TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI
(TUẦN THỨ 3 THÁNG 2, 2018)
Diệu Âm lược dịch
NHẬT BẢN: Bảo tàng Quốc gia Tokyo triển lãm các kiệt tác cổ xưa của Nghệ thuật Phật giáo
Bảo tàng Quốc gia Tokyo đang triển lãm một bộ sưu tập các kiệt tác Phật giáo hiếm có, mang tên ‘Các bảo vật từ chùa Ninna-ji và Omuro: các kiệt tác của Nghệ thuật Tenpyo và Phật giáo Mật tông Shingon’.
Là một phần của khoa Khảo cổ học và Triển lãm Đặc biệt Nhật Bản, bộ sưu tập quý hiếm này có khoảng 170 bảo vật - nhiều hiện vật trong số đó không thường được trưng bày công cộng - bao gồm tượng, tranh, đồ tạo tác tôn giáo, đồ gốm và thư pháp. Số bảo vật này thuộc ngôi chùa Ninna-ji ở Kyoto và các chùa khác có liên kết với trường phái Omuro của Phật giáo Nhật Bản.
Được thành lập vào năm 1872, Bảo tàng Quốc gia Tokyo là nơi lưu trữ toàn bộ các tác phẩm nghệ thuật và cổ vật từ nước Nhật và các nước châu Á khác. Đây là bảo tàng quốc gia lâu đời nhất và là bảo tàng nghệ thuật lớn nhất ở Nhật.
Triển lãm về các bảo vật từ chùa Ninna-ji và Omuro, bắt đầu vào ngày 18-1, sẽ kéo dài đến ngày 11-3-2018.
(Buddhistdoor – February 15, 2018)
Một số bảo vật Phật giáo trưng bày tại triển lãm ở Bảo tàng Quốc gia Tokyo:
Tượng A Di Đà Phật, thế kỷ thứ 9, từ chùa Ninna-ji (Kyoto)
Tượng Quán Thế Âm Bồ tát Nghìn tay, thế kỷ thứ 8, từ chùa Fujiidera (Osaka)
Photo: tokyoheadline.com
30 tập kinh Mật tông, thế kỷ thứ 9, từ chùa Ninna-ji (Kyoto) Photo: ninnaji2018.com
BANGLADESH: Tượng Phật mới, cao 45 feet – một biểu tượng của sự hòa hợp xã hội
Một tượng Phật mới cao 45 feet, được xây trong khuôn viên của Tịnh xá Tainkhalipara Sanghamitva Seva Sangha (TSSSV) tại khu Chittagong Hill, đã trở thành một biểu tượng của sự hợp nhất cộng đồng trong một khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi xung đột và bất ổn.
Pho tượng Phật ngồi lớn nhất Bangladesh này được hoàn thành sau 2 năm xây dựng, với tổng kinh phí là 3.5 triệu taka (42,000USD).
Các khoản đóng góp đến từ các cộng đồng Phật giáo, Kitô giáo, Ấn giáo và Hồi giáo, cũng như từ các đại diện của chính quyền địa phương, và với sự hợp tác của các chính trị gia theo nhiều cách khác nhau trong quá trình xây tượng.
Trong vài năm gần đây, do xu hướng chống Phật giáo và các nhóm thiểu số khác gia tăng trong nước, chùa chiền và các tu viện cổ của Phật giáo tại Bangladesh đã bị tấn công. Và việc hoàn thành pho tượng Phật tại TSSSV- được xây từ quỹ tài trợ của các tôn giáo và các nhóm dân tộc khác nhau- đã trở thành biểu tượng của sự hợp tác và hòa hợp của đất nước.
(Buddhistdoor Global – February 15, 2018)
Tượng Phật mới xây, cao 45 feet, tại khu Chittagong Hill, Bangladesh
Photo: prothomalo.com
LIÊN BANG NGA: Tổng thống Putin chúc mừng Phật tử Nga nhân dịp Năm mới Âm lịch
Moscow, Nga – Từ trang chủ chính thức tại Điện Cẩm Linh (Kremlin), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gởi điện tín chúc mừng Phật tử Nga nhân dịp Năm mới Âm lịch. Ông viết:
“Điều quan trọng là cộng đồng Phật giáo Nga luôn giữ gìn di sản đạo đức và tinh thần vô giá và những truyền thống về bản sắc của tổ tiên, và luôn quan tâm đến các hoạt động giáo dục và từ thiện yêu cầu cao, chăm lo cho các giá trị gia đình và nuôi dạy các thế hệ trẻ, thúc đẩy đối thoại liên tôn giáo và liên dân tộc, cũng như việc củng cố hòa bình và hòa hợp trong xã hội”.
900,000 Phật tử tại Liên bang Nga ăn mừng Năm mới suốt một tháng, gọi là Tháng Trắng. Nó tượng trưng cho sự thanh tịnh hóa tâm linh và cuộc sống mới. Theo truyền thống, Phật tử tổ chức tiệc và đãi thân nhân và bạn bè của mình bằng các sản phẩm từ sữa.
(TASS – February 16, 2018)
Một nghi lễ thanh tẩy tại đền thờ Phật giáo Ivolginsky Datsan ở Buryatia, như một phần của các lễ mừng Năm mới Mậu Tuất
Photo: Andrei Ogorodnik
TÂY TẠNG: Chánh điện tại tu viện Jokhang không bị ảnh hưởng bởi đám cháy
Chính phủ Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ nói rằng vụ hỏa hoạn vào ngày 17-2-2018 tại tu viện Jokhang rộng lớn ở Tây Tạng đã không ảnh hưởng đến chánh điện của di tích lịch sử 1,300 năm tuổi này.
Tu viện Jokhang được xem trung tâm tâm linh của Phật giáo Tây Tạng. Chánh điện của tu viện có nhiều bảo vật văn hóa Tây Tạng, bao gồm tượng Jowo Sakyamuni – một tượng Đức Phật lúc 12 tuổi có kích thước lớn bằng người thật.
Ngày 19-2, Thủ tướng Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay đã bày tỏ sự vui mừng vì đám cháy không ảnh hưởng đến chánh điện của tu viện Jokhang.
Không có ai bị thương tích trong vụ hỏa hoạn, và vẫn chưa biết được nguyên nhân của sự cố này.
(AP – February 19, 2018)
Đám cháy tại tu viện Jokhang, Tây Tạng
Photo: Daily Miror
TOÀN CẦU: Các cộng đồng Phật giáo trên khắp thế giới mừng Năm Mới Âm lịch
TIN ẢNH: Phật tử trên toàn cầu trong những ngày gần đây đã tụ họp để mừng Năm Mới Âm lịch. Từ Hong Kong đến Houston, và từ Sydney đến Singapore, các lễ hội và nghi lễ Phật giáo đã diễn ra và chia sẻ trong khắp các cộng đồng Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Tạng,Việt Nam và nhiều nơi khác.
(Buddhistdoor Global – February 20, 2018)
GIA NÃ ĐẠI: Thủ tướng Justin Trudeau tham gia một lễ cầu nguyện tại chùa Phật Quang Sơn trong chuyến thăm thành phố Mississauga (tỉnh Ontario, Gia Nã Đại)
Photo: mississauga.com
NAM PHI: Hàng ngàn người tham dự các lễ Tết Âm lịch tại chùa Nam Hoa ở Bronkhorstspruit
Photo: iol.co.za
HOA KỲ: Hàng ngàn du khách viếng Hội Nghiên cứu Phật giáo Hoa Kỳ tại Phố Tàu đã dâng cúng nhang hương và trái cây
Photo: nydailynews.com
ANH QUỐC: Múa rồng qua các đường phố của Luân Đôn là một phần của các lễ mừng Tết Nguyên Đán
Photo: AFP
ẤN ĐỘ: Các nhà sư Tây Tạng tại Dharamsala trong lễ Losar (Năm Mới Tây Tạng)
Photo: tribuneindia.com
HOA KỲ: Đức Karmapa chủ trì lễ Losar tại Woodstock, New York
Photo: kagyuoffice.org
INDONESIA: Người Hoa tại Jakarta thắp nhang trong lễ Phật tại một ngôi chùa
Photo: trtworld.com
TRUNG QUỐC: Một phụ nữ cầu nguyện tại một ngôi chùa ở Công viên Badachu, Bắc Kinh
Photo: pinterest.com
- Từ khóa :
- Diệu Âm