Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Suy Nghĩ Từ Bát Nhã Tâm Kinh

02 Tháng Mười Một 201706:54(Xem: 8227)
Suy Nghĩ Từ Bát Nhã Tâm Kinh
SUY NGHĨ TỪ BÁT NHÃ TÂM KINH

Nguyên Giác

Suy Nghĩ Từ Bát Nhã Tâm Kinh


Bài viết này ghi lại một số suy nghĩ về Bát Nhã Tâm Kinh, một bản kinh phổ biến trong Phật giáo nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Bài viết hoàn toàn không có ý tham dự vào cuộc tranh luận nào, vì bản thân người viết không giỏi các ngôn ngữ Bắc Phạn, Nam Phạn, Hán Văn… trong khi chỉ được xem là tạm tạm biết Anh ngữ và tương đối khá Việt ngữ. Bài này cũng sẽ không phân tích theo sử liệu, cũng không dựa vào các luận sư đời sau. Nghĩa là, những suy nghĩ trong bài này khởi từ một vốn học quê mùa, được nghe bản văn từ những ngày thơ ấu, hiểu theo những trực giác ấu thơ, thêm một phần từ lời dạy của các vị hòa thượng đã quá cố tại quê nhà và lớn lên với các sách tiếng Việt gặp được trong những năm tìm học, và rồi đọc lại nhiều thập niên sau khi ra nước người.

Bài này sẽ viết ngắn gọn, chỉ nói về một vài câu (đúng ra, vài chữ) trong Tâm Kinh. Bài viết cũng không có đủ mức học thuật, và chỉ là những suy nghĩ riêng để ứng dụng trong đời thường. Nếu bài viết có lợi ích với bất kỳ ai, xin hồi hướng công đức tới khắp pháp giới chúng sinh; nếu sai sót, xin trọn lòng sám hối trước ba đời chư Phật.

…o… 

TÂM KINH DÙNG CHO MỌI TRÌNH ĐỘ

Bài này sẽ suy nghĩ dựa vào bản của Ngài Huyền Trang, bản văn nằm trong Kinh Nhật Tụng của đa số Phật Tử Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản… Khi đưa vào Kinh Nhật Tụng, chư Tổ sư Trung Hoa hẳn là nghĩ rằng Tâm Kinh cần được nghe với già trẻ lớn bé, với cả học giả lẫn người mù chữ, với cả người đã tu nhiều thập niên cho tới người mới đặt chân vào cổng chùa. Có nghĩa là, kinh này không để riêng cho giới học giả, và người tụng đọc và hành trì không cần phải uyên bác thiên kinh ngàn quyền.

Tuy nhiên, khi gọi rằng kinh này đưa qua bờ bên kia, nghĩa là kinh này dạy pháp giải thoát thích nghi cho tất cả Phật Tử. Và do vậy, nên học thuộc và nghiền ngẫm từng chữ.

CHỮ “SẮC” CÓ 2 NGHĨA

Có một điều dễ nhầm lẫn là về từ Hán-Việt: chữ “sắc” đọc trong tiếng Việt là một âm, nhưng trong Tâm Kinh dùng cho hai nghĩa khác nhau.

Chữ “sắc” dùng trong “sắc uẩn” có thể dịch là “thân và sáu căn” (sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý). 

Nhưng giữa bài Tâm Kinh, chữ “sắc” cũng dùng trong câu:

…vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp

Như thế, chữ “sắc” trong này không có nghĩa như trong “sắc uẩn” và câu vừa dẫn chỉ có nghĩa là, dịch:

 …không hề có cái được thấy, không hề có cái được nghe, không hề có cái được ngửi, không hề có cái được chạm xúc, không hề có cái được suy nghĩ (nhận biết bởi ý thức)…

Vì chữ “sắc” trong bản Hán-Việt mang hai nghĩa như thế, bản thân người viết khi con niên thiếu đã rơi vào chỗ mơ hồ. Nhưng thực sự, phải chăng những mơ hồ như thế, mới thúc đẩy người tụng đọc phải đi tìm ý nghĩa từng chữ?  Đây chỉ là suy đoán, vì toàn thể bài Tâm Kinh như dường lúc nào cũng phủ đầy một lớp sương khói mơ hồ.

THẤY THỰC TƯỚNG NĂM UẨN LÀ KHÔNG

Câu đầu có nhóm chữ:  chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.  Nghĩa là hễ soi chiếu và thấy năm uẩn đều là không, sẽ qua được mọi khổ ách.

Soi chiếu và thấy… có nghĩa là thấy bằng trí tuệ. Rằng thực tướng năm uẩn là không. Câu kế tiếp sẽ giải thích rõ hơn.

Tâm Kinh viết: Xá-Lợi-Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị.

Nghĩa là: sắc không khác không, không không khác sắc, sắc chính là không, không chính là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng là như thế.

Bản của H.E. Garchen Rinpoche, cũng như bản của một số học giả dịch chữ:

Sắc trong "sắc bất dị không" là "Body." Tiếng Việt hiểu là "Thân"...

Đa số các học giả (kể cả Đức Đạt Lai Lạt Ma) dịch “sắc” là "Form"... Tiếng Việt hiểu là “Hình hài”…

Cả hai cách dịch “Body” và “Form” đều không làm rõ nghĩa “sắc uẩn.”

Nếu dịch rõ nghĩa sẽ là: “Thân và sáu căn không khác gì với không”… Nhưng như thế, sẽ khó tụng đọc trong bản kinh cô đọng, cần học thuộc lòng.

Trong khi đó, chữ “khôngđa số học giả đều dịch là “emptiness” – hiểu là, rỗng rang không tự tánh.

Có một số học giả dịch chữ “không” là “the boundless” – hiểu là, cái rỗng rang vô tận. Muốn ám chỉ rằng, cái rỗng rang không có gì hết này thực ra có thể sinh ra các pháp.

Cả hai cách dịch đều đúng. Nhưng để đọc tụng, để học thuộc lòng, chữ “không” ngắn gọn và dễ nhớ hơn, và thực ra sẽ gây nghi vấn nhiều hơn, để học nhân tự tìm hiểu. Trong khi chữ “the boundless” dễ gây nhầm lẫn là có cái gì vô tận đó.

KINH NA TIÊN TỲ KHEO: NGÃ, PHÁP ĐỀU KHÔNG

Có thể thấy ý “sắc bất dị không” giải thích rất rõ trong Kinh Na Tiên Tỳ Kheo.

Đại sư Na Tiên nói với Vua Di Lan Đà rằng Na Tiên chỉ là cái cái tên Na Tiên, chớ không hề có cái gì gọi là “ta” hay “của ta” trong Na Tiên, không hề là tóc, răng, da, thịt, tủy, gân… cho tới mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý… cho tới sắc, thọ, tưởng, hành, thức… cũng đều rỗng rang không tự tánh.

Sau khi nói về người (personality, state of being a person) vốn thật rỗng rang vô tự tánh, Đại sư Na Tiên dẫn ra thí dụ về chiếc xe (tức là pháp, là đối tượng được thấy, được nghe, được sử dụng…)

Đại sư Na Tiên nói với Vua Di Lan Đà rằng gọng xe, trục xe,  bánh xe, mui xe… đều không phải là xe, và “tất cả các món ấy họp lại và buộc chung với nhau” cũng không phải là xe.

Do vậy, Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, bản Việt dịch của Cao Hữu Đính, viết:

"Thấy nhà Vua ngồi câm nín và các quan chức thì tỏ lòng tán dương bằng nhiều cách khác nhau, Đại đức Na Tiên bèn từ hòa tâu với nhà Vua rằng:

-- Trong kinh, Phật có dạy như vầy: "Hiệp các món gọng, thùng, bánh, mui... theo một mẫu mực nào đó thì thành một cái mà người ta tạm gọi là xe. Cũng như thế, hiệp tất cả đầu, mặt, tay, chân, hơi thở, lời nói, sự khổ, sự vui, điều lành, điều dữ... thì cũng thành một đơn vị mà người ta tạm gọi là cái "ta" để tiện bề phân biệt. Chứ thật ra thì không có cái "ta" chơn thật nào cả! Đúng như lời của nữ tôn giả Hoa Si Ra (Vajirã) đã bạch với Đức Thế Tôn khi Ngài còn tại thế: "Danh xưng xe sở dĩ có là do nhiều món đồ hợp lại là vẽ thành. Nhiều món cơ thể vẽ thành một vật mệnh danh là chúng sanh"..."(1)

Như thế là các pháp (dù là ta, người, vạn vật) chỉ là danh thôi, và là vô ngã, là rỗng rang vô tự tánh.

Khi đã thấy các pháp rỗng rang vô tự tánh, tức khắc tất cả các tâm tham sân si tan hết, y hệt như tuyết rơi trên lò lửa đang cháy. Xa lìa tham sân si tức nhiên giải thoát.

MẮT, TAI, MŨI, LƯỠI… LÀ KHÔNG

Trong Tương Ưng Bộ, có Kinh SN 35.85 -- dựa vào 2 bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu và của Bhikkhu Bodhi, chúng ta trích dịch nơi đây như sau:

“Đức Phật dạy: Ananda, thế giới là không (Empty is the world), bởi vì nó rỗng rang không tự ngã, và nó không tùy thuộc vào bất kỳ cái được gọi là tự ngã nào. Và cái gì rỗng rang không tự ngã và không thuộc về cái gì gọi là tự ngã? Ananda, mắt là rỗng rang không tự ngã, và rỗng rang không tùy thuộc vào cái gì gọi là tự ngã. Cái được thấy là rỗng rang không tự ngã và không tùy thuộc vào cái gì gọi là tự ngã. Nhãn thức rỗng rang không tự ngã và không tùy thuộc vào cái gì gọi là tự ngã. Nhãn xúc rỗng rang không tự ngã và không tùy thuộc vào cái gì gọi là tự ngã… Bất cứ thọ nào khởi lên do duyên ý xúc – dù là lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc – cũng rỗng rang không tự ngã và không tùy thuộc vào cái gì gọi là tự ngã…

Tương tự, với tai, mũi, lưỡi, thân, ý… đều rỗng rang không tự tánh… Do vậy thế giới là không.” (2)

Thế giới theo Đức Phật định nghĩa là tất cả những gì chúng ta thấy, nghe, nhận, biết… Và ngoài thế giới này, là ở ngoài giới vực của chúng ta.

Trong Kinh SN 35.23 - Sabba Sutta: The All, Đức Phật giải thích về thế giới, tương tự, dựa theo 2 bản tiếng Anh sẽ được dịch như sau:

Chư tăng, cái gì là tất cả? Mắt và cái được thấy, tai và cái được nghe, mũi và cái được ngửi, lưỡi và cái được nếm, thân và cái được chạm xúc, tâm và hiện tượng được nhận biết. Đó gọi là tất cả…(3)

Với hai kinh vừa dẫn, chúng ta có thể hiểu được gần hết bài Tâm Kinh.

TÂM KINH TRONG THIỀN TÔNG

Bát Nhã Tâm Kinh theo truyền thuyết là đúc kết tư tưởng Bát Nhã của thời kỳ Ngài Long Thọ. Và được Thiền Tông nhìn như pháp tu viên đốn (viên là đầy đủ, tròn đầy, không thiếu sót; đốn là ngay tức khắc, không mài giũa tuần tự). Nơi đây, chúng ta sẽ khảo sát thêm về nghĩa này.

Khi chúng ta lùi ra xa, nhìn về Đại sư Na Tiên, hay khi nhìn về chính mình hay nhìn về bất kỳ ai, đều sẽ thấy đó là một khối lung linh đang vận hành, đang thuyết pháp, đang tụng kinh, đang nói cười ngủ nghỉ, đang đi đứng nằm ngồi...

Tương tự, lùi ra xa, nhìn về chiếc xe mà Đại sư và Vua Di Lan Đà thảo luận, hay nhìn về bất kỳ chiếc xe nào khác, hay bất kỳ những gì trên thế gian này, cũng sẽ thấy chỉ là một khối lung linh đang vận hành, khi xe ngừng, khi xe chạy, khi xe mòn, khi chở nặng hay chở nhẹ…

Tất cả đều linh linh trong cái Rỗng Rang Vô Tự Tánh, ngắn gọn là Không.

Giải thích ngắn gọn về cái vận hành đó sẽ là Luật Duyên Khởi, rằng cái này có nên cái kia có. Rằng khi Đại sư Na Tiên đang thuyết pháp, hay khi chiếc xe đang chạy nghĩa là khi toàn khối “rỗng rang vô tự tánh” đang kích hoạt, gá nương vào nhau để vận hành. Và đó là nghĩa của “không bất dị sắc” (không chẳng khác gì sắc).

Khi nhìn về Đại sư Na Tiên hay chiếc xe, chúng ta thấy rằng tất cả đều hiện lên trong gương tâm của chúng ta. Nhà Thiền gọi là Một Tâm, hay Nhất Tâm. Cả thế giới hiện lên trong ánh sáng của gương tâm, và tâm này là rỗng rang nhưng năng chiếu.

Bây giờ, chúng ta nhìn về chiếc xe Đại sư Na Tiên vừa nói. Xe đó là cái được thấy, tiếng xe chạy là cái được nghe… Tánh Không của xe hiển lộ trước mắt và bên tai chúng ta. Như thế, xe là cái được hiển lộ trong gương tâm của chúng ta. Nơi Gương Tâm Rỗng Rang này, khi xe tới thì hiện xe, khi xe không tới hay đã qua thì chỉ còn cái lặng lẽ, nhưng ánh sáng chiếu diệu của thấy, nghe, nhận biết vẫn không biến mất.

Thiền Tông nói rằng nhận ra Gương Tâm Rỗng Rang Chiếu Diệu này, là pháp viên đốn, vì tức khắc xa lìa tham sân si. Gọi tắt là Thấy Tánh.

Có khi quý Thầy giải thích theo Duy Thức. Bây giờ, chúng ta thử lùi xa chiếc xe, và nhìn theo lời giải thích của Đại sư Na Tiên. Tất cả gọng xe, bánh xe, mui xe, càng xe… đều hiển lộ trong tâm chúng ta như là thức (chư Tổ Trung Hoa có khi gọi là thức biến). Có một số Thầy khi dịch sang tiếng Anh gọi tất cả những gì hiển lộ đó là niệm (thought), nhưng có lẽ chữ thức (consciousness) chính xác hơn. Như thế, đó là nghĩa vạn pháp chỉ là thức.

Đó cũng là lý do, khi thấy hai vị sư nhìn thấy phướn động trước gió, tranh cãi rằng có phải phướn động hay gió động, Lục Tổ Huệ Năng nói: “Không phải gió động, không phải phướn động, tâm các ông động…”

Như thế, chúng ta thấy hiển lộ ra một số ý chỉ từ:

-- Kinh Lăng Nghiêm với câu “toàn tướng tức tánh, toàn tánh tức tướng.” Nghĩa là, tất cả những gì được thấy cũng là tâm hiển lộ, những gì đươc nghe cũng là tâm hiển lộ. Cái sở tri chính là cái năng tri (nhưng không phải là năng tri, vì vốn thực là không). Cánh hoa nở, tiếng chim kêu cũng là tâm hiển lộ.

-- Kinh Kim Cương với câu “nếu thấy các tướng không phải là tướng, tức là thấy Như Lai.” Nghĩa là, nếu thấy Na Tiên không phải Na Tiên, thấy xe không phải xe  tức là thấy Gương Tâm Hiển Lộ Chiếu Sáng.

-- Kinh Hoa Nghiêm, nhà sư Nguyễn Thế Đăng viết trong sách “Đi Vào Kinh Hoa Nghiêm,” trích:

"Tâm này là Phật, chúng sanh là Phật, thế giới là Phật. Đó là cái thấy biết kinh Hoa Nghiêm khai thị cho chúng ta. Tất cả những gì chúng ta thấy, nghe, hiểu, biết, xúc chạm, suy nghĩ… đều đồng một Phật tánh, đồng một tánh vàng như pháp giới vốn là vàng ròng.

Khi tất cả sáu căn, sáu trần, sáu thức đều trở lại nguyên thể của chúng là vàng thì tất cả là vàng không một mảy may hở sót. Khi mỗi vi trần, mỗi niệm đều là vàng thì tất cả các vi trần, các niệm tương tức tương nhập, tương dung tương nhiếp một cách vô ngại, hiển bày pháp giới Hoa Nghiêm...

...Bản tánh của tâm chúng tathế giớitánh Không, do đó mỗi tư tưởng của chúng ta và mỗi hình tướng chúng ta thấy đều là tánh Không. Thấy được bản tánh của tất cả các pháp hay “thật tướng của tất cả các pháp” là tánh Không thì thấy được Pháp thân của chư Phật." (4)

Bởi vì tất cả các pháp không lìa tâm mà hiển lộ ra.

BƯỚC QUA BỜ BÊN KIA

Có một suy nghĩ có thể khởi lên: Bát Nhã Tâm Kinh nhấn mạnh ý nghĩa qua bờ bên kia, cuối bài là câu thần chú, được phiên âm trong tiếng Việt là: "Yết đế, yết đế. Ba la yết đế. Ba la tăng yết đế. Bồ đề Tát bà ha."

Bản tiếng Anh của Đức Đạt Lai Lạt Ma ghi thần chú tiếng Sanskrit này là: tadyatha - gaté gaté paragaté parasamgaté bodhi svaha! (Trang 130, bản sách giấy Essence of the Heart Sutra, NXB Wisdom Publications, 2014) và Ngài dịch ngắn gọn là “Go to the other shore.” Nghĩa là, đi qua bờ bên kia.

Phải chăng, Tâm Kinh Bát Nhã là tóm gọn của Phẩm Qua Bờ Bên Kia trong Kinh Tập?

Phần thứ năm của Sutta Nipata là Phẩm Qua Bờ Bên Kia (Parayanavagga — The Chapter on the Way to the Far Shore).

  Phẩm Qua Bờ Bên Kia là một trong 2 nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời được chư tăng ni tụng hàng ngày trong thời Đức Phật sinh tiền. Nghĩa là hai nhóm kinh rất xưa cổ. Hai nhóm kinh này đều không nói về Tứ Niệm Xứ, Bát Chánh Đạo… nhưng nói nhiều với tư tưởng Trung Quán, một hệ thống tư tưởng được Long Thọ khai triển, trong đó cô đọng là Bát Nhã Tâm Kinh.

Để độc giả có thể đối chiếu, sau đây người viết sẽ dịch một số câu từ  Phẩm Qua Bờ Bên Kia, dựa trên 4 bản Anh dịch của Bhikkhu Bodhi (không có bản điện tử, chỉ có bản giấy The Suttanipata, ấn bản 2017, có thể mua ở Amazon), của Anandajoti Bhikkhu, của Access to Insight [Ireland | Thanissaro], của Khantipalo. Ba bản sau có links ở (5).

Phẩm Qua Bờ Bên Kia viết theo thể thơ, ghi lại 16 cuộc hỏi đạo của 16 du sĩ Bà La Môn tới gặp Đức Phật. Sau mỗi cuộc đối thoại, nhóm 15 du sĩ đầu tiên đắc quả A La Hán tức khắc, và vị thứ 16 là ngài Pingiya đắc Thánh quả thứ ba, tức Bất Lai (hay A Na Hàm – sẽ không trở lại cõi này nữa, vì đã diệt sạch hai kiết sử Tham và Sân). Nghĩa là, nghe pháp xong là tức khắc giải thoát.

Gọi đây là một trong hai nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời vì Kinh Tăng Chi Bộ ghi rằng trong thời Đức Phật còn tại thế, có nữ cư sĩ Nanda mỗi rạng sáng đều tụng đọc lớn tiếng nhóm kinh Parayanavagga - Qua Bờ Bên Kia. (6) 

Mỗi kinh trong phẩm này gồm nhiều đoạn thơ, ghi số theo đoạn 4 dòng thơ, hay 5 hay 6 dòng thơ. Trong bản Khantipalo, đoạn thơ đâu ghi số 983, đoạn cuối phẩm ghi số 1156, như thế cả phẩm gồm 173 đoạn thơ. Nhưng bản Bhikkhu Bodhi chệch đi, đoạn đầu ghi số 976, đoạn cuối 1149, cũng là 173 đoạn. Bản Access to Insight cũng ghi số khác.

Chúng ta sẽ dịch ra văn xuôi một số ý kinh gần với âm hưởng Bát Nhã Tâm Kinh, cuối đoạn sẽ ghi số theo bản Khantipalo. Đầu các đoạn thơ dịch sẽ ghi tên người vấn đạo, đôi khi sẽ ghi thêm tiếng Anh, có khi ghi 2 dị bản tiếng Anh, cho rõ nghĩa. Các đoạn thơ dịch như sau, và cũng không cần lời bình.

.

Đức Phật dạy: Ajita, ngươi hỏi rằng nơi đâu danh và thân sẽ tịch diệt không còn chút gì, ta nói rằng khi thức tịch diệt (cessation of consciousness) là hoàn toàn giải thoát. (1044)

Đức Phật dạy: Dhotaka, bất cứ những gì ngươi thấy nghe hay biết, dù là [các cõi] trên cao, dưới thấp, khắp phương hướng, và chặng giữa; hiểu rằng đó là dây buộc vào cõi này, chớ có ước muốn sinh ra hay không sinh ra (don't create craving for becoming or non-.). (1075)

Đức Phật dạy: Upasiva, hãy tỉnh thức, hướng tâm vào không một pháp nào hết (looking to nothingness, focused on nothingness), không nương tựa vào một pháp nào hết (depending on nothing) để vượt qua trận lụt; hãy bỏ mọi cuộc nói chuyện , bỏ cả tham dục, hãy nhìn thấy tham dục biến mất từng ngày, từng đêm. (1077)

Đức Phật dạy: Upasiva, với người đã giải thoát, không có gì để đo lường nữa, không còn gì để người khác nói về người này; khi các pháp với người đó đã hoàn toàn rỗng rang vô tướng, lời nói ngôn ngữ cũng rỗng rang dứt bặt (when dharmas for that one are emptied out, emptied are the ways of telling too; when all phenomena have been uprooted, all pathways of speech are also uprooted). (1083)

Đức Phật dạy: Nanda,  bất cứ những ai đã buông bỏ những gì được thấy, được nghe, được cảm thọ, buông bỏ cả giới đức, buông cả luyện tập, và cũng buông bỏ vô số pháp hành khác (whoever here has given up reliance on what is seen, heard, or sensed, and virtue and practices, and has also given up all the countless other ways) -- người đó biết rõ hoàn toàn về tham ái, và đã xa lìa ô nhiễm. Ta nói người đó đã vượt qua trận lụt. (1089)

Đức Phật dạy: Jatukanni, đối với người không còn tham chút gì về thân và tâm (altogether without greed for mind and body), sẽ không còn ô nhiễm nào hiện hữu nữa để người có đó thể bị cái chết kiểm soát. (1107)

Đức Phật dạy: Udaya, Với người không tìm vui trong cảm thọ dù trong hay ngoài, với người sống tỉnh giác như thế, thức sẽ tịch diệt (consciousness ceases). (1118)

.

THIỀN SƯ VIỆT NAM GIỮA CÕI SẮC VỚI KHÔNG

Bởi vì Bát Nhã Tâm Kinh là kinh nhật tụng tại Việt Nam, cho nên chúng ta thấy nhiều Thiền sư Việt Nam ưa sử dụng ngôn ngữhình ảnh về sắc với không. Thực sự, cũng là để chỉ pháp Thấy Tánh.

Như Thiền sư Viên Chiếu (999-1090) thời nhà Lý, có thơ:

Nhược đạt tâm không vô sắc tướng,
Sắc, không ẩn hiện nhậm suy di.
Dịch: Nếu tâm được rỗng rang, cũng không dính tới sắc tướng gì,
Dù sắc với không, có ẩn hay hiện, thì vần xoay cũng mặc kệ.

.

Thiền sư Tông Diễn (1640 - 1711) quê ở Cẩm Giàng, Hải Dương, có bài kệ:

Ưng hữu vạn duyên hữu,
Tùy vô nhất thiết vô
Hữu vô câu bất lập
Nhật cảnh bổn đương bô.

Dịch: Cần có muôn duyên có. Ưng không tất cả không. [Khi] có với không đều chẳng lập, mặt trời trí huệ hiện lên cao.

.

Cũng như với Thiền Sư Thanh Đàm, sinh trong thế kỷ 18, trụ trì chùa Bích Động ở làng Đam Khê, phủ An Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Trong tác phẩm Thiền Sư Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Từ viết về Ngài Thanh Đàm, và dịch một phần Pháp Hoa Đề Cương, trích:

"...Đến năm 1819, Sư sáng tác sách Pháp Hoa Đề Cương tại viện Liêm Khê. Trong đây, Sư có đặt ra một số câu hỏi để giải thích về Diệu tâm như:

Hỏi: Tại sao không chỉ thẳng cái thứ nhất là Diệu Tâm xưa nay, mà lại chỉ cái thứ hai là căn tánh để làm phương tiện tu hành ?

Đáp: Tâm vốn vô hình, làm sao mà chỉ ? Trước kia tôi đã nói một lần rồi, ngôn thuyếtbiểu thị, không nắm được tâm. Tuy vậy, dù tâm vô hình, nhưng sự ứng dụng của tâm lại có vết tích, vì có vết tích nên có thể chỉ bày khiến cho người tu học có thể nhìn vết tích của sự ứng dụng, do ánh sáng ấy mà về được tâm.

Hỏi: Dấu vết ấy ở đâu ?

Đáp: Ở trên đối tượng lục trần. Do sắc mà có cái thấy, do thanh mà có cái nghe, lục trần là dấu vết ứng dụng của lục căn. Nay muốn nắm được dấu vết của căn thì phải quan sát cái thấy cái nghe nơi đối tượng sắc thanh. Nên biết rằng công dụng của căn là công dụng của tâm, căn nhận biết là tâm nhận biết; cái khác nhau là căn có tới sáu công dụng, mà tâm chỉ có một bản thể tinh minh. Chư Phật truyền nhau là căn pháp này, các vị Tổ truyền nhau là tâm tông ấy. Đó là bí quyết mà các kinh điển chỉ bày để được căn bản trí. Pháp ấn truyền trao qua lại các thời đại cũng lấy cái ấy để phát giác sơ tâm. Chứng ngộ mau hay chậm là vì căn cơ rộng hay hẹp..."(7)

Thực sự, Thiền Tông như thế không có gì bí ẩn. Vì là xuất xứ từ hai nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời trong Tạng Pali, và tất cả đều chỉ pháp viên đốn. Nghe xong, tức khắc thành A La Hán, y hệt Kinh Bahiya, không thấy gì để làm nữa, ngôn ngữ tự nhiên vắng bặt. Thấy được Gương Tâm Rỗng Rang Tịch Chiếu, sẽ thấy không cần gì phải tu nữa.

Tới đây, chúng ta kể một câu chuyện trong Thiền sử. Không nhớ trong Thiền Trung Hoa hay Nhật Bản. Vị thầy hỏi trò, hôm qua mưa gió mịt mù, đứng nơi góc rừng thấy mưa ào ạt trước mắt, nghe tiếng gió xô dạt cây rừng gầm rú. Hôm nay cảnh đó ở đâu.

Chúng ta nơi đây, không có ý muốn nói chuyện hôm qua, tuần qua, năm qua. Chỉ muốn nói về chuyện của khoảnh khắc hiện tại, khi mưa gió mịt mù, đứng nơi góc rừng thấy mưa ào ạt trước mắt, nghe tiếng gió xô dạt cây rừng gầm rú.

Chúng ta sẽ thấy như sau: trước mắt, tất cả các pháp (mưa rơi ào ạt) thực sự là rỗng rang không một pháp, cho nên CÁI ĐƯỢC THẤY tức khắc phải là không, nên hình ảnh chuyển biến ào ạt; tương tự, bên tai sẽ thấy, CÁI ĐƯỢC NGHE tức khắc phải là không, nên gió gào, cây rú chuyển biến ào ạt. Trước mắt, bên tai, đó là vô thườngvô ngã chảy siết. Đó là hiển lộ của tâm, trong gương tâm rỗng rang tịch chiếu. Thấy như thế, là vô tu vô chứng. Và ngôn ngữ biến mất, vì không ai có lời nào để nói về màu xanh của cây rừng, hay nói về tiếng mưa đêm nỉ non, vì khi đã thấy và nghe cái “sắc bất dị không,” tất cả tâm hành đều dứt bặt.

Trong khoảnh khắc thấy như thế, đó là đương xứ tức chơn, đó là Niết bàn diệu tâm, là nơi vắng bặt ngôn ngữ vì hễ mở lời là dòng vô thường chảy xiết bỗng trở thành chuyện của khoảnh khắc hồi nãy, của giờ trước, của hôm qua, của năm qua… và là vướng vào bẫy sinh tử luân hồi.

Và đương xứ tức chơn, đó là khi, thức đã tich diệt…

.

GHI CHÚ:

(1) KInh Na Tiên Tỳ Kheo: https://thuvienhoasen.org/p19a949/phan-i

(2) Kinh SN 35.85, bản Thanissaro Bhikkhu:

https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn35/sn35.085.than.html

và bản Bhikkhu Bodhi: https://suttacentral.net/en/sn35.85

(3) Kinh SN 35.23, bản Thanissaro Bhikkhu:

https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn35/sn35.023.than.html

và bản Bhikkhu Bodhi: https://suttacentral.net/vn/sn35.23

(4) Đi Vào Kinh Hoa Nghiêm: https://thuvienhoasen.org/p17a25183/2-tam-phat-chung-sanh-ca-ba-khong-sai-khac

(5) Bản Anandajoti Bhikkhu: https://suttacentral.net/en/snp5.1

Bản Access to Insight: https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/snp/index.html

Bản Khantipalo: https://suttacentral.net/files/snp.pdf

(6) Velukantaki Nanda having got up in the last watch of the night was reciting loudly the Parayana Vagga… -- http://obo.genaud.net/dhamma-vinaya/mnl/an/07_sevens/an07.050.upal.mnl.htm

(7) Thiền Sư VN: https://thuvienhoasen.org/a11314/phan-12

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 26658)
Nếu Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc an lạc, nếp sống ấy cũng là một nếp sống đề cao cho con người vào một vị trí tối thượng...
(Xem: 13062)
Theo Luận Ðại thừa khởi tín, Nhứt Tâm có hai tướng: (1) tướng Chân như, chỉ riêng về phần thể tánh chơn tâm thanh tịnh; dụ như "tánh trong sạch" của nước...
(Xem: 27043)
Qua sự huân tậpảnh hưởng của tam độc tham, sân, si, ác nghiệp đã hình thành, thiết lập những mối liên kết với tâm thức qua những khuynh hướng có mục tiêu.
(Xem: 32884)
Acarya Nagarjuna (A Xà Lê Long Thọ) giữ một địa vị hầu như vô song trong hàng các bậc Thánh Phật giáo trình bày xiển dương lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni cho lợi lạc của thế giới.
(Xem: 31684)
Bố thí là hạnh đầu tiên trong sáu hạnh của Bồ Tát. Nguyên âm chữ Phạn là Dàna có nghĩa là sự cho, dịch sang tiếng Hán Việt là Bố thí.
(Xem: 32598)
Bát Chánh Đạo rất dễ nhớ, nhưng ý nghĩa của chúng thâm sâu và đòi hỏi một sự hiểu biết về nhiều lãnh vực liên quan trong giáo lý của Đức Phật.
(Xem: 13034)
Có nhiều loại giác ngộ, nhưng bản chất của giác ngộ thì chỉ có một, đó là phá vỡ bức tường ngăn ngại của vô minh để ánh sáng của tự tánh, Phật tánh được dịp bùng lên.
(Xem: 12154)
Lời dạy của đức Phậtpháp môn phương tiện, chứ không phải là chân lý. Vì vậy, học Phật là học pháp môn để tu tập, để chuyển hóa tâm thức, lời nói...
(Xem: 17512)
Không gian nhận thức bị giới hạn, vì thế nó hữu hạn. Khi bạn ngồi trong lớp học, không gian nhận thức bị bao bọc bởi các bức vách, nền nhà và trần nhà.
(Xem: 18750)
Pháp Thân, tự biểu hiện ‘tính không’ và không có sự hiện hữu của thân thể vật lý, mà phải tự hiện thân trong một hình tướng và được biểu hiện như cây trúc...
(Xem: 12584)
Trong kinh Phật có dạy: Chúng ta phải cố gắng tu không thể chần chờ, bởi vì đâu có ai bảo đảm mình sống đến tám mươi tuổi mới chết. Trẻ có cái chết của trẻ...
(Xem: 11788)
Ý thứcvọng tưởng, là những mảnh vụn của tâm thể, là những áng mây đen che mờ mặt trăng tuệ giác, là những lượn sóng dấy động trên mặt biển chân tâm thanh tịnh...
(Xem: 13139)
Đức Phật dạy có năm sự khéo léo trong giao tiếp đem đến nhiều kết quả tốt đẹp. Theo ngài Xá Lợi Phất, không tuân theo năm cách xử sự này sẽ đem đến những hậu quả...
(Xem: 12227)
Trong đời sống chúng ta ai cũng có bản năng tự nhiên mong được hạnh phúc và thoát được đau khổ. Mong cầu được sung sướng là điều chính yếu của tất cả mọi người.
(Xem: 12509)
Khi ta cố chấp vào một sự việc thì tế bào thần kinh không có sự ráp nối dồi dào, khiến ta không nhận biết được những dữ kiện khác của sự thật. Ta trở thành người mù sờ voi...
(Xem: 11645)
Bằng Đạo Pháp, Phật mở ra cho ta một thế giới êm ả, an bìnhhạnh phúc, thay vì bước vào ta lại bước ra. Cái cánh cửa của thế giới đó ta không thấy...
(Xem: 11999)
Tôn chỉ Phật giáochí hướng cao siêu của một chân lý. Chí hướng của Phật là "Tự Giác Giác Tha", có nghĩa là tự mình giác ngộ, thức tỉnh trong giấc mộng vô minh...
(Xem: 10621)
Chúng ta tu Phật, nên biết nhân quả là một giáo lý căn bản của đạo Phật, không thể nào hiểu lơ là hay sơ sài, mà phải hiểu cho tường tận mới khỏi những ngờ vực.
(Xem: 10935)
Bởi con người mang sẵn tính tham lam, thói hèn nhát, nên khi muốn thỏa mãn sự mong cầu, muốn được bình an khi nguy hiểm, đều nảy sanh mê tín dị đoan.
(Xem: 28345)
Chúng ta theo đạo Phật là để tìm cầu sự giác ngộ, mà muốn được giác ngộ thì phải vào đạo bằng trí tuệ, bằng cái nhìn đúng như thật, chớ không thể nhìn khác hơn được.
(Xem: 11183)
Ðạo Phật đã thấm sâu, đâm chồi, mọc rễ và lớn mạnh qua các lãnh vực văn hóa, gia đình, xã hội, nghệ thuật, kiến trúc... để hòa quyện thành nếp sống tâm linh tối thượng.
(Xem: 11374)
Sau khi thành đạo, Đức Phật đã phổ biến con đường giác ngộ cho nhiều người. Giác ngộvô cùng quí báu vì đó là con đường đưa đến sự giải thoát tối thượng của Niết bàn.
(Xem: 13607)
Tất cả mọi phương tiện đều để phục vụ mục tiêu chân lý của cuộc sống, như ngón tay để chỉ mặt trăng; ngón tay phương tiện để hướng đến mặt trăng chân lý.
(Xem: 11044)
Đạo Phật từ Ấn Độ du nhập vào Việt Namhiện hữu với dòng lịch sử dân tộc gần 2000 năm. Trong thời gian ấy, có lúc Phật giáo đưọc các vua chúa ủng hộ...
(Xem: 11442)
Ðạo Phật quan niệm mỗi cấp bực của sự sống đều mang một Thức tương ứng: cấp vi trùng vi khuẩn cũng có Thức của nó, cũng như mỗi tế bào, mỗi mô sinh vật cũng thế...
(Xem: 10903)
Giáo lý Phật giáo thiết lập trên nền tảng đau khổ của con người. Mặc dầu nhấn mạnh vào hiện hữu của sự khổ, nhưng Phật giáo không bao giờ là một giáo lý bi quan.
(Xem: 11193)
Chính thái độ hóa thần thông để giáo hóa chúng sanh đã làm nổi bật giá trị tâm lý hoằng phápĐức Phật của chúng ta đã dùng để hoằng hóa độ sanh.
(Xem: 26369)
Đức Thích Ca Mâu Ni đã vì một đại nguyện lớn lao, một lòng từ vô lượng mà khước từ mọi hạnh phúc, quyền uy, tiện nghi vật chất để cầu đạo giài thoát.
(Xem: 12401)
Hôm nay Đạo Phật đang chuyển đến một hướng mới, và có hàng ngàn người phương Tây đang cố gắng thực hành lời dạy của Đức Phật như một phương pháp sống.
(Xem: 14892)
Nghiên cứu Phật giáo từ quan điểm Hindu là một sự nghiên cứu của Ấn Độ giáo chứ không phải là Phật giáo. Thật sai lầm khi vay mượn để hỗ trợ quan điểm Hindu hiện đại...
(Xem: 11069)
Các Luận sư A-tì-đàm đã thấy rõ những nạn đề đặt ra cho nhận thức về quan hệ nhân quả, cho nên họ đưa ra một khung đề nghị là có năm loại kết quả khác nhau...
(Xem: 20352)
Tâm đại từ bi có hai tính cách: Tính cách cứu khổ thì thay thế chúng sinh mà chịu mọi khổ não cho họ; tính cách cho vui thì có thể bỏ hết tất cả phước lạc mà cho chúng sinh.
(Xem: 12366)
Trong lịch sử tư tưởng của Tánh Không luận, khởi đầu là sự tranh luận về điểm: có nên thừa nhận có một Bản ngã (Pdugala) hay không? Sự tranh luận này được khởi đầu...
(Xem: 11476)
Trước khi nói đến lộ trình của sự tạo nghiệp, cũng cần đề cập đến câu “nhất thiết duy tâm tạo” trong tư tưởng kinh Hoa Nghiêm của Phật giáo để thấy rõ bản chất của nghiệp...
(Xem: 10782)
Con người thoát khỏi tham lam, thù hận và si mê nhiều chừng nào thì hạnh phúc càng gia tăng chừng đó. Niết-bàn sẽ hiện hữu ngay từ bước khởi đầu và rồi thăng tiến...
(Xem: 23939)
Nguyên-thỉ hay cận-đại Phật-giáo vẫn là Phật-giáo, nghĩa là vẫn có mục-đích giải-thoát diệt khổ, vẫn tôn trọng sự sống và chân-lý, vẫn chủ trương từ-bi tế-độ.
(Xem: 11867)
A-hàm còn gọi là A-cấp-ma, A-hàm-mộ. Hán dịch: Pháp quy, nghĩa là nơi quy thú của muôn pháp (Bài tựa KINH TRƯỜNG A-HÀM), còn dịch là "Vô tỷ pháp"...
(Xem: 12309)
Đức Phật tướng hảo trang nghiêm, kim dung từ bi, hàng sơ học chỉ có thể dựa vào thánh tượng mới có thể nhận thức được Phật. Chủng loại thánh tượng của Đức Phật rất nhiều...
(Xem: 12847)
Là đóa hoa ưu tú, tinh ba của dân tộc, là bậc kiệt xuất anh tài của Phật Giáo Việt Nam, sử gia Lê Mạnh Thát đã khai quật những nguồn tài liệu vô cùng quý giá...
(Xem: 11060)
Phong trào phục hưng đạt được động lực khi một số người con của đất nước trở thành những Tăng sĩ Phật giáophục sinh lại sự quang vinh cổ thời của Tăng già.
(Xem: 38747)
Nhà Phật dạy chúng ta giác thẳng nơi con người, chớ đừng tìm cầu bên ngoài. Nếu giác thẳng con người rồi thì ở ngoài cũng giác, nếu mê con người thì ở ngoài cũng mê.
(Xem: 10552)
Ngài luôn luôn cổ súy tinh thần tự lực của mỗi người để tìm lấy sự giải thoát cho chính mình và điều này như là một sợi chỉ xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống giáo lý của Phật...
(Xem: 12210)
Giữa thế kỷ thứ I trước công nguyên đến thế kỷ thứ I sau công nguyên, hai thuật ngữ Đại thừa (Mahayana) và Tiểu thừa (Hinayana) xuất hiện trong Diệu pháp liên hoa kinh...
(Xem: 17720)
Lòng bi mẫn thật sự của bạn sẽ tạo ra một bầu không khí yên bình cho người hấp hối nghĩ đến chiều hướng tâm linh cao cả và con đường tu tập của họ trong tương lai.
(Xem: 25086)
Con đường của Đức Phật không phải chỉ có chánh niệm, các pháp hành thiền Chỉthiền Quán, nhưng bao gồm các Giới đức, bắt đầu bằng năm giới căn bản.
(Xem: 10564)
Những kẻ bị phiền não khổ đau, Phật giáo đã chỉ cho họ con đường dẫn đến hòa bình, và hạnh phúc vĩnh cữu cùng giúp họ giải quyết mọi vấn đề phiền toái của cuộc sống.
(Xem: 10774)
Giáo lý đạo Phật được xem là một nền giáo lý thực nghiệm, nhằm giải quyết những vấn đề về con người, đưa con người thoát khỏi những khổ đau trói buộc...
(Xem: 12059)
Trước tiên đề cập vấn đề trên, có lẽ cũng nên xác định lại niên đại đản sinh của thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) và niên đại nhập diệt của đức Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni).
(Xem: 11333)
Hỷ là một trong bốn vô lượng tâm của nhà Phật. Hỷ là hoan hỷ, vui vẻ. Lòng người Phật tử bao giờ cũng hoan hỷ, và sẵn sàng san sẻ niềm hoan hỷ đó cho mọi người.
(Xem: 11600)
Tam pháp ấn và lý Tứ đế thì tương ứng nhau: chư hành vô thườngKhổ đế; nhân sanh khổ ở nơi không biết chư pháp vô ngã, là Tập đế; Niết bàn tịch tĩnhDiệt đế...
(Xem: 14748)
Trong kinh Chuyển Pháp Luân ngay sau khi Phật giác ngộ và kinh Di Giáo ngay trước khi Phật Niết-bàn, Ngài khuyên các đệ tử của Ngài là không nên xem bói toán, xem quẻ...
(Xem: 21448)
Hoa sen (tên khoa học là Nelumbo Nucifera) là loại hoa mọc lên từ rễ củ nằm dưới lớp bùn đất ở dưới nước, hoa thường có màu trắng, hồng, có khi phơn phớt vàng, xanh...
(Xem: 9914)
Sự chết của con người là một giai đoạn trong chu trình biến thiên bất tận sinh-lão-bệnh-tử. Đầu tiên, tim ngừng đập rồi đến phổi, sau đó đến não; cuối cùng cơ thể phân hủy.
(Xem: 11272)
Trong giáo lý căn bản của đức Phật, vô minh (avijja) là điểm khởi đầu của vòng tròn mười hai nhân duyên (paticca-samuppada) đưa tới sinh tử, khổ đau...
(Xem: 27392)
Thắng Man Phu nhân điển hình cho phụ nữ thực hành Bồ tát đạo bằng cung cách trang nhã, từ ái, khiêm cung. Môi trường thực hành bao gồm từ giới hạn thân thuộc...
(Xem: 11189)
Chúng sanh bị đọa địa ngục, đó là chúng sanh tâm bị đọa lạc vào địa ngục tham, sân, si phiền não. Muốn giải phóng chúng sanh tâm, phải dùng tự tánh Địa Tạng của chính mình.
(Xem: 11849)
Nhà Phật có xác định sáu nguyên tắc để sống trong hòa hợp (Lục hòa). Vốn là để cho tăng già, nhưng nới rộng ra, đối với bất cứ một nhóm người nào cùng chung sống...
(Xem: 11014)
Chân dung toàn cảnh về Học phái Phật giáo cho chúng ta cái nhìn mà qua đó Phân kỳ Phật giáo có thể chia làm 3 thời kỳ, đó là Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Phát triển...
(Xem: 14318)
Đàn tràng chẩn tế cũng gọi là Trai đàn vì lấy sự trang nghiêm thanh tịnh làm gốc để nhất tâm hồi hướng cho cô hồn, ngạ quỷ được ân triêm công đức.
(Xem: 11483)
Thông thường xá lợi dùng để chỉ cho di cốt của Phật, nên gọi là Phật cốt hay Phật xá lợi. Chữ này về sau cũng dùng để chỉ cho phần xương đầu của các bậc cao tăng...
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant