LỜI TỰA
Một đứa trẻ đói bụng, liền đòi tìm thức ăn. Những người đã trưởng thành thì mưu sinh để duy trì sự sống và phát triển. Đây là điều tất yếu mà cũng rất tự nhiên và bình thường của mỗi người. Trong cuộc xa khơi ấy, nếu người may mắn biết được nguồn cơn thì dù có đang đi, nhưng lại chưa từng xa cách quê nhà gang tấc. Họ vẫn mãi là chính họ, bởi không có bất cứ gì có thể dính bám hay xóa nhòa.
Nếu chưa như thế, đường trước trùng trùng, càng tiến lại càng rối tung, trận địa mịt mùng, mây đen giăng mắt, lối thoát là đâu? Quay về không nẻo, tiến tới không đường, trước mắt lại lắm cạm bẫy khó lường, ai mà biết được. Ngày lại tháng qua, bụi trần “thành, bại, được, mất” cuộc đời, ùn ùn bủa vây phủ kín. Mình không còn là chính mình, thử hỏi tìm đâu lối sống? Mưu sinh để tìm lẽ sống; nào ngờ mưu sinh trở lại vùi chôn sự sống chính mình!
Chỉ cần xác định nguồn cơn, ngay đó quê nhà ta đó. Bụi trần rụng sạch, xưa nay mình vẫn là mình, có gì lấm lem dính nhiễm? Nhận rõ cội nguồn, quay về vun bồi chăm bón. Xác định hướng đi đúng cách, chẳng phải nhất thời ham vui. Nguồn cơn trù phú, hướng tiến rõ ràng, quyết đoán tự tin; cứ thế một bề thẳng tiến. Đã thế, ta vẫn là ta, không thể là ai khác được; mãi mãi luôn là chính mình.
Tập sách nhỏ này ghi lại một vài gợi ý khái quát như thế. Có lẽ nó sẽ mang lại ít nhiều suy nghĩ cho những ai hữu duyên muốn khẳng định chính mình.
Ngày Hạ năm Mậu Tuất – DL. 2018
Kính ghi:
Thích Tâm Hạnh.
HÃY ĐƯỢC SỐNG LÀ CHÍNH MÌNH
I. DẪN NHẬP.
Như đứa trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn trưởng thành. Tự mình đi làm thêm được ít tiền, có được một số kiến thức, cộng với tâm lý chuyển biến, chú ta bắt đầu có những điệu bộ muốn thể hiện mình là người lớn trông rất ngây ngô.
Xưa kia khi kinh tế còn khó khăn, con người có sự tương quan mật thiết với nhau nhiều hơn. Phương tiện tiếp cận kiến thức còn hạn chế, không có máy tính, mạng xã hội...; sách báo, tivi cũng không nhiều. Con người chỉ được học hỏi ở nhà trường và về nhà thì được nghe truyền miệng là chính. Do kinh tế còn hạn hẹp, nguồn kiến thức vừa phải, không dồi dào đến mức sẵn sàng và thừa thãi cho nên con người sống thực với con người, với những thứ rất thật quanh ta. Vì thế, đạo đức, lương tâm được tôn vinh. Mỗi người tự có ý thức sống tốt và việc dạy dỗ bảo ban nhau cũng dễ dàng, thuần hóa.
Hiện nay là thời kỳ hiện đại, mọi thứ đều được nâng lên một tầm cao khác. Không ai bị đói rét mà ngược lại còn dồi dào, sung sướng. Có rất nhiều cách để tìm hiểu thông tin, học hỏi kiến thức. Một khi vật chất sung túc, kiến thức dồi dào mà việc giáo dục đạo đức không theo kịp thì dễ trở nên hiểm họa cho loài người. Những hiện tượng dễ thấy như nghiện game đưa đến nhiều hậu quả khôn lường; bệnh trầm cảm, vô cảm, những bệnh có ra từ các chất gây nghiện. Cho đến những hiện tượng vi tế như việc bố mẹ lo lắng và bất lực với con cái, thầy cô khó dạy dỗ học trò... Và nổi trội hơn hết là quý vị trẻ bắt đầu muốn sống bằng “cái tôi”, muốn có một cái gọi là mình để thể hiện mình. Nhưng cuộc sống hãy là chính mình lại được xác định một cách mông lung, chưa rõ ràng, khiến cho những người đang được sống là chính mình rất thành đạt, nhưng phía trước họ vẫn là khoảng trống vô bờ, chưa tự tin và quyết chắc được chính mình là gì cả. Chúng tôi đã được tiếp cận và chứng kiến rất nhiều trường hợp tương tự như thế. Đúc kết lại những gì đã khuyên và hướng dẫn cho quý vị trên, chúng tôi viết lại thành tập sách “Hãy Được Sống Là Chính Mình” để góp một phần nhỏ vào việc định hướng chính mình cho những vị nào hữu duyên.
II. XÁC ĐỊNH QUAN ĐIỂM VỀ CÁI TÔI – CÁI ĐƯỢC GỌI LÀ CHÍNH MÌNH.
Hiện nay, mỗi người đều có một cái tôi để sống và đang muốn khẳng định mình. Vậy cái tôi, cái chính mình mà nhiều người đang quan niệm là như thế nào?
“Không tôi là kẻ phàm phu,
Cái tôi lớn quá làm ngu muội mình.”
Cái tôi xưa kia vốn được hiểu là cái ta, cái tự ngã tự tôn. Theo nghĩa này, bản chất của nó là cái tôi nhỏ nhoi, là bản ngã làm chướng ngại, ngu muội con người; và các sai lầm, tội lỗi, khổ đau đều do cái tôi này mà có.
Hiện nay, quý vị trẻ khi muốn dùng thế mạnh, màu sắc riêng có của mình để khẳng định mình thì gọi đó là cái tôi. Bản thân của cái tôi như thế chỉ là những sở trường, màu sắc đặc trưng, nét riêng có, điểm mạnh hoặc năng khiếu vốn có nơi mình... chứ không nên hiểu là cái tôi. Nhưng ở phạm trù này quý vị lại gọi là cái tôi cho nên cái tôi của hiện nay đã được hiểu theo một nghĩa khác, không còn đúng vai trò của nó trong quá khứ, từ đó khiến cho nhiều người nhầm lẫn giữa cái tốt và cái xấu pha trộn vào nhau.
Bản thân mỗi người khi chưa được tôi rèn tu luyện đạt đến độ chín sạch hết phàm tình để qua một ngưỡng đặc biệt khác thì trong ai ít nhiều đều có những thứ của phàm tình; như là tham lam, sân hận, si mê, nhỏ nhoi, tật đố, ngã mạn, tự kiêu... Đó là màu sắc, là hơi hướm, mùi vị của cái tôi, cái tự ngã không tốt. Cái ấy đang ngự trị bao đời trong mỗi một con người phàm tình. Khi vừa nhắc đến cái tôi thì nó liền phảng phất xuất hiện. Do đó, khi nói đến một tài năng đặc biệt, một sở trường riêng có của mình mà lại gọi là cái tôi thì cái tôi xấu xí trong mình ngẫu nhiên được đánh thức, nó sẽ tự âm thầm trỗi dậy những tính chất không tốt của nó và sẽ lớn dần rồi hiện hình khi có cơ hội. Do dùng danh từ có hơi dễ dãi cho nên dẫn đến hệ lụy là cái tốt gọi hồn cho cái xấu nhập vào.
Người xưa nói: “Được trở thành thiên tài là một sự may mắn. Nhưng phải quên đi cái thiên tài kia thì sự may mắn ấy mới được trọn vẹn.”. “Trở thành một thiên tài” thì vốn không phải là cái tôi của xấu xa, nhưng hiện nay quý vị trẻ lại gọi cái sở trường ấy là cái tôi, một danh từ đã được dùng một cách nhầm lẫn. “Quên đi cái thiên tài kia” tức là không lập cái tự ngã, cái tôi “thì sự may mắn ấy mới được trọn vẹn”. Cho thấy, cái tôi trong trường hợp của xưa kia bản chất của nó vốn dĩ là một cái ta tự tôn không tốt.
Quý vị trẻ hiện tại đang dùng cái tôi theo nghĩa lẫn lộn của cả hai chiều, tích cực và tiêu cực dẫn đến sự hiểu biết về cái tôi quá đa chiều, không còn nhất quán cho nên lộn xộn, khiến cho con người nói cái tôi mà không biết cái tôi của mình là như thế nào. Nói là chính mình mà bản thân không biết chính mình là gì. Đây là tự mình tung hỏa mù khiến cho mình mờ mịt. Tự mình pha trộn làm phức tạp vấn đề để tự đánh lừa mình, khiến cho chính mình bị lầm đường lạc lối, không biết đâu là hướng về.
III. XÁC ĐỊNH CÁI TÔI “CHÍNH MÌNH”.
Đây là nói về phạm trù tổng thể, cái toàn thể, cái gốc, cái tôi vô tướng, chân thật, rốt ráo.
Hai người hàng xóm vì có chuyện hiểu lầm nên xích mích, xảy ra tranh cãi rồi dùng bạo lực với nhau. Có anh bạn khuyên bảo bớt nóng tính, chuyện đâu còn đấy, hãy bình tĩnh rồi tìm cách giải quyết nhẹ nhàng. Cả hai đều không chịu. Họ bảo: “Bình tĩnh là việc của anh, còn ra tay đến cùng là chuyện của tôi. Tôi phải là chính tôi, tôi không thể là anh được.”. Anh bạn khuyên: “Cái chính mình phải lương thiện, đạo đức chứ không thể là cái nóng nảy, hung dữ được.”. Họ lại nói: “Lương thiện hay ác độc hung dữ chỉ là do quan niệm của con người mà có. Đã là quan niệm thì mỗi người có quyền suy nghĩ theo cách của mình. Anh cho rằng đánh nhau là không tốt. Nhưng tôi đánh được anh kia là tôi thích thì sao. Anh hãy là chính anh đi, nên giữ cái lương thiện theo cách nghĩ của anh. Còn tôi muốn sống là chính mình, tôi muốn hơn thua sòng phẳng với cậu ấy.”.
Thiện và ác, tốt và xấu... đều do quan niệm, do khái niệm của con người; và mỗi người đều có một cách suy nghĩ khác nhau. Như vậy, nền đạo đức căn cứ vào đâu để được xác định? Nếu căn cứ theo quan niệm của một tôn giáo nào đó thì người theo tôn giáo khác hoặc không có tôn giáo, họ lại không quan niệm như thế. Nếu đem truyền thống tốt đẹp của ông bà mình ra để quyết định về chuẩn mực đạo đức thì những vị trẻ chưa sẵn sàng tin và tôn trọng truyền thống, họ sẽ nghĩ khác. Nếu đạo đức chưa xác định được rõ ràng, dứt khoát; chưa được khẳng định một cách khách quan để mỗi người đều tự chiêm nghiệm, tự nhận ra đạo đức ấy vốn ngay nơi chính họ thì con người lấy đâu để xác quyết, để chắc chắn là mình luôn sống tốt? Khi bình tĩnh thì sống tốt, khi không sẵn sàng thì làm những điều xấu xa, tội lỗi...
1. Cái tôi trước tiên được xác định là lương thiện, phù hợp với đạo đức.
Khi làm xong một việc gì, sau đó thoải mái bình tĩnh nhớ lại. Nếu trong lòng mình cảm thấy hân hoan, cao thượng, có ý nghĩa thì biết việc làm trước đó là lương thiện, hợp đạo đức. Ngược lại, nếu cảm thấy ân hận, ăn năn, thấy mình quá nhỏ nhoi thì biết việc làm trước đó là trái với đạo đức, là việc ác. Khi thoải mái, yên lặng, tâm ta tự thấy, tự nhận ra, vậy thì làm sao chúng ta có thể từ chối được những điều mà chính mình tự nhận thấy? Cho thấy, thiện ác, đạo đức không do ai quyết định cả mà từ tòa án lương tâm của mỗi người tự cảm nhận, không thể chối cãi hay lảng tránh đi đâu được.
Những lời khuyên dạy về đạo đức, lương tâm là từ những người đi trước đã trải qua, đã thể nghiệm rồi ghi lại. Những sản phẩm đạo đức đã được thí nghiệm có khi phải đổi lấy bằng xương máu mới được làm nên. Thế hệ mai sau, nếu ai đầy đủ phúc duyên sẽ cảm nhận được và kế thừa chứ không nhất thiết phải đem thân mình vào phòng thí nghiệm của cuộc đời để gây thêm thương tích lần nữa. Chân lý luôn ở ngay trước mắt, luôn sẵn sàng quanh ta. Nhưng con người ít khi chịu nhận ra mà phải đợi cho đến khi bị cuộc đời trừng trị, đánh đòn đến mức than thân trách phận, đến khổ tận tâm can rồi sau đó mới chấp nhận một sự thật. Đây là thiệt thòi của những người đang còn trong phạm vi của phàm tình chi phối.
Điều được gọi là đạo đức, lương thiện hay phi lương tâm, ác độc là do chính mỗi người tự cảm nhận tự đáy lòng mình, không do ai quyết định cả. Làm một việc không tốt, khi bình tâm lại cảm thấy ân hận, khổ sở, ăn năn. Làm một việc tốt thì khi bình tâm tĩnh trí sẽ thấy lòng mình hân hoan, an ổn. Mình tự nhận ra và tự cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn ấy. Làm đúng với chuẩn mực đạo đức thì tự mình cảm thấy an vui. Nếu khác đi thì mình bị chính mình trừng phạt. Khổ đau hay an lạc do chính mỗi người quyết định. Là một người bình thường chắc chắn ai cũng chọn hướng tốt lành, an vui cho mình, mọi người và xã hội. Do đó, cái tôi trước tiên được xác định là phải lương thiện, phù hợp với đạo đức.
Chúng ta sẽ nhận ra mọi vấn đề sau khi được bình tâm, tĩnh trí. Nhưng hành động rồi sau đó mới bình tâm để nhận ra thì mọi chuyện đã quá muộn. Để hay ra kịp thời, mỗi người cần phải chuẩn bị sẵn sàng một năng lực bình tâm tĩnh trí để những việc làm của mình chắc chắn được tốt đẹp. Muốn thế, chúng ta cần tiến sâu hơn để đạt đến cái tôi chân thật, rốt ráo.
2. Cái tôi chân thật, rốt ráo.
Cái tôi chân thật rốt ráo nằm sẵn nơi chính mỗi người, nhưng do nhiều thứ lăng xăng lộn xộn của cuộc đời che lấp, không phát huy được. Có người vừa nghe liền nhận được. Có người phải cần có thời gian. Nếu phải theo từng lộ trình, cái tôi trước tiên phải lương thiện, đạo đức để lòng mình được an ổn, không bị những việc xấu ác làm xao động; để được bình tâm tĩnh trí. Khi thân tâm trong lặng thì cái tôi chân thật rốt ráo hiện tiền.
Thi thoảng chúng ta bị rơi vào tình trạng bỗng dưng thấy chán. Nỗi chán bỗng dưng là do không hiểu kịp lý do. Bởi có quá nhiều lý do chồng chất đến từ công việc, cuộc sống tạo nên áp lực khiến mình không còn sức để nhận ra. Khi áp lực được đẩy lên cao độ thì con người bị kiệt lực và rơi tự do, muốn chán. Khi ấy có người buông hết mọi thứ, hoặc đi tới lui thư giãn chăm sóc vườn cây, hoặc có người lặng lại trở về ngôi nhà nội tâm chính mình thì lấy lại được khí lực, hết chán và tiếp tục hành trình cuộc đời mình.
Cho thấy, nơi mỗi con người chúng ta đều có sẵn một bản tâm chân thật sáng suốt sống động. Khi công việc, cuộc sống chồng chất quá nhiều, đồng nghĩa chúng ta đã phủ lên nội tâm ấy chất ngất những thứ của cuộc đời có khi không thở nổi. Năng lực của bản tâm chân thật ấy lúc này không thể tỏa ra năng lượng để giúp mình mạnh mẽ lên được, khiến cho chúng ta không còn nhựa sống. Cho thấy, vắng bóng năng lực của bản tâm kia là cái tôi chân thật bị vùi lấp, con người ta bỗng dưng muốn chán. Chán ở đây không phải còn sức để khởi lên là tôi chán ngán; mà bỗng dưng không còn sức sống để nghĩ gì hoặc làm gì nữa và trạng thái chán chường, chán mỏi tự dưng có ra.
Khi buông hết mọi thứ, hoặc đi thư giãn chăm sóc cây vườn, hoặc có người trở về ngôi nhà nội tâm thì trị được căn bệnh bỗng dưng muốn chán ấy. Làm như thế đồng nghĩa chúng ta đã biết tạm thời gác lại, buông xuống mọi thứ, trở về ngôi nhà nội tâm lặng lại để thấy ra nhiều điều. Đó cũng là lúc bụi trần của cuộc đời lắng dịu, mây mờ vô minh mỏng bớt, bản tâm chân thật (cái tôi chân thật ấy) hiện ra, thổi luồng sinh khí vốn có cho ta thêm năng lượng, lạc quan.
Qua đó cho ta nhận ra nhiều giá trị tiềm ẩn nơi mình. Trong mỗi con người chúng ta đều có một bản tâm chân thật (cái tôi chân thật) không hình tướng, nhưng an định, sáng ngời, tràn đầy năng lượng. Nếu không biết quay về sống bằng nó mà bỏ quên thì sẽ bị những thứ bên ngoài che lấp và chúng ta đánh mất đi những năng lực đặc biệt vốn có nơi con người chân thật này. Khi mất hết năng lượng sống, sẽ bỗng dưng muốn chán. Lúc này không còn theo đuổi nổi nữa và tạm thời buông mọi thứ xuống, con người chân thật này bắt đầu hiện ra, thổi cho ta làn gió tràn đầy năng lượng sống, liền được lay tỉnh lại. Nếu người nhận biết sớm hơn, sẽ có phương pháp vừa làm việc, nhưng lại vừa biết quay về sống bằng con người của cái tôi chân thật này thì mỗi ngày năng lực này càng được phát huy, chúng ta không khổ.
Có thể thử tạm thời nhắm mắt và quên đi sự có mặt của bản thân mình trong chốc lát. Ai cũng làm được. Thử quên đi suy nghĩ của mình trong tích tắc. Làm được. Và chúng ta cũng có thể tạm gác lại, tạm quên được những thứ chung quanh trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Như vậy, thân này, tâm suy nghĩ này và mọi thứ chung quanh được gọi là của tôi, khi mình vừa nhắm mắt chốc lát giả vờ quên đi thì quên được, tức là nó có thể bỏ mình để ra đi bất cứ lúc nào. Những gì chúng ta tạo ra được và buông xuống được thì nó có sanh có diệt, nó chỉ từ mình mà có ra, là tạm có chứ không phải thật là mình.
Như chủ nhà và khách. Khách đến chào thì gật đầu. Khách đi chủ vẫn biết. Khách có đến rồi đi, nhưng chủ thì luôn ở trong nhà. Cũng thế, khi thảnh thơi tạm quên hết thân, tâm và hoàn cảnh; tâm ta trở nên vắng lặng không suy nghĩ gì. Chợt ngọn gió thoảng qua liền biết mát, nhưng không thèm khởi niệm. Không khởi niệm nào mà vẫn nhận biết mọi thứ chung quanh một cách rõ ràng, không động. Có tiếng liền nghe, có người liền thấy trong sáng, rạng ngời, bất động nhưng vô cùng linh hoạt. Buông nó cũng không được, đuổi nó cũng không xong, nó chính thật là mình; một cái chính mình rốt ráo, chân thật. Sơ Tổ Trúc Lâm nói: “Buông xuống, buông xuống. Cái buông chẳng được chính là kẻ ấy.”. Kẻ ấy không tên mà mọi người đã đặt rất nhiều tên; là chơn tâm, Phật tánh, trí tuệ vô sư... Nó là trí giác chân thật nơi mỗi người. Nhận ra kẻ ấy là nhận lại chính thật là mình, trong ấy thiếu gì sức sống?
IV. HÃY LÀ CHÍNH MÌNH. Đây phạm trù chi tiết, cụ thể.
1. Xác định chính mình:
Trong mỗi con người đều tồn tại một phần con (con vật) và một phần người (chất người); mỗi người đều có bản năng và lý trí. Khi bản năng làm chủ và điều khiển lý trí thì đó là phần con hiện hình. Nếu lý trí làm chủ và điều khiển được bản năng thì phần người mới xuất hiện. Bản năng vô điều kiện hay có điều kiện đều thuộc về thói quen. Lý trí là do phấn đấu học hỏi, rèn luyện bản thân, cố gắng vượt khó trong mọi hoàn cảnh mà thành. Khi tìm một điều vừa lòng đồng nghĩa là hợp với sở thích. Mà sở thích là do huân tập thành quen mà có. Nhưng thói quen lại thuộc về bản năng, là thuộc về phần con (con vật). Cho nên theo cách chọn này, lý trí bị nhẹ hơn bản năng, là thuộc về phần con, cho nên cuộc đời ngày càng đi xuống. Mới nhìn thoáng qua, bản năng, thói quen, sở thích thì sẽ chưa thấy có gì là lỗi cả. Nhưng khi nó làm chủ mình thì bắt đầu lỗi lầm đua nhau trỗi dậy.
Nếu bắt đầu bằng việc biết rèn luyện, bỏ qua cảm giác của thích hay không thích (bỏ qua bản năng), bình tâm tĩnh trí để nhận ra vấn đề thì lý trí sẽ cao hơn, phần người bắt đầu xuất hiện, cuộc sống ngày càng sáng sủa, vươn lên.
Trao trả quyền năng vốn có của mỗi vị. Mỗi người hãy là chính mình. Chính mình là phần nào thì mỗi người nên tự quyết định. Không ai có quyền làm thay cho ai việc này được cả, ngoài chính họ.
2. Hãy là chính mình.
a) Không bị chi phối bởi số đông lôi kéo.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, đức Phật dạy Mười Điều Chớ Vội Tin:
01. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
02. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
03. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
04. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong sách vở hay kinh điển.
05. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó lý luận siêu hình.
06. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
07. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
08. Chớ vội tin điều gì, khi điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
09. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
10. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.
Khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm; chỉ khi nào sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy lời dạy này thiện lành, tốt đẹp, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán; nếu sống và thực hiện các lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại và về lâu, về dài thì lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo.
Khi bị lẫn vào giữa đám đông cả nghìn người chen chúc, có khi không muốn lấn đạp người khác, nhưng đám đông tự động đẩy lùa chúng ta đi như đang trong một dòng nước lũ không cưỡng lại được. Đây là hiệu ứng số đông. Nghe người hàng xóm nói một câu chuyện lạ, ban đầu mình chưa để ý. Nhưng khi nghe nhiều người bàn tán quá thì bắt đầu trong lòng cảm thấy xôn xao muốn qua xem. Có những điều chưa chắc đã đúng, nhưng thấy trên mạng xã hội nhiều người tung hô quá khiến mình hưởng ứng chạy theo... Như thế là bị hiệu ứng số đông chi phối, không còn là chính mình. Đức Phật dạy chúng ta khoan vội tin ngay. Phải bình tâm tĩnh trí để xem xét, nhận định trước khi quyết định một vấn đề.
• Nguyên lý làm chủ mình để được thành công trong cuộc sống:
- Có tài mà tự cao, lập dị là bị cô lập. Vì tự cho mình quá cao, không biết chung quanh mình đang có gì, cần gì; mọi người cảm thấy khó tiếp cận. Một cánh én không làm nên mùa xuân, một nhân tài không thể thay đổi được nhân loại. Người này tự cô lập, tự nhốt lấy mình trong ngục tù vô hình giữa nhiều người trong trần thế.
- Nếu không chịu khó học tập, rèn luyện, vượt khó để làm thành cho mình mà cứ nghe đâu theo đó. Chính mình không có một thế mạnh gì dù chỉ là một sự hiền hòa, đức hạnh ai cũng có quyền làm được; lại còn dễ dãi đua đòi chạy theo số đông. Hạng người này bị xã hội thấy thừa thãi, bị mọi người xem thường.
- Phấn đấu làm thành cho mình một cách chân chính, thành tài. Nhưng không thấy mình thành đạt gì. Khéo hòa đồng vào mọi người và xã hội. Chính mình tài ba, nhiều người quay về cộng tác. Người này biết cách xác định mình, không để mất mình; biết cùng mọi người làm nên việc lớn.
Sống được như vậy, chúng ta sẽ tự tin và làm chủ mình, được sống là chính mình. Khi nghe như thế, có vị đặt câu hỏi:
Bạch Thầy! Như có anh bạn đại gia rủ con đi chơi ở một nơi được xem là thiên đường hạ giới. Nếu con đi thì đã mất mình, không còn là chính mình. Nếu không đi thì không biết bao giờ con mới có cơ hội để đến được nơi đó. Vậy con có nên đi hay không?
Đi hay không là quyền của cô gái này. Nhưng đã hỏi thì quý Thầy xin có ý kiến nhỏ. Khi cô đi chơi như vậy, trong ý thức của người đại gia kia có nhận thức được rằng, cô là người nghèo khó, không có khả năng đi đến những nơi kia, mà đây là do cậu ta ban cho? Ý thức ấy sẽ tự hình thành và cậu ta sẽ thấy được nó. Nếu nói cậu ta không nghĩ như vậy, nhưng ý thức tự nhận biết, tự hình thành thì cậu ta có bỏ qua và quên đi được không? Nếu đang quá buồn, bảo đừng buồn nữa thì nỗi buồn có ngoan ngoãn dừng phắt ngay hay không? Nếu đang cơn sân thịnh nộ đùng đùng, bảo không sân nữa mà cậu ta không thể dừng phắt được thì không lấy đâu để tin được rằng, cậu ta sẽ bỏ qua được nhận thức: “Hôm nay đi chơi là nhờ tôi ban tặng.”. Nó sẽ nằm đó khi mọi chuyện suôn sẻ hoặc lúc còn giá trị lợi dụng. Khi mọi thứ không còn đẹp hoặc chán chường thì hiện ra nguyên hình; cậu ta sẽ đạp văng ra một cách phũ phàng, không hề biết đến cảm xúc của người khác. Hôm nay đi chơi là lúc đang vui nên tôi ban cho. Ngày mai không thích nữa thì tôi đạp bỏ. Ban được thì bỏ cũng được. Đã nghĩ là ban cho thì khi không ban nữa cũng là chuyện thường, không có gì phải suy nghĩ. Trong đầu đã tự nhận thức như đã tự lập trình như thế thì nó sẽ không có khả năng hiểu đến cảm xúc khổ đau của chúng ta lúc này đang bị xúc phạm. Đấy vẫn còn là ở mức độ bình thường, chưa kể đến những phức tạp tồi tệ hơn. Một niềm vui bị xúc phạm như vậy mà gọi là vui được sao? Xưa kia đời ông bà mình, những người đi ăn xin thà chết chứ không nhận của vẫy tay cho. Nghĩa là người cho phải tôn trọng thì người ăn xin mới nhận một cách trân quý. Nếu đứng từ xa lấy tay vẫy lại để cho, đó là biểu hiện hành vi thiếu sự tôn trọng người dưới mình thì dù có chết đói, người ăn xin kia sẽ không bao giờ nhận. Nghĩa cử và đạo đức của người xưa thật cao vợi, không thể dùng bất kỳ một thứ gì trong đời có thể đổi lấy được. Hôm nay chưa đói, nhưng tại sao chúng ta lại dễ dãi nhận lấy một thứ thiếu sự tôn trọng như vậy?
Bằng vào những gì gia đình mình đang có, cô nên nỗ lực học tập và rèn luyện bản thân; tập làm nhiều việc trong đời để tích lũy kinh nghiệm. Khi ra trường Đại học với tấm bằng loại giỏi, có đạo đức, có kỹ năng, có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực lại còn có cả sự chịu đựng vượt khó tốt. Một người như thế, những đại gia nhiều tài sản sẽ rất cần mình về làm quản lý. Nhiều người đến mời gọi về làm công việc lãnh đạo tổ chức cho họ. Khi mình đến làm, họ còn tôn trọng và sợ mất mình. Giá trị này không thể dùng nhiều tiền mua mà có được; ngược lại người có tiền càng nhiều lại càng cần những nhân tài như thế. Lúc này chúng ta hợp tác làm việc trong sự tôn trọng lẫn nhau, không vui thích hơn hay sao? Phải có sự tỉnh táo, suy xét chín chắn mới thấy sâu mọi việc trong đời và không bị những suy nghĩ nông cạn nhất thời chi phối, đánh mất chính mình.
b) Có tầm nhìn đúng trước khi quyết định.
Từ tầm nhìn đúng, hành động đúng mới đưa đến kết quả như ý muốn.
• Cách xây dựng, hình thành một mệnh đề trong cuộc sống:
Muốn tìm hiểu một vấn đề, phải nghe từ nhiều phía. Để đi đến kết luận một vấn đề, phải bằng vào trí tuệ của chính mình. Cụ thể:
- Bước 1: Tìm hiểu vấn đề: Muốn thực hiện một vấn đề gì, trước tiên chúng ta phải biết nghe nhìn nhiều phía, nhiều khía cạnh chung quanh mình một cách khách quan, nhưng không bị chi phối, không vội nghe theo để tìm hiểu cho đầy đủ và thấu đáo vấn đề.
- Bước 2: Phán đoán vấn đề: Kế đến, chúng ta đem vấn đề đó ra trao đổi bàn bạc với mọi người, nhưng cũng không vội kết luận, nghe theo. Chỉ bàn bạc và ghi nhận rồi sau đó tự mình phán đoán vấn đề đó xem nó như thế nào.
- Bước 3: Tư duy và nhận định vấn đề: Gom hết tất cả những điều đã nghe nhìn, học được, thảo luận và phán đoán ra để tư duy cho tận cùng, thấu đáo. Có bao nhiêu cách giải trong một bài toán thì cứ giải hết cho đến khi cảm thấy thỏa mãn, yên lòng, không còn cách nào hay hơn nữa để đi đến nhận định vấn đề đó. Khi đã có kết quả tận cùng của nhận định và tư duy, nhưng vẫn phải xem xét một lần nữa chứ chưa quyết định.
- Bước 4: Kết luận, quyết định và thực thi vấn đề: Sau cùng, gác lại vấn đề đã tư duy và nhận định qua một bên, thoát ra hết mọi thứ đúng sai phải trái, những hào hứng hay chưa vừa lòng... Khi tâm an tịnh, nhẹ nhàng, thanh thản, sẵn sàng thì mang ra xem lại. Lúc này, trong thanh tịnh mà khai phóng thênh thang, không bị sức chú tâm kềm kẹp, gượng ép, ra lệnh; trí mình tự động nhận ra tất cả những điều còn sai sót và thấy rõ những gì đã được chính xác, tự tin tuyệt đối. Từ đó đưa đến kết luận và quyết định vấn đề một cách thấu đáo, tinh tường và quyết đoán.
Theo đó để thực hiện sẽ được tự tin, mạnh mẽ, vững vàng; đưa đến kết quả như mong muốn.
Thực hiện được như những phần đã nêu trên là làm xong phần cực kỳ quan trọng; đó là “xác định được chính mình”, “mọi thứ do chính mình xác định” thì tự tin “hãy là chính mình” chứ không thể là cái gì khác nữa được.
V. XÂY DỰNG CHO CHÍNH MÌNH.
Như con trâu và cái bóng của con trâu. Muốn cái bóng tồn tại, chúng ta phải biết chăm sóc tốt con trâu. Cái bóng là tiền tài, danh vọng, của cải... tất cả những gì chúng ta đang có và mong có được dồi dào hơn. Nhưng con trâu thật ở đâu? Nếu không biết để chăm lo cho kỹ thì một ngày kia cái bóng của những gì mình đang có sẽ không còn. Mọi thứ trên đời chúng ta đang có bắt nguồn từ đâu? Nếu biết chăm sóc cho “cái tôi cội gốc” này thì cái ngọn của những thứ kia tự nó phát ra.
1. CỘI NGUỒN.
a) Phước đức.
Không khó để nhận ra có rất nhiều người siêng năng, tài giỏi hơn mình rất nhiều, nhưng lại không có được sự thành đạt. Có khi đã cố gắng hết sức mình gần như thành tựu rồi, nhưng đến giờ phút chót thì thất bại, không đâu vào đâu cả. Đó là do còn thiếu một chút may mắn. Có những người không tài ba lắm, nhưng gặp những vận may như trên trời rơi xuống nên mọi việc được thuận lợi và thành đạt tương đối dễ dàng hơn. Như vậy, để cho những tính toán và sự nỗ lực cố gắng của mình đi đến kết quả thì không thể thiếu yếu tố may mắn. May mắn là cách gọi nôm na bình dân của số đông người, nhưng cái tên chuyên môn của nó là phước đức. Người có phước đức sẽ giúp cho cuộc sống an ổn, làm việc dễ thành tựu hơn người thiếu phúc phần. Ông bà xưa thường nói: “Có đức thì mặc sức mà ăn.” hoặc: “Ông thời (may mắn, phước đức) đi khỏi thì ông giỏi cũng thừa.”. Đều là những thần ngôn khẩu quyết phán về tầm quan trọng của phước đức.
Phước đức là do mỗi người tự tạo nên. Nhưng cũng tùy vào cách làm mà có được phước lớn hay nhỏ. Làm từ thiện nhiều mà không biết cách, chưa chắc đã có phước lớn. Bởi đi làm vài đợt rồi nghỉ ngơi và hẹn thời gian sau có cơ hội mới làm tiếp. Có khi làm vì để được nhiều người biết đến mình, để đánh bóng bản ngã mình cho nên phước đức hạn hẹp. Khi bị một vài tình huống khiến mình không hài lòng thì buồn giận và nghỉ làm. Đó là giới hạn của người làm từ thiện qua bản ngã. Tất cả những việc làm tốt đúng nghĩa đều có phước đức và những việc làm tốt đó đều bắt nguồn từ tâm mình lớn rộng. Nếu tâm chúng ta thênh thang rộng lớn, bao giờ cũng có thể thuận tay làm ngay những điều tốt chung quanh mình một cách bình thường mà không hề toan tính lớn nhỏ. Với tâm rộng lớn thì tự mình muốn làm mãi như vậy không có lúc nghỉ thì phước đức cũng sẽ lớn rộng vô biên. Nếu tâm hẹp hòi thì không sẵn sàng để làm, hoặc lúc làm lúc nghỉ, có khi thấy người khác làm việc tốt còn sanh tâm đố kỵ, dèm pha, làm sao có phước? Bằng vào tâm rộng lớn, không những tự mình sống tốt, làm việc thiện liên tục mà còn rất hoan hỷ khi nghe thấy người khác sống hiền thiện, làm việc tốt cho đời. Phước đức này không sao tính đếm được. Mình không có nhiều tiền như nhà bên cạnh để cứu trợ đồng bào lũ lụt. Nhưng khi thấy vị ấy bỏ tiền ra làm từ thiện, mình sang nhà bỏ ra ít tiền trong khả năng vừa phải để tỏ lòng tùy hỷ vui với người kia. Đức Phật dạy, phước đức tùy hỷ ấy ngang bằng với người bỏ tiền của và công sức đi làm từ thiện. Giống như một ngọn nến có lửa đang cháy, ngọn nến khác chưa có lửa được mang đến để mồi. Cả hai ngọn nến đều tỏ sáng, nhưng lửa của ngọn nến bên kia không bị tổn giảm. Hai ngọn nến đều có ánh lửa như nhau. Công đức tùy hỷ cũng tương tự như vậy.
Trong cuộc sống, muốn những tính toán và nỗ lực của mình đi đến thành tựu, phải có yếu tố phước đức đủ lớn. Nhưng phước đức là từ tấm lòng rộng lớn. Nếu tâm quảng đại, chúng ta sẽ tự mình làm những việc tốt quanh mình mỗi ngày và tùy hỷ với những người sống tốt, làm tốt như thế. Được vậy, phước đức của chúng ta sẽ vô lượng vô biên; lo gì không thành đạt.
b) Trí tuệ.
Nếu có phúc mà không có trí tuệ thì chỉ dựa vào yếu tố may mắn, không vững chắc. Để mọi việc có tính căn cơ lâu bền và chắc chắn hơn, cần có thêm yếu tố trí tuệ. Trí tuệ là gì, từ đâu mà có?
Còn nhỏ thì được bố mẹ chỉ bảo. Lớn lên được nhà trường giáo dục. Trưởng thành rồi thì học hỏi kinh nghiệm ngoài trường đời. Tích lũy lâu ngày có được một số kiến thức, mọi người vẫn thường cho đó là trí tuệ. Vậy trí tuệ ấy đã đầy đủ chưa? Muốn biết rõ thì cần phải kiểm chứng.
Trong ngày làm nhiều công việc. Tối về được nghỉ. Tắm rửa, ăn uống, vào phòng mở máy điều hòa thư giãn, trả lại sự yên lặng cho mình. Lúc này tự dưng chúng ta nhận ra nhiều điều còn sai sót. Nếu trí tuệ đã đầy đủ thì không sai sót. Còn sai sót thì có nghĩa là chưa được đầy đủ.
- Khi nào thì nhận ra những điều còn khiếm khuyết sai sót kia?
- Là lúc trả lại sự yên lắng nhất của lòng mình.
- Làm rồi mới yên lặng và nhận ra sai sót thì liệu có còn cơ hội để sửa sai không?
- Không còn kịp nữa.
- Vậy muốn phát hiện kịp thời phải làm gì?
- Đem sự yên lắng đặt ngay lúc hành động. Vì yên lắng thì nhận ra sai sót.
Ngay khi yên lắng thì trí tuệ phát huy đúng mức của nó, chúng ta có được trí tuệ sáng biết đầy đủ. Tâm lặng mà sáng biết, đó là tâm thiền.
Biết là thế, nhưng khi gặp việc, đôi lúc chúng ta chưa thể bình tâm lắng xuống để kịp thời nhận biết một cách trọn vẹn được. Bởi hằng ngày chưa thực tập tịnh tâm, không dồn vốn thì làm gì có lực? Cho nên khi gặp việc có muốn lắng xuống cũng khó. Muốn làm được việc này, trong sinh hoạt hằng ngày ở mọi lúc mọi nơi, chúng ta luôn thực tập và sống bằng tâm lặng lẽ, sáng suốt, hoan hỷ. Thực tập như vậy được gọi là tu thiền.
Khi có trí tuệ này rồi thì chúng ta sẽ kế thừa những gì đang có; từ hiện tượng cho đến sự học hiểu, nhận biết để phát huy và làm tốt hơn. Đó là trí tuệ tái tạo. Những gì chưa có, chúng ta sẽ nhờ vào trí tuệ mà làm mới, tạo nên; là trí tuệ sáng tạo. Tái tạo và sáng tạo được đặt trên nền tảng của “trí tuệ nguồn” (trong lặng mà sáng biết một cách đầy đủ), chứ không phải là loại hình của kiến thức được học theo đuôi của một số kiến thức có sẵn khác, kết hợp lại rồi gom vào để nghiền ngẫm, tổng hợp. Càng không phải sao chép những gì đã có rồi làm cho què quặt đi để biến thành sản phẩm của mình.
Có được trí tuệ như vậy, cộng với phước đức rộng lớn sẽ cho chúng ta đạt được những thành tựu trong cuộc sống.
2. Cành, ngọn.
Một phần phụ có ra từ trí tuệ không thể thiếu cho việc góp phần đưa đến thành tựu, duy trì và phát triển; đó là kỹ năng.
Ở đây chúng tôi không liệt kê ra các kỹ năng đã có từ nhiều phía, bởi không thể liệt kê hết. Mà có liệt kê hết cũng không tài nào nhớ hết. Có nhớ hết đi chăng nữa thì chưa chắc đã ứng dụng được vào cuộc sống. Bởi cuộc đời không ngừng thay đổi, mọi tình huống không bao giờ đứng im đó để chờ chúng ta kịp ráp vào những khuôn mẫu kỹ năng trên sách vỡ cũ kỹ đã được học. Ở đây, chúng tôi sẽ góp ý cách thức rèn luyện để chúng ta có được nguồn, có năng lực để có được kỹ năng kịp thời ngay mọi tình huống xảy đến với chúng ta. Đó là rèn luyện bản lĩnh làm cho mình mạnh lên, kết hợp với trí tuệ nguồn, kỹ năng theo đó sẽ kịp thời phát ra đa dạng, đa chiều cho mình lựa chọn để giải quyết.
Cụ thể, trong lòng mình còn một điều gì cảm thấy ngán ngại, còn một thứ gì không thích, hoặc thích thú; đó là chỗ yếu của mình, là chỗ làm cho chúng ta bị giới hạn, tâm trí không được mạnh dạn, khai phóng, kỹ năng không thể có ra. Ngay chỗ mình ngại để tiến thẳng vào đối diện cho đến khi nào cảm thấy bình thường. Đó là cách điều trị hữu hiệu nhất để làm cho mình mạnh mẽ, không bị yếu hèn, ngăn ngại. Có thể làm giám đốc, nhưng ngại quét nhà thì hãy gan dạ cầm chổi đi quét dọn nhà vệ sinh cho đến khi cảm thấy bình thường. Tương tự, là một người làm gì cũng được, nhưng ghét nấu cơm; là một thanh niên mắc cỡ thiếu tự tin khi cầm giỏ đi chợ... Hãy cứ ngay chỗ đó mà làm để điều trị bệnh yếu hèn của mình. Không phải để làm những việc nhỏ mà để trị tâm bệnh yếu đuối ngay chỗ đang bị thương tích. Nếu cảm thấy ghét người nào thì nên đến nhìn họ và tươi cười như người mình thân thiết. Nếu chưa sẵn sàng thì hãy lấy ngay món đồ mình thích nhất đến biếu họ để trị cái tật ngoan cố khó chịu của mình. Dám làm như thế cho đến khi không còn thấy gì ngăn ngại, chúng ta sẽ cảm nhận được sự tự tin, mềm mỏng, khiêm nhường, nhẹ nhàng, tinh tế nhưng vô cùng mạnh mẽ không ai bằng.
Chiều ngược lại của không thích là ưa thích. Nếu muốn lớn mạnh, chúng ta cũng không cho mình được quyền ưa thích bất cứ gì. Với một chiếc điện thoại mới ra đời có nhiều tính năng cần cho công việc, nhưng nếu có thích thú thì khoan mua. Bởi mua ngay lúc ấy là đã chìu cái thích. Cái thích là cái mầm loạn động, là cái làm cho chúng ta yếu hẳn. Nếu gặp điện thoại động tâm rồi thích thú và ta chìu theo nó thì khi gặp cảnh khó, cũng do căn nguyên tâm động đã được chìu chuộng lớn mạnh và động nhiều sẽ khiến cho chúng ta không ổn định được, khổ đau bắt nguồn từ đây. Cũng cần chiếc điện thoại ấy, nhưng đợi cho đến khi không còn tâm ưa thích nữa thì mua. Có thể ngay tức khắc, có thể hôm sau, hoặc có thể cần nhiều thời gian hơn nữa để chiến thắng cái ưa thích của mình. Nếu bảo khó quá và cứ chìu theo nó thì hôm nay chúng ta hả hê với thành tựu của mình bao nhiêu, ngày mai sẽ đau khổ tột cùng khi thuận duyên không còn với mình nữa. Đây là một nguyên lý rất thật. Không ai bắt buộc được ai và cũng không ai có thể làm thay cho bất kỳ ai được cả.
Tất cả những thứ gì không có nó mà không chết thì chúng ta không cần. Có cũng tốt, không thì thôi, không ảnh hưởng gì khiến chúng ta phải chết cả. Không cho mình được quyền ưa thích điều gì và cũng không cho mình có quyền không thích một điều gì; làm được như thế, tâm ta tự lớn mạnh, vượt hẳn mọi người trong nếp nghĩ, ứng xử, cách làm... Cộng với trí tuệ vốn có, vô vàn kỹ năng sẽ phát ra kịp thời ngay tình huống chúng ta đang đối diện.
Phước đức rộng lớn, trí tuệ sáng ngời, kỹ năng phong phú, chúng ta muốn mình không thành đạt cũng khó được.
3. Từ một tâm thiền.
Tuy nói có ba yếu tố là phước đức, trí tuệ và kỹ năng mà thực ra chỉ từ một tâm thiền.
- Khi đạt được tâm thiền, tâm mình sẽ hoan hỷ vô biên. Tâm này vô tướng và không kẹt trên tướng, suốt qua các tướng nên tự nó lớn rộng không ngằn mé; là yếu tố chính để làm được tất cả các việc lợi người mà như là chưa từng làm gì cả. Phước đức từ đó cũng được rộng lớn tương ưng với tâm thiền thênh thang vô ngã kia.
- Khi đạt được thiền, tâm ta tự vắng lặng, có khuấy động cũng không thể nào động được, trí tuệ sáng rỡ, rõ ràng. Trong tánh sáng ấy vốn tự tịnh, tự định chứ không phải đợi tập trung hay phải làm gì đó mới được định. Trí tuệ rờ rỡ, rành rẽ, rõ ràng.
- Sống bằng tâm thiền sẽ có được trí tuệ tròn đủ, thể dụng không hai; có được thời trí, gặp việc liền đó suốt biết kịp thời, kỹ năng phát huy tuyệt đỉnh.
Có đại phúc, có trí tuệ lớn kết hợp với nhiều kỹ năng, đó là cội nguồn để có ra tất cả. Nhưng ba yếu tố ấy đều từ một tâm thiền, đạt được tâm thiền thì tự có đủ ba tính chất trên, cho nên tất cả đều từ một tâm thiền mà có ra. Có thiền sẽ có tất cả. Là cái tôi nguồn cội trước khi muốn có ra mọi thứ quanh ta. Và cái chính mình rốt ráo chính là một tâm thiền sáng rỡ, rạng ngời này. Nếu muốn đơn giản, dễ dàng hơn, hằng ngày chúng ta chỉ cần thực hành: Tâm an, thoáng rộng không để mình căng thẳng; lòng lặng mà tỉnh sáng; kế đến là linh hoạt mà tùy duyên trong mọi tình huống một cách dễ dàng và nhẹ nhàng. Thực tập lâu ngày như thế, chúng ta sẽ cảm nhận được nội lực, năng lượng và giá trị thấy rõ.
VI. TÓM KẾT CỘI NGUỒN VÀ HƯỚNG ĐI.
1. Cội nguồn thành đạt.
Cội nguồn là nguồn cơn, là căn nguyên, là cội gốc để có ra mọi thứ.
Như người có đôi chân mạnh khỏe nhưng nhắm mắt để đi thì càng đi càng bị tai nạn. Người có đôi mắt sáng mà đôi chân yếu thì không thể đi tốt như ý muốn. Vừa có đôi chân mạnh, con mắt sáng và biết kỹ thuật để đi thì đây là người có được những điều căn bản mà mình cần tiến tới. Đôi chân khỏe là ví dụ cho người có phước đức lớn. Đôi mắt sáng là ví dụ cho trí tuệ sáng suốt. Và kỹ thuật đi được ví như kỹ năng. Ba yếu tố này chính là nguồn cơn, là căn nguyên, là cội gốc, là có được điều kiện cần và đủ để đưa đến thành công.
2. Xác định hướng đi.
Cội nguồn đã có, kết hợp với việc chọn hướng đi đúng cách, sẽ đưa đến kết quả như ý muốn.
Muốn chọn hướng đi chuẩn xác, chúng ta có thể áp dụng qua bốn bước tại mục “Cách xây dựng, hình thành một mệnh đề trong cuộc sống” vừa được nêu trên. Đơn giản hơn thì trước tiên, chúng ta khoan để cảm xúc chi phối. Những gì thuộc về yêu ghét, hào hứng hay chán chường... tạm thời gác qua một bên, buông xuống hết, sạch trong lòng. Kế đó là giữ cho tâm bình khí hòa, nội tâm lắng xuống, tâm trí thoải mái và được khai phóng một cách tuyệt đối, tự nhiên. Trong tâm lặng sáng tuyệt đối, tự khắc trong tâm ấy mách bảo cho mình cảm nhận được mình cần làm gì. Cách này không thuộc về thả lỏng để làm theo cảm tính, cũng không phải căng thẳng suy tư, tưởng tượng mà có ra. Đây là cách lặng tâm, trí sáng và trong ấy chúng ta tự biết. Chúng ta phải thực tập và trải nghiệm rồi mới cảm nhận được điều đặc biệt này.
Có sở thích, có xác định được ban đầu mình muốn gì, hợp với điều gì, hướng nào. Nhưng tạm gác lại để lặng tâm, trí tuệ soi sáng và cho biết rồi sau cùng mới quyết định. Đó là “trong sở thích có trí tuệ, trong trí tuệ có sở thích” chứ không thiên hướng về một cực đoan nào cả. Là cách xác định hướng đi không qua cảm tính hay chủ quan và đạt đến chuẩn xác.
3. Đưa đến thành đạt.
Muốn bắn tên lửa đi xa thì phải có phần thuốc nổ đẩy đi và có mũi tên lửa; đó là xác định được cội nguồn. Kế đến là biết điều chỉnh để hỏa tiễn đi theo hướng nào; đó là xác định hướng đi.
Hỏa tiễn cho cuộc đời mình cũng tương tự. Muốn tiến xa trong đời, trước tiên phải xác định cội nguồn thật mạnh; đó là phước đức, trí tuệ và kỹ năng. Sau đó biết cách để định hướng đi; như là buông xuống, gác qua mọi cảm xúc, bình tâm tĩnh trí để thấy ra. Cội nguồn đã được xác định (tại phần 1), cộng với hướng đi đã được xác định (tại phần 2 ở trên), sẽ đưa đến thành đạt trong cuộc sống.
Nếu người nào muốn đạt đến cao siêu hơn thì chịu khó cầu tiến để tìm ra con người chế tạo ra hỏa tiễn; có đủ điều kiện kinh tế, trí tuệ và khả năng làm nên cả mũi tên, thuốc súng và định hướng để đẩy cho hỏa tiễn đi xa, trúng đích. Người ấy chính là tâm thiền nơi mỗi chúng ta. Đạt được tâm thiền, tất cả đều từ trong ấy.
4. Xác định cuộc sống.
Muốn cho cuộc sống của mình được thăng tiến, trước tiên chúng ta phải có được một cuộc sống với đầy đủ những đức tính tốt. Đồng thời, cần biết thêm một vài phạm trù cơ bản để phấn đấu, vươn lên.
a) Sống có đạo đức:
Một người đã có phước đức, trí tuệ và kỹ năng; có hướng đi chuẩn xác tự tin và chuyên nghiệp từ sự cân nhắc đúng cách và chọn ra, thì trong tâm người này tự có đạo đức. Từ đó biểu hiện ra ngoài cuộc sống, sinh hoạt, ứng xử, hành động cũng không thể có gì khác hơn là đạo đức được. Cuộc sống như vậy khiến cho cội nguồn thành đạt càng tăng trưởng và cuộc sống vị này ngày càng thăng tiến hơn.
b) Sống có lương tâm:
Tương tự, khi đã có được cội nguồn thành đạt thì con người này tự sống có lương tâm. Không lương tâm thì không thể có đủ các điều kiện cần và đủ để thành đạt. Và con người thành đạt ấy lại tiếp tục quen theo nếp sống có lương tâm mà hằng ngày vẫn thường sống như thế.
c) Sống nhẹ nhàng khiêm tốn:
Một khi đã nhận thức được căn nguyên để thành tựu mọi thứ đều từ ba yếu tố cội nguồn đã xác định trên, thì chúng ta sẽ lấy trí tuệ và đạo đức làm sức mạnh chứ không dùng bạo lực hay sự tranh giành hơn thua với mọi người. Từ đó, mình sẽ có được đời sống nhẹ nhàng, khiêm tốn.
d) Sống thành đạt:
Con người phần nhiều từ khó khăn làm nên cho nên buổi đầu khởi nghiệp ai cũng muốn mình thành đạt. Đây là mong muốn chính đáng, chưa có gì là lỗi cả. Nhưng khi đã thành đạt rồi tỉnh táo xem lại thì sẽ nhận ra, quan niệm sống thành đạt của buổi đầu sẽ mang tính chất “cho mình” và nghĩ về mình nhiều hơn. Nhờ tỉnh táo, bình tâm, tĩnh trí mới hay ra; và việc bình tâm tĩnh trí này không nhất thiết phải trải qua thời gian dài để thành đạt rồi mới thấy. Nếu người nào an tịnh để xem xét, cũng có thể nhận ra ngay đây và bây giờ. Cho nên, vẫn có những người bắt đầu khởi nghiệp cũng đã nhận ra. Muốn tiến thêm lên, chúng ta không những sống thành đạt mà còn phải sống tốt.
e) Sống tốt:
Muốn đẹp trước tiên phải sạch. Muốn sống tốt trước hết là một cuộc sống không sai. Một cuộc sống tốt sẽ tốt cho mình, mọi người và xã hội. Nhưng nếu chỉ dừng ngang sống tốt, có khi chưa phát huy được tính chất tích cực, chưa quên mình và hy sinh mình vì mọi người. Cho nên, muốn tiến bộ hơn, chúng ta nên sống tích cực, có ý nghĩa.
f) Sống tích cực, có ý nghĩa:
Đây là một cuộc sống cao thượng, không còn giới hạn trong phạm trù của vật chất; mà vật chất, tinh thần và trí tuệ đều có mặt, xuất hiện đầy đủ trong cách nghĩ, hành động và việc làm. Một bác sĩ đi làm cả ngày về khá mệt mỏi, nhưng nghe người nhà bên cạnh đột nhiên bị bạo bệnh cấp cứu. Nếu chỉ sống tốt và thành đạt thôi thì vị bác sĩ này bảo mọi người đi bệnh viện là xong. Nhưng là bác sĩ sống tích cực có ý nghĩa thì sẽ nghĩ rằng, mình mệt nhưng chưa phải là sắp chết như người cạnh nhà; liền đích thân sang thăm khám, sơ cứu và sắp xếp việc đi viện một cách chu đáo; thường xuyên liên lạc hỏi thăm kết quả điều trị... Nếu có một bác sĩ giỏi và nhiệt tâm như thế, ai cũng cảm kích, mến phục. Với nhiều việc làm tích cực tương tự, khi già yếu nhớ lại, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc đời mình sống qua thật là ý vị. Đó là một cuộc sống tích cực, có ý nghĩa.
g) Tóm lại:
Trong cuộc sống, không những chỉ sống thành đạt mà chúng ta phải biết sống tốt, có đạo đức, lương tâm. Không những sống tốt, có đạo đức, lương tâm mà còn phải sống tích cực, có ý nghĩa... Phấn đấu tăng dần trong nếp nghĩ và cách làm như vậy, phước đức, trí tuệ cũng theo đó được tăng trưởng thì cuộc sống của chúng ta nhất định mỗi ngày một thăng tiến thêm.
VII. TÓM KẾT CHUNG:
1. Xác định chính mình một cách đơn giản và tóm gọn nhất:
• Không làm các điều ác: Không làm các việc trái với lương tâm, sai với đạo đức, đó là không tạo nghiệp ác để phải bị quả báo xấu. Được vậy thì cuộc đời mình tránh được những xui rủi, thất bại, tai ương...
• Nên làm các việc lành: Nên sống tốt, tích cực làm các việc lành thì phước đức càng nhiều; cuộc sống gặp nhiều may mắn, thành đạt.
• Lòng luôn an tịnh, thoáng rộng: Ở bất cứ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng luôn khéo lặng tâm, thoáng rộng, không bị chú tâm căng thẳng hay tán loạn thì trí tuệ tự sáng ra. Có được trí tuệ là có được tài sản vô giá.
• Và đó cũng chính là lời chư Phật dạy:
Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành.
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật giáo.
Không làm các điều ác.
Nên làm các việc lành.
Giữ tâm ý thanh tịnh,
Là lời chư Phật dạy.
Đây là cội nguồn để có ra muôn thứ mình cần, cho những tính toán của mình đi đến kết quả tốt và lần tiến đạt đến chỗ siêu phàm. Làm được như vậy là dần khẳng định được hãy là chính mình; là thực hành theo lời các đức Phật chỉ dạy chứ không phải chỉ của một vị Phật. Thực hiện được lối sống hãy là chính mình thì gần gũi, bình thường, ai cũng làm được; nhưng lại không phải tầm thường, bởi đó là lời của chư Phật chỉ dạy, là rất phi thường. Bình thường nhưng không tầm thường; phi thường nhưng lại gần gũi, bình dị vô cùng. Khi được sống về là chính mình, không thấy thích hơn sao?
2. HÃY LÀ CHÍNH MÌNH.
a. Không bị mọi thứ nhuốm màu.
Một người chuyên nghiệp là người biết cách tìm ra cho mình một hướng đi khoa học và có hiệu quả. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng qua các bước, đi đến quyết định một cách tự tin, quyết đoán rồi quyết liệt đi theo con đường mình đã lựa chọn. Vì thế, họ không có thời gian để ngóng theo người khác mà luôn vững tiến trước một cuộc thế đầy sôi động, đa chiều. Họ không bị hiệu ứng số đông chi phối.
“Nhân vô thập toàn”. Cuộc đời của mỗi con người chỉ giỏi một phạm trù nhất định nào đó chứ không ai xuất sắc toàn diện cả. Một ca sĩ hát hay chỉ vì có thanh giọng, quãng hơi và kỹ thuật tốt chứ họ không phải là bậc minh triết có đủ tri thức và kinh nghiệm sống cho chúng ta học. Vì thế, khi thích một ca sĩ nào đó thì chỉ dừng ngang giọng hát thôi; và cần biết rõ mình là ai, đang ở đâu, nên làm gì; chứ không phải ảo tưởng rồi thích luôn cả nếp nghĩ, cách sống, hành động... của ca sĩ ấy. Các lĩnh vực khác cũng tương tự, mỗi người chỉ có một vài sở trường trong một phạm trù nhất định nào đó mà thôi. Nếu dễ dãi nghe theo bên ngoài và thích tìm những thứ lạ không phải của mình thì sẽ bị đánh mất chính mình từ lúc nào chẳng rõ. Đây là gốc của những đau khổ mà trong cơn say sẽ khó nhận ra. Theo thời gian rồi ai cũng biết, nhưng liệu có còn kịp nữa hay không?
b. Xét xem mình hợp với nhân duyên gì?
Mỗi người vào đời đều mang theo ba gói hành trang:
• Phúc lành: Cho ta những cơ may, thành đạt...
• Nghiệp báo xấu: Khiến cho mình chưa hoàn hảo, hoặc bị xui rủi, lận đận...
• Nhân duyên: Cho mình sở thích, hướng đi và biết nên làm gì là phù hợp.
Tất cả đều do nguyên nhân mình đã tạo tác từ quá khứ. Xưa kia tạo ác thì bây giờ phải chịu thiếu may mắn, hoạn nạn, gian nan... Ngày trước tu tạo điều lành thì bây giờ được hưởng phúc an vui, thành đạt... Đời trước chuyên về một lĩnh vực nào thì ngày nay sẽ thích và có năng khiếu phát triển theo lĩnh vực đó. Kiếp trước là một giáo sư chuyên về toán học thì kiếp này sinh ra thành thần đồng toán học... Đây là công việc đã được tập quen và thành thạo trong quá khứ, bây giờ ra đời chỉ ôn lại thôi. Thông thường con người chỉ nhìn thấy được trong một kiếp cho nên khi thấy đứa bé ra đời, chưa học hiểu gì mà đã giỏi một phạm trù nào đó liền gọi là thần đồng. Nếu suốt thông nhìn thấy được nhiều kiếp thì thần đồng của kiếp này chỉ là một việc quen tay đã được làm nhiều từ quá khứ. Nương vào đó để tỉnh tâm, cảm nhận rồi xét xem nhân duyên mình đi theo hướng nào là phù hợp và tốt nhất.
c. Xét xem vốn liếng (phước đức) của mình ngang nào?
Khi chọn một sở thích, một nhân duyên tốt và phù hợp thì cần xét xem mình có đủ khả năng để làm thành duyên đó hay không? Bằng cách qua các bước:
• Xác định tôi muốn làm gì?
• Xác định những yếu tố nơi chính mình đang có và những nhân duyên chung quanh liên quan hợp lại có thể làm nên được việc ấy hay không?
• Gác lại một thời gian ngắn để nhìn xem các nhân duyên tự quy tụ, hình thành.
• Xem lại, nếu các nhân duyên có thể thành tựu trên 70%, phần còn lại mình cần nỗ lực cố gắng thêm thì sẽ thành đạt.
• Nếu không thì nhân duyên ấy chưa đủ và chưa phù hợp với mình.
d. Những điều cần biết khác.
Không nên nhìn lên để mơ tưởng cao quá sức mình, không làm nổi rồi tự ty, chán nản, bỏ cuộc. Không nên nhìn xuống để tự hào, tự mãn, ngã mạn, xem thường người khác. Khi nhìn lên thấy mình không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì còn nhiều người khó khăn hơn mình để biết chấp nhận, an ủi và tiếp tục phấn đấu, vươn lên.
Khi đã xem xét kỹ lưỡng và quyết định một hướng đi nào đó rồi thì phải hết lòng và quyết liệt với hướng đã chọn. Cuộc đời không bao giờ là bữa tiệc dọn sẵn cho chúng ta. Có chưa thành công chỉ là vì chưa phải duyên của mình chứ không phải là thất bại gì cả. Nên chọn duyên khác. Sống là bước tiếp chứ không phải dừng lại cố định một chỗ nào đó. Khi biết, nhận ra là hết sai lầm. Không bao giờ là quá muộn.
Ai cũng muốn mình là người hùng, mạnh mẽ. Nhưng lấy gì làm sức mạnh? Như nghe tin bão sắp đổ bộ vào vùng đất mình. Nếu có được nhà kiên cố, chúng ta sẽ yên tâm hơn. Khi nghe thông báo chuẩn bị tăng giá xăng dầu hay tiền điện, người có tài sản lớn sẽ thấy đó là chuyện thường của cuộc đời... Những ví dụ nhỏ như thế để thấy, người có phước đức bao giờ cũng có sức mạnh và tự tin. Còn nữa, trí tuệ là tài sản lớn nhất của đời người. Trước một thời đại phát triển, người có trí tuệ sẽ tự tin. Người có trí tuệ, có tư tưởng lớn có thể thay đổi cả một đất nước nếu không muốn nói là cả thế giới, nhân loại. Cho thấy, song song với phước đức, trí tuệ luôn là một sức mạnh vĩ đại. Muốn có đủ phước đức và trí tuệ thì đời sống phải có lương tâm, nhu hòa, trung thực, liêm khiết; biết tự rèn luyện và không ngừng cố gắng để vươn lên. Nhận ra và sống được như vậy, chúng ta đã biết làm cho mình lớn mạnh từng ngày.
VIII. KẾT LUẬN.
Cuộc thế ngày mai có tốt hơn hay không, đều tùy thuộc vào tầm nhìn, hành động và sức mạnh đúng nghĩa của mỗi người hiện tại. Từ tầm nhìn đúng, hành động đúng sẽ đưa đến kết quả tốt đẹp như mong đợi. Nhiều cá thể sẽ làm nên đại thể. Muốn cho ngày mai tươi sáng hơn, mỗi người trước hết phải nhận ra cội nguồn rốt ráo chân thật nơi chính mình. Sau đó cần bình tâm tĩnh trí để phát hiện và khẳng định được sở trường để định hướng cho mình con đường tiến tới. Mỗi người đều có một cái hay và nên làm tốt sở trường của mình trong khả năng và điều kiện cho phép. Ai ai cũng phấn đấu nỗ lực hết sức mình để làm tốt như thế; đồng thời biết liên kết, hòa hợp bổ túc cho nhau. Mỗi mỗi cá thể đều được phát huy tốt nhất sẽ đạt đến một tập thể hoàn hảo, xuất sắc, đa dạng nhưng chan hòa tương trợ lẫn nhau. Người người đều sống tự tin và thành tựu như vậy. Tập thể nào cũng đạt đến đỉnh cao của sự phát triển và hòa hợp cùng nhau như thế thì lo gì ngày mai không tươi sáng?
Thích Tâm Hạnh
- Tag :
- Thích Tâm Hạnh