Chùa có bốn con chó và một con mèo mù. Mỗi con xuất thân mỗi khác, cũng không ai cần truy tìm nguồn gốc; “cửa chùa rộng mở”, sự hiện diện của chúng sinh nào cũng được xem là hiển nhiên, bình thường. Có duyên thì đến, hết duyên thì đi. Vạn vật vô thường, muôn loài bình đẳng.
Bốn con chó mỗi con mỗi tính. Chúng không có tên nên mình tạm gọi (khi viết những dòng này) theo đặc tính cho dễ phân biệt. Con Khó Tính, con Thờ Ơ, con Vui Vẻ và con Bị Cắn.
Ảnh minh họa
Con Khó Tính thấp đậm, có bộ lông xấu hoắc, lem luốc, đã vậy mà còn thường xuyên bị xà mâu. Chắc vì vậy mà nó đâm khó tính! Tính tình nó “xà mâu” lắm! Hầu như nó chẳng thích ai, nếu thấy nó lẽo đẽo chạy theo một người quen nào đó, thì chắc chỉ là nó tăm thấy trong giỏ người đó có mang thức ăn thôi. Bực mình nhất là nó luôn cắn, bắt nạt các con khác một cách không thương tiếc - dù đó là một bé mèo-chó “nhi đồng” nhỏ xíu. Những lúc nhìn nó thê thảm (vì bị xà mâu), cô độc, mình thấy ngậm ngùi, nghĩ: chắc vì nó sinh ra đã không có ai thương, nên nó hổng biết thương ai! Nó quen với sự đuổi xua, la mắng, nên khi mình cố gắng dịu dàng, cẩn thận thử vuốt ve nó một cái, nó lừ lừ thủ thế, lãng đi… Trời, hổng lẽ sự đời ghét dễ hơn thương?!
Con Thờ Ơ lểu khểu, có bộ lông lốm đốm trắng đen, phối màu, bố cục lãng nhách! Nhìn không thân thiện! Không như những con chó khác, thường chạy khắp quanh chùa, con này thường xuyên nằm ngay giữa bậc cầu thang lên chánh điện, hầu như lúc nào cũng thấy nó nằm ở vị trí quen thuộc đó. Nó ít giỡn với chúng bạn, chẳng đếm xỉa đến những người quen, chỉ “công chức” làm đủ nhiệm vụ là đứng lên sủa vài phát khi có kẻ lạ, chạy theo vài bước báo động cho đàn, rồi lại trở ra nằm xuống trấn giữ chỗ của mình.
Con Bị Cắn đẹt ngắt, có bộ lông vàng lợt nhợt, nhìn không bắt mắt, vậy mà nó đứng đâu cũng lọt vào tầm ngắm của con Khó Tính, bị nó cắn ghiền! Địa phận của nó là nhà bếp, quanh mấy cái chân bàn để dễ tránh đòn, né các cú táp của con Khó Tính. Bị cắn miết nên nó nhát hít, luôn biết thân biết phận. Phản ứng tự nhiên của nó là né, đôi khi mình đưa tay vuốt nó, nó cũng giật thột, kêu ẳng! Thấy tội gì đâu!
Con mèo mù nhìn là động lòng thương tâm, trắc ẩn! Gương mặt non nớt yếu ớt với hai hốc mắt dính lại, đi đứng liêu xiêu. Mỗi lần cho ăn, mình phải bế nó để lên bàn, riêng một mình. Nó bé bỏng yếu ớt thế, nhưng con Khó Tính vẫn không tha. Mình chưa nhìn thấy nó bị cắn, nhưng đã hết hồn khi con Khó Tính táp hụt nó. Cú táp ấy mà trúng, e rằng nó phải văng ra từng miếng!
Lần đó, mình giận con Khó Tính quá, gào vô mặt nó: “Mầy… chó!!!”. Con Khó Tính già đời, cũng biết chuyện, nó thụt lùi cụp đuôi ngó mình. “Con ác quá đi!” – Mình nén lòng xuống giọng, nó là chó mà, biết gì đâu. Mỗi lần vô chùa, chưa thấy con mèo mù chạy ra là mình hồi hộp, lo sợ rằng nó đã chết bởi bị con Khó Tính cắn hay những tai nạn vô tình mà nó không thấy để tránh được!!!
Con Vui Vẻ mập múp, lông mượt, đen tuyền. Chắc nhờ tham ăn nhất đám, nhiệt thành tích cóp dinh dưỡng mà nó có bộ lông mướt rượt, đẹp trai “hót cẩu” nhất sân! (hot dog ha..ha..). Ngày con Vui Vẻ xuất hiện ở chùa, cả bầy chó mới được mọi người chú ý nhiều hơn. Ai cũng nhìn theo cái dáng lăng xăng vui nhộn nghịch ngợm của nó. Nó chạy loắng ngoắn khắp nơi, làm quen hết thảy, quấn quít dưới chân mọi người; chồm lên ngậm bám vạt áo tràng của mấy cô chú Phật tử lên chùa tụng kinh; chạy theo bánh xe quý thầy cô bên lớp Phật học.
Nó háu ăn kinh khủng, ăn lẹ hơn chớp, bộ phận tiêu hóa của nó chắc vất vả vô cùng, hàm răng của nó thì rỗi nhàn nguyên nếp, bởi có sử dụng để nhai đâu, thức ăn chạm đến mỏ nó là lao vào bụng với vận tốc hỏa tiển! Nhìn nó ăn mà chết sặc cười! Nó ít khi bị cắn nhờ tinh ranh lanh lẹ. Thỉnh thoảng né không kịp, bị cắn, nó cũng kêu một tiếng qua loa rồi tranh thủ nhanh nhanh ăn hoặc chơi tiếp. Vui Vẻ rất khôn, hồn nhiên, láu táu; nó dễ làm quen và rất tình cảm.
Mỗi khi mình đến, bao giờ nó cũng chạy ùa ra trước tiên, quấn quít đeo mừng, nũng nịu đủ kiểu. Bao giờ nó cũng tiễn mình ra đến khỏi cổng chùa, mình vờ mắng yêu, giậm chân đuổi nó trở vào, nó chạy thì thụt giỡn mặt, đến khi mình về khuất thì nó mới cong đuôi chạy nhỏng vô chùa. Mình yêu Vui Vẻ nhất đám, có lúc muốn xin thầy mang nó về nhà nuôi, nhưng lại thôi, vì muốn nó được ở chùa cho có phước, kiếp sau khỏi làm súc sinh nữa, tái sanh lên hình tướng tốt hơn.
Ở chùa, coi vậy mà lũ chó mèo khá sướng, bởi Phật tử đi chùa ai cũng nghĩ chúng không có chủ chăm sóc, chắc đói khát, nên thường mang thức ăn lên cho. Không biết những người khác thì sao, chớ mình mỗi lần cho chúng ăn là phải vất vả đau đầu với những kế hoạch biến hóa, chiến thuật phân phối v.v… để giữ được hòa khí cho mỗi bữa ăn. Vậy mà nhiều khi giữ không xuể, tức phát khóc! Nếu mắng chúng là lũ súc sinh ngu si thì cũng thấy nhục mình, bởi con người cao cấp dường kia mà cũng vậy, khác gì đâu mấy! Thậm chí còn khủng khiếp hơn! Riết rồi quen, mỗi lần cho chó mèo ăn, như tự chích cho mình liều vắc-xin chịu đựng bất công, chấp nhận nghịch cảnh để tồn tại. Mỗi lần mình đến, “kịch bản” thường xuyên diễn ra như vầy:
Hồi thứ I: Cả đám chạy ra mừng, mỗi con một cách nhưng tinh thần chung là vui vẻ.
Hồi thứ II: Mình sẽ “giao lưu” với cả đám, nhưng ưu ái quan tâm tới con Vui Vẻ nhiều hơn. (Riêng con Thờ Ơ thì đã trở về vị trí cầu thang của nó ngay sau vài giây chạy ra mừng hùa cho có phong trào). Sau đó, cả đám sẽ lãng đi, để mặc mình và Vui Vẻ chơi với nhau, tuy nhiên mắt chúng vẫn canh chừng động thái, hễ có dấu hiệu mình lấy thức ăn ra là cả bọn ùa ngay lại.
Hồi thứ III: Cuộc tâm lý chiến diễn ra. Mình ước lượng và ra phương án chia thức ăn như thế nào tùy vào vị trí đang đứng của từng “em” mà áp dụng chiến lược. Em mèo mù là dễ nhất, chỉ cần bế em lên bàn, em đứng riêng một cõi, không ai xâm phạm được. Ba em còn lại là mệt nhất. Con Thờ Ơ hầu như không bao giờ tham gia cuộc ăn chơi, nó nằm thõng chân trên bậc thang, bỏ ngoài tai hết thảy. Con Khó Tính quan sát rất sắc. Con Bị Cắn lon ton chạy qua chạy lại. Con Vui Vẻ tự tin với vị trí thân cận của mình.
Hồi thứ IV: Con Khó Tính cắn. Con Bị Cắn kêu!… Mình năn nỉ con Khó Tính, bấm bụng dụ dỗ nó để yên cho hai con kia ăn (thường là không mấy thành công!!!).
Hồi thứ V: Mình dắt xe đạp ra về. Con Vui Vẻ và Bị Cắn chạy theo ra cổng. Con Khó Tính không chạy theo, nhưng mắt nó vẫn dõi theo, hễ thấy mình có biểu hiện lén lút cho hai con kia ăn tiếp là nó phi ra “xử đẹp” liền! (Con Khó Tính rất khôn lỏi, già đời, đừng tưởng nó là chó thì dễ đối phó!) Mình đành chịu phép! Ra về. Cả đám lại quây quần, vui vẻ như chưa hề có cuộc chiến giành ăn vừa mới xảy ra. (Giá mà con người cũng học được cách quên phắt hận thù, không truy tưởng niềm đau, nhanh chóng thiết lập bình yên nhẹ nhàng được như thế nhỉ!)
*
Bẵng một dạo, mình đi nước ngoài, rồi bận công việc, không ghé qua chùa. Vậy rồi hôm trở lại, thấy cả đám chạy xô ra mừng, mỗi con đều khác.
Vui Vẻ lớn phổng, to cao mập chắc. Nó vẫn mừng mình nhưng thái độ rất chững chạc, điềm nhiên, không lăng xăng láu táu như lúc trước. Ánh mắt nó có vẻ xa xăm… Mình rải thức ăn, nó thờ ơ không đếm xỉa, bỏ đó, cứ quấn theo chân mình. Mình rất lấy làm lạ; chú ý kỹ thì thấy chân nó hơi bị cà nhắc, có vẻ như vừa qua một trận chấn thương. Nó không tiễn mình ra cổng như hồi trước, mà chỉ đến chân cầu thang chánh điện là nó quay vào. Dáng nó dàu dàu, chậm chạp. Trời! Không lẽ khi trưởng thành, không chỉ con người mà cả chó cũng bớt vui đi?!
Con Khó Tính đã chiến thắng được lũ xà mâu, khỏe mạnh mập ra, bộ lông dù xấu nhưng mọc lên đều dòm coi cũng ra dáng. Con Thờ Ơ có vẻ bớt thờ ơ, chịu chạy loanh quanh khu vực sân chùa, nhưng vẫn không đi xa các bậc cầu thang của nó. Con Bị Cắn hết chui rúc trốn tránh, nó gầy nhẵng nhưng có vẻ hoắng lắm, cái mồm mũi có khoảnh đen, dòm tếu tếu mắc cười. Nó chạy tung tăng như một con hươu nhỏ. Có lẽ nó rèn được kỹ năng lanh lẹ nhờ trưởng thành từ những cú né liên miên. Con mèo mù cũng lớn dài ra, giờ mà bị cắn chắc cũng văng được nguyên con chớ không rơi ra từng mảnh nữa.
Mình trở lại cái lịch hàng ngày: mỗi sáng lên chùa gởi xe đạp rồi leo lên xe buýt đi làm, chiều tan sở ghé chùa lấy xe đạp về nhà. Mỗi ngày hai lần gặp lại đàn chó mèo quen thuộc. Những con khác thì tính cách hầu như vẫn như xưa, duy chỉ con Vui Vẻ không hiểu sao tính tình đổi thay quá khác. Điều gì đã tác động lên nó? Hay chính vì bản chất thông minh, tính tình nhạy cảm nên khi va đập vào đời, nó dễ dàng “ngộ” ra và bước qua chính nó.
Ước gì con Khó Tính rồi cũng sẽ khác đi, Con Thờ Ơ, con Bị Cắn và con mèo mù cũng sẽ đổi thay chuyển nghiệp… để có một ngày “đồng thành Phật đạo”(1) như lời tụng đêm đêm vẫn vọng xuống từ chánh điện chùa mà chúng hằng nghe.
Nam mô Thường Bất Khinh Bồ tát…
Truyện ngắn của Thu Nguyệt
____________
(1): Tình dữ vô tình
đồng viên chủng trí
(Kinh Hoa Nghiêm)