Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Mùa Xuân Và Phẩm Tùng-địa-dũng-xuất Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

16 Tháng Hai 202119:23(Xem: 6077)
Mùa Xuân Và Phẩm Tùng-địa-dũng-xuất Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

 Mùa Xuân Và Phẩm Tùng-địa-dũng-xuất
Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Huệ Trân

Sống Đẹp

 

             Trong không gian mênh mông của vườn kinh điển Đại Thừa, Diệu Pháp Liên Hoa là đoá hoa vi diệu nhất mà chính Đức Thế Tôn đã ca ngợi không hết lời trong hai mươi tám phẩm, hoàn tất Bổn Kinh. Đoá hoa đó rất khó thấy, khó gặp vì hoa chỉ nở khi đủ thuận duyên về mọi phương diện. Phải đúng thời, đúng nơi và người dự thính phải tương đối có đủ sự kính tin và trí tuệ thì hoa kia mới nở.

            Khi xưa, tại Pháp Hội Linh Sơn trên núi Linh Thứu trước đại chúng muôn nghìn Trời, Người, đủ mọi thành phần câu hội mà Ngài Xá Lợi Phất, đại diện chúng hội, phải ba lần thành khẩn cầu xin mới được Đức Thế Tôn chấp thuận giảng nói những phương tiện bí yếu thượng thừa của Chư Phật.  

            Sau lần thuyết giảng đó, muôn người, muôn loài, tâm đủ khẩn thiết và đức tin ngồi lại tham dự, đều tuỳ căn cơ mình mà lãnh hội ý kinh, tin nhận mà đạt vô biên phước lành; trong khi năm ngàn người, đứng lên xá Đức Thế Tôn rồi cùng nhau xuống núi. Họ nghĩ rằng những pháp được nghe Phật dạy trước đây, họ đã biết, đã hành, và tin rằng như vậy đã đủ để được giải thoát, không phải biết thêm pháp nào thâm sâu hơn nữa !

 

Vạn hữu cứ lặng thầm chuyển hoá, xã hội muôn loài cứ tuỳ thuận đổi thay nhưng những lời từ kim khẩu Đức Thế Tôn chỉ dạy trên đỉnh núi Thứu khi xưa thì dường như ngày càng rõ nét trong xã hội muôn loài.

            Những hành giả chí thành trì tụng Diệu Pháp Liên Hoa đều có thể cảm nhận phần nào, sự thị hiện của Chư Phật, Chư Bồ Tát ở từng phẩm, suốt hai mươi tám phẩm, với những lời Đức Thế Tôn chỉ dạy trong Tôn Kinh.

            Những pháp sư giảng Kinh Đại Thừa thường nhắc đại chúng là muốn thâm nhập nghĩa kinh, phải học bằng tinh thần Bản-Môn (bình diện tuyệt đối) mới tránh khởi ý nghi, vốn là  chướng ngại khi bước vào thế giới Đại Thừa.

            Trong thế giới Tích- Môn (bình diện tương đối), chúng sanhĐức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng xương, bằng thịt, có xuất xứ, dòng dõi rõ ràng; nhưng sau khi Ngài đạt tìm được đạo cả, hướng dẫn chúng sanh giác ngộ, thoát khỏi tù ngục vô minh thì đồng thời chúng ta cũng có một Đức Thế Tôn trong thế giới Bản-Môn vì Ngài đã vượt ra ngoài không gianthời gian.

Vì thế, nếu chúng ta dùng ý niệm của giới hạn bình thường, sẽ khó chấp nhận được những gì không còn ở trong thế giới bình thường.

Khoa học giải thích thế nào về nhục thân Lục Tổ Huệ Năng vẫn còn nguyên vẹn trong thế kiết già, sau hơn một năm Ngài viên tịch?

Nói sao cho hợp lý về sự tái sanh của các vị Lạt Ma khi những sự việc cụ thể cho thấy nơi những vị được nhận ra là vị tái sanh, đều phù hợp với những gì thân thuộc để lại, từ vị tiền kiếp?

Những người được xem là “thần đồng” về các bộ môn khác nhau, có tình cờ chỉ là những trí tuệ quá xuất sắc không, hay đây là nối tiếp những dở dang ở kiếp nào?

Rất nhiều hiện tượng nhân loại đã thấy là có thật nhưng lý trí không giải thích được, để rồi chỉ còn niềm tin vào sự nhiệm mầu.

 

            Với Diệu Pháp Liên Hoa, sau “phẩm Tựa” giới thiệu cảnh trí Pháp Hội Linh Sơn trên núi Linh Thứu thì “phẩm Phương Tiện” kế tiếp được coi là cương lĩnh của kinh Diệu Pháp Liên Hoa vì trong phẩm này, Đức Thế Tôn  ân cần nhắc nhở thính chúng, đây là những bí yếu cực kỳ thâm diệu của các Đức Như Lai, không thể chỉ suy lường phân biệt mà có thể hiểu được. Nhưng với đại bi tâm của các Đức Như Lai là Khai, Thị, Ngộ, Nhập, Phật tri kiến cho chúng sanh vô minh nên các Ngài đã lập ra vô số phương tiện, vô lượng nhân duyên, thí dụ, mà diễn nói các pháp.   

Hành giả biết căn cơ còn yếu kém nên thường tự nhắc phải lắng tâm, tĩnh lặng, kính tin, trước khi đọc tụng Diệu Pháp Liên Hoa mới có cơ may thâm nhập được phần nào ý kinh.

Hôm nay, sau công phu sáng, khi thiền hành quanh khu chung cư, hành gỉa sửng sốt khi thấy hoa vàng rực rỡ trên những bờ cỏ ven con suối nhân tạo.

Đây là hoa thuỷ tiên, loài hoa hiến tặng hương sắc khi mùa Xuân tới. Đây không phải lần đầu được chiêm ngưỡng, nhưng sao phút giây này hành giả không thể dằn được niềm xôn xao cực kỳ rúng động trước thảm hoa vàng tươi vừa bừng nở từ lòng đất!

Hôm qua, cũng thiền lộ này mà không thấy gì. Có lẽ nụ hoa tuy nhú lên nhưng cỏ xanh và lá xanh che khuất; và bây giờ, ánh nắng ban mai như chiếc đũa thần gõ nhẹ để  muôn nụ nở hoa! Ngàn đoá hoa vàng tươi từ lòng đất vừa thoắt vượt lên, cùng bừng nở, như chưa từng có chu kỳ của hạt mầm, của kết nụ !

Hành giả không biết đã đứng lặng bao lâu trước muôn hoa, với niềm xúc động mỗi lúc mỗi dâng cao …. Tới sát na mà trái tim không còn sức ôm giữ cảm xúc là lúc thâm tâm oà vỡ âm thanh sấm sét của 4 chữ “Tùng Địa Dũng Xuất”!

Hành giả ngồi xuống bên bờ suối, nghe tự đáy lòng thổn thức thầm niệm: Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.

Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.

Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh

Niềm xúc động cực kỳ khi bất chợt nhìn thấy ngàn hoa, đã vừa được giải toả.

Thì ra đây là hình ảnh tương đồng với phẩm “Tùng Địa Dũng Xuất” trong kinh Diệu Pháp Liên Hoahành giả đang trì tụng. Trong phẩm thứ 15 này, ngoài bí yếu thâm sâu qua hành trạng các Đức Như Lai từ vô lượng kiếp, đây còn là một hoạ phẩm vô cùng linh độngrực rỡ sắc mầu.

Khi các vị đại Bồ Tát ở cõi nước khắp muôn phương tới dự pháp hội, nghe Đức Thế Tôn nghiêm minh xác định Diệu Pháp Liên Hoa là tạng bí yếu của các Đức Như Lai, hết lòng gìn giữ, chẳng vọng tuyên nói nếu không hội đủ duyên lành, các vị Đại Bồ Tát bèn chắp tay làm lễ, bạch Đức Thế Tôn, xin được nhận trọng trách rộng nói kinh này, sau khi Đức Phật diệt độ.

Nghe thế, Đức Thế Tôn đã trấn an các vị đại Bồ Tát là các vị không cần bận tâm hộ trì Pháp Hoa Kinh vì đã có chúng đại Bồ Tát, số đông bằng sáu muôn số cát sông Hằng vẫn thường hằng gìn giữhộ trì tôn kinh này rồi.

Khi Đức Thế Tôn vừa dứt lời thì tam thiên đại thiên thế giới cõi ta-bà, đều rúng nứt. Đồng thời, từ dưới lòng đất, vô lượng muôn ức vị Bồ Tát vọt ra. Thân các Ngài đều sắc vàng rực rỡ, đủ 32 tướng tốt cùng ánh sáng toả chiếu khắp muôn phương. Đại chúng dự hội chưa từng được thấy cảnh huy hoàng bi tráng như vậy; lại còn được nghe thuyết giảng đây chính là các đệ tửĐức Thế Tôn đã giáo hoá từ vô lượng vô biên tiền kiếp.

Đây cũng là phẩm mà người đọc tụng phải đặt hết thân tâm vào thế giới Bản Môn, để cùng với thính chúng tại pháp hội Linh Sơn khi xưa, tin lời xác quyết của Đức Thế Tôn, tin nơi thọ mệnh vô sanh bất diệt của các Đức Như Lai mà nhận được sự thị hiện của vô biên vị Bồ Tát Tùng-Địa-Dũng-Xuất, như từ dưới đất chợt bước ra với đại bi tâm là dùng mọi phương tiện, tuỳ duyên ban vui cứu khổ chúng sanh.

Từ khai sinh lập địa, nhân gian cõi Ta-bà như chưa từng dứt tạo nghiệp nhưng đồng thời vẫn từng được giải nghiệp; như chưa từng dứt khổ nhưng đồng thời vẫn từng được cứu khổ. Bằng không thì nhân gian, vạn hữu này đã không thể tồn tại.

Do đâu nghiệp không dứt tạo, khổ không dứt mang mà vẫn tồn tại?

Ôi, phải chăng vô lượng vô biên Bồ Tát Tùng-Địa-Dũng-Xuất, đệ tử của Đức Thế Tôn chưa từng vắng mặt gia hộ?

 

Kiểm điểm bao tai hoạ từ quốc độ này tới quốc độ kia, từ thiên tai này tới nhân tai kia, không nơi nào mà khi nguy nan không có những trái tim mở rộng, những bàn tay đưa ra để cưu mang, ôm ấp kẻ hoạn nạn.

Bồ Tát tuỳ duyên, như hạnh Quan Âm mà hoà đồng cứu giúp.

Hạnh phúc thay, khi cảm nhận được, để thấy thân phận con người không quá cô đơn, vì Chư Bồ Tát luôn thị hiện nơi cùng khổ.

 

than cayNhững hàng cây trụi lá mùa thu, những thân gỗ khẳng khiu mùa đông vẫn dũng mãnh đứng đó vì phải chăng chúng biết, rồi mùa Xuân sẽ tới !

quả thật, mùa Xuân đang tới.  

Muôn đoá thuỷ tiên từ dưới lòng đất vọt lên, mang thông điệp của năng lực, của sự che chở, sự gia hộ từ vô lượng Bồ Tát Tùng-Địa-Dũng-Xuất trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa tới chúng sanh khổ luỵ.

Trong dòng lệ của những còn, mất, hơn, thua, năm cũ, vạn hữu đang cùng đón Xuân mới với chung niềm tin yêu, hy vọng

 

Nam Mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát

Nam Mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát

Nam Mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát

 

 

Huệ Trân

(Tào-Khê tịnh thất – Thuỷ tiên đầu Xuân)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 21414)
Tiếng Phạn sthùpa, tiếng Pàli thùpa, dịch âm là tốt đổ ba, tô thâu bà; lược dịch là tháp bà, Phật đồ, phù đồ; dịch ý là chỗ cao ráo, nơi hội tụ công đức, ngôi mộ lớn...
(Xem: 18829)
Bồ Tát Quan Thế Âmhiện thân của Từ Bi, Ngài phát đại nguyện thực hiện từ bi cùng tận trong đời vị lai, nếu chúng sinh còn đau khổ. Vì chỉ có từ bi mới giải trừ đau khổ...
(Xem: 23130)
Tự tính các pháp chính là Tự Thể của các pháp. Vì các duyên hòa hợp sinh ra các pháp nên nếu các duyên tan rã thì các pháp mất do đó các pháp khôngtự tính cá biệt.
(Xem: 20096)
Ðọc Bát Nhã Tâm Kinh, tôi thấy như có một luồng gió mới, nó phá bỏ tất cả quan niệm, chối bỏ luôn cả cái hiện hữu. Tôi viết bài nầy theo sự hiểu biết đơn giản của tôi...
(Xem: 9523)
Tác Giả: Thiền Sư Bhante Henepola Gunaratana, Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh; Nhà xuất bản Phương Đông
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant