Trong khi thực hành thiền định, hành giả bắt đầu điều phục thân và điều phục tâm. Lúc này, tâm bắt đầu đi vào trạng thái thiền định dần từ nông đến sâu qua năm cấp độ gọi là Năm thiền chi, đó là: tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm. Năm tâm sở này là những yếu tố của các tâm thiền sắc giới giúp chế ngự năm triền cái. Năm thiền chi có mặt trong các tầng thiền. Ở sơ thiền, ly dục, ly các bất thiện pháp, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ. Qua nhị thiền, từ bỏ tầm và tứ còn lại hỷ và lạc. Ởtam thiền, do ly hỷ trú xả, thân cảm sự lạc thọ gọi là xả niệm lạc trú. Ở tứ thiền, tâm hành giả có thể đi thẳng vào định không cần qua tầm, tứ, hỷ, lạc, chỉ còn chi thiền nhất tâm.
Năm thiền chi, tiếng Pāli là: Jhānaṇga. Thuật ngữ Pāli từ jhāna (Skt. dhyana) và động từ Pāli, jhayati của nó, có gốc rễ là: (1) để suy nghiệm, thiền tịnh; (2) để tìm kiếm; (3) để đốt cháy. Nhữngthiền chi được gọi như vậy vì chúng tham dự chặt chẽ với đối tượng của tâm, và vì chúng đốt cháy những trạng thái tâm không có lợi cho sự tập trung để đi vào thiền định. Trong các tác phẩm vềluận giải Phật học, mỗi nhân tố thiền chi sẽ chế ngự được một triền cái cụ thể. Ý nghĩa của mộtthiền chi được trình bày như sau:
Tầm (vitakka): Chữ vitakka xuất phát từ căn tak (Skt. tark) có nghĩa “tư duy”, thường xuất hiện trong kinh cùng với một chữ khác – vicāra (tứ), vốn xuất phát từ căn car (P & Stk) với nghĩa “di chuyển”. Hai từ này đi chung biểu thị hai phương diện có liên hệ với nhau nhưng khác loại của tiến trình tâm. Chúng ta sẽ dịch vitakka là “tầm” hoặc đơn giản là “tư duy”, còn vicāra là “tứ”. Thuật ngữ takka có nghĩa đen là ‘suy nghĩ’; tiền tố ‘vi’ cung cấp cho nó một cảm giác mạnh, vì vậy vitakka có nghĩa là suy nghĩ rõ rệt hoặc quyết định.[1] Trong các bản kinh và nhất là trong TạngVi Diệu Pháp (Abhidhamma), “tầm” được định nghĩa là “sự bám dính của tâm” (cetaso abhiniropana). Điều này được các bản chú giải giải thích rằng, tầm gắn tâm trên đối tượng. Chú giảicũng chọn sự gắn tâm này như đặc tính chính của tầm và minh họa bằng một tỷ dụ ngắn gọn: Nó (tầm) có đặc tính của sự bám dính của tâm trên đối tượng. Vì nó gắn chặt tâm vào đối tượng. Ví như một người leo được lên cung điện của Đức Vua nhờ vào một người trong hoàng tộc hoặc một người bạn thân thiết của Vua. Tâm cũng vậy, leo lên được trên đối tượng nhờ vào tầm.
Tầm là tâm sở có phận sự đánh thức tâm chú hướng đến đề mục thiền định. Giống như con bướmtìm thấy một bông hoa và hăng hái bay về huớng đó. Nhưng nếu tâm cứ bỏ rơi đối tượng do trầm trệ, giãi đãi, giống như con bướm chưa tới được cành hoa đã lười biếng bỏ cuộc. Tức là tầm chưa đủ tinh cần nỗ lực để vượt qua trạng thái buông xuôi tiêu cực. Do vậy khi tầm có đủ lực nhất hướngđến đối tượng thì hôn trầm-thụy miên bị chế ngự.
Tứ (vicāra): Từ vicāra thường có nghĩa là kiểm tra. Nhưng ở đây nó biểu thị sự áp dụng bền vững của tâm đối với sự vật. Trong khi tầm là sự chỉ đạo của tâm và các tâm sở của nó trên các đối tượng, thì tứ (vicāra) là sự tiếp tục thi hành nhiệm vụ của tâm trên đối tượng.[2] Tứ là tâm sở có phận sự giữ tâm đứng vững trên đề mục thiền định. Giống như khi con bướm đã bay đến đóa hoa liền tìm cách giữ thăng bằng để đậu lại trên đóa hoa đó. Nhưng nếu tâm chưa đứng yên trên đối tượng do còn lưỡng lự bất quyết, giống như con bướm tuy đã đậu xuống mà vẫn chưa bám chắc lại hẳn nên còn chớp chớp đôi cánh chực bay, tức là tứ chưa vững để dừng lại trên đề mục. Nhưng khi tứ đã vững thì không còn trạng thái phân vân do dự của nghi.
Các bản chú giải giải thích rất kỹ những dị biệt giữa tầm và tứ bằng cách mô tả tầm như sự xúc chạm đầu tiên của tâm trên đối tượng, tức giai đoạn thô và khởi đầu của tư duy cũng như đánh lên một tiếng chuông; trong khi tứ như hành vi neo tâm trên đối tượng, giai đoạn tạo sức ép liên tục vàvi tế hơn này có thể ví như tiếng ngân của chuông. Luận sư Phật Âm (Buddhaghosa) đưa ra thêm năm hình ảnh để minh họa cho sự tương quan giữa tầm và tứ:
(1) Tầm được ví như sự chuyển động của con chim khi vỗ cánh bay vào hư không, tứ như sự di chuyển của nó qua hư không một cách thung dung, uyển chuyển với đôi cánh dang rộng.
(2) Tầm có thể được so sánh với việc bay đến đóa hoa của con ong, tứ như khi nó bay vo ve quanh đóa hoa ấy.
(3) Tầm giống như bàn tay nắm chắc một cái đĩa kim loại hoen ố cần phải chùi bóng, tứ như tay kia chà đĩa với một miếng giẻ tẩm dầu và bột.
(4) Tầm như bàn tay nâng của người thợ gốm khi anh ta đang làm một cái bình, tứ như tay kia nắn tới nắn lui.
(5) Tầm như mũi kim của chiếc compa cắm chắc vào giữa khi người ta muốn vẽ một vòng tròn, tứ như mũi kim xoay chung quanh.
Những ví dụ này cho ta thấy rõ rằng, mặc dù thường đi chung với nhau, tầm và tứ vẫn thực hiệnnhững công việc khác nhau. Tầm hưởng được một quyền ưu tiên hơn tứ về chức năng. Tầm đem tâm đến đối tượng, tứ gắn chặt và neo chắc nó ở đấy. Tầm tập trung tâm trên đối tượng, tứ xem xétvà khảo sát kỹ những gì được tập trung vào đó. Tầm đem lại một sự sâu lắng của định nhờ thường xuyên đưa tâm trở lại với cùng đối tượng, tứ duy trì sự định tâm đã thành tựu bằng cách giữ cho tâm neo chắc trên đối tượng đó. Trong sự liên hợp này, tầm – tứ là hai yếu tố thiết yếu cho sựthành tựu và ổn định của sơ thiền.
Hỷ (pīti): Chi thiền thứ ba có mặt trong sơ thiền là hỷ (pīti). Trong kinh, đôi khi hỷ được nói là khởi sanh từ một yếu tố khác theo thứ tự liên hệ gọi là pāmojja (hân hoan). Một trạng thái xuất hiện cùng với sự đoạn trừ năm triền cái. Khi hành giả quán xét thấy năm triền cái đã được từ bỏ trong tự thân, “hân hoan sẽ khởi lên trong vị ấy; nhờ hân hoan như vậy, hỷ sẽ sanh; và khi có hỷ, thân vị ấy trở nên khinh an.”[3] Nó giống như khi con bướm đang hứng thú thưởng thức mật hoa. Nhưng nếu tâm chưa phát sinh hỷ do còn căng thẳng hay cố gắng quá mức, giống như con bướm chưa hút được mật nên chưa vừa ý. Khi tâm đã tìm thấy sự thích thú hoan hỷ trên đề mục thiền định thì sân mới được chế ngự.
Lạc (sukha): Thiền chi kế tiếp là sukha – lạc. Chữ “sukha” được dùng như một danh từ với nghĩa “lạc”, “dễ chịu”, “hạnh phúc” hay sự “hài lòng”, và vừa như một tĩnh từ với nghĩa “trạng thái an lạc”, “trạng thái dễ chịu”. Như một thiền chi của sơ thiền, lạc biểu thị cảm giác dễ chịu. Từ sukha được định nghĩa chính xác theo nghĩa này trong phần phân tích về sơ thiền của bộ Phân Tích: “Ở đây, thế nào là lạc? Sự sảng khoái về tâm, sự dễ chịu thuộc về tâm, cảm giác sảng khoái và dễ chịu do tâm xúc sanh, trạng thái cảm thọ sảng khoái dễ chịu sanh từ tâm xúc.[4] Đây gọi là lạc.” Là tâm sởcó trạng thái bình yên, an ổn và thỏa mãn trên đề mục thiền định, giống như con bướm đã hút mật đầy đủ, không còn bồn chồn lo lắng hay tìm kiếm lăng xăng nữa, vì thế lạc chế ngự được trạo hối.
Nhất tâm (ekaggatā): Hay định là trạng thái an chỉ, bất động trên đề mục, giống như con bướm đã no đủ nằm yên ngơi nghỉ trên đóa hoa, không ham muốn gì nữa, nhờ vậy tham dục được chế ngự.
Là một thiền chi, nhất tâm luôn luôn hướng đến một đối tượng thiện. Nó làm công việc ngăn ngừanhững ảnh hưởng bất thiện, đặc biệt là dục tham triền cái. Khi các triền cái vắng mặt, nhất tâm tích tụ một sức mạnh đặc biệt trong bậc thiền dựa trên nỗ lực tập trung đã được duy trì trước đó. Như vậy, mỗi thiền chi có chức năng và nhiệm vụ để chế ngự và đoạn trừ mỗi triền cái tiêu biểu. Tầmchế ngự và đoạn trừ hôn trầm thụy miên; tứ đoạn trừ nghi; hỷ đoạn trừ sân; lạc đoạn trừ trạo hối vànhất tâm đoạn trừ tham dục. Nói như thế không có nghĩa là mỗi thiền chi chỉ duy nhất đoạn trừ mỗitriền cái tương ứng. Ngoài chức năng và nhiệm vụ chính thì nó còn có sự hỗ trợ nhau trong việc đoạn trừ năm triền cái.
Chi tiết cụ thể được trình bày trong bảng này.
Năm thiền chi (Jhāna anga) Năm triền cái (Nīvarana) |
||
(1) Tầm (Applied thought ‘vitakka’) |
Pháp đối trị(Suppresses) |
(1) Hôn trầm-Thụy miên (sloth and torpor ‘thīna-middha’) |
(2) Tứ (Sustained thought ‘vicāra’) |
(2) Nghi (Doubt ‘vicikicchā’) |
|
(3) Hỷ (Rapture ‘pīti’) |
(3) Sân (ill-will ‘vyāpāda’) |
|
(4) Lạc (Happiness ‘sukha’) |
(4) Trạo hối (Restlessness and remorse ‘uddhacca-kukkucca’) |
|
(5) Nhất Tâm (One - pointedness of mind ‘cittass’- ekaggatā’) |
(5) Dục (Sensual desire ‘kāmacchanda’ |
Bên cạnh chức năng và nhiệm vụ chính, các thiền chi cũng cùng làm nhân làm duyên để hỗ trợ nhau trong việc đoạn trừ năm triền cái. ‘Nhiệm vụ tạo ổn định của nó được tăng cường nhờ sựcộng tác của các thiền chi khác – tức là nhờ “tầm” nhấn tâm vào đối tượng, nhờ “tứ” giữ cho nó neo chắc ở đó, nhờ “hỷ” và “lạc” kích thích sự thích thú và thỏa mãn của nó trong đối tượng. Bởi vì nhất tâm trong thiền hướng dẫn các yếu tố khác đến công việc hợp nhất này nên nó được gọi là “định căn” (samādhindriya). Bởi vì nó duy trì một sức mạnh ổn định khiến các ảnh hưởng phân tán khác không dễ gì vượt qua được nên nó cũng được gọi là “định lực” (samādhibala). Nó đưa tâm đếntrạng thái tịnh chỉ (samatha) giúp hoàn thiện các căn (tinh thần) khác, đồng thời tác thành như một nền tảng cho tuệ giải thoát (vipassanā).[5]
Trong kinh điển Pāḷi, nhất tâm được dùng như một từ đồng nghĩa với định (samādhi). Thực ra, nhưchúng ta đã nói ở trên, định được định nghĩa chính xác trong Thanh Tịnh Đạo như sự nhất tâmthuộc phần thiện. Định có đặc tính của sự không phân tán, nhiệm vụ tiêu diệt sự phân tán, khôngdao động là sự thể hiện của nó, và lạc được xem là nhân gần của định. Nói rằng lạc là nhân gần của định muốn ám chỉ đến trình tự duyên sanh của sự phát triển tinh thần đã bàn đến ở trước. Khihành giả thấy rằng năm triền cái được loại trừ trong tự thân thì hân hoan (pāmojja) sanh; do hân hoan, hỷ sanh. Hỷ tạo ra thân khinh an và tâm khinh an; khinh an tạo ra lạc; và lạc đưa đến định. Định này làm phận sự vượt qua tham dục, loại kích thích vi tế nhất.
Như vậy, năm thiền chi có mặt trong sơ thiền, như mô tả trong kinh Mahāvedalla lời tôn giả Xá Lợi Phất: “Này Hiền giả, Thiền thứ nhất có năm chi. Ở đây, này hiền giả, Tỳ kheo thành tựu thiền thứ nhất có tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Này Hiền giả, Thiền thứ nhất có năm chi phần.”[6] Hơn nữa, trong kinh Anupada, nhất tâm cũng được nói là hiện hữu trong sơ thiền và đứng hàng thứ năm trong bảng liệt kê những thành phần của sơ thiền, trước nó là bốn chi thiền quen thuộc (tầm, tứ, hỷ, lạc).Cụ thể, khi hành giả tinh tấn hướng tâm tiếp cận đối tượng, không quá cố gắng, cũng không lơ là, chỉ cần vừa đủ để tâm vượt qua trạng thái hôn trầm thụy miên, không còn lười biếng giãi đãi thì có thể chú hướng vững vàng về phía đối tượng ấy, đó là trạng thái tầm. Khi đã không còn lười biếngbỏ rơi đối tượng, tâm bắt đầu tìm cách áp sát trên đối tượng, tâm hành giả đã lấy lại được thăng bằng, không nghi hoặc, không phân vân do dự nữa, đó là trạng thái tứ. Nhờ tâm thăng bằng, không nghi hoặc đã cảm giác được sự vui thích, hứng thú trên đối tượng, không còn bực bội, chán nản hay sân hận nữa, đó là trạng thái hỷ. Sự hoan hỷ, phấn khởi này lắng dịu dần, để lại một sựbình an, tĩnh lặng, không còn một gợn sóng của dao động bất an, đó là trạng thái lạc của thiền. Đến đây tâm đã có thể an trú, tĩnh chỉ, nhất tâm và hoàn toàn quân bình (xả), không còn khởi lên một tham muốn nào đối với ngũ dục. Đó là trạng thái nhất tâm hay an chỉ định. Với những trải nghiệm trên, hành giả đã chứng sơ thiền sắc giới, tâm vị ấy có đủ năm thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc,nhất tâm.
Không có chi phần nào trong số này, tách riêng khỏi nhóm, có thể tạo thành sơ thiền. Muốn cho thiền sanh, cả năm chi phải cùng có mặt và tác hành những nhiệm vụ đặc biệt của chúng trong bậc thiền như diệt trừ các triền cái đối nghịch với tự thân chúng và đem tâm vào an trú trong đối tượng. Năm hiện tượng tâm lý hay năm danh pháp chỉ được gọi là năm thiền chi nhờ vào những nhiệm vụđặc biệt này. Chẳng hạn, tầm bình thường, nếu không phản công hôn trầm – thụy miên, không phải là một thiền chi. Hôn trầm – thụy miên và tầm, mặc dù có thể cùng tồn tại trong nhiều trạng thái tâm bình thường, nhưng khi tầm được phát triển để hướng đến một thiền chứng, nó trục xuất và loại trừ hôn trầm – thụy miên triền cái. Do đó, tầm trong thiền có một tầm cỡ cao hơn và mộtnhiệm vụ chuyên biệt hỗ trợ cho định. Tương tự, đối với hoài nghi và tứ. Tứ dù vẫn có thể hiện diện trong tâm lúc đang trong trạng thái hoài nghi, song bao lâu nghi còn có mặt, tứ không thể trở thànhmột thiền chi. Khi tứ được định hướng đến thiền, lúc đó nó đóng cửa không cho hoài nghi vào. Đối với các chi phần khác cũng áp dụng như vậy. Khi tâm còn bị ám ảnh bởi các triền cái, dẫu cho hỷ, lạc và nhất tâm có thể trở nên mạnh đến thế nào chăng nữa, chúng cũng không tạo thành sơ thiềncho đến khi các triền cái được trừ diệt.
Để cho một trạng thái tâm có được tính chất như một tâm sơ thiền, năm thiền chi không những phải có khả năng ngăn chặn và bít kín năm triền cái, mà chúng còn phải có thể nhấn tâm vào đối tượng với cường độ của sự tập trung toàn triệt. Nếu các thiền chi chỉ có mặt một phần, nếu tất cả đều có mặt nhưng không đủ sức mạnh để loại trừ triền cái, nếu chúng có thể loại trừ các triền cái nhưng không có khả năng đem tâm vào an trú, tâm ấy không phải là tâm sơ thiền. Song, nếu chúng khởi lên cùng nhau và thực hiện những nhiệm vụ riêng của chúng trong việc tạo ra an chỉ, sơ thiền sẽ khởi lên viên mãn với năm chi phần của nó.
Như vậy, năm thiền chi là năm tâm sở vô cùng cần thiết để đoạn trừ năm triền cái để đi vào các tầng thiền. Năm yếu tố này thôi thúc tâm chú hướng, kích thích và dần dần an trú trên đối tượng đểđi vào các trạng thái định sâu hơn. Năm thiền chi như năm cây nêm, nêm vào khúc gỗ để tống năm cái ngạt nằm trong khúc gỗ. Nếu không nhờ cây nêm thì năm cái ngạt sẽ nằm yên trong khúc gỗ mà người thợ mộc khó lấy ra được. Đây được gọi là phương pháp thay thế loại trừ. Dùng các thiện pháp để loại trừ các bất thiện pháp trong tâm. Ở đây, cần phải có sự hổ trợ của chi phần Tinh tấn. Khi các thiện pháp đủ mạnh thì đánh bật các bất thiện pháp một cách hoàn toàn. Năm thiền chi là phương thuộc đặc trị năm triền cái. Không thể có một pháp nào khác hơn, hữu hiệu hơn để loại trừnăm chướng ngại này. Thành ra, thiền giả khi hành thiền dùng năm thiền chi đúng pháp, thì việc hành thiền sẽ có kết quả tốt đẹp.
Ghi chú:
[1] Henepola Gunaratana, A Critical Analysis of the Jhanas in Theravdda Buddhist Meditation, The American University, Washington, 1980, p. 68-9.
[2] Bhikkhu Bodhi (2003), A Comprehensive Manual of Abhidhamma, Pariyatti Publishing, pp. 56-57.
[3] Henepola Gunapatana, The Path of Serenity and Insight, Motilal Banarsidass, Delhi, 2002 (reprint), p. 60.
[4] Opcit. p. 84.
[5] Ibid, p. 90.
[6] Xem, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Trung Bộ, Tập 1, NXB. Tôn Giáo, 2016, tr.362.
Văn Hóa Phật giáo số 306
- Từ khóa :
- Thích Trung Định