Ẩm
thực chay - quà tặng tinh khiết của thiên nhiên Ăn
chay đã có mặt từ lâu trong đời sống cư dân Việt Nam cũng như các dân tộc trên thế
giới với nhiều mục đích tôn giáo, thực dưỡng, giữ gìn sức khỏe, bảo vệ môi sinh
v.v… Hiện ngày càng nhiều người Việt và người nước ngoài sinh sống và làm việc
tại nước ta ăn chay trường nhưng không vì lý do tôn giáo. Hiện tượng những nhà
hàng chay, quán chay có tầm vóc nở rộ tại Việt Nam gần đây, nhất là các đô thị
lớn, phục vụ mọi tầng lớp thực khách có nhu cầu tìm về nguồn ẩm thực chay thanh
đạm đã minh chứng điều này. Nổi
bật về ẩm thực chay cho đa phần thực khách nước ngoài tại TP.HCM là dãy nhà
hàng chay ở khu phố Tây (Phạm Ngũ Lão, Q.1) như nhà hàng An Lạc Chay, quán Bồ
Đề… Đương nhiên món chay nơi đây cũng được cách tân, chế biến theo phong cách
nước ngoài như hamburger (Mỹ), pizza (Ý) cùng với lẩu Thái Lan, lẩu Thượng Hải…
Những món chay này đã đem đến nguồn ẩm thực mới lạ, ngon miệng cho thực khách
qua hình thức bắt mắt cùng khẩu vị đa dạng. Tất cả đã đáp ứng được nhu cầu chủ
yếu là dinh dưỡng và tinh khiết cho thực khách. Vì ăn chay, đối với họ đơn
thuần chỉ là lối ăn bớt đi nguồn thực phẩm động vật, để chuyển sang tiêu dùng
các nguyên liệu từ thiên nhiên nhưng vẫn đầy đủ chất bổ dưỡng rất tốt cho sức
khỏe. Đặc biệt, món chay dạng này đã thu hút nhiều bạn trẻ Việt Nam quan
tâm thưởng thức. Bởi loại hình ẩm thực này đã thực sự mang lại sự sinh động và
tinh tế trong ẩm thực. Chính sự khéo tay và tài nghệ của đầu bếp đã biến việc ăn
chay thành một nghệ thuật ẩm thực, làm hài lòng thực khách với nhiều hình thức
thú vị cùng cách trình bày đẹp mắt. Chế
biến thực phẩm chay cũng chính là một sự sáng tạo. Vì muốn làm ra những món
chay “y như thật” đòi hỏi người nấu phải đầy đủ kinh nghiệm cùng sự gia công
thẩm mỹ khéo léo mới có thể làm ra những món ăn tinh tế, hoàn hảo cả hương vị
lẫn hình dạng và màu sắc. Có tận mắt chứng kiến mới thấy hết được đôi bàn tay
tài hoa người làm bếp. Họ đã bỏ công chăm chút từng món ăn nhằm đáp ứng mọi nhu
cầu ăn uống của thực khách. Sự nỗ lực sáng tạo này đơn thuần chỉ là nghệ thuật
nấu ăn, chủ yếu tạo sự đẹp mắt làm tăng hương sắc cho cuộc sống, phục vụ xã hội
nói chung mà không hề có sự dính dáng đến tôn giáo ở đây. Với
thị hiếu ăn chay ở các nhóm này thì sự hiện diện của các thức chay (giả mặn) đã
khiến cho họ thán phục cùng ngạc nhiên thú vị trước những tinh tế mới lạ của
món ăn mà không thấy một… trở ngại nào. Vậy thì không vì bất cứ nguyên nhân gì khiến
cho sự sáng tạo ấy bị thờ ơ, thậm chí bị phê phán hoặc phủ nhận với người luôn
biết trân trọng thưởng thức món ngon, vẻ đẹp. Lẽ nào việc sáng tạo về hình thức
các món ăn là việc làm có lỗi hay xúc phạm đối với người ăn chay vì mục đích tôn
giáo? Phải chăng lỗi của các món chay đó là ở tên gọi “mặn” hay hình thức “mặn”
vô tình làm khơi dậy cái “tưởng” trong thực khách? Trong khi điều đó cũng chính
là mục tiêu của những người kinh doanh loại hình ẩm thực này, dù là ẩm thực
chay. Định dạng một món chay - dễ mà khó Tên
gọi và hình thức của nhiều món chay mới đang được định dạng. Gọi tên thế nào,
hình thức ra sao, theo đạo hay theo đời v.v… vấn đề này tuy dễ mà khó, vì quan
điểm của thực khách rất đa dạng và có không ít tranh biện cho việc này. Với
những người ăn chay thực dưỡng, không tôn giáo thì không có gì phải bàn. Riêng
những người ăn chay như một pháp tu thì tên gọi và hình thức món ăn cũng là
điều quan trọng. Và
như thế thì lẽ nào ăn chay bỗng có “vấn đề” khi được kết hợp cùng nhu cầu luôn
đồng hành với tâm từ bi, tiêu chí hàng đầu của mỗi người Phật tử? Có mâu thuẫn không
khi lòng bi mẫn được phát nguyện rộng lớn đến muôn loài mà không “thương” nổi,
không dung nạp nổi hình thái của món ăn (những vật vô tri) thì sao có thể trải
rộng tình thương đối với vạn vật (hữu tình lẫn vô tình)? Khi nhân danh lòng từ
của đạo Phật để đưa vấn đề tên gọi và hình thức của món ăn ra bàn cãi, tranh
luận thậm chí chống trái nhau thì liệu có mâu thuẫn không? Hay
cứ phải là những cái tên như: cà ri Tứ đế, gỏi Thiền định, chè Ngũ uẩn… (như
một số nơi đã làm) mới là đúng nghĩa của việc thọ trai, mới biểu hiện triệt để
của lòng từ? Thế nhưng những cái tên ấy được sử dụng cho nhà hàng liệu có thu
hút được mọi thực khách hay chỉ gây sự lạ lẫm hoặc “không xuôi tai” với người
không tôn giáo đến với nhà hàng gieo thiện duyên với việc ăn chay. Những cách
đặt tên món ăn gây tranh luận kiểu này nếu không khéo thì ngày càng trở nên bi
hài, gây cái nhìn thiếu thiện cảm với số đông người ăn chay vì mục đích thực
dưỡng mà không theo một tín ngưỡng nào. Theo
nhận định của các nhà nghiên cứu ẩm thực chay uy tín thì thực phẩm chay giả mặn
(từ các công ty sản xuất thực phẩm chay) chủ yếu là để gây sự chú ý của người
ăn, những người thường xuyên dùng món mặn, để họ dễ thích ứng trong bước chuyển
ban đầu giúp họ bớt sát sinh (Tâm Diệu, Quan điểm người ăn chay). Thiết
nghĩ đừng vì quan niệm riêng trong nhu cầu ẩm thực cá nhân mà phê phán thị hiếu
ăn chay của số đông. Nhiều người ăn chay trong xã hội đã là tín hiệu lành, dù
chưa làm khơi dậy tâm từ bi để sống hiền thiện như Phật tử thì chí ít cũng giúp
thân tâm họ nhẹ nhàng hơn, và có thể đó là duyên để cho họ đến với đạo. Nếu cho rằng vì tên gọi và hình thức của món chay
(giả mặn) đem lại sự lợi bất cập hại, làm ảnh hưởng đến người mới bước vào đạo,
như quan niệm của một số người, thì cũng vô tình chúng ta thiếu trợ dyên cho
những người hướng đến làm quen với việc ăn chay. Thực
ra, tên gọi và hình thức món chay sẽ không là gì nếu ta không quá xem trọng nó.
Mọi vật sẽ trở nên bình thường như những món quà hương vị của cuộc sống, đơn
giản vì vấn đề không nằm ở món ăn mà ở tính cách người cảm nhận. Người đơn giản
thực sự thì ở đâu, lúc nào cũng thong dong nhẹ nhàng. Như vào quán chay, gọi
hai món bún riêu cua và bún bò một cách dõng dạc mà không gợi suy nghĩ nhiều
với người bán và cả người ăn dù hai món bún chay ấy có màu sắc và hương vị
chẳng khác với bún bò và bún riêu cua mặn chính hiệu. Xét cho cùng thì đó chỉ là
món ăn bình thường, thanh tịnh hay không thanh tịnh là do mình. Một chút “suy
xét” để thấy sự việc không nằm ở hình dáng, tên gọi món ăn mà nằm từ chính tâm
thức; một tâm lý nhạy cảm ưa liên tưởng, so sánh các món ăn. Thọ
thực với tâm bồ đề Kinh
A-hàm, Phật dạy: “Nghiệp bắt đầu từ sự tham muốn. Chúng sanh bị vô minh tăm
tối làm cho sai lầm trong chỗ nhận thức, chỗ phán xét và đánh giá sự vật ở
đời…”. Là Phật tử, dầu nhận thức của chúng ta chưa đạt đến chỗ kiến tánh để
có thể tự tại, bình thản chấp nhận mọi hoàn cảnh nhưng lời Phật dạy nhắc nhở ta
xem xét lại tự thân, điều chỉnh lại công phu tu tập của mình. Mục đích của ăn
chay nhằm nuôi dưỡng và phát triển hạt giống từ bi. Thức ăn chỉ để nuôi dưỡng
thân mạng, sự chay tịnh nuôi dưỡng tâm hồn. Nếu chỉ ăn chay suông mà không
chuyển hóa ba nghiệp, thân khỏe mà tâm không an, thì sự ăn chay đó chưa đúng ý
nghĩa ăn chay theo Phật giáo. Thiết
nghĩ dù là ăn chay với nguyên do nào, người Phật tử chân chính cũng không vì
nhân danh đạo Phật mà quá khắt khe trong chuyện ăn uống. Vì thực khách có nhiều
hạng với căn cơ khác biệt nhau. Cần ứng dụng tinh thần tùy duyên trong những
trường hợp này. Tùy duyên chính là sự trở về với cái tâm đơn giản, ăn với một “cái
biết” rất rõ: Ta đang ăn chay. Ăn
chay để hướng đến tịnh hóa, thanh lọc nội tâm của chính mình. Điều này quan trọng
hơn việc chú tâm vào bàn cãi về hình thức và tên gọi của món ăn. Bởi chay tịnh
không nằm ở thị giác mà xuất phát từ tấm lòng, nhất là tấm lòng phải cởi mở để
tùy nghi, đón nhận mọi “màu sắc” cuộc đời. Không vì cái tên, hình dáng món ăn
làm ảnh hưởng, phân tâm chi phối vào đời sống tu học. Như đối với chư Tăng thì
việc ngọ trai hàng ngày chỉ như một nhu cầu đơn giản, ăn để nuôi sống thân
mạng, không có gì đáng bàn, đáng quan tâm. Đây chính là cánh cửa nhiệm mầu, mở
ra một khung trời chay tịnh vượt lên mọi quan niệm, định kiến để được tùy duyên
sống, tùy duyên dùng bữa. Vì “Có ích lợi gì một món ăn thanh bạch được dùng
trong cái tâm thiếu yên tĩnh?”, một vị Tăng cho biết. Vậy
trạng thái tâm tưởng giữ vai trò đặc biệt, chúng giúp ta tránh được các định
kiến “ăn chay thật”, “ăn chay giả” (món chay giả mặn) thuộc về quan niệm, tìm
cầu so sánh vốn không mấy lợi ích. Nên đừng quá chú trọng nhiều vào hình thức
bên ngoài, vì tự thân các món chay lúc nào cũng vốn dĩ thuần khiết và tinh sạch. Tất
nhiên, người Phật tử chân chính không phí phạm thời gian cho việc chế biến các
món ăn chay theo cách giả mặn với hình thức và hương vị cầu kỳ. Tuy vậy, người
Phật tử cũng không quá cứng nhắc dẫn đến định kiến và phê phán những người khác
mới lần đầu tìm hiểu việc ăn chay hay đang có xu hướng tập ăn chay thích hình
thức giả mặn hơn. Đó chính là từ bi, khoan dung và là một cách nâng đỡ, trợ
duyên cho tinh thần ăn chay được hội nhập, xã hội hóa rộng rãi trong đời sống.