Trong cõi ta bà trần lao này, các pháp biến đổi chuyển hóa luôn luôn chứ không phải ở yên hay cố định mãi được. Sự chuyển hóa đó làm cho có các trạng thái đối lập nhau có sinh thì có diệt, có trụ thì có hoại, có thành ắt có tan, có khổ mới có vui, có phiền não mới có tịnh an, có sinh tử mới có niết bàn...
Trong sự biến hóa của các pháp thì tâm cũng không ngoại lệ. Tâm có tâm trong sạch tâm nhiễm ô, tâm phiền não tâm an vui, tâm do dự tâm quyết đoán, tâm động tâm tĩnh, tâm ràng buộc tâm giải thoát... Tâm cũng chia ra hai trạng thái, hai thái cực. Như là chia ra hai phe là phe thiện và phe ác, phe chánh và phe tà.
Làm sao có thể dung hòa hay bình an yên ổn giữa hai thái cực, hai trạng thái đối lập như vậy khi mà chúng tồn tại một thái cực là triệt hay chống lại thái cực kia chứ không chịu chấp nhận nhau. Các trạng thái trên làm che mờ tâm trí, từ đó gây duyên tạo nghiệp phải chịu quả báo luân hồi lục đạo.
Nhưng trạng thái trên chỉ hình dạng là dụng của tâm mà thôi, còn thực chất tâm có thể tánh không sạch không nhơ, không động không tĩnh, không có các đối lập hay phân biệt đối đãi, xưa vẫn vậy mà nay không đổi. Chỉ là do tâm đắm các pháp trần mới có các sự sai biệt. Sự sai biệt trên chi phối làm cho tâm lại bị ràng buộc nơi pháp trần.
Vậy để tâm hòa bình hay để các pháp có thể dung chứa nhau thì tâm không đắm nhiễm pháp trần, tâm vô vi, tâm thanh tịnh, tâm an lạc, tâm không phân biệt, tâm không ngã năng, ngã sở.
Để tâm được vậy thì pháp trần không nhiễm, pháp niệm không chấp. Pháp trần là những gì ngoài ta, pháp niệm là sự tư lương, sự tưởng tượng, sự mơ mộng, sự nghĩ suy trong lòng. Biết nhưng không nắm là sự buông xả các pháp, các pháp không nắm thì không bị ràng buộc, không bị ràng buộc thì vô vi an lạc hay tự tại từ đó tâm được an yên hay hòa bình cho các trạng thái đối lập của các pháp, các pháp đối lập mới chung sống an yên trong bản thể tâm thanh tịnh, các pháp đối lập đó cũng không thực chỉ do tâm đắm tâm nhiễm tâm chấp mà sinh ra.
Nhưng khi sinh ra, hay đang có cũng đừng cố diệt hay trừ những pháp đó, vì nó cũng chỉ là hư vọng, cứ để pháp tùy duyên, tự sinh tự diệt, tự có tự tan, chỉ một tâm chánh trực không phân biệt không động niệm mới dung hòa các pháp trong pháp tâm được. Ví như có người hay mắng mình nói xấu mình, mình biết nên mình tức trong lòng, hay sinh ý tiêu cực từ đó dễ tác động nên các hành vi sai quấy không đúng.
Vậy do nghe bị nói xấu mà tức, mà tức lại do đâu ra, nếu không nghe thì không tức không giận, nhưng đã nghe thì làm gì để không buồn phiền không giận nữa? Đó là phản quan tự kỷ, quay lại chính mình, nhìn lại sự tức đó hiện đang đâu trong mình, vì sự nghe tác động vào gì đó mới có giận có tức hiện. Vậy nó tác động vào đâu, có thật là nó hiện hữu hay cũng là hư vọng. Chúng ta quay vào nhìn lại thì sự nghe từ tai, tai tiếp thu tác động vào trí não của ta, trí não nhận tiếp tín hiệu đó, thấy đi lại lợi ích hay không thuận ý liền khởi nghĩ ra điều không tốt hay trạng thái phiền não. Để nghe, để tiếp thu, để phản ứng lại tín hiệu đó thì tâm làm chủ tâm tạo tác. Nhưng thể tâm an yên, vô vi, không bị đắm nhiễm, chỉ do vô minh che đậy mà trí huệ nhận biết thấu rõ.
Vậy với trí huệ thấy các pháp vô thường thì không bám chấp, thấy vọng niệm hư giả thì không theo thì tâm trở về sự thanh tịnh hay an yên vốn có. Đạo không đâu xa mà quay lại nơi tâm mà hành đạo, nơi tâm mà ngộ đạo, nơi tâm mà sống đạo, nơi tâm mà về với giải thoát đạo.
- Tag :
- Quang Minh
Send comment