Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

65. Thiền sư Từ Minh Sở ViênThạch Sương

03 Tháng Chín 201100:00(Xem: 26052)
65. Thiền sư Từ Minh Sở Viên ở Thạch Sương

THIỀN SƯ TRUNG HOA 
HT Thích Thanh Từ

TẬP 2
ĐỜI THỨ MƯỜI MỘT SAU LỤC TỔ

65. THIỀN SƯ TỪ MINH SỞ VIÊNThạch Sương - (987 - 1041)

Sư họ Lý quê ở Toàn Châu, lúc nhỏ làm thư sinh, đến năm hai mươi hai tuổi Sư đến chùa An Tịnh ở núi Tương xin xuất gia. Mẹ Sư có hạnh hiền đức khuyến khích du phương. Sư du phương đến khoảng Nhượng Miện kết bạn cùng Thủ Chi, Cốc Tuyền đồng vào Lạc Dương. Nghe danh Thiền sư Thiện Chiêu ở Phần Dương là tri thức bậc nhất trong thiên hạ, Sư quyết chí tìm đến. Khi ấy nhằm lúc triều đình cử đại binh đến hỏi tội Hà Đông Lộ Trạch, nhiều người khuyên Sư đừng đi. Sư bất chấp một mình vượt sông leo núi đi đến Phần Dương.

Phần Dương trông thấy Sư liền thầm chấp nhận. Sư ở đây đã hai năm mà chưa được nhập thất (thấy tánh được gọi vào trượng thất dạy riêng).

Mỗi khi Sư vào thưa hỏi, chỉ bị Phần Dương mắng chửi thậm tệ, hoặc nghe chê bai những vị khác, nếu có dạy bảo toàn dùng lời thế tục thô bỉ. Một hôm Sư trách: từ ngày đến pháp tịch này đã qua mất hai năm mà chẳng được dạy bảo, chỉ làm tăng trưởng niệm thế tục trần lao, năm tháng qua nhanh việc mình chẳng sáng, mất cái lợi của kẻ xuất gia. Sư nói chưa dứt, Phần Dương nhìn thẳng vào Sư mắng: đây là ác tri thức dám chê trách ta. Phần Dương nổi nóng cầm gậy đuổi đánh. Sư toan la cầu cứu, Phần Dương liền bụm miệng Sư. Sư chợt đại ngộ, nói: mới biết đạo của Lâm Tế vượt ngoài thường tình. Sư ở lại đây hầu hạ bảy năm.

*

Sư đến Thiền sư Tụng ở Đường Minh dừng lại đây, Tụng bảo: Dương Đại Niên tri kiến cao minh, vào đạo chân thật, ngươi nên đến ra mắt.

Sư đến ra mắt Đại Niên. Đại Niên hỏi: Đối diện chẳng biết nhau, muôn dặm lại đồng phong. Sư nói: Gần đây vâng lời thỉnh của Sơn Môn. Đại Niên nói: Thật cái thoát không. Sư nói: Tháng trước rời Đường Minh. Đại Niên nói: Vừa rồi ăn năn đã hỏi nhau. Sư nói: Tác gia (chân thiện tri thức). Đại Niên bèn hét! Sư nói: Gần phải. Đại Niên lại hét! Sư lấy tay vẽ một lằn. Đại Niên le lưỡi nói: Thật là Long tượng. Sư nói: Ấy là lời gì? Đại Niên gọi: Khách ty đem trà lại! vốn là người trong nhà. Sư nói: Cũng chẳng tiêu được.

Trà xong, Đại Niên lại hỏi: Thế nào là một câu Thượng tọa vì người? Sư đáp: Thiết! Đại Niên nói: Thế ấy thì cô gái mặc quần dài chạy trong bùn. Sư nói: Ai được giống Đại Niên. Đại Niên nói: Tác gia, tác gia. Sư nói: Tha ông hai mươi gậy, Đại Niên vỗ trên đầu nói: Trong ấy là còn cái gì? Sư vỗ tay nói: Cũng chẳng đặng bỏ qua, Đại Niên cười to.

Đại Niên lại hỏi: Nhớ được nhân duyên Đường Minh đương thời ngộ đạo chăng? Sư nói: Đường Minh hỏi Thủ Sơn ?thế nào là đại ý Phật pháp?, Thủ Sơn đáp: "bên thành vua Sở sông Nhữ chảy về đông". Đại Niên hỏi: Nói như thế ý chỉ thế nào? Sư đáp: Trên nước thả lồng đèn. Đại Niên nói: Thế ấy là cô phụ người xưa rồi. Sư nói: Đại Niên nghi thì tham vấn nơi khác. Đại Niên nói: Ba chân con ếch nhảy lên trời. Sư nói: Một mặc tình nhảy. Đại Niên cười to. Sư dừng lại nơi khách xá, sớm chiều cùng Đại Niên bàn luận.

*

Đại Niên vào triều nói với Đô úy Lý Tôn Úc: Tôi gần được một đạo nhân thật là Sư tử Tây Hà. Lý nói: Tôi bận việc không thể đến ra mắt thì sao? Đại Niên im lặng.

Đại Niên trở về thưa với Sư: Lý công là người trong Phật pháp, nghe đạo phong của Thầy từ xa đến có tâm mong gặp, vì bận việc quốc chánh không thể cùng theo tôi đến đây.

Sư đến Lê Minh ra mắt Lý công. Lý công sai đứa bé ra thưa: nói được thì cùng Thượng tọa thấy nhau. Sư bảo: Ngày nay đặc biệt đến xem nhau. Đứa bé vào. Lý Công bảo ra nói: văn bia khắc chữ trắng, giữa đường trồng tùng xanh. Sư đáp: Chẳng bởi tiết ngày nay, hôm khác định khó gặp. Đứa bé vào thưa lại, trở ra bạch: Đô úy nói "thế ấy cùng Thượng tọa thấy nhau rồi".

Lý công ra tiếp Sư, mời ngồi xong, Lý công hỏi: Tôi nghe ở Tây Hà có con sư tử lông vàng phải chăng? Sư đáp: Ở chỗ nào được tin tức ấy? Lý Công liền hét! Sư bảo: Tiếng dã can. Lý công lại hét! Sư nói: Vừa phải. Lý công cười to.

Sư tạm biệt, Lý công hỏi: Thế nào là một câu Thượng tọa sắp đi? Sư nói: Khéo sắp dứt. Lý công nói: Đâu khác các nơi. Sư hỏi: Đô úy lại làm sao? Lý công nói: Tha Thượng tọa hai mươi gậy. Sư nói: Toàn là lưu thông. Lý công hét! Sư nói: Mù! Lý công nói: Đi vui vẻ. Sư ứng: Dạ! dạ!

Từ đây, Sư qua lại nhà họ Dương họ Lý kết làm bạn pháp.

Lúc Sư còn ở Phần Dương, nghe Phần Dương nói: ta tham vấn khắp hết con cháu Vân Môn, còn hận chưa được yết kiến Thiền sư Hiểu Thông. Sư tìm đến Động Sơn chỗ Thiền sư Hiểu Thông ở lại ba năm làm Thủ chúng.

*

Sư đến Ngưỡng Sơn, Dương Đại Niên gởi thơ cho Thái thú Nghi Xuân là Huỳnh Tông Đán thỉnh Sư trụ trì giáo hóa. Thái thú thỉnh Sư trụ tại chùa Nam Nguyên. Sau khi trụ, Sư thượng đường dạy chúng: 

- Tất cả chư Phật và pháp A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề của chư Phật đều từ kinh này ra (kinh Kim Cang).

Sư dựng đứng cây gậy, nói: Cái này là cây gậy của Nam Nguyên, cái gì là kinh?

im lặng giây lâu, nói: về sau văn dài trao lại ngày khác.

Sư hét một tiếng bước xuống tòa.

*

Tăng hỏi:- Thế nào là Phật?

Sư đáp:- Nước chảy ở cao nguyên.

- Thế nào là cảnh Nam Nguyên? 

- Sông Hoàng Hà chín khúc xuất phát từ Côn Lôn.

- Thế nào là người trong cảnh?

- Theo dòng người chẳng đoái, chặt tay trông Phù Tang (Nhật Bản).

*

trụ trì Nam Nguyên ba năm, giao chùa đi du phương. Đến yết kiến Thiền sư Chân ở Thần Đảnh. Thần Đảnh là cao đệ của Thủ Sơn Niệm. Các Thiền sinh ít ai dám lên núi này, vì đạo phong cao vút của Ngài. Ngài ở núi ba mươi năm, môn đệ đều ăn đứt hết các nơi.

Sư để tóc dài chẳng cạo, mặc y rách nói tiếng Sở, xin vào yết kiến xưng là cháu trong Phật pháp. Toàn chúng trông thấy Sư đều cười vang, Thần Đảnh sai Đồng Tử ra hỏi: Trưởng lão nối pháp ai? Sư ngước nhìn lên nói: Chính thấy Phần Dương đến. Thần Đảnh ra xem thấy ái ngại hỏi: Phần Dương có sư tử Tây Hà phải chăng? Sư chỉ lại sau kêu to: Thất ngã! Đồng Tử chạy hoảng. Thần Đảnh xây đầu ngó lại ngơ ngác, Sư ngồi xuống đất cởi chiếc dép xem. Thần Đảnh quên lời hỏi, cũng không nhớ Sư đang ở đó. Sư từ từ đứng dậy sửa y phục ra đi, nói: nghe danh chẳng bằng thấy mặt. Thần Đảnh sai người theo tìm mà chẳng gặp, bèn than: Phần Dương lại có đứa con này sao?

*

Sa-môn Bôn Diên cùng Quận thú thỉnh Sư trụ trì Đạo Ngô.

thượng đường:

- Bảo Ứng nói "câu thứ nhất tiến được kham cùng Phật Tổ làm thầy, câu thứ hai tiến được kham cùng người trời làm thầy, câu thứ ba tiến được tự cứu chẳng xong". Đạo Ngô thì chẳng thế, câu thứ nhất tiến được hòa bùn hợp nước, câu thứ hai tiến được không dây tự trói, câu thứ ba tiến được bốn góc dính đất. Do đó nói, ra đi thì sông trong biển lặng bộ hành tránh đường, đứng lại thì càn khôn thất sắc mặt trời mặt trăng không sáng. Các ông nhằm chỗ nào hà hơi. Hiện nay có người nào hà hơi chăng? Nếu có, bước ra đối chúng hà hơi xem? Nếu không, Đạo Ngô sẽ vì các ông hà hơi.

Sư bèn hư một tiếng, cầm gậy bước xuống tòa.

*

thượng đường:

- Đạo Ngô đánh trống bốn đại bộ châu đồng tham. Cây gậy nằm ngang, khêu động cả càn khôn đại địa. Úp bát xuống, che đậy hằng sa thế giới. Thử hỏi, các ông nhằm chỗ nào an thân lập mạng. Nếu là biết được nhằm Bắc Câu-lô Châu ăn cơm ăn cháo. Nếu là chẳng biết thì nằm dài trên giường ăn cơm ăn cháo.

*

Sau, Sư trụ ở Thạch Sương. Nhân ngày giải hạ Sư dạy chúng:

- Ngày xưa làm trẻ con, hôm nay tuổi đã già, chưa rõ ba tám chín, khó đạp đường cổ hoàng. Tay quét Hoàng Hà khô, chân đạp tu-di ngã, phù sanh thân mộng huyễn, mạng người đêm khó giữ. Thiên đường cùng địa ngục đều do tâm tạo ra, núi nam tùng ngọn bắc, ngọn bắc cỏ núi nam. Một giọt thấm vô biên, gốc mầm mạnh khô kháo, tham học vào năm hồ, chỉ hỏi hư không thảo. Chết cổi áo trời hạ, sanh đắp mền trăng đông, rõ ràng người vô sự, đầy đất sanh phiền não.

Sư hét một tiếng, bước xuống tòa.

*

thượng đường:

- Một hét phân chủ khách, chiếu dụng đồng thời hành, cần hội ý trong ấy, giữa trưa là canh ba.

Sư hét một tiếng, nói: Hãy nói là khách là chủ. Lại có người phân rành được chăng? Nếu có người phân rành được thì sáng đánh ba ngàn, chiều đánh tám trăm. Nếu chưa có người phân rành được thì Lão tăng mất lợi.

*

 Tăng hỏi:- Tổ Đạt-ma khi chưa đến thì thế nào?

Sư đáp:- Trường An đêm đêm nhà nhà trăng.

- Sau khi đến thì thế nào?

- Bao chỗ nhịp ca bao chỗ buồn.

*

thượng đường:

- Ta có một lời, bặt nghĩ quên duyên, khéo nói chẳng được, chỉ cốt tâm truyền. Lại có một câu không lỗi thẳng nêu. Thế nào là một câu thẳng nêu?

Sư lặng thinh giây lâu, cầm gậy vẽ một đường, hét một tiếng.

*

thượng đường:

- Thuốc nhiều bệnh lắm, lưới dày cá đặc. Liền bước xuống tòa.

*

Sư dạy chúng, lấy gậy gõ giường thiền một tiếng, hỏi:

- Đại chúng hội chăng? Đâu chẳng nghe nói:

 Nhất kích vong sở tri

 Cánh bất giả tu trì

 Chư phương đạt đạo giả

 Hàm ngôn thượng thượng ky.
 
 

 Tiếng gõ quên sở tri

 Lại chẳng nhờ tu trì

 Các nơi người đạt đạo

 Đều gọi thượng thượng cơ.

Hương Nghiêm ngộ thế ấy là rõ ràng ngộ Như Lai thiền, Tổ sư thiền còn chưa thấy được. Hãy nói Tổ sư thiền có cái gì đặc biệt? Nếu nhằm trong lời nói mà nhận thì lừa bịp người sau. Dù cho dưới gậy lãnh lấy vẫn còn cô phụ thánh trước. Muôn pháp vốn yên lặng chỉ tự người ồn náo. Do đó, Sơn tăng ở Phước Nghiêm chỉ thấy cảnh giới Phước Nghiêm, sáng dậy sớm, tối đi ngủ. Mây nổi trên ngọn xanh, trăng lặn dưới đầm lạnh, tiếng chim kêu hót ở trước đài Bát-nhã, hương hoa Sa-la rơi khấn vái bên sườn núi. Cầm gây gậy tre ngồi trên bàn thạch, cùng Thiền sinh ngũ hồ nói lời huyền vi.

Thay đầu đổi mặt đến trụ Hưng Hóa, chỉ thấy gia phong Hưng Hóa, đón đến đưa đi, cửa liền với thành thị xe ngựa rộn ràng, ca hát tiêu tương, vượn ca Nhạc lộc, tiếng đờn ca ngâm vịnh luôn luôn vào tai. Lại cùng bậc cao nhân trong tứ hải mỗi ngày bàn thiền đạo, năm tháng quên mất.

Hãy nói ở núi sâu, trụ đô thành, lại có ưu liệt hay không? Thử nói xem.

im lặng giây lâu, nói: chỗ chỗ đều Từ Thị cửa cửa thảy Thiện Tài.

*

Niên hiệu Bảo Nguyên (1040) Lý đô úy sai sứ đến thỉnh Sư, thơ viết: Bạn pháp trong nước chỉ có Thầy cùng Dương Đại Niên. Đại Niên đã bỏ tôi đi trước, năm nay tôi thấy già suy đến gấp, cái chết chực sẵn, mong được cùng Thầy hội kiến lần chót.

xót thương cùng thị giả xuống thuyền đến kinh đô. Thuyền đi trên sông, Sư làm kệ:

 Trường giang hành bất tận

 Đế lý đáo hà thời

 Ký đắc lương phong tiện

 Hưu tương lỗ trạo thi.
 
 

 Sông dài đi chẳng tột

 Đế đô đến bao giờ?

 Đã gặp gió lành tốt

 Thôi thì gác chèo chơi.

Đến kinh đô, Sư cùng Lý đô úy hội kiến, luận bàn đạo lý. Hơn tháng sau, quả nhiên Đô úy sắp tịch. Giờ phút chót, Đô úy vẽ hình tròn, và làm bài thơ tặng Sư:

 Thế giới vô y

 Sơn hà phỉ ngại

 Đại hải vi trần

 Tu-di nạp giới

 Niệm khởi phốc đầu

 Giải hạ yêu đời

 Nhược mít tử sanh

 Vấn thủ bì đại.
 
 

 Thế giới không nương

 Núi sông chẳng ngại

 Đại hải vi trần

 Tu-di hạt cải.

 Gỡ phắt chiếc khăn

 Cổi bỏ lưng thắt

 Nếu tìm tử sanh

 Hỏi lấy cái đãy.

Sư hỏi:- Thế nào là Phật tánh xưa nay?

Lý đáp:- Ngày nay nóng như ngày hôm qua.

Liền đó, Lý hỏi lại Sư:- Một câu sắp đi thế nào?

Sư đáp:- Xưa nay không ngăn ngại, tùy chỗ mặc vuông tròn.

Lý nói:- Chiều đến mỏi mệt không đáp thoại.

Sư bảo:- Chỗ không Phật làm Phật.

Lý công vui vẻ thị tịch.

*

trở về, vua Tống Nhân Tông cho thuyền đưa Sư. Đi giữa đường, Sư bảo thị giả: ta vừa bị bệnh phong. Nhìn thấy Sư miệng bị phong giật méo qua một bên. Thị giả dậm chân xuống thuyền nói: Tại làm sao lúc bình thường quở Phật mắng Tổ, hôm nay lại thế ấy? Sư bảo: Đừng lo, ta sẽ vì ngươi sửa ngay lại. Sư lấy tay sửa lại, miệng ngay như cũ, nói: Từ nay về sau chẳng nhọc đến ngươi.

*

Năm sau (1041) Sư đến Hưng Hóa. Ngày mùng năm tháng giêng, Sư tắm gội xong, ngồi kiết già từ biệt chúng rồi tịch. Sư thọ năm mươi bốn tuổi, được ba mươi hai tuổi hạ.





8. THIỀN SƯ ÐẠO NHẤT
Mã Tổ - (709 - 788)

Vì người đời sau quá kính trọng Sư nên nhân Sư họ Mã gọi là Mã Tổ: ông Tổ họ Mã.

Sư họ Mã, quê ở huyện Thập Phương, Hán Châu. Thuở nhỏ, Sư dung mạo lạ thường: đi như trâu, nhìn như cọp, lưỡi dài khỏi mũi, dưới chân có hai khu ốc. Lúc bé, Sư đến chùa La-hán xin xuất gia với Hòa thượng Ðường ở Từ Châu. Sau Sư thọ giới cụ túc nơi Luật sư Viên ở Du Châu.

Ðời Ðường khoảng niên hiệu Khai Nguyên (713-742 T.L.), Sư tập thiền định ở Viện truyền pháp tại Hoành Nhạc, nhân Thiền sư Hoài Nhượng giáo hóa được giải ngộ. Bạn đồng tham học với Sư có sáu người, chỉ riêng Sư được truyền tâm ấn

Sau khi tạm biệt thầy, Sư đến Kiến Dương ở ngọn núi Phật Tích, kế dời sang Lâm Xuyên, sau lại đến núi Cung Công Nam Dương. Niên hiệu Ðại Lịch (765 T.L.) Liên soái Lộ Từ Cung và Linh Phong, Cảnh Mộ thỉnh Sư khai đường để truyền bá tông phong. Từ đây học giả bốn phương tụ hội về rất đông. Có thể nói Giang Tây là một trường thi Phật.

*

Một hôm Sư dạy chúng: 

- Các ngươi mỗi người tin tâm mình là Phật, tâm này tức là tâm Phật. Tổ Ðạt-ma từ Nam Ấn sang Trung Hoa truyền pháp Thượng thừa nhất tâm, khiến các ngươi khai ngộ. Tổ lại dẫn kinh Lăng-già để ấn tâm địa chúng sanh. Sợ e các ngươi điên đảo không tự tin pháp tâm này mỗi người tự có, nên kinh Lăng-già nói: "Phật nói tâm là chủ, cửa không là cửa pháp." (Phật ngữ tâm vi tông, vô môn vi pháp môn.) 

Phàm người cầu pháp nên không có chỗ cầu, ngoài tâm không riêng có Phật, ngoài Phật không riêng có tâm, không lấy thiện chẳng bỏ ác, hai bên nhơ sạch đều không nương cậy, đạt tánh tội là không, mỗi niệm đều không thật, vì không có tự tánh nên tam giới chỉ là tâm, sum la vạn tượng đều là cái bóng của một pháp, thấy sắc tức là thấy tâm, tâm không tự là tâm, nhân sắc mới có.

Các ngươi chỉ tùy thời nói năng tức sự là lý, trọn không có chỗ ngại, đạo quả Bồ-đề cũng như thế. Nơi tâm sanh ra thì gọi là sắc, vì biết sắc không, nên sanh tức chẳng sanh. Nếu nhận rõ tâm này, mới có thể tùy thời ăn cơm mặc áo nuôi lớn thai thánh, mặc tình tháng ngày trôi qua, đâu còn có việc gì.

Các ngươi nhận ta dạy hãy nghe bài kệ này:

 Tâm địa tùy thời thuyết

 Bồ-đề diệc chỉ ninh

 Sự lý câu vô ngại

 Ðương sanh tức bất sanh.

Dịch:

 Ðất tâm tùy thời nói

 Bồ-đề cũng thế thôi

 Sự lý đều không ngại

 Chính sanh là chẳng sanh.

*

Có vị Tăng hỏi:- Hòa thượng vì cái gì nói tức tâm tức Phật?

Sư đáp:- Vì vỗ con nít khóc.

- Con nít nín rồi thì thế nào?

- Phi tâm phi Phật.

- Người trừ được hai thứ này rồi, phải dạy thế nào?

- Nói với y là "phi vật".

- Khi chợt gặp người thế ấy đến thì phải làm sao?

- Hãy dạy y thể hội đại đạo

*

Có vị Tăng hỏi:

- Ly tứ cú tuyệt bách phi, thỉnh Thầy chỉ thẳng ý Tổ sư từ Ấn Ðộ sang?

Sư đáp:

- Hôm nay ta mệt nhọc không thể vì ngươi nói, ngươi đến hỏi Trí Tạng. Vị Tăng ấy đến hỏi Trí Tạng

Trí Tạng bảo:- Sao không hỏi Hòa thượng?

Tăng đáp:- Hòa thượng dạy đến hỏi Thầy.

Trí Tạng hỏi:

- Hôm nay tôi đau đầu, không thể vì ông nói, đến hỏi Sư huynh Hải.

Tăng đến hỏi Hoài Hải, Hoài Hải bảo:- Ðến chỗ ấy tôi cũng chẳng hội.

Tăng trở lại trình Sư, Sư bảo:- Tạng đầu bạch, Hải đầu hắc.

*

Cư sĩ Long Uẩn đến hỏi:

- Nước không gân xương hay thắng chiếc thuyền muôn hộc, lý này thế nào?

Sư đáp:- Trong ấy không nước cũng không thuyền, nói gì là gân xương?

Uẩn bảo:- Người không lầm xưa nay, thỉnh Thầy để mắt nhìn lên! 

Sư liền nhìn thẳng xuống.

Uẩn nói:- Một cây đàn cầm không dây, mà Thầy đàn rất hay.

Sư liền nhìn thẳng lên. Uẩn lễ bái. Sư trở về phương trượng. Uẩn theo sau thưa:- Vừa rồi muốn làm khéo trở thành vụng.

*

Một đêm, Trí Tạng, Hoài Hải, Phổ Nguyện theo hầu Sư xem trăng.

Sư hỏi:- Ngay bây giờ nên làm gì?

Trí Tạng thưa:- Nên cúng dường.

Hoài Hải thưa:- Nên tu hành

Phổ Nguyện phủi áo ra đi. 

Sư bảo:- Kinh vào Tạng, Thiền về Hải, chỉ có Phổ Nguyện vượt ngoài sự vật.

*

Hoài Hải hỏi:- Thế nào là chỉ thú Phật pháp? 

Sư đáp:- Chính là chỗ ngươi bỏ thân mạng.

Sư lại hỏi Hoài Hải:- Ngươi lấy pháp gì chỉ dạy người?

Hoài Hải dựng đứng cây phất tử.

Sư bảo:- Chỉ thế thôi hay còn gì khác?

Hoài Hải ném cây phất tử xuống.

*

Tăng hỏi:- Thế nào được hiệp đạo?

Sư đáp:- Ta sớm chẳng hiệp đạo.

Tăng hỏi:- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Ðộ sang? 

Sư liền đánh và nói:- Ta nếu không đánh ngươi, các nơi sẽ cười ta.

*

Ðặng Ẩn Phong từ biệt Sư đi nơi khác, Sư hỏi:- Ði đến đâu?

Ẩn Phong thưa:- Ði đến Thạch Ðầu.

- Ðường Thạch Ðầu trơn.

- Có cây gậy tùy thân, gặp trường thì đùa.

Ẩn Phong vừa đi đến Thạch Ðầu đi nhiễu giường thiền một vòng, dựng tích trượng động đất một tiếng, hỏi:

- Ấy là tông chỉ gì?

Thạch Ðầu nói:- Trời xanh! trời xanh!

Ẩn Phong không đáp được, lại trở về thưa với Sư. Sư bảo:

- Ngươi nên đi lại bên ấy, nếu Thạch Ðầu nói "trời xanh!" ngươi "hư! hư!"

Ẩn Phong lại đi đến Thạch Ðầu làm như trước.

Thạch Ðầu bèn: Hư! hư!

Ẩn Phong không đáp được, lại trở về trình với Sư. Sư bảo:

- Ta đã nói với ngươi "đường Thạch Ðầu trơn".

*

Có vị Giảng sư đến hỏi:- Thiền tông truyền giữ pháp gì?

Sư hỏi lại:- Tọa chủ truyền giữ pháp gì?

- Tôi giảng được hơn hai mươi bản kinh luận. 

- Ðâu không phải là sư tử con?

- Không dám.

Sư thốt ra tiếng: Hư! hư!

Giảng sư nói:- Ðây là pháp.

- Là pháp gì?

- Pháp sư tử ra khỏi hang.

Sư bèn im lặng.

Giảng sư nói:- Ðây cũng là pháp.

- Là pháp gì?

- Pháp sư tử ở trong hang. 

- Không ra không vào là pháp gì?

Giảng sư không đáp được, bèn từ giã đi ra đến cửa, Sư gọi:

- Chủ tọa!

Giảng sư xoay đầu lại.

Sư hỏi:- Là pháp gì?

Giảng sư cũng không đáp được.

Sư bảo:- Ông thầy độn căn.

*

Một hôm Sư dạy chúng:

- Ðạo không dụng tu, chỉ đừng ô nhiễm. Sao là ô nhiễm? - Có tâm sanh tử, tạo tác, thú hướng đều là ô nhiễm. Nếu muốn hội thẳng đạo ấy, tâm bình thường là đạo. Sao gọi là tâm bình thường? -Không tạo tác, không thị phi, không thủ xả, không đoạn thường, không phàm thánh. Kinh nói: "Chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh thánh hiền, là hạnh Bồ-tát." Chỉ như hiện nay đi đứng ngồi nằm, ứng cơ tiếp vật đều là đạo. Ðạo tức là pháp giới, cho đến diệu dụng như hà sa đều không ngoài pháp giới. Nếu chẳng phải vậy, tại sao nói "pháp môn tăng địa", tại sao nói "vô tận đăng"? Tất cả pháp đều là pháp của tâm, tất cả tên đều là tên của tâm. Muôn pháp đều từ tâm sanh, tâm là cội gốc của muôn pháp. Kinh nói: "Biết tâm đạt cội nguồn nên hiệu là Sa-môn." Tên đồng nghĩa đồng, tất cả pháp đều đồng thuần nhất không lẫn lộn.

Nếu ở trong giáo môn được tùy thời tự tại thì dựng lập pháp giới trọn là pháp giới, lập chân nhưchân như, lập lý tất cả pháp trọn là lý, lập sự tất cả pháp trọn là sự, nắm giở một thì ngàn theo, sự lý không khác, toàn là diệu dụng. Lại không có lý riêng, đều do xoay lại của tâm. Ví như bao nhiêu bóng mặt trăng thì có, mà bao nhiêu mặt trăng thật thì không, bao nhiêu nguồn nước thì có, mà bao nhiêu tánh nước thì không, bao nhiêu sum la vạn tượng thì có, mà bao nhiêu hư không thì không, bao nhiêu lời nói đạo lý thì có, mà bao nhiêu Tuệ vô ngại thì không; bao nhiêu các thứ thành lập đều do một tâm. Dựng lập cũng được, dẹp hết cũng được, thảy là diệu dụng. Diệu dụng trọn là nhà mình, chẳng phải lìa chân mà có, nơi nơi đều chân, thảy đều là thể của nhà mình. 

Nếu chẳng vậy, lại là người nào? Tất cả pháp đều là Phật pháp, các pháp tức là giải thoát, giải thoát tức là chân như, các pháp không ngoài chân như, đi đứng ngồi nằm thảy là dụng bất tư nghì, không đợi thời tiết. Kinh nói: "Chỗ chỗ nơi nơi đều có Phật." Phật là năng nhân, có trí tuệ khéo hợp lòng người, hay phá lưới nghi cho tất cả chúng sanh, vượt ra vòng trói buộc của có và không v.v... tình chấp phàm thánh hết, nhân pháp đều không, chuyển bánh xe không gì hơn, vượt các số lượng, việc làm không ngại, sự lý đều thông, như trời hiện mây, chợt có lại không, chẳng để dấu vết. Ví như vẽ nước thành lằn, không sanh không diệt. Ðại tịch diệt tại triền gọi là Như lai tàng, xuất triền gọi là Pháp thân thanh tịnh. Thể không tăng giảm, hay lớn hay nhỏ, hay vuông hay tròn, hợp vật hiện hình như trăng trong nước, vận dụng mênh mông, không lập mầm gốc chẳng hết hữu vi, không trụ vô vi. Hữu vi là dụng của vô vi, vô vi là chỗ nương của hữu vi, chẳng trụ chỗ nương, nên nói: "Như không chẳng chỗ nương." Nghĩa tâm sanh diệt, nghĩa tâm chân như: Tâm chân như dụ như gương sáng soi vật tượng. Gương dụ tâm, vật tượng dụ pháp. Nếu tâm chấp pháp là dính với cái nhân bên ngoài, tức là nghĩa sanh diệt. Tâm không chấp pháp tức là nghĩa chân như. 

Thanh văn tai nghe Phật tánh. Bồ-tát mắt thấy Phật tánh. Liễu đạt không hai gọi là bình đẳng tánh. Tánh không có khác, dụng thì chẳng đồng. Tại mê là thức, tại ngộ là trí. Thuận lý là ngộ, theo sự là mê. Mê tức là mê bản tâm mình, ngộ là ngộ bản tánh mình. Một phen ngộ là hằng ngộ chẳng trở lại mê. Như đang khi mặt trời mọc lên không trở lại tối. Mặt trời trí tuệ xuất hiện, không chung cùng cái tối phiền não. Liễu đạt cảnh giới của tâm liền trừ vọng tưởng. Vọng tưởng đã trừ tức là vô sanh. Pháp tánh sẵn có, có chẳng nhờ tu. Thiền không thuộc ngồi, ngồi tức có chấp trước. Nếu thấy lý này là chân chánh hiệp đạo, tùy duyên qua ngày, đứng ngồi theo nhau, giới hạnh huân thêm, nhóm nơi tịnh nghiệp. Chỉ hay như thế, lo gì chẳng thông.

Ðệ tử của Sư được nhập thất (được vào thiền thất, là đã ngộ đạo) có đến tám mươi bốn vị, mỗi người làm chủ một phương truyền hóa vô cùng.

Ðời Ðường niên hiệu Trinh Nguyên năm thứ tư (788 T.L.) khoảng tháng giêng, Sư lên núi Thạch Môn, Kiến Xương, đi kinh hành trong rừng thấy chỗ hang động bằng phẳng, bèn bảo thị giả:

- Thân cũ mục của ta sẽ ở tháng sau và trở về nơi này. Nói xong, Sư trở về.

Ðến ngày mùng bốn tháng hai, Sư có chút bệnh, tắm gội xong, ngồi kiết già nhập diệt, thọ tám mươi tuổi, được sáu mươi tuổi hạ.

Sau vua sắc ban hiệu Ðại Tịch.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant