Thích Châu Viên trích dịch
từ cuốn sách “Đạo đức học phật giáo” của giáo sư tiến sỹ Phra Dharmakosajarn
Trí tuệ được xem là nền tảng căn bản và quan trọng nhất của Đạo Phật, Đức Phật dạy con người hãy nhìn nhận thế giới quan bằng con mắt tuệ giác. Ngài giải thích tất cả sự vật hiện tượng của con người và thiên nhiên không không phải bởi niềm tin mê tín và giáo điều, mà là bởi phương pháp thông diễn có thể áp dụng, nói cách khác, luật hay nguyên lý nhân quả. Tất cả các pháp, vật chất và phi vật chất hoàn toàn tuân theo quy luật tự nhiên (Niyama). Năm quy luật tự nhiên được liệt kê và diễn giải rất rõ trong Trường Tập Kinh Chú Sớ (Sumangalavilasini) như sau:
- Định luật về nghiệp báo (kammaniyama): là định luật hành vi và quả hay là “nhân quả”. Nhân gieo thì trổ quả. Nhân tốt đem lại quả tốt, nhân xấu đem lại quả xấu, đó là sự tự nhiên phải trổ sanh ra như vậy chớ không do ai thưởng phạt cả. Định luật về nghiệp báo tự nhiên có năng lực tác động mà không cần đến sự kích thích. Muốn hay không muốn bên ngoài đây là định luật chung của vạn vật trong vũ trụ.
- Định luật về thời tiết (Utuniyama): là định luật liên quan đến sự tiến triển các vật chất không có cơ thể như hiện tượng mưa, gió, thời tiết nóng, lạnh, xuân, hạ, thu, đông tự nhiên thay đổi.
- Định luật về giống chồi, mầm và tế bào (Bijaniyama): là định luật về sự tiến triển của những vật chất hữu cơ như cây cỏ, hột giống và những vật có tế bào. Nói cách khác là gieo nhân nào gặt quả ấy.
- Định luật về tâm thức (Cittaniyama): Như lịch trình diễn tiến của tâm thức, sự sanh, sự diệt của tâm niệm, những tác động của tâm, những hiện tượng của thần giao cách cảm, viễn cảm, hồi thức, huệ nhãn, huệ nhĩ, tha tâm thông .v.v. đều thuộc về Định luật tâm thức.
- Định luật về quy phạm hay các pháp (Dhammaniyama): như hấp dẫn lực, nhẹ bay lên, nặng rơi xuống, nhẹ hút vào nặng, dị chất phản ứng, như âm dương tương phản, quy luật của tương sinh, tương tức, và duyên khởi (Paticcasamuppada). Đây là luật phổ biến nhất có chứa trong bốn định luật luật được nêu trên.
Với bộ luật này, Đức Phật đã bác bỏ thuyết định mệnh của chủ nghĩa hữu thần. cuộc đời con người không phải quyết định bởi Thượng Đế (isssaranimmanahetu) mà là bởi nghiệp của người ấy thực hiện. Những điều kiện biểu hiện trong hiện tại là kết quả nghiệp trong quá khứ. Đức Phật dạy rằng: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy" Hơn nữa, những niềm tin mê tín dưới nhiều hình thức khác nhau đã được Đức Thế Tôn loại bỏ. Ngài tuyên bố rằng:
“Bahuka, sông Gàya, sông Sundarikà không thể đem lại sự giải thoát cho kẻ ngu nhiều ác nghiệp, cũng không thể rửa sạch nghiệp đen của kẻ ác gây tội. Này thầy Bà-la-môn! Thầy nên tắm, rửa tội thứ nước mà Như Lai đã dạy là: không nói dối, không làm hại chúng sinh khác, không nên lấy của người khác, không nên bỏn sẻn keo kiệt. Tất cả mọi khổ đau hay hạnh phúc đều do chúng ta tự tạo ra và tự nhận lấy kết quả. Ngược lại, tuy thầy có đi đến con sông Gaya và uống nước ấy cũng không lợi ích gì cho thầy”
“Chờ đợi các vì sao
Kẻ ngu hỏng điều lành,
Điều lành chiếu điều lành,
Sao trời làm được gì?”
Điều đáng nói ở đây là khía cạnh duy lý của Phật giáo, những minh chứng trên cho thấy rằng Phật giáo là một trong những đồng minh chính thức của khoa học. Trong suốt bề dày lịch sử thì Phật giáo chưa bao giờ có mâu thuẫn với khoa học hay những cuộc tranh cải với nhà khoa học. Bởi vì trên thực tế Đạo Phật từ chối niềm tin vào thượng đế và sự mê tín không chấp nhận được đối với khoa học. Hơn nữa cả Phật giáo và khoa học quan điểm tương đồng trong quy luật tự nhiên; quan hệ nhân quả là điểm chung có thể xích lại gần với nhau.
Nhận thức được sự tương thích giữa Phật Giáo và khoa học, Albert Einstein một trong nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20 nói rằng: "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó"
Đồng thời, một lần nữa ông cũng khẳng định rằng: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học"
- Tag :
- Thích Châu Viên