Trong bài này tôi không bàn chuyện cao viễn mà nói chuyện thực tế của đời sống. Chư tổ nói rằng, “Phật pháp bất ly thế gian pháp”. Điều đó có nghĩa là giáo lý nhà Phật gắn chặt với cuộc sống của con người. Gắn chặt với cuộc sống nhưng phải hữu ích cho con người. Hữu ích cho con người ở đây là làm cho con người vơi bớt khổ. Phật giáo không khởi đi hoặc xây dựng trên nền tảng thần linh mà trên “Khổ Đế” tức sự thống ngự của khổ đau cho nên cứu cánh của Phật Giáo là cứu khổ hay làm cho con người vơi bớt khổ.
Một trong những khổ đau dai dẳng của kiếp người là sự lo sợ, lo nghĩ, lo phiền, ưu tư, sầu muộn. Biết bao nhiêu tài tử điện ảnh, ca sĩ, người mẫu nổi tiếng, tài sản vài trăm triệu đô-la. Tiền thì nhiều nhưng đầu óc trống rỗng, sống không lý tưởng cho nên buồn nản, chán đời uống thuốc an thần để “quên đời” cuối cùng chết vì thuốc an thần, thuốc giảm thống hoặc quyên sinh.
Trên thế gian này, không một ai mà không lo phiền. Nếu mặt hồ không còn gợn sóng thì con người mới hết lo. Do đó, nói chuyện “an nhiên tự tại” hay không lo nghĩ gì cả chỉ là ảo vọng. A La Hán là bậc đã đoạn trừ phiền não tức không còn lo sợ, lo nghĩ. Thế nhưng kể từ ngày Phật nhập niết bàn tới giờ có thêm ai đắc quả A La Hán nữa đâu? Cứ kiểm nghiệm lại coi, trong cuộc đời, chúng ta đã bao lần lo? Có lẽ cả ngàn vạn lần và rồi giờ này cũng đang lo, ngày mai sẽ lo, ngày mốt lo…rồi lo cho tới chết.
Lo không phải chuyện chơi. Nó giống như luật Sinh-Lão-Bệnh-Tử. Nó gắn chặt với kiếp người mà Phật Giáo gói gọn trong hai chữ “phiền não”.
Ông Dale Carnegie (1988-1955) thấy người Mỹ lo quá cho nên viết cuốn sách “Quẳng Gánh Lo Đi và Vui Sống”. Cuốn sách này nổi tiếng khắp thế giới. Rồi ông nhạc sĩ Phạm Duy trước 1975 thấy người ta lo buồn quá cho nên sáng tác một bản nhạc vui trong đó có câu, “Sức mấy mà buồn, buồn ơi bỏ đi Tám.”
Lo là một trạng thái tâm lý không an tâm về một chuyện sắp xảy ra hay chưa xảy ra. Thí dụ:
-Tôi lo quá không biết kỳ thi này có qua khỏi không?
-Tốt nghiệp rồi mà chưa tìm được việc làm, tôi lo quá.
-Mình vừa thất nghiệp, lo rồi đây gia đình sẽ găp khó khăn.
-Lúc đi quên khóa cửa sau, lo không biết nhà có bị trộm không?
-Tôi lo quá không biết về nhà có bị bố la rầy không?
-Tôi lo quá không biết bà xã có la rầy không. Kẹt xe về trễ cũng sợ bả ấy la.
-Ông cụ nằm nhà thương cho nên tôi lo quá.
-Thằng bé sắp thi vào đại học, tôi lo mất ăn mất ngủ.
-Vừa chồng tiền cho người ta, không biết công việc có êm xuôi không, tôi lo quá.
-Nhà xuống giá, có thể mất cả tỉ, tôi lo quá.
-Hôm qua mình lỡ lời, không biết xếp có giận không? Tôi sợ mất việc quá.
Nói tóm lại, tất cả những điều ở trên đều là chuyện chưa xảy ra, nhưng vì không an tâm hoặc liên tưởng tới một hậu quả xấu cho nên người ta lo.
Có bao nhiêu trạng thái lo?
Lo bạc đầu tóc.
Lo ngay ngáy
Lo ngày lo đêm.
Lo trong lo ngoài
Lo mất ăn mất ngủ.
Lo bằng lo sang sứ: Đi sứ sang Tàu ngày xưa là chuyện trọng đại, lành dữ chưa biết thế nào.
Song có những thứ lo rất “vô duyên” gọi là “lo bò trắng răng” như:
Lo trời sập.
Lo tận thế.
Chuyện gì cũng lo.
Chuyện gì cũng vơ vào.
Lo vớ vẩn.
Lo chuyện tào lao.
Tại sao lo?
Có rất nhiều nguyên do:
-Có thể là xã hội bất an, trộm cắp, đâm chém, giết người, khủng bố, mánh mung, lường gạt khắp nơi cho nên không chuyện gì yên tâm. Vào chỗ đông người lo khủng bố đặt bom. Đi máy bay sợ máy bay bị cướp hay phi công chán đời tự tử bằng cách lao xuống biển. Gửi xe sợ mất. Ra đường sợ cướp giật. Đi xa sợ trộm. Vào chợ, vào siêu thị sợ móc túi. Đồ ăn sợ pha hóa chất gây ung thư. Mua thị bò sợ thịt heo nái biến chế. Mua cà-phê sợ cà-phê giả. Mua gạo sợ gạo giả. Gửi tiền ngân hàng sợ mất. Hùn hạp sợ lường gạt. Giấy tờ sợ giả. Mua vàng sợ vàng giả. Đầu tư nhà sợ nhà xuống giá. Chứng khoán sợ tuột dốc. Ăn mặc bảnh chọe, đi xe hơi, giấy tờ xuất trình đầy đủ, nói năng “chắc như cua gạch” đề nghị hợp tác, giúp đỡ nhưng lại là “chuyên viên lường gạt”. Cho nên một xã hội ổn định, luật pháp nghiêm minh người dân sẽ bớt lo.
-Đời sống khó khăn, vật giá leo thang, lương bổng thấp kém, chưa biết ngày mai ra sao. Không lo sao được?
-Đất nước chiến tranh, cái sống cái chết cận kề. Con cái ở ngoài tiền tuyến, không lo sao được. Bộ gỗ đá sao?
-Công việc quá nhiều cho nên lo. Trên bàn một đống giấy tờ, điện thoại réo liên miên…không lo sao được?
-Làm tổng thống, thủ tướng báo chí tấn công tứ bề, dân chúng biểu tình, đối lập đòi “cưa ghế”, lo không?
-Tội phạm gia tăng, xã hội bất ổn, công nhân thất nghiệp, đầu tư sút giảm, nợ công ngập đầu, lo không? Chỉ bạo chúa mới không lo mà thôi.
-Báo bán ế, quảng cáo sút giảm, lấy tiền đâu để trả nhân công, phóng viên đây? Chủ nhiệm lo không?
-Đầu tư vào nghành dầu khí, giá dầu xuống dốc, mất cả tỉ đô-la trong chớp nhoáng như chơi, lo không?
-Ngay cả nơi thanh tịnh giải thoát nhất cũng có lo phiền. Chùa chiền ở Mỹ đều vay nợ để xây. Mỗi tháng đều trả tiền nợ ngân hàng gọi là “mortgage” trả 30, 40 năm mới hết. Phật tử thưa thớt một cái là thầy /ni sư trụ trì lo ngay ngáy. Chùa càng to, nợ càng to và sư càng lo. Cho nên chùa ở Mỹ gây quỹ liên miên, kêu gọi Phật tử đóng góp là vậy. Vì lo trả nợ cho nên lo kiếm tiền, tu hành là phụ, kiếm tiền là chính. Nói là “độ sanh” nhưng cầu siêu, cầu an, tụng đám ma đều có giá biểu. Đi chân đất, áo chỉ ba bộ, ngồi trong tịnh xá đơn sơ hoặc hang động, tọa thiền dưới tàng cây Bồ Đề, bên bờ suối mà thành Phật. Chùa thật to, nệm ấm chăn êm, đầy đủ phương tiện, iphone, ipad, không phải vác bình bát đi ăn xin mỗi ngày…mà chẳng thấy ai thành Phật. Nguyên do chỉ vì lo kinh doanh kiếm tiến và kiếm danh nữa. Dường như ở hải ngoại này, đạo cao đức trọng không thể hiện bằng giới hạnh trang nghiêm, thanh tịnh giải thoát mà bằng kích thước của ngôi chùa. Chùa càng to, càng hãnh diện và cho rằng như thế là mình “đã thành chánh quả”. Ôi sức mạnh của đồng tiền và sự háo danh thật đáng sợ! Nó có thể đánh đổ tất cả mọi giá trị linh thiêng, thánh thiện trên cõi đời này. Và dĩ nhiên kiếm tiền và háo danh là nguyên do của phiền não, khổ đau, giành giật, bôi lọ, lật đổ, khai trừ, chém giết. Thế nhưng kiếm tiền và mua danh lại là một thứ “phiền não rất quyến rũ” ai cũng lao vào - kể cả những bậc mệnh danh là “thánh thiện”. Cho nên lo buồn nó gắn chặt với kiếp người một phần vì đồng tiền và háo danh.
-Tham vọng quá cho nên lo.
-Mẫn cảm quá. Tình cảm và trí tưởng tượng quá cao cho nên cái gì cũng xúc động, lo lắng.
-Trao phó trách nhiệm cho người thiếu tin cậy cho nên lo.
-Cầu toàn hay cẩn thận quá cho nên lo.
-Làm ẩu, tắc trách xong rồi mới thấy lo.
-Quá thương, quá cưng chiều ai hoặc vật gì nên lo. Nhiều ông vua không lo xã tắc ngả nghiêng, dân tình khốn khổ mà chỉ lo không biết quý phi của mình có vui không. Thương con chó quá, nó cảm cúm, sổ mũi, bỏ ăn là lo - còn hơn cả con ruột mình. Mua chiếc xe đắt tiền, lo không biết có ai ăn cắp, cọ quẹt, phá phách không, giữ gìn lau chùi, tưng tiu còn hơn cà bàn thờ ông bà. Mua bộ bàn ghế đắt tiền, không dám ngồi, chỉ để trưng chơi, lo không biết mấy thằng cháu chạy nhảy, nghịch ngợm có quẹt vào, làm dơ không.
-Làm ăn bất chính, bán buôn đồ giả, đồ lậu sợ cảnh sát tới nhà còng tay lúc nào không hay cho nên lúc nào cũng sống trong trạng thái bất an.
-Nhiểu kẻ thù quá cho nên lo.
-Tham nhũng, đục khoét ngân quỹ, ăn của đút, nhận phong bì, quà biếu nhiều quá…lo sợ có ngày báo chí phanh phui, cho nên đi cúng vái, khắp nơi cầu xin thánh thần che chở. Nhưng dù cầu nguyện thánh thần, đêm đêm ác mộng vẫn hiện về, lương tâm cắn rứt…sướng hay khổ đây?
-Có thể tại bố mẹ khắt khe, cay nghiệt quá. Con cái hễ làm trái ý, hoặc làm đổ vỡ cái gì thì mắng chửi, đánh đập cho nên tâm lý con cái lúc nào cũng lo sợ. Cho nên để con cái không sống trong lo sợ, cha mẹ không được mắng chửi, đánh đập con cái khi con cái phạm lỗi… mà nên ôn tồn khuyên răn chỉ bảo. Đánh vỡ một cái ly, cái bát, chai nước mắm…là chuyện nhỏ không đáng kể, không bao giờ la rầy con cái.
-Có thể bà vợ hay ông chồng hay cẳn nhằn, la mắng khi người phối ngẫu phạm lỗi, cho nên làm gì cũng lo sợ, tạo một trạng thái bất an trong gia đình.
-Vợ chồng sống với nhau thiếu “từ bi, hỷ xả” thiếu thông cảm, chi li từng chút, cho nên lúc nào cũng lo không biết có vừa lòng nhau không?
-Cha mẹ chồng, đối xử như thế không biết có đúng không, nàng dâu nào chả lo.
-Con gái đến tuổi trưởng thành chưa lập gia đình, lo ngay ngáy không biết “trái bom nguyên tử” này nổ lúc nào đây. Chừng nào nó yên bề gia thất mới hết lo. Nhưng sau khi nó lập gia đình rồi rồi, lại lo tới cháu nội, cháu ngoại. Tóm lại, lo cho tới chết. Các cụ gọi là “lo truyền kiếp”.
-Máu hung dữ nổi lên, đánh đập người ta. Về nhà bán xe, vay nợ chạy luật sư, vợ con cằn nhằn, lo đổ mồ hôi, hối không kịp.
-Vào facebook, vào các diễn đàn chửi bới hết người này tới người kia bị người ta chửi lại. Rồi nóng giận, không kiềm chế được, buông lời khiếm nhã, hăm dọa hoặc chụp mũ gây thù oán. Liệu trong lòng có yên không?
-Lái xe không chịu thực tập cho giỏi lại mua bằng cho nên không có khả năng điều khiển xe…cho nên xe tông vào nhà, lao vào em bé, cụ già, lao vào người qua đường giết người như trò chơi…vào khám nằm tù liệu có lo không? Lái xe giở thói yêng hùng, chạy vong mạng, qua mặt xe khác để “lấy le”, giành giật khách, xe lật xuống hố, tông vào lề đưởng, đâm vào xe khác…người chết, người bị thương, mất việc, tù tội. Chỉ nội lo không cũng bạc đầu.
-Gian lận Medical, Medicare, Medicaid, nuôi bệnh, cấp toa mua thuốc vô tội vạ hoặc không cung cấp đúng thuốc cho khách hàng, tiền vào thì nhiều nhưng họa trực chờ ngay trước cửa…lo không?
-Có tiền không chịu làm ăn buôn bán, gửi ngân hàng mà đem cho vay - dĩ nhiên nặng lãi. Con nợ vì lý do gì đó không trả hoặc chưa trả đúng hạn, lo không?
-Cửa hàng khách vắng teo, ế ẩm, lo không?
-Nông phẩm trồng ra, giá xuống thấp, phá sản như chơi, lo không?
-Từ ngàn xưa, người nông dân đã lo lắng công việc đồng áng như thế này, nghĩ mà thương:
Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời êm, biển lặng mới yên tấm lòng.(Ca Dao)
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời êm, biển lặng mới yên tấm lòng.(Ca Dao)
-Rồi thì hạn hán mất mùa, lo không?
-Nuôi cá không nghe lời chỉ dẫn, nuôi dày đặc, cá thiếu dưỡng khí, sinh bệnh chết nổi lềnh bềnh, nguy cơ trắng tay…lo không? Cái lo này do lòng tham hoặc thiếu hiểu biết mà ra.
-Mình là chủ nhà hàng, khách sạn lớn sống bằng du khách, nay khủng bố tấn công, khu nghỉ mát vắng hoe, lo không?
-Tuổi già lo bệnh tật, lo cái chết kề cận, lo cô đơn không ai nuôi dưỡng.
-Không tiền lúc về già, lo không biết sống sao đây?
-Tiền của nhiều quá không biết chết đi, tiển chạy vào tay ai. Lo ngày lo đêm.
Nói tóm lại có trăm, vạn thứ lo trên cõi đời này.
Hậu quả của lo:
Nhìn người có mối lo ta biết ngay. Mặt ỉu xìu như hoa héo. Nếu có cười thì chỉ gượng gạo.
-Lo vừa vừa thì mất ăn mất ngủ, sức khỏe suy yếu.
-Lo quá sinh bệnh.
-Càng lo càng rối trí khiến thiếu minh mẫn để giải quyết vấn đề.
-Lo buồn nhiều quá không biết giải quyết cách nào, bèn lao đầu vào rượu chè, cờ bạc, xì ke ma túy khiến hủy hoại, chôn vùi cuộc sống.
-Hầu hết các bệnh đau bao tử/dạ dày đều do lo nghĩ mà ra.
-Lo quá thành khủng hoảng, hóa điên hoặc tự tử chết.
1) Cách chữa bệnh lo khi nó chưa phát ra:
Muốn bệnh lo không phát ra hay không nảy sinh tức phòng ngừa thì nên uống các loại “thuốc” sau đây:
-Sống dung dị, nhẹ nhàng, cởi mở.
-Tránh gây gổ, tranh luận vô ích.
-Tránh phát ngôn bừa bãi. Giữ gìn lời nói như “giữ gìn miệng lọ” để tránh bị công kich, phiền phức.
-Nhường nhịn.
-Biết xin lỗi khi mình có lỗi, kể cả cơ quan chính phủ, cấp lãnh đạo.
-Đừng khắt khe, cay nghiệt quá, cái gì cũng bắt lỗi, cũng khiển trách.
-Đừng cầu toàn.
-Biết bỏ qua, biết tha thứ.
-Tham vừa vừa thôi, đừng tham quá.
-Đừng gian lận, lừa đảo.
-Là cầu thủ bóng đá/túc cầu, hãy cứ kiếm tiền bằng tài năng của mình, đừng âm mưu “bán độ” kẻo có ngày ở tù.
-Cả các ông kẹ trong tổ chức FIFA và Liên Hiệp Quốc nữa, tham nhũng làm sao lọt con mắt của cả thế giới chứ?
-Làm bất cứ việc gì nếu biết phân công, giao phó trách nhiệm, đâu vào đó cũng bớt lo. Các cụ xưa nói, “Cẩn tắc vô áy náy”
-Hướng dẫn tỉ mỉ cho cấp dưới, nhân công, người ăn người làm hiểu rõ trách nhiệm cũng bớt lo.
-Kỷ luật nghiêm minh, khen thưởng đúng mức khiến cơ quan, tổ chức đâu vào đó…cũng bớt lo.
-Đừng cố bám vào danh vọng, chức vụ, quyền thế mà mình đang có khi nó đã lung lay hoặc không thể níu kéo được. Khi mất rồi đừng nuối tiếc như Thạch Sùng tiếc của.
-“Công thành thân thối”. Từ chức đúng lúc cũng là điều tốt lành.
-Đừng tham công, tiếc việc.
-Thất bại là mẹ thành công. Nhiều khi “Tái Ông thất mã”. Trong rủi có cái may.
-Muốn không lo hoặc ít lo phải biết sợ, như sợ gây gổ, đôi co, tranh cãi. Sợ nơi tụ họp đông đảo, ăn nhậu tán láo. Sợ ăn gian làm dối, sợ vi phạm pháp luật, tham nhũng, làm hồ sơ giả mạo, bòn rút của công. Sợ tụ họp băng đảng làm ăn bất chính. Sợ dính dáng tới xì-ke ma túy, sợ bài bạc, sợ phòng trà ca vũ, sợ bia ôm, phòng tắm hơi và chỗ ăn chơi sa đọa. Sợ tình ái lăng nhăng khiến gia đinh đổ vỡ, vợ chồng có thể giết nhau vì ghen tuông. Sợ tranh giành gia tài, đất đai với anh em, thân bằng quyến thuộc. Sợ lời nói ngon ngọt, quyến rũ. Sợ những lời tỉ tê, đường mật, hứa hẹn hão huyền.
-Lái xe là sử dụng phương tiện giết người cho nên phải biết sợ. Đường trơn trượt, dốc núi, đèo cao… phải cẩn thận kẻo lái ra nghĩa địa.
-Lái xe phóng bạt mạng, đua lượn trên đường phố để tỏ ta đây “anh hùng”, vui trong chốc lát mà hối hận suốt đời.
-Rượu vào mà lái xe là tự giết mình, giết người và cũng giống như người điên lái xe vậy.
-Biển động, dông bão thì nên ở nhà, liều lĩnh ra khơi không nghe lời khuyến cáo thì vợ con ở nhà sắm khăn tang là vừa.
-Sức mình không kham nổi thì đừng có nhận bừa, vừa hỏng việc vừa mất uy tín, có khi ở tù
-Phải biết sợ ở tù, sợ lôi thôi tới pháp luật.
-Rượu vào lời ra. Bàn nhậu là nơi gây ra biết bao tai họa. Cho nên phải thấy rượu là thứ độc hại chẳng khác gì thuốc độc, gươm súng. Cho nên cổ nhân nói, kẻ có trí ngồi bên chén trà. Kẻ vô trí ngồi bên chén rượu. Chưa ai nói uống trà mà giết nhau bao giờ. Nhưng bên chén rượu thì cha con, anh em, cô chú, bạn bè thân thiết cũng giết nhau.
-Một năm một lần, sắp xếp để gia đình đi nghỉ mát, du lịch, thăm viếng các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cho đầu óc thư thả. Hoặc đưa con cháu về quê thăm cha mẹ, bà nội bà ngoại. Khi đi du lịch người ta gần như trút bỏ phần nào phiền muộn và áp lực của công việc. Làm việc quần quật, không nghỉ ngơi là tự giết mình. Tổng thống Mỹ một năm biết bao lần đi nghỉ mát. Cứ ngồi ở Tòa Bạch Ốc bù đầu với công việc nội bộ và thế giới sẽ phát khùng.
-Có chuyện gì lo buồn quá cứ chạy lên Chùa, ngồi đó cho tĩnh tâm rồi mọi chuyện tính sau.
Tôi bảo đảm nếu tất cả chúng ta “uống” các loại “thuốc” phòng ngừa nói trên thì bệnh lo có thể không tới hoặc có tới thì cũng rất nhẹ.
2) Cách chữa bệnh lo khi nó phát ra rồi.
Nếu bệnh lo đã phát ra rồi, chẳng hạn có người nói, “Tôi đang lo quá.” thì sao đây? Tới mức này rồi thì chỉ còn cách chữa trị theo pháp Phật. Mà pháp Phật màu nhiệm, công năng nhất vẫn là niệm Phật và quán chiếu lẽ Vô Thường. Có hai câu niệm:
-Nam Mô A Di Đà Phật.
-Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Hãy cứ niệm đi, niệm liên tục. Khi mối lo nhú ra thì cứ tiếp tục niệm để trấn áp nó. Khi mối lo từ từ thoái lui thì quán chiếu hơi thở (Quán Sổ Tức) để cho thân thể nhẹ nhàng, thảnh thơi. Khi không còn lo nghĩ nữa thì vẫn cứ niệm Phật để “phòng ngừa” giống như tai nạn chưa xảy ra, mình mua bảo hiểm cho chắc ăn. Nhớ lúc nào cũng quán chiếu lẽ Vô Thường. Ngay cả cái thân mệnh này đây không biết ngày mai có còn hay nguyên vẹn không - thì những thứ phụ thuộc vào thân xác này có ra chi đâu? Nhà cửa, xe cộ, vợ con, quyền chức, tài sản, tình yêu, danh vọng… nó phụ thuộc vào thân mệnh chứ nó không phải là thân mệnh. Hãy quán chiếu như vậy thì thấy mọi chuyện trên đời này đều như phù vân, ảo ảnh…nay còn, mai mất, thấy đó mà mất đó…sẽ bớt lo nghĩ, ưu tư, dẳn vặt.
Đời này sống có bao lâu sao phải khổ vì lo nghĩ quá như thế? Tại sao để lo âu, phiền muộn nhận chìm đời mình? Hãy cố mà “ung dung tự tại” được giây phút nào hay giây phút đó. Quý bạn cứ suy nghĩ thử xem có đúng không?
Kính chúc quý bạn luôn an vui và nở nụ cười tươi như Phật Di Lặc.
Đào Văn Bình
(California đầu xuân Nhâm Thân 2016)
- Tag :
- Đào Văn Bình
Send comment