Phước Nguyên
Mây vẫn cứ bay, dòng đời vẫn cứ trôi, tâm tính con người cũng đổi thay theo năm tháng. Cái khát vọng vĩnh cửu về một tình bạn miên viễn đã đeo bám lấy tâm hồn của bao nhiêu bậc tiền nhân. Thi tiên cũng không ngoại lệ:
“Phù vân du tử ý,
Lạc nhật cố nhân tình” (Lý Bạch)
(dịch)
“Mây trôi lòng lãng tử
Tình bạn xế vầng hồng”.
Nỗi ám ảnh cõi lòng các thi nhân là sự chia cắt và đổ vỡ, vì hy vọng quá nhiều nên có khi phải đành một phen thất vọng. Thường thì người ta cho rằng, bản thân mình rất hiểu người và ngược lại, người cũng rất hiểu ta, theo lối: “tri âm tri kỷ”. Nhưng, có lẽ rất nhiều người không hài lòng khi nghe ai đó nói rằng: “đừng gọi nhau là tri kỷ”, vì cho rằng nó cực đoan, với giọng điệu hằn học. Đi giữa dòng sinh diệt, để tìm cái cái chí tình tri kỷ, dường như không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ:
“Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?
…
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai? (Kiều)
Chỉ những ai từng hụp lặn giữa mấy lần dâu bể, xuống bến đục lên đền Trình, mới hay được cái cô độc của những con người: “độc lai độc vãng”, vui một mình, độc hành trải bóng đi theo, khóc cười không ai rõ, linh hồn cô độc giữa nhân gian:
“Cười rằng: Tri kỷ trước sau mấy người?” (Kiều)
Đạo lý, xưa nay vẫn các nhà Nho vẫn thường nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”: Điều gì mà bản thân mình không thích, thì đừng áp đặt người khác. Thái độ tôn trọng bạn hữu, không phải lúc nào cũng có thể làm được. Những tình bạn bị tan vỡ, cũng khởi đầu từ những sự gượng ép: “Đã cam tệ với tri âm bấy chầy” (Kiều). Lòng tốt, chưa hẳn đã tốt, nếu nó không được đặt đúng người và đúng chỗ. Không ít kẻ sỹ chán chê vì thuốc tốt bị phản tác dụng, giữa chứng bệnh danh vọng đan xen.
Bạn hữu, chân chánh theo nhà Phật là “người bạn không cần/đợi mời gọi”, gặp đuợc nhau giữa trần đời đã là hữu duyên, tâm tư lương thiện hướng đến nhau lại càng khó, sự trân trọng không nằm ở chỗ hình thức, đôi khi chỉ nằm ở một cử chỉ hay lời nói đơn thuần. Bồ-tát Quán Thế Âm được nói là người bạn thân thiết nhất của mỗi chúng sinh, không cần đợi bái lạy thỉnh mời. Trong đây, Ta có thể hiểu phá cách theo kiểu: QUÁN THẾ - ÂM, quán sát tâm lý thị hiếu của các thành phần thế gian (Quán – thế) mà nói (âm), cần giải thoát khổ đau bằng phương tiện gì, dưới hình thái gì, ngài đều biểu hiện như thế mà an uỷ giúp đỡ. Tình bạn thật sự chỉ bền vững, nếu ta sống với thái độ “làm người bạn không cần mời gọi”, tuỳ thời và tuỳ tâm.
Giữa mối liên hệ mạng lưới của sự sống, đôi khi ta vô tình hay lãng quên những điều tốt đẹp ngay bên cạnh ta, thuần tuý đến mức ta không hề nhận ra, để khi mất đi rồi thì không bao giờ có thể phục hoạt trở lại. Thường thì, ít khi nào tự ngã – của ta không được thổi phồng, cho nên đằng sau những cái tình cảm, thường có những mối hệ luỵ kéo theo, cần có sự “mời gọi” dưới hình thức nào đó, nếu không muốn nói là cần có những điều kiện thế này hay thế kia. Nó không thuần tuý nữa, bị chi phối rất nhiều: danh xưng và tướng trạng.
Trăng ngàn và mây bạc cũng dịch dời theo sông núi và trời xanh, cái gì rồi cũng sẽ đổi dời, lật một tấm bản đồ cổ điển 100 năm trước của Pháp quốc ra xem lại, cảnh vật đã đổi màu xuân thu, không có gì bền bỉ “dù là pháp động, hay bất động cũng là trạng thái bất an và tan rã” (kinh Di giáo), từ đó, ta có thể chọn cho bản thân một thái độ sống nào đó để thoát khỏi mọi sự đổ vỡ của sự đời, của tình nghĩa, của hy vọng và thất vọng, không còn bị nanh vuốt của “tri âm tri kỷ” vồ lấy tâm hồn, vốn dĩ cô đơn cô độc này.
Phước Nguyên
- Tag :
- Phước Nguyên