Kể cũng đã lâu lắm rồi, từ khi bản tin Giác Ngộ đăng bài giới thiệu và ca ngợi Nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản đạt kỷ lục quốc gia, đây là lần thứ hai tôi cố gắng tìm mua cho được bản tin có đăng bài “VĂN NGHỆ PHẬT GIÁO, NHÌN LẠI” của hai tác giả Giang Phong và Bảo Thiên (bản tin Giác Ngộ số 683-ngày 29/4/2011). Đối với tôi, việc để có được một bản tin Giác Ngộ trong tay không phải là điều đơn giản. Lý do thứ nhất nơi tôi ở hoàn toàn không có một sạp báo nào và nếu có, người bán báo không hề biết Giác Ngộ là báo chi; thứ hai, bản tin Giác Ngộ dù có số lượng phát hành không nhỏ nhưng chủ yếu trong nội bộ Phật giáo, nhất là các Ban trị Sự Quận, Huyện, được ưu tiên đăng ký mua hết, chỉ còn một số ít không đáng kể mới đưa ra ngoài. Lần này cũng vậy, nếu không nhờ các Đạo hữu thân cận tìm giúp chắc tôi chưa thể có bản tin này trong tay, dù là rất muộn (20/5/2011). Tương tự, bản tin Giác Ngộ số 547 ra ngày 24/7/2010 có đăng bài “Hàng Ngàn Năm Trước Hoa Sen Mặc Nhiên Đã Là Quốc Hoa” của tôi nhưng mãi đúng một tháng sau (24/8/2010) tôi nhận được bản tin số đó trong tay do các đạo hữu mua tặng, dù trước đó, một vị trong tòa soạn có điện xin tôi bài viết đó để đăng.
Và lần này cũng không ngoại lệ, nhưng có lẽ tôi sẽ không quan tâm như mười năm nay tôi đã không có mối liên hệ nào với bản tin Giác Ngộ, nếu trong trang có đăng bài viết này, một đạo hữu viết lên đó mấy chữ rằng “30 năm…”nhìn lại”-Thật buồn quá Anh Thành ơi!”, khiến lòng tôi như có ai đó khơi lại những vết thương dài tập về văn nghệ Phật giáo.
Vì vậy, sau những ngày Phật đản tất bật lo toan, nay tôi xin viết đôi dòng này trước là để một lần nữa nhắc lại tấm lòng của anh em văn nghệ sĩ phật giáo hiện vẫn còn nhiều bức xúc trước hiện trạng văn nghệ Phật giáo(VNPG) lâu nay, sau đó là để chân thành biết ơn những Đạo hữu đã tin tưởng và luôn quý mến tôi trên bước đường phụng sự VNPG.Vì với tôi, một người Phật tử, trước hết phải trân trọng đạo nghĩa Tứ Ân, sau trước vẹn toàn, để không phải mang tiếng bạc nghĩa và vô ơn.
Trước hết, tôi hoàn toàn thông cảm cho hai tác giả bài viết, do quá đa đoan, lãnh vực nào cũng nặng phần trách nhiệm, nên trong bài viết để lộ nhiều vấn đề bất cập mà nếu bây giờ xem nhẹ bỏ qua sẽ ảnh hưởng đến lịch sử VNPG mai sau và xúc phạm đến đạo tâm cống hiến của giới VNSPG. Với một bài báo, các tác giả có thể xem đây là một chuyện lên tiếng để cho đầy trang và cho đầy lãnh vực một bản tin, nhưng với những anh em văn nghệ sĩ Phật giáo (VNSPG) đó không chỉ là danh dự, là lý tưởng thiêng liêng phò trì chánh pháp mà còn là hơi thở , sự sống hiện nay. Hoàn toàn không phải là chuyện đùa trên mặt chữ.(1)
Thế nào là “Tìm lại Chút …Hương Xưa”?
Theo tác giả bài báo “Lĩnh vực ca nhạc Phật giáo từng có một thời hoàng kim. Đó khoảng thời gian từ đầu thập niên 1970 (sic). Tuy các ca khúc Phật giáo thời điểm ấy ra đời không đáng kể nhưng lại sớm đi vào lòng người. Có thể nêu vài tác phẫm âm nhạc điển hình: Trầm Hương Đốt (bài nguyện hương), sáng tác của Bửu Bác, ca khúc Phật giáo Việt nam, sáng tác của Lê Cao Phan hay Nhớ Mùa Phật Đản, ca sĩ Bảo Yến hay các ca khúc Chắp tay Hoa (Phạm Duy-Thơ Phạm Thiên Thư), Lạy Phật Con Trở Về (Lê Mạnh Cương)(sic) và Nam Mô Bản Sư THích Ca Mâu Ni Phật (Thẩm Oánh)…(Xin lưu ý, tôi trích nguyên văn, Kể cả từng dấu chấm phết).
Như vậy là ca nhạc Phật giáo từng có một thời hoàng kim mà bản thân tôi và các nhạc sĩ Phật giáo lão thành hiện còn sống, hay những VNSPG khác vẫn không hề hay biết. Hóa ra công hạnh cống hiến của các nhạc sĩ, ca sĩ Phật giáo xưa nay đếu bị gán ghép vào một khái niệm có dáng dấp của Kinh Tế-Thị Trường và tất cả cũng có nhịp điệu trồi lên sụt xuống theo… phong trào? Nếu như vậy thì các nhạc sĩ, Ca sĩ Phật giáo từ trước đên nay phải có người giàu nhờ sáng tác cho Phật giáo và tất nhiên phải có kẻ nghèo vì kinh doanh ca nhạc Phật giáo dở chứ?
VNPG không phải là một phong trào hay một giai đoạn làm ăn phát đạt nhờ mua bán giỏi, mà là một nền tảng đạo đức chuyên biệt, dung chứa những tâm nguyện cao cả cống hiến cho Phật đạo, không phân biệt hèn sang giàu nghèo. Nó có thể được chọn làm một con đường lý tưởng để cả một đời mình sống và cống hiến. Do đó nó không có khái niệm lên hay xuống hoàng kim hay hoàng bạc gì cả. Viết và nhận định như bài báo là vô tình xúc phạm và xem nhẹ các nhạc sĩ ca sĩ Phật giáo sống và cống hiến cả một cuộc đời như vậy. Còn nói giai đoạn hoàng kim đó là từ đầu thập niên 1970 thì có lẽ tác giả nên thẩm định lại khả năng thông hiểu lịch sử âm nhạc Phật giáo và kiến thức thẩm âm để nhận định và đặc biệt phải có cái tâm trong sáng, trân trọng, xây dựng, góp phần gìn giữ và phát huy nó. Chưa hết, sự xúc phạm này còn quá đáng hơn khi nhào nắn các thế hệ nhạc sĩ Phật giáo vào một cục, vo tròn rồi chế biến ra món bánh theo ý thích chủ quan của mình hết sức nguy hại. Nhạc sĩ Bửu Bác sáng tác bài Trầm Hương Đốt năm 194 , bài này được tổ chức GDPTVN dùng làm bài hát trong các khóa lễ của mình. Đó là loại hình nhạc lễ, riêng lãnh vực nhạc biểu diễn thì cũng đã có hai bài tiêu biểu xuất hiện rất sớm đó là Mục Kiền Liên của nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng sáng tác năm 1948, bài Kính Mến Thầy của nhạc sĩ Dương Xuân Dưỡng sáng tác năm 1954, Ánh Đạo Vàng của Nhạc Sĩ Hằng vang sáng tác năm 1957. Bài Thích Ca Mâu Ni Phật (không phải Nam Mô Bản (sic) Sư Thích Ca Mâu Ni Phật như bài viết) của Nhạc sĩ Thẩm Oánh sáng tác năm 1962, bài Từ Đàm Quê hương Tôi của Nhạc sĩ Nguyên Thông sáng tác năm 1963, Bông Hồng cài Áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác năm 1964, Lạy Phật Con Trở Về của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương (Phạm Mạnh Cương chứ không phải Lê Mạnh Cương như bài viết) sáng tác năm 1966(2) .v.v… Đó là chưa kể đến Nhạc Sinh Hoạt , có những bài xuất xứ ngang bằng thời gian hai loại nhạc vừa nêu.
Trong mười Nhạc sĩ Phật giáo tiêu biểu, hai người nay còn hiện diện giữa cõi đời là Nhạc sĩ Lê Cao Phan và Nhạc sĩ Hằng Vang.
Nếu còn ngoắc nghéo cho rằng nói giai đoạn hoàng kim đầu thập niên 1970 là ý nói hoàng kim của ca nhạc Phật giáo thì xin thưa rằng: Như vậy, nếu tính từ bài hát (tạm cho) sớm nhất là Trầm Hương Đốt của nhạc sĩ Bửu Bác sáng tác năm 1946 đến cái gọi là thời hoàng kim của tác giả bài báo, thì hóa ra trước đó những sáng tác này không ai nghe, không ai ca,không ai biết; nói chung là không có đất sống ư? Nói một cách khác là VNPG hoàn toàn không có đất sống và các tác phẫm đó phải nhờ vào dịp may mới… nổi tiếng?
Vẫn chưa dừng lại chỗ đó. Vì không nắm được ý nghĩa ca nhạc Phật giáo cũng như lịch sử phát triển của nó nên hai tác giả bài báo phải đi hỏi nhạc sĩ Giác An, dựa vào một ký ức tuổi thơ mập mờ của vị nhạc sĩ này để đánh giá một buổi biểu diễn văn nghệ Phật giáo tiêu biểu thời hoàng kim nhất thì hết sức cẩu thả. Cho dẫu, nếu cho rằng dựa vào ký ức nhạc sĩ Giác An là chính đáng đi chăng nữa thì đó cững chỉ là một cách nhìn, một quan điểm cá nhân. Cái cách nhìn, cái quan điểm ấy còn tùy thuộc rất nhiều vào từng độ tuổi và nhận thức nữa. Cái nhìn cái quan điểm của một em bé khác với cái nhìn,quan điểm của tuổi thiếu niên, cứ thế mà suy lên sẽ thấy có những khoảng cách nhất định.
Và nếu tôi nhẩm tính không lầm thì lúc đó, năm 1973, nhạc sĩ Giác An của chúng tôi hãy còn là một chú Sa Di 15,16 tuổi đời! Ở cách nhìn, cách nghĩ lứa tuổi này rất đẹp và nếu đúng là tháng 4 năm ấy thì đó là một đêm văn nghệ mừng Phật đản kết hợp giữa hai khối Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang, kể cả cùng chung làm một lễ đài ở giữa bùng binh Ngã Bảy. Lúc đó ai cũng nghĩ rằng hòa bình sắp tới nơi do Hiệp Định Paris vừa được ký kết. Tâm trạng chung ai cũng náo nức. Một đêm văn nghệ tương tự diễn ra thời đó rất là bình thường, còn có xứng danh là văn nghệ Phật giáo hay không phần dưới đây tôi sẽ đề cập đến. Nhạc sĩ Giác An của chúng tôi chắc chắn rằng không cường điệu nhưng nhìn lầm. Sự đông đảo, nhiều xe là do xem văn nghệ; thật ra đó là dòng người của nhiều ngã mà điểm hướng đến chính yếu là lễ đài Phật đản ở Ngã Bảy, ai cũng muốn được đến thắp hương lễ Phật. Một hướng khác nữa chính là những dòng người đón xem diễu hành xe hoa, mà xe hoa của hai khối lần đầu tiên kết hợp nên tạo ra nhiều sức hút mãnh liệt. Nói tóm lại, nếu nói đêm văn nghệ Phật giáo lúc đó đông là một chuyện khác, còn nếu nói đông vì chất lượng, vì sự yêu thích của giới mộ điệu (từ dùng của bài báo) thì lại là một chuyện khác nữa. Hai tác giả bài báo chưa làm sáng tỏ điều này.
Còn hai tên tuổi khá nổi tiếng lúc bấy giờ (từ dùng của bài báo) Thoại Miêu, Đông Phương thì tôi cố gắng lùng sục trong bộ nhớ, vì sử liệu VNPG không có, hoàn toàn xa lạ! Đem tên một người diễn viên cải lương hiện thời, kết nối với một ban Tam Ca thời trước năm 1975 (Hồng Vân-Mai Thy-Mai Hương) để tạo thành một sợi tơ rối là một thủ pháp chưa thông minh lắm.
Nếu nhạc sĩ Giác An của chúng tôi không cường điệu mà chỉ nhìn lầm trong sự kiện âm nhạc Phật giáo đó thì ở đây hai tác giả bài báo lại không nhìn lầm mà lại cường điệu quá đáng ngay chính trong bài viết của mình, thấy sang bắt quàng làm họ, ca ngợi rất thô kệch, vì trên thực tế VNPG hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ những sự kiện ấy. Thậm chí có thể nói nó gây tác hại cho chính VNPG không nhỏ. Do điều kiện không cho phép, cũng như vấn đề này tôi đã từng không ít lần cùng các VNSPG lên tiếng, ở đây tôi chỉ xin đưa ra mấy vấn đề tóm lược để thấy rõ hơn trong nhận định này.
Thế nào là một chương trình (hay một tác phẩm) ANPG? Xin thưa rằng đó là một chương trình hoàn toàn do chính Phật giáo đầu tư-chịu trách nhiệm nội dung lẫn hình thức - có quyền tuyệt đối trong trách nhiệm của mình. Trong xu thế phát triển thời đại, những nguồn tài trợ rất cần thiết nhưng nó không có quyền chi phối trách nhiệm ấy. Rất trân trọng những sự tham gia đóng góp tác phẩm của xã hội mả không quên đây là một chương trình Phật giáo, nếu một tác phẩm hay tiết mục có phần đi sai lệch lý tưởng - nội dung Phật giáo thì bằng trách nhiệm ấy, sự bản lĩnh cần thiết phải được thưc thi, cho dù tác phẩm, tiết mục đó của một nhạc sĩ hay nghệ sĩ nổi tiếng nào ngoài xã hội. Trên thực tế, những quyền hạng đó VNPG chúng ta chưa có được, nên tự thân VNPG hãy còn là kẻ lữ hành, bôn ba ngay trên dòng thác thực dụng và những kiến thức hạn chế lẫn hẹp hòi.
Trong đêm văn nghệ chào mừng đại lễ vesak 2008 tại Hà Nội, có một tác phẩm của một nhạc sĩ rất nổi tiếng và cũng do một ca sĩ rất nổi tiếng trình bày. Bài hát có một tựa đề mang danh xưng đức Phật Thích Ca nhưng người nghe lóng ngóng chờ mãi ba tiếng Phật Thích Ca, hay Phật A Di Đà cũng tạm được, nhưng cho đến cuối bài hát ấy thì chỉ nghe cũng ba tiếng… Quan Thế Âm! Nều như xưa kia, nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng sáng tác bài Mục Kiền Liên mà nội dung lại chỉ nói về ngài Xá Lợi Phất thì liệu rồi sẽ ra sao?
Đây là chương trình tuy mang danh Phật giáo nhưng nó thuộc cấp quốc gia. Toàn bộ nội dung lẫn hình thức các tiết mục VNPG không có quyền đơn phương quyết định.Vì thế VNPG không nên dùng sự kiện này làm điểm nhấn cho chính mình. Ở đêm nhạc giao hưởng mang tên “Khai Giác” của nhạc sĩ Việt kiều Nguyễn Thiện Đạo cũng vậy, sự đóng góp của VNPG –nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức cố vấn và hỗ trợ Tăng-Ni cho phong cách dàn dựng, ngoài ra tất cả đều là của người ta. Khá hơn một chút là gần đây, chương trình “Mừng Ánh Đạo” chào mừng Hội Thảo Hoằng Pháp Bình Dương, nhưng có sự can thiệp của đoàn ca múa nhạc Bình Dương khá sâu nến các tiết mục bị lợn cợn đạo đời khó phân. Đáng lưu ý nhất có lẽ là tiết mục “Sắc Hoa Ngày Hội”được dàn dựng theo phong cách múa Ba Lê rất phản cảm.
Về những chương trình như “Vầng trăng Mẹ” được bài báo ca ngợi thì chẳng có chi là lạ, nếu can đảm, thẳng thắn nêu lên những cái không được, làm thui chột những tiềm năng VNPG bởi các chương trình đó mới là chuyện lạ. Thí dụ: có bao nhiêu phần trăm sự quyết định của VNPG; có bao nhiêu sự đồng tình từ phía lãnh đạo PG; có bao nhiêu sự hỗ trợ và đóng góp từ phía những anh chị em VNSPG thực thụ cho các chương trình đó, hay chì là màn độc diễn chủ quan, đến hẹn lại lên, với một tư duy chiến lược phát triển VNPG hết sức thô thiển, nếu không muốn nói là sẵn sàng đè bẹp? Các chương trình này lệ thuộc rất nhiều vào sự tài trợ. Một Ban Văn Hóa thành hội PG mà không lo liệu nổi kinh phí một đêm diễn, phải luôn trông chờ vào các nguồn tài trợ, sẵn sàng để danh xưng Ban Văn Hóa Thành Hội PGTPHCM ngang hàng với một công ty bánh kẹo, kể cả Nhà hàng ăn uống trên mặt bằng sân khấu chính. Những chương trình mà người ta không cần đến sự có mặt của VNSPG, ít ra ở vai trò tư vấn, chỉ cần một hai nhân viên tòng sự theo lệnh mang túi tiền đến từng nhà các sao đặt vấn đề mời và mặc cả giá cả. Người ta đang làm VNPG như thế đấy. Như vậy đây là những chương trình thể hiện cái tôi của một vài cá nhân, gián tiếp góp phần hủy hoại nền VNPG được mạo danh chương trình văn nghệ Phật giáo. Vậy thì ca ngợi đến mức này thì còn gì là tư duy đứng đắn để giữ gìn và phát huy VNPG ? : “Hẳn trong lòng giới mộ điệu thành phố vẫn còn dư âm, ấn tượng đêm văn nghệ chung kết trao giải Hội thi văn nghệ Phật giáo diễn ra tại Nhà hát Hòa bình, TP.HCM… Đây là một chương trình ca múa nhạc Phật giáo được tổ chức nghiêm túc và công phu với sự chuẩn bị hơn 2 tháng. Biết sự khó khăn khi chuyển tải hình ảnh phật giáo đến công chúng nên toàn bộ ekip của chương trình đã tận lực để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho công chúng. Và sau đó, thật sự là tuyệt vời vì chương trình đã thu hút khá đông khán thính giả, nhiều khán giả tỏ ra hối tiếc khi không có được chiếc vé vào xem.” Cũng khó có chương trình nào có thể lập lại sự ấn tượng ấy”. TT.Thích Thiện Bảo, Trưởng Ban Văn hóa THPG.TPHCM nhìn nhận…”(sic).
Tôi không biết những chương trình đại loại đã đến với công chúng chưa và đến bằng cách nào, dư âm của nó ra sao nhưng chắc chắn một điều rằng giới mộ điệu đã bỏ nó lại tiền sảnh nhà hát Bến Thành từ lâu cùng với những chiếc vé nhàu nát rơi rớt dưới chân mà không biết phần cuối chương trình ra sao. Chỉ có hai tác giả bài báo này mang nó về cất giữ tại tòa soạn bản tin Giác Ngộ, hôm nay lấy ra phủi bụi ngắm nghía. Ở đây tôi chưa nói đến Hội Thi Văn Nghệ Phật giáo, Ban Giám Khảo khi ấy ra sao, mà chỉ nêu lên sự việc diễn ra trước mắt tôi từ đầu đến cuối rất buồn cười do đích thân Ngài Thiện Bảo điều khiển. Sở dĩ tôi có mặt hôm đó vì tôi là một trong 12 kỷ lục Phật giáo được mời đến để trao cúp. Chính sự có mặt của tôi đã khiến Ngài Thiện Bảo hô biến lễ trao cúp nằm ở phút cuối cùng khi khán giả ra về gần hết mà lẽ ra nó phải được diễn ra trước lúc khai mạc văn nghệ như tôi được thông báo trước đó. Lúc đó những vị thầy cộng sự với Ngài Thiện Bảo chạy nắm tay từng người mời ở lại để xem… trao cúp! Đúng là “Cũng khó có chương trình nào có thể lập lại sự ấn tượng ấy”.
Một vấn đề nữa cũng không kém phần quan trọng. Những ai có chút quan tâm đến VNPG nên nhớ rằng, VNPG cũng có hai mảng chuyên và không chuyên, nhưng trước năm 1975, VNPG phần lớn đều là không chuyên và chỉ tập trung giới hạn trong tổ chức GDPT. Các ca sĩ ngoài đời (chuyên nghiệp) thì chỉ có ca lác đác một vài bài trong các đĩa nhựa và làn sóng phát thanh. Thi thoảng Viện Hóa Đạo mua dàn các đoàn cải lương để bán vé gây quỹ cho các hoạt động của Giáo Hội. Như vậy GDPT luôn là nòng cốt trong các hoạt động VNPG thời bấy giờ và luôn tỏ ra rất xuất sắc trong vai trò tiên phong này. Ngày nay, tuy VNPG phát triển đa dạng nhưng hình thức không chuyên hãy vẫn còn và vai trò GDPT vẫn mang tính chủ đạo quan trọng trong các chương trình VNPG. Vậy hai tác giả bài báo hãy cẩn trọng ngôn từ, tránh lên lớp quá nhiều những điều mình chưa hoặc không biết. Ngay như chưa phân biệt được vụ việc “nhân bản tác phẫm”thì chớ nên quơ đũa cả nắm e rằng phải tội hàm hồ. Một Vũ Ngọc Toản rân trời dạo nào sao không thấy hai tác giả lên tiếng hộ, nhằm cứu lấy danh dự chung VNPG? Bây giờ sao lại muốn dùng đến cái dư chấn đó ngấp nghé đến ngưỡng cửa những VNSPG chân chính, hẳn nhiên là có suy tính.
Một bài viết có quá nhiều tham vọng lấn sân. Cái gì cũng muốn nói. Tôi có phần lo lắng cho sự nhiệt tình thái quá này nếu như còn tiếp tục viết về VNPG trên một tờ báo có nhiều cái nhất của Phật giáo chúng ta như tờ tin Giác Ngộ.
Ngày nay các ca sĩ chuyên nghiệp nhiệt tình tham gia các buổi biểu diễn VNPG là một tín hiệu vui rất lớn và rất thuận lợi cho VNPG, nhưng còn chuyện ngoại trừ một số ca sĩ có tâm huyết, sẵn sàng đầu tư cho một bài ca Phật giáo của mình thì cũng có ca sĩ ngại ca bài Phật giáo. Đây là vấn đề mang tính tế nhị rất lớn, rất phức tạp, khuôn khổ bài viết này tôi không thể phân tích hết, xin hẹn một dịp khác. Ở đây, đặt ra vấn đề này nhằm lưu ý hai tác giả bài báo rằng , chớ vội chê trách ca sĩ Phương Thanh với bài “tủ” Đêm tụng Kinh Pháp Hoa” của nhạc sĩ Chúc Linh , mà sao không trách ca sĩ Quang Linh cũng với bài “tủ” Việt nam Quê Hương Tôi” hát rất nhiều lần trong các chương trình gọi là ca nhạc Phật giáo do chính ban Văn Hóa thành Hội tổ chức và mời? Nếu hai vị đó mỗi vị cứ ca hoài một bài “tủ” thì cái nào vẫn hay hơn ?Tôi nghiêng mình trước chị Phương Thanh nhiều lần hơn vì chị ca bài Phật giáo, tác giả Phật giáo và tất nhiên trong chương trình Phật giáo! Đẹp quá mười phân vẹn mười chứ !
Nói tóm lại, Người ta đã thành công cô lập anh em VNSPG, dùng chiêu bài khó khăn tài chánh hoặc nhiều lý do khác nữa, từng bước hòan thiện sự bất cần đối với anh em VNSPG và tác tệ này đã kéo dài đúng gần 10 năm như bài báo đã nêu. Vì vậy, những gì xảy ra cho VNPG trong khoảng thời gian ấy nào đâu phải lỗi của anh em VNSPG mà đích thị là những vị cầm cương Văn Hóa Văn Nghệ PG kia, với những chiêu thức quái đản mà những tưởng chỉ có ở ngoài xã hội(3). Thế mà những cố gắng để độc tôn độc diễn đó cũng không bền bỉ - Có lẽ nhận thấy các VNNSPG im hơi lặng tiếng nên tưởng đó là sự thúc thủ cam chịu chăng?- chương trình Vầng Trăng Mẹ thì bị hụt hơi ba năm nay; các chương trình Hội Thi Hội diễn cũng tịt ngòi, kể cả những chương trình mang tính chào đón các ngày lễ lớn cũng theo đó mà lặng im. Có phải chăng sự ôm đồm quá mức, quá sức và nằm ngoài khả năng chuyên môn đã buộc người ta phải chìm sâu dưới đáy tham vọng và kéo theo đầy rẫy những mưu toan không trong sáng, nhằm giết chết nền VNPG lúc nào cũng rất cần những con người tái năng, đức độ dang tay gầy dựng và phát triển.
Mô hình Câu Lạc Bộ Văn Nghệ PG TP. HCM được Thầy Nhật Từ sáng lập và sau đó trao lại quyền hành tất cả cho Ban Văn Hóa Thành Hội. Thầy Nhật Từ đã làm được điều mà bấy lâu nay Ban Văn Hóa Thành Hội không bao giờ làm được, nhưng từ đó đến nay nơi tiếp nhận mới chưa hề có một động thái tích cực nào khả dĩ nhằm khôi phục lại tinh thần VNSPG. Tôi có đề nghị thẳng thắn rằng nếu không cho hoạt động thì Ban Văn Hóa ra lệnh giài tán, vì khi ra mắt có trống rung cờ mở thì khi cuốn gói cũng phải thông báo cờ thu trống hồi. Nhưng tất cả đều rơi vào khoảng không. Như vậy chỉ riêng sự việc này, ai phải hỏi ai? ai phải trả lời và đương nhiên ai là người phải…NHÌN LẠI! Hôm nay bản tin Giác Ngộ lại cho đăng bài viết này với nội dung và ngay cả hàng tít đầu đáng lẽ phải là của tiếng nói anh em VNSPG chúng tôi. Thật là trái khuấy vì không thể nào chấp nhận được nơi tạo ra sự bệ rạc, góp phần thúc đẩy cho VNPG xuống dốc lại có quyền đòi hỏi VNPG phải là vầy, phải thế kia và lên án sự bệ rạc, xuống dốc đó !
VNPG và anh em VNSPG đang phải gánh chịu những nỗi đau vô lý đó gần 10 năm nay, đã khiến tôi chợt nhớ lời Ngài Thiện Bảo tại hội trường Phổ Quang ngày 26/4/2007, sau khi được tái bổ nhiệm chức vụ cũ lúc tôi hỏi “Ủa Bạch Thầy! Sao con cứ ngỡ là Thầy đã thôi không muốn làm nữa, sao chiều nay trong đại hội nhiệm kỳ mới 2007 – 2012, con lại nghe có tên Thầy trong chức vụ cũ?”. Ngài Thiện Bảo đáp ngắn gọn rằng “Thành thấy đó, hỏng ai làm hết!”. Và cho đến tận bây giờ tôi cũng rất muốn tin lời nói ấy là một minh chứng cho lòng hy sinh vì VNPG thật sự.
Vấn đề mang tính sống còn của VNPG như thế mà lâu nay những nhà lãnh đạo văn hóa PG chưa làm được, hay đúng hơn chưa nhận thức được trách nhiệm và tôn trọng sự cống hiến của những anh em VNSPG thực thụ. Vì vậy, sự xuống cấp –nếu có hay chưa phát triển VNPG được thì bây giờ ai phải tự NHÌN LẠI để dõng mãnh, nhận chịu trách nhiệm mới là người nói và làm song hành không khoa ngữ? Anh em VNSPG nào có tội tình gì?
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Năm sau nữa (2012) Thành Hội Phật giáo PT. HCM sẽ có nhiệm kỳ VIII. Cư mỗi dịp như thế anh em VNSPG chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng cho VNPG dù hai nhiệm kỳ rồi những kỳ vọng đó đã trở thành thất vọng.
Chính vì lẽ đó, như vừa nói, những vấn đề đặt ra trong bài viết đang được nói đến lẽ ra phải là của anh em VNSPG chúng tôi, cho nên để tạm khép lại bài viết này không gì hay hơn là lấy ngay đoạn cuối bài viết để gởi ngược vể chư tôn lãnh đạo Giáo hội và Thành Hội, kể cả Ban Văn Hóa Thành Hội rằng: “Phải trả lại “không gian sống” cho văn nghệ Phật giáo về đúng vị trí của nó (Tôi xin cắt ngang câu này vì nó mang tính trịch thượng vô căn cứ). Các ngành chức năng, cụ thể nhất là ngành văn hóa Phật giáo cần sớm có một tổng kết nghiêm túc thực trạng của nền văn nghệ Phật giáo hiện nay, cũng như nhanh chóng hoạch định những mục tiêu cho sự phát triển văn nghệ Phật giáo, bởi sự tiến bộ của nó góp phần không nhỏ vào sự phát triển cho Giáo Hội cũng như tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt nam”.
VĂN NGHỆ PHẬT GIÁO, XIN CÁC NGÀI HÃY NHÌN LẠI !
Giác Đạo Dương Kinh Thành
-----------------------------------------------------------
Chú Thích:
1 – Thật đáng buồn biết bao và không biết có nên nâng sự lo lắng của anh em VNSP lên cấp “báo động” không khi một quan chức mới toanh của Ban văn Hóa Thành Hội dõng dạc tuyên bố (có cà cái khí chất hùng hồn nữa)rằng: “TRONG TỪ ĐIỂN KHÔNG CÓ CỤM TỪ NHẠC SĨ PHẬT GIÁO”!!!
Từ lời phát biểu này chúng ta có thể thấy rằng cũng sẽ chẳng có Âm Nhạc PG, Văn Nghệ PG, Nhạc sĩ PG… để cuối cùng cũng chẳng có Lịch Sử Văn Nghệ Phật Giáo nốt! Điều mà các thế hệ muôn đời sau rất cần, nhất là đối với một Ban Văn Hóa, đã ‘lãnh đạo” và “hành đạo” ra sao nếu chẳng có VNPG?
2 – Thực chất bài hát này chỉ có cái tên ngắn gọn là “Sám Hối”. Trước đó, năm 1964, nhạc sĩ Nguyên Từ Như Vinh đã có bài “Trở Về”. Bài này cùng với bài “Sám Hối”sau khi ra đời (1966) thường xuyên có mặt song hành trong các chương trình VNPG của GĐPT, nên có nhiều anh chị huynh trường và đòan sinh nói vui “Sao; Hôm nay có hát bài “LẠY PHẬT CON TRỞ VỀ XIN SÁM HỐI” không?” Câu nói hàm ý cho hai bài hát ấy có trong chương trình không. Lâu dần trở thành quen, đến nỗi những thế hệ kế tiếp không nghĩ rằng đã từng hiện diện hai bài hát theo thể loại trình diễn này của GDPT và VNPG, mà chỉ có bài”LẠY PHẬT CON TRỞ VỀ”.
3 – Rất khó khăn nếu phải kể ra những “chiêu thức” ấy mà ngôn từ ngoài xã hội đặt cho là hạ đẳng. Bản thân tôi phải hứng chịu rất nhiều những tạp chất ấy, ở đây nó lại xuất phát từ môi trường hoạt động văn hóa Phật giáo. Đó là điều đau đớn nhất. Một thí dụ tiêu biểu cho hành vi “văn hóa” ấy là lợi dụng sự thành tâm thật thà của tôi, “khuyến khích” tôi viết một bài báo, phê bình một nghệ sĩ khác nhầm tạo ra mối bất hòa giữa tôi và nghệ sĩ ấy, tức là tăng số người không ưa cho tôi và kéo về mình thêm một…con cờ! Và họ đã thành công. Đến mức khó tin nhất là tên cha sanh mẹ đẻ của tôi cũng được họ chiếu cố, đặt cho hỗn danh DƯƠNG KINH HOÀNG! và thô thiển hơn sai một sư cô lên sân khấu đọc rạch ròi cái hỗn danh đó nhiều lần.
Gần cả một cuộc đời dấn thân phung sự chánh pháp, tôi chưa bao giờ nhận lãnh một chức vụ nào và chưa bao giờ làm “Phật sự” mà có lãnh lương Giáo hội. Tất nhiên, dù không đòi hỏi hay kể công nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ Giáo Hội có một lần giúp đỡ hay ít ra một lời thăm hỏi những khi có đột biến tang thương. Thế thì những vị “làm Văn Hóa PG” ganh ghét, đố kỵ, tôi làm gì cho phí công đến như vậy?
----------------------------------------------------