TÁNH KHÔNG LÀ GIẢI THOÁT
Nguyễn Thế Đăng
Sắc thanh hương vị xúc pháp cấu thành thế giới của con người chúng ta là duyên sanh, vô tự tánh, bất khả đắc và vô sở hữu; thế còn những chúng sanh và những cõi trong vũ trụ này thì như thế nào?
Kinh Pháp hội Văn-thù-sư-lợi phổ môn, bộ Đại Bảo tích nói: “Lại này Văn-thù-sư-lợi! Thế nào gọi là nam tướng tam-muội?
Tự cho mình người nam
Thấy kia là người nữ
Do tâm phân biệt này
Mà sanh lòng ái dục.
Lòng dục vô sở hữu
Tâm tướng bất khả đắc
Do vì vọng phân biệt
Nơi thân tưởng là nam.
Trong ấy thật không nam
Ta nói như sóng nắng
Biết nam tướng là Không
Đó tên nam tam-muội.
Lại này Văn-thù-sư-lợi! Thế nào gọi là nữ tướng tam-muội?
Bốn đại giả làm nữ
Trong ấy vô sở hữu
Lòng phàm phu mê lầm
Nắm lấy cho là thật.
Người nữ như huyễn hoá
Người ngu không thể biết
Vì vọng thấy nữ tướng
Mà sanh lòng nhiễm trước.
Ví như huyễn hoá nữ
Mà chẳng thật người nữ
Kẻ vô trí mê mờ
Bèn sanh trưởng ái dục.
Biết rõ như vậy rồi
Tất cả nữ không tướng
Tướng nữ đều vắng bặt
Đó tên nữ tam muội”.
Thấy thật có tướng nam tướng nữ và điên cuồng chấp chặt vào đó, không thể nào đổi khác, điều này tạo ra biết bao phiền não, đủ thứ xúc tình tiêu cực trong cuộc đời, tất cả đều bắt đầu từ tậm phân biệt. Quán sát sâu xa thì tâm phân biệt và lòng dục sanh ra từ đó, là vô sở hữu, bất khả đắc, như sức nóng lay động trên mặt đường mà tưởng là sóng của nước. Như nhà ảo thuật huyễn hoá ra người nam người nữ mà chẳng thật có người nam người nữ. Như thấy người nam người nữ trong phim, sờ lên màn ảnh thì chẳng có ai cả, nhưng cho là thật, đó là do “vọng phân biệt”, “vọng thấy” rồi tự kể câu chuyện cho chính mình thấy, nghe, hay, biết. Kể hoài không biết chán, hết tập này đến tập khác, đó là tự mình tạo lập luân hồi sanh tử.
An trụ trong bản tánh của tâm là tánh Không và thấy những xuất hiện hình tướng nam nữ như là vô sở hữu, bất khả đắc, như huyễn hoá, không cho chúng là thật, là có tự tánh để rồi đuổi theo nắm bắt chúng, đây là sự giải thoát ngay khi sống trong đời sống được thiết lập bởi những xuất hiện hình tướng này. Những xuất hiện hình tướng trong đời sống bình thường này là những cơ hội cho chúng ta thấy ra bản tánh của chính mình và của tất cả mọi sự là tánh Không, nhưng nếu không biết mà mải miết đuổi theo chúng thì chúng ta dã tạo ra sanh tử luân hồi cho chính mình bằng những xuất hiện hình tướng ấy.
Ngoài cõi người, vũ trụ này còn có những cõi khác. Những cõi ấy tương ứng với những chúng sanh có nghiệp như vậy. Nếu không có chúng sanh với nghiệp tương ứng, cõi ấy sẽ không có, và nếu đã có thì sẽ sụp đổ vì đơn giản là không có ai ở.
Kinh nói về cõi trời, cõi rồng (long), cõi dạ-xoa…
“Lại này Văn-thù-sư-lợi!
Thế nào gọi là thiên tướng tam-muội?
Nhân tín tâm thanh tịnh
Và do các nghiệp lành
Thọ báo tốt chư thiên
Thân đoan chánh đẹp đẽ.
Các cung điện ngọc quý
Chẳng phải do xây dựng
Hoa đẹp mạn-đà-la
Cũng không người gieo trồng.
Chẳng nghĩ bàn như vậy
Đều do sức nghiệp lành
Hiện ra các thứ tướng
Như lưu ly trong sạch.
Thân đẹp đẽ như vậy
Và các cung điện thảy
Đều từ hư vọng sanh
Đó tên thiên tam-muội”.
Do các nghiệp lành mà sanh ở cõi trời, và cõi trời ấy cũng do các nghiệp lành hội hợp mà có. Cõi ấy là do “sức nghiệp lành, hiện ra các thứ tướng”. Nhưng nghiệp là do nhiều nhân duyên sanh, vì hoà hợp bởi nhiều nhân duyên nên không thường hằng; nghiệp báo hết thì tan rã. Nghiệp tốt cũng như nghiệp xấu, có sanh rồi có diệt, không có tự tánh trường cửu, thực chất là tánh Không, nên nói là “đều từ hư vọng sanh”. Nếu thấy cõi trời là hư vọng, bèn thoát khỏi nghiệp làm một vị trời, được giải thoát khỏi nghiệp chư thiên, đó gọi là Thiên tam-muội.
“Thọ lấy thân loài rồng Do chẳng tu hạnh nhẫn… Các loài rồng như vậy Huân tập tánh sai biệt Khởi lên các ác nghiệp Nghiệp cũng không có sanh Tất cả chẳng chân thật Kẻ ngu cho là có Biết rõ được như vậy Đó là long tam-muội”.
Làm loài rồng và ở cõi rồng là do không thực hành đức tính kham nhẫn. Không có nhiều đức tính kham nhẫn là bởi vì “huân tập tánh sai biệt, khởi lên các ác nghiệp”. Một nghĩa của chữ nghiệp là “thói quen”. Huân tập thói quen gì thì thành loài có thói quen ấy và ở cõi tương ứng với thói quen ấy. Sử gia Hy Lạp Herodote cũng có câu nói tương tự: “Tính tình tạo nên số phận”.
Nhưng làm sao để đối trị làm tiêu nghiệp? Phương pháp, con đường là quán sát sâu vào nghiệp, để thấy nghiệp do duyên sanh, giả hợp, cho nên thật ra, ở chân lý tuyệt đối “nghiệp cũng không có sanh” nên “chẳng chân thật”, “như huyễn”. Thấy được nghiệp là như huyễn thì huyễn làm sao trói buộc được? Dạ-xoa và cõi dạ-xoa:
“Là thân đại dạ-xoa Từ nơi tự tâm khởi Trong ấy không có thật Vọng sanh ra sợ hãi… Do quán pháp chẳng thật Vô tướng, vô sở đắc Chỗ Không, Vô, tịch tịnh Mà hiện tướng dạ-xoa Biết hư vọng như vậy Là dạ-xoa tam muội”.
A-tu-la và cõi a-tu-la:
“Ấn định tướng tu-la
Tướng ấy vốn vô sanh
Vô sanh nên vô diệt
Là tu-la tam-muội”.
Cho đến địa ngục:
“Địa ngục Không, vô tướng
Tánh ấy rất thanh tịnh
Trong ấy không tác giả
Do tự phân biệt sanh.
Lúc ta ngồi đạo tràng
Biết tướng vô sanh này
Vì vô tướng vô sanh
Tánh ấy như hư không
Tướng ấy đều tịch tịnh
Là địa ngục tam-muội”.
Tóm lại, sở dĩ có ba cõi sáu đường là do thấy có tướng, ham thích và tạo lập tướng , để càng ngày tướng càng được vật thể hoá (reifi ed) mà thành nghiệp trói buộc. Không bị mê lầm bởi sự có thật của các tướng bằng cách thấy thật tánh của chúng là tánh Không, hư vọng, không thật, như huyễn, vô sanh vô diệt… người ta được giải thoát khỏi các cõi vốn do tướng hợp thành.
Như thế, tánh Không là giải thoát. Tánh Không là nền tảng và cũng là quả của ba thừa: Thanh văn thừa, Bồ-tát thừa và Kim cương thừa.
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng