Thầy Nhất Hạnh giảng kinh Pháp Hoa
Nhà xuất bản Lá Bối 2001
Không như kinh Duy Ma, kinh Pháp Hoa có nhiều nguyên bản bằng tiếng Phạn còn được duy trì cho tới ngày nay. Người ta tìm được rất nhiều bản Phạn ngữ từ Nepal, Kashmir (Pakistan), và từ Trung Á (Central Asia). Cũng có bản được tìm thấy ở Tây Tạng, và gần đây có một bản được tìm ra ở Khotan (còn gọi là Kustana ở Turkestan, trung tâm Phật giáo phồn thịnh nhất ở Trung Á cho đến khi bị người Hồi xâm chiếm. Đạo Bụt được du nhập vào đất này từ khoảng thế kỷ thứ hai trước tây lịch).
Về bản dịch bằng tiếng Hán, nghe nói tất cả có đến 17 bản. Có những bản dịch đủ, có những bản dịch thiếu, nhưng trong Đại Tạng, bây giờ chỉ có ba bản là đầy đủ, và bản dịch lưu loát nhất là bản dịch của thầy Cưu-Ma La-Thập (KumẠrajiva). Khi đọc tác phẩm Đại Trí Độ Luận của Thầy Long Thọ, ta thấy rằng bản kinh Pháp Hoa mà Thầy Long Thọ sử dụng là một bản nằm giữa bản của Thầy La Thập dịch và bản của Thầy Pháp Hộ dịch, tên là Chánh Pháp Hoa Kinh. Khi nghiên cứu hai bản này bằng chữ Hán, ta thấy bản mà chúng ta đọc ở trong Đại Trí Độ Luận, tuổi tác của nó nằm giữa nguyên bản tiếng Phạn mà thầy La Thập dùng, và nguyên bản tiếng Phạn mà thầy Pháp Hộ dùng.
Nên biết rằng có nhiều nguyên bản tiếng Phạn của kinh Pháp Hoa, có những bản còn trẻ, có bản đã rất già. Kinh Pháp Hoa đã mọc lên như một cây đại thụ, và các thầy đã dịch từ những nguyên bản khác nhau, Thầy Cưu-Ma-La-Thập căn cứ vào một bản, còn thầy Pháp Hộ dịch từ một bản khác.
Đứng
về phương diện thể tài tức là hình thức trình bày, thì
kinh Pháp Hoa cũng thừa hưởng được hình thức của kinh Duy
Ma, nghĩa là trình bày như là một vở kịch, có nhiều màn
khác nhau, rất là hấp dẫn. Có thể còn hấp dẫn hơn
kinh Duy Ma nữa, vì những màn kịch trong kinh Pháp Hoa dễ hiểu
hơn, và kinh Pháp Hoa sử dụng rất nhiều ví dụ. Nghe
lý thuyết cao siêu lâu quá thì đại chúng thường mỏi mệt,
vì vậy mà ví dụ vừa hay, vừa hấp dẫn và vừa dễ hiểu
thì người nghe dễ thâu nhận hơn. Đó là một lợi điểm
của kinh Pháp Hoa.
Trước hết chúng ta hãy vào viếng phẩm thứ nhất, tức là Phẩm Tựa. Ta có thể gọi phẩm này là Phẩm Tổng Tự (General Introduction). Phẩm này là một cửa ngõ để ta đi vào kinh Pháp Hoa, mở ra cho ta thấy cái không khí, cái khung cảnh trong đó kinh Pháp Hoa được thuyết giảng. Ta đã biết rằng trên bình diện tổng quát, kinh có thể được chia ra làm hai phần, một có dính líu nhiều đến Đức Bụt của lịch sử, mà người xưa thường gọi là Tích môn. Tích là những gì đã xảy ra trong thời gian, như trong danh từ di tích. Phần thứ hai nói về chân lý muôn đời, về giáo pháp vượt khỏi thời gian và không gian, trình bày cái bản chất của Pháp, gọi là Bản môn.
Khi
Hội Pháp Hoa diễn ra trên Núi Thứu, ta biết nó đã xảy ra
trong Tích môn, và khi sự chú ý của đại chúng đưa lên không
gian, thì ta biết rằng kinh đang trình bày Bản môn. Ta
có thể nói rằng Tích môn là đứng về mặt hiện tượng
mà nói, như sóng biển, còn Bản môn là đứng về phương
diện bản thể mà nói, như nước biển. Trong lĩnh
vực của Tích môn thì Bụt chỉ sống có 80 năm, nhưng trong
lĩnh vực của Bản môn thì Ngài sống muôn đời. Nói
vậy là đơn giản hóa để chúng ta dễ hiểu. Bài tựa
này không phải là bài tựa riêng cho Tích môn mà là cho cả
Bản môn nữa, cho nên ta gọi là tổng tự.
Trong
phẩm tựa này ta thấy Bụt đang ở Núi Thứu, gần thành Vương
Xá. Hôm đó có mười hai ngàn khất sĩ và sáu ngàn nữ
khất sĩ, trong đó có mẹ của La Hầu La, cùng với rất nhiều
đại Bồ Tát cùng về tham dự Đại Hội Pháp Hoa.
Trong những kinh Đại Thừa xuất hiện lúc ban đầu mà ta gọi là Đại Thừa Nguyên Thủy, ta thấy số các vị Bồ Tát tham dự còn ít, còn số các vị Thanh văn thì nhiều. Từ từ, trong những kinh điển xuất hiện sau đó, số lượng các vị Bồ Tát nhiều lên và số lượng các vị Thanh văn ít lại. Cho nên chỉ căn cứ vào dữ kiện này thôi, ta cũng biết được tuổi của các kinh Đại Thừa.
Ngoài các vị kể trên, còn có các vị Thiên tử, Vua Trời, Long Vương, Khẩn-Na-La-Vương, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, tức là có rất nhiều giới có mặt tại Hội Pháp Hoa. Lúc đó cũng có Vua AjẠtaỐatru tức là Vua A- Xà-Thế, con của bà Vi-Đề-Hy đến tham dự. Chi tiết này cho ta thấy rằng Bụt đã nói kinh Pháp Hoa vào khoảng thời gian lúc Ngài gần nhập diệt, vì lúc đó Vua Tần-Bà-Xa-La (BimbisẠra), vua xứ Ma-kiệt-đà (Magadha) đã qua đời và con Vua là Vua A-Xà-Thế có mặt. Hôm đó Bụt nói một kinh Đại Thừa gọi là kinh Vô Lượng Nghĩa. Sau khi nói xong kinh này thì Bụt nhập vào một chánh định, một Samyak-SamẠdhi gọi là Vô Lượng Nghĩa Xứ. Trong định ấy, Bụt phóng ra một luồng hào quang từ giữa chặn lông mày, chiếu sáng khắp tất cả các cõi phương Đông, chiếu luôn tới địa ngục A Tì, và phía trên thì chiếu suốt thấu tới trời Sắc Cứu Cánh. Trong lúc đó tất cả đại chúng bao quanh Bụt đều thấy những cõi ấy hiện ra rất rõ ràng, và ai ai cũng lấy làm ngạc nhiên vì những mầu nhiệm đang xảy ra quanh mình. Họ thấy tất cả các cõi ấy, và thấy các đức Bụt trong các cõi ấy đang thuyết pháp. Họ còn thấy luôn đại chúng ở các cõi ấy, có đủ khất sĩ, nữ khất sĩ, cận sự nam, cận sự nữ, mọi người đang thính pháp, và đang thực tập giống hệt như ở cõi ta bà.
Khi hiện tượng mầu nhiệm đó xảy ra thì Bồ Tát Di Lặc, tiếng Phạn là Maitreya, Ngài còn có tên là Năng-Vô-Thắng (Ajita) thầm nói, hôm nay chắc là đức Thế Tôn sắp làm một điều gì rất đặc biệt, nên Ngài mới phóng hào quang và làm ra phép lạ này. Lúc đó Bồ Tát Di Lặc mới nghĩ rằng muốn biết có điều gì sẽ xảy ra hôm nay thì ta nên hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi (MaựjuỐrỉ Bodhisattva), vì Bồ Tát đã từng gần gũi với Bụt và cũng đã từng phụng sự vô lượng vô số Bụt trong các đời quá khứ. Thế nào Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử cũng có thể nói cho mình nghe điều gì sắp xảy ra. Nghĩ vậy, Bồ Tát Di Lặc liền tới gần Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi và hỏi: Thưa Bồ Tát, hôm nay vì lý do gì mà Bụt hiện thần biến tướng như vậy, chắc Bồ Tát biết điều gì sẽ xảy ra trong chốc lát, xin Bồ Tát cho hay. Lúc đó Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi trả lời rằng: "Trong quá khứ tôi đã có lần thấy các vị Bụt hiện thần biến tướng như thế này, phóng những luồng hào quang từ giữa chặn lông mày và chiếu đến tất cả các cõi trời, phía trên, phía dưới, và như vậy là dấu diệu hôm nay Bụt sẽ bắt đầu tuyên thuyết một bài Pháp rất quan trọng."
"Như chỗ tôi biết thì ngày hôm nay đức Thế Tôn muốn nói một Pháp lớn, muốn làm rơi xuống một trận mưa Pháp lớn, muốn thổi vào một cái loa Pháp lớn, muốn đánh vào một trống Pháp lớn, và muốn nói một Pháp nghĩa rất lớn". Bồ Tát Văn Thù nói thêm, "Ngày xưa, có lần tôi được thân cận một đức Bụt tên là Nhật Nguyệt Đăng Minh. Hôm đó Bụt cũng nói Kinh Vô Lượng Nghĩa Xứ, cũng đi vào trong định, rồi trên trời cũng mưa xuống những loại hoa như Mạn Đà La, Mạn Phù Sa rồi cũng từ nhục-kế (4), Bụt phóng ra một luồng hào quang, làm sáng tỏ tất cả những cõi Bụt trên và dưới, sau đó thì Bụt thuyết kinh Pháp Hoa. Vì vậy hôm nay tôi tin rằng đức Thế Tôn, thầy của chúng ta, thế nào cũng thuyết kinh Pháp Hoa".
Đó là đại ý của phẩm này.
Chủ ý của phẩm này là chuẩn bị tâm lý cho thính chúng, để người ta biết rằng mình sắp được nghe một Pháp rất là quan trọng, một điều rất mới mẻ mà lâu nay mình chưa được nghe. Các vị đại đệ tử, các vị Bồ Tát như Bồ Tát Di Lặc là những người đã thực tập, học hỏi rất nhiều từ Bụt, nhưng có lẽ cũng chưa được nghe pháp này lần nào. Chỉ có Bồ Tát Văn Thù là đã được nghe. Như vậy, mục đích đầu của Phẩm tựa này là dùng Tích môn để chuẩn bị tinh thần cho người nghe, để họ sẵn sàng tiếp nhận giáo pháp mầu nhiệm gọi là Diệu Pháp.
Chủ ý thứ hai có dính líu tới Bản môn, nghĩa là trong quá khứ, Bụt Nhật Nguyệt Đăng MInh cũng đã từng thuyết về kinh Pháp Hoa, chuyện xảy ra hôm nay chẳng qua chỉ là sự lặp lại của chuyện hôm qua mà thôi, không có gì mới cả. Có mới là mới ở trong lịch sử đối với những người hôm nay, nhưng đứng về phương diện bản thể, vượt thời gian và không gian thì không có gì mới cả. Bụt Nhật Nguyệt Đăng Minh đã thuyết kinh Pháp Hoa, và biết đâu Bụt Nhật Nguyệt Đăng Minh ngày xưa cũng chính là Bụt Thích Ca Mâu Ni ngày nay. Sự thật thì đúng như vậy, hai đức Bụt cũng là một. Ngoài ra, giữa hai vị Bụt này còn có một vị Bụt nữa sẽ xuất hiện trong kinh, đó là Bụt Đa Bảo, ngày xưa cũng đã thuyết Pháp Hoa Kinh. Như vậy Bụt Đa Bảo ngày xưa cũng chính là Bụt Thích Ca ngày hôm nay. Đứng trên phương diện Tích môn hay lịch sử mà xét, thì Bụt Thích Ca chỉ là Bụt Thích Ca, người đang thuyết pháp vào ngày hôm nay, tại cõi ta bà này. Nhưng đứng trên phương diện Bản môn thì Bụt Thích Ca là Bụt Đa Bảo, là Bụt Nhật Nguyệt Đăng, đã từng thuyết pháp ngày xưa và chưa bao giờ ngưng thuyết pháp. Bông hoa vẫn chưa bao giờ ngừng hát ca. Quí vị có biết bài Bông thược dược của Quách Thoại không?
Đứng
yên ngoài hàng dậu,
Em
mỉm nụ nhiệm mầu,
Lặng
nhìn em kinh ngạc,
Vừa
thoáng nghe em hát,
Lời
ca em thiên thâu,
Ta
sụp lạy cúi đầu.
Buổi sáng, nhờ phước đức của ông bà để lại, thi sĩ đi ngang qua hàng rào, thấy một bông hoa thược dược và thấy một cách rất sâu sắc, như chưa bao giờ từng thấy. Đứng lặng nhìn và nghe bông hoa đang hát, và thấy rõ rằng bông hoa không phải mới hát ngày hôm nay, mà đã hát từ muôn đời, bông hoa chưa bao giờ ngưng hát. Lời ca em thiên thâu, thiên thâu nghĩa là từ quá khứ cho đến tương lai, không bao giờ ngừng lại cả. Đó là thuộc về Bản môn.
Đứng về phương diện thời gian và không gian thì bông hoa mới nở sáng hôm nay, và hôm nay tác giả mới trông thấy nó. Nhận ra bông hoa đó là Bụt Thích Ca, cho nên ta sụp lạy cúi đầu.
Đứng về phương diện Bản môn, thì Bụt Thích Ca Mâu Ni là Bụt Nhật Nguyệt Đăng, cũng là Bụt Đa Bảo, và chưa có giây phút nào Bụt Thích Ca Mâu Ni ngừng nói kinh Pháp Hoa. Nhưng đứng về phương diện Tích môn thì Bụt Thích Ca đã thuyết những Pháp nhỏ trong vòng bốn mươi năm rồi, đến bây giờ mới bắt đầu nói đến Pháp lớn.
Mình phải thấy điều đó và mình phải thấy cái tài năng xuất chúng của người chép kinh. Từ bài tựa họ đã mở ra hai cánh cửa: Cửa thứ nhất là cửa lịch sử và cửa thứ hai là cửa chân lý, vượt ra ngoài thời gian và không gian, mà sau này thầy Thiên Thai gọi là Tích môn và Bản môn. Người chép kinh đã không dùng những danh từ đó.