Thầy Nhất Hạnh giảng kinh Pháp Hoa
Nhà xuất bản Lá Bối 2001
Phẩm Thứ Mười: Pháp sư
Ta hãy đi sang Phẩm thứ mười, gọi là Phẩm Pháp Sư, trang 281. Chúng ta có thể xem phẩm này là phần kết thúc của phần mà Tông Thiên Thai gọi là Tích môn, đồng thời cũng là sửa soạn cho việc mở cửa để vào pháp giới Bản môn.
Phẩm này cho
chúng ta thấy tầm quan trọng của Pháp. Pháp cũng quan trọng như
Bụt. Cúng dường Pháp thì có phước đức, quan trọng tương đương với cúng
dường Bụt. Niệm Bụt có thể đưa tới sự chuyển hóa, công đức vô lượng,
nhưng niệm Pháp cũng có thể đưa tới sự chuyển hóa và đem lại công đức vô lượng.
Trong phẩm này,
chúng ta thấy kinh Pháp Hoa chính là bản thân của Bụt. Khi chúng ta cúi
đầu, tỏ niềm cung kính đối với kinh Pháp Hoa tức là chúng ta cúi đầu và tỏ niềm
cung kính đối với Bụt, công đức ngang nhau. Chính trong phẩm này chúng ta
học được rằng kinh Pháp Hoa là Vua của tất cả các kinh điển. Danh từ Pháp
sư (DharmabhẠẾaka) ở đây có nghĩa là người đem giáo pháp của Bụt ra để chia xẻ
cho người khác. Ở đây Pháp sư được diễn tả là một vị đại sứ của Bụt, mang
thông điệp của Bụt đi khắp cùng mười phương thế giới. Thông điệp này là
thông điệp Pháp Hoa, thông điệp nói cho mọi người biết rằng ai cũng có khả năng
tính thành Bụt, và có khả năng tính độ thoát cho tất cả mọi loài chúng
sanh. Cũng ở trong phẩm này ta thấy rằng Bụt không những thọ ký cho những
người sống trong thời Bụt còn tại thế, mà còn có thể thọ ký được cho những người
sinh ra, lớn lên và hành đạo trong thời đại sau khi Ngài đã nhập diệt.
Trang 281 trình
bày những điều này. Bụt nói với Bồ Tát Dược Vương, vua của tất cả các vị dược
sĩ, rằng tất cả mọi người, mọi loài nếu trong thời Bụt tại thế nếu có dịp được
nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa, dầu chỉ nghe một bài kệ, hoặc dầu không được nghe
kinh Pháp Hoa đi nữa, nhưng chỉ được nghe danh từ kinh Pháp Hoa mà trong lòng
phát ra một niềm hoan hỷ, thì những người đó đều tự động được Bụt thọ ký cho
thành Bụt hết. Không cần nghe nội dung Pháp Hoa mà chỉ cần nghe tên kinh
Pháp Hoa thôi mà thấy trong lòng hớn hở là đã được Bụt thọ ký cho rồi. Chúng
ta hãy đọc câu cuối trang 281: Bụt bảo Bồ Tát Dược Vương: ỘSau khi Như
Lai diệt độ rồi, nếu có người nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa, dầu cho nghe một
bài kệ hay một câu kinh thôi, mà có tâm niệm tùy hỷ, tán thán, thì đó là Bụt
cũng đã thọ ký cho người đó được đạo vô thượng chánh đẳng chánh giácỢ. Nghĩa là
khi Bụt nhập diệt rồi và nếu kinh Pháp Hoa còn đó, nếu trong chúng ta, người nào
nghe được kinh Pháp Hoa, nghe một bài kệ hay nghe một câu kinh thôi mà trong
lòng thấy vui mừng thì người đó đã được Bụt thọ ký cho rồi, không cần phải leo
lên đỉnh núi Linh Thứu, hay trở về 2500 năm trước mới nhận được ân đức đó.
Sang trang 282,
đại ý của đoạn này là: Nếu có người tiếp nhận, đọc tụng, giảng giải và
biên chép kinh này, dầu chỉ là một bài kệ thôi, thì những người đó đã tỏ ra sự
cung kính tột bực đối với Bụt. Cúng dường kinh điển tức là cúng dường chư
Bụt. Chúng ta phải biết chữ biên chép này rất quan trọng. Biên chép
kinh trên giấy là một công việc của thời đại mới, trước đó người ta chỉ truyền
tụng bằng miệng mà thôi. Người ta chỉ mới biên chép kinh điển vào thế kỷ
thứ nhất trước kỷ nguyên Ki-tô, trước đó thì chỉ có truyền khẩu. Như vậy,
một trăm năm trước Chúa giáng sinh, người ta mới bắt đầu biên chép kinh điển,
và những kinh điển viết lại đầu tiên đều được chép trên lá bối (TẠlapattra) (Hình
1). Vì vậy mà khi đọc kinh Nguyên Thủy, chúng ta không thấy chữ biên
chép.
Hình 1: Một tập kinh viết trên lá bối. Hai mặt của tập kinh được ép lại bằng hai tấm gỗ, thường được trang trí rất đẹp. Hai sợi chỉ luồn qua để giữ các tờ kinh. Các chữ của kinh được viết trên các đường gân song song của lá (Tài liệu: Từ điển Phật học, Chân Nguyên và Nguyễn tường Bách, H36, trang 218. Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế - Việt-nam, 1999).
Ở đoạn này
chúng ta thấy rằng cúng dường kinh tức là cúng dường Bụt, cúng dường Pháp cũng
là cúng dường Bụt, và niệm Pháp cũng tương đương với niệm Bụt, nghĩa là Pháp
niệm (DharmẠnusmỄti) cũng là Phật niệm. Vì vậy chúng ta đã thấy có những
tông phái như phái Liên Tông, chủ trương niệm Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh,
và họ tin rằng niệm như thế cũng có thể đạt được sự giác ngộ. Phương pháp
niệm Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh cũng đưa tới sự chuyển hóa, và cũng đem đến
cho ta vô lượng công đức. Vì vậy có những người đã căn cứ trên phẩm này
của kinh Pháp Hoa để thành lập những tông phái tu tập.
Nghĩ cho kỹ thì ta
thấy rằng Phật Thân đích thực chẳng qua chỉ là Pháp Thân, the true body of the
Buddha is the Dharma body, và cái Phật Thân mà chúng ta gọi là Pháp Thân đó,
chúng ta có thể sờ mó được ngay trong giây phút hiện tại. Cho nên ta có
thể cung kính cúng dường Pháp Thân ngay bây giờ, và như vậy là ta đang cung
kính cúng dường Phật Thân đích thực trong giây phút hiện tại, không cần phải
lên núi Thứu 2500 năm trước đây mới làm được chuyện đó. Nói rằng tôi
không có phước nên sanh ra 2500 năm sau khi Bụt nhập diệt là không thông minh,
và không phải là đệ tử của Bụt, vì Bụt đang còn ở đây, trong giờ phút hiện tại
này.
Ở trang 284 chúng ta đọc từ hàng thứ ba: Bồ Tát Dược Vương, nếu có một người đọc tụng kinh Pháp Hoa thì phải biết rằng người đó đang dùng những đồ trang sức của Bụt để tự trang điểm mình. Pháp Hoa là một chất liệu rất đẹp, rất mầu nhiệm, và Bụt tự trang sức mình bằng chất liệu vi diệu đó. Bụt không cần dầu thơm hoặc phấn son để trang điểm, Bụt cũng không cần vàng vòng châu báu, tại vì Bụt có những chất liệu trang sức khác quí giá hơn nhiều, có thể làm cho Bụt đẹp hơn nhiều, đó là cái bản chất Pháp Hoa. Vì vậy cho nên trong chúng ta nếu ai biết thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa, tức là đã dùng cùng một thứ cosmetic với Bụt, và mình cũng sẽ đẹp không thua gì Bụt. Không những là mình đẹp bằng Bụt rồi, mà mình còn được Bụt đưa đi trên con đường tu học, giống như Bụt có chiếc xe đẹp, mình muốn đi đâu, Bụt chở mình đi nơi đó. Chiếc xe đó là Pháp Hoa. Như vậy thì chỉ cần thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa thôi thì mình đã cùng Bụt đi trên một con đường, đi đâu ta cũng được Bụt mang theo.
Trang 287, chúng ta đọc bốn hàng chót của phần kệ trùng tụng:
Dược Vương! Nay
bảo ông,
Các kinh của ta
nói,
Mà ở trong kinh
đó,
Pháp Hoa tột thứ
nhất.
Những câu này có nghĩa rằng, này Bồ Tát Dược Vương, tôi muốn nói cho Bồ Tát biết rằng trong số những kinh mà tôi đã nói trong suốt 49 năm vừa qua, kinh quan trọng nhất là kinh Pháp Hoa. Vì vậy, cái ý niệm Pháp Hoa là Vua của tất cả các kinh, một phần là căn cứ vào bài kệ này.
Trang 288, đoạn thứ tư: Này Bồ Tát Dược Vương, nơi nào, chỗ nào có sự giảng diễn, đọc tụng, biên chép kinh này thì chúng ta nên dựng một tháp bằng bảy thứ châu báu, tại vì chính nơi đó đã là một thánh địa rồi, không cần phải có xá lợi Bụt nó mới linh thiêng. Miếng đất nào mà tại đó có người giảng giải, đọc tụng kinh Pháp Hoa, miếng đất đó đáng để ta dựng lên một cái tháp, tại vì đó là một phần đất linh thiêng. Ví dụ như nhà bếp của xóm Thượng. Phần đất này rất là linh thiêng, đáng để ta dựng lên một cái tháp để thờ. Tại sao vậy? Tại vì mùa Đông năm nay nhà bếp ở Xóm Thượng là nơi ấm nhất trong xóm, và ta đã được nghe giảng kinh Pháp Hoa ở đấy. Tuy không có xá lợi Bụt nhưng ở đây đã có sự hiện diện toàn thân đích thực của đức Như Lai.
Kinh Pháp Hoa là da thịt, là xương tủy của Như Lai, và nơi nào có người giảng nói kinh Pháp Hoa, thì nơi đó chứa đựng da thịt của Như Lai, vì vậy mà ta phải dựng tháp ở chỗ đó để thờ. Cho nên nếu chúng ta ngồi ở nhà bếp này để ăn những bửa ăn phi thời, chắc chắn là chúng ta sẽ mang tội!
Đại chúng nên đọc và tự khám phá thêm về Phẩm thứ mười này.