DUY THỨC TAM THẬP TỤNG THÍCH LUẬN
PHẠN BẢN TÂN DỊCH
BẢN VIỆT DỊCH ĐẦU TIÊN TỪ SANSKRIT
ĀCĀRYA STHIRAMATI
(A-XÀ-LÊ AN HUỆ tạo)
Nguyên bản Phạn ngữ: TRIṂŚIKĀVIJÑAPTIBHĀṢYAṂ
Tạng dịch: SUM-CU-PAḤI BŚAD-PA
PHẠN-TẠNG NGUYÊN ĐIỂN ĐỐI CHIẾU DỊCH
Phước Nguyên
TỰA
A-xà-lê An Huệ tạo
Luận Duy thức tam thập tụng này được viết với mục đích khiến cho những ai có sự mê lầm ở trong nhân vô ngã và pháp vô ngã mà phát sinh nhận thức không điên đảo đối với nhân vô ngã và pháp vô ngã. Trong đây, do nhận thức không điên đảo về nhân pháp vô ngã, mà phiền não chướng và sở tri chướng được đoạn trừ. Vì các phiền não như vậy: tham các thứ, sinh khởi do ngã kiến. Chứng ngộ nhân vô ngã, chính là đã đối trị Tát-ca-da-kiến, đoạn trừ kiến này[1], tức có thể đoạn trừ tất cả phiền não. Pháp vô ngã đối trị sở tri chướng, tức đoạn trừ sở tri chướng. Lại nữa, vì phiền não và sở tri chướng đã bị đoạn trừ, nên chứng đắc giải thoát, thành tựu nhất thiết trí cảnh. Do phiền não trùm kín sự đắc giải thoát các chướng, nên nếu đoạn trừ chướng này, tức chứng giải thoát. Cho đến đối với sở tri chướng, nghĩa là ở trong tất cả sở tri cản ngại chánh trí hiện khởi, tức là một loại bất nhiễm ô vô tri, khi cái này bị đoạn trừ, thì chánh trí phổ cập nơi hành tướng của nhất thiết sở tri, chuyển khởi không bị chướng ngại, không bị trùm kín. Do đây, đắc thành nhất thiết trí cảnh.
Lại nữa, vì để khai thị nhân pháp vô ngã cho những ai mê mờ Duy tâm, nhầm lẫn chấp ngã và chấp pháp, khiến cho tuần tự ngộ nhập Duy thức quả, do đó luận này được viết.
Hoặc chấp đối tượng nhận thức cũng tồn tại thực chất như chủ thể nhận thức; hoặc chấp chủ thể nhận thức như đối tượng nhận thức là một dạng: theo nghĩa thường nghiệm tuy tồn tại thật chất, nhưng theo nghĩa siêu nghiệm, thảy đều không tồn tại thực chất. Vì để bác bỏ những chấp trước cực đoan ấy. Do đó, luận này được viết ra.
CHƯƠNG I. NGÃ VÀ PHÁP
I. TỔNG THUYẾT NGÃ PHÁP
Sự giả thác như là ngã và pháp
Tiến hành thật sự đa dạng. //1ab/[2]
Nên nói hoàn chỉnh là ở trong thế gian và Thánh giáo.
Nó tiến hành y trên sự biến thái của thức //1c/[3]
Ngãvàpháp được giả thác nàylà do các từ tố liên kết lại. Các từ ngã và pháp được dùng như những từ mô tả, đó gọi là giả thác về ngã và pháp. Hơn thế nữa, nhất định ngã chỉ là ước lệ, pháp cũng chỉ là ước lệ.
Nói là “đa dạng”[4]: tức có đa dạng chủng loại, như ngã, mạng giả, sinh giả, nho đồng, tác giả v.v… đó gọi là giả thác về ngã. Hoặc uẩn, xứ, giới, sắc, thọ, tưởng, hành, thức v.v.. đó gọi là giả thác về pháp.
Hai loại giả thác đều do tính biến thái của thức, chứ không phải ngã và pháp là tự thể thực hữu. Tại sao? Vì lìa ngoài sự biến thái của thức thì không tồn tại ngã và pháp.
Biến thái[5], là trạng thái biến dị, khi một quả tự đắc đồng thời với sát-na diệt của nhân, và khác biệt một cách đặc trưng[6] với sát na đó của nhân, gọi là biến thái.
Vào sát-na đó, do sự xử lý toàn bộ các ấn tượng của cấu trúc ngôn ngữ như ngã v.v.. và và do sự xử lý toàn bộ ấn tượng của cấu trúc ngôn ngữ như sắc v.v.. mà cấu trúc ngôn ngữ sinh khởi như sự tự tri về chính nó và như sự tự tri về đối tượng từ từ a-lại-da thức.
Sự tự tri này về chính nó và sự tự tri này về đối tượng, do cấu trúc ngôn ngữ, có tác dụng của một sự thật khách quan giống như sự mô tả về ngã, v.v... và giống như sự mô tả về pháp như sắc v.v… trong sự thường hằng của nó cho dù không có bất kỳ ngã hay pháp nào như là ngoại cảnh thực hữu, giống như sự mô tả mao luân[7]của một người mắc bệnh bạch chướng nhãn.
Trong đây, các loại hữu tình từ thời vô thủy chấp lấy ảnh tợ ngã, ảnh tợ sắc các thứ làm đối tượng, do cấu trúc mà chúng xuất hiện như là ngoại cảnh thực hữu, cho đến tiến hành giả thiết ngã, giả thiết ngã. Nhưng thực tế ngã và pháp đều không phải ngoại cảnh thực hữu. Như người nhặm mắt thấy mao luân.
Giả thác, cái mà ở nơi nào không tồn tại thì ở nơi đó nó được giả thác. Như con bò được giả thác nơi người ngu.
Như thế trong và ngoài tự tính của thức đều không tồn tại ngã và pháp. Ngã và pháp hết thảy chỉ là cái được cấu trúc toàn diện. Trong thắng nghĩa nó cũng được nói là hoàn toàn không tồn tại. Do đây, các vị Nhất biên luận chủ trương: “Đối tượng nhận thức cũng như chủ thể nhận thức là một dạng thật hữu”, điều này không thể chấp nhận.
Nhưng mà nếu không có sở y, giả thác cũng không thể tồn tại. Do đó, biến thái của thức nhất định tác thành một loại cơ sở thực chất hướng đến thông tin; tức do sự biến thái này làm sở y mà ngã giả thác, pháp giả thác được sản sinh.
Do đây, nếu chủ trương: “Chủ thể nhận thức cũng như đối tượng nhận thức chỉ tồn tại trong quy ước thế tục; nhưng tại thắng nghĩa thì không tồn tại”, quan điểm này phi lý. Bởi vì trong tập quán thế tục phạm vào lỗi vô thể[8]. Nếu không có sở thủ, tức tập quán thế tục không thể tương thích[9].
Vậy thì, hành tướng hai dạng nhất biên luận kể trên, do đều phi lý, y theo ngôn thuyết của A-xà-lê nên phế bỏ chúng.
Như thế, vì tất cả đối tượng nhận thức đều là trạng thái của cái phân bố cấu trúc do tính thể tự hữu[10]; nói từ cơ sở thực tế, chúng thảy đều không tồn tại, nhưng thức do là duyên sinh pháp tính, nên khả dĩ nói là thật thể tồn tại.
Lại nữa, đối với thức từ duyên sinh pháp tính, nó đã được giải bằng từ biến thái của thứcở trên.
Nói là ngoại cảnh không tồn tại, nhưng thức là cảnh của hành tướng đã sinh khởi, điều này có thể giải thích như thế nào?
Kì thật nói là ngoại cảnh, tức là cái có thể dẫn sinh tự thể hiện thức, cái đó được quan niệm như là điều kiện sở duyên của thức. Thế nhưng, không chỉ năng tác nhân, mà các điều kiện khác, mà các điều kiện khác, như đẳng vô gián duyên v.v… cũng không thể nói là điều kiện sở duyên của thức ấy.
Lại nữa, năm thức thân lấy trạng thái cộng đồng hòa hiệp làm sở duyên, vì thể ấy tương tợ đặc tính của cái ấy. Nhưnghòa hiệp chỉ là một thể tập hợp của các cực vi, không thể nói tướng của cái hòa hiệp dị biệt cực vi mà có tự thể hiện thực. Bởi vì khi nó bị chia chẻ từng chi phần, thì thức nhất định hiện tồn với ảnh tượng tương tự của nó. Vì vậy, căn bản không tồn tại nhất thể hòa hiệp thực sự như là ngoại cảnh, chỉ tồn tại hòa hiệp thể xuất hiện trên thức.
Lại nữa, có một dạng sở duyên không phải là loại trạng thái hòa hợp của cực vi, do các cực vi không có hành tướng đó. Vì trong trạng thái cộng đồng hòa hiệp cùng với khi chưa hiện tiền hòa hiệp, thể và tướng của cực vi vẫn là đồng nhất.Do đó, trong trạng thái cộng đồng hòa hiệp cực vi cũng như dạng khi chưa hiện tiền hòa hiệp, tất cả cực vi đều không phải là sở duyên của năm thức thân.
Hơn nữa, có những người khác chấp rằng: mỗi mỗi cực vi là phần vị không kết hợp, không phải căn sở năng thủ. Tuy nhiên với tính cách bắc cầu kết hợp gia tăng thành cơ sở thật chất, liền thành căn sở năng thủ. Nhưng trong trạng thái kết hợp hoặc không kết hợp, thể tính vô biệt của cực vi không tăng thêm bất cứ cái gì. Do đây, rốt ráo có thể là căn sở năng thủ, hay phi căn sở năng thủ?
Lại nữa, nếu chỉ chấp lấy tính cách bắc cầu nối kết của cực vi mà tác thành thức cảnh, thì trên thức sẽ không hội tụ sự hiện khởi hành tướng sai biệt của bình lọ, tường vách các thứ. Do bởi trong các cực vi không có những hành tướng đó.
Lại nữa, thức bất đồng với ảnh tượng, cảnh bất đồng với hành tướng, điều đó không hợp lý, nếu như vậy thì phạm lỗi thái quá[11].
Lại nữa, các cực vi như trụ v.v.. y trên thắng nghĩa tức không tồn tại, do vì cực vi có phương này, phương kia và phần vị trung gian.
Nếu không chấp nhận sự phân biệt này, thì cực vi sẽ không có sự sai biệt phương hướng đông, nam, tây, bắc v.v.. Y trên điều này, trạng thái cực vi cũng như thức là một dạng: không có tính chất ngại[12], không trụ phương sở[13], nếu như vậy phạm vào lỗi thái quá.
Như thế, ngoại cảnh không tồn tại, còn hành tướng của cảnh được sinh khởi không vượt ra ngoài thức, nên biết như mộng trong thức. Thọ v.v.. trong quá khứ và vị lai không thể dẫn sinh hành tướng đó[14]của thức, vì nó là pháp đã diệt, chưa sinh. Cho đến hiện tại của thọ v.v.. cũng không thể dẫn sinh hiện tại của thức. Bao gồm thọ các thứ trong phần vị khi chánh sinh, đều không tồn tại. Nếu sau khi đã sinh khởi, tức là thức cũng đã khởi hiện do hành tướng đó. Do đây, nó đều không có một chút tác dụng gì, ý thức cũng được sinh khởi từ vô sở duyên.
II. Ý NGHĨA GIẢ THÁC
1. Nạn vấn
Có ngoại đạo nêu lên nạn vấn sau đây: “Có vị khác nói, nếu tự ngã không tồn tại, sự giả thác trong các pháp hiện tiền không thể có. Vì cái giả thác được khái niệm phải y trên ba yếu tố[15], nếu khuyết giảm bất cứ yếu tố nào, thì không thể thành lập giả thác: 1. Cú nghĩa hiện tiền[16], 2. Cảnh vực tương tự[17], 3. Tính chất cộng thông[18].Như giả thác rằng “Thiếu niên này là lửa”, tất phải có lửa chân thực, có người tương tợ lửa, có tính cộng thông: tính chất vàng (màu da) hay tính chất nóng[19], thì giả thác “thiếu niên này là lửa” mới khả dĩ thành tựu.
Trong đây, hoặc y trên chủng loại, hoặc y trên thực vật, để giả thác rằng: thanh niên này là lửa, cảhai giả thác như là chủng loại và thực vật này đều bất thành.
Tính chất vàng và nhạy bén không phải là tínhchất chung của chủng loại. Khi không có tính chất cộng thông, thì loại giả thác được thiết lập y trên người thanh niên là phi lý, phạm vào lỗi thái quá.
Nạn vấn: mặc dù, loại lửa này không phải là pháp có tính cộng thông, nhưng do tính vàng và tính nhạy bén không tách biệt với lửa, do đây có thể xây dựng loại giả thác trên người thanh niên?
Đáp: Trong trường hợp không có tính cộng thông trong loại lửa này, nhưng nói tính vàng và tính nhạy bén có thể tìm thấy trên người thanh niên, vì tính không tách rời nhau, nên có thể giả thác; điều này phi lý.
Lại nữa, như nói tính vàng và tính nhạy bén không tách rời nhau, nên cũng không thể giả thác; bởi vì trên người thanh niên loại lửa cũng thật hữu, như chân hỏa.
Do đây có thể biết rằng, xây dựng loại giả thác này trên người thanh niên, là phi lý.
Sự giả thác y trên thực, lý cũng bất thành, vì không tồn tại pháp có tính chất cộng đồng[20]. Tức là phẩm tính của lửa, như tính nhạy bén, tính vàng không tồn tại trên người thanh niên. Tại sao như vậy? Bởi vì phẩm tính nhạy bén, vàng các thứ, nơi lửa và nơi người, tự thể của chúng khác biệt nhau. Tất cả dị biệt đều phụ thuộc vào sở y của nó. Do đây, nếu đã không có phẩm tính của lửa mà xây dựng giả thác này trên người thanh niên, sai lầm như đã nói trên.
Vấn nạn: Nếu nói, vì phẩm tính của lửa và của người tương tợ nên giả thác hợp lý?
Đáp: Quả thật, nếu phẩm tính của lửa, như tính nhạy bén, tính vàng, tương tự với phẩm tính trên người thanh niên, chẳng hạn như tính chất vàng, tính nhạy bén, thì giả thác này hợp lý. Nhưng giả thác này không phải nói trên người thanh niên. Bởi vì lửa không quan hệ gì với phẩm tính tương tự cả. Do vậy, giả thác này y trên thực, cũng phi lý.
Vả, giả thác tất y trên chân sự mà lập, điều này cũng không tồn tại. Bởi vì tự thân của chân sự ấy vốn siêu việt cảnh vực của hết thảy nhận thức và ngôn thuyết. Do sắc thái phẩm tính mà nhận thức và ngôn ngữ vận hành trong bản thể chứ không xúc chạm đến tự thân của bản thể. Nếu không phải như đây, phạm lỗi phẩm tính vô nghĩa[21].
Nếu không có nhận thức và ngôn ngữ, không có phương tiện nào để phán định bản chất của hiện thực nơi các khác.Do vậy, nếu tồn tại chủ thể tự tính của cảnh giới, tức là không có nhận thức và ngôn ngữ, vậy thì, cũng không thể nói chân sự tuyệt đối là tồn tại.
Cũng như không có chuỗi liên tục nơi âm thanh thì không có nhận thức và ngôn ngữ, cũng vậy, cái biểu đạt và cái được biểu đạt[22]không tồn tại nên cú nghĩa hiện thựccủa bản nhiên[23]cũng không tồn tại.
Lại nữa, tất cả hữu này, đều chỉ là tợ hữu, chứ không phải chân hữu. Vì tợ hữu giả danh, nên cái đó[24]không thật sự hoạt động.
Hết thảy âm thanh không được tìm thấy trong tự tính (=bản thể) nhưng hoạt động với hình thái phẩm tính[25]. Do đó, chân sự tuyệt đối phi hữu.
Do đây có thể biết rằng, có người vấn nạn: “Nếu không tồn tại thực ngã, thực pháp, thì sự giả thác không hợp lý”, điều này phi lý.
III. THỨC BIẾN
Hình thái biến thái của thức tuy vô lượng , nhưng loại biệt của thức biến thái chỉ có ba, do đó tụng nói:
“Sự biến thái này có ba dạng”. /1d/[26]
Y chỉ thức biến thái này mà có giả thác ngã, giả thác pháp các thứ. Lại nữa, thức biến thái này do bởi tồn tại của nhân và tồn tại của quả mà có bất đồng.
Sự biến thái bởi nhân, đó là sự trưởng dưỡng của hai tập khí dị thục và đẳng lưu trong thức a-lại-da.
Sự biến thái bởi quả, đó là sự hiện thành của thức A-lại-da trong các chúng đồng phần được thành mãn do sự chiêu cảm của nghiệp quá khứ, khi tập khí của dị thục đạt đến trạng thái hoạt động. Đó cũng là sự hiện thành từ thức A-lại-da của các chuyển thức và ý nhiễm ô (thức thứ bảy) do tập khí của đẳng lưu đạt đến trạng thái hoạt động.
Chuyển thức thiện và bất thiện trầm tích trong A-lại-da thành tập khí dị thục và tập khí đẳng lưu. Duy chỉ ý nhiễm ô (mạt-na) thuộc tính vô ký thành tập khí đẳng lưu.
Trên đã nói, hình thái biến thái của thức tuy vô lượng, nhưng loại biệt của thức biến thái chỉ có ba, nay vì nêu rõ loại biệt của nó, tụng nói:
“Đó là dị thục, tư duy và sự thông tri đối tượng”[27]
Như vậy, ba dạng loại biệt của biến thái được nói là: dị thục, tư duy và sự thông tri đối tượng.
Ở đây, do thế lực của tập khí đã chín muồi của nghiệp thiện và bất thiện, theo đó mà dẫn đến sự hình thành kết quả, đó là dị thục.
Ý ô nhiễm[28], do tự thể của nó là thường xuyên tư duy quán sát nên nói là tư duy.
Do làm hiển hiện các đối tượng như sắc v.v. sáu hình thái nhận thức như mắt v.v. được nói là sự thông tri (khu biệt) đối tượng (liễu biệt cảnh).
CHƯƠNG II. THỨC A-LẠI-DA
Các đặc tính của chúng nếu không được thảo luận chi tiết, sẽ gây ra sự khó hiểu. Do vậy, sau đây tuần tự minh giải các đặc tính của nó, tụng nói:
“Ở đây, thức được gọi là A-lại-da,
Dị thục, nhất thiết chủng”. //2cd/[29]
I. ĐỊNH DANH
Nói là “ở đây”[30]: tức chỉ trong ba dạng loại biệt của biến thái được nói ở trên.
Nói là “A-lại-da”: tức nó được gọi là A-lại-da thức. Thức ấy chính là biến thái dị thục.
Ở đây, vì nó là trú xứ cho hạt giống của tất cả pháp tạp nhiễm, nên được gọi là a-lại-da. A-lại-da đồng nghĩa với trú xứ[31].
Hoặc trong trạng thái như là kết quả, các pháp được cất giấu, được an trí trong đó. Hoặc trong trong thái như là nguyên nhân, nó được cất giấu, được an trí trong tất cả các pháp.
Nó nhận thức khu biệt, nên gọi là thức.
Vì là trạng thái đã chín muồi của nghiệp thiện và bất thiên trong các giới, các thú (định hướng), các sinh loại và các chủng loại, nó được gọi là dị thục.
Nhất thiết chủng, vì là sở y chohạt giống của tất cả các pháp.
A-lại-da thức và các chuyển thức tồn tại ngoại biệt, nên nói là do sở duyên và hành tướng. Vì không có sở duyên, không có hành tướng, thức không thể đắc thành. Cũng vậy, không có sở duyên và không có hành tướng này, thì không thể phân biệt. Tại sao? Vì sở duyên không bị gián đoạn.
Vì nguyên nhân gì? Do thức A-lại-da có hai loại hoạt động: 1. Nội hữu, chấp thủ thông tin (liễu biệt); 2. Ngoại hữu, nhận thức thế giới tự nhiên[32]hành tướng không bị đứt quãng.
Trong đây, nội chấp thủ: tức là ái trước tập khí của tính thể tự hữu cái cấu trúc toàn diện; nó là sở y của sắc căn và danh. Vì nó là sở duyên cực kỳ vi tế.
II. HÀNH TƯỚNG VÀ SỞ DUYÊN
Tụng nói:
Nó là cơ sở sinh mạng và nócũng là cái thông tin về sự tồn tại của thế giới, vốn là những điều không thể biết//3ab//
Nó là cái mà trong nó tồn tại cơ sở của sinh mạng, cơ sở ấy là điều không thể biết và sự nhận thức về thế giới tồn tại[33], cũng là điều không thể biết; cái đó chính là A-lại-da, nó chính là cơ sở sinh mạng và nó thông tri về sự tồn tại của thế giới, mà cả hai đều bất khả tri.
Cơ sở sinh mạng:tức thủ[34]. Nó là tập khí của cấu trúc ngôn ngữnhưngãv.v… vàtập khí của cấu trúc ngôn ngữ nhưsắc v.v… Do sự tồn tại tập khí ấy, thức A-lại-da trong trạng thái như là kết quả, tiếp thu sự cấu trúc ngã và cấu trúc sắc. Tập khí của những sự cấu trúc ngã và cấu trúc sắc ấy được gọi là cơ sở sinh mạng.
Lại nữa, chấp thọ là chấp thủ sở y. Sở y là tự thể[35]; nó là y xứ của nó là sắc căn và danh.
Chấp thủ tức thu nhận, cùng chịu chung một quy luật; cái chấp thủ như vậy là cơ sở sinh mạng.
Ở đây, nó chấp thủ danh sắc trong cả hai giới: dục giới, sắc giới. Tại vô sắc giới, nó lìa tính chất sắc tham, không sinh khởi[36]cấu trúc sắc, chỉ chấp thủ danh.
Do đây tuy vẫn còn phần vị tập khí nhưng nó đối với sắc không có phần vị cấu trúc ngôn ngữ.
Lại nữa, nó chấp thủ đặc tính của sở thọ, nhưng không thể đắc. Do đó, gọi là bất khả tri.
Nhận thức về (thông tri về) y xứ, đó là sự thông tri về vị trí (trạng huống) an bài của thế giới tự nhiên. Vì không có sự khu biệt về đối tượng và hình thái nhận thức của nó, nên sự thông tri ấy được nói là bất khả tri.
Tại sao sở duyên của thức đạt được sự không gián đoạn? Vì thức cùng với những cái khác, cũng như diệt tận định các thứ, phần vị của chúng đồng tính. Nếu không có phần vị này của diệt tận định và thức, thì không thể có thông hành. Chánh lý về Diệt tận định như trong kinh Diệt tận[37]đã đề cập.
III. TÂM SỞ TƯƠNG ƯNG
Như đã nói: “Ở đây, thức được gọi là A-lại-da”[38], nhưng vì thức nhất định phải tương ưng với tâm sở, nên nói thức này có chủng loại tâm sở gì và tương ưng với bao nhiêu tâm sở? Nó có thường tương ưng với tất cả chúng không?
Tụng nói:
“Luôn luôn đi theo nó là xúc,
Tác ý, thọ, tưởng, tư” //3cd//[39].
Nói là “luôn luôn”[40]: tùy thuận với sự tồn tại của thức A-lại-da mà câu khởi với năm pháp biến hành đó là xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư.
Cảm thọ đồng nghĩa với thọ[41].
Trong đây, do bởi tổ hợp ba xúc là sự phán đoán về biến đổi của căn; chức năng của nó là sở y của thọ.
Trong trạng thái là nhân cũng như trong trạng thái là quả, sự cộng đồng tồn tại của căn, cảnh và thức là tổ hợp ba.
Khi tổ hợp ba đang tồn tại, đồng thời với nó là sự biến dạng của căn tùy theo các cảm thọ khổ lạc v.v…Xúc chính là sự biến dạng ấy, mà tương tự với sự biến dạng ấy là sự phán đoán các hình thái được cảm thọ như khổ lạc v.v… của đối tượng.
Sự kiện mà do bởi đó căn xuất hiện như là nguyên nhân của khổ lạc các thứ; sự kiện đó là sự biến dạng của căn.
Lại nữa, xúc này do tương đồng với sự biến dị của căn, hoặc hoặc căn năng xúc, hoặc căn sở xúc, đó gọi là xúc.
Do vậy, đây chính xác là do sự biến dị của thức thông tri khu biệt đối tượng, lấy nó làm tự tính. Cho nên gọi là biến dị phân biện của căn.
Nghiệp dụng của nó nhất định lấy thọ làm sở y tính.
Như Kinh nói:cảm thọ lạc phát sinh do duyên đến xúc mang tính chất cảm thọ lạc.
Tác ý: là vận dụng của tâm. Vận dụng tức chuyển hướng. Vì nó hướng tâm trên đối tượng.
Chức năng của nó là duy trì tâm trên đối tượng. Chức năng duy trì tâm trên đối tượng tức là thường xuyên dẫn tâm trên đối tượng. Chức năng đó quyết định đối tượng cho dòng tương tục của tâm.
Do đó, tuy nó có chức năng quyết định đối tượng cho dòng tương tục của tâm, nhưng chức năng này được nói từ nghĩa đặc thù của tác ý, thảy đều là phi sát-na tâm. Tại sao? Bởi vì nó chỉ có tác dụng tại mỗi một sát-na, chứ không có tác dụng trong các sát-na khác.
Thọ, có tự thể là cảm nghiệm.
Lại nữa, đó là trực tiếp cảm thọ hình thái đối tượng thuận, đối tượng nghịch, và đối tượng có tự thể viễn ly hai hành tướng này. Từ sự sai biệt này, phân thành ba loại: lạc, khổ, bất khổ bất lạc.
Nhưng mà có người nghĩ rằng: “Cảm nghiệm, tức là mỗi người lãnh thọ cá biệt quả dị thục của thiện nghiệp, bất thiện nghiệp. Trong đây, quả dị thục của thiện nghiệp, gọi là cảm nghiệm lạc; quả dị thục của bất thiện nghiệm, gọi là cảm nghiệm khổ; quả dị thục của cả hai loại này, gọi là cảm nghiệm không khổ không lạc.
Lại nữa, trong đây, thức A-lại-da, duy chỉ có quả dị thục của thiện nghiệp, quả dị thục của bất thiện nghiệp.
Thức A-lại-da ấy chỉ tương ưng với xả thọ, căn cứ từ thắng nghĩa mà nói thực tế là quả dị thục của thiện, bất thiện nghiệp.
Nhưng mà, hai thọ khổ và lạc là dị thục sinh, y thiện nghiệp, bất thiện nghiệp; do đây, cũng được giả thác là dị thục.
Trong đây, sau khi cảm nghiệm lạc sinh khởi, lìa xa bất dục; khi nó đã diệt rồi, hy vọng dục này được tái hòa hợp sinh trở lại.
Nhưng sau khi cảm nghiệm khổ sinh khởi, tức lìa xa dục, khi nó đã diệt rồi, không hy vọng dục này tái hòa hợp sinh khởi lại.
Cho đến sau khi cảm nghiệm không khổ không lạc sinh khởi, tức cả hai loại ly, hợp của dục đều bất sinh.
Tưởng, là sự nắm bắt dấu hiệu nơi đối tượng.
Đối tượng: đồng nghĩa với sở duyên.
Dấu hiệu: tức là những sai biệt của nó, cũng tức là an lập sở duyên được căn cứ như xanh, vàng các thứ.
Do sự bắt nắm dấu hiệu, nên có thể quyết định: “Đây là màu xanh, mà không phải màu vàng”.
Tư, là cái tác động tâm và phát động ý. Khi nó khởi động, như chỗ nào có từ thạch thì các loại sắc bị hút về đó; nên nhờ có tác ý này khiến tâm di động hướng đến sở duyên.
Thọ có ba loại: lạc, khổ, không khổ không lạc.
Pháp có bốn loại: thiện, bất thiện, vô phú vô kí, hữu phú vô kí.
Trong đây, do nơi thức A-lại-da, tổng thuyết có thọ, trong ba loại thọ trên, không biết thuộc vào loại thọ nào? Như thế nó là thiện hay bất thiện? Là vô phú vô kí hay hữu phú vô kí? Cũng chưa được biết rõ...
______________________
[2]ātmadharmopacāro hi vividho yaḥ pravartate | 1ab. Tib. bdag dang chos su nyer 'dogs pa/ /sna tshogs dag ni gang byung ba/ /
[3]vijñānapariṇāme 'sau | 1c
[4]Thích từ: vividha
[5]Thích từ: pariṇāma
[6]vilakṣaṇaḥ(dị tướng, bất ly tướng): không tách lìa hình thái, hay không dị biệt đặc điểm.
[7]sợi lông và các vòng
[8]abhāvaprasaṅgān
[9]Yujyate, không tương ưng, không đắc thành, không hợp lý, không thể chứng minh, không phù hợp.
[10]Parikalpitasvabhāva: phân bố cấu trúc do yếu tính tự hữu, do tính thể tồn tại cá biệt.
[11]atiprasaṅga: lỗi đại quá, lỗi bất định. Cf. Nyāyabiṇḍuṭīka, 89.2 Stcherbatsky, Buddhist Logic II, 239, n.1: atiprasaṅgāt: “because of an over-deduction ad absurdum; the term is used when the deduction implies giving up of every uniformity and the possibility of everything.”
[12]Amūrtatvam: Chất ngại, tính chất cố kết, hữu hình
[13]adeśasthatvañ: Có phương sở, phương phần hay vị trí và phần vị hay thành phần.
[14]Tadākāra: bỉ hành tường, thay thế cho thọ v.v..
[15]Ba yếu tố để thành giả thác: chân sự (mukhyapadārtha), tợ sự (tatsadṛśa-viṣaya), và cộng pháp(sādhāraṇa-dharma).
[16]Cú nghĩa hiện tiền (mukhyapadārtha), phạm trù tồn tại, một người hay một vật cần được mô tả hay ám chỉ đang hiện diện.
[17]Cảnh vực tương tự (tatsadṛśa-viṣaya), vật tương tự được dùng để ám chỉ.
[18]Cộng pháp (sādhāraṇa-dharma), tính chất chung hay tính chất cộng thông giữa người hay vật được ám chỉ mô tả và người hay vật được dùng để ám chỉ, mô tả.
[19]Thành duy thức: có tính chất nóng và đỏ, 猛赤. Sthiramati: kapilatve tīkṣṇatve vā, tính chất vàng (màu da) hay nóng
[20]Pháp có tính chất cộng đồng.
[21]guṇavaiyarthyaprasaṅgaḥ
[22]Năng thuyên và sở thuyên.
[23]Chân sự
[24]Chủng chủng
[25]Nghĩa là âm thanh được nhận thức với cộng tướng chứ không với tự tướng; nhận thức trong chuỗi liên tục của nó.
[26]pariṇāmaḥ sa ca tridhā || 1d, tib. zhes bya ba smos so/ /
[27]vipāko mananākhyaś ca vijñaptir viṣayasya ca | 2ab; Tib. rnam par smin dang ngar sems dang/ /yul la rnam par rig pa'o/ /zhes bya ba smos so/ /
[28]Chỉ thức thứ bảy
[29]tatrālayākhyaṃ vijñānaṃ vipākaḥ sarvabījakam /2cd/
[30]Thích từ tatra
[31]Nguyên nghĩa, ālaya chỉ cho cai nhà, chỗ trú ẩn, do đó Hán cũng có khi dịch là quật trạch (hang ổ). Về tạp nhiểm, Khuy Cơ: tiếng Phạn là tăng-cát-lệ-thước (sāṃkleśika).
[32](khí thế giới, bhājanavijñapti)
[33]Sự thông tri về xứ sở.
[34] (chấp thủ, trong thủ uẩn)
[35](thân thể, Tib. lus)
[36]Na-abhi-nir-√vṛt, abhinirvṛtta
[37]sūtravirodhāc
[38]tatrālayākhyaṃ vijñānam (2c)
[39]sadā sparśamanaskāravitsaṃjñācetanānvitam 3cd; rtag tu reg dang yid byed dang/ /reg dang 'du shis sems par ldan/ /
[40]Thích từ: iti, thường.
[41]vit = vedanā
- Từ khóa :
- Phước Nguyên