- Chương Một: Vài nét phác họa tính cách của bà Blavatsky
- Chương Hai: Hành trình sang Ấn Độ
- Chương Ba: Một động phù thủy
- Chương Bốn: Biệt thự hoa hồng
- Chương Năm: Viếng động Karli
- Chương Sáu: Một chuyến đi lên miền Bắc
- Chương Bảy: Nữ tu sĩ Maji
- Chương Tám: Pháp môn Yoga
- Chương Chín: Viếng thăm Tích Lan
- Chương Mười: Một cuộc khủng hoảng nội bộ
- Chương Mười Một: Thị trấn Simla
- Chương Mười Hai: Vài mẩu chuyện bên lề
- Chương Mười Ba: Adjar
- Chương Mười Bốn: Cái giếng thần
- Chương Mười Lăm: Bí quyết của sự chữa bệnh
- Chương Mười Sáu: Chân sư K.H. tại Lahore
- Chương Mười Bảy: Damodar biệt tích
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
CHƯƠNG BA: MỘT ĐỘNG PHÙ THỦY
I.
Mọi người đều biết tên tuổi của ông A. P. Sinnett, Phó Hội trưởng Hội Thông thiên học, có tình thân hữu đậm đà với hai nhà sáng lập và liên hệ mật thiết với mọi ngành hoạt động của Hội trong một thời gian dài.
Sự quen thuộc của ông với chúng tôi bắt đầu bằng một bức thư đề ngày 25 tháng 2 năm 1879, tức chín ngày sau khi chúng tôi đến Bombay. Trong thư đó, với tư cách Chủ nhiệm tờ nhật báo Pioneer, ông bày tỏ ý muốn làm quen với chúng tôi và sẵn lòng công bố trên mặt báo mọi sự kiện lý thú
về sứ mạng của chúng tôi ở Ấn Độ.
Cũng như toàn thể báo giới Ấn Độ, nhật báo Pioneer đã đăng tin chúng tôi đến. Trong thư ông Sinnett nói rằng, hồi còn ở London ông đã có nhiều dịp khảo sát một số hiện tượng đồng tử đáng kể, do đó ông cảm thấy thích thú với những vấn đề huyền linh hơn những ký giả thông thường. Vì lẽ những định luật về các hiện tượng này còn chưa được khám phá, những cuộc biểu diễn thường xảy ra dưới những điều kiện không thỏa đáng, và cái trí lực đằng sau các hiện tượng này vẫn còn được giải thích bằng nhiều lý thuyết mâu thuẫn, hỗn độn, không được rõ ràng dứt khoát, nên sự tò mò của ông không được thỏa mãn đúng mức, và lý trí của ông cũng chưa được
thuyết phục.
Bức thư trả lời của tôi đánh dấu sự bắt đầu một mối liên hệ quý giá và
một tình thân hữu bền bỉ lâu dài. Sự trợ giúp của ông Sinnett đã đến với chúng tôi vào đúng lúc khẩn thiết nhất, và tôi không bao giờ quên rằng
Hội Thông thiên học nói chung, và cá nhân chúng tôi nói riêng, đều có một sự biết ơn sâu xa đối với ông.
Vừa rời thuyền lên đất liền không bao lâu, chúng tôi đã được mọi người
biết là có khuynh hướng đồng hóa với tư tưởng phương Đông và không có thiện cảm với quan niệm nhân sinh của các giới trong cộng đồng Anh Ấn.
Không những vậy, chúng tôi lại định nơi cư trú trong một ngôi nhà hẻo lánh ở trung tâm khu bản xứ của thành phố Bombay, được nghênh đón một cách hứng khởi, nồng nhiệt và được người Ấn Độ chấp nhận như những người đại diện cho nền đạo lý cổ truyền và hoằng khai tôn giáo của chính họ.
Hơn nữa, chúng tôi không đến ra mắt các quan chức trong dinh Chính phủ, cũng không viếng thăm xã giao những nhân vật quan trọng của giai cấp người Âu, vì giai cấp này thật hoàn toàn dốt đặc về Ấn giáo và về dân tộc Ấn, cũng như họ vốn mù tịt về cá nhân chúng tôi. Bởi vậy, đương nhiên chúng tôi không có quyền trông đợi một ân sủng nào từ phía những
người đồng chủng của mình, và cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi bị Chính phủ nghi ngờ là có những ý đồ riêng tư, bí mật.
Không một vị chủ báo Anh Ấn nào khác sẵn lòng có hảo ý với chúng tôi, hoặc có thái độ vô tư trong việc thảo luận về những quan điểm và lý tưởng của chúng tôi. Chỉ có ông Sinnett là người bạn duy nhất và người
phê bình vô tư, chân chính của chúng tôi. Ông là một bạn đồng minh có thế lực rất mạnh, vì ông làm chủ tờ nhật báo có ảnh hưởng lớn nhất ở Ấn Độ, và hơn tất cả mọi vị chủ báo khác, ông được sự tín nhiệm và kính trọng của những quan chức thượng cấp trong Chính phủ.
Tôi luôn ngạc nhiên khi nói chuyện với các nhân vật Anh Ấn, vì thấy rằng họ và chúng tôi sống trong những thế giới rất khác biệt nhau trên cùng
một đất nước Ấn Độ. Thế giới của họ chỉ là một sự nới rộng nếp sống quen thuộc ở quê nhà, gồm những thú vui tầm thường và những trò tiêu khiển vô vị để giúp cho những giờ phút nghỉ ngơi của họ được ít nhàm chán nhất.
Ngược lại, thế giới của chúng tôi là những lý tưởng thấm nhuần đạo lý phương Đông, suy tư cảm nghĩ với những tư tưởng phương Đông, không hề có chút thời gian rảnh để vui chơi hưởng lạc, cũng không bao giờ cảm thấy
có nhu cầu về những trò tiêu khiển, những tiệc tùng đình đám, những buổi dạ hội tiếp tân xã giao tầm thường...
Nếu không phải do kinh nghiệm bản thân, người ta không thể tưởng tượng
được rằng có một sự tương phản lớn lao và rõ rệt đến như vậy!