Xem bản in PDF
NỘI DUNG SỐ NÀY:
¨ THƯ TÒA SOẠN, trang 2
¨ TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3
¨ SUY GẪM (thơ ĐNT Tín Nghĩa) trang 8
¨ XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH, t.t. (Thích Thắng Hoan), trang 9
¨ Ý NGHĨA ĐỀ KINH KIM CANG (Tuệ Sỹ), trang 12
¨ CHÙM THƠ NGŨ NGÔN (thơ Mặc Phương Tử), trang 14
¨ TÂM THƯ VỀ VIỆC MUA LẠI CƠ SỞ RECENT WEST LÀM CHÙA BÁT NHÃ MỚI (HT. Thích Nguyên Trí), trang 15
¨ NĂM SỰ HAM MUỐN (thơ Thích Viên Thành), trang 16
¨ NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CỦA CÁC HỌC GIẢ ANH QUỐC… (HT. Thích Trí Chơn), trang 17
¨ NHAN SẮC NHỮNG MÙA TRĂNG (thơ Lý Thừa Nghiệp), trang 19
¨ THƯ MỜI THAM DỰ LỄ CẦU AN HT. THÍCH KHÔNG TÁNH VÀ CHÙA LIÊN TRÌ (GHPGVNTNHK) trang 20
¨ THÔNG BẠCH ĐẠI HỘI HOẰNG PHÁP VÀ GIÁO DỤC (HT. Thích Thái Siêu, HT. Thích Bổn Đạt), trang 21
¨ SANH KỲ TÂM - TRIẾT LÝ HÀNH ĐỘNG CỦA LỤC TỔ (TN. Trí Hải), trang 22
¨ TRƯỜNG CA LARUNG GAR (thơ Sakya Như Bảo), trang 24
¨ ĐỘNG TĨNH, CHÂN TU, ĐẠO VỐN KHÔNG LỜI… (thơ Hạnh Chi), trang 26
¨ NGHĨA A-HÀM (TN. Giới Hương), trang 27
¨ YÊU VÀ THÍCH (thơ Hàn Long Ẩn), trang 31
¨ BỐ THÍ– Câu chuyện dưới cờ (Nhóm Áo Lam), trang 32
¨ TỨ NHIẾP PHÁP – Phật Pháp Thứ 5 (Nhóm Áo Lam), trang 33
¨ ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI ĐỘI CHÚNG TRƯỞNG – Lá Thư Đầu Tuần (GĐPTVN Trên Thế Giới), trang 34
¨ LỠ HẸN, KIẾP PHONG TRẦN (thơ Bạch Xuân Phẻ), trang 35
¨ THIỀN SƯ HUYỀN QUANG (Nguyễn Lang), trang 36
¨ KHÔNG (Huệ Trân), trang 39
¨ TIỄN BẠN (thơ TN. Giới Định), trang 41
¨ MÙA NƯỚC TRONG XƯA (Thu Nguyệt), trang 42
¨ STORY OF Uttara the Lay-Disciple (Daw Mya Tin), trang 46
¨ NĂM GIỌT MẬT (thơ Tâm Minh Ngô Tằng Giao), trang 47
¨ THỊ KÍNH (TN. Như Thủy), trang 48
¨ BÃO TAN (thơ Hồ Bích Hợp), trang 49
¨ VÔ THANH SẮC TƯỚNG (Lê Huy Trứ), trang 50
¨ ĐƯỜNG VỀ CÕI TÂY PHƯƠNG (thơ Trần Công Danh), trang 54
¨ TRUYỆN NGẮN TRĂM CHỮ (Steven N.) trang 55
¨ HỎI SÔNG, ĐÊM QUA, XIN LỖI… (thơ NT Khánh Minh – Phan Tấn Hải dịch), trang 56
¨ NẤU CHAY: BÚN HUẾ CHAY (Hồng Hương), trang 57
¨ TRĂNG VÀ CHỊ (Biện Thị Thanh Liêm), trang 58
¨ HAI MẶT TRẦN GIAN (thơ Diệu Viên), trang 59
¨ VÀI Ý NGHĨ RỜI VỀ HOẰNG PHÁP (Nguyên Giác), trang 60
¨ PHÁP HỘI ĐỊA TẠNG LẦN THỨ 5 TẠI QUẬN CAM (Bình Sa), trang 64
¨ THÁNG TÁM MIỀN ÔN ĐỚI… (thơ Du Tâm Lãng Tử), trang 67
¨ TỪ BI RỘNG MỞ CÕI LÒNG (Tuệ Uyển dịch), trang 68
¨ GƯƠNG BỐ THÍ (Thích Minh Chiếu), trang 71
¨ LỌC MÁU NHÂN TẠO (Bs. Nguyễn Ý Đức), trang 72
¨ GHÉ VÀO TỊNH THẤT, HƯƠNG CHÙA… (thơ Phù Du), trang 73
¨ PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – chương 11, t.t. (Vĩnh Hảo), trang 74
KHÔNG SỢ HÃI
Vĩnh Hảo
Từ năm 2001, đầu thế kỷ 21, ngôn ngữ truyền thông bắt đầu nhắc đến nhiều từ ngữ “khủng bố,” “chủ nghĩa khủng bố” (terror/terrorism). Đây không phải là từ ngữ mới, nhưng nó được nhấn mạnh và sử dụng nhiều sau sự kiện 11/9/2001, với tòa tháp đôi ở New York sụp đổ hoàn toàn do những chiếc phi cơ bị những kẻ khủng bố Al-Qaeda dùng bạo lực cưỡng chế phi hành đoàn, điều hướng đâm vào. Trước đó 6 tháng, vào ngày 10 tháng 3 năm 2001, lực lượng Taliban ở A-phú-hãn (Afghanistan) đã cho nổ bom làm sụp đổ hai tượng Phật khổng lồ khắc trong núi đá, có niên đại hơn 1500 năm. Hành động phá hủy tượng Phật lúc đó dù là hành vi bạo động nhưng không bị xem như là khủng bố, mà là hành động hủy diệt văn hóa nhân loại nghiêm trọng (theo sự lên án của Tổ chức Văn hóa – Khoa học và Giáo dục LHQ - UNESCO). Vậy, có thể hiểu “khủng bố” là lời nói hay hành vi đe dọa trực tiếp đến mạng sống và đời sống của con người; nhẹ thì từ những cá nhân với mục đích trục lợi, tống tiền; nặng thì từ các tổ chức tôn giáo, chính trị để nêu cao lý tưởng của họ, hoặc từ các nhà cầm quyền nhằm ngăn chặn tiếng nói đối lập để giữ vững chế độ.
Từ “khủng bố” cũng được nghe quen từ bản Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh do Pháp sư Trần Huyền Trang (Đường Tam Tạng) dịch từ Prajñā Pāramitā Sūtra vào năm 649, sau được cô đọng lại thành bản Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh 260 chữ. Trong kinh văn nầy, chữ “khủng” và “bố” đều mang nghĩa đơn giản là (bị) sợ hãi, đe dọa; mà để không bị sợ hãi, đe dọa, tâm phải tịch lặng, an nhiên, không bị vướng mắc, trở ngại (tâm vô quái ngại). Tâm không bị vướng mắc, ngăn ngại là tâm vô trụ (ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm); tâm vô trụ là tâm không có tự ngã, là tâm bản nhiên, tâm bất sanh. Chỉ với cái tâm như thế, mới không còn sợ hãi.
Trong hoàn cảnh mà nhan nhản chung quanh chỉ toàn là những lời hư dối, người ta sợ phải nói những điều trung thực; nói ra có thể bị bắt bớ, đánh đập, tù đày; nói ra có thể bị mất việc, mất chức, mất địa vị, mất danh tiếng, mất cả tài chánh để nuôi thân và gia đình, mất cả cơ sở sinh hoạt (chùa chiền, nhà thờ…). Cá nhân đã không dám nói lời trung thực, mà ngay cả tổ chức mà cá nhân đó tham dự cũng không dám bày tỏ điều gì khác với những hư dối chung quanh. Nghĩa là từ cá nhân đến tập thể, từ những tổ chức nhỏ đến những tổ chức lớn qui tụ hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn thành viên, có mặt với sứ mệnh văn hóa, giáo dục, phục vụ lợi ích số đông… mà trong một xã hội đạo đức băng hoại, tụt dốc, và trong nguy cơ mất nước, mất chủ quyền, cũng không thể mạnh dạn nói lên một lời trung thực.
Điều gì đã làm chúng ta sợ hãi không dám lên tiếng bảo vệ sự thực, không dám bày tỏ thẳng thắn mối ưu tư của mình về tình trạng môi sinh đang bị hủy hoại, không dám đưa ra quan điểm của mình về hiểm họa lãnh thổ và biển đảo bị xâm lấn?
Chỉ vì bảo vệ tự ngã của mình mà thôi.
Sợ hãi là phản ứng của một người trước một sự kiện hay ấn tượng mà họ đã trải nghiệm, hoặc tiên đoán (nhờ rút tỉa từ kinh nghiệm), sẽ gây thiệt hại đến nhân thân (sức khoẻ, sinh mệnh) hoặc tổn thương, suy giảm đến những gì mình sở hữu (danh dự, tài sản, sự nghiệp…).
Phản ứng này là do chấp vào một cái tôi (ngã chấp) ngay từ khi mới chào đời, rồi được bồi đắp và làm cho kiên cố, sâu nặng thêm theo thời gian với những gì được tạo dựng, sở hữu (ngã sở).
Cái tôi càng lớn, sợ hãi càng sâu.
Cái sợ nầy đến từ bên trong. Những đe dọa, khủng bố từ kẻ khác chỉ là phụ thuộc.
Đập vỡ cái vỏ của tự ngã thì không còn sợ hãi, âu lo; không ai có thể đe dọa, khủng bố chúng ta được nữa.
Nhưng để làm được điều nầy, phải thấy được cả thân và tâm đều là ảo ảnh, không thực. Thân nầy không thực, tâm nầy (cảm giác, tư tưởng, hành nghiệp và nhận thức) cũng không thực.
Thân và tâm nầy không thực thì cả thế gian nầy cũng không thực.
(Đã không thực thì có cần phải lên tiếng về một sự thực, về nỗi thống khổ của số đông hay không?)
Bản chất của tự ngã, của thế gian chỉ là ảo ảnh, chỉ là giấc mộng huyễn hóa. Nhưng tác động nhân duyên của tự ngã và thế giới chúng sinh là có thực. Thống khổ của nhân sinh là có thực.
Khi chúng ta có tri kiến/nhận thức một cách thấu suốt về lẽ không thực của tự ngã, chúng ta có thể vượt qua được những khổ đau (không thực) tác động (một cách không thực) lên thân tâm chúng ta. Nhưng thực trạng khổ đau của con người, của chúng sinh vẫn tiếp diễn trong nhận thức điên đảo mộng tưởng của họ. Vận dụng cái thấy như thực về tự ngã (trí) để dấy khởi lòng thương (bi) đối với thế giới chúng sinh, là con đường của kẻ giác ngộ (bồ-tát).
Khi kẻ lữ hành cô độc thong dong bước ngang những lầu đài tráng lệ và những xó xỉnh sình lầy bẩn nhơ, nhân sinh vẫn cất lên tiếng than khóc về nỗi trầm thống bất tận của họ.
Một lời nói để đắp thêm tiếng thơm hay lợi lạc cho tự thân: không cần thiết; nhưng bày tỏ trung thực về thực trạng khổ đau của kiếp người: rất nên.
California, ngày 24 tháng 9 năm 2016
Vĩnh Hảo
- Tag :
- Báo Chánh Pháp
- ,
- Vĩnh Hảo