Lá Thư Từ Bên Kia Thế Giới
Nguyên Phong dịch
Bác sĩ Elizabeth Kübler-Ross, người tiền phong trong lãnh vực nghiên cứu về hiện tượng hồi sinh cho biết:
“Con người sợ chết như con nít sợ ma, họ đã nhìn cái chết một cách sợ hãi, ghê tởm và cố gắng phủ nhận nó vì nó làm gián đoạn sự liên tục của đời sống. Nhưng nếu họ biết chấp nhận sự chết một cách bình thản, giản dị thì họ sẽ thấy chết là một sự kiện tự nhiên cũng như lúc sinh ra vậy. Bất kỳ lúc nào chung quanh chúng ta, sống và chết cũng luôn luôn tiếp diễn. Lá cây rụng để nhường chỗ cho những mầm non xuất hiện, hết mùa đông lại có mùa xuân. Một hiện tượng tự nhiên và cần thiết như thế không lẽ lại chẳng bao hàm một ý nghĩa thâm sâu nào đó? Phải chăng chính vì có sự chết mà sự sống hiện hữu, có sự xây dựng thì cũng phải có sự hủy diệt, đâu có gì tồn tại vĩnh viễn. Người ta không thể hiểu được ý nghĩa đích thực của sự sống nếu họ không chịu chấp nhận sự chết, và đã đến lúc người ta phải nghiên cứu cặn kẽ các sự kiện này chứ không thể chấp nhận những lý thuyết mơ hồ nào đó được.”
Sau đây là tài liệu được trích lại từ cuốn La Revue Spirite:
Bác sĩ Henri Desrives là một khoa học gia hoạt động,
vui vẻ và yêu nghề. Như mọi nhà trí thức khác, ông sống một
cuộc đời rất thực tế và không buồn lưu ý đến những điều mà khoa
học chưa giải thích được. Ông không tin rằng có một linh hồn tồn tại sau
khi chết
vì thể xác chỉ là sự kết hợp của các vật chất hữu cơ và trí thông minh chẳng
qua chỉ là sản phẩm của các tế bào thần kinh. Khi thể xác đã hư hoại thì
trí
thông minh cũng không thể tồn tại. Một hôm khi bàn chuyện với các con về
đề tài
đời sống sau khi chết, ông hứa sẽ liên lạc với các con nếu quả thật có một đời
sống bên kia cửa tử.
Cậu con trai Piere Desrives, cũng là một y sĩ, đã nói:
“Nếu đã chết, làm sao cha có thể liên lạc với con được?”
Bác sĩ Henri suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Cha không tin
có một đời sống hay cõi giới nào ngoài đời sống này nhưng nếu sau khi chết mà
cha thấy được điều gì thì cha sẽ tìm đủ mọi cách để liên lạc với các con.”
Vài năm sau, bác sĩ Desrives từ trần, các con ông vì bận
việc nên cũng không để ý gì đến buổi bàn luận đó nữa.
Khoảng hai năm sau, một nhóm nhân viên làm việc trong
bệnh viện lập bàn cầu cơ chơi, bất ngờ cơ bút đã viết: “Xin cho
gọi bác sĩ Piere Desrives đến vì tôi là cha cậu đó và tôi có mấy lời muốn
nhắn nhủ với các con tôi.”
Được thông báo, bác sĩ Piere không tin tưởng mấy nhưng
nhớ lại lời dặn của cha, ông bèn gọi các em đến tham dự buổi cầu cơ này.
Một
người cầm giữ đầu một sợi dây, đầu kia cột vào một cây bút chì và chỉ một lát
sau cây bút đã tự động chạy trên các trang giấy thành bức thư như sau:
Các con thân mến,
Cha rất hài lòng đã
gặp đủ mặt các con nơi đây. Gần một năm nay, cha có ý trông
đợi để kể cho các con về những điều ở cõi bên này mà cha đã
chứng kiến nhưng không có cơ hội nói lại cho các con biết.
Như các con đã biết,
hôm đó sau khi ở bệnh viện về, cha thấy trong người mệt mỏi
lạ thường, cha bèn lên giường nằm và dần dần lịm đi luôn, không
hay biết gì nữa. Một lúc sau cha thấy mình đang lơ lửng trong một
bầu ánh sáng trong suốt như thủy tinh. Thật khó có thể tả rõ cảm tưởng của
cha khi đó, nhưng không hiểu sao cha thấy trong mình dễ chịu, linh hoạt,
thoải
mái chứ không bị gò bó, ràng buộc như trước. Các con biết cha bị phong thấp nên
đi đứng khó khăn, vậy mà lúc đó cha thấy mình có thể đi đứng, bay nhảy như hồi
trai tráng. Cha có thể giơ tay giơ chân một cách thoải mái, không đau đớn gì.
Đang vẫy vùng trong biển ánh sáng đó thì bất chợt cha nhìn thấy cái thân
thể
của cha đang nằm bất động trên giường. Cha thấy rõ mẹ và các con đang quây quần
chung quanh đó và phía trên thân thể của cha có một hình thể lờ mờ trông
như
một lùm mây màu xám đang lơ lửng. Cả gia đình đều đang xúc động và không
hiểu
sao cha cứ thấy trong mình buồn bực, khó chịu. Cha lên tiếng gọi nhưng không ai
trả lời, cha bước đến nắm lấy tay mẹ con nhưng mẹ con không hề hay biết và tự
nhiên cha ý thức rằng mình đã chết. Cha bị xúc động mạnh, nhưng may thay
lúc đó mẹ con và các con đều lên tiếng cầu nguyện, tự nhiên cha thấy mình bình
tĩnh hẳn lại như được an ủi. Cái cảm
giác được đắm chìm trong những lời cầu nguyện này thật vô cùng thoải mái
dễ chịu
không thể tả xiết. Lớp ánh sáng bao quanh cha tự nhiên trở nên sáng chói
và cả
một cuộc đời của cha từ lúc thơ ấu đến khi trưởng thành bỗng hiện ra rõ rệt như
trên màn ảnh. Từ việc gần đến việc xa, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất
cũng đều hiện ra rõ rệt trong tâm trí của cha. Hơn bao giờ hết, cha ý thức
tường tận các hành vi của mình, các điều tốt lành, hữu ích mà cha đã làm
cũng
như các điều xấu xa, vô ích mà cha không tránh được. Tự nhiên cha
thấy
sung sướng về những điều thiện đã làm và hối tiếc về những điều mà đáng lẽ ra
cha không nên làm. Cả một cuốn phim
đời hiện ra một cách rõ rệt cho đến khi cha thấy mệt mỏi và thiếp đi như
người
buồn ngủ.
Cha ở trong tình trạng vật vờ,
nửa ngủ nửa thức này một lúc khá lâu cho đến khi tỉnh dậy thì thấy mình vẫn lơ
lửng trong một bầu ánh sáng có màu sắc rất lạ không giống như màu ánh sáng lần
trước. Cha thấy mình có thể di chuyển một cách nhanh chóng, có lẽ vì không còn
xác thân nữa. Cha thấy cũng có những người đang di chuyển gần đó nhưng mỗi lần
muốn đến gần họ thì cha lại có cảm giác khó chịu làm sao. Một lúc sau cha đi
đến một nơi có đông người tụ họp. Những người này có rung động dễ chịu nên cha
có thể bước lại hỏi thăm họ một cách dễ dàng. Một người cho biết tùy theo các
rung động thích hợp mà cha có thể tiếp xúc được
với những người ở cõi bên này. Sở dĩ
cha không thể tiếp xúc với một số người vì họ có sự rung động khác với “tần số
rung động” (frequency) của cha. Sự giải thích có tính cách khoa học này làm cha
tạm hài lòng. Người nọ cho biết thêm rằng ở cõi bên này tần số rung động
rất
quan trọng, và tùy theo nó mà người ta sẽ lựa chọn nơi chốn mà họ sống. Cũng
như loài cá ở ngoài biển, có loài sống gần mặt nước, có loài sống ở lưng
chừng
và có loài sống dưới đáy sâu tùy theo sức ép của nước thì ở cõi bên này,
tùy
theo tần số rung động mà người ta có thể tìm đến được các cảnh giới khác
nhau.
Sự kiện này làm cha cảm thấy vô cùng thích thú vì như vậy quả có một cõi
giới
bên kia cửa tử và cõi này lại có nhiều cảnh giới khác nhau nữa.
Khi xưa cha không tin những
quan niệm như thiên đàng hay địa ngục nhưng hiện nay cha thấy quan
niệm này có thể được giải thích một cách khoa học qua việc các tần
số rung động. Những tần số rung động này như thế nào? Tại sao cha lại có
những tần số rung động hợp với một số người? Người nọ giải thích rằng tùy theo
tình cảm của con người mà họ có những sự rung động khác nhau; người có tình
thương cao cả khác với những người tính tình nhỏ mọn, ích kỷ hay những người
hung ác, không hề biết thương yêu. Đây là một điều lạ lùng mà trước nay cha
không hề nghĩ đến. Cha bèn đặt câu hỏi về khả năng trí thức, phải chăng những
khoa học gia như cha có những tần số rung động đặc biệt nào đó, thì người nọ
trả lời rằng, khả năng trí thức hoàn toàn không có một giá trị nào ở cõi
bên
này cả. Điều này làm cho cha ít nhiều thất vọng. Người nọ cho biết rằng cái
kiến thức chuyên môn mà cha tưởng là to tát chẳng qua chỉ là những mảnh vụn của
một kho tàng kiến thức rất lớn mà bên này ai cũng có thể học hỏi được.
Người nọ nhấn mạnh rằng, điều
quan trọng là con người biết làm gì với những kiến thức đó.
Sử dụng nó để phục vụ hay tiêu diệt nhân loại? Sử dụng
nó vào mục đích vị tha hay ích kỷ? Sử dụng
nó để đem lại niềm vui hay để gây đau khổ cho người khác? Thấy cha có
vẻ thất vọng, người này bèn đưa cha đến một thư viện lớn, tại đây có lưu
trữ hàng triệu cuốn sách mà cha có thể tham cứu, học hỏi. Chưa bao giờ cha lại
xúc động như vậy. Có những cuốn sách rất cổ viết từ những thời đại xưa và có
những cuốn sách ghi nhận những điều mà từ trước tới nay cha chưa hề nghe
nói
đến. Sau một thời gian nghiên cứu, cha thấy cái kiến thức mà mình vẫn hãnh diện
thật ra chẳng đáng kể gì so với kho tàng kiến thức nơi đây. Đến khi đó cha mới
thấm thía điều người kia nói về khả năng trí thức của con người và bắt đầu ý
thức về tần số rung động của mình.
Nơi cha đang sống
có rất đông người, đa số vẫn giữ nguyên tính nết
cũ như khi còn sống ở thế gian. Có người hiền từ vui vẻ, có
người tinh nghịch ưa chọc phá người khác, có người điềm đạm, có kẻ lại nóng
nảy. Quang cảnh nơi đây không khác cõi trần bao nhiêu; cũng có những dinh thự
đồ sộ, to lớn; có những vườn hoa mỹ lệ với đủ các loại hoa nhiều màu sắc; có
những ngọn núi rất cao hay sông hồ rất rộng. Lúc đầu cha ngạc nhiên khi thấy
những cảnh vật này dường như luôn luôn thay đổi, nhưng về sau cha mới biết cảnh
đó hiện hữu là do sức mạnh tư tưởng của những người sống tại đây. Điều này có
thể giải thích giống như sự tưởng tượng ở cõi trần. Các con có thể tưởng
tượng
ra nhà cửa dinh thự trong đầu óc mình, nhưng ở cõi trần sức mạnh này rất
yếu,
chỉ hiện lên trong trí óc một lúc mà thôi. Bên này vì có những rung động
đặc
biệt nào đó phù hợp với sự rung động của tư tưởng làm gia tăng thêm sức mạnh
khiến cho những hình ảnh này có thể được thực hiện một cách rõ ràng, chính xác
và lâu bền hơn.
Các con đừng nghĩ rằng
những người bên này chỉ suốt ngày rong chơi, tạo ra các hình ảnh theo
ý muốn của họ; mà thật ra tất cả đều bận rộn theo đuổi các công việc
riêng để chuẩn bị cho sự tái sinh. Vì mọi tư tưởng bên này đều tạo ra các hình
ảnh nên đây là môi trường rất thích hợp để người ta có thể kiểm soát, ý thức rõ
rệt hơn về tư tưởng của mình. Vì đời sống bên này không cần ăn uống, làm
lụng
nên người ta có nhiều thời giờ theo đuổi những công việc hay sở thích riêng. Có
người mở trường dạy học, có kẻ theo đuổi các nghành chuyên môn như hội họa, âm nhạc,
kiến trúc, văn chương thơ phú, v.v...
Tóm lại, đây là môi
trường để họ học hỏi, trau dồi các khả năng để chuẩn bị cho một đời sống
mai
sau. Phần cha đang học hỏi trong một phòng thí nghiệm khoa học để sau này có
thể giúp ích cho nhân loại. Càng học hỏi, cha càng thấy cái kiến thức khi xưa
của cha không có gì đáng kể và nền y khoa mà hiện nay các con đang theo đuổi
thật ra không lấy gì làm tân tiến lắm nếu không nói rằng rất ấu trĩ so với điều
cha được biết nơi đây. Hiển nhiên khoa học phát triển tùy theo khả năng trí
thức của con người, mỗi thời đại lại có những sự phát triển hay tiến bộ khác
nhau nên những giá trị cũng vì thế mà thay đổi. Có những giá trị mà thời
trước
là khuôn vàng thước ngọc thì đời sau lại bị coi là cổ hủ, lỗi thời; và như cha
được biết thì những điều mà ngày nay đang được người đời coi trọng, ít lâu nữa
cũng sẽ bị đào thải. Tuy nhiên cái tình
thương, cái ý tưởng phụng sự mọi người, mọi sinh vật thì bất kỳ thời đại
nào
cũng không hề thay đổi, và đó mới là căn bản quan trọng mà con người cần
phải
biết. Càng học hỏi cha càng thấy chỉ có những gì có thể tồn tại được với
thời
gian mà không thay đổi thì mới đáng được gọi là chân lý. Cha mong các con hãy suy ngẫm về vấn đề này,
xem đâu là những giá trị có tính cách trường tồn, bất biến để sống theo đó,
thay vì theo đuổi những giá trị chỉ có tính cách tạm bợ, hời hợt.
Cha biết rằng
mọi ý nghĩ, tư tưởng, hành động đều có những rung động
riêng và được lưu trữ lại trong ta như một cuốn sổ. Dĩ nhiên khi
sống ở cõi trần, con người quá bận rộn với sinh kế, những ưu phiền
của kiếp nhân sinh, không ý thức gì đến nó nên nó khép kín lại; nhưng
khi bước qua cõi bên này thì nó từ từ mở ra như những trang giấy phô bày
rõ rệt
trước mắt. Nhờ vậy mà cha biết rõ rằng hạnh phúc hay khổ đau cũng đều do
chính
ta tạo ra và lưu trữ trong mình. Cuốn sổ lưu trữ này là bằng chứng cụ thể của
những đời sống đã qua và chính nó kiểm soát tần số rung động của mỗi cá nhân.
Tùy theo sự rung động mà mỗi cá nhân thích hợp với những cảnh giới
riêng và sẽ sống tại đó khi bước qua cõi giới bên này. Do đó, muốn được thoải
mái ở cõi bên này, các con phải biết chuẩn bị. Cha mong các con hãy bắt tay vào
việc này ngay. Các con hãy rán làm những việc lành, từ bỏ những hành vi bất
thiện. Khi làm bất cứ việc gì, các con hãy suy gẫm xem hậu quả việc đó như thế
nào, liệu nó có gây đau khổ hay tổn thương cho ai không? Đừng quá
bận
rộn suy tính những điều hơn lẽ thiệt mà hãy tập quên mình. Đời người rất
ngắn,
các con không có nhiều thời giờ đâu.
Khi còn sống, đã có lúc
cha dạy các con phải biết đầu tư thương mại để dành tiền bạc vào
những trương mục tiết kiệm, những bất động sản, những chứng khoán... nhưng bây
giờ cha biết rằng mình đã lầm. Một khi qua đến bên đây, các con không thể mang
những thứ đó theo được. Danh vọng, địa vị, tài sản vật chất chỉ là những
thứ có
tính cách tạm bợ, bèo bọt, đến hay đi như mây trôi, gió thổi, trước có sau
không. Chỉ có tình thương mới là hành trang
duy nhất mà các con có thể mang theo mình qua cõi giới bên này một cách thoải
mái, không sợ hư hao mất mát. Tình thương giống như đá nam châm, nó thu hút
những người thương nhau thực sự, để họ tiến lại gần nhau, kết hợp với nhau. Nó
là một mãnh lực bất diệt, mạnh mẽ, trường tồn và chính nhờ lòng thương này mà
người ta có thể tìm gặp lại nhau trải qua không gian hay thời gian. Chắc
hẳn các con nghĩ rằng người cha nghiêm
nghị đầy uy quyền khi trước đã trở nên mềm yếu chăng? Này các con, chỉ khi nào
buông xuôi tay bước qua thế giới bên này, các con mới thực sự trải nghiệm được
trạng huống của mình, tốt hay xấu, hạnh phúc hay đau khổ, thích hợp với cảnh
giới thanh cao tốt lành hay những nơi chốn thấp thỏi xấu xa. Hơn bao giờ
hết,
cha xác định rằng điều cha học hỏi nơi đây là một định luật khoa học thật đơn
giản mà cũng thật huyền diệu. Nó chính là cái nguyên lý trật tự và điều hòa
hằng hiện hữu trong vũ trụ. Sự lựa chọn để sống trong cảnh giới mỹ lệ đẹp đẽ
hay tăm tối u minh đều do những tần số rung động của mình mà ra cả và chính
mình
phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình hay lựa chọn những nơi mà mình
sẽ đến. Khi còn sống cha tin rằng chết là hết, con người chỉ là sự cấu tạo của các chất hữu cơ hợp lại, nhưng hiện nay cha biết mình đã lầm. Cha không biết phân biệt phần xác thân và phần tâm linh. Sự chết chỉ đến với phần thân xác trong khi phần tâm linh vẫn hoạt động không ngừng. Nó đã hoạt động như thế từ thuở nào rồi và sẽ còn tiếp tục mãi mãi. Hiển nhiên cá nhân của cha không phải là cái thể xác đã bị hủy hoại kia mà là phần tâm linh vẫn tiếp tục hoạt động này, do đó cha mới cố gắng liên lạc với các con để hoàn tất điều mà cha đã hứa với các con khi xưa. Cha nghiệm được rằng sự sống giống như một dòng nước tuôn chảy không ngừng từ nơi này qua nơi khác, từ hình thức này qua hình thức khác. Khi trôi chảy qua những môi trường khác nhau nó sẽ bị ảnh hưởng những điều kiện khác nhau; và tùy theo sự học hỏi, kinh nghiệm mà nó ý thức được bản chất thiêng liêng thực sự của nó. Cũng như sóng biển có đợt cao, đợt thấp thì đời người cũng có những lúc thăng trầm, khi vinh quang tột đỉnh, lúc khốn cùng tủi nhục, nhưng nếu biết nhìn lại toàn vẹn tiến trình của sự sống thì kiếp người có khác chi những làn sóng nhấp nhô, lăng xăng trên mặt biển đâu. Chỉ khi nào biết nhận thức về bản chất thật sự của mình vốn là nước chứ không phải là sóng thì các con sẽ ý thức được tính cách trường cửu của sự sống. Từ đó các con sẽ có một quan niệm rõ rệt rằng chết chỉ là một diễn tiến tất nhiên, một sự kiện cần thiết có tính cách giai đoạn chứ không phải một cái gì ghê gớm như người ta thường sợ hãi. Điều cần thiết không phải là trốn tránh sự chết hay ghê tởm nó, nhưng là sự chuẩn bị cho một sự kiện tất nhiên phải đến một cách thoải mái, ung dung vì nếu khi còn sống các con đã đem hết khả năng và phương tiện của mình để giúp đời, để yêu thương mọi loài thì lúc lâm chung, các con chẳng có gì phải luyến tiếc hay hổ thẹn với lương tâm cả. Trước khi từ biệt các con, cha muốn nói thêm rằng hiện nay cha đang sống một cách thoải mái, vui vẻ và an lạc chứ không hề khổ sở.
|