Thức Và Trí Trong Kinh Nhập Lăng Già
Nguyễn Thế Đăng
(Kinh Nhập Lăng Già, Tam Tạng Pháp sư Thật Xoa Nan Đà dịch tiếng Hán, Đại Chánh Tân Tu, in 2009)
1/ Thức và trí
Phàm phu thì sống trong thức phân biệt, nên thấy có sanh tử và không ra khỏi. Trái lại, bậc thánh thì sống trong trí và do đó thoát khỏi sanh tử:
“Uẩn, giới, xứ lìa tự tướng cọng tướng, chỉ do hư vọng phân biệt mà có đủ thứ tướng hiện. Phàm phu thì phân biệt, bậc thánh thì không”.
(Phẩm Tập tất cả pháp).
Thế nên, “cần khéo rõ biết tướng của trí và thức” để khỏi lạc lối, vào trong sanh tử.
Đoạn kinh phân biệt thức và trí sau đây trích từ phẩm Vô thường:
“Đại Huệ! Sanh diệt là thức, chẳng sanh diệt là trí”.
Ai cũng nhận thấy những ý tưởng của mình là sanh rồi diệt, chúng là thức, thuộc về thức. Không biết mà cho rằng mình là tất cả mọi ý tưởng sanh diệt ấy, thì đó là sống trong thức sanh diệt, sống trong sanh tử.
Còn chẳng sanh diệt là gì? Theo hệ thống Bát nhã, thì trí huệ Bát nhã là đồng nhất với tánh Không, “không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm” (Bát nhã Tâm kinh). Không sanh diệt là trí huệ, là trí.
Kinh Nhập Lăng Già nói: “Tạng thức Như Lai tạng này bản tánh thanh tịnh, chỉ vì khách trầnnhiễm ô mà hóa bất tịnh”.
Kinh ví thức như sóng thường xao động, và trí tức là “biển tạng thức thường trụ”.
Ví như sóng đại dương
Là do gió mạnh thổi
Sóng lớn nổi sông biển
Không có lúc dừng dứt.
Biển tạng thức thường trụ
Gió cảnh giới xao động
Thảy thảy các sóng thức
Nhấp nhô mà chuyển sanh…
Kinh nói tiếp:
“Sa vào tướng, vô tướng và lấy các thứ tướng hữu vô làm nhân là thức. Lìa tướng và vô tướng và lìa nhân hữu vô là trí”.
Thức phân biệt tạo ra thế giới với những tướng phân biệt, cho đến có tướng hữu và tướng vô, tướng có và tướng không có. Rồi lại lấy tướng có và tướng không có hư vọng này làm nhân để sanh ra những phân biệt hư vọng khác. Lìa tướng tức là lìa thức. Và ngay khi lìa thức phân biệt thì đây là trí.
“Có tích tập tướng là thức, không tích tập tướng là trí. Bám tướng cảnh giới là thức, chẳng bám tướng cảnh giới là trí”.
Đặc tính của thức là bám tướng và tích tập tướng. Sanh tử được tập hợp và tạo thành bởi các tướng. Thế nên sanh tử là do sự bám tướng và tích tập tướng của thức. Bởi thế giải thoát là giải thoát khỏi các tướng, nghĩa là thoát khỏi sự bám tướng và tích tập tướng.
Ngay khi không bám tướng và tích tập tướng thì đó là trí. Khi không bám theo sóng và tích tập sóng thì đây là “biển Tạng thức thường trụ”.
Thấy các sóng khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau, đó là thức phân biệt thấy. Thấy tất cả sóng đều là “một vị” với đại dương, đó là cái thấy của trí. Tóm lại thức là thấy có phân biệt, trí là thấy vô phân biệt.
“Tương ưng với ba hòa hợp mà sanh và bị chướng ngại là thức, vô ngại và tương ưng với tự tánh là trí”.
Ba hòa hợp là uẩn xứ giới. Thức sanh ra từ ba hòa hợp này để thấy có cảnh giới bên ngoài. Và thức bị chướng ngại bởi cảnh giới do tự mình sanh ra. Như một giấc mộng do thức phân biệt sanh ra và giấc mộng ấy làm chướng ngại chủ nhân của giấc mộng.
Trí thì vô ngại với các tướng như huyễn như mộng, và do đó tương ưng với tự tánh, với Bản Tâm Như Lai tạng. Trí chính là Bản Tâm Như Lai tạng.
“Có tướng để đắc là thức, không có tướng để đắc là trí, vì đây là cảnh giới tự chứng thánh trí, như trăng trong nước, chẳng nhập chẳng xuất vậy”.
Thức và tướng đi liền với nhau, có thức thì có tướng. Không có thức thì không có tướng. Cho nên kinh nói, có tướng để đắc là thức, không có tướng để đắc là trí. Trí thì thấy không có tướng để đắc (vô tướng), đó là cái thấy vô phân biệt.
“Cảnh giới tự chứng thánh trí, như trăng trong nước, chẳng nhập chẳng xuất vậy”. Ở trong tự chứng thánh trí thì thấy thế gian như huyễn, như trăng trong nước, chẳng nhập chẳng xuất, chẳng thể nói là có hay là không.
Kinh Nhập Lăng Già là một kinh gốc để các ngài Thế Thân, Vô Trước lập ra phái Duy thức, hay Duy tâm, hay Du già hành tông. Hệ thống này suy cứu về thức, và thấy rằng vì có thức phân biệt nên có các tướng phân biệt, đó là các tướng tạo lập ra sanh tử. Thoát khỏi sự phân biệt của thức là thoát khỏi các tướng. Khi không còn các tướng phân biệt thì đây là Niết bànvô tướng.
“Phàm hễ có tướng đều là hư vọng. Thấy các tướng là chẳng phải tướng tức là thấy Như Lai” (Kinh Kim cương Bát nhã).
Thế nên các học giả về sau cho rằng hai trường phái này hoàn toàn khác biệt nhau và thậm chí nói rằng chúng mâu thuẫn với nhau là không chính xác.
2/ Chuyển thức thành trí
Thức phân biệt đã tạo ra vô vàn tướng khác biệt, những tướng này tạo thành thế giới sanh tử. Vậy để thoát khỏi sanh tử thì phải thoát khỏi sự phân biệt của thức. Chuyển hóa sự phân biệt hư vọng của thức thành sự vô phân biệt của trí, điều này được gọi là “chuyển thức thành trí”.
- Quán thức là như huyễn như mộng, như vậy là vô hiệu hóa sự phân biệt hư vọng của thức. Thấy thức và cảnh của thức là như huyễn như mộng, đó là trí.
- Thức vốn sanh từ Tạng thức A lại da như mọi sóng đều sanh từ đại dương. Tạng thức như đại dương này vốn thanh tịnh. Kinh nói:
“Đại Huệ! Tạng thức Như Lai tạng này bản tánh thanh tịnh, chỉ vì khách trần nhiễm ô mà hóa bất tịnh… Tạng thức Như Lai tạng này là cảnh giới Phật, là chỗ hành của các Bồ tát trí thanh tịnh tùy thuận nghĩa như chỗ hành của ông vậy. Thế nên ông và các đại Bồ tát nên chuyên cần quán sát Tạng thức Như Lai tạng, chớ chỉ nghe xong bèn tưởng là đủ”.
(Phẩm Sát na)
Tạng thức A lại da bản tánh thanh tịnh, mà các thức sanh khởi từ Tạng thức bản tánh vốn thanh tịnh này nên bản tánh của chúng cũng thanh tịnh. Thấy bản tánh của các thức là thanh tịnh, đây là trí.
Dùng một hình ảnh thí dụ của kinh, thấy tất cả các sóng là đại dương, đây là trí. Đây là sự chuyển hóa tức thời thức thành trí.
Bằng bản tánh thanh tịnh của thức và trí, người ta có thể chuyển hóa thức thành trí, theo nghĩa đưa thức phân biệt trở lại bản tánh vô phân biệt của nó. Càng chuyển thức như vậy thìtrí càng hiện ra. Cho đến cuối cùng “toàn thức là trí, toàn bóng (trong gương) là gương”.
- Kinh nói rõ thức phân biệt và trí vô phân biệt trong phần nói về Sáu ba la mật, phẩm Sát na:
“Đại Huệ! Ba la mật xuất thế gian bậc thượng là đại Bồ tát nơi hai pháp tự tâm (chủ thể và đối tượng, tâm và cảnh), rõ biết duy chỉ là sự xuất hiện của phân biệt, chẳng khởi vọng tưởng, chẳng sanh chấp trước, chẳng nắm giữ các sắc tướng.
Vì muốn lợi lạc tất cả chúng sanh, thường tu hành Bố thí ba la mật. Nơi các cảnh giới chẳng khởi phân biệt, đó là tu hành Giới ba la mật. Khi không khởi phân biệt, nhận biết tự tánh của chủ thể bám giữ và đối tượng được nắm giữ, đó gọi là Nhẫn ba la mật. Đầu, giữa và cuối đêm chuyên cần không biếng trễ, tùy thuận theo cái thấy hiểu chân thật, chẳng sanh phân biệt, không khởi cái thấy chấp trước Niết bàn của ngoại đạo, đó gọi là Thiền ba la mật. Dùng trí quán sát tâm vô phân biệt, chẳng sa vào nhị biên, chuyển thức sở y thành thanh tịnh mà không hoại diệt, được cảnh giới thánh trí nội chứng, đó gọi là Bát nhã ba la mật”.
Chuyển thức thành trí là chuyển thức thành thanh tịnh như bản tánh của nó chứ không phải hoại diệt thức. Như trong Bát nhã Tâm kinh nói, không phải hoại diệt sắc để có Không, mà bản tánh của sắc là Không.
Trong phẩm Tập tất cả pháp ở trước, có nói bản thể của tạng thức không diệt:
“Đại Huệ! Chuyển thức và tạng thức nếu khác nhau thì tạng thức chẳng phải là nhân cho chuyển thức. Nếu chẳng khác nhau thì chuyển thức diệt đáng lẽ tạng thức cũng diệt nhưng chân tướng (bản thể) tạng thức không diệt. Đại Huệ! Chân tướng của tạng thức không diệt, chỉ nghiệp tướng diệt. Nếu chân tướng diệt thì tạng thức cũng phải diệt. Nếu tạng thức mà diệt thì chẳng khác nào luận đoạn diệt của ngoại đạo”.
Diệt là nghiệp tướng phân biệt diệt, còn chân tướng hay bản tánh của tạng thức thì không diệt, vì “biển tạng thức thường trụ”.
Tóm lại, đoạn kinh này nói khi nào có phân biệt thì khi ấy thức hoạt động, “tích tập tướng”. Khi nào không có phân biệt, thì đây là trí.
Chỉ cần một câu về Giới, “Nơi các cảnh giới chẳng khởi phân biệt, đó là tu hành Giới ba la mật”, là đã đủ để thực hành chuyển thức thành trí.
Cho nên, trong đời sống hàng ngày, mắt thấy, tai nghe, thân xúc chạm… mà không khởi phân biệt thì đây là trí vô phân biệt.
Chẳng sanh khởi phân biệt, dù đang ngồi thiền hay đang hoạt động hàng ngày, lúc ấy trí vô phân biệt hiển hiện.
- Từ khóa :
- Nguyễn Thế Đăng