DẪN NHẬP
Đức Phật đến với cuộc đời không gì khác ngoài chỉ bày cho con người một nếp sống hạnh phúc an lạc. Những lời dạy của Ngài thật giản dị nhưng lại hết sức thiết thực và sâu sắc đối với đời sống con người, bởi Ngài không dạy gì ngoài sự khổ và phương pháp diệt khổ. Bao lâu con người còn lo lắng, còn ưu tư phiền muộn khổ đau thì lời dạy của Đức Phật sẽ là phương thuốc hiệu nghiệm giúp con người đạt được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau ấy. Trong bài Kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc Đức Phật đã chỉ ra cho chúng ta biết đâu là yếu tố chính tạo nên khổ đau và hạnh phúc.
SỰ THẤY VÀ BIẾT TRONG PHẬT GIÁO
Trong bản Kinh Pháp Môn Căn Bản, Đức Phật đã chỉ ra rằng tất cả nỗi khổ, niềm đau khiến chúng ta lặn hụp mãi hoài trong biển sanh tử luân hồi đều bắt nguồn từ “tưởng tri” hay “phi như lý tác ý”. Từ sự suy tư không hợp lý, dẫn đến phiền não lậu hoặc sanh khởi. Lậu hoặc chính là tham, sân, si là gốc rễ của khổ đau. Do tham, sân, si mà con người có ý nghĩ và hành động sai quấy, gây khổ đau cho tự thân và cho những người xung quanh. Như vậy, khổ đau hay hạnh phúc đều xuất phát từ sự tác ý, như lý tác ý sẽ đem đến hạnh phúc, không như lý tác ý sẽ dẫn đến khổ đau. Hàng vô văn phàm phu chính vì không thấy biết thực tướng các pháp nên trôi lăn mãi trong sanh tử luân hồi. Trái lại, đa văn Thánh đệ tử vì thấy biết thực tướng, như lý tác ý, như thật tuệ tri đối với các pháp mà được an vui, chứng đắc đạo quả. Bài kinh đầu tiên, Đức Phật mới chỉ ra nguyên nhân vì sao chúng ta đau khổ, nhưng chưa chỉ bày phương pháp để đạt được hạnh phúc. Qua bản kinhthứ hai Nhất Thiết Lậu Hoặc, Đức Phật chỉ bày các phương pháp giúp chúng ta đạt đượchạnh phúc, an lạc, giải thoát. Đức Phật đã nhấn mạnh vai trò của người thấy và người biết rất quan trọng trong tiến trình tìm cầu hạnh phúc và đoạn diệt khổ đau. “Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Và này các Tỳ kheo, thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: có như lý tác ý và không như lý tác ý” [1].
“Thấy biết” trong Phật giáo không có nghĩa là thấy bằng mắt, Đức Phật thường dùng chữ “thấy biết” cho các nghĩa như quán sát, quán tưởng, nhận rõ từ trí tuệ hay như thật tuệ tri. Muốn thấy biết như thật, chúng ta cần như thật quán sát bằng chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi” [2]. Từ cái thấy biết như thật, chúng ta sẽ thoát ra khỏi mọi lầm chấp, nhìn vạn pháp đúng như nó đang là, tất cả do duyên mà sanh thì cũng do duyên mà diệt, không có gì là ta là của ta. Khi thực chứng sự sinh và diệt, xa lìa hai cực đoan chấp có, chấp không. Thấy sự vật, hiện tượng như chúng chỉ là những pháp hữu vi có mặt và biến mất theo lý duyên sinh, hoàn toàn trống rỗng, vô ngã, vô thường, khổ, luôn biến đổi và luôn bị bức bách hoại diệt, không ai có quyền điều khiển, chỉ huy, ra lệnh. Với sự thấy biết như vậy mọi sự vật, hiện tượng trong tam giới, tức ngũ uẩn, đều hiển lộ, hiện hữu thuần khiết. Chúng lộ rõ nguyên trạng dưới ánh sáng của Tứ thánh đế.
Chúng ta khổ đau, phiền não cũng do từ cái thấy biết không như thật mà ra. Thấy như thật tất yếu sẽ dẫn tới thấy sinh, thấy diệt, thấy có vị ngọt của ngũ uẩn, thấy tai hại, từ đó thấy phải ly tham. Khác với cái thấy biết của phàm phu, bậc thánh có cái nhìn như thật đối với vạn pháp. “Này A-nan, đa văn Thánh đệ tử nhân định mà có tri kiến như thật, nhân có tri kiến như thật mà có yếm ly, nhân có yếm ly mà được vô dục, nhân vô dục mà được giải thoát, nhân giải thoát mà có giải thoát tri kiến, biết đúng như thật rằng: sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa” [3].
Ý nghĩa chữ “thấy biết” được Đức Phật nói trong Kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc không mang ý nghĩa bình thường. Khái niệm “thấy biết” ở đây tương đồng ý nghĩa của từ như thật tuệ triđược Đức Phật thường dùng trong kinh điển. Cái thấy và biết đúng như sự thật, không phải là sự tưởng tượng hay sự ảo tưởng của con người. Từ thấy biết được Đức Phật giải thíchbằng từ “như lý tác ý”. “Này các Tỳ kheo, ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Và này các Tỳ kheo, thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy có như lý tác ý và không như lý tác ý” [4]. Nếu chỉ thực hành giữ sự thấy biết suông với ảo tưởng về cái tâm tự nhiêntrong sáng của mình, thì sự thấy biết này ai cũng có, đó chỉ là cái thấy biết ở mức độ “tưởng tri” của cái tâm chưa được tu tập, không phải “tuệ tri”. Thấy biết như vậy chỉ là sự thấy biết về các sự vật, hiện tượng theo khái niệm tục đế, không có thật, của vô minh. Chúng ta cho vô thường là thường, cho khổ là lạc, cho vô ngã là có ngã. Đó chính là thấy biết với tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo dẫn đến khổ đau mãi trong biển sanh tử luân hồi.
Như Lai là bậc giác ngộ, tỉnh thức, thấy biết đúng như thật. Đối với người biết người thấy như thật vạn pháp thì những vị ấy có thể đoạn trừ tất cả các lậu hoặc. “Với người biết, với người thấy, này các Tỳ kheo, ta tuyên bố các lậu hoặc được đoạn tận, không phải với người không biết, với người không thấy” [5]. Chúng sanh vì lầm chấp, cho rằng có một cái ta thực thụ, các pháp duyên sanh vô thường lại cho là thường, tấm thân nhơ nhớp được hình thành do duyên lại chấp là hữu ngã. Để rồi từ đó, không biết bao nhiêu phiền não, khổ đau khởi lên cũng vì cái thấy biết sai lạc đó. Phiền não làm cho cái thấy biết Phật bị khuất lấp, không hiện và không mọc lên được, cũng như bùn khuất lấp hoa sen. Nhưng khi thứ bùn đó được vạch ra, hoa tất sẽ mọc lên. Hoa mọc lên từ trong bùn cũng như cái thấy biết Phật mọc lên từ trong tâm phiền não của chúng sanh. “Thấy đúng sự thật là thấy biết Phật. Vô thường mà thấy là thường, vô ngã mà thấy là ngã, là thấy biết chúng sanh. Trái lại vô thường thấy là vô thường, vô ngã thấy là vô ngã, là thấy biết Phật. Thấy biết Phật là cái thấy biết đúng chân lý, đúng tánh tướng của sự vật. Đó chính là cái thấy biết thoát ra ngoài có, không, thường, đoạn, nhị biên theo thiên kiến của chúng sanh” [6].
Phàm phu có mắt nhưng lại thấy biết theo tình mê, nhìn đảo lộn sự thật, lấy cái giả làm chân. Hơn nữa, thấy biết cái gì cũng luôn luôn dán nhãn hiệu ta vào trong đó, vì vậy bóp méo tất cả sự thật. Ví như câu chuyện người mù sờ voi, chỉ vì thấy biết chưa trọn vẹn mà mỗi người đánh giá có sự khác nhau, cũng vì cái thấy không trọn vẹn mà gây ra tranh cãi. Dù mỗi người có thật sự đụng đến con voi, nhưng vì chỉ đụng đến một góc, một cạnh, không thấy được toàn thể con voi mà cứ chấp chặt chỗ nhận biết của mình là đúng hơn hết. Không ngờ cái ta thấy chỉ là một khía cạnh mà thôi. Các vị ngoại đạo hay Bà-la-môn cũng thường rơi vào các tà chấp, chấp có, chấp không, dẫn đến cái nhìn sai lạc về sự thật các pháp.
“Họ chấp trước, giành giật,
Trong các luận thuyết này,
Họ tranh luận tranh chấp,
Họ nhìn chỉ một phía” [7].
BẬC THÁNH VỚI CÁI NHÌN TRÍ TUỆ
“Ngay lúc nói thấy biết
Thấy biết đều là tâm,
Ngay tâm tức thấy biết
Thấy biết nay đây” [9].
Trong quyển Ý Nghĩa Giới Luật đã nhấn mạnh về vai trò của thấy biết. Tác giả cho rằng việc đi đúng con đường giải thoát là bổn phận của người đệ tử chân thành muốn thoát khỏi những bất hạnh của đời sống nhân thế và để đạt đến an lạc, hạnh phúc sau cùng, tức Niết bàn. Nhưng muốn đi trên con đường ấy, yêu cầu tất yếu là hành giả phải hiểu đúng và thấy đúng nó mới có thể thành tựu những kết quả thiết thực do con người đem lại như lời Thế Tôn đã dạy. Theo Phật giáo vấn đề quan trọng nhất đối với hàng đệ tử Phật là “đến để thấy và biết” chứ không phải “đến để tin”. Bởi vì một niềm tin nếu không được xây dựng trên cái thấy và cái biết đúng pháp thì niềm tin ấy sẽ là niềm tin mù quáng, tiêu cực, không mang đến sự đoạn tận khổ đau. “Con đường đưa đến sự héo mòn các phiền não là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu” [10]. Đến để mà thấy tức là trở lại với chính mình, đến với thực tại bây giờ và ở đây để thấy rõ hiện pháp đang là, vạn vật đang trôi chảy như một dòng nước, nó biểu hiện như thế nào thì nhận biết như thế đó, trông thấy chỉ có thấy không thêm thắt gì cả. Khi thực tánh pháp được biểu hiện, bạn sẽ thấy ra tánh tướng thể dụng của vạn hữu. Thấy ra mối liên hệ tương giao tất yếu trong cuộc sống, thấy rõ bản thân mình và sự sống này để từ đó không còn đặt để, đòi hỏi hoặc tham vọng sở hữu bất cứ điều gì. Phật tử chúng ta cần nhận thức một cách rõ ràng rằng, chúng ta sẽ không bao giờ loại trừ được cấu uế, lậu hoặc, phiền não và thanh tịnh ngang qua một niềm tin thuần tuý vào Đức Phật. Niềm tin đó cần được xây dựng trên nền tảng của trí tuệ.
Từ các trích dẫn trên cho chúng ta hiểu rằng, thấy biết như thật có nghĩa là thấy rõ Tứ đế, thấy vô ngã, thấy vô thường, thấy không, thấy pháp Duyên khởi. Tức là, hễ còn thấy có người, có ta, có ai đó là chưa thấy như thật. Theo Thiền tông có nhiều cách diễn tả về thấy biết như là thấy pháp, thấy bản tâm, thấy thực tướng, thấy thực tướng vô tướng, thấy tự tánh, thấy tánh không. Tất cả chúng ta vì vô minh che phủ nên thấy thân tạm bợ, sanh diệtnày thật, tâm vọng tưởng điên đảo phải quấy lăng xăng, chạy mãi khó dừng cho là tâm thật. Cái không thật mà tưởng thật, đó là si mê, vô minh, vô minh chính là đầu mối của luân hồi. Đa văn Thánh đệ tử thấy đúng như thật về thân và tâm, nhận định rõ ràng hai thứ đó hư dốikhông thật, tạo nghiệp sanh tử, nên không ôm ấp, bám víu, không cố giữ. Vị ấy nhìn sự vật như là chính nó, không có sự gán ghép, đặt tên, phân biệt từ nhận thức của mình. “Thánh đệ tử đa văn đã thấy biết như thật đối với tất cả pháp khổ, tập, diệt, vị, hoạn, ly. Thấy ngũ dụcnhư hầm lửa,… cho đến pháp ác bất thiện, tham ưu thế gian, vĩnh viễn không còn che đậytâm nữa, nhờ đã phòng hộ trước và biết trước những hành xứ và trú xứ của phiền não, cho đến các pháp ác bất thiện, tham ưu thế gian, không còn lọt vào tâm vị ấy” [11].
Trong Phật giáo, thấy và biết có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển tâm linh và tu tập. Sự thấy biết giúp chúng ta tập trung vào hiện tại, nhận thức những gì đang diễn ra trong tâm trí, cảm xúc và cơ thể. Điều này giúp chúng ta loại bỏ những suy nghĩ phiền não khổ đau và tăng niềm an lạc hạnh phúc ngay kiếp sống hiện tại. Sự thấy biết đưa ta đến sự nhận thức về chính bản thân mình, nhận ra tâm trí, ý thức và thân thể là những yếu tố không tách rời. Điều này giúp hiểu rõ về bản chất của thực tại. Sự kết hợp của sự thấy và sự biết đóng một vai tròquan trọng trong việc tiến bộ trên con đường tu tập và đạt được giác ngộ trong Phật giáo. “Nương theo pháp Phật mà học, suy nghĩ, áp dụng pháp Phật trong cuộc sống, từng bước chúng ta sẽ phát huy sự thấy biết của Thanh văn tiến đến sự thấy biết của Bồ tát, Như Lai. Đạt được quả vị Như Lai, mọi sự thấy biết hoàn toàn chính xác, không còn sai lầm và dùng sự hiểu biết vô thượng để cứu độ vô số chúng sanh thoát khỏi trầm luân sanh tử” [12].
KẾT LUẬN
Đối với Phật giáo, một người muốn đạt được an lạc, hạnh phúc và loại bỏ phiền não khổ đau cần phải xác định lòng tin của mình trên cơ sở của cái thấy đúng và biết đúng. Hàng phàm phu do không thấy biết thực tướng các pháp nên dẫn đến khổ đau trôi lăn mãi trong sanh tử luân hồi. Trái lại, hàng đa văn Thánh đệ tử bởi vì có cái thấy biết bằng trí tuệ, nhìn vạn phápnhư chúng đang là nên đạt được an lạc giải thoát. Ngài xác quyết rằng chỉ có người thấy biết mới đoạn trừ hoàn toàn các phiền não lậu hoặc. Khi thấy đúng và biết đúng và hành trì đúng thì chân hạnh phúc tự nhiên sẽ hiện hữu, khổ đau sẽ không còn. Ví như, ánh sáng xuất hiệnthì bóng tối tự nhiên mất đi. Như vậy, khổ đau hay hạnh phúc đều phụ thuộc vào sự thấy biết của mỗi chúng ta.
“Thấy Khổ và Khổ tập
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy Đường Thánh tám ngành,
Đưa đến khổ não tận” [13].
Chú thích và tài liệu tham khảo:
* SC. Thích Nữ Hạnh Từ, Học viên Cao học khóa V tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
[1] Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Trung Bộ I, Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 25.
[2] Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Trung Bộ I, Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.238
[3] Tuệ Sỹ dịch (2008), Kinh Trung A-Hàm, tập 1, Kinh Bất Tư, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.326.
[4] Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Trung Bộ I, Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 25.
[5] Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Tương Ưng, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.631.
[6] Thích Thiện Siêu (1999), Kinh Pháp Hoa giữa các kinh điển Đại Thừa, TP. Hồ Chí Minh, tr.101.
[7] Thích Minh Châu dịch (1999), Kinh Tiểu Bộ, I, Kinh Phật Tự Thuyết, Phẩm Sanh Ra Đã Mù, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.243.
[8] Thích Tịnh Hạnh (2000), Kinh Tạp A-Hàm, III, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, tr.575.
[9] Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập, Hội Văn hoá Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, tr.396.
[10] Thích Viên Trí (2019), Ý nghĩa Giới Luật, Nxb. Hồng Đức, tr. 11.
[11] Thích Minh Châu (2015), Kinh Tăng Chi Bộ, I, Đại Phẩm, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.549.
[12] Thích Tịnh Hạnh (2000), Tạp A-Hàm quyển 43, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, tr.1007.
[13] Thích Trí Quảng (2005), Lược giải Kinh Đại Bảo Tích II, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.258.
- Tag :
- Thích Nữ Hạnh Từ