Trong lều trúc bình yên, giữa khu vườn chan hòa nắng ấm, người bạn đạo của tôi rơi nước mắt khi chúng tôi nói tới đoạn ngài suýt tử vong bên bờ sông Hoàng Hà vào mùa đông tuyết rơi ngập lối. Khi ngài quỳ lạy đến nơi này thì trời đổ bão tuyết; chung quanh hoang vắng, không nhà cửa, không bóng người, chỉ thấy một chòi lá ven sông. Ngài vào đó trốn tuyết nhưng chòi lá trống trải, bốn bề gió thốc. Tuyết tiếp tục rơi ba ngày ba đêm. Đói, lạnh đã đưa ngài dần vào hôn mê… Giữa ranh giới của sự sống và cõi chết, ngài bỗng lờ mờ thấy dáng dấp một người hành khất bước vào chòi. Người ấy cởi bớt y phục của mình mà đắp cho ngài, lại lấy trong túi vải một nắm gạo rang, nhóm lửa, nấu cháo rồi đỡ ngài dậy. Ngài được người hành khất đó cứu sống, không phải chỉ một lần mà hầu như suốt chặng đường gian truân, khi nào gặp hiểm nguy cùng cực thì người ấy lại tình cờ có mặt. Suốt thời gian thực hành hạnh nguyện, chỉ trừ khi qua sông, lội suối hoặc bão giông không thể cất bước, ngoài ra, ngài không hề ngưng nghỉ, chỉ Nhất Tâm bước ba bước, quỳ xuống lạy một lạy. Cuối cùng, sau ba năm ròng rã, ngài cũng tới được chùa Hiển Thông trên núi Ngũ Đài. Nơi đây, ngài muốn tìm tung tích người hành khất ân nhân để tạ ơn thì một lão- sư, khi nghe xong câu chuyện đã điềm đạm bảo ngài rằng: “Chính là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đó. Bồ Tát thường hiện thân hành khất trợ duyên cho người cầu đạo.” Nghe thế, Hòa Thượng Hư Vân sụp xuống, lạy khắp mười phương tạ ơn vị Bồ Tát xuất thế gian mà không rời thế gian pháp.
Nắng
trong vườn thơm hương hoa bưởi, nắng gió ngạt ngào quyện
bát ngát cõi tâm hương. Giới, Định, Tuệ là đây; Giải
Thoát, Giải Thoát Tri Kiến cũng là đây. Ôn lại truyện xưa,
chúng tôi cùng quán chiếu để hiểu rằng noi gương xưa không
phải là noi theo đúng hình thức mới là theo, mà phải hiểu
cốt lõi, tinh túy của sự việc, của hành động. Đại lão
Hòa thượng Hư Vân dạy chúng ta những gì qua hạnh nguyện
phi thường mà ngài đã đạt? Ngài dạy chúng ta sự quyết
tâm. Phàm làm gì cũng phải quyết tâm. Quyết tâm là hùng
lực đưa tới thành công vì nếu không quyết tâm thì chỉ
một trở ngại nhỏ cũng đủ khiến tâm lung lay, thối chuyển;
Khi tâm lung lay, thối chuyển rồi thì sự thành công sẽ ở
ngoài tầm tay.
Với
hoàn cảnh xã hội khác xưa, với tâm lực yếu kém, chúng
ta chẳng thể vượt ba ngàn dặm, ba bước lạy một lạy mới
là tu, mà phải tỉnh thức biết rằng trong sinh hoạt hàng
ngày, nếu ta cố gắng bớt một phần tập khí là thêm một
phần sáng suốt; bớt mười phần phiền não sẽ chứng một
phần Bồ Đề. Luôn tâm niệm như thế thì đi, đứng là tu;
ăn, ngủ cũng là tu; làm việc, nghỉ ngơi cũng là tu; trong
tu viện hay ngoài xã hội cũng là tu …….
Biết
thế, nhưng tâm chúng sanh thường quen dễ dãi với mình mà
vô tình để sự buông lung lấn át. Sau buổi uống trà ngoài
lều trúc với bạn, chính tôi đã bị sự lười mỏi lấn
át lúc nào không hay. Khi nhận ra thì tâm đã vẩn đục bao
phiền não. Tôi cố gắng ngồi thiền nhiều thời hơn nhưng
càng ngồi, phiền não càng bủa vây trùng điệp! Biết là
đang bị thử thách, một buổi, sau khi ngồi yên trong bóng
đêm từ 12giờ đến 3giờ sáng, tôi đứng dậy, tấm gội
sạch sẽ rồi niệm Đức Quan Thế Âm. Không biết tôi niệm
hồng danh Ngài bao lâu thì bỗng một ý nghĩ lóe sáng. “Nếu
định lực yếu kém, hãy dùng hình thức bên ngoài trợ lực;
hình thức nào gần nhất với thân, hình thức nào ta có thể
nhìn thấy, nhận thấy từng phút, từng giây mới có thể
liên tục nhắc nhở ta tinh tấn”. Ý nghĩ đó vừa thoáng
qua, tôi cảm thấy như vừa nhấc khỏi vai một gánh nặng
ngàn cân! Tôi quỳ ngay xuống, Đảnh lễ Đại Từ Đại
Bi Quán Thế Âm Bồ Tát đã soi sáng cho tôi. Hình thức bên
ngoài nào gần nhất với thân ta mà dễ thấy, dễ nhận hơn
là mái tóc? Không phút chần chờ, tôi biết rất rõ trong
buổi sáng hôm nay tôi phải làm gì. Tôi chuẩn bị những thứ
cần thiết. Địa chỉ một tu viện sư nữ, một tấm áo tràng,
một bộ dao cạo tóc. Tôi phải tìm đến một ni sư, xin được
chứng minh trước Tam Bảo, lòng sám hối và quyết tâm tinh
tấn tu học. Tôi sẽ xuống tóc hôm nay, như là một hình thức
tự nhắc nhở, chứ không phải xuống tóc xuất gia. Tôi biết
mình chưa đủ cơ duyên lớn đó.
Trong
lúc ngồi chờ bình minh, bỗng nhiên, câu chuyện trao đổi
với bạn đạo ngoài lều trúc về hạnh nguyện “Tam Bộ
Nhất Bái” của Đại Lão Hòa Thượng Hư Vân trở thành đậm
nét. Trước đây, đã đôi lần tôi có ý nghĩ xuống tóc mà
chưa “dám” làm vì chưa đủ quyết tâm. Khi quyết tâm, mọi
sự sẽ hạnh thông.
Trên
đường tới gặp ni-sư, tôi mong liên lạc được với bạn
để cùng chia xẻ, nhưng bạn vắng nhà. Không sao, hôm nào
gặp, tôi sẽ tặng bạn vài sợi tóc và nói với bạn rằng,
hạnh phúc này của tôi cũng từ bài học Nhất Tâm khi Hòa
Thượng Hư Vân thực hành “Tam Bộ Nhất Bái” đấy. Vậy
đừng thất vọng, đừng lo sợ rằng nhìn gương người xưa,
lòng ngưỡng phục mà không theo nổi. Nói như vậy là chúng
ta đã bị chấp vào hình tướng, vào văn tự, vì gương đó
là đuốc sáng, ta phải tùy hoàn cảnh và nhu cầu mà chọn
đường đi. Bên cạnh đó, ta còn một niềm tin là khi vấp
ngã, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát sẽ hiện thân nâng đỡ; không
nhất thiết thị hiện dưới thân hành khất, mà có thể là
lời an ủi của bạn đồng môn, là sự khuyến khích của
giảng sư, là âm thanh tiếng chuông tỉnh thức giữa đạo
tràng thanh tịnh…v…v… Hiểu như thế chính là ta đang học
từ những bài học ngàn vàng.
Lần
tới gặp nhau, tôi cũng sẽ đưa lại bạn chiếc lược đồi
mồi rất đẹp bạn mua tặng tôi hôm trước.
Vì
nay tôi không còn dùng đến nữa.