“Quá khứ không truy tìm” (Atītaṃ nānvāgameyya) nghĩa là không (na) đi (gama) về quá khứ (atītaṃ) hoài (anu). Điều đó không có nghĩa chúng ta phải hoàn toàn quên quá khứ. Nghĩa của câu này thực ra đã rất rõ ràng, nếu bạn thực sự nhìn hoặc lắng nghe một cách cẩn thận. Đừng nghĩ mãi về quá khứ, nó chẳng đi đến đâu cả, chỉ nghĩ quanh nghĩ quẩn mà thôi. Nếu có điều gì đó ích lợi mà bạn có thể nhớ lại từ quá khứ, thì hãy nhớ lại và tận dụng nó. Chúng ta phải nhớ quá nhiều thứ: nào là số điện thoại, các loại địa chỉ, quá nhiều thứ cần phải nhớ. Có rất nhiều điều đã xảy ra hoặc chúng ta đã từng làm trong quá khứ, chúng ta cũng phải nhớ. Nhưng chỉ nên ghi nhớ những kinh nghiệm hữu ích đó và sử dụng chúng như là một phần cuộc sống của chúng ta. Điều đó thì tốt. Còn cứ mãi suy nghĩ về quá khứ và tự làm cho mình buồn khổ thì đó là điều không nên.
Nhớ lại và nghĩ ngợi những điều đã diễn ra trong quá khứ, để sử dụng chúng một cách khôn ngoan là việc nên làm. Đức Phật cũng thường kể về những kiếp quá khứ của Ngài. Kể về quá khứ là việc lợi ích, nhưng đừng suy nghĩ quá nhiều về quá khứ, đừng tạo thành một thói quen như vậy.
Khi bạn thấy mình đang suy nghĩ về một điều vô ích nào đó, hãy nhìn nó thật kỹ, nhìn vào suy nghĩ đó thật kỹ; nhìn thái độ của mình, tại sao mình cứ suy nghĩ mãi chuyện đó? Có nỗi lo sợ hay sự dính mắc nào ở đó chăng? Khi bạn lo sợ điều gì, bạn thường suy nghĩ rất nhiều về nó, bạn không thể quên được. Khi dính mắc vào cái gì đó, bạn cũng suy nghĩ hoài về nó. Như vậy, có rất nhiều lý do để mọi người suy nghĩ miên man về một vấn đề nào đó. Hãy nhìn vào tâm mình và tìm hiểu xem tại sao mình lại suy nghĩ mãi chuyện đó như vậy. Trước tiên, hãy nhìn các suy nghĩ của mình, rồi sau đó nhìn sự dính mắc của mình: Tại sao bạn lại quá dính mắc với những việc đó như vậy?
“Tương lai không ước vọng” (nappaṭikankhe anāgataṃ). Đây không phải là câu dịch chính xác từ bài kệ Pāli, nhưng cũng gần nghĩa như vậy.Nghĩ ngợi xem mọi việc có xảy đến hay không hoặc lo lắng về tương lai, tất cả những điều đó thật là vô nghĩa.Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không vạch kế hoạch cho tương lai.
Có nhiều người hỏi tôi rằng: “Đức Phật nói rằng không suy tầm quá khứ, cũng không ước vọng tương lai; vậy chúng tôi phải sống như thế nào đây?”. Họ không hiểu được ý nghĩa thực sự của bài kệ này. Đức Phật không nói đừng suy nghĩ bất cứ điều gì về quá khứ. Đức Phật cũng không nói là đừng vạch kế hoạch cho tương lai. Hãy suy nghĩ về quá khứ để mà rút ra những bài học có ích cho mình và sử dụng nó. Nhưng chớ mải mê suy nghĩ quá nhiều và tự làm cho mình buồn khổ; bạn sẽ trở nên buồn khổ đến mức không thể làm được bất cứ điều gì lợi ích được nữa. Bạn chỉ phí phạm thời gian và năng lượng mà thôi. Đối với những người hành thiền thì đó không phải là một việc đúng đắn nên làm. Nhưng khi bạn nghĩ đến nó một cách tự nhiên, thì hãy nhìn thật sâu vào nó. Sự dính mắc, chính là sự dính mắc đã xui khiến bạn suy nghĩ hoài về nó như vậy. Chúng ta vạch kế hoạch cho tương lai, chúng ta lên kế hoạch cho khoá thiền tích cực, tôi trù bị cho việc quay trở lại Singapore; chúng ta phải làm tất cả những điều đó.
Nhưng lo lắng quá mức thì cũng không có ích lợi gì. Không cần thiết phải lo lắng. Hãy lên kế hoạch thật chu đáo, tìm hiểu mọi việc liên quan và làm những việc cần làm, cố gắng tốt nhất đến mức có thể, nhưng đừng lo lắng và nghĩ ngợi quá mức.
“Qua khứ đã đoạn tận” (Yad atītam pahīnan taṃ) tất nhiên chúng ta đều biết là quá khứ thì đã qua mất, nhưng chúng ta vẫn cứ bám víu vào quá khứ, suy nghĩ về quá khứ và làm như nó đang còn hiện hữu ở đây. Chúng ta thích nghĩ những điều mình muốn nó phải xảy ra, chúng ta tưởng tượng và làm như thể nó thật sự đang diễn ra vậy. Chỉ có suy nghĩ mới làm cho quá khứ trở lại với hiện tại. Chúng ta tưởng tượng về quá khứ và làm nó trở thành như thực, như thể nó đang ở trong hiện tại vậy. Nếu chúng ta không suy nghĩ về nó, nó sẽ không còn thật như vậy nữa, nó không có mặt ở đây, nó chỉ là một ký ức.“Tương lai lại chưa đến” (Appattañ ca anāgataṃ). Cả điều này nữa chúng ta cũng đã biết.
Chúng ta chuẩn bị cho nó và có thể những điều không mong đợi cũng sẽ xảy ra. Chúng ta cũng phải chờ đợi cả điều này nữa. Chúng ta chờ đợi những điều bất ngờ sẽ đến. Đó cũng là một phần của cuộc sống. Hãy nhìn sâu vào cuộc sống như nó đang là.
“Hãy nhìn sâu sắc vào cuộc sống như nó đang là”, cuộc sống ở đây nghĩa là gì? Nó không phải là 70 hoặc 80 năm, bởi vì đó chỉ là một khái niệm. Cuộc sống đích thực là ở đây và bây giờ, và nếu nhìn kỹ hơn thì cuộc sống là cái chúng ta đang thấy hiện nay, cái chúng ta đang nghe bây giờ, cái chúng ta đang ngửi, thân chúng ta đang cảm nhận trong hiện tại, cái chúng ta nếm, điều chúng ta đang suy nghĩ.Cuộc sống đích thực là ở hiện tại.
Cuộc sống không phải là một ý tưởng hay một khái niệm, mà nó chính là những cảm giác và tri giác của chúng ta, tại đây và bây giờ.“Nhìn sâu vào cuộc đời như nó đang là, ngay ở đây và bây giờ, hành giả an trú trong an ổn và giải thoát” (Paccuppannañ ca yo dhammaṃ, tattha tattha vipassati, asaṃhīraṃ asaṃkuppaṃ). Nếu bạn có thể giữ tâm mình ngay tại đây và bây giờ với tất cả tâm ý, thì ngay đó đã có sự an ổn. Điều đó nghĩa là tâm bạn không trở lui về quá khứ, cũng không móng vọng về tương lai, do đó có an ổn. Khi bạn hoài tưởng quá khứ hay vọng móng tương lai nghĩa là không có
an ổn. Khi tâm an trú ở ngay tại đây và bây giờ, chú ý đến bất cứ điều gì đang diễn ra trong thân tâm mình, tức là bạn đã có sự an ổn và giải thoát. Bởi vì khi chú ý hoàn toàn thì sẽ không còn suy nghĩ nữa.
- Tag :
- Sayadaw U. Jotika