Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta gặp phải nhiều áp lực và lo lắng từ công việc, cuộc sống xã hội, về giao tiếp theo truyền thống và trên mạng xã hội. Trước những thách thức này, một xu hướng ngày càng được những người trẻ hưởng ứng là niềm tinvào những lời nói chân thật có giá trị đem lại hạnh phúc cho nhân sinh. Sống với chánh ngữ, nhằm tốt đời, đẹp đạo.
TỐT ĐỜI, ĐẸP ĐẠO
Tốt đời không chỉ đơn thuần là thành công về vật chất mà còn đề cập đến sự phát triển toàn diện của bản thân. Người trẻ hiện nay thường đặt ra câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, chú trọng đến việc trải nghiệm, học hỏi và phát triển bản thân không chỉ ở khía cạnh nghề nghiệp mà còn ở mặt tinh thần, tình cảm và sức khỏe. Đẹp đạo là một thuật ngữ phổ biến trong Tôn giáo học thường được sử dụng để chỉ việc làm cho tâm hồn và tư duy của một người trở nên thanh nhã, thanh tịnh và đẹp đẽ thông qua việc tu tập đạo đức, hiện thực hóa những phẩm chất tốt lành.
Trong ngữ cảnh Phật giáo, đẹp đạo đề cập đến việc tu tập và thực hành những nguyên tắc và giáo lý Phật pháp, như lòng từ bi và sự thanh tịnh tâm hồn. Điều này bao gồm việc tu tập thiền, nghiêm túc với nguyên tắc chánh ngữ và chánh niệm trong đời sống, cũng như sự hòa mình với môi trường – xã hội xung quanh.
Đẹp đạo không chỉ là một trạng thái tâm hồn cá nhân mà còn là cách mở rộng lòng từ bi và sự giúp đỡ đến với mọi người xung quanh. Nó thể hiện qua hành động hòa nhã, từ bi, không ganh tỵ, tạo ra một không gian thanh tịnh, an lạc cho bản thân và người khác.
Mục tiêu của việc tu tập đẹp đạo nhằm giúp con người thức tỉnh và trở nên như một nguồn sáng soi đường cho chính mình và cho những người khác. Đẹp đạo là lối sống và quan điểm sống tốt đẹp, tạo ra một môi trường xã hội tích cực.
GIÁ TRỊ CỦA CHÁNH NGỮ
Theo Kinh tạng Pali, chánh ngữ (P. Sammavaca) được coi là một phần không thể thiếu của sự tiến bộ trên con đường giác ngộ. Chánh ngữ không chỉ đơn giản là việc sử dụng từ ngữ đúng đắn mà còn bao gồm tư duy sâu sắc và lòng tôn trọng đối với mọi sự sống. Trong Kinh Trường Bộ bài KinhĐại niệm xứ [1], Kinh Trung Bộ 2, Kinh Phân Biệt Về Sự Thật [2], Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, thế nào là chánh ngữ? Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là chánh ngữ”.
Chánh ngữ là nguồn gốc của sự bình an và hạnh phúc. Trong bối cảnh xã hội ngày nay, nhiều người trẻ đang tìm kiếm sự yên bình trong lòng bằng cách thực hành các giá trị đạo đức truyền thống. Họ chọn lọc thông tin trong cuộc sống để tìm ra những giá trị vững chắc, đem lại sự ổn định tinh thần và tâm hồn. Chánh ngữ là một khía cạnh quan trọng của văn hóa và tâm lý Phật tử. Chánh ngữ không chỉ đơn thuần là cách sắp xếp và chọn từ ngữ trong diễn đạt, mà còn chứa đựng triết lý và tinh thần tinh túy của Đạo Phật. Cho nên, nhiều kinh ghi lại: “Với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từThế Tôn thuyết pháp” [3] nhằm đem lại an lạc cho tha nhân.
Chánh ngữ theo Kinh tạng Pali không chỉ định hình cho cách chúng ta diễn đạt mà còn thể hiệnlòng tôn trọng và yêu thương đối với mọi người. Việc tuân thủ chánh ngữ giúp chúng ta tránh xa khỏi những hậu quả tiêu cực của lời nói không tốt, đồng thời xây dựng một môi trường giao tiếp lành mạnh và đầy ý nghĩa. Người theo chánh ngữ “rất thận trọng lời nói; trước khi muốn nói gì phải suy nghĩ coi có lợi ích và chân thật không. Xưa Đức Khổng Tử vào viếng chốn cổ miếu, thấy bức tranh họa một hình người kẹp miệng ba lần” [4], Ngài dạy đệ tử phải thật thận trọng trong lời nói của mình.
Trong sinh hoạt và giao tiếp hằng ngày, lời nói là một trong những phương thức truyền đạt thông tin, tạo nên mối quan hệ giữa người với người. Do đó, Đức Phật đã dạy các đệ tử nên thận trọngđối với lời nói:
“Phàm con người đã sanh
Sanh với búa trong miệng
Kẻ ngu khi nói bậy
Tự chặt đứt lấy mình
Ai khen kẻ đáng chê
Ai chê người đáng khen
Tự chất chứa bất hạnh
Do lổ miệng của mình
Chính do bất hạnh ấy
Nên không được an lạc” [5].
Điều này cho thấy chúng ta nên ý thức làm chủ hành vi lời nói thận trọng để không hại mình, hại người. Muốn có đời sống hạnh phúc an lạc cần tránh xa các điều bất thiện trên.
Vì vậy, nói chánh ngữ là lời nói liên hệ đến lợi ích của người nghe mà nói, nói đúng thời, đúng lúc. Trong kinh còn ghi lại kinh nghiệm chánh ngữ trong đời sống hằng ngày của Đức Thế Tôn như sau: “Như vậy, này Cunda, đối với các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại, Như Lai là vị nói phải thời, nói chơn chánh, nói như thật, nói có lợi ích, nói đúng Pháp, nói đúng Luật. Do vậy mới gọi là Như Lai” [6].
Cho nên, thực hành chánh ngữ là tập trung vào suy nghĩ, là chánh niệm trong lời nói, là biết rõ nói cho ai, nói điều gì, nói vào lúc nào và người nghe có thể lĩnh hội được hay không. Bắt đầu từ việc nhận biết và hiểu rõ ý nghĩa của chánh ngữ. Tập trung thực hành thiền giúp kiểm soát tâm trí và lời nói của mình, từ đó tránh được những lời nói không đúng đắn. Ngoài ra, chúng ta luôn nhớ rằng mỗi lời nói và hành động đều mang lại hậu quả và chánh ngữ giúp ngăn chặn, giảm thiểu những hậu quả tiêu cực đó.
Chánh ngữ giúp tạo ra một môi trường xã hội tích cực và hòa mình, từ đó lan tỏa lòng tin và tình yêu thương. Chánh ngữ là cầu nối để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người khác, từ đó tạo ra sự gắn kết và đồng cảm. Chánh ngữ hướng dẫn cho cuộc sống chân thật: Khi tu tập chánh ngữ, ta đang thực hành một cuộc sống chân thật và ý nghĩa, không chỉ với người khác mà còn với chính bản thân.
Tóm lại, với triết lý “Chánh ngữ – Tốt đời – Đẹp đạo”, người trẻ hiện nay đang xây dựng những cơ sở vững chắc cho một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc. Họ không chỉ là người tiêu dùng thông thường mà còn là những người có ý thức về trách nhiệm xã hội và tình nguyện vì cộng đồng. Bằng cách kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, họ đang mở ra những hướng đi mới, tươi sáng cho xã hội. Do đó, chánh ngữ không chỉ là một phần của văn hóa Phật giáo mà còn là chìa khóa cho sự tiến bộ tâm linh. Chúng ta nên hiểu rõ ý nghĩa của chánh ngữ, tuân thủ và thực hành nó trong đờisống hàng ngày, từ đó xây dựng một tinh thần đạo đức và sâu sắc hơn trên con đường giác ngộ.
Chú thích:
[*] SC. Thích Nữ Huệ Cảnh, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
[1] Thích Minh Châu, Kinh Trường Bộ 2, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr.212.
[2] Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr.592.
[3] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr.295.
[4] Thích Thiện Hoa, Tám quyển sách quý (Trọn bộ), Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 1992, tr.426
[5] Thích Minh Châu, Kinh Tiểu Bộ 1, Kinh Tập, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr.659.
[6] Thích Minh Châu, Kinh Trường Bộ 2, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr.467.
- Tag :
- Thích Nữ Huệ Cảnh