VÔ BIÊN TRONG HẠT CÁT
Phước Nguyên
Nói theo nhận thức kinh Phật, trần thế này không hẳn hoàn toàn là bể khổ, như người ta thường ví von: “biển khổ mênh mông sóng ngập trời”, nếu sự sống này chỉ được nhìn thấy qua lăng kính hoàn toàn khổ đau, thì đức Phật không bao giờ xuất hiện giữa trần gian này. Bởi vì, dẫu ngài có giảng dạy phương pháp nào đi chăng nữa, thì cuộc đời chung kết vẫn là khổ hải vô biên. Từ đó thấy rằng, chắc chắn, sự sống này còn có những điều an vui chân thật, mà chúng ta vô tình đánh mất hay lãng quên, thậm chí không nhận thức được, nên đức Phật xuất hiện để chỉ rõ con đường thoát khổ, nhận thức được đâu là cái an lạc thật sự. Với những ai tâm kiến hạn hẹp, thì thấy giữa hai hạt cát chỉ là một giới hạn tầm thường; nhưng với những người tâm tư rộng rãi, thì cái thấy đó trở thành một phương trời cao rộng. Một chút sóng gió, có thể làm lật úp con thuyền bé, nhưng không hề hớn gì với một chiếc thuyền lớn. Nhưng thuyền càng to, thì sóng cũng càng lớn, đó là quy luật vận động tất yếu của sự sống. Tính chất kéo theo, đưa con người ta đến vô cùng hay bế tắc, phụ thuộc vào tầm quan sát.
Với cái thấy vô biên, con người không bao giờ bị lừa dối bởi những danh lợi phù phiếm:
Bã vinh hoa lừa gã công khanh.
Giấc Nam kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.
(Cung oán ngâm khúc)
Vì cái thấy hữu hạn, nên con người bện chặt với lưới tơ đố kị, không thoát ra khỏi được những cái thường tình nhân thế. Bồ-tát, không phải là một khái niệm mơ hồ, mà là một hình ảnh cụ thể: một vị biết sống, sống bằng tất cả tấm lòng dâng hiến cho tha nhân, với lý tưởng và hành vi thiết thực. Không cần thiết siêu nhân hóa, với cái lý tưởng: quên mình, vì người; một vị, tâm tư luôn luôn rộng lượng, biết bao dung, không bao giờ đề cao mình hạ nhục người, vị đó xứng đáng với danh hiệu Bồ-tát, dẫu ở cấp độ nào đi chăng nữa, vị đó luôn luôn thấy được những điều bất tận trong cái hữu tận.
Bằng nhận thức vô biên, con người không bao giờ làm ai đau khổ, không bao giờ khiến ai phải mất danh dự, vì rằng: “Nghìn vàng đâu dễ đền bồi tấm thân”. Hành vi của một vị Bồ-tát, không cao siêu huyền bí; hình ảnh một nhà sư già cần mẫn quét chùa, thỉnh chuông sớm tối, nhưng với một tâm hồn thanh thoát, tâm tư vị Sư ấy có thể trùm kín cả đại thiên Vũ trụ. Đức Phật từng đưa ra một ví dụ, tuy mộc mạc, nhưng lại thoát hóa: Vị tu tập giỏi giống như một khúc cây trôi giữa dòng sông, không bị vướng kẹt bởi những thị phi phải trái, thoát khỏi mọi sự giam cầm của các thái cực. Nhưng đôi khi, không phải lúc nào cũng như ý:
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”. (Kiều)
- Tag :
- Phước Nguyên