Sống trong tư duy phân biệt đối đãi ở đời không chuyện gì không phải thị phi (đúng sai). Cho nên mọi quan hệ ứng xử gia đình, xã hội đều vận hành trên cơ sở phân chia đúng sai. Nhưng để “rạch ròi” được “đúng – sai” phải y cứ vào các quy ước, nguyên tắc, thỏa thuận hay ràng buộc pháp lý của con người tại mỗi xứ sở.
Việc nhân danh chính đạo tà đạo, chính pháp tà pháp vốn cũng đã là thị phi. Ngay ở trong một tông phái, việc thực hành thế này mới đúng thế kia là sai, kéo dài bao thế kỷ tranh cãi cũng vẫn không dứt.
Cho nên trong pháp mới nói đến khế lý, khế cơ, khế thời. Ở Ấn Độ, sư tăng đi khất thực, nếu cày cấy tự nuôi thân là tà pháp. Ở Trung Hoa tăng ni cày cấy tự nuôi thân là chủ động nhập thế, làm sáng đạo.
Sư tăng đi khất thực, không cày cấy mà hưởng thức ăn nên không lạm dụng mà chỉ ăn một bữa (chính ngọ), thức ăn mặn chay gì đều dùng được.
Khi sống theo nếp sống sinh hoạt tự viện, để chủ động nguồn thức ăn thì không thể chỉ dựa vào đàn na tín thí, nhất là gặp khi đói kém, mất mùa. Vì thế chư tăng phải cày cấy nuôi trồng để đủ lương thực nuôi thân tu hành.
Đứng ở phía nào nhìn sang, nếu cứ cố tranh cãi đúng sai thì chỉ rước vào mình phiền não, vì vốn dĩ chuyện thị phi tuỳ xứ, tuỳ thời, tuỳ căn cơ mà định lượng.
Trong 12 nhân duyên, khởi đầu từ vô minh. Vô minh duyên ra hành, vì hành là pháp lựa chọn đối đãi của các tâm sở thiện và bất thiện, nên duyên ra thức quả tái sinh thành nam nữ, tốt xấu, sang hèn…
Phật tính nằm sẵn trong thức quả tái sinh từ cội gốc vô minh. Nên từ không biết gì mà dần biết, rõ biết. Biết là nhớ lại. Nhớ lại là những ký ức được chứa đựng của thức tái sinh từ vô số nghiệp duyên nhân quả đã tạo ra trong nhiều đời nhiều kiếp.
Người trí kẻ ngu vốn đã là đối đãi phân biệt. Nếu chỉ nói chữ Người thì vốn là Phật. Nhưng nói người A kẻ B thì sinh phân biệt. Không có phân biệt thì không có trí ngu, sang hèn, tốt xấu, đúng sai. Tạng thức đi đến thức quả tái sinh cũng trải từ vô minh duyên qua các hiển hiện của 52 tâm sở thiện và bất thiện, nên trong căn bản vô minh chẳng mấy ai nhớ được xa hơn về các tiền kiếp. Nhưng từ những biểu hiện trong kết quả của kiếp này mà người ta biết mình đến từ đâu trong khối vô minh được trình diễn kia.
Nếu có ai nói mình vô minh là họ đang nói sự thật của 12 nhân duyên kia. Nhưng nói với ai thì cũng là nói cho chính mình. Bởi có cái họ biết mà ta không biết, có cái ta biết họ lại không biết. Không biết là màn che của vô minh. Nhưng khi ta biết, biết ở nơi tự khám phá, nơi không thầy dạy mà biết, thì đó là “nhớ lại”. Tạng thức diễn hành ra nơi thức quả tái sinh. Cho nên ta tu thành Phật cũng từ vô minh.
Chẳng biết từ khi nào “vô minh” lại trở thành một sự nguyền rủa, chê bai, khinh bỉ. Trong khi nó vốn là một mắt xích quan trọng để hình thành thức quả tái sinh.
Albert Einstein nói: “Có hai thứ là vô tận trên đời: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người. Thực ra tôi không chắc về vũ trụ”.
Vô minh cũng là cái ngu vô tận của con người. Nên nếu có một đấng toàn năng trong sáng tạo ra con người thì con người đã (chỉ) là sự toàn năng, không phải ngu vô tận như thế.
Cho nên trong cái ngu vô tận đã có sẵn sự toàn năng nơi thức quả tái sinh để có Người thành Phật. Nhưng đã có sự toàn năng thì phải có cái không toàn năng (trong tư duy phân biệt). Đã phân biệt thì có thị phi, trí ngu, sang hèn…
Chính vì vậy, còn ở thế gian này thì còn ở trong thị phi, và nếu không có tư duy phân biệt thì cha mẹ mình cũng như người dưng qua đường.
Vì vậy trong vòng xoáy thị phi, người ta khi chưa bước chân ra khỏi vô minh, hay vượt qua đúng sai (nhị nguyên) thì phải tạm chấp nhận cái tồn tại là cái “có lý”. “Có lý” tạm hiểu là tương quan tương duyên của các pháp. Không có nó sao cái này mất đi cái kia sinh ra được. Cho nên trong vòng quay trùng trùng duyên khởi không có gì không có lý kể cả thiện ác, sinh tử…
Biết là nhớ lại, “nhớ lại” tất cả cái không biết và chưa biết thì Phật tính không rời nhiễm ô, sinh tử cũng là niết bàn.
Cho nên ai nói mình vô minh hay nói mình ngu cũng không ra ngoài cái lẽ đương nhiên. Nhưng nói về cái ngu của người khác mà không biết cái ngu của mình mới đáng gọi là phiền não vậy.
Kinh Bát Nhã có câu “vượt qua, vượt qua…”.
Vượt qua cũng giống như thuyền đi ngược nước vậy, không tiến thì sẽ lùi…
- Tag :
- Thích Thanh Thắng