Đối Với Đời Sống Và Đạo Đức Người Việt
1. ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG NGƯỜI VIỆT
Về quan niệm sống
Người Việt Nam thường quan niệm: “Sống gửi, thác về”. Câu nói chỉ có bốn chữ ấy bao gồm một triết lý sâu xa của thế giới quan Phật giáo về quan niệm sống cả một đời người. Thế giới quan Phật giáo xuất phát từ chỗ cho rằng mọi sự vật hiện tượng là sự kết hợp động của những yếu tố động, nên nó không có tự tính, tức không có cái mà nhờ cái đó có thể gọi là nó được. Mọi cái đều vô ngã, “chư Pháp vô ngã”. Ngay cả con người cũng chỉ là sự kết hợp động của ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), bởi vậy con người là vô ngã. Sống với chết, sinh với tử có ý nghĩa gì, đó chẳng qua chỉ là thay đổi, hợp tan của ngũ uẩn. Quan điểm này khiến con người không còn khiếp sợ, bạc nhược khi đứng trước cái chết.
Thế giới quan Phật giáo chỉ ra mối quan hệ cơ bản của mọi sự vật hiện tượng là quan hệ nhân quả. Chính từ cách xem xét vạn vật này mà con người theo thế giới quan Phật giáo cũng mang tính chất nhân quả. Ảnh hưởng của quan điểm này lớn đến mức chính nó biến thành quan niệm sống của đại đa số người Việt. Người ta luôn nói với nhau: Gieo nhân nào gặt quả ấy, “Gieo gió gặp bão”, “Ác giả ác báo”. Đối với người thường, quan niệm nhân quả của thế giới quan Phật giáo thật khó để hiểu đến tận ngọn nguồn, đặc biệt là thuyết luân hồi nghiệp báo, nhưng xét ở mặt nào đó, nó có ý nghĩa nhất định đối với quan niệm sống người Việt. Thử hỏi nếu thay thế quan điểm này bằng quan điểm “chết là hết” sẽ để lại hậu quả khôn lường. Khi tính ích kỷ và “cái tôi” lên đến cực điểm, con người sẽ bất chấp công bằng và lẽ phải, luân lý đạo đức, để thỏa món dục vọng cá nhân. Đó là dấu hiệu suy thoái mà chúng ta phải đấu tranh không khoan nhượng. Bên cạnh tuyên truyền pháp luật, mặt khác, chúng ta nên đề cao giáo dục lương tâm, trách nhiệm, bởi “tòa án lương tâm” cũng có vai trò không nhỏ. Cho nên, quan niệm nhân quả hết sức có giá trị về quan niệm sống đối với người Việt.
Thế giới quan Phật giáo cho rằng, nếu tâm vô minh, mê muội, vọng động ắt xuất hiện ta – vật (thế giới vật chất), tâm – cảnh (thế giới bên ngoài). Như vậy, chỉ vì tâm u ám mà cả con người và thế giới hiện tượng xuất hiện. Còn khi tâm sáng suốt, hư không, tĩnh lặng thì cảnh cũng không mà tâm cũng không, Phật cũng không mà ngã cũng không. Như vậy là “nhất thiết duy tâm tạo”, mọi thứ đều do tâm tạo ra. Ngay trong quan hệ giữa người với người ở nước ta từ xưa đến nay, dân ta đều coi trọng cái tâm. Trong mọi việc, vấn đề quan trọng là tấm lòng, là thành tâm, bởi “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Đó là truyền thống quý báu và có sự đóng góp của thế giới quan Phật giáo mà chúng ta phải phát huy.
Mỗi người đều có hai phần vật chất (thân) và tinh thần (tâm) thống nhất với nhau. Từ đó ta cũng có hai thứ bệnh, hai thứ khổ: Bệnh về thể xác, khổ về vật chất; bệnh về tinh thần, khổ tâm. Chúng liên hệ mật thiết với nhau, nhiều khi bệnh về tinh thần lại có nguyên nhân từ vật chất; ngược lại, nhiều bệnh về thể xác lại có nguồn gốc từ tinh thần. Trong xã hội ngày nay, rất nhiều người giàu mà vẫn khổ tâm, “người giàu cũng khóc”. Một trong những phương pháp chữa bệnh về tâm là phải an được cái tâm và đây là sở trường của thế giới quan Phật giáo. Phép an tâm có ảnh hưởng sâu đậm đối với quan niệm sống của người Việt từ xưa đến nay. Không phải ngẫu nhiên khi thấy người khác có vẻ lo lắng, câu cửa miệng của mọi người là “yên tâm”, “an tâm”. Muốn an tâm hiệu quả thì tốt nhất phải sống chính trực, trong sạch, “đói cho sạch, rách cho thơm”. Nhưng đói rách lại sinh bệnh cho con người. Cho nên thế giới quan Phật giáo đã đưa ra quan niệm sống trung đạo, tránh các trạng thái cực đoan.
Ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo đối với quan niệm sống người Việt hiện nay còn thể hiện rõ khi cho rằng cuộc đời là bể khổ. Nói về đau khổ nhưng cuộc đời Đức Phật không phải là cuộc đời u buồn, sầu não như một số người nghĩ. Mọi nỗi khổ đều có nguyên nhân của nó. Sự thật, cõi khổ này vừa để trả quả, vừa để tạo nhân. Ý nghĩa của nó ở chỗ làm cho người ta cố gắng vươn lên sống tốt, sống thiện hơn để sau này không còn lặp lại. Giá trị ở chỗ nó là nơi thử thách con người, trong khổ đau mới thấy rõ phẩm giá con người, thấy rõ sự vươn lên hay gục ngã trước cuộc đời. Vì vậy, quan niệm đời là khổ, cuộc đời là bể khổ trong thế giới quan Phật giáo đã ăn sâu vào tiềm thức và tư tưởng của đại đa số Phật tử và phần lớn người dân Việt Nam. Mỗi khi gặp phải bất hạnh, mất mát đau thương hay những sự việc không đáp ứng được tâm lý và ước nguyện của mình, người ta thường lấy quan niệm này làm nguồn an ủi.
Về lối sống
Lối sống của con người được hình thành trong quá trình tham gia các hoạt động xã hội. Nó là cách thức sống của con người (cá nhân, nhóm, cộng đồng) trong một chế độ xã hội nhất định, được biểu hiện trên các lĩnh vực của đời sống như: Lao động sản xuất, hoạt động chính trị, văn hóa tinh thần và sinh hoạt hàng ngày. Lối sống của người Việt truyền thống có nhiều nét đặc thù. Về cơ bản, nó chịu ảnh hưởng từ tư tưởng Tam giáo, trong đó có các vấn đề nhận thức luận, đặc biệt là thế giới quan Phật giáo cũng ảnh hưởng ít nhiều: “Lối sống cũng thể hiện rõ nhân sinh quan, thế giới quan, trình độ văn hóa của mỗi người” [8, tr.34]. Rõ ràng, những người tu Phật chân chính đều có phong thái ung dung, tự tại, không bao giờ làm những việc hại mình, hại người, trái lương tâm, đạo lý. Chính điều đó ít nhiều đó tạo nên lối sống giản dị, thanh tao ít chú trọng đến danh lợi của những người con Phật nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Ngôi chùa là nơi thờ tự, giảng dạy giáo lý nhà Phật, là nơi thể hiện quan niệm từ bi, hỷ xả… gợi cho con người hướng thiện, hướng về những điều thanh cao trong cuộc sống và lối sống cao đẹp.
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông.
Người dân đi chùa lễ Phật đã trở thành nếp sống quen thuộc, không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Người Việt đi đến chùa với lòng thành kính, chủ yếu cầu mong sự bình an cho bản thân, gia đình và sự thanh thản cho người quá cố. Việc ăn chay niệm Phật vào ngày mồng một, ngày Rằm hàng tháng hay cầu siêu, giải hạn đều là nếp sống quen thuộc của một bộ phận không nhỏ dân chúng. Những ngày lễ lớn như: Phật đản, Vu Lan… đều trở thành đại lễ của đông đảo người dân Việt. Đây cũng là dịp giáo dục con người phải biết sống tốt đẹp, nảy nở đức hy sinh và lòng vị tha. Từ đó, giúp con người gắn bó nhau trong tình yêu thương đồng loại, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước (ân đất nước), nhớ ơn ông bà, cha mẹ dưỡng dục (ân cha mẹ).
Với quan niệm lấy con người làm trung tâm, thấy được nỗi khổ của chúng sinh và mong muốn chúng sinh thoát khỏi vũng trầm luân bể khổ, bằng chủ trương cứu nhân độ thế, từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, nhà Phật hướng con người tu tập nhân tâm, vượt qua mọi cám dỗ để hoàn thiện nhân cách. Tinh thần ấy của đạo Phật cũng ảnh hưởng đến văn hóa Việt thông qua đạo lý “Thương người như thể thương thân”. Các hoạt động cứu trợ đồng bào bị thiên tai, xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa,… của các cá nhân, tổ chức một phần cũng do ảnh hưởng từ tư tưởng từ bi, hỷ xả, cứu khổ, cứu nạn của nhà Phật.
2. ẢNH HƯỞNG CỦA THẾ GIỚI QUAN PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI Ý THỨC ĐẠO ĐỨC CON NGƯỜI VIỆT NAM
Trong thế giới quan Phật giáo, đạo đức có vai trò rất quan trọng, bởi đó là phẩm phương tiện cụ thể để hành giả thực sự thoát khổ, vượt qua mọi ràng buộc. Những cơ sở triết lý trực tiếp của đạo đức trong thế giới quan Phật giáo đều đặt trọng tâm vào con người, nền tảng của thuyết nghiệp (luật nhân quả), tinh thần vô ngã, vị tha và đề cao tinh thần bi, trí, dũng của một nền đạo đức độ sinh rộng lớn…
Thế giới quan Phật giáo cho rằng tính “thiện” vốn tồn tại trong mỗi người. Đau khổ hay hạnh phúc là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp do hành động thiện hay ác mà chính mình gây ra chứ không phải do thế lực siêu nhiên nào. Cho nên, cốt lõi của đạo đức Phật giáo là Giới, Định, Tuệ trong Bát chánh đạo (Đạo đế). Bát chánh đạo là tám phương pháp thực hành kết hợp ý thức với hành động đúng đắn. Khái niệm “chánh” cho thấy rõ vai trò định hướng giá trị đạo đức trong thế giới quan Phật giáo. Đạo đức trong thế giới quan Phật giáo với tính thiện, bình đẳng, nêu cao tinh thần cứu khổ, cứu nạn đã thấm sâu vào nhân dân, gắn bó cùng dân tộc qua bao thăng trầm lịch sử và tồn tại đến ngày nay. Nhờ những điểm tương đồng giữa Phật giáo và dân tộc ta mà quan niệm đạo đức trong thế giới quan Phật giáo được tiếp nhận dung hợp với đời sống văn hóa, chính trị, tín ngưỡng… và đạo đức truyền thống Việt Nam. Nguyên nhân cho hiện tượng trên, đầu tiên có thể giải thích từ bản thân Phật giáo đã đi vào lòng người, phù hợp với phong tục tập quán bản địa.
Ngày nay, dù ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo đến ý thức đạo đức con người Việt Nam dù ở mức độ và phạm vi khác nhau, nhưng chung quy tính thiện vẫn được duy trì, ảnh hưởng rõ rệt trong lòng nhân dân. Chính tính thiện đi liền với trí tuệ ấy đã tạo ra cho nhiều người niềm tin, cảm tình với thế giới quan Phật giáo, nhất là trong hoàn cảnh xã hội và tình hình thế giới hiện nay.
Luật nhân quả của thế giới quan Phật giáo còn khẳng định khi gieo nhân tức là đó gây nghiệp, tạo nghiệp lành được quả lành, tạo nghiệp dữ bị quả dữ. Vì vậy, Phật giáo luôn hướng con người vào việc thiện, xa lánh điều ác. Triết lý về luật nhân quả cũng góp phần ngăn ngừa ý định, hành vi vi phạm pháp luật của con người khi còn chưa bộc lộ. Hiện nay, ở nhiều ngôi chùa, các nhà sư thuyết giảng về đạo đức Phật giáo cho những Phật tử, người dân, cho đến các em nhỏ trong những khóa tu mùa hè. Điều đó có ý nghĩa và giá trị rất lớn trong việc góp phần xây dựng nền đạo đức mới ở nước ta. Bởi con người trước nguy cơ trở thành tội phạm, lương tâm thường hay bị cắn rứt, dày vò. Trong suy nghĩ ban đầu của họ luôn có sự đắn đo, đấu tranh tư tưởng… Do đó, nếu như họ bị trừng phạt, quả báo có thể ứng ngay với bản thân, thậm chí còn chịu hậu quả lâu dài về sau. Nhiều vị Sư đã từng vào tận trại giam để giảng giải giáo lý nhân quả cho các phạm nhân, để họ ăn năn hối cải và nhanh chóng hoàn lương. Sau khi cải tạo tốt và tái hòa nhập cộng đồng, họ sẽ có những hành động thiện để chuộc lại lỗi lầm, cải tạo nghiệp đã gây ra trước đó.
Dân tộc Việt Nam từ khi hình thành đến nay trải qua bao thăng trầm lịch sử, những thuận lợi cũng như khó khăn thử thách đã hun đúc làm nên tinh thần yêu nước nồng nàn, là cốt lõi của nhân phẩm. Thế giới quan Phật giáo vừa là một hệ thống triết học tôn giáo, vừa là học thuyết có giá trị đạo đức rất cao, mà mục đích duy nhất là cứu khổ độ sinh. Theo Đức Phật, một đời sống hạnh phúc là một đời sống có đạo đức. Ngay từ khi du nhập vào nước ta, thế giới quan Phật giáo đã tham gia vào nền đạo đức dân tộc một cách hòa bình, thẩm thấu vào truyền thống yêu nước trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Mặt tích cực của thế giới quan Phật giáo nói chung, đạo đức trong thế giới quan Phật giáo nói riêng bao gồm nhiều khía cạnh. Trước hết, nó góp phần củng cố đạo đức xã hội, tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc, yêu quê hương đất nước, yêu kính và phụng dưỡng cha mẹ, giàu lòng nhân ái, vị tha… góp phần tạo nên nhân cách của một bộ phận người Việt Nam đang sống. Ảnh hưởng của nó làm cho họ có cuộc sống lành mạnh, trong sạch, giản dị, có tấm lòng nhân ái, khoan dung, yêu thương đồng loại, biết cảm thông, quan tâm đến nỗi khổ của người khác, cứu người trong lúc hoạn nạn khó khăn… Mọi hành động ấy đều bắt đầu từ tâm, từ tính tự giác. Chính những tư tưởng về đạo đức trong thế giới quan Phật giáo đã góp phần nâng cao và làm phong phú hơn những giá trị đạo đức con người Việt Nam hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Bảy (1997), Văn hóa Phật giáo và lối sống của người Việt ở Hà Nội và châu thổ Bắc Bộ, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
2. Minh Chi (2003), Truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
3. Mai Thị Dung (2003), Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam và sự biến đổi của nó trong quá trình đổi mới hiện nay, Luận văn thạc sĩ Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
4. Nguyễn Đăng Duy (1999), Phật giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb. Hà Nội.
5. Trần Văn Giàu (1993), Đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.
6. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Vũ Ngọc Khánh (1986), Phật giáo và văn hóa dân gian Việt Nam – Mấy vấn đề Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Viện Triết học, Hà Nội.
8. Trần Quang Nhiếp (1998), Tư tưởng đạo đức lối sống những vấn đề then chốt của văn hóa, Tạp chí Cộng sản.
9. Lê Hữu Tuấn (1998), Ảnh hưởng của tư tưởng triết học Phật giáo trong đời sống văn hóa tinh thần ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
(Trích từ: Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo 394)
- Tag :
- Dương Thụy