhất của bất cứ một hành giả của một tôn giáo nào là thẩm tra chính họ trong tâm hồn của chính họ và cố gắng để chuyển hóa thân thể, lời nói
(Xem: 30438)
Bụt là bậc có Nhất Thiết Trí, bản chất của Người là đại nhân từ, vì thương xót nhân gian cho nên mới xuất hiện trên cuộc đời này để mở bày đạo nghĩa, giải cứu cho con người.
(Xem: 33221)
Nói đến tịnh độ tất phải nói đến hai khái niệm tự lựctha lực. Tự lực nói đến phương pháp chúng ta thực hành cho tự thân, dựa vào nội lực của chính tâm chúng ta.
(Xem: 28523)
Khi Phật thành đạo là do đạt được Trí Tuệ hay Giác Trí Tuệ thì các pháp giải thoát được thiết lập thực hành Giác Trí Tuệ trong các thời thiền tập.
(Xem: 30033)
Khi tuệ giác nội quán của chúng ta vào trong bản chất tối hậu của thực tạiTính Không được sâu sắc và nâng cao, chúng ta sẽ phát triển một nhận thức về thực tại...
(Xem: 25460)
Thông thường mà nói Bát Nhã có ba ý nghĩa. Thứ nhất là thực tướng, tướng là tướng trạng, thực tướng chính là hình ảnh chân thực. Nghĩa thứ hai là quán chiếu Bát Nhã, cũng chính là chỗ dụng của thực tướng.
(Xem: 21810)
Trong lời phàm lệ của quyển Tứ phần giới bổn như thích, Luật sư Hoằng Tán (1611-1685) nói: "Tam thế chư Phật câu thuyết Kinh-Luật-Luận tam tạng Thánh giáo.
(Xem: 51244)
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Lòng tin là gốc của đạo, sanh ra các công đức. Lòng tin có thể nuôi lớn các căn lành. Lòng tin có thể vượt khỏi các đường ma.
(Xem: 26681)
Tận cùng tư duy của Đạo Phật quan tâm, định luật căn bản là: chúng ta muốn hạnh phúc. Quyền căn bản của chúng tađạt được hạnh phúc.
(Xem: 28580)
Khi chúng ta nói về từ bi, thật đáng khuyến khích để lưu ý rằng bản chất tự nhiên của con người, tôi tin, là từ bihiền lành.
(Xem: 27673)
Thế Tôn, nếu có người nghe được kinh này mà có lòng tin thanh tịnhđạt được cái thấy chân thật thì nên biết người ấy đã thực hiện được công đức hiếm có vào bậc nhất.
(Xem: 24327)
Tự tánh giả danh hay tùy thuộc cũng nằm trong phạm trù Tánh không. Tự tánh giả danh được thể hiện tướng sanh diệt do tác động thời gian thì có sanh có diệt...
(Xem: 27427)
Tuệ quán là tri nhận một cách sáng suốt, vô thời gian. Vì lẽ chơn thức (tri giác nguyên sơ) là một điểm nhận thức có thật trong động tác nhận thức đầu nguồn của tri giác.
(Xem: 31884)
Chết là một phần của đời sống chúng ta. Cho dù chúng ta thích hay không, nó bắt buộc phải xảy ra. Thay vì tránh nghĩ về điều đó, chúng ta tốt hơn thấu hiểu ý nghĩa của nó.
(Xem: 30151)
Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có thiện nam, thiện nữ nào muốn vì chúng sinh mà nói kinh Pháp Hoa này thời thiện nam hay thiện nữ ấy phải vào nhà Như Lai... Pháp sư Thích Thiện Trí
(Xem: 27657)
“Dược Sư Lưu Ly Quang” là tên gọi của đức Phật này; “Như Lai” là một trong mười tôn hiệu của mỗi vị Phật; “Bổn Nguyện” là các lời phát nguyện của đức Phật này khi Ngài phát tâm Bồ-đề...
(Xem: 35388)
Trong việc phát triển hành xả, chúng ta cần thấu hiểu rằng những cảm xúc tiêu cực như thù hận và dính mắc là không thích đáng và không lành mạnh...
(Xem: 27400)
Ngày nay, Kinh Chuyển Pháp Luân thuộc Tương Ưng Sự ThậtTương Ưng Bộ SN 56.11 trong kinh điển Pali được xem là lời dạy đầu tiên của Đức Phật.
(Xem: 29975)
Để tìm về tính nguyên thủy ấy, lẽ tự nhiên là ta cần khảo sát cẩn trọng bản kinh được xem là lời dạy đầu tiên của Đức Phật. Đó là Kinh Như Lai Thuyết...
(Xem: 31716)
Chúng ta chẳng thể nào mang theo bất kỳ thứ gì khi từ giã thế giới này ngoại trừ nghiệp và những giá trị tâm linh như tình yêu thương, lòng bi mẫntrí tuệ mà ta đã trưởng dưỡng...
(Xem: 22980)
Kinh Điềm Lành (Mangala Sutta) -- còn có tên là kinh Phước Đức hay kinh Hạnh Phúc -- là bài kinh số 5 trong Tiểu Tụng (Khuddakapātha), thuộc Tiểu Bộ (Khuddhaka Nikāya).
(Xem: 24143)
Cách mà chúng ta đang sống sẽ là một trong các nhân tố chính yếu có thể mang lại cho chúng ta sự thanh thảnđiềm tĩnh trong giây phút lâm chung.
(Xem: 22985)
Kinh này có tám phương pháp tu hành thành Phật, mà bậc Đại nhân gánh vác sự nghiệp lớn liễu sinh thoát tử, hóa độ chúng sinh cần phải giác ngộ, nên gọi là Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Bậc Đại Nhân.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant