CÀ PHÊ và THIỀN
Nguyên Giác
Theo truyền thống sách vở, hình như gắn liền với Thiền là trà, chớ không phải cà phê. Bởi vì, theo truyền thuyết, và hình như có nhiều sách ghi lại, rằng Ngài Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Quốc để truyền bá pháp môn Thiền Tông, nhưng thấy chưa ai có thể hiểu được, nên lên một ngôi chùa trên núi để ngồi thiền, ngó vách đá trong chín năm; sách ghi rằng, có lúc Ngài ngủ gục, liền cắt mí mắt, rơi xuống thành cây trà. Sau này, các sư uống trà để tỉnh ngủ.
Truyền thuyết vậy thôi. Bởi vì, một nhà sư Ấn Độ sang Trung Hoa để khai sáng Thiền Tông, nói những lời trí tuệ bát ngát, sao lại có chuyện ngủ gục trong khi ngồi thiền. Phải chăng, Bồ Đề Đạt Ma muốn bày trò cho các nhà sư tập lấy quyết tâm chống buồn ngủ. Và rồi, cắt mi mắt cho mọc thành cây trà cũng là một màn biểu diễn thần thông… Thực tế, trà không dính gì với Thiền; nhưng có thể nhìn cách khác, Thiền sẽ dính tới tất cả, vì Thiền là sống trọn cái toàn thể, toàn dụng, là đi đứng nằm ngồi trong tỉnh thức.
Thời này là thời cà phê. Hồi chiều Chủ Nhật, trong khi chờ xem lễ trao Giải Oscars trên đài ABC, tôi bấm trúng một làn sóng tiếng Việt, lúc đó thấy đoạn cuối một bản tin ngắn về cà phê Thiền ở Hà Nội. Một tiệm đúng là cà phê Thiền, vì nhìn lên tường thấy có hình Đức Phật, trên bàn có vườn Thiền bằng cát thu nhỏ kiểu Nhật Bản. Tiệm thứ nhì hình như không thuần túy, vì ngó lên tường thấy có tranh Bát Tiên của Trung Hoa; có thể là liên hệ tới Lão giáo hay võ phái, nhưng không biết chắc, vì hình chiếu thoáng qua có mấy giây… Hiển nhiên, đây là một bước tiến lớn của xã hội. Trước giờ, chỉ nghe chuyện về các quán cà phê Thiền ở Sài Gòn, ở Đà Lạt… Khi thủ đô Hà Nội chuyển mình, cả nước rồi sẽ thay đổi.
Tôi nhớ về một Sài Gòn với cà phê: nhiều thập niên trước, làm gì có chuyện quán cà phê Thiền.
Cũng để ngưng một chút: lúc đó, tôi chợt thắc mắc về khả năng nhớ của mình. Bất chợt nhớ, hẳn là công năng của tiềm thức hay vô thức gì đó, không phải tự ý chủ động nhớ -- tiếng Anh gọi là “the latent tendencies.” Nhưng rồi tôi tự nhủ, phải quay lại xem đài ABC để khuya nay còn viết bản tin về Giải Oscars. Và rồi thắc mắc, nãy giờ, mình vừa dao động giữa vô thức và tỉnh giác nhiều lần, trên nguyên tắc là dao động giữa rất nhiều niệm, vì luận Abhidhamma nói rằng mỗi niệm sinh và diệt là gồm 7 niệm vi tế (hay 16 niệm vi tế? Chỗ này không nhớ chính xác). Tự nghĩ, như thế, vô thức có một chiều sâu nối kết ký ức mạnh như thế, mới biết rằng tu không dễ, vì vô thức thường khởi lên bất ngờ những ký ức tầm bậy, hay hình ảnh đau đớn (cũng là lý do, nhiều chiến binh Mỹ trở về từ Iraq và bị hình ảnh bom đạn chết chóc ám ảnh tới bệnh).
Để nói tiếp chuyện cà phê. Thỉnh thoảng, hồi nhỏ, tôi được ba dẫn ra tiệm cà phê ở góc Lê Văn Duyệt/Tô Hiến Thành ngồi uống cà phê, ăn sáng. Những lúc đó là rạng sáng, khoảng 5 hay 6 giờ sáng, và tôi sửa soạn đạp xe đạp lên sân Hoa Lư tập thể dục. Đó là hồi trung học đệ nhất cấp, cả lớp mỗi tuần phải tới sân Hoa Lư tập thể dục, thường là đá banh. Tôi nhớ ly cà phê thiệt ra không có vị gì như bây giờ, vì đó là cà phê vợt của tiệm hủ tiếu. Có vẻ như có mùi khen khét, theo tôi nhớ. Giờ đó lúc nào cũng có mấy bác xích lô ngồi gần, đổ ly cà phê ra dĩa cho nguội.
Cà phê là một phần đời của Sài Gòn, vì nhìn đâu cũng thấy cà phê. Từ quán cóc, tới quán nhạc; từ cà phê vợt, tới cà phê phin. Nhưng thời đó, làm gì có cà phê Thiền. Do vậy, bây giờ phải chăng đã chú trọng nhiều hơn, hay là cần hơn, một pháp an tâm?
Thực sự không rõ. Có lẽ, cần có một thống kê xã hội.
Cà phê với tôi đôi khi gắn liền với văn chương, chớ không gắn liền với Thiền. Thời trung học, khi học thi, là cần tới cà phê mới tỉnh. Có lẽ, lúc đó, uống kiểu đó, không tinh tế như các bạn trẻ bây giờ ngồi uống ở các quán cà phê Thiền. Vì uống kiểu như tôi thời nhỏ, làm gì có chuyện, thử ghi bằng thơ:
nâng lên trong tỉnh giác tay cầm tách nhẹ nhàng, khói bay như cánh hạc len vào kinh từng trang.
Rất nhiều nhà văn có kỷ niệm với cà phê. Có khi xao động, có khi trầm tư, có khi thực tiễn.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác trong truyện ngắn “Dốc Nhân Sinh” khởi đầu truyện bằng đoạn sau đây:
“Sau khi có lệnh cấm ngặt các quán cà phê không được mở nhạc tiền chiến, nhạc disco, và một số chủ quán cà phê ở đường Trần Quang Khải bị đưa ra tòa, khu vực này chết lặng như một vùng mộ. Người qua đường nghe trở lại tiếng lách cách của những trái me chín khô va chạm vào nhau, và lại bồi hồi xúc động ngắm những giọt lá me vàng bay nghiêng, bay nghiêng. Chị phu quét đường ngập ngừng không nỡ đưa nhanh nhát chổi. Lâu lâu gió trái chứng đổi hướng, lá me chao liệng rồi bay tạt vào quán vắng.”
Cà phê, cà phê... cũng có lúc xao động như thế.
Hay như nhà văn Võ Phiến trong tùy bút “Giọt Cà Phê” đã ghi nhận hình ảnh:
“...Hai chân len lén rút ra khỏi đôi giày da chật chội, đạp trên chiếc ghế con bỏ trống bên cạnh, hay gác lên bờ tường thấp, ngã người trên lưng ghế, ngước nhìn lên trời (bầu trời vắng vẻ cao vời vợi), từ từ đảo mắt quan sát xung quanh một cách biếng nhác (trong khoảng sân của quán cà-phê lộ thiên từng nhóm từng nhóm tự khép lại như những ốc đảo riêng biệt), trên bàn phin cốc đã sẵn, bình thủy nước sôi đã sẵn, ta ngồi chờ... Bấy giờ, cứ một giọt cà-phê rụng xuống là trăm nghìn câu chuyện cũ dâng lên trong ký ức, lan man bất tuyệt...
Cà-phê rụng xuống không vội vã, ồ không! Một giọt cà-phê biết tự trọng không bao giờ vội vã. Dù cho giữa khung cảnh sinh hoạt hấp tấp tơi bời của đô thị văn minh ngày nay, giọt cà-phê chân chính vẫn bình tĩnh thong thả tụ hình, đắn đo, đủng đỉnh lắc lư, suy tư, chán chê rồi bấy giờ mới chịu buông mình xuống tách. Về cái phong thái đĩnh đạc cẩn trọng, dám chắc những giọt cà-phê của thế hệ hôm nay không có gì để hổ thẹn với những giọt cà-phê tiền bối năm ba thế kỷ trước…”
Có một thói quen từ xa xưa, hễ tôi ngồi quán cà phê là tay phải cầm sách. Dĩ nhiên, xã hội bắt mình phải học, phải đọc liên tục. Bây giờ cũng quen rồi.
Tôi nghĩ rằng các quán cà phê Thiền ở Việt Nam nên để sẵn trên bàn những cuốn sách về Thiền -- đặc biệt là những cuốn sách viết rất cận nhân tình, thực dụng, có thể áp dụng tức khắc (và cả lâu dài).
Và phải chi, có một đại gia nào có lòng với Thiền, hãy mua các sách thiền cần thiết để tặng cho tất cả các tiệm cà phê Thiền tại Việt Nam.
Nếu hỏi tôi rằng, nên tặng sách nào cho các quán cà phê Thiền?
Nếu kể đầy đủ, hẳn là phải kể tên rất nhiều tác giả.
Nhưng nếu phải nói lên ý riêng (và ý riêng, không hẳn phù hợp với tất cả độc giả), tôi sẽ do dự. Ý tôi muốn nói rằng, đó là sách theo sở thích riêng. Thí dụ, Thiền để giữ sức khỏe, để an lạc, để trí tuệ minh mẫn, để tâm xa lìa hay để giảm bớt tham sân si...
Bây giờ, mời bạn đọc mấy đoạn văn này, trích từ một cuốn sách:
“Khi cơ thể đã chùng xuống, đã giãn cơ, tức giảm tiêu hao năng lượng một cách đáng kể rồi thì cũng sẽ thấy bớt cần thiết phải cung cấp các dưỡng chất qua thức ăn như glucid, lipid, protid… vốn là nguồn tạo năng lượng! Ăn ít đi mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể đỡ vất vả, các tế bào đỡ hùng hục làm việc, tinh thần sẽ sảng khoái. Các nghiên cứu gần đây cho thấy các sinh vật bị cho nhịn đói vừa phải thì sẽ sống lâu hơn và trẻ hơn. Do vậy mà các thiền giả không có nhiều nhu cầu về các chất dinh dưỡng được cung cấp bởi thức ăn! Ta thấy giới, định và tuệ gắn bó chặt chẽ với nhau như một tam giác cân, tác động hai chiều là vậy!
Danh y Tuệ Tĩnh, thế kỷ XIV ở nước ta đã đúc kết một lời khuyên: “Bế tinh- Dưỡng khí- Tồn thần / Thanh tâm- Quả dục- Thủ chân- Luyện hình” . Thử nhìn lại đời sống hiện nay ta thấy: tinh không bế, khí không dưỡng, thần không tồn, tâm náo loạn… bảo sao các hiện tượng tâm thần, tự tử, béo phì, tiểu đường, huyết áp… kể cả chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai… chẳng ngày một gia tăng?
Đời sống tiết độ, tri túc, kham nhẫn, chánh niệm, tỉnh giác.. phải chăng có thể góp phần giải quyết những vấn đề sức khỏe thời đại và bảo vệ môi trường sống của chúng ta hôm nay?
Đừng tìm đâu cho mất công. Hãy quay về nương tựa chính mình. Quả đúng như vậy. Bởi nói cho cùng, ai có thể “thở” giùm ai? Ai có thể “thiền” giùm ai?”(hết trích)
Vâng, đó là từ cuốn “Thiền Và Sức Khỏe” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Sách này đã tái bản mấy lần, tức là, ích lợi vô cùng tận (xin ca ngợi hết lời, vì lòng mình không ngăn được).
Có một cuốn sách nữa, tôi ưa thích là cuốn “Cõi Phật Đâu Xa” cũng của Đỗ Hồng Ngọc.
Phải chi văn học Thiền gần gũi như thế, sẽ giúp cho xã hội bình an hơn, người người an lạc hơn, giảm đủ thứ bệnh...
Tôi không nhớ cà phê có liên hệ gì tới nhà văn họ Đỗ. Tôi chỉ ước mơ rằng, phải chi thời mới tập uống cà phê đã đọc được những sách này.
Lúc đó, tôi sẽ trầm lắng hơn, sẽ nhìn khói bay trên tách cà phê kỹ hơn, sẽ ngấm từng ngụm ít hơn và sẽ cảm nhận hương vị cà phê kỹ hơn.
Bây giờ, nếu có ai hỏi cà phê Việt Nam thế nào, tôi sẽ nói rằng không biết... vì thời xưa tôi uống không hề cảm nhận trong chánh niệm tỉnh giác, và có khi chỉ ngồi cãi nhau với bạn bè về những câu thơ nào bên trời Tây.
Và bây giờ, nơi phương xa, tôi nhớ cà phê quê nhà. Phải chi, lúc đó, mình vừa ngấm từng ngụm, vừa thở rất dịu dàng...
- Từ khóa :
- Nguyên Giác