Đọc sử Tàu, ai cũng biết qua vua Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi nhà vua tuy già nhưng vẫn đa tình và rất mực phong lưu. Còn Dương Quí Phi tức Dương Ngọc Hoàn là một giai nhân có một sắc đẹp nứt vàng tan đá.
Tập "Tây bắc thảm kỳ" của Đào Ngọc Sơn đời nhà Minh (1368-1628) có chép truyện "Quái Nham Quí phi toàn dục bích họa", nghĩa là bức họa trên vách tả cảnh Dương Quí Phi tắm suối ở Quái Nham.
Ai cũng cho là một sự quái lạ.
Vì Quái Nham là một hòn núi kỳ quái, hiểm hóc ở về phía nam tỉnh Thiểm Tây. Nơi này ít có dấu chân người đặt đến. Thân núi cao vót, vách đá cheo leo. Người nào hiếu kỳ muốn lên được trên núi phải bám mỏm đá, bíu dây song chuyền thân cây, phải giữ từng ly từng tí, chật vật khó khăn, mệt đứt hơi, sợ bể tim mới lên đến được. Sơ sẩy một chút rơi xuống thì bỏ mạng đời.
Đứng dưới chân núi nhìn lên, nếu người có tính nhút nhát, tưởng không ai dám đến gần. Vì ở giữa thân núi, bốn bề đều có những phiến đá. Có phiến to bằng cả mái nhà. Có phiến nhỏ cũng bằng tấm ghế. Tất cả đều từ trên dốc xuống, xem có vẻ như không bám chặt vào đâu, sắp cùng một loạt lao mình xuống đất. Chỉ có về mặt nam thì núi hơi thu gọn lại. Cố lách mình leo những khe đá, dù chật vật cũng còn có lối lên. Đến lưng chừng, có một cái hang, cửa vào khá rộng và không tối lắm.
Cửa hang càng vào trong càng rộng. Tới mãi trong cùng thì có một bãi đất lộ thiên độ vài chục mẫu, cỏ mọc xanh rờn như một nệm gấm trải phẳng phiu. Ở đây có nhiều thứ cây lạ. Mỗi cây có một thứ hoa đủ các hình sắc. Chung quanh bãi ấy, thân núi dựng đứng như bức tường dài. Vách núi nhiều chỗ lại phẳng trơn như mài, mỗi chỗ mỗi sắc, bóng nhoáng rất đẹp. Dưới những vách đá là một suối nước dài lượn theo. Dòng suối ấy cứ cách một quãng có những giọt nước từ trên khe đá tí tách rỏ xuống; hay những tia nước từ trong các mạch đất cuồn cuộn tuôn ra, hợp với dòng suối chảy tạo nên những tiếng êm tai như âm nhạc. Dòng suối có chỗ sâu hàng trượng, nước trong vắt, trông suốt cả những hòn đá nhỏ trắng phau dưới đây.
Thật là một cảnh thần tiên.
Trông về vách phía đông, thấy có một hàng chữ to có vẻ cổ kính "Dương Quí Phi toàn dục diễm tích" nghĩa là "Dấu vết xinh đẹp khi Dương Quí Phi tắm suối". Đây là một khoảng vách đá dài độ mươi trượng, rộng độ hai trượng có nhiều bức vẽ đều từng lúc Dương Quí Phi tắm suối thế nào. Các nét vẽ đều chạm khắc sâu vào thân vách nên dù màu có hơi nhạt nhưng nét vẫn còn rõ ràng như mới.
Tất cả chừng 10 bức vẽ.
Đây là lúc Dương Quí Phi cởi áo.
Đây là lúc nàng còn ngồi trên phiến đá thò chân khoắng nước.
Đây là lúc nàng đùa nghịch lấy tay đập nước, giọt nước bắn tung lên.
Và, đây là lúc nàng lội suối theo những chỗ nông sâu; ngấn nước trong veo dần dần mờ in trên cái thân mình tha thướt uyển chuyển, da trắng như tuyết...
Và, mỗi bức vẽ đều vẽ quí phi từ dưới suối nhìn lên cái ông chồng già Đường Minh Hoàng đương ngồi tựa mình trên vách đá, đôi mắt đắm say nhìn giai nhân mà tủm tỉm cười tình.
Thật là những bức hoạt tượng. Dù đã cách có hàng năm sáu trăm năm mà xem đôi bạn tình vương giả ấy như đã học được thuật trường sinh, đem nhau đến chốn này, riêng hưởng cái diễm phúc mà người đời khó ai tìm được.
Dưới những bức họa ấy có đề ngày tháng năm đã vẽ ghi cái diễm tích ấy. Tức là ngày 25 tháng 5 năm Thiên Bảo thứ mười (theo Dương lịch là năm 752).
Quái Nham là một hòn núi hiểm hóc. Ít có dấu chân người đặt đến. Vậy mà nhà vua cùng quí phi dẫn nhau đến đấy. Người thì tắm, kẻ thì ngồi xem. Cả hai đều có sở thích.
Người thì được cái thú tắm suối khoái hoạt. Một thân hình kiều diễm "làu làu sẵn đúc một tòa thiên nhiên" kia được ngâm trong làn nước tinh sạch thiên nhiên. Người thì lại có lẽ tự hào là được cùng một giai nhân tuyệt thế đến thưởng ngoạn một thắng cảnh thiên nhiên, xưa nay ít ai biết đến, rồi ghi lại dấu vết diễm tuyệt trên vách núi để góp một phần tình tứ, một phần mỹ lệ vào cảnh kỳ quan của hóa công?
Quí phi thích đi tắm suối. Mỗi lần đi phải phí tổn cả hàng vạn bạc. Nghe nói trên Quái Nham có cảnh đẹp, có suối trong khác thường, ai tắm sẽ được trường thọ. Vừa tham sống, vừa có tính tò mò nên quí phi đòi Minh Hoàng cho đi kỳ được.
Muốn cho mỹ nhân vui lòng, Minh Hoàng không quản khó nhọc, hạ chỉ cho quan lại địa phương phải moi óc nghĩ cách làm cho được con đường lên núi. Hạn trong nửa tháng, làm xong sẽ hậu thưởng; bằng không sẽ cho tuột chức nghỉ vô thời hạn.
Tiếp chỉ, quan địa phương xiết bao lo sợ. Sau có người bày cách kết mây làm cầu, chôn hai cây to dưới đất, rồi từ đó các đợt cầu mây cứ kế tiếp nối nhau đến tận cửa hang. Vì phải làm gấp và leo trèo khó khăn nên tốn kém có hơn 10 vạn bạc và số nhân công sơ sẩy bị té chết có hàng trăm.
Cầu làm chắc chắn và đi rất êm. Minh Hoàng và quí phi lên được đến nơi cho là một cuộc viễn du khó có. Muốn làm kỷ niệm, Minh Hoàng mới tìm một thợ vẽ khéo, vẽ lại diễm tích trên núi.
Một cuộc tắm mát đã làm cho người yêu như ý, Minh Hoàng vui mừng khôn xiết, hậu thưởng quan quân và dân chúng miền đó. Nhưng thấy làm hao hụt hàng vạn của kho và làm chết hàng trăm mạng người, Minh Hoàng cấm sử quan ghi chép và không ai được nói chuyện ấy.
Tưởng cái diễm tích ấy bị vùi dập trong cái hang bí mật đã trên ngàn năm nay, và câu chuyện vì cái thú phong lưu "tai ác" giết hại mạng người ấy chìm trong dĩ vãng đen tối, không ngờ bị quyển "Tây bắc thảm kỳ" chép lại cuộc du hí của hàng vương giả, vô tình tố cáo với thế nhân.
Send comment