BỒ TÁT CÓ BỆNH
BIÊN SOẠN VỀ KINH DUY MA CẬT
Thích Nữ Như Đức
Văn Thù Sư Lợi Thăm Bệnh
1- Hai vị Đại sĩ gặp nhau
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi tượng trưng cho đại trí huệ, trí huệ lớn, trí huệ thông suốt mọi vấn đề, như thế đủ tư cách đến thăm. Tất cả những vấn đáp trước để chuẩn bị cho phần này, nghi thức rất quan trọng, không phải là chuyện đi thăm bệnh thường. Đến nhà trưởng giả có tám ngàn vị Bồ-tát, năm trăm vị Thanh văn và trăm ngàn trời người, cuộc thăm bệnh trở thành cuộc dự hội thuyết pháp.
Để ứng tiếp, Duy-ma-cật đã làm cho cái thất của mình trở nên trống không, dùng không để tiếp hết thảy đại chúng. Gặp nhau, ngài Văn-thù chưa kịp hỏi, Duy-ma đã nói trước, ý rằng Ngài dùng tướng chẳng đến, tướng chẳng thấy mà đến thăm tôi thì không thực có gì là đến là thăm. Đó là đầu mối của tất cả giáo lý Đại thừa, giáo lý tánh không duyên khởi như huyễn. Ngài Văn-thù xác nhận không có tướng đến đi, dùng không tướng này để vào không thất nọ, dù cho trong thất có vật đi nữa đối với Ngài cũng chẳng dính vì chỗ có thể thấy lại là chẳng thể thấy (sở khả kiến giả cánh bất khả kiến).
2- Nguyên nhân bệnh
- Bệnh từ đâu sanh? Từ si ái sanh. Trong mười hai nhân duyên si là nhân quá khứ, ái là nhân hiện tại, như thế si ái là gốc của sanh tử tiếp nối, si ái là căn bệnh gốc của mọi thứ bệnh, chấp nhận sanh tử là chấp nhận bệnh, đã mang hình thức sanh tử là mang bệnh, sanh tử là bệnh lớn của tất cả chúng sanh.
- Bệnh đã bao lâu? Bệnh đồng thời với chúng sanh. Có ta có người là có bệnh. Chúng sanh đây cũng có thể hiểu là những chúng sanh vọng niệm trong chân tâm ta, những bụi mù lăng xăng giữa hư không, là hoa đốm chợt sanh khi mắt nhặm. Khi ta bệnh, ta thấy có hoa đốm, hoa đốm kéo theo những cơn bệnh triền miên, bệnh không có thời khởi và thời diệt, vì như chiêm bao không biết khởi từ đâu và tắt bao giờ. Chỉ vì mình hốt nhiên chợt khởi. Bồ-tát thấy bệnh như cơn mộng, khi đã thấy rõ bản chất của bệnh cũng là biết cách trị rồi. Nên ở đây không hỏi thăm uống thuốc gì? Đi bác sĩ nào?
- Chừng nào hết bệnh? Khi nào chúng sanh hết bệnh. Kèm theo các bệnh của Bồ-tát là do lòng đại bi, vậy là không khi nào Bồ-tát hết bệnh, bởi lòng đại bi vô tận, chúng sanh còn bệnh là Bồ-tát còn vào trong sanh tử.
Bệnh chỉ là một trạng thái, một hình tướng không thật, chỉ có “không thất” thì trạm nhiên thường trụ vì “không thất” không một vật, không hình tướng. Cái giường bệnh nằm trong thất ấy, hình tướng bệnh nằm trong cái không ấy, đó là chỗ dụng ý.
Khi Bồ-tát Văn-thù hỏi về cái thất tại sao không. Chỗ không là chỗ vắng lặng chẳng còn phiền não bệnh tưởng, chỗ đó phù hợp với cảnh giới Phật, nên Duy-ma-cật trả lời ngay là thất tôi cũng như một cảnh giới Phật vậy. Cái không ấy tự bản thể là không, chẳng phải do tạo tác, cũng chẳng phải là không của cái có, chẳng phải do phân biệt sinh. Một cái thất không mà đầy lời thuyết pháp hùng hồn. “Không” tìm ở đâu? Tìm trong sáu mươi hai kiến chấp, tức là tìm trong chỗ phân biệt chia chẻ vọng động tà kiến ấy. Sáu mươi hai kiến chấp tìm ở đâu? Tìm trong chỗ giải thoát của chư Phật… Dẫn quanh từ tà đến chánh, từ chánh qua tà, trộn đi trộn lại để thấy chỗ không thể chia chẻ, không thể phân biệt. Mỗi đoạn mỗi đoạn đều có câu trả lời đầy đủ ý nghĩa.
Hỏi vì sao không có thị giả? Thị giả hoặc là người hầu cận, tiểu đồng bưng trà nước. Duy-ma-cật dùng chúng ma và các ngoại đạo để làm người giúp việc, chứng tỏ khả năng siêu việt hơn nó, không bị chúng sai sử mà ngược lại điều khiển được chúng – dù đang bệnh. Một mặt khác ma và ngoại đạo là những con bệnh rất nặng, mình thấy chúng bệnh mà tự cảnh tỉnh, chúng cũng có ích cho mình lắm. Duy-ma-cật nói chúng ma ưa sanh tử, Bồ-tát thì đối với sanh tử không ưa không ghét (bất xả); ngoại đạo bị lay động bởi các kiến chấp thường đoạn, biên vô biên… dính mắc vào đó, không ra khỏi sự hí luận của ngôn từ, Bồ-tát thì biết các kiến chấp mà không bị lay động, biết để đối trị và vượt qua. Bồ-tát đối với ma và ngoại đạo vũ lộng uy thế của mình.
- Tướng trạng của bệnh ra sao? Không có hình tướng không thể thấy. Đã là bệnh thì không thật, không có hình tướng cố định. Nhưng nói không thể thấy, e rằng bệnh thuộc về tâm nên hỏi tiếp: Bệnh hợp với thân hay hợp với tâm. Trả lời Không hợp với thân vì thân là tướng ly. Trong thân không có cái nào đứng yên chỗ, luôn lìa bỏ, luôn đi tới, luôn vô thường, tế bào ly, mạch máu cũng ly, gân mạch đều tích tắc chuyển đổi… vậy thì bệnh đó gá vô chỗ nào? Không hợp với tâm vì tâm như huyễn ảo, tâm là những bóng mờ không thật (vọng tâm) bệnh cũng chẳng gá vào được. Thấy thấu đáo như vậy thì chỉ kết luận một câu “Vì chúng sanh có bệnh từ tứ đại, nên tôi cũng bệnh”.
3- Cách đối trị bệnh
a- Phần của người thăm bệnh
Đến thăm bệnh, nên nhân lúc thân bệnh khổ mà nói về lý vô thường, vô ngã, đó là lúc dễ cảm nhận, nhưng không nói sự chán ghét thân, yêu thích Niết-bàn tịch diệt. Cần phấn khởi để làm việc nhiều hơn, giáo hóa chúng sanh nhiều hơn, nhân bệnh mình thương bệnh người, khởi tâm làm lợi lạc chúng sanh. Lấy kinh nghiệm của mình để biết rằng khi người đau cũng khổ như vậy, thế thì bệnh là một bài học, một lần mài dũa cho thân tâm, chớ không phải bệnh là bi quan chán đời.
Tóm lại, Bồ-tát thăm bệnh bằng cách khuyến khích người bệnh phát khởi hai tâm:
Một là tinh tấn hơn.
Hai là phát nguyện làm bậc Y vương cứu người.
b- Phần bệnh nhân
Bồ-tát Văn-thù hỏi: “Bồ-tát khi có bệnh phải làm sao để điều phục tâm?”
Duy-ma đáp: Bồ-tát phải nghĩ rằng bệnh này do vọng tưởng điên đảo nhiều đời mà sanh. Không đổ lỗi cho ai, quán kỹ gốc bệnh của mình đều từ mọi thứ phiền não vọng tưởng. Đã là vọng tưởng thì không thật có, không có người thọ bệnh. Vậy thì ai khổ? Không có chủ nhân để thọ nhận cái khổ của bệnh.
Nếu cho tứ đại là ta thì khi tứ đại bệnh ta cảm thấy ta bị bệnh. Nhưng tứ đại chỉ tạm hợp, ta chỉ là một ảo tưởng chấp Ngã. Mọi thứ bệnh đều từ nơi chấp ngã, vì yêu thích Ngã nên bệnh. Trừ bỏ ảo tưởng về ta và người, khởi lên tưởng về pháp. Biết các pháp khi khởi khi diệt chỉ là tự thân của chúng, không liên quan đến nhau, cũng không liên quan đến ta, đó là trừ được mọi suy tư về đối tượng và chủ thể. Khi trừ được chúng, bước vào cảnh giới bình đẳng, không thấy có cái bệnh và cái không bệnh, tuy vậy vẫn phải còn chừa một cái, đó là “Vô sở thọ” để cảm nhận tất cả.
Trên là dùng lý quán để điều phục bệnh, tiếp theo là dùng bi quán. Ta đã điều phục được chính mình nên thương tưởng tất cả chúng sanh trong đường ác mà điều phục cho họ. Vì dứt gốc bệnh mà dạy họ dứt gốc bệnh. Gốc bệnh phát khởi từ chỗ vin bắt đeo níu tất cả cảnh và người, tất cả hình danh sắc tướng và tư duy. Dùng Vô sở đắc để lìa mọi phan duyên. Như thế hai vị thuốc “Vô sở thọ” và “Vô sở đắc” là diệu dược để trị bệnh.
Để nối với ý “Vì chúng sanh bệnh nên Bồ-tát bệnh” ở trước, đây dạy quán tiếp về cách giải bệnh cho chúng sanh. Bồ-tát đối với chúng sanh phải khởi tâm đại bi, thấy chúng sanh bệnh như chính mình bệnh, nhưng sợ rằng tâm đại bi dễ làm đắm nhiễm, gọi là “ái kiến đại bi”. Ái kiến bi là thấy có người bệnh thiệt và có mình cứu thiệt, như thế thiết lập tương quan giữa mình và người dễ sanh phiền não. Từ đại bi phát khởi phiền não gọi là ái kiến bi, cái này phải trừ bỏ. Nếu bị ràng buộc bởi chúng sanh thì mình trở lại bị buộc ràng, đối với sanh tử sanh chán ngán, không thể thực hành Bồ-tát hạnh. Đây cũng là một loại bệnh cần điều phục.
Nêu lên một loại bệnh khác của Bồ-tát, đó là tham đắm vị thiền. Bồ-tát không bệnh như phàm phu, mà còn kẹt trong pháp vị cũng là bệnh, nên sanh khởi phương tiện để thoát ra. Phương tiện ấy gọi là phương tiện huệ. Nếu Bồ-tát dùng tâm ái kiến để giáo hóa chúng sanh, tự dùng Không, Vô tướng, Vô tác tự điều phục, đó là không có phương tiện huệ. Bồ-tát không dùng tâm ái kiến độ chúng sanh. Đối với Không, Vô tướng, Vô tác chẳng nhàm mỏi, là có phương tiện huệ. Bồ-tát ở trong tham, sân, si mà gieo trồng công đức nghĩa là phụng sự chúng sanh mà nổi tham, sân, si lên, đó là không có huệ phương tiện. Phải lìa tham sân si để khởi Phật sự. Những cách này cho thấy đi vào con đường Bồ-tát hạnh phải ứng dụng trí huệ vào hàng đầu, bi trí song hành thì mới mong độ chúng. Bồ-tát thiếu bi trí sẽ là con bệnh nặng, nên Phật dạy “Nếu mình bị trói thì không thể mở trói cho người”.
4- Bồ-tát hạnh
Trong phẩm thăm bệnh đề cập đến Bồ-tát hạnh, vì Bồ-tát hạnh là mục đích mà kinh này nhắm đến. Đem một việc hết sức bình thường trong cuộc sống để chuyển thành đề tài bàn thảo về phương tiện vào đời của Bồ-tát. Phương tiện vào đời ấáy là việc làm, công hạnh, là pháp tu mà chúng ta phải áp dụng. Cho nên ở phần này nói về việc Bồ-tát tự giải bệnh cho mình cũng như sống với chúng sanh sao cho đừng chuốc bệnh vào người.
Bồ-tát phải thực hành trung đạo, lìa cả hai bên phàm và thánh, dùng phương tiện điều phục tâm như tất cả việc vừa nêu, điều phục rồi không trụ trong đó, cũng không rơi vào tình trạng dao động, nghĩa là lúc nào cũng vượt qua, không đứng dừng ở một giai đoạn nào. Kinh nói “Trụ nơi tâm không điều phục (tâm buông lung) là phàm phu, còn trụ nơi tâm điều phục (có tu chứng) là Thanh văn”. Biết rõ tâm tánh như hư không, phiền não dấy khởi nên tạm điều phục, không thấy có điều phục thiệt nên an ổn tự tại. Đó là hạnh Bồ-tát.
Khả năng của Bồ-tát rất lớn có thể ở trong sanh tử hoặc Niết-bàn, không kẹt ở bên cấu bên tịnh vì cái thấy của các vị siêu vượt cả hai. Bồ-tát là người thông suốt cả lý kinh, thông thuộc Phật đạo nhưng đi vào đường tà để hóa độ, tuy gần gũi chúng sanh mà không ái trước, tuy thích xa lìa nhưng không để cho thân tâm khô kiệt… những hạnh của Bồ-tát cho thấy sự toàn vẹn về mọi mặt. Con đường hành động của Bồ-tát là con đường lý tưởng, là con đường của những người nắm được quy luật của cuộc chơi, người thong dong xử sự, người có khả năng đi vào cảnh giới giải thoát nhưng không bao giờ bỏ chúng sanh. Những điều nêu ra trong phần nói về Bồ-tát hạnh gợi cho chúng ta một sự phản tỉnh, muốn độ đời liệu mình có những đức tính ấy chăng?