Theo Dấu Lặng Nghe Điệp Khúc Dương Cầm Của Thầy Tuệ Sỹ
Huỳnh Kim Quang
Cõi thơ của Thầy Tuệ Sỹ mênh mông bát ngát. Cao thì bay vút từng không. Sâu thì hun hút hố thẳm. Biết đâu mà dò để gọi là theo!
Với người viết bài này, có lẽ là ngồi bệt xuống đất nhìn trừng trừng vào mấy dấu lặng trên “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” của Thầy để mà nghe, có thể chỉ như là “vịt nghe sấm,” nhưng, may ra còn nghe được vài khoảng lặng vô thanh đâu đó, sau những cung bậc du dương siêu thoát.
“Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” là tập thơ gồm 23 bài – đúng hơn là 23 điệp khúc - của Thầy Tuệ Sỹ được xuất bản trong nước vào năm 2009. Tập thơ này được một nghệ sĩ nổi danh của Pháp Dominique de Miscault dịch sang tiếng Pháp và trình bày với những hình ảnh nghệ thuật trong tác phẩm Pháp Ngữ “Refrains pour Piano.”
Bài này chỉ viết lại một vài cảm nhận khi đọc tập thơ bằng tiếng Việt “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” của Thầy.
Dấu lặng là khoảnh khắc ngừng nghỉ sâu lắng không nhạc không lời trong bản nhạc. Nó cũng cần thiết có mặt trong bản nhạc giống như những âm thanh giai điệu khác. Đôi khi dấu lặng còn cần thiết và mang ý nghĩa huyền diệu hơn nhạc điệu khác trong bản nhạc.
Cũng thế, trong cuộc sống thường nhật với những thao tác liên tục của dòng vọng động qua thân, khẩu và ý, con người bị cuốn hút vào quỹ đạo quay cuồng của mộng tưởng điên đảo, thì những khoảnh khắc dừng lại, buông xả, lắng tâm là cần thiết và bổ ích vô cùng. Đó là những dấu lặng trong bản nhạc cuộc đời.
Thật vậy, có bao giờ bạn lắng tâm để thưởng thức những khoảnh khắc im lặng tột cùng xảy đến thật bất ngờ giữa dòng thác lũ ba đào của âm thanh và nhạc điệu? Nếu bạn từng trải qua giây phút cực kỳ huyền diệu ấy chắc bạn cảm nhận như mình đang bơi lội trong cõi không gian vô cùng mà ở đó chỉ có sự hỷ lạc mầu nhiệm trong trạng thái vắng bóng mọi thứ nhân ngã bỉ thử và phiền não uế trược.
Cuộc đời của một thiền sư là khoảnh khắc kéo dài vô tận của những dấu lặng an nhiên, tự tại và siêu thoát giữa cuộc đời phiền não, khổ đau. Thầy Tuệ Sỹ là một thiền sư như thế.
Trong đôi mắt sáng hoắc của Thầy, dòng tử sanh vô tận chỉ còn là bóng dáng mờ ảo sau ngọn lửa bập bùng của trí tuệ bừng lên, để nhìn sâu vào đó và liễu ngộ rằng nó chỉ là huyễn mộng. Như thế, tử sinh đâu có khác gì cánh chim chợt hiện chợt ẩn trong quãng trời vô biên! Điệp khúc đầu tiên rung lên cung bậc mở ra con đường đến đi tự tại trong cõi nhân gian:
“Ta nhận chìm thời gian trong khóe mắt
Rồi thời gian ửng đỏ đêm thiêng
Đêm chợt thành mùa đông huyễn hoặc
Cánh chim bạt ngàn từ quãng Vô biên.”
Trong Kinh Tiểu Duyên của Trường A Hàm, chẳng phải đức Thế Tôn đã kể chuyện loài người đến thế giới này từ cõi Trời Quang Âm ở Sắc Giới Thiên hay sao? Cho nên Thầy mới nói trong điệp khúc thứ 2:
Từ đó ta trở về Thiên giới,
Một màu xanh mù tỏa Vô biên.
Bóng sao đêm dài vời vợi;
Thật hay hư, chiều nhỏ ưu phiền.
Chiều như thế, cung trầm khắc khoải.
Rát đầu tay nốt nhạc triền miên.
Ôm dấu lặng, nhịp đàn đứt vội.
Anh ở đâu, khói lụa ngoài hiên ?
Từ Quang Âm Thiên xuống cõi nhân gian làm người nên mới có những ưu phiền, khắc khoải, và những cung bậc của kiếp người rung lên. Nhưng đến khoảnh khắc lắng sâu của dấu lặng thì đó là cõi vô biên, nên cảnh vật ngoài hiên là khói lụa huyễn hoặc như có như không.
Trong bản nhạc làm sao chỉ toàn là dấu lặng. Trong cõi người làm sao tránh khỏi những ưu phiền. Cái tuyệt vời của Thầy là liễu ngộ rất tinh tường phím đen, phím trắng trong bản nhạc cuộc đời chỉ là ảo tượng. Và rồi, Thầy đem bao nhiêu ưu phiền của năm tháng đi qua gửi vào dấu lặng đó. Gửi vào dấu lặng thì có khác gì hóa thân cho nó vào cõi vô cùng. Vì vậy, trong điệp khúc thứ 9, vang lên cung bậc:
Đôi mắt cay
phím đen phím trắng
Đen trắng đuổi nhau
thành ảo tượng
Trên tận cùng
điểm lặng tròn xoe
Ta gửi đó
ưu phiền năm tháng.
Trực thức về bản chất cuộc đời của chính mình không chỉ là tri kiến như thật về thực tại mà một người con Phật cần có, đó còn là đức nhẫn phi thường của một nhà tu hành đạo hạnh. Nhẫn thọ từ nỗi thống khổ trầm luân đến sự hỷ lạc siêu thoát bằng tâm thái bình lặng an nhiên không một gợn sóng động tâm. Điệp khúc thứ 13 vang lên nhạc âm hưởng đó:
Ô hay, giây đàn chợt đứt.
Bóng ma đêm như thật.
Cắn đầu ngón tay giá băng.
Điệp khúc lắng trầm trong mắt.
Rồi phím đàn lơi lỏng;
Chùm âm thanh rời, ngón tay rát bỏng
Chợt nghe nguyệt quế thoảng hương
Điệp khúc chậm dần theo dấu lặng.
Có lúc điệp khúc dương cầm lắng sâu đến mức như tan theo mùi hương nguyệt quế, như hóa thân thành con kiến bò quanh triền núi, hay len lỏi tận dưới gốc cụm cỏ dại. Điệp khúc 20 là giai điệu huyền bí lạ lùng mà người nghe dường như phải tước bỏ cái hình hài nhân ngã to lớn để có thể theo chân con kiến bò dưới cọng cỏ và nghe mùi đất thở. Cái mùi mà Triết Gia Phạm Công Thiện trong tác phẩm “Khơi Mạch Nguồn Thơ Thi Sĩ Seamus Heaney” xuất bản tại California, Hoa Kỳ vào năm 1996, gọi là “mùi thổ ngơi.” Ở đây không phải chỉ ngửi mùi thổ ngơi, mà còn ngửi mùi đất thở nữa. Chỗ tuyệt cùng của sự sâu lắng, của dấu lặng trong “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” là ở đây. Có thể nghe và ngửi “mùi đất thở.”
Theo chân kiến
luồn qua cụm cỏ
Bóng âm u
thế giới chập chùng
Quãng im lặng
Nghe mùi đất thở.
Đoản khúc 23 khép lại “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” như thể là đoạn cuối của đời người nằm yên vĩnh viễn nơi tha ma mộ địa.
Giăng mộ cổ
mưa chiều hoen ngấn lệ
Bóng điêu tàn
huyền sử đứng trơ vơ
Sương thấm lạnh
làn vai hờn nguyệt quế
Ôm tượng đài
yêu suốt cõi hoang sơ.
Điệp khúc vẽ lại thật sống động cảnh tượng nơi nghĩa địa, với cơn mưa chiều, nước mắt, hình bóng điêu tàn, sương thấm lạnh là những hình ảnh lột tả được cả tâm trạng và hoàn cảnh trong đoạn cuối của đời người.
Nhưng, trong cõi chung đó, vẫn bừng sáng lên niềm riêng rất đáng quý, rất cao đẹp, rất thương yêu. Đó là tấm lòng yêu thương vô lượng của Thầy đối với cuộc đời, đối với con người, và đối với chúng sinh.
Ôm tượng đài
yêu suốt cõi hoang sơ.
Tấm lòng đó ắt hẳn đã nằm sâu trong dấu lặng của “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” mà Thầy vừa tấu lên.
Có ai nghe chăng?
Chắc chắn là có, chư thiên ở cõi trời Quang Âm, những con kiến đang bò sát dưới cụm cỏ dại, và còn nữa, tiếng thở của đất động đậy đâu đó trên khắp hành tinh này.
Bạn đọc có thể vào đọc “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” bản tiếng Việt của Thầy Tuệ Sỹ trên trang mạng Hoa Vô Ưu www.hoavouu.com , hoặc theo link này http://hoavouu.com/D_1-2_2-258_4-19578/nhung-diep-khuc-cho-duong-cam.html