Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sách Văn Học Phật Giáo
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Tâm Nguyên Vô Đề

Wednesday, November 5, 201419:09(View: 23372)
Tâm Nguyên Vô Đề

Tâm Nguyên Vô Đề

Tác giả: Nguyên Siêu
Giọng đọc: Lâm Ánh Ngọc


tam-nguyen-vo-de_nguyensieu

LỜI NÓI ĐẦU


Một tập sách nhỏ, mang nhiều thể tài: đoản văn của sự suy tư, thư thái. Thơ của tư tưởng dung dị hàm tàng những ý niệm về một quê hương yêu dấu từ thuở măng tơ, từ thời thơ ấu lên năm lên bảy còn nằm trong lòng tay của mẹ, để nghe mẹ ru, để nghe mẹ hát, để cảm nhận được trái tim mẹ ấm, tình mẹ nồng và từ đó lớn khôn. Lớn khôn trên quê hương nghèo. Quê hương tất tả nắng mưa. Quê hương gánh gồng cho nhau sức sống. Quê hương của mẹ nuôi lớn thân con. Quê hương đó đã lưu giữ hình bóng mẹ, như lưu giữ một gia tài trân bảo. Lưu giữ hương thơm của dòng sữa ngọt. Ngọt như hoa cau, hoa bưởi. Thơm như đồng lúa vàng reo trong gió chiều rì rào. Quê hương đó có luống cày sâu. Có đồng mạ non. Có dòng sông nhỏ, Có cây đa đầu làng. Có mái đình cong chở che đời sống tâm linh dân làng hôm sớm. Quê hương của đất trời núi cao, biển rộng. Quê hương của giống nòi Lạc Việt hùng anh.

Ý niệm thứ hai là Phật pháp. Từ thời mới xuất gia, đầu còn để chỏm làm điệu của tuổi lên mười. Cái tuổi ngây ngô trong trắng. Mẹ bảo đi tu thì đi. Mẹ bảo ở chùa thì ở. Ở từ thuở ấy cho đến hôm nay, hơn nửa thế kỷ. Giờ này thì mẹ đã mất, và một quê hương cũng phải xa lìa, chỉ còn lại là Phật pháp. Những lời Phật dạy, còn in đậm trong tâm, và mãi mãi tồn trữ cho ngàn vạn kiếp sau. Có lẽ nhờ Phật pháp mà có nhân duyên trong cuộc sống, thăng trầm, hợp tan của nhân thế. Phật pháp nhiệm mầu. Phật pháp cao siêu. Sự nhiệm mầu, cao siêu ấy không thể nói bằng lời, không thể suy tư bằng tư tưởng. Phật pháp tự thân tác chứng. Cuối cùngý niệm về ân đức của các bậc Thầy Tổ, Bổn Sư, Giáo thọ sư... Ân đức này một thời đã được cưu mang dưới các mái Phật học viện. Thầy Tổ cho ăn, cho mặc, cho học, cho tu... Suốt thời gian hơn nửa đời người. Nhờ công ơn ấy, nhờ sự giáo dưỡng ấy mà trưởng thành trong sự cố gắng liên lũy. Có lúc cũng mỏi mòn, lắm khi cũng chùn bước, nhưng cứ nghĩ tới ân đức của Thầy Tổ thì đâu đó cũng được vuông tròn, tự nhiên, vô cầu. Có ai gần gũi với ân đức ấy mới thấy được thế nào là một tấm lòng.

Thế nào là nỗi lo lắng cho một tương lai của đàn hậu học. Cho thế hệ kế thừa, tre tàn măng mọc. Để góp nhặt hết tất cả những ý niệm tác thành tập sách nhỏ “Tâm Nguyên Vô Đề” này là một lời sách tấn, khuyến khích của Thiện hữu tri thức để lưu dấu một cái gì. Cái uyên nguyên của Tâm. Cái Ý. Cái Lòng. Cái Niệm. Cái Tư. Cái Tưởng từ thuở ban sơ. Cái phút giây đầu đời, chân thân, trần trụi. “Vô Đề” trong ý niệm vô niệm. Lời nói như những hạt sương đầu cành. Như những viên đá cuội nằm bên lề đường. Như hạt cát trên bãi biển. Như bọt sóng trong đại dương, trùng khơi vô tận. Nguyện hiến dâng tất cả trong ý niệm Tâm Nguyên.

San Diego, ngày 01 tháng 01 năm 2013

Nguyên Siêu

01.

Dấu chân người đi qua.

Từ đỉnh núi Lăng Già đến cung rồng Kiệt La

chúa tể. Loài thủy tộc tôm cua. Rong rêu. Ngàn năm sóng nước. Trăm năm núi đồi. Vạn năm đồng bằng cỏ xanh. Hoa thơm. Quả lạ. Nơi đó tạo dựng một hành trình còn dang dở. Cuộc lữ hành phiêu lưu. Bất định. Như cuộc lữ rong chơi. Từ đỉnh núi. Ghềnh biển xanh lưu lại vết mòn đôi chân cùng tử. Quên mình, trong chéo áo có ngọc Ma Ni.

 

02.

Mưa vẫn rơi. Mây vẫn bay.

Gió vẫn thổi. Núi đồi vẫn xanh.

Mây mù giăng măc. Như mờ từng hạt sương chiều. Xoi mòn tảng đá ngàn năm cô quạnh. Trên mặt đất còn nhiều nỗi cô liêu, trong tiếng hót ca loài chim cồn cát.


03.
Bóng tối đổ dài lên vết mòn thời gian,

Vết mòn không gian. Vết mòn tâm thức. Vết mòn thói quen ngàn đời thánh thiện. Vết mòn tạo thành dòng suy tư, làm tôi hiện hữu. Như hiện hữu. Thời gian lặng trôi. Hiện hữu đôi bờ cỏ dại, như bâng khuâng, như dìu dặt, rạp mình nương theo chiều gió. Thiên thu. Thù tạc. Một kiếp nhân sinh.

04.

Bóng nắng tàn. Hoàng hôn đổ xuống.

Phủ ngập núi đồi. Ruộng vườn.

Biển xanh. Sóng nước. Trùng dương thầm lặng từ nguồn suối sâu. Sóng đời vẫn thù tạc. Nhấp nhô. Ngập chìm. Lặn hụp. Soi mòn và đổ nát như những vùng loạn tưởng của tâm thức vô minh.

05.

Rêu xanh. Vách đá. Lá vàng. Lá khô.

Từng hạt tế bào của làn da sạm nắng. Từng sợi lông mi phủ kín mắt ai. Hay những tia nắng rạng rỡ của bình minh như hòa quyện vào lòng

đất. Sống. Chết. Tồn tục như chuỗi thời gian vong thể. Vuốt mặt nhìn đời bằng đôi mắt chua cay. Những giọt nước từ phiến đá lăn tròn. Rơi tỏm hố sâu.

06.

Dáng dấp của thân người gầy. Còng cái lưng. Mòn đôi tay. Dày gót chân. Thời gian. Sờ soạng. Lần khần. Xuôi theo hình vóc. Mỏi mòn. Từ thuở hồng hoang. Khua từng hơi thở. Gục đầu trên đôi tay khô. Đêm dài hun hút. Khỏa lấp kiếp người. Một thời phôi pha. Mộng đời trôi qua.

07.

Lời kinh khuya trầm hùng. Dâng cao.

Thấm sâu vào lòng người mê muội.

Như đêm dài. Như hố sâu; Dằng dặc. Sương mơ. Lặng chìm vào tâm thức. Vô ngôn. Không lời. Thiền tăng chống gậy lên non. Lối mòn hun hút. Để lại sau lưng bụi đường. Trần gian.

08.

Dòng nước lũ. Chảy từ nguồn. Cuộn phù sa.

Nuôi sức sống. Cho người. Cho anh. Cho tôi. Cho em. Cho từng đốm lửa đêm đông vô cùng. Cho từng giọt nước xuôi sông vô cùng. Cho từng hơi thở mông lung vô cùng. Cho từng niệm buồn, tri thức vô chung.

 

09.

Dòng sông. Mái chùa. Rặng dừa nuôi hồn thơ ngây ngày thêm lớn. Dẵm lên những vết mòn thời gian. Qua đi. Qua đi. Một thời của thủa sơ tâm. Giờ ngó lại đoạn đường. Dĩ vãng như bụi mờ. Sương mơ khỏa lấp dấu chân thời hành điệu. Mười lăm năm lăn lóc. Khốn cùng.

10.

Con ốc sên nép mình dưới lá.

Cắn đọt chồi non.

No tròn năm tháng. Đợi chờ.

Chuyển kiếp lai sinh.

Một sáng bình minh. Hóa hình Bồ Tát.

Lộ trình tu chứng vô sinh.

11.

Trong bóng tối. Người gục đầu.

Gậm đốt ngón tay. Đếm thời gian chảy. Vuốt tóc bạc dài. Rũ hàng mi cong. Bạc cháy. Phận mình. Tủi phận. Số phận làm hình ảnh được lưu lại. Một bóng mờ bỏ sau lưng. Bụi đường. Thời gian. Kỷ niệm. Thoáng qua từng giọt sầu. Thiên thâu. Vực thẳm. Rỏ xuống đời mình. Vô thủy. Vô chung.

12.

Người nằm xuống. Người đứng lên.

Người bước đi. Người ngồi đó để nghe.

Một tiếng khóc. Một tiếng cười. Tiếng vỗ của một bàn tay. Nghe êm ả. Vuốt mặt đợi chờ. Hình bóng cũ. Năm xưa phai nhạt.

Dấu trọn hình hài trong đêm nguyên tiêu.

13.

Bờ cỏ xanh nuôi lớn côn trùng.

Nuôi lớn đàn bò. Nuôi lớn đàn trâu.

Nuôi lớn loài người nghèo khốn. Nuôi lớn tuổi thơ chóng khôn. Trên từng đống rác. Nắng hè đốt cháy lưng ai. Và nuôi lớn tiếng dế đêm trường rên rỉ. Nuôi lớn tuổi đời của từng bước chân. Lối mòn. Những vệt nắng. Đốt cháy thời gian.

14.

Mây trên ngàn. Gió trên sao. Nắng lao xao.

Đỉnh núi cao. Đón ánh sáng. Lũ côn trùng rên rỉ dưới chân. Cội thông già. Bên sườn đá. Đón gió ngàn. Năm tháng đợi chờ. Mù sương. Phủ lấp. Hạt bụi. Chân thân.

15.

Từ trên cao. Nhìn xuống thấp.

Con đường cong, thẳng, dọc, ngang. Nếp nhăn mặt mũi. Tàn phá. Thời gian. Thành tóc bạc. Sương pha. Búa rìu. Chém chặt. Chết mòn năm tháng. Tuổi ấu thơ. Tuổi măng tơ vòi vĩnh. Uống từng hạt sữa. Lớn theo thời gian. Tuổi già nua. Tuổi tóc bạc. Tuổi hao gầy. Tuổi chống gậy đi vào nghĩa trang. Nằm mơ một thời dĩ vãng.

16.

Mùa thu. Lá vàng. Chập chùng. Ngun ngút.

Rừng phong. Tô điểm đất trời một gia tài thi vị. Cho thi nhân. Mặc khách. Xông ướp hương thơ. Dật dờ từng loại ngôn ngữ. Chữ nghĩa phiêu bồng, để hát, để ca lời thơ em viết:

Mây trời phủ rừng phong

Dệt thành dòng tơ lụa

Em đem về may áo

Cho Mẹ già đêm đông.

 

17.

Buổi sáng uống trà. Hương trà bay.

Xác trà rã. Nước trà đậm Bình trà ấm. Giữa chốn trần gian, làm tươi tỉnh người thưởng thức. Thiền trà nơi tịnh thất Đạt Ma. Sương pha núi rừng. Vẽ thành bức tranh thiên nhiên cúng Phật. Phật nơi đây. Phật trong lòng. Phật có khắp đông tây.

18.

Đàn kiến bò quanh. Trên phiến đá.

Thành vết mòn. Định lực của tâm.

Thành vết mòn thói quen ý thức. Tạo thành nghiệp dắt dẫn tâm đi. Vòng luân hồi vô tận. Nhặt khoan. Tiếng thở thì thầm. Loanh quanh trong biển trầm luân.

19.

Khói từ sông. Sóng từ nước. Bốc cao.

Mờ không gian, cho dòng suối reo. Làm tươi mát. Lá hoa. Đất lành. Mầu mỡ. Tưới tẩm hạt mầm cho xanh. Thêm tươi. Dâng đời bằng đôi tay đẹp. Đôi tay Bồ Tát hiến dâng.

 

20.

Người nằm xuống. Ta ngồi đây.

Nghe người hát. Hát bài Đạo Ca.

Lời ca thánh thiện. Lời ca từ nguồn. Lời ca miên man. Lời ca cho đời. Hương hoa sức sống. No tròn một đời lưu vong.

21.

Trẻ thơ. Tâm hồn mầu nhiệm. Ý thức sống được khơi dậy từ tâm hồn vốn thiện. Huyền hoặc. Man nhiên. Như đôi tay búp măng. Như ánh mắt hạt huyền. Như đôi má búng sữa. Như con đường bào mòn bởi tay chân.

22.

Nắng táp vách tường rêu. Dế mèn nơi hẻm đá.

Đứng ngóng mây trời. Bềnh bồng. Vô định. Thời gian. Không gian. Bọt vỡ đầu ghềnh.

Chìm sâu đáy nước. Chôn chặt đời tôi trên đỉnh đồi gió hú.

 

23.

Con đường mòn. Theo lối cũ. Dẫn người về.

Thăm lại chốn xưa. Nhiều kỷ niệm buồn của tuổi măng tơ. Tuổi thơ. Dưới túp lều tranh. Bên dòng sông nhỏ. Bắc cầu qua mương. Qua ngôi nhà nhỏ. Nơi bìa rừng. Khóm tre xanh. Giàn bí đỏ. Bỏ ngỏ tự thuở nào. Con mương trước ngõ.

24.

Chớp mắt chào đời. Làm thân người khổ.

Sống hôm nay. Ngưỡng vọng phương trời. Những viên đá cuội. Nằm chờ rêu xanh. Khỏa lấp. Mỏi mòn. Thi gan tuế nguyệt. Nguyệt lặn đầu non. Trăng tròn mười sáu. Kiếp người lận đận. Trôi qua.

 

25.

Đỉnh núi cao. Nuôi lớn cây xanh.

Xanh đời người non trẻ.

Ngày hai buổi. Đến trường. Đọc. Lời kinh. Siêu độ. Nguyện cầu. Tri thức cỏn con. Như tâm hồn thánh thiện. Nguyện cầu. Hoa lá thêm xinh. Cho đời thêm tươi thắm. Cho bình minh rạng rỡ. Lui dần. Hoàng hôn tắt.


26.
Từng tam cấp. Dẫn bước chân.

Sư già mỏi gối. Ngồi đợi chờ.

Con ốc đi qua. Lưu lại vết tích bọt bèo. Từ thân thể. Dáng điệu từ hòa. Sư già nhìn nó. Thầm nguyện rằng thoát kiếp dã sinh.

27.

Luống cải xanh. Phơi mình trong nắng mới.

Tươi mát tình người.

Nuôi lớn đàn con. Gầy gò thấp thỏm. Ngóng về tương lai. Một đời trăn trở. Như hình bóng chong vong. Người chống gậy qua triền núi. Mỏi mòn bằng đôi chân thô.

28.

Tượng Phật ngồi. Thiên thu trên đỉnh núi.

Biểu tượng của người giác ngộ. Pháp thân tồn tục. Hiện hữu. Trong tôi. Sớm chiều bái vọng. Lòng thành như đám tường vân. Cúi đầu. Sụp lạy. Thời gian. Vô lượng kiếp.

29.

Ngôi chùa cổ. Tiếng chuông khuya.

Ru đời ngon giấc. Tỉnh cơn mê.

Xoay tâm bồ đề. Lối về. Người tự đi. Đôi chân giác ngộ. Hóa độ muôn loài. Chứng đắc tự thân.

30.

Lời Sư dạy. Trên bục giảng

Qua bao chặng đường nghiệt ngã.

Làm bạc mái tóc. Làm phai đôi môi. Gìn giữ. Kỷ niệm vuông tròn. Một đời học Tăng.

31.

Sư già ngồi gõ máy. Tách cà phê cạn dần.

Vai gầy. Xương xẩu. Nhô cao vầng trán rộng. Hai hố mắt thẳm sâu. Chứa đựng dòng tri thức vô bờ. Phá vỡ. Xô dạt. Bóng đêm. Muôn trùng từ vô lượng kiếp.

32.

Từng bước chân. Bách bộ. Theo triền núi.

Đếm hạt sỏi. Vãi tung. Đó đây. Lăn tròn năm tháng. Hình hãi vụn vỡ. Điểm đầu. Ghềnh đá cheo leo. Qua sườn đèo. Mây giăng phủ. Thấp thoáng bước người đi.


33.

Giở trang kinh đọc. Lời dạy. Hải triều âm.

Thời Oai Âm Vương Phật. Thời Nhiên Đăng Phật. Hạt giống hãy còn đó. Chờ kiếp lai sinh. Một sáng bình minh. Nghe tiếng khóc. Em bé chào đời. Trông bé thông minh. Hạt giống Phật, tựa nên hình. Phật sơ sinh.

34.

bồ đề. Rụng trước sân chùa.

Cầm chổi quét. Nghe chim kêu.

Vọng từ xa. Miền tịch liêu. Như dấu ấn. In tròn trên mái đầu xanh. Thời làm điệu. Điệu không thuộc kinh. Điệu im lìm ngủ. Suốt đêm muỗi cắn. Điệu vẫn làm thinh. Thương chúng sinh. Điệu cầu nguyện.


35.

Con muỗi vo ve. Ngoài khung mùng bẩn.

Trong tâm vo ve. Thời gian hành điệu. Giữa chánh điện chùa. Ngủ say qua đêm. Lăn tròn trên nền gạch. Gạch đỡ chân điệu. Gạch níu đôi tay. Nền gạch chùa. Bây giờ còn nhớ. Của thuở lên mười. Tâm điệu ngây thơ.


36.

Quảy trên vai. Đôi dép cỏ.

Chiếc áo bạc màu. Sương gió.

Nhìn lại dặm đường. Bụi mờ. Khỏa lấp. Một kiếp rong chơi. Như từ thuở nọ. Đại nguyện hóa thân. Đi vào cát bụi. Được gần gũi với vạn hình hài. Ngửa mặt ngắm trăng.

37.

Dậy đi chú tiểu. Giờ công phu khuya.

Lăng Nghiêm năm đệ. Thập chú nằm lòng. Như thể tương chao hai buổi. Nuôi lớn chú tiểu thỉnh chuông. Trên đồi tháp cổ. Chú tiểu dộng chuông. Chú tiểu buồn. Con người mê muội. Nghe tiếng chuông. Lòng chẳng buông phiền não. Triền miên trong tăm tối.

38.

Từ vực thẳm. Suốt rặng dừa xanh.

Đến chân trời. Bích ngọc. Xanh biếc. Đại dương muôn trùng. Rì rào sóng vỗ. Chiều khơi lộng gió. Gió cuốn mây bay. Mây bay về đâu. Bay qua đỉnh đầu. Qua cánh đồng nâu. Qua chiếc cầu. Qua bao đêm thâu. Quên mình theo gió. Gió nương mây. Đùa mây về chốn xa xăm.

 

39.

Rặng bồ đề. Rễ sâu. Bóng cả. Thân sù sì.

Đánh dấu. Một thời công phu. Người Sư già. Ngoại cửu tuần. Ngồi lẫn chuỗi hạt. Trên chiếc chõng tre. Cạnh nhà thiền. Hơn tám mươi năm. Để thấy. Bao lớp người qua. Giờ còn lại bóng Sư già. Dưới mái chùa cổ kính. Nhìn đời, đôi mắt từ bi.

40.

Chiêm ngưỡng đức Bổn Sư. Miệng mỉm cười.

Khoanh chân kiết già. Lưng thẳng. Quán hoa sen. Niên hoa vi tiếu. Phú chúc nhãn tạng. Đại Ca Diếp. Truyền trao. Gia tài giác ngộ. Ngộ chân tâm. Làm Sơ Tổ. Dòng Thiền Ấn Độ. Tiếp nối từ đây. Hiển bày công huân tu tập.

41.

Ánh đèn vàng. Soi dung nhan đấng Từ Bi.

Nguyền muôn kiếp. Cho thân cận. Vượt vòng tử sinh. Độ mình. Độ chúng sinh. Con đường Bồ Tát. Thề hy sinh vì đời. Làm đẹp như hoa.

42.

Tịch lặng. Đấng Đại Hùng. Thương chúng sinh. Rải tâm Từ. Vô lượng kiếp. Độ muôn loài. Thoát vòng khổ đau. Chân thân. Hiện hữu. Khứ lai vô cầu. Từ vực sâu. Thí thân cho cọp. Mây trắng cúi đầu. Tỏ niềm thương đau.

43.

Đôi mắt, Bồ Tát. Đôi tay, Tổ Sư. Hạnh nguyện cứu đời. Trầm luân vạn đại. Vô thủy. Vô chung. Con đường hóa độ. Vô lượng. Vô tận. Vô cùng. Vô biên. Vô số. Vô kiếp. Chúng sinh khắp miền. Hữu duyên. Vô duyên. Đồng về bờ giác. Giác ngộ tâm nguyên. Thoát khổ luân hồi.

44.

Con đường Bồ Tát đi có nhiều bông hoa tươi đẹp. Có nhiều loài chim ca hót líu lo. Nghinh đón bước chân. Cúng dường vô lượng. Những vì tinh tú. Những trăng. Những sao. Những trái tim hồng. Những dòng máu đỏ. Tuôn chảy trong thân. Thân làm Bồ Tát. Hát ca giữa đời. Nghêu ngao đây đó. Mặc cho đời phủi mặt, quay lưng. Bồ Tát tưởng chừng ôm hết chúng sinh vào đôi tay Bồ Tát.

45.

Dàn bầu của chùa. Trái ngọt. Lá xanh.

Xanh đời người tu. Tấm lòng phụng sự. Hiến dâng cho hết. Dâng trọn lòng thành. Như từng bát canh. Ngọt lành người nấu. Vô tâm. Vô tư. Hữu duyên Phật thành.

46.

Nhà văn hóa. Chợt xếp bút nghiên.

Xếp lời dịu hiền. Xếp kín đôi môi.

Giảng kinh. Giảng luận. Giảng lời Phật dạy. Làm việc hiền nhân. Lưu lại cho đời. Hàng ngàn năm nữa. Để từ đó. Cuộc đời của bậc Cha Ông. Dày công xây đắp. Con đường hoằng hóa Tổ Tông.

47.

Trên đồi thông. Từng bước chân dẫm mòn.

Thân thể một chiếc lá khô. Chợt biến thành linh thiêng. Mộng mị. Nằm hứng sương khuya. Ngắm ánh sao rơi. Thấy đời mình cỏn con. Phù phiếm. Như vỏ ốc khô. Lăn tròn bãi cát. Trôi theo bọt biển. Cuối bãi. Đầu ghềnh. Tan trong đại dương.

48.
Người đi đâu, để tôi cưu mang hình hài dằng
dặc. Tiếng chân khua, bụi phấn còn mờ. Lớp ảo ảnh, phủ dày vạt áo. Cuốn lại thành, dệt lụa trăng mơ. Rồi từ đó, bóng người thấp thoáng. Trên bờ đê, hay cõi rừng thơ. Trường Sơn. Đỉnh núi cao. Đại dương. Muối mặn. Giữ đôi chân người, in dấu bâng quơ.

49.

Xõa tóc nằm chờ trăng sáng. Xuyên qua mành ảnh tượng nên thơ.Người họa sĩ ủ tờ giấy trắng. Nét mực mờ chấm phá khung tơ. Điểm chấm trắng đen vung vãi. Loáng thoáng trông ảnh tượng mờ mờ. Khép cửa lại nhốt hình hài đó. Nhìn thật sâu trăng tỏ. Vô bờ. Giấc mơ. Trăng tròn mười sáu.

50.

Trọn năm cặm cụi. Dịch từng lời kinh.

Đèn khuya một bóng. Lung linh dáng người. Tiếng khóc câu cười. Chẳng làm ai tỉnh. Lời kinh vượt thoát. Biển trầm sông mê. Tâm Bồ Đề tỏ vằng vặc. Trí Bát Nhã hằng rạng soi. Lợi ích cho đời. Tương lai làm Phật.

(tưởng niệm về Ôn Minh Châu – Viện Đại Học Vạn Hạnh, 1982)

 

51.

Lời Ôn giảng kinh. Ấm như nhật nguyệt.

Dáng từ tự tại. Tựa bước tượng vương. Ôn đi trên mọi nẻo đường. Gieo rắc tình thương cho hàng hậu học. Học bài xử thế Ôn để nơi con. Sắt son trong lòng. Nghìn năm không quên.

(tưởng niệm về Ôn Từ Đàm – Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, 1973)

52.

Chống gậy Ôn qua triền núi. Đôi dép mòn ba tháng an cư. Con ốc nhỏ nằm bên bờ suối. Dõi nhìn theo dáng điệu hiền từ. Gập ghềnh sỏi đá. Con đường chân như. Ôn đi một sớm phù hư. Ôn về Cốc núi ẩn cư tu hành.

(tưởng niệm về Ôn Đỗng Minh – Chùa Tỉnh Hội Nha Trang, 1973)

 

53.

Trái tim Ôn nồng ấm. Nuôi lớn đàn con.

Chọn người làm Phật. Phật đất. Phật đồng. Phật trong tự tánh. Tánh thiện. Tánh lành. Tánh như hư không. Ôn dang đôi tay ôm tròn tuổi trẻ. Tuổi già lụn tàn. Măng mọc đầu non. Ước mộng vuông tròn. Ôn về với Phật.

(tưởng niệm về Ôn Già LamPhật Học Viện Hải Đức Nha Trang, 1973)

54.

Đêm khuya Ôn lạy Phật. Từng lời từng lời kinh. Nuôi lớn đàn hậu sinh. Thành Tăng tài cho Đạo. Bước chân Ôn nhẹ dạo. Rạng rỡ ngọn Thiền quynh. Nghiêng mình. Khuynh tâm. Một đời đền đáp. Công Ôn nuôi dưỡng. Sáng tợ trăng rằm.

(tưởng niệm về Ôn Già LamTu Viện Quảng Hương Già Lam Sài Gòn, 1980)

 

55.

Giới luật Ôn nghiêm trì. Sáng sạch như băng tuyết. Đức hạnh ai sánh bì. Cao cao thật tuyệt tuyệt. Ôn đi trước Thiền thất. Ôn ngồi bên hoành phi. Dáng Ôn bất tư nghì. Muôn đời cho hàng con cháu nhớ ghi. Làm Thầy loài người. Tương lai thành Phật.

(tưởng niệm về Ôn Từ QuangPhật Học Viện Hải Đức Nha Trang, 1970)

56.

Ôn già hơn chín mươi. Còn bắc cơm, nấu cháo. Theo dõi đàn kiến bò. Vứt cho từng miếng bánh. Làm hạnh Bồ Tát hạnh. Hương thơm ngát lòng thành. Tuổi trẻ Ôn là đá. Đá nặng chẳng lung lay. Ôn ở một chỗ này. Cho đến ngày hôm nay. Tuổi già Ôn là núi. Núi đứng sừng sững cao. Sáng che mưa tuổi nào. Chiều ấm lòng con cháu. Chén cơm. Chiếc áo. Ôn tặng đất trời. Thõng tay vào chợ. Thăm người thế gian.

(tưởng niệm về HT Bổn Sư Thích Chí Tín – Chùa Tỉnh Hội Nha Trang, 1966)

57.

Thiền thất Ôn nhẹ bước. Tam cấp dẫn xuống đường. Ướp hương trà thơm ngát. Bát Nhã tâm diệu thường. Cốc Ôn ở am mây. Che phủ những tàng cây. Võng Ôn đan bằng dây. Đưa tháng ngày an lạc. Tâm Ôn như mây bạc. Bềnh bồng bay bay bay.

(tưởng niệm về Ôn Trí Nghiêm – Chùa Tỉnh Hội Nha Trang, 1967)

58.

Ôn như ánh Trăng rằm. Dung nhan Ôn đẹp lạ.

Giám sự một lòng thành. Qua bao nhiêu mùa hạ. Ve sầu kêu rỉ rả. Bát Nhã tát bà ha. Ngày tháng cứ trôi qua. Ôn là quả núi già. Kiên cốvững chãi. Độ người số hằng sa. Nhất niệm Di Đà. Ôn về với Phật.

(tưởng niệm về Ôn Trừng San – Giám Sự PHV Hải Đức Nha Trang, 1970)


59.

Tôi mơ trăng mười sáu. Rọi trên đồng lúa thơm. Quê hương Việt Nam còn. Trái tim nồng dân tộc. Lạc Hồng. Văn hiến. Con cháu Rồng Tiên. Mẹ hiền Quan Âm. Hộ dân. Hộ nước. Nước non vững bền. Đầu thôn đến cuối thôn. Giọng hò cô lái chiều hôm. Ôm lòng đất mẹ, nức hồn âu ca. Trẻ già. Người người vui sống. Sống cảnh thái hòa. Núi là non. Gấm là vóc. Quê cha thanh bình.

60.

Cây đa. Bến nước. Con đò.

Dệt thành trang Sử Việt.

Mấy nghìn năm văn hiến, nuôi lớn dân tôi.

À ơi! Con nước qua cầu

Đạo vàng thơm ngát, trên đầu Việt Nam

Quốc Tổ. Giang Sơn.

Con Hồng cháu Lạc.

Ngẩng cao đầu, hai tiếng hát Việt Nam.

61.

Dòng nước sông Hương chở chiếc thuyền nan

Xuôi ngược tháng năm người dân xứ Huế

Lên thăm Thiên Mụ lòng chẳng muốn về

Lời nguyền câu thề ngàn năm không quên.


62.

Người cúi xuống chum. Múc gáo nước lạnh.

Tưới những giò lan. Đơm hoa dâng đời. Đơm hương cúng Phật. Người lui về thiền thất. Dịch Kinh. Nắng buổi bình minh. Rọi vào cửa sổ. Soi sáng tượng hình. Tượng hình thiên thu.

63.

Bên chiếc dương cầm. Tấu lên lời nhạc.

Lời ca tiếng hát. Tựa tiếng Kinh cầu. Dáng người ngồi thư thái. Một mái tóc hoa râm. Một vầng trán đậm. Soi bóng cha lành. Tiếng đàn dương cầm. Trầm bổng. Du dương như mộng. Thả hồn theo gió. Gió cuốn đàn câm. Đêm khuya bên chiếc dương cầm. Âm ba trầm bổng hư không vọng về. Đổ dài một bóng đơn côi. Đàn rơi chỏi nhịp. Tái tê giọt sầu.

64.

Một chiếc lưng còng. Chảy dài năm tháng.

Bên chồng sách cũ. Bên Đại Tạng Kinh. Ngọn đèn lung linh. Khi mờ khi tỏ. Dáng người nho nhỏ. Đôi tay. Khối óc. Trái tim. Dòng máu đỏ. Từ thuở khai sinh. Mẹ dạy đọc kinh. Lớn khôn từ đó. Tư chất thông minh. Trí tuệ trác việt. Một trời thơ văn. Hố cùng mộ tuyệt.

65.

Nét mực nhòa trang giấy. Nến tàn rạng đêm đông. Căn phòng người một bóng. Thâu đêm đêm chốc mồng. Tạng Kinh chong mắt đọc. Lời Kinh vọng hư không. Bát Nhã Ba La Mật. Tâm thông tâm chẳng thông. Ngọn đèn hồng chồng sách cũ. Đêm đông muôn trùng.

66.

Người quảy gánh đời trên đôi vai. Đi bên lề lịch sử. Dưới cơn mưa thế kỷ. Dội xuống nón tàn phai. Một hạt nước. Hai hạt nước lăn dài. Trên quê cha đổ nát. Tuổi thơ bên cồn cát. Vạch rác tìm sinh nhai. Miệt mài nơi phố thị. Như bông hoa đùa giỡn. Tuổi thơ. Mơ về một tương lai mờ mịt.

67.

Hương rừng. Mưa đêm. Thành nguồn thác lũ.

Từng gốc thông già. Từng mỏm đá cao. Chứng nhân chặng đường lịch sử. Dạt dào. Đau nhức tim gan. Mẹ của đàn con. Không nuôi khôn lớn. Cưu mang núm ruột. Tự thuở cơ hàn. Lặn lội suối ngàn. Cất cao đôi tay. Đẩy lùi lịch sử. Khổ nạn, dã man.

 

68.

Đạo pháp Việt Nam. Nuôi lớn trái tim dân tộc. Trái tim nồng. Dòng máu đỏ. Tình tự quê hương. Gói trọn miềm thương. Cho hồn Việt tộc. Tuôn chảy mấy nghìn năm. Thành dòng sông lịch sử giống nòi. Hiển hách. Oai hùng trái tim ấy. Dòng máu quật cường. Dòng máu cha ông. Xây dựng non sông. Máu xương, tuôn chảy ruộng đồng. Làm xanh lúa mạ. Cánh đồng Việt Nam.

69.

Tôi yêu tình người. Như yêu tự thân. Yêu từng tha nhân. Làn da sạm nắng. Yêu từng tiếng khóc. Tiếng thở. Tiếng cười. Khi còn nằm nôi. Nay giờ đã lớn. Đời như ánh nắng. Nuôi lớn muôn hoa. Thấy người cay đắng. Nuôi lòng nhẫn nhục. Hiền hòa. Chắp tay búp hoa. Dâng lên cúng Phật. Dâng cúng mọi người. An vui chân thật.

70.

Tôi đi qua, từ cánh đồng nâu. Từ đồi núi thắm. Từng rặng thông reo. Núi. Đèo. Chập chùng. Biển sâu. Sông rộng. Quê hương nước mặn. Đồng chua. Có từng rặng dừa. Nước xanh. Cát trắng. Dân lành lam lũ. Một nắng. Hai sương. Sông đời nhiễu nhương. Dân miền hoang dã. Bươn bả đôi tay. Làm nên làng xóm. Dựng vườn. Xây ruộng bằng đôi chân dầy. Vỡ luống đất. Đạp luống cày. Tưới lên từng giọt mồ hôi mặn nồng.

71.

Hy vọng một mai tôi chết. Mọi người có được nụ cười. Vì cuộc sống hôm nay đã hết lòng phụng sự. Cho đi bằng đôi tay. Dâng đời bằng ý đẹp. Vun quén sự sống của đất trời. Thêm hương. Thêm sắc. Tô thắm màu thiên thanh. Dịu hiền đôi tay Phật. Nâng niu đất trời. Dệt thành tơ lụa đâu miên.

 

72.

Lời thơ thành lời Kinh. Nguyện cầu nhân sinh.

Nguyện cầu thế giới. Nuôi tâm hòa bình. Đem sức bình sinh. Cho tình người thêm ấm. Ấm đôi môi. Ấm đôi tay. Ấm con tim. Dòng máu nóng. Chung tình Việt Nam.

73.

Đạo vàng tỏa sáng. Trên đỉnh non cao.

Tình người Việt Nam. Dạt dào muôn thuở. Từng bước chân vậm vỡ. Chim Việt cành Nam. Tạo thành dòng sông. Tuôn chảy miên man. Giấc mơ tìm than. Lên non đốn củi. Than đốt tim Tỉ Can. Tim cháy tan hoang. Than đốt tim Việt Nam. Sáng lạn ngàn đời. Màu sáng Việt Nam.


74.

Tôi đi trên bãi cát. Lưu lại dấu chân mòn.

Dấu chân nằm chờ trăng. Trăng treo trên đỉnh non. Cát. Trăng. Đỉnh non. Biển cả. Như hồn thơ dâng trọn cho đời. Cho chiều về biển khơi lộng gió. Triết lý của thơ là đó. Im lặng. Vô ngôn.

75.

Trên dòng sông xưa. Tôi ngồi đợi chờ.

Một mái tóc xanh. Phủi sạch đời mình. Sạch đời vấn vương. Từ vô lượng kiếp. Kiếp người phù du. Mộng kiếp người tu. Ru hồn sinh tử. Bên bờ sông xưa. Từ tuổi măng tơ. Đợi chờ. Nước trôi cuốn tóc. Tóc xuôi dòng. Tóc về đại dương.

76.

Đồi thông trong thành phố. Cho bóng mát dân lành. Rõ hạt sương đầu cành. Làm tươi mát muôn hoa. Thấm nhuận. Thái hòa. Bài ca an lạc. Trên cành chim hót. Dưới gầm cá bơi. Thảnh thơi như người dân thành phố. Có đồi thông xanh. Gọi thành phố mộng. Từng cơn gió lộng. Thổi từ biển khơi. Đầu ghềnh chơi vơi. Neo chiếc thuyền từ. Độ người trầm luân.

77.

Những Bồ Tát hóa thân. Làm bông hoa tươi đẹp. Dâng trọn tấm lòng thành. Nam Mô. Nam Mô Phật. Con nguyện chừa sân si. Nguyện đi trên đường Giới, Định, Tuệ. Một mực nhớ ghi. Văn, Tư, Tu. Đạo Từ Bi. Tập hành hỷ xả. Bất tư nghì. Tu chứng đạo. Đấng Mâu Ni.


78.

Hóa thân vào đời. Nguyện làm cát bụi.

Cát bụi miệt mài. Theo chân Bồ Tát. Qua vạn hình hài. Hà sa trần sát.

79.

Con lạy đấng Thế Tôn. Lạy trái tim giác ngộ.

Lạy tánh đức vì đời. Dấn thân người hóa độ. Dù qua bao gian khổ. Vẫn tỏa sáng lòng từ. Nhất niệm chân như. Lồ lộ. Phu già.

80.

Xua đi hình bóng tôi thương.

Bờ vai nhẵn nhụi bụi đường gót chân.

Một mai thoát kiếp phù vân.

Trăng là trăng nước là nước trong ngần đầu non.

81.

Bóng người trên đỉnh núi. Dõi mắt nhìn phương xa. Sơn hà cùng đại địa. Thầm nguyện Tát bà ha. Trôi lăn dòng sinh tử. Nguyện làm kẻ không nhà. Dưới gốc cây đêm qua. Thiền định từng sát na. Tinh tú giải ngân hà. Chứng tri đạo giác tha.

82.

Tôi đi từ thuở ban sơ. Tôi về tìm lại giấc mơ

dị thường. Bờ sinh bờ tử đôi đường. Vương vương khóm cỏ giọt sương cuối trời. Mù khơi cõi mộng. Trong lòng phù sinh.

83.

Người nằm xuống để cho đời im lặng

hình hài nơi lòng đất Mẹ yêu.

Ngày hai buổi tiếng Kinh chiều vang vọng.

Vạn Hạnh buồn đưa tiễn bậc cao siêu.

84.

Giới định chân hương. Mật hạnh kiết tường.

Bát Nhã nan lương.

Bồ Đề tâm nhất hướng. Sa giới biến mãn thập phương. Tĩnh tọa Bồ đề tòa. Quy hướng pháp trung vương.

85.

Một đóa hoa sen. Mọc lên từ bùn.

Dâng hương. Dâng sắc. Cho đời thêm xinh. Nụ hoa lung linh. Dáng hoa diễm kiều.

Lá hoa trải mình. Khỏa lấp hôi tanh.

86.

Ôn đi như cánh vạc khuya

Ôn về như thể gió đưa đầu cành

Ngàn năm sương khói xây thành.

Thương Ôn như ánh trăng rằm quê hương.

(tưởng niệm Ôn Trí Chơn – nhà Hoằng Pháp, Văn Hóa, Giáo Dục – Hải ngoại, 2006)

87.
Ôn đi một bóng. Ôn về cô liêu. Cánh vạc ăn
đêm. Cảnh vật đìu hiu. tâm Ôn bất động. Giữa cảnh nắng sớm, mưa chiều. Thiền thất hậu liêu. Ôn ngồi dịch sách. Sân ga xe buýt. Ôn an lạc nhiều. Vì, hoằng phápđền ơn chư Phật. Văn hóa bảo tồn. Phật Việt còn ghi. Giáo dục dạy người thánh thiện. Ăn chay. Niệm Phật. Lễ nghi.

(tưởng niệm công hạnh Ôn Trí Chơn – suốt đời hiến dâng, phụng sự)

 

88.

Tình thương yêu bên cạnh người cao cả.

Biết hy sinh, biết buông xả cho đời

Sống an bình không rộn rã tôi ơi

Nguyền hóa độ, dâng đời người hóa độ.

89.

Nằm yên bên chồng sách. Xoa mái tóc hoa râm. Diễm kiều người quý phái. Nhờ biết tâm có Phật. Nhờ tánh đức hiền lành. Nhờ hiểu biết tử sinh. Một đời nguyền hộ pháp. Cho trọn kiếp lai sinh.

90.

Trăng lên xõa mái tóc huyền. Che mát nhân thiên, làm con thuyền đưa khách. Khách sang sông, khách quay gót ra đi. Sông ở lại, sông lững lờ dòng nước. Xuôi ngược. Đôi bờ. Người đi. Kẻ ở.

91.

Nụ hôn trên má người gầy. Chấp đôi tay.

Thành kính. Hầu đấng Thế Tôn. Bậc xả phú cầu bần. Xả thân cầu đạo. Tôn giả Đại Ca Diếp. Một đời đắp y phấn tảo. Vui cảnh tu thân. Nguyện hiến dâng cho người sang cả.

92.

Phật bụi đời. Bụi đâu làm lấm Phật.

Bụi dính mái tóc. Bụi lăn xuống chân. Bụi trở về cát bụi. Phật vẫn là Phật. Phật trở về pháp thân.

93.

Phật đến thế gian này. Do hạnh nguyện hóa độ. Độ mọi loài chúng sinh. Thoát kiếp khổ. Chuyển kiếp mê. Đến bờ giác. Giác ngộ rồi. Trở lại độ sinh. Suốt một hành trình. Làm Bồ Tát hạnh. Làm hoa làm cành. Làm hạnh nguyện lợi tha.

94.

Bụi cũng sẽ làm Phật. Nếu bụi biết tu trì.

Sân si và tham chấp. Đường ai người nấy đi. Bụi hôm nay là bụi. Bụi mai sau là Phật. Người ơi thường nhớ ghi.

95.

Bụi không cần làm Phật. Phật cũng chẳng vướng bụi. Bụi Phật thường nhất như. Tánh Phật và tánh bụi. Chẳng phải thường lau chùi. Vì tánh Phật là bụi. Và tánh bụi là Phật. Cả hai thường tới lui.

96.

Mặt trời mọc phương Đông. Ánh sáng tia nắng hồng. Làm rạng rỡ cỏ bông. Trên đồng thơm lúa chín. Thiên nhiên. Sức sống. Từng cánh cò bay. Làm thơm lay. Hương trà, hoa bưởi. Người dân quê sẵn ấm tình người. Bao rặng tre xanh. Khói lam xây thành. Chiều về, dưới mái nhà tranh. Quanh nồi khoai luộc. Bốc khói ngon lành.


97.

Ôn đi giữa cuộc vô thường

Sắc hương đang thắm nhụy mường thêm xinh

Ngồi đây mà kể truyện tình

Tình mình, tình đạo, tình người với Ôn

Biển đời lắm nỗi nhặt khoan

Con đò tách bến còn vương lối về

Ngàn năm lỗi hẹn câu thề

Trông Ôn quảy dép đề huề gió trăng

(tưởng niệm Ôn Thuyền Ấn – 2002)

98.

Hạt cát cuốn tròn theo gió. Lăn dài trên bãi biển. Cát trắng. Biển xanh. Tinh thể của đất trời. Gấm hoa từ thuở tinh khôi. Tiếng khóc trong nôi. Chào đời em bé. Mẹ nuôi bé lớn. Bé tắm biển xanh. Bé vun đụn cát. Làm nhà bé ở. Thời gian tạm bợ. Bé thành biển xanh. Xanh ngát trùng khơi. Xanh đời mộng biển. Hải hồ, chuyện kể thần tiên.

99.

Cho tôi xin một hạt bụi. Bỏ vào túi áo rong chơi. Cho tôi xin một hạt nước. Dâng đời tươi thắm nụ hoa. Cho tôi xin một hình hài. Trầm luân biển đời sinh tử. Cho tôi xin từng mảnh đất. Chôn vùi một kiếp điêu linh. Khỏa lấp ngàn kiếp sau. Một đời lãng tử.


100.

Tôi ngồi đây ôn lại chuyện xưa. Chuyện thời gian làm điệu. Chuyện Mẹ ru con đêm mưa. Tôi ngồi đây ôn lại chuyện mình. Chuyện thời thơ ấu xinh xinh. Chuyện làm chiếc ghe giấy. Thả trôi theo dòng nước trên quê mình. Tôi ngồi đây viết lại chuyện tình. Tình Mẹ nuôi con khi trời bình minh.

Mẹ nuôi con bằng dòng sữa ngọt

Mẹ ru con, ru hoài ngàn năm

Mẹ dạy con, bằng lời đầm ấm

Mẹ dạy hoài, dạy mãi trăm năm

Con lớn khôn thì Mẹ mỏi mòn

Lưng Mẹ còng. Tóc Mẹ bạc.

Mắt Mẹ mờ. Trán Mẹ chon von.

Con thành người thì Mẹ không còn.

Hôm nay đây, con ngồi nhớ Mẹ. Hình bóng người sống lại trong con. Như trăng đầu non. Trăng tròn mười sáu. Tình thương Mẹ vuông tròn đời con. Bây giờ con đi tìm Mẹ! Mẹ ở đâu? Con tìm nơi đâu? Vượt biển sâu. Lòng đại dương Mẹ sống. Tòa lâu đài làm bằng ánh lưu ly. Mẹ ra đi trên đỉnh non cao. Con tìm Mẹ. Dáng gầy hư hao. Con quỳ lạy Mẹ. Mẹ mãi sống đời với con. Dầu trên đỉnh non. Hay lòng đất lạnh. Dầu trong hiu quạnh. Hay chốn nắng mưa. Con nguyền bên Mẹ. Đời đời với con.


101.

Trí tuệ sáng ngời trong khối óc. Ánh nắng sáng ngời trong không gian. Trí tuệ nuôi lớn đời sống tâm linh. Tâm linh giác ngộ. Ánh nắng nuôi lớn vạn vật trên mặt đất. Người có trí tuệ. Người siêu thế gian.

102.

Vô thường trên chiếc lá

Lời giảng kinh hôm qua

Giữa mùa thu kiêu sa

Chiếc áo màu sặc sỡ

Xanh vàng đà chớm nở

Dâng đất trời thiền hoa.

103.

Tôi yêu người trong sương. Dáng dấp trông lạ thường. Tĩnh tọa trong trời đất. Uy nghi thật khôn lường. Từng bước chân người đi. Khỏa mờ con đường bụi. Bụi đường vương đôi mi. Vương chiếc áo vàng tơ. Người đi gầy sự sống. Vô thường trong chơn thường.

104.

Tình yêu đâm chồi trên những cành khô.

Kết nụ cho đời tươi đẹp. Đơm bông cho đời thêm xinh. Từ đó làm mạch nguồn cho Bồ Tát hóa thân vào dòng sông sinh tử, để cùng chúng sinh tạo dựng lòng Từ. Thiết lập tâm Bi. Cho sự sống thêm nhiều ý nghĩa cao quý, dễ thương. Như nụ hoa hồng buổi sáng tinh mơ. Nơi vườn hoa giác ngộ.

105.

Buổi sáng tinh sương. Chuyến bay British Airlines đi Anh quốc. Qua đêm mọi người tỉnh giấc. Buổi sáng trên thế gian. Mọi loài thức giấc qua một đêm yên lành. Chợt thấy mình hiện hữu. Dưới ánh nắng mặt trời. Nơi hoang vu mặt đất. Dưới lòng hố thẳm. Trên đỉnh non cao. Từ vô lượng kiếp. Vuốt mặt thấy mình bâng quơ.

106.

Triết lý của sự sống là mở mắt nhìn thật rõ.

Rõ từng hạt bụi ngủ ngày. Rõ từng viên sỏi ngủ đêm. Rõ từng dấu chân nhẹ bước. Rõ từng hơi thở mong manh. Rõ từng suy tư gầy guộc. Như mảnh tơ trời giăng giăng. Mơ mơ. Mờ mờ. Ảo ảnh. Phù du.

107.

Ánh mây đầu núi. Con người cặm cụi dưới chân. Vỡ những luống đất nâu. Cho đời thêm thắm. Cho lúa mạ thêm xanh. Màu xanh hy vọng. Xanh trên lối mòn. Xanh trên rừng thẳm. Xanh nơi biển rộng. Trùng dương bát ngát. Gió mát ruộng đồng. Màu xanh người dân.

108.

Lời kinh cầu nguyện hằng sa. Vang động thế giới ngân hà. Tam thiên thế giới ta bà hiện thân. Kiếp người như đám phù vân. Hãy nương tiếng kệ thoát lần nghiệp duyên. Một lời nguyền Hộ pháp Cửu trụ thế gian. Tan não phiền. Độ tận chúng sanh. Đền ơn chư Phật. Hóa thân độ đời.

109.

Người đi cho nắng lên cao

Người về cho hạt mưa rào đầu thu

Nghìn năm sương khói phù hư

Hình hài một bóng đèn lu chóng tàn

Lời kinh động ánh trăng vàng

Cánh chim lẻ bóng trăng ngàn vỡ đôi.

110.

Vườn cải sau nhà

Khi người về thăm lại chốn xưa

Liếp dưa bầu bí

Chiếc cầu thệ thủy

Bắc ngang qua hồ

Chậu hoa thược dược

Nụ cúc xinh tươi

Đóa hải đường kiêu sa mỉm cười khi mùa xuân tới

Người em bé nhỏ

Đôi tay gầy năm tháng

Tưới nước bón phân

Cho liếp cải vàng

Tía tô mượt mà

Đó là hình ảnh đậm đà nơi quê hương của Mẹ

Bên vò múc nước tưới bụi rau thơm

Canh chua ngò ôm một thời Mẹ nấu

Hương vị của làng quê Ngoại

Trong đêm trăng thanh

Hoa bưởi đầu cành

Nhánh cau cuối ngõ

Em về thăm lại quê xưa.

111.

Vách chùa rêu phong

Hiên tây xạm nắng

Mấy độ con nước ròng, nước lớn

Người đi kẻ ở

Như trận thu phong

Thổi sạch lá vàng

Ôn đi trên lối hành lang

Dọc đồi, hoa sứ

Từng bước chân nhẹ

An nhiên tự tại

Dẫu cuộc đời thành bại

Chỉ từng bước thảnh thơi

Ôn nguyện vì đời

Hiến dâng tất cả

Làm hạnh hỷ xả

Mặc cho đời áo mão cân đai

Dáng dấp hòa hài

Như sư tử rừng sâu

Tượng vương hồi đầu thị ngạn

Ôn làm lời Sám

Tụng lạy mỗi khuya

Như hạt sương đầm đìa

Nuôi lớn hạt mầm ươm sẵn

Cho đến hôm nay

Hạt mầm Ôn vun quén

Đâm nhánh trổ bông

Thời Ôn đã qua dòng sinh tử

Nhẹ bước phiêu bồng

Ngồi đài sen thượng phẩm

112.

Em đọc những lời thơ

Hay lời ca thiên thu bất tận

Lời ca rằng:

Em nguyện đem thân làm mưa

Mưa cho đời bớt nóng

Em nguyện làm nắng

Nắng cho ấm loài người

Em nguyện làm gió

Gió thổi mát sa mạc

Em nguyện làm cây

Cây xanh tặng đất trời

Em nguyện làm người

Người yêu thương tất cả

Em nguyện làm Phật

Phật độ tận chúng sinh

Lời ca âm thinh

Suối ngưồn tâm thức

Vực sâu hố thẳm

Một đời cưu mang

113.

Nắng ấm trên thành phố người

Nắng ấm trên đỉnh đồi hoang

Nắng ấm trên lối mòn

Dẫn về chốn cũ

Hàng thùy dương rũ bóng

Che mát biển xanh

Từng túp lều tranh

Dệt thành chuỗi mộng

Qua bao lần biến động

Biển là biển

Sông là sông

Như tự thủa nào

Lòng không vướng bận

Cát lăn theo cát

Bèo dạt hoa trôi

Sóng dập gió dồi

Ghềnh hoa bọt trắng

Ngày hứng giọt nắng

Đêm rền biển sâu

Từ thế kỷ nào

Không hoa tuyết nguyệt

Của đất của trời

Của sương của gió

Gió lộng đồi tây

Mưa tuôn trước ngõ

Chặn lối em về

Cuối đường hoa bay.

114.

Cành trúc vương nắng chiều

Mái chùa thêm đìu hiu

Chuông khuya mòn gõ nhịp

Từng giọt buồn cô liêu

Dấu chân in trên lá

Ôn chống gậy Thiền qua

Dáng từ nhè nhẹ bước

Nam Mô A Di Đà


115.

Nắng xuyên cửa sổ

Gió đổ ngoài hiên

Hạt mưa triền miên

Trên vùng đất đỏ

Đàn kiến bò

Xây tổ ấm

Vai người gầy

Chung sức sống

Nghe từng tiếng động đêm khuya

Băng qua đồi núi

Công phu mỗi sáng

Âm vang nhẹ nhàng

Lời kinh đồng vọng

Đánh thức lá hoa

Tỉnh giấc mộng vàng

116.

Luống cày sâu, vỡ lên từng cuộn đất

Cấy nắm mạ xanh, đồng thơm lúa vàng

Mênh mang hai tiếng Việt Nam

Mấy nghìn năm văn hiến

Hạt vàng bay cao

Hương thơm hoa bưởi

Gió lay cành đào

Chiều chiều từng hạt mưa rào

Lũy tre xanh biếc thủa nào quê hương

Dân tộc kiên cường

Qua bao chặng đường lịch sử

Hát tiếng quân ca

Chung tay giữ vững sơn hà

Thanh bình thịnh trị dân nhà an vui.

117.

Tách trà thơm buổi sáng

Trong thiền thất Đạt Ma

Khói quyện hương Bát Nhã

Làn mây bay la đà

Chiếc áo già ca sa

Phất phơ bay trước ngõ

Dáng Ôn người nho nhỏ

Tọa thiền trong đêm qua

Ngọn đèn dầu leo lét

Soi bóng người Sư già

Chuỗi hạt mòn năm tháng

Mỗi ngày một chóng qua

118.

Từng trang kinh buổi sáng

Kim Cang tụng thuộc lòng

Không chuông cũng không mõ

Nghe rõ lời Ôn ca

Di Đà Ôn thường niệm

Xâu chuỗi mòn trên tay

An nhiêntự tại

Phút giây hiện tại này

Giờ Ôn đã về Tây

Hàng phượng buồn liễu rũ

Hoàng hôn chiều buông phủ

Khắp mọi chốn đó đây

Cội bồ đề trước thất

Gác chuông bạc màu mây

Vắng Ôn niềm thương nhớ

Trong kiếp sống vơi đầy.

119.

Tượng Phật ngồi lâu đời thành Phật cổ

Con đường mòn lên đồi

Rêu phong chen lỗ đổ

Vách đá mái chùa

Nép mình dưới rặng cây cao

Gió thổi lao xao

Hàng cây hoa sứ

Rụng đầy sân chùa

Nếp úa thời gian

Khói hương quyện tỏa

Ánh nến lụn tàn

Vách phên nhện giăng làm màn chắn gió

Ôn ngồi từ thuở nọ

Đến hôm nay mộng đời hằng sáng tỏ

Nhiếp niệm lời kinh tiếng mõ

Thế cuộc thăng trầm

Con nước đầy

Con nước vơi

Người đi kẻ tới

Tượng Phật cổ

Mái chùa xưa

In đậm trong tâm


120.

Vườn rau liếp cải khóm hồng

Bằng đôi tay cần mẫn ngắm trông

Sáng tưới phân chiều nhổ cỏ

Vun trồng từng hạt sương khuya

Khóm trúc vương vương

Nương làn gió thổi

Cuộc đời mộng mị

Như hạt sương rơi

Góc biển chân trời

Mù khơi sóng nước

Ngó lại đời mình

Bằng đôi tay không

Chiều chiều hái những nụ hồng

Dâng lên cúng Phật thấy lòng an vui

Biển đời ngược xuôi

Lòng con bất động

Nhứt niệm quay về

Phật tâm chân như

121.

Áng mây trôi

Trên đầu núi tuyết

Nơi thái tử Tất Đạt Đa thiền định

Thành bậc gíác ngộ chân như

Khởi niệm tâm từ

Thương loài chúng sinh

Bằng đôi chân của người hóa đô

Tự độ, độ tha

Tam giới là nhà

Chúng sinhcha mẹ

Một bình bát

Tam y thô

Nay khóm trúc

Mai rừng già

Một tích trưọng lần tháng ngày qua

Hữu duyên thì đến

Độ hà sa

Sống không nhà

122.

Nắng chiều đổ nghiêng trên triền núi

Tượng Phật ngồi

Dòng sông chảy

Lững lờ

Khóm tre xanh quanh xóm làng

Người dân miền thôn dã

Tiếng chuông chiều

Lời kinh khuya

Nuôi lớn đất trời tự thuở man nhiên

Viên đá cuội trên miền đất đỏ

Đỏ gót người

Đỏ cả cuộc chơi

Phiêu lưu từng bước độ đời

Làm con ốc nhỏ nằm phơi nắng chiều

Phì bọt phiêu phiêu

Dệt thành vệt nắng

Nắng ấm triền đồi

Ấm cả làn môi

Đi về chong ngọn đèn hôi

Đọc trang kinh ruột dứt đôi não phiền

123.

Trăng mơ trên xóm thượng

Chiếc nhà sàn lợp mái tranh

Rẫy rừng vây quanh

Thành buôn làng nhỏ

Tắm dòng sông xanh

Lạnh buốt cả người

Cuộc sống từ đó

Mạnh đôi chân

Lành đôi tay

Xây thành tổ ấm

Nuôi lớn đàn con trong chiếc thúng mây

Quê hương là đây

Núi rừng cỏ cây

Làm nhà che chở

Nắng sớm mưa chiều vặm vỡ rẫy nương

Sống là trời

Chết là đất

Tắm gội tuyết sương

Người dân xóm thượng mán mường là đây


124.
Chiếc mõ im

Lời kinh tụng

Dùi chuông buồn

Bất động canh khuya

Ngọn nến tàn

Mùi nhang lịm

Chánh điện yên trầm lặng thuở nào

Chú điệu vói cao

Làm hương đăng buổi sáng

Lau sạch bàn thờ

Hoa quả hư hao

Rồi từ đó

Dáng Sư già Thiền định

Vắng nơi đây hay là giấc chiêm bao

Nước của sông tự dâng trào

Sóng của biển tự muôn đời nhấp nhô

Trăng của núi phô bày tinh thể

Thể thời gian đốt cháy hư vô

Mặt trời đỏ tựa trái tim người đỏ

Ánh rạng đông thắp tỏ chân mây

Chắp đôi tay

Dâng lời cầu nguyện

Cho trầm hương khói quyện đong đầy.


125.

Vận nước điêu linh

Người đi kẻ ở

Trên quê hương mình

Hàng cau xinh xinh

Vươn mình trong nắng

Giàn bầu im ắng

Ẩn dưới làn cây

Hoa bưởi thơm lây

Từng giây mướp đắng

Nước chảy quanh đây

Nuôi lớn ruộng vườn

Đêm về quanh mương

Ếch kêu ồm ộp

Lúa trên cánh đồng

Vàng ối đơm bông

Từng lũy tre xanh

Buông mành liễu rũ

Cây đa đầu ngõ

Đỏ ngọn mái đình

Nuôi lớn tâm linh

Người dân đây đó

Từng con nước nhỏ

Dưới đêm trăng tỏ

Chảy vội qua đường

Ướt đẫm hơi sương

Liếp cà tươi tốt

Ba mươi mùng một

Lắng tiếng chuông ngân

Hội đêm trăng rằm

Đông đầy cả ngõ

Người lớn trẻ nhỏ

Chật ních trong sân

Hương trầm lâng lâng

Cúng xôi nếp quạ

Ông già bà cả

Hỉ hả chuyện trò

Tin Phật tin Tăng

126.

Thân già cặm cụi, một nắng hai sương

Ôn làm những mảnh vườn trồng rau muống

Những hàng cà thắm tím cả lối đi

Lập nguyện tu trì, nuôi đàn hậu học

Những giàn bí sọc, xanh mướt lá hoa

Huệ trắng mượt mà, đem ra chợ bán

Đúng ngày đến tháng, chăm sóc đàn con

Sức tuy mỏi mòn, tình thương vô tận

(tưởng niệm về Ôn Đồng Thiện – Tu viện Nguyên Thiều, 1969)

127.

Mái chùa rêu phong, trải qua nhiều tháng năm chồng chất. Cây sồi, cây ổi da nhám sù sì, uốn éo, khẳng khiu như để chống chỏi với thời gian tàn phá. Cây bồ đề, hàng phượng vĩ, giàn thanh long... vươn mình trong nắng. Từ thuở khai sơn, bước chân lên triền núi này, Hòa thượng đã trồng các loại cây trái che bóng mát cho chùa. Ngày nắng hạ, ve sầu tấu khúc, khắp đó đây trong vườn. Những đêm trăng sáng, lỗ đổ từng cụm trắng đen trên lối đi dọc Tăng đường. Thiền thất. Giảng đường. Chánh điện như im lìm, bất động dưới những tàng cây cổ thụ có tự thuở khai sơn của Tổ Hải Đức, qua đến thời Tổ Bích Phong, nay đến thời học Tăng của Viện.

Từ phía trước mỏm núi là chánh điện. Xoay mặt về hướng Nam, nhìn xuống chân đồi, xóm làng, lô nhô những mái nhà, những vườn cải, vườn rau muống, ngò ôm, tía tô, rau quế xanh um làm đời sống miền dân dả thêm đậm đà ý vị.

Bên phải chánh điện là ngôi nhà Tổ, thờ Hòa Thượng Hải Đức với hình vị Thầy người Mỹ đứng hầu phía sau. Nghe quý Ôn kể lại, người Mỹ ấy là đệ tử đời trước của Hòa Thượng. Đời này, Thầy ấy đi tìm và gặp lại Hòa Thượng nơi ngôi chùa này. Con đường luân hồi, dài vô tận, tiếp nối từ đời này qua đời nọ.

Bên cạnh hậu Tổ là phòng của Ôn Giám Sự, người nuôi dưỡng học Tăng qua bao thập niên, trên ngọn đồi, chùa cổ. Bao lớp người đến rồi đi, hợp rồi tan, nhưng Ôn vẫn hiện diện nơi đây, chẳng hề thay đổi. Ngày ba buổi lo cho học Tăng no lòng để học cho thành tài, phụng sự đạo pháp, tiếp nối con đường hoằng pháp của Cha Ông.

Phía sau phòng Ôn Giám Sự là trai đường và nhà bếp, qua bao đời vẫn như thế đó. Khói sớm, trưa, chiều quyện tỏa trên mái nhà tôn. Cây vả, cây mít, giàn thanh long, hàng phượng vĩ, như hòa nguyện với nhau, tạo thành cảnh trí nên thơ u tịch, mang sắc thái chốn già lam lâu đời. Bên cạnh nhà bếp là hàng củi chất cao, lớp lang, thứ tự. Củi lớn, củi nhỏ, vỏ, dăm đâu đó ngay ngắn. Đây là do tấm lòng Thầy Huệ An, học Tăng của Viện, bửa củi, nấu cơm cho học chúng. Sau này được biết Thầy là hóa thân của Bồ Tát, ở nhà bếp, chẻ củi, nấu ăn, quanh năm suốt tháng. Mặc đồ bá nạp, khâu chằm từng mảnh vải thô. Trên tay chiếc búa sáng chói, bửa củi nình nịch, sắp xếp đâu đó đàng hoàng để cô Bảy nấu nướng. Chỗ của Thầy bửa củi là dưới gốc cây ô-ma. Một hôm, buổi chiều xâm xẩm, có quý Phật tử lên thăm viện, thấy một vùng ánh sáng trên cành lá cây ô-ma, thì ra đó là nơi Thầy Huệ An đang ngồi nghỉ, sau khi bửa củi, dọn dẹp búa rìu. Có người hỏi Thầy tu theo pháp môn gì mà Thầy bửa củi suốt ngày vậy. Thầy cười, trả lời:

“Cực lạc, cực khổ song song

Hai đường đều cực biết dong đường nào?”

Khi xưa Tổ Huệ Năng cũng luôn ở dưới bếp, bửa củi, giã gạo, mà thành Tổ. Ngày nay, thế kỷ này, cũng có “Tổ Huệ An”, bửa củi, xách nước nuôi Tăng chúng. Ẩn danh, không lưu lộ hình tướng, danh tiếng. Sau khi công viên quả mãn, hóa độ hoàn tất, thì lại vác búa đến chùa khác tiếp tục bửa củi, nấu ăn cho Tăng chúng. Ấy là hạnh nguyện của Bồ Tát. Vô phân biệt.

Bước lên thềm cấp là quả Đại Hồng Chung, Ôn Giám Viện đã tôn trí ngay đó, dưới hàng phượng vĩ, dưới rặng Bồ Đề, giàn bông giấy. Vì lâu đời nên tiếng Đại Hồng chung bị rè, nhưng đây là chứng tích lịch sử, bảo vật thiền môn, đánh dấu một thời Tổ đã khai sơn, phá thạch, để có được ngôi chùa cổ kính cho bao lớp đến đi, thăng trầm theo vận nước. Tiếng chuông này khi xưa đã một thời nuôi dưỡng đời sống tâm linh cho dân làng, xóm xưởng, Phương Xài, thức khuya, dậy sớm, đúng giờ, đúng giấc ra đồng cầy cấy, gánh hàng ra chợ, học hành làm việc... Tiếng chuông đã đi vào từng chiếc lá, nụ hoa, của cảnh núi rừng u tịch nơi đây.

Dọc theo đồi hoa sứ, về hướng đông nam là dãy nhà ở của Tăng chúng và thư viện. Phía trên một tí nữa là Thiền thất của Ôn Giám Viện do Cụ Võ Đình Dung xây cất, hiến cúng. Hàng năm quý Ôn về đây giảng dạy cho học Tăng và nghỉ ngơi.

Bên cạnh Thiền thất là quả Đại Hồng chung thứ hai, Ôn mới đúc từ Huế đem vào để thay thế cho Đại Hồng chung rè tiếng ở trên. Thời ở Viện, sáng sáng, vào lúc 5:00 giờ, người viết thức sớm thỉnh chuông. Tiếng chuông làm ấm lòng mọi người sống chung quanh Viện, tiếng chuông như là người bạn chí thân, vắng tiếng chuông chùa Hải Đức cảm như trống vắng mênh mang nơi núi đồi, thành phố của miền cát trắng Nha Trang. Về sau này, phía trên Thiền thất là cư xá Tăng sinh viên của chúng chuyên khoa Cao Đẳng, nhưng chỉ được đôi ba năm, rồi bị hư hại, tàn phá theo thời cuộc.

Trên lưng đồi, từ tháp sắt, Kim Thân Phật Tổ cao 25 mét, màu trắng, trong tư thế tọa thiền nhìn ra biển. Đây là một kỳ quan của thành phố Nha Trang, khách thập phương vãng cảnh, hầu như ai cũng muốn một lần được kính viếng Kim Thân. Trong thành phố, dưới góc cạnh nào, cũng đều thấy được tượng Phật từ bi, lân mẫn qua đôi tay điêu khắc tài ba của nghệ nhân.

Một công trình tạo dựng, bảo tồn nền văn hóa Việt tộc và Phật Việt. Hình ảnh Kim Thân Phật Tổ đã lan rộng khắp nơi trên thế giới, vì hàng ngày khách thập phương quốc tế thăm viếng, chụp ảnh phổ biến trên các trang mạng toàn cầu.

Lần xuống 108 bậc cấp tới chân đồi là chùa Long Sơn, nơi Hòa Thượng Bổn Sư trụ trì từ thuở lên năm. Ôn từ Huế vào và xuất gia nơi đây với Tổ Khai Sơn và cứ thế ngày tháng trôi qua. Ôn sống bình dị, không đi học, chẳng rời chùa, đến nay đã 92 tuổi. Chiếc áo tràng đà Ôn mặc, mỗi năm chỉ giặt một lần, mồ hôi làm cổ áo, tay áo sáng bóng lên, Y hậu của Ôn cũng vậy, không bao giờ giặt, cũng như Ôn gần như không tắm, có điều đặc biệt là người Ôn không có mùi hôi. Có lẽ người Ôn được xông ướp bằng hương Từ bi, hương giới đức nên những thứ mồ hôi thế gian không thể dính vào thân của Ôn. Hàng ngày Ôn bóp vụn bánh mì khô, thêm hai muỗng đường cát trắng rải khắp các ổ kiến. Ôn hạ những nải chuối cau cúng Phật, những quả táo, quả cam ... bỏ vào tay nải, đạp xe xuống bệnh viện đa khoa Nha Trang, phân phát cho các bệnh nhân thiếu người chăm sóc, từ ngày này qua tháng nọ không ngừng nghỉ. Mỗi sáng sớm, Ôn nấu nồi cháo trắng, đem chén đũa, muỗng để sẵn nơi nhà Thiền, để quý Thầy có chút gì lót dạ khi ghé dùng sáng, uống trà nóng rồi đi làm việc. Khi có chút tịnh tài, Ôn đem ấn tống kinh sách gửi cho mọi người, bất kể ai, Ôn chẳng phân biệt thân sơ, tất cả đều bình đẳng như nhau.

Hôm nay, bao lớp người đi qua, Ôn vẫn còn đó, còn như trái núi sau chùa, vững chãi, kiên cố, hơn 92 năm ở với đời. Đôi chân mày của Ôn mỗi ngày như dài thêm ra, bạc trắng như tiên ông, như Bồ Tát, như Thiền Sư, như Đại Lão Hòa thượng, bậc thạch trụ Thiền Môn, chống đỡ mái chùa, gần tròn thế kỷ.

Khách thập phương viếng chùa, bước vào chánh điện, chấp tay ngước nhìn Đức Phật Bổn Sư đang nghiêm tọa, miệng mỉm cười, ánh mắt Từ Bi.


128.

Quê hương xa cách nghìn trùng

Lòng tưởng nhớ nhung

Cánh bướm mỏng đậu bên hàng dậu

Chiều bay bay theo gió mông lung

Anh về một sớm

Em không về cùng

Để ngắm quê hương

Chìm trong sương khói

Bên chân trời Tây

Em sống nơi đây

Để thấy quê người

Em khóc em cười

Cho quê hương em

Chiều buồn mây tím

Giăng giăng lối về

Bóng người thấp thoáng

Con đê đầu làng

Nặng trĩu đôi chân

Vai mang bó rạ

Ngày đêm tất tả

Một nắng hai sương

Con cuống, con nương

Tơ tằm dệt vải

Để từ đó anh chấp cao đôi tay

Cho quê Mẹ bớt gầy

Cho quê Cha bớt khổ

Cho quê anh mưa đổ

Nuôi lớn nương dâu

Cho quê em nước ngập đầu cầu.

Mang phù sa nuôi lúa mạ

Trăng rằm sáng tỏ

Trước ngõ chùa tôi

Xin Phật nắm xôi

Về cho Mẹ già.

129.

Vách đá, lối mòn, cây phượng vĩ

Mái chùa rêu phong, phủ kín cuối đường

Giàn hoa giấy, tháp chuông dạn dầy năm tháng

Như chứng nhân từ dĩ vãng đến nay

Cội bồ đề gầy guộc rụng lá đầy

Từng cơn gió heo may kéo về đồi núi

Hoa sứ cúi đầu, mộc lan trắng muột

Chen lẫn xanh vàng hoa khế thanh thiên

Dịu hiền e ấp hình ảnh quê hương

Cây cầu nọ triền miên đưa khách

Khách bách bộ, khách lần từng cấp

Đỉnh non cao mái chùa cổ từ lâu

Rặng non xanh mây trắng phủ đầu

Hồi chuông triêu mộ in sâu lòng người

Giọt mưa đổ, ánh nắng

Chiếc liếp phên che Thiền thất

Ánh đèn lất phất soi dòng kinh nâu

Nguyện cầu lòng người thương nhau

Từ bi quyến thuộc quả câu ân tình.

130.

Dòng sông lững lờ

Hai bờ cỏ mọc

Nuôi lớn đàn bò khổ nhọc

Cày ruộng sớm trưa

Cơn mưa rơi nhẹ

Trên cánh đồng hè quê hương

Những ruộng những nương

Dân làng cầy cấy

Đất bùn nhày nhày

Lấm láp tay chân

Cứ mỗi bước chân

Lui dần thửa ruộng

Mạ non xanh rì

Con cuống con cua

Mỗi sớm mỗi trưa

Chiếc bừa bừa ruộng

Bừa phẳng đất bùn

Cấy mạ lúa thơm

Cơm về cho những chiều hôm

Bên hè mái rạ đầu hôm cuối làng

Vang vang tiếng hát

Điệu điệu câu hò

Trăm năm bến nước con đò

Tình quê hương thắm, cánh cò trắng bay.

131.
Người đi trong ánh nắng vàng

Chói chan trên mái ấm chùa quê hương

Nơi đó ấp ủ tình thương

Hai ngàn năm dân tộc

Ruộng đồng khô khốc

Đón giọt mưa rơi

Làm tươi nhuận đất trời

Xóm làng sinh ra tôi từ thuở

Tiếng khóc đầu đời bỡ ngỡ

Nơi chốn nhà xưa

Cha tôi đan liếp dừa, mái nhà khỏi dôt

Vách phên lộp độp

Gió nồm thổi qua

Mẹ già vun quén luống cà

Vườn hoa trổ nụ

Mướp già đơm bông.

Khói ấm chiều đông

Sưởi lòng người dân lương thiện

Sống trên cánh đồng

Tổ Tiên nòi giống

Lạc Hồng Rồng Tiên

Sông núi hồn thiêng

Quê hương nước Việt

Một giải đất dài

Xanh ngát biển non

“Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn

Tào Khê nước chảy vẫn còn trơ trơ”

 

132.

Phật giảng kinh cho cóc

Cóc lặng im cúi đầu

Cua nghe lời kinh Phật

Thông hiển thật thâm sâu

Cua cóc là chúng sinh

Mang tâm lành hòa bình

Sống dưới ánh quang minh

Trên lộ trình giải thoát

Ngày nay cóc là cóc

Mai sau cóc hiện hình

Mang bình bát khất thực

Độ nhật cứu chúng sinh

Cua cóc đồng tánh Phật

Giác ngộ, ngộ vô sinh

133.

Chiếc lá phơi nắng ấm

Im lặng nghe tiếng chuông

Chuông ngân từng giọt buồn

Trên đỉnh đồi tháp cổ

Cuốn mình theo lá đổ

Về cội nuôi gốc già

Sinh tửđại mộng

Tháng ngày tháng ngày qua

Hôm nay cội gốc già

Mai kia thành lá đổ

Vô thường từ thiên cổ

Mãi cho đến mai sau

Như những chuyến con tàu

Đưa người về thổ mộ

Thời gian như thác đổ

Chôn chặt vạn kiếp sau

Mộng đời như nhịp cầu

Qua đi trong thoáng chốc

Soi gương thấy bạc đầu

Kinh kệ chẳng thấm đâu

Mộng hợp rồi mộng tan

Mộng như giấc mơ màng

Tỉnh mộngđại mộng

Nghìn trùng quá quan san

Vô thường hay chân thường

Đều là dòng chữ viết

Quán triệt tâm chân như

Ý nhiệm mầu siêu việt

Lá đổ chiều vào thu

Tiếng kinh cầu vang vọng

Mái chùa im soi bóng

Mặc chiếc áo sương mù

Rừng thu lá mù u

Hứng từng giọt nắng ấm

Tinh thể của thời gian

Lặng thầm trong kiếp sống


134.

Nắng chiếu trên đồi cây

Rừng thu rụng lá vàng

Lá khô rơi về cội

Cành khô trông bẽ bàng

Ngôi chùa dáng trang nghiêm

Nép mình ven triền núi

Lời kinh như dòng suối

Êm đềm nhè nhẹ trôi

Tâm Phật trong tâm tôi

Trải bao kiếp luân hồi

Triền miên ta bà khổ

Nhưng trong Phật có tôi

Rừng thu nhuộm lá sồi

Lá xanh hồng lá đỏ

Chen nhau trên đồi cỏ

Ven đường người đi qua

Dáng Thầy trông sương pha

Y vàng trông la đà

Hóa thân Bồ Tát hạnh

Chắp tay niệm Di Đà

Chân lần bước lên non

Tam cấp đường chon von

Trên cao là đỉnh Phật

Ước mơ được vuông tròn

Tu là sửa tâm con

Như chiếc lá vẫn còn

Trên cành cây sầu mộng

Tiếng chuông chùa boong boong

Cây rừng đứng nơi đây

Hứng mưa gió lạnh đầy

Đêm ngày nghe kinh kệ

Như làn mây bay bay

Tâm không vật cũng không

Thế sự như chốc mồng

Lắng nghe dòng suối biếc

Nhỏ giọt sầu cô phong

Rừng phong yên giấc nồng

Tượng Phật ngồi bất động

Nắng sớm hóa thành bông

Cúng dường Vô Lượng Phật

135.

Con rắn nằm trong hang

Nhắm mắt rắn mơ màng

Lắng nghe lời kinh Phật

Rắn thoát kiếp hổ mang

Con kiến nằm trong hang

Kiến gặm củ khoai lang

Vẳng nghe lời kinh Phật

Nhẹ nhàng nghiệp cưu mang

Con ếch nằm trong hang

Ếch mơ chốn thiên đàng

Ếch nghe lời kinh Phật

Nhẹ nhàng ếch sang ngang

Con nhái nằm trong hang

Nhái thắp nhang cúng Phật

Dâng trọn tấm lòng thành

Nhái hiện thân chân thật

136.

Đêm nằm nghe ếch kêu

Bên bờ sông rau muống

Thương cho phận cà cuống

Làm loài thú súc sinh

Chùa đêm nay tụng kinh

Cầu thế giới hòa bình

Cầu tâm linh siêu thoát

Cứu độ vạn sinh linh

Dù con cua con ếch

Dù con nhái con còng

Nhất niệm đã nằm lòng

Vượt khỏi vòng tử sinh

Vào mỗi buổi bình minh

Chim muông ở núi rừng

Thức dậy kêu ríu rít

Chuyền cành cây rung rinh.


Chim sống ở một mình

Ca hót như lời kinh

Sống đời núi rừng thắm

Bình an thoát khổ hình

Sáng nay tôi thức dậy

Thấy đàn nai quanh chùa

Ngơ ngác nhìn lá đổ

Mơ về núi rừng xưa

Kiếp nai thật hiền hòa

Ăn cỏ uống nước suối

Mình mặc áo bông hoa

Thảnh thơi kiếp không nhà

Tất cả các loài thú

Thảy đều có tâm linh

Hình tướng ngoài có khác

Phật tâm, Phật tâm bình

137.

Lăn lóc loài chúng sinh

Từ đầu nguồn sinh tử

Cưu mang chiếc hình hài

Làm thân người lữ thứ

Băng qua bao đồi núi

Cho đến ghềnh biển xanh

Một kiếp sống mong manh

Như gió thoáng đầu cành

Sương đêm rơi xuống đất

Đất ôm duyên mộng lành

Ươm cho đời sống mới

Tô đượm thắm màu xanh

Mộng sống cho hôm nay

Mai kia mộng sẽ chết

Lê lết kiếp đọa đầy

Phù du thoảng qua hết.

Bằng đôi tay trắng không

Lật từng trang kinh tụng

Lời kinh quyện cõi lòng

Vượt thoát vòng tử sinh

Mộng làm người vỡ mộng

Thân làm Phật pháp thân

Trí Bát Nhã tuyệt trần

Chuyển người mê thành ngộ

Đêm nay nhìn trăng tỏ

Nhớ lại nhiều kiếp xưa

Kết duyên Phật nhất thừa

Trên con đường giác ngộ

Nguyện cho đời bớt khổ

Người biết thương yêu nhau

Muôn loài niệm kinh cầu

Nam mô mười phương Phật.


138.

Năm mươi bảy năm con ngồi nhớ Mẹ

Trên vỉa hè căn nhà cũ khi xưa

Mẹ gánh Mẹ gồng mỗi buổi chiều trưa

Đầu thúng khoai lang vài ràng bánh tráng

Mẹ nuôi đàn con trông ngày đoạn tháng

Mẹ ẵm Mẹ bồng chăm sóc yêu thương

Đi chợ về quẳng đôi thúng nơi nương

Trật áo cho con bú liền ngay đó

Mái nhà rạ dưới vầng trăng sáng tỏ

Mẹ ru con ru giấc ngủ đong đầy

Lòng Mẹ ấm trái tim nồng máu đỏ

Vỗ về con lời ngọt lịm xưa nay

Rồi bây giờ con ngồi đây nhớ Mẹ

Để thấy rằng:

Mẹ hiền như Phật, Mẹ đẹp như Tiên

Mẹ của đời con nơi miền thôn dã

Mẹ là tất cả đất trời mới lạ

Hiến dâng đời êm ả cho đàn con

Mẹ là dòng suối Mẹ là nước non

Mẹ tưới tẳm thân đàn con mát mẻ

Do vậy mà đức Phật dạy rằng:

“Bậc Thánh hiền cao cả

Nhớ công ơn Mẹ, hiếu thảo muôn đời”

Làm con thương Mẹ ai ơi!

Sanh thành dưỡng dục công lao vuông tròn

Mẹ là một tấm lòng son

Vầng trăng, mây bạc, núi non ngàn trùng.

139.

Việt Nam quê hương tôi

Nằm trên bờ Thái Bình Dương

Sớm đón gió yêu thương

Chiều đưa mây ngát hương

Lắng nghe lời kinh tụng

Nam Mô tâm diệu thường

Quê hương đó có Thiền sư

Vũ Khắc Minh

Vũ Khắc Trường

Hiện thân hành giả

Tọa thiền đêm sương

Đắc thân Kim Cương

Người đời ngưỡng vọng

Con đường tu chứng

Khó nghĩ khôn lường

Giọt Ngã nhỏ xuống

Mở mắt mười phương

Trầm hương quyện tỏa

Dâng lên cúng dường

Thiền Sư Vũ Khắc Minh

Thiền Sư Vũ Khắc Trường

Dòng Thiền Phật Việt

Dẫn đường Việt Nam

140.

Cuối đèo Thiền Sư xuống dốc

Đầu đèo cơn lốc cuốn qua

Sườn non vách đá trăng già

Thiền Sư nhẹ bước phương xa

Chiếc nón nằm phơi ghềnh cát

Thiền Sư tựa chấm sương sa

Mịt mờ sóng nước khỏa lấp

Chân thân hiện thể bao la

Gậy trúc oằn đôi vai nhỏ

Núi xanh mây trắng đạo ca

Thong dong đếm từng bước nhỏ

Thênh thang như kẻ không nhà.

Liên Lạc:

CHÙA PHẬT ĐÀ

4333 30th Street,

San Diego, CA 92104
Tel.: (619) 283 7655

TU VIỆN PHÁP VƯƠNG

715 Vista Avenue

Escondido, CA 92026

Tel.: (760) 739-8063

Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
(View: 28875)
Phương Trời Cao Rộng - Truyện dài của Vĩnh Hảo, Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1993, tái bản năm 1995
(View: 6974)
Tiếng nói của những người con Phật có tấm lòng từ bi và trí tuệ đi vào đời...
(View: 9175)
Báo Chánh Pháp - bộ mới Số 43, tháng 06 năm 2015
(View: 9722)
Hy hữu, vì biết lấy Phật giáo làm lý tưởng đời mình và chọn sự thực hành Phật Pháp như là sinh hoạt nền tảng hàng ngày
(View: 16225)
Nguời quân tử ra làm quan đi vào con đường hành chính, không những ngồi ung dung nơi miếu đường nói truyện văn nhã, để lấy tiếng là người có đức vọng...
(View: 8629)
Báo Chánh Pháp Số 41 Tháng 4/2015
(View: 9068)
Tuyển tập những bài viết về mùa Xuân trong nền văn hóa Phật giáo Việt Nam. Giai Phẩm Xuân Ất Mùi 2015...
(View: 17310)
Những ngữ cú của Sư được chép rải rác trong trứ tác của các nhà, nhưng chưa được gom tập. Cho nên vào niên hiệu Nguyên Văn, thiền sư Huyền Khế biên tập và đặt tên là Động Sơn Lục, tàng bản tại Bạch Hoa Lâm.
(View: 28043)
Thiền Lâm Bảo Huấn đây chính là phần Ngữ lục. Nội dung của sách Bảo Huấn được chia thành 4 quyển, gồm gần 300 thiên. Mỗi thiên đều là những lời vàng ngọc để răn dạy về cách tu tâm xử thế...
(View: 19535)
Quyển Luận này về hình lượng rất bé bỏng, nhưng về phẩm chất thật quí vô giá. Một hành giả nếu thâm đạt ý chí quyển Luận này là đã thấy lối vào Đạo.
(View: 16298)
Là một sách tự lực của tác giả người Mỹ Dale Carnegie, được viết vào năm 1948. Bản Việt Ngữ do Nguyễn Hiến Lê dịch năm 1955 tại Sài Gòn và đưa vào tủ sách Học làm người.
(View: 20362)
“Phật pháp trong đời sống” của cư sĩ Tâm Diệu là tuyển tập về mười hai chuyên đề Phật học gắn liền với đời sống của người tại gia.
(View: 19176)
Gió không từ đâu tới; gió cũng đã chẳng đi về đâu. Gió hiện hữu, rồi gió tan biến, xa lìa. Tử sinh cũng như thế. Tuy có đó, tuy mất đó
(View: 16960)
Đa số Phật tử Việt Nam thường chỉ học hỏi Phật pháp qua truyền thống Trung Hoa; ít ai để ý đến sự sai biệt căn để giữa khởi nguyên của Phật giáo từ Ấn Độ
(View: 26450)
Trăng bồng bềnh trên ngàn thông Và thềm đêm vắng lạnh, khi âm xưa trong veo từ các ngón tay anh đến. Giai điệu cổ luôn khiến người nghe rơi nước mắt, nhưng nhạc Thiền ở bên kia tình cảm.
(View: 13420)
Tay Bụt trong tay ta có nghĩa là ta được nắm tay Bụt mà đi. Cũng có nghĩa là trong tay ta đã có tay Bụt. Bụt và ta không còn là hai thực tại riêng biệt.
(View: 38563)
“Teachings from Ancient Vietnamese Zen Masters” là bản dịch tiếng Anh nhiều bài thơ, bài kệ và bài pháp của chư tôn thiền đức Phật Giáo Việt Nam từ ngài Khương Tăng Hội ở thế kỷ thứ 3 sau Tây Lịch...
(View: 20946)
Chư Phật cùng tất cả chúng sanh chỉ là một tâm, không có pháp riêng. Tâm nầy từ vô thủy đến nay không từng sanh không từng diệt...
(View: 11145)
Bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục do cư sĩ Bành Tế Thanh cùng cháu là Hy Tốc, người đời Càn Long nhà Thanh sưu tập những truyện niệm Phật được vãng sanh soạn thành.
(View: 10674)
Tâm là nguồn sống vô tận và ánh sáng của tâm là ánh sáng vô tận. Tâm lắng yên phiền nãotâm bình đẳng và thanh tịnh vô tận.
(View: 10912)
Nguyên tác: The Art of Happiness in a Troubled World; Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma và Howard C. Cutler; Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
(View: 10865)
Cuốn sách này được viết ở Thái Lan, nơi tôi đã sống trong một vài năm. Khi tôi gặp người Thái, tôi đã rất ấn tượng trước sự rộng lượng của họ.
(View: 11379)
Sách này không ngại phổ biến cho nhiều người cùng đọc. Có thể nhờ đọc nó, người ta có cơ hội bước vào cửa ngõ Chánh pháp...
(View: 15944)
Bửu Tạng Luận tác giảTăng Triệu, bài luận này và bộ Triệu Luận đều có ghi trong tập 96 của Tục Tạng Kinh, nhưng bộ Triệu Luận đã lưu hành từ xưa nay...
(View: 11183)
Theo truyền thuyết Ấn giáo, thần Vishnu có lần hoá sinh làm một vị vương tử sống bên bờ sông Hằng. Tên ông là Ravana...
(View: 20552)
Quyển Hai quãng đời của Sơ tổ Trúc Lâm do chúng tôi giảng giải, để nói lên một con người siêu việt của dân tộc Việt Nam.
(View: 12204)
Sư sống vào thời Hậu Lê, người ta quen gọi là Tổ Cầu. Tổ tiên quê ở làng Áng Độ, huyện Chân Phúc. Ông Tổ năm đời của Sư làm quan Quản chu tượng coi thợ đóng thuyền cho triều đình.
(View: 11257)
Đây là một quyển sách ghi lại ba ngày thuyết giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma tại thành phố Luân Đôn vào mùa xuân năm 1984, tức cách nay (2014) đúng ba mươi năm.
(View: 11687)
108 lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma được gom góp trong quyển sách tuy bé nhỏ này nhưng cũng đã phản ảnh được một phần nào tư tưởng của một con người rất lớn, một con người khác thường giữa thế giới nhiễu nhương ngày nay.
(View: 10459)
Đức Phật hướng dẫn cần chuyển hóa tâm thức làm cho nỗi đau, phiền não, nghiệp chướng không còn sức sống, lúc đó chúng ta mới đạt được hạnh phúc thật sự.
(View: 11094)
Đại sư quả quyết với chúng ta rằng những điều nói ra trong "Chứng Đạo Ca" là để dẫn chúng ta "Chứng thực tướng, không nhân pháp,"
(View: 12089)
Suốt hai mươi lăm thế kỷ hiện hữu trên thế gian này, đạo Phật chưa một lần gây tổn thương hoặc làm thiệt hại cho bất cứ một dân tộc, xã hội hay quốc gia nào.
(View: 11317)
Chủ yếu Đạo Phật là chỉ dạy chúng sanh giải thoát mọi khổ đau, song lâu đài giải thoát phải xây dựng trên một nền tảng giác ngộ...
(View: 12065)
Lăng Già ngời bóng nguyệt, Hoàng Anh đề trác tuyệt, Dị thục thức đã thuần, Ca bài ca bất diệt.
(View: 12719)
Bậc Thánh A La Hán, bậc đã thanh lọc tâm, là người không bao giờ còn phải tái sinh trở lại. Nếu tâm của ngài căn bảnthanh tịnh...
(View: 11591)
Tiếng đại hồng chung ngân vang như xé tan bầu không khí đang trầm lắng. Đó là báo hiệu cho mọi người chuẩn bị hành lễ của thời khóa Tịnh độ tối...
(View: 13412)
Chủ đề: 50 năm xuất giahành đạo của HT. Thích Như Điển
(View: 18585)
Sự Thực Hành Guru Yoga Theo Truyền Thống Longchen Nyingthig
(View: 16026)
Bản tiếng Anh của Santideva. A Guide to the Bodhisattva Way of Life; Do Đặng Hữu Phúc dịch sang tiếng Việt dựa theo bản Phạn-Anh.
(View: 16635)
Các Tổ sư Thiền có khi hỏi đã không đáp, mà dùng gậy đánh, roi quật, miệng hét như trường hợp Tổ Hoàng BáThiền sư Nghĩa Huyền...
(View: 11459)
Thân hình tuy còn ngồi ở nơi thành thị, nhưng phong thái mình đã là phong thái của người sống ở núi rừng. Khi các nghiệp (thân, khẩu và ý) đã lắng xuống thì thể và tính mình đều được an tĩnh...
(View: 12633)
Kinh Quán Niệm Hơi Thở là một hệ thống thiền tập rất căn bản của đạo Bụt, là một nghệ thuật vun trồngđiều phục thân tâm tuyệt vời.
(View: 11458)
Hồn Bướm Mơ Tiên là tác phẩm mang âm hưởng Phật giáo rất sâu sắc dưới cái nhìn của tác giả.
(View: 23006)
Phật Giáo còn được phân chia thành hai nhánh khác nhau là Tiểu Thừa (Hinayana) và Đại Thừa (Mahayana)... Nguyên tác: Ajahn Chan; Hoang Phong chuyển dịch
(View: 12574)
Giai Nhân Và Hòa Thượng gồm có 10 truyện ngắn Do Hội Giáo Dục Từ Thiện Sariputtra Xuất bản năm 2006... HT Thích Như Điển
(View: 9518)
Kỷ Yếu Kỷ Niệm Chu Niên 20 Năm Thành Lập Tu Viện Quảng Đức, chính thức ra mắt nhân dịp Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 15 của Giáo Hội, được tổ chức tại Tu Viện Quảng Đức từ ngày 1 đến 11 tháng 7 năm 2014...
(View: 20636)
Quyển sách nầy nhằm giải đáp một phần nào những thắc mắc trên qua kinh nghiệm bản thân của người viết... HT Thích Như Điển
(View: 17904)
Đi đến nước cùng non tận chỗ, Tự nhiên được báu chẳng về không... Thích Tâm Hạnh
(View: 10507)
Tôi chia sẻ các phương pháp điều trị ung thư không phải để khoe khoang kiến thức về bệnh tật, y khoa và thiền học... Chân Pháp Đăng
(View: 18127)
Trời tu viện rộng và đẹp, sáng nay mây ngoài biển đã kéo vào chưa? Thôi, xin mời thầy hãy vào cốc Trăng Lên, nhóm lửa và thêm chút củi vào cho ấm... Nguyễn Duy Nhiên
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant