Các câu trích dẫn giáo lý của Đức Phật
Hoang phong chuyển ngữ
Bài 1
Câu 1 đến 25
Lời giới thiệu của người chuyển ngữ
Các lời trích dẫn giáo lý của Đức Phật cùng các danh nhân khác thường thấy trên mạng, báo chí và tạp chí đủ loại tại các nước Tây phương. Dường như trong cuộc sống dồn dập tại các nơi này, một số người đôi khi cũng thích đọc một vài câu ngắn gọn nhưng sâu sắc, giúp mình suy nghĩ về xã hội, con người và sự sống nói chung.
Các lời "trích dẫn" (quotation, citation) thường bị hiểu lầm với các câu "châm ngôn" (maxim), "tục ngữ" (proverb), "ngạn ngữ" (saying) hay "cách ngôn" (aphorism). "Châm ngôn" là các câu ngắn gọn nêu lên một quan điểm đạo đức nào đó; "tục ngữ" cũng khá gần với châm ngôn, nhưng thường mang tính cách phổ cập và đại chúng hơn; "ngạn ngữ" là các câu nói xưa, nêu lên một sự thật hiển nhiên trong cuộc sống hay một sự tin tưởng mang tính cách đại chúng; "cách ngôn" là những câu thật ngắn với mục đích khuyến dạy đạo lý thường tình. Tất cả các các thể loại này, từ châm ngôn, tục ngữ, ngạn ngữ đến cách ngôn, đều không có tác giả, cũng không được trích dẫn từ một tư liệu nào cả, mà chỉ là những câu được truyền tụng rộng rãi trong dân gian.
Trái lại các câu trích dẫn (quotation/citation) có nguồn gốc và tác giả rõ rệt, nói chung là các câu đã được rút gọn và đơn giản hóa từ một quan điểm, một bài giảng, một luận cứ triết học hay tư tưởng của các tác giả hay danh nhân nào đó. Trong trường hợp dưới đây là những câu trích dẫn từ giáo lý của Đức Phật. Đôi khi người ta cũng thấy nhắc đến trong một số bài viết và bài giảng nhiều câu cho rằng là "lời Phật dạy". thế nhưng thật ra đấy chỉ là những câu thêm thắt hoặc mang các ý niệm đạo đức thường tình. Các câu không trung thực này được xem là các "ngụy tác" hay "ngụy tạo" (apocryphal).
Ngoài ra người ta cũng nhận thấy các câu trích dẫn thường không được ghi rõ nguồn gốc và xuất xứ chính xác, có thể là vì các câu đã được đơn giản hóa này không cần phải nêu lên xuất xứ chăng? Dầu sao sự kiện này cũng là một điều đáng tiếc. Tuy nhiên đối với các câu nổi tiếng trích dẫn bởi các tác giả và sách báo đứng đắn thì cũng có thể tin tưởng tính cách trung thực của các câu trích dẫn đó. Mạn phép dài dòng như trên đây là để nêu lên sự cẩn thận thật cần thiết trong khi tìm hiểu các lời trích dẫn được phổ biến rộng rãi qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Dưới đây là 25 câu trích dẫn của Đức Phật do một nữ ký giả của một tờ nhật báo lớn tại miền Tây nước Pháp là Sabrine Zarhan chọn lựa. Các câu này cũng đã được đưa lên nhiều trạng mạng.
Sau 25 câu trong bài này người chuyển ngữ sẽ tiếp tục chọn thêm các câu khác cho các bài kế tiếp.
Nữ ký giả Sabrine Zarhan
Câu 1
Không sống với quá khứ, cũng không mơ tưởng tương lai. Hãy tập trung tâm thức
vào giây phút hiện tại.
Câu 2
Làm bùng lên sự giận dữ cũng chẳng khác gì nhặt một cục than hồng ném vào
kẻ khác. Người bị bỏng là chính mình.
Câu 3
Nước mắt rỏ xuống địa cầu nhiều hơn nước trong khắp đại dương.
Câu 4
Chẳng có gì là trường tồn cả, nếu không thì đấy chính là sự đổi thay (vô thường).
Câu 5
Một người chủ động được chính mình sẽ vĩ đại hơn cả vị Thầy của thế giới.
Câu 6
Một ngọn nến có thể châm lửa cho hàng chục ngọn nến khác, thế nhưng không phải vì thế mà nó sẽ tàn lụi sớm hơn.
Cũng vậy, hạnh phúc không hề giảm bớt khi mang ra chia sẻ với kẻ khác.
Câu 7
Chúng ta chính là những gì mà chúng ta suy nghĩ. Tất cả những gì là chúng ta nhất thiết đều được tạo ra bởi tư duy của chính mình. Chúng ta tạo ra thế giới của mình
xuyên qua tư duy của chính mình.
Câu 8
Thế giới quả mù quáng, những kẻ sáng mắt thật hiếm hoi.
Câu 9
Có bốn thứ tư duy không có một biên giới nào cả: đó là tình thương yêu, lòng từ bi, niềm hân hoan và sự thanh thản.
Câu 10
Hạnh phúc quả hiếm hoi, thật hết sức khó tìm thấy nó bên trong chính mình, thế nhưng
chắc chắn là sẽ không bao giờ có thể tìm thấy nó bên ngoài chính mình.
Câu 11
Hãy phát động lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, dù họ giàu sang hay nghèo hèn.
Có chúng sinh nào lại chẳng khổ đau?
Một số khổ đau rất nhiều, một số khác ít hơn.
Câu 12
Có ba thứ không thể nào giấu diếm lâu dài được: mặt trời, mặt trăng và sự thật.
Câu 13
Hãy đứng lên như những con người ý thức, dù hôm nay chúng ta không học được gì nhiều, nhưng ít ra cũng học được một tí xíu.
Thế nhưng nếu không rút tỉa được gì cả từ một tí xíu đó mà mình đã học được, thì ít nhất mình cũng là những kẻ bệnh hoạn.
Thế nhưng dù mình không phải là những kẻ bệnh hoạn đi nữa, thì ít nhất mình cũng chưa phải là những người đã chết.
Vậy tất cả chúng ta hãy đứng lên như những con người ý thức.
Câu 14
Không bao giờ nên nhìn vào những gì mà mình đã hoàn tất, mà hãy nhìn vào những gì
mà mình còn phải làm.
Câu 15
Hãy tự đặt mình vào vị trí của kẻ khác, đấy là cách giúp mình không làm điều gì sai trái
đối với những người chung quanh.
Câu 16
Hận thù không bao giờ dừng lại với hận thù, hận thù chỉ chấm dứt với tình thương.
Câu 17
(Hãy sống tương tự như là mình sẽ chết vào ngày mai. Vậy hãy nên tập cách mà mình
sẽ phải sống mãi mãi.
(Nếu phải chết vào ngày mai thí mình mình cũng không có gì khiến mình phải hối tiếc hay ân hận, vì thế nếu phải sống lâu hơn thì cũng nên cố gắng không vi phạm một sự sai trái hay lỗi lầm nào)
Câu 18
Sự sống không phải là một vấn đề để giải quyết, mà là một sự thật
để cảm nhận nó.
Câu 19
Không ai trừng phạt mình vì sự giận dữ của mình, chính sự giận dữ của mình
trừng phạt mình.
Câu 20
Bất cứ một sự chinh phạt nào cũng đều tạo ra hận thù, bởi vì kẻ chiến bại sẽ lâm vào cảnh khốn cùng. Những ai giữ được sự bình lặng, buông bỏ những ý nghĩ chiến thắng
và cả chiến bại, tất sẽ tạo được hạnh phúc cho mình.
Câu 21
Mây không tan biến mà sẽ hóa thành mưa.
Câu 22
Không nên quá tin vào những gì không thể xảy ra, bởi vì chính những gì không thể xảy ra sẽ đến với mình.
Câu 23
Một nghìn chiến thắng trước một nghìn kẻ thù không sánh bằng một chiến thắng duy nhất
là chiến thắng chính mình
Câu 24
Giữa trời cao và đất rộng, không có một nơi an trú nào vĩnh cữu cả.
Câu 25
Hãy nghi ngờ tất cả, nhất là những gì tôi sắp nói ra.
***
Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ
Câu 25 trên đây "Hãy nghi ngờ tất cả, nhất là những gì tôi sắp nói ra" là một câu rất thường thấy trích dẫn trong các sách báo Tây phương, thế nhưng cô ký giả chọn lọc 25 câu trích dẫn trên đây lại đặt vào vị trí dưới cùng. Phải chăng đây là cách mà cô ký giả trên đây nhắc khéo chúng ta hãy xem xét và phán đoán cẩn thận 24 câu đã được nêu lên trước đó?
Sự nghi ngờ là một cách cửa mở ra cho chúng ta hai đường hướng suy nghĩ: tiêu cực và tích cực. Nghi ngờ tiêu cực là một sự khinh miệt, nghi ngờ tích cực là một cách bắt trí óc mình phải làm việc để truy lùng sự thật, giúp mình tiếp cận với một bầu không gian hiểu biết rộng lớn hơn. Trái ngược lại với sự nghi ngờ là đức tin, một điểm chấm hết, một cánh cửa khép lại. Đức tin là một hình thức xúc cảm, có thể mang lại cho chúng ta một sức mạnh rất lớn, thế nhưng đôi khi sức mạnh đó không được khai thông và hướng dẫn thích nghi và khéo léo bởi lý trí, khiến nó trở thành một sức mạnh mù quáng, có thể tạo ra nhiều đổ vỡ.
Câu 25 trên đây là một câu đã được rút gọn và đơn giản hóa từ câu sau đây trong Kinh Hoa Nghiêm (Gandavyuda-sutra còn gọi là Avatamsaka-sutra), một bản kinh của Đại thừa:
"Này các tỳ-kheo và các hiền giả, cũng tương tự như người thợ kim hoàn thử vàng bằng cách đốt, cắt, đập, phải xét đoán các lời của ta nói ra trước khi chấp nhận, không nên chỉ vì kính nể ta mà phải chấp nhận".
Câu này cũng được viết cùng với một số câu trích dẫn nổi tiếng khác của các danh nhân khác trên trần nhà cao vút của gian phòng triển lãm rộng lớn của Thư viện François Mitterand và cũng là Thư viện Quốc gia Pháp tại Paris. Câu này cũng đã được thư viện in thành bưu thiếp bày bán ở quầy sách của thư viện. Người viết các câu này cũng đã lộng kính bưu thiết này và đặt lên bàn làm việc của mình từ gần hai mươi năm nay để luôn nhắc nhở mình phải cẩn thận trong việc viết lách, tra cứu và cả sự suy tư của mình.
Doutez de tout et surtout ce que je vais vous dire
(Hãy nghi ngờ tất cả, nhất là những gì tôi sắp nói ra)
Đức Phật (556-480 trước JC)
(xin lưu ý có nhiều giả thuyết với đôi chút khác biệt về năm sinh và năm tịch diệt của Đức Phật)
Đến đây chúng ta lại tiếp tục tìm hiểu thêm vài câu trích dẫn khác, chẳng hạn như:
Câu 7: "Chúng ta chính là những gì mà chúng ta suy nghĩ...". Câu này là một câu rút gọn từ bốn câu đầu tiên trong Kinh Dhammapada ("Kinh Pháp Cú").
Câu 8: "Thế giới quả mù quáng, những người sáng mắt thật hiếm hoi". Thật vậy thế giới luôn ở trong thể dạng chuyển động thường xuyên: xung đột, chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, chết chóc, pha lẫn với các thú vui hời hợt, các sự thỏa mãn phù du, kể cả các ảo giác và hy vọng trong tâm thần của mỗi cá thể. Hầu hết chúng đều có thể nhận thấy dễ dàng và thật hiển nhiên sự chuyển động đó của thế giới. Thế nhưng sự trông thấy ấy chỉ là một sự trông thấy mù quáng. Những người giác ngộ nhận thấy được nguyên nhân tạo ra sự chuyển động đó của thế giới, bản chất khổ đau của sự chuyển động đó và con đường giúp mình thoát ra khỏi thế giới đó, thì quả thật hết sức hiếm hoi.
Câu 9: "Bốn thứ vô biên", kinh sách Hán ngữ gọi là "tứ vô lượng tâm". Bốn phẩm tính này được nêu lên trong "Bài kinh về lòng Từ tâm" (Metta sutta, SN 46.54). Độc giả có thể xem bản Việt dịch của bài kinh này trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen:
https://thuvienhoasen.org/a33469/bai-kinh-ve-long-tu-tam
Câu 12: "Không thể giấu diếm sự thật lâu dài được". Thật vậy, sự thật là thành phần của hiện thực, nằm trong sự vận hành chung của thế giới. Chúng ta có thể vô tình không trông thấy nó, hoặc trông thấy nó nhưng cố tình che dấu nó, thế nhưng sự thật vẫn là sự thật, nó sẽ hiện ra với chúng ta một lúc nào đó. Phật giáo gọi các sự suy nghĩ của mình, ngôn từ của mình, cử chỉ và hành vi trên thân xác mình, bằng một thuật ngữ rất bao quát là karma. Karma là tiếng Phạn, tiếng Pali là kamma, nguyên nghĩa là "hành động", có nghĩa là một cái gì đó chuyển động, tạo ra hay hình thành (act, action, deed), kinh sách Hán ngữ dịch là nghiệp/業, cách dịch này khá gượng ép nếu không muốn nói là sai, ít nhất là trên phương diện từ nguyên.
Nghiệp hay sự chuyển động là một sự thật, các tác động gây ra bởi nghiệp hay từ bất cứ một sự chuyển động nào dù thuộc bối cảnh bên ngoài hay bên trong tâm thức, đều là một sự thật. Nghiệp không thể nào che giấu được bởi nghiệp, mà chỉ là cách ghép thêm hành động vào hành động đưa đến các tác động ngày càng phức tạp hơn. Tuyên truyền, khẩu hiệu, hô hào - tức là các ngôn từ và cử chỉ - cùng với các thứ chủ nghĩa và ý đồ - tức là sự suy nghĩ trong tâm thức - sẽ đưa đến các sự suy nghĩ khác, các ngôn từ và hành động khác, tạo ra một tình trạng ngày càng phức tạp hơn, phản ảnh sự vận hành chung của thế giới. Câu 21"Mây không tan biến mà sẽ hóa thành mưa" cũng nói lên ý nghĩa trên đây: mây là một hành động, một sự suy nghĩ, nó không tan biến mà tạo ra một cái gì đó thật cụ thể.
Câu 13: "... Dù hôm nay chúng ta không học được gì nhiều, nhưng cũng học được một tí xíu". Sống nhưng không trông thấy gì nhiều, chẳng học được gì cả từ những điều trước mắt, thì quả mình là một người bệnh hoạn, nếu không muốn nói là đã chết. Sống mà phải che mặt với tổ tiên, úp mặt với lịch sử, thì thật là đáng tiếc. "Hãy đứng lên như những con người ý thức".
Câu 16: "Hận thù không bao giờ dừng lại với hận thù, mà chỉ chấm dứt với tình thương". Câu này thật dễ hiểu, gần như là một sự hiển nhiên. Thế nhưng nhiều người vẫn cứ mượn hận thù để đáp lại hận thù. Đức Phật thuyết giảng về chủ đề này trong nhiều bài kinh, qua các góc nhìn khác nhau, đặc biệt và trực tiếp hơn cả là trong hai bản kinh ngắn mang cùng một tên là Kinh Sangama sutta ("Bài Kinh về một Trận chiến", SN 3.14 và SN 3.15, chữ sangama có nghĩa là một cuộc chiến). Độc giả có thể xem hai bản dịch của hai bài kinh này dựa vào hai bản dịch tiếng Anh của nhà sư Thanissaro Bhikkhu trong phụ lục I và II dưới đây.
Cách nay đúng 10 năm, người viết các dòng này cũng đã chuyển ngữ hai bài kinh này nhưng đã được gộp chung thành một bản duy nhất bằng tiếng Pháp do Môhan Wijayaratna thực hiện. Độc giả có thể xem bản dịch này trên trang mạng TVHS: https://thuvienhoasen.org/a7259/chien-thang-va-chien-bai-kinh-sangama-sutta. Ngoài ra độc giả cũng có thể xem thêm hai bài kinh này trong Đại Tạng Kinh: http://www.daitangkinhvietnam.org/node/539, trong Phẩm thứ hai, mục IV,V mang tựa "Hai lời nói về chiến tranh". Các bản dịch này cũng có thể tìm thấy trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen: https://thuvienhoasen.org/a611/03-chuong-iii-tuong-ung-kosala (Tập I, Phẩm Thứ Hai, Mục IV,V).
Câu 17: "Hãy sống tương tự như là mình sẽ chết vào ngày mai. Vậy hãy nên tập cách mà mình sẽ phải sống mãi mãi". Câu này có nghĩa là nếu phải chết vào ngày mai thí mình cũng chẳng có gì đê hối tiếc hay ân hận, vì thế nếu phải sống lâu hơn thì cũng nên giữ gìn như thế nào để không vi phạm một sự sai trái hay một lỗi lầm nào.
Câu 18: "Sự sống không phải là một vấn đề để giải quyết, mà là một sự thật để cảm nhận nó". Tuy ngắn gọn thế nhưng câu này thật ra nêu lên một vấn đề vô cùng sâu sắc. Vậy sự sống là gì và con người là gì? Sự sống tự nó không hàm chứa một ý nghĩa "triết học siêu hình" nào cả, cũng không mang một "chủ đích" hay "mục đích" cụ thể nào cả. Sự sống qua sự hiện hữu của một con người chỉ là một hiện tượng, tương tự như tất cả mọi hiện tượng khác, một sự thật "trần trụi". Tín ngưỡng - nói một cách khác thì cũng là chính chúng ta - là một sản phẩm phụ của sự sống, đã gán thêm cho sự sống một ý nghĩa nào đó. Trên thực tế, sự sống chỉ là một sự cảm nhận, một sự ý thức mơ hồ nào đó về sự hiện hữu của mình trong sự chuyển động chung của thế giới.
Vậy chúng ta cảm nhận cái gì trong sự sống khi mình đang sống, ý thức được điều gì khi mình đang hiện hữu? Thật hết sức đơn giản: chúng ta cảm thấy "khổ đau" trong sự sống khi mình đang sống (ít nhất là cái chết đang chờ đợi mình), chúng ta ý thức được sự "chuyển động" của thế giới khi mình đang hiện hữu trong thế giới (ít nhất là sự già nua của mình trong từng ngày). Phật giáo gọi sự "khổ đau" mang tính cách hiện sinh và nội tại đó của sự sống là duhkha (suffering, sorrow) và gọi sự "chuyển động" của thế giới, trong đó kể cả sự sống, là karma (act, action, deed/ nghiệp).
Dhukha là một sự thật, karma là một sự thật, là hai khía cạnh của sự sống mà chúng ta có thể "cảm nhận" được chúng thật dễ dàng trên thân xác mình, trong tâm thức mình và cả bên ngoài thế giới. Đấy là vế thứ hai của câu trích dẫn trên đây: "Sự sống không phải là một vấn đề để giải quyết, mà là một sự thật để cảm nhận nó". Chúng ta sống không phải là để giải quyết sự chuyển động đó của sự sống, và thật ra cũng không thể làm dừng lại hay chuyển hướng khác đi sự vận hành đó của vũ trụ, mà chỉ có thể "cảm nhận" được sự thật của sự vận hành đó.
Thế nhưng một khi đã trông thấy được sự vận hành đó tức là karma và cảm nhận được sự thật đó tức là dhukha, thì chúng ta phải làm gì, phải hành động như thế nào? Chúng ta nên tạo ra thêm cho sự "vận hành" đó một chút ý nghĩa, và cho "sự thật" đó một chút chủ đích, có nghĩa là chúng ta hãy thổi vào cho sự sống một chút từ bi và tình thương yêu, là một chút gì đó cao cả hơn, thay vì chỉ biết cảm nhận sự sống như là một sự thật "vô nghĩa" và "trần trụi".
Câu 22: "Không nên quá tin vào những gì không thể xảy ra, bởi vì chính những gì không thể xảy ra sẽ đến với mình". Ý nghĩa của câu này có vẻ vừa bao quát vừa mơ hồ, thế nhưng cũng có thể phản ảnh các bối cảnh các sự kiện rất cụ thể. Chẳng hạn mình nghĩ rằng tai nạn và thiên tai xảy là chỉ để đăng tải trên báo chí để mọi người xem, chẳng liên hệ gì đến mình. Hãy nêu lên một trường hợp khác, chẳng hạn như các vị lãnh tụ, các tướng lãnh gây ra chiến tranh và chết chóc cho hàng triệu người, đến khi chết được mọi người tôn vinh như những bậc anh hùng, xây lăng, đúc tượng, được những người tu hành làm lễ truy điệu long trọng, khiến chúng ta cứ nghĩ rằng và tin chắc rằng họ sẽ không thể nào rơi xuống địa ngục được.
***
Phụ lục I
Bài kinh về một Trận chiến (I)
(Sangama-Sutta - 1)
(Samyutta Nikaya/ Tương ưng Bộ kinh / SN / 3:14)
Lúc đó Đấng Thế tôn đang ngụ tại thành Savatthi/ Xá-vệ (kinh đô của vương quốc Magadha/ Ma-kiệt-đà). Vua Ajatasattu (từng nhốt cha là vua Bimbisara/ Tần-bà Sa-la vào ngục, bỏ đói cho đến chết để lên ngôi) con trai của hoàng hậu Videha (vua Bimbisasara có bốn người vợ chính thức, hoàng hậu Videha là người vợ thứ tư), động quân gồm bốn binh chủng (binh chủng voi trận, binh chủng kỵ binh, binh chủng dùng xe do ngựa kéo và binh chủng bộ binh) tiến đến Kasi/ Ca-di (tên ngày nay là Varanasi, còn gọi là Banares hay Benares/ Ba-la-nại, là một thánh địa của Ấn giáo và cả Phật giáo) để gây chiến với vua Pasenadi/ Ba-tư-nặc của xứ Kosala/ Kiều-tát-la. Vua Pasenadi nghe tin: "Vua Ajatasattu của xứ Magadha, con của hoàng hậu Videha, động binh, gồm bốn binh chủng, tiến đến thành Kasi để gây chiến với ta". Vua Pasenadi tức thời cũng động binh, gồm bốn binh chủng, để chống lại vua Ajatasattu. Vua Ajatasattu và vua Pasenadi cùng xua quân xông vào trận chiến. Vua Ajatasattu thằng trận, vua Pasenadi phải kéo tàn quân lui về kinh đô Savatthi.
Cũng vào sáng sớm hôm đó, một đoàn ty-kheo mặc áo trong, ôm bình bát, khoác thêm áo ngoài, cùng nhau đi vào thành Savatthi để khất thực. Sau khi khất thực và ăn xong thì họ tìm gặp Đấng Thế tôn. Khi gặp được Đấng thế tôn thì họ vái chào và ngồi sang một bên. Sau khi an tọa họ cất lời với Đấng thế tôn: "Thưa Đấng Thế Tôn, vừa mới đây, vua Ajatasattu của xứ Magadha, con trai của hoàng hậu Videha, kéo quân gồm bốn binh chủng tiến đến Kasi để gây chiến với vua Pasenadi. Vua Pasenadi tức thời cũng động binh, gồm bốn binh chủng, để chống lại. Vua Ajatasattu và vua Pasenadi cả hai cùng xua quân xông vào trận chiến. Vua Ajatasattu thắng trận, vua Pasenadi phải kéo tàn quân lui về kinh đô Savatthi".
"Này các tỳ-kheo, vua Ajatasattu là một người bạn thiếu đạo hạnh, một người thân thiết thiếu đạo hạnh, một người đồng hành thiếu đạo hạnh, trong khi đó vua Pasenadi là một người bạn đạo hạnh, một người thân thiết đạo hạnh, một người đồng hành đạo hạnh. Thế nhưng đang trong lúc này thì vua Pasenadi bại trận, đêm nay sẽ nằm ngủ trong đau buồn".
Sau khi nói lên như thế, vị Thầy tiếp tục giảng thêm cho các tỳ-kheo:
"Chiến thắng đưa đến hận thù.
Bại trận ôm chặt những niềm đau.
Giữ sự trầm lặng sẽ mang lại an bình.
Không nghĩ đến chiến thắng và cả chiến bại"
Ghi chú: Chiến thắng lớn nhất là chiến thắng chính mình - câu trích dẫn 23.
Phụ lục II
Bài kinh về một Trận chiến (2)
(Sangama-Sutta - 2)
(Samyutta Nikaya/ Tương ưng Bộ kinh / SN / 3:15)
Lúc đó Đấng Thế tôn đang ngụ tại thành Savatthi. Vua Ajatasattu, con trai của Hoàng hậu Videha, động quân gồm bốn binh chủng kéo đến Kasi để gây chiến với vua Pasenadi của xứ Kosala. Vua Pasenadi nghe tin: "Vua Ajatasattu của xứ Magadha, con trai của hoàng hậu Videha, động quân gồm bốn binh chủng, tiến đến Kasi để gây chiến với ta". Vua Pasenadi tức thời cũng động binh, gồm bốn binh chủng, để chống lại vua Ajatasattu. Vua Ajatasttu và vua Pasenadi cùng xua quân xông vào trận chiến, thế nhưng trong trận chiến này vua Pasenadi đã thắng và bắt sống được vua Ajatasattu.
Vua Pasenadi suy nghĩ như thế này: "Dù vua Ajatasattu đối xử với ta thật tàn tệ, trong khi ta chẳng làm gì sai trái với hắn, thế nhưng dầu sao thì hắn cũng là cháu ta. Vậy, nếu ta đã tịch thu được tất cả đàn voi trận của hắn, toán quân kỵ mã của hắn, đoàn xe của hắn, toán bộ binh của hắn, thì phải chăng ta cũng nên tha mạng cho hắn? (Magadha và Kosala là hai vương quốc láng giềng. Hoàng triều của cả hai vương quốc có nhiều liên hệ họ hàng với nhau. Kasi nơi xảy ra hai cuộc chiến là một vùng tranh chấp thường xuyên giữa hai vương quốc này, và cũng tại nơi này, Đức Phật từng thuyết giảng lần đầu tiên, dành riêng cho năm vị đồng tu với mình trước đây. Kinh sách gọi lần thuyết giảng lịch sử này là sự "Khởi động bánh xe Dharma/ Đạo Pháp", kinh sách Hán ngữ gọi là "Chuyển Pháp luân"). Nghĩ thế và sau khi đã tịch thu tất cả đàn voi trận của hắn, toán quân kỵ mã của hắn, đoàn xe của hắn, toán bộ binh của hắn, thì vua Pasenadi tha mạng và thả vua Ajatasattu.
Cũng vào sáng sớm hôm đó, một đoàn ty-kheo mặc áo trong, ôm bình bát, khoác thêm áo ngoài, cùng nhau đi vào thành Savatthi để khất thực. Sau khi khất thực và ăn xong thì họ tìm gặp Đấng Thế Tôn. Khi gặp được Đấng Thế Tôn thì họ vái chào và ngồi sang một bên. Sau khi an tọa thì họ thuật lại với Đấng Thế Tôn các chuyện vừa xảy ra.
Sau khi nghe xong Đấng Thế Tôn nói với họ như sau:
Một người khi cướp bóc,
Thì cứ tha hồ vơ vét.
Thế nhưng sau khi kẻ khác đã bị vơ vét,
Thì người vơ vét,
Đến lượt mình, sẽ bị cướp bóc.
Một người ngu xuẩn [trong khi vơ vét] nghĩ rằng:
"Đây quả là dịp may của mình"
Thế nhưng điều đó chỉ đúng,
Khi nào hành động tồi tệ của mình chưa chín muồi.
Khi nó chín muồi,
Thì tên ngu xuẩn sẽ rơi vào khổ đau.
Giết người,
Tạo ra kẻ giết mình.
Chinh phạt,
Tạo ra kẻ chinh phạt mình.
Lăng nhục,
Sẽ bị lăng nhục.
Xúc phạm,
Sẽ bị xúc phạm.
Sự xoay vần của hành động (nghiệp) là như vậy.
Kẻ cướp bóc,
Đến lượt mình, sẽ bị cướp bóc.
Hai bài kinh trên đây thật dễ hiểu, và cũng là những gì thật hiển nhiên. Thế nhưng không mấy khi chúng ta trông thấy để nhìn vào các hành động và ý đồ của mình, mà chỉ biết nghĩ đến sự vinh quang của chiến thắng. Hãy nhìn lại chính mình để xem mình có xứng đáng ngửa mặt với người hay là tìm mọi cách để che mắt tổ tiên và úp mặt với lịch sử?
Bures-Sur-Yvette, 17.10.20
Hoang Phong chuyển ngữ
- Tag :
- Hoang Phong